What's new

Du ký tuyển tập

Si Ma Cai - bài ca đỉnh núi… (Lào Cai, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng

Đứng ở thượng nguồn sông Chảy trên đất Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) huyền thoại, tôi chợt nhận ra rằng: có một cách để vẽ chân dung huyện lẻ, cụt, khuất nẻo Si Ma Cai - đó là đặt nó trong mối tương quan so sánh với thiên đường du lịch Sa Pa. Sa Pa và Si Ma Cai, tôi muốn ví "họ" như cặp nữ song sinh, cùng bánh đa bánh đúc, chơi ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền với nhau từ lúc miệng còn hơi sữa, rồi hai cô đều thảo hiền và rực rỡ với nhan sắc khuynh quốc đổ thành. Đến một ngày, Sa Pa may mắn hơn, vì nhà ở gần đường cái, nên một ngày chàng hoàng tử kiêu hùng nọ đi qua đã sớm rước nàng về làm… hoàng hậu. Si Ma Cai ở lại quê hương núi rừng, vẫn quyến rũ người ta chính bởi cái nét thậm hoang sơ "thơm tho ai biết/ ngát lừng ai hay" của mình.

Cái bụng con ngựa thồ

Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã phải lòng chốn tiểu thần tiên Sa Pa, và họ đã ngay lập tức quy hoạch, xây dựng ngành công nghiệp không khói (du lịch) ở nơi này. Với nguồn thu khổng lồ, với tốc độ phát triển chóng mặt, nay, Sa Pa trở thành thiên đường du lịch trên toàn cõi Việt Nam. Bản sắc, thiên nhiên ở Sa Pa bị khai thác đến cạn kiệt, cạn kiệt đến đáng sợ kiểu cô gái người Dao, người Mông xòe tay nói với khách Tây bồi "no money no photography" (không cho tao tiền, tao không cho chụp ảnh). Trong khi ấy, gần như giống hệt Sa Pa - cùng trong tỉnh Lao Cai, cũng ở giữa núi cao và mây mù, cũng ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, cũng sa mộc già gân guốc phác dáng đại bàng núi của mình lên nền trời đặc quánh mây, buốt giá gió lạnh; cũng sặc sỡ sắc màu thổ cẩm (với nhiều nét văn hóa đặc sắc của nhiều cộng đồng người biên ải) - thì Si Ma Cai hầu như bị người làm du lịch lãng quên. Không phải sự lãng quên nào cũng đã hằn là chuyện buồn. Vẻ chân chất quê mùa đó, trong nỗi niềm tái ông thất mã lịch duyệt, ai ngờ, đã tạo cho Si Ma Cai thật sự là bài ca khoáng đạt cất lên trên những đỉnh núi cao, núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy sông núi du mục bản làng nguyên sơ. Si Ma Cai...

Cả trên bản đồ, cả ở ngoài thực địa tột đất Việt Nam, Si Ma Cai đúng nghĩa là một bài thơ biên tái diệu vợi. Vòi vọi thành quách đá chồ ra mép đường đi. Si Ma Cai vốn tên một cái xã chỏm chòe lưng núi của huyện xa xôi Bắc Hà, đến lúc tách ra thành huyện mới, Si Ma Cai trở thành cái huyện hiểm trở đệ nhất miền đất mang hình cánh bướm vỗ cánh giữa điệp trùng mây núi (tỉnh Lào Cai). Chỉ mới cách đây dăm năm (xin nhấn mạnh điều này), đường lên xã Si Ma Cai vẫn bé bằng bụng ngựa thồ, bà con hơn chục xã khuất nẻo với 82% dân số là người Mông muôn đời chênh vênh trên vách đá. Dễ đến hàng tấn thuốc nổ mới khảm được một khúc đường ôtô lủi trong mây đặc quánh, bò quằn quại trên đá chênh vênh hôm nay. Nhiều khi mây đặc đến mức, cánh tài xế phải cho phụ xe đi đằng trước, tay huơ huơ một manh áo trắng vừa khuấy loãng mây ra, vừa làm hoa tiêu dẫn đường thì xe mới dũi mây mà đi được. Chệch nửa vòng bánh xe là đi đời nhà ma! Tầm nhìn xa đúng là chỉ còn… một mét, đỉnh núi cao nhất của Si Ma Cai nằm tại xã Quan Thần Sán, khoảng 2.800 so với mực nước biển. Nghĩa là chỉ thấp hơn nóc nhà toàn xứ Đông Dương có một tẹo. Ủ trong mây quánh, núi trầm mặc thò ra những thớt đá khía khấc lan man, tôi cứ ngỡ, núi trông như vừng trán nhiều nếp nhăn u uẩn của ông bố rừng già, người Cha bao dung suốt đời kể về khúc tráng ca của đá. Si Ma Cai như vầng trán bằng đồng bằng đá còn nhiều ưu tư của đất Mẹ.

Có nhiều cách lý giải cho cái tên Si Ma Cai. Có người chiết tự, Si Ma Cai có nghĩa là vùng đất của rồng ở. Thượng nguồn sông chảy trên đất Si Ma Cai là Pha Long, một xã sặc sỡ bản sắc của huyện Mường Khương – Lào Cai, nơi có cửa khẩu Lùng Cố Nhin nổi tiếng (sang Trung Quốc), nơi có ngã ba sông Xanh, sông Trắng gặp nhau. Pha Long, còn gọi là Phá Lùng, theo tiếng Quan hỏa, đó là con rồng hoa. Đánh vật với đá phiến, đá tảng dọc sông Chảy (bà mẹ sinh ra thủy điện đầu tiên của Việt Nam, thủy điện Thác Bà), chúng ta gặp vùng đất của các vị rồng ở. Không biết rồng có trú ngụ ở đó không, nhưng mây, núi, rừng nguyên sinh và những cộng đồng người vùng biên ải thương mến sẽ đưa gót lãng du của bạn tới một chốn bồng lai. Chốn ấy không hẳn là của riêng người trần tục nơi phố thị. Tôi đã từng đến và gắn bó với tả ngạn sông Chảy khúc thượng du ấy.

Bí thư huyện ủy Si Ma Cai, ông Tráng Seo Hùng, người Mông gốc gác Sín Chéng, thì nhất nhất phải cho rằng: Si Ma Cai là lối đọc chệch (bà con vùng cao thì phát âm cái gì cũng chệch so với người dưới xuôi) của cái tên Sín Mà Cái (hay Sín Má Cải), Sín là mới, vùng đất mới (như các địa danh Sín Chải, Sín Cái, Sín Thầu… vẫn thường gặp ở rất nhiều miệt rừng) theo tiếng quan hoả; còn Mà Cái là cái chợ bán con ngựa. Về chiết tự thì điều này rất đúng. Cũng lại hợp lý ở chỗ: bao đời nay, đến tận thế kỷ hai mươi mốt khi loài người hè nhau đi du lịch cung quế Mặt Trăng với lại Sao Hoả bỏng lửa rồi, đường lên nhiều xã của Si Ma Cai vẫn chỉ bé bằng bụng ngựa. Ngựa quẩy hàng xuống chợ, bụng ngựa còn chịn mòn nhẵn hai vách đá cao. Nên cái chợ ngựa có vai trò cực lớn và tuần nào cũng nhóm họp ở Si Ma Cai nghìn đời trước cũng là hợp lý. Dưới Bắc Hà, huyện cũ, huyện vốn chứa cả đất Si Ma Cai nay trong bụng mình, đã làm du lịch Chợ ngựa Bắc Hà quảng bá trên internet, trên các tài liệu hướng dẫn du lịch rồi đó ư? (Có gì là lạ nữa ru?). Xưa, đường không có, phương tiện duy nhất là ngựa. Sử cũ còn chép: trước đây, chợ ngựa họp trong khu huyện lị Si Ma Cai hiện nay, ở cạnh khu rừng cấm. Sau, dân đông mà đất chật ngựa nhiều, chợ ngựa mới tách một nửa sang cái chợ Si Ma Cai sặc sỡ thổ cẩm hiện nay, gọi là chợ ngựa mới (Sín Mà Cái) – cũng như chính sách dãn dân mà nhà nước ta vẫn làm. Từ bấy, bà con có một phong tục rất hay: trước mỗi phiện chợ ngựa (như chợ xe máy, chợ ôtô dưới xuôi), bà con tổ chức đua ngựa, chọn ngựa, định giá ngựa. Trai vùng cao đi chọn ngựa, có lẽ phải kỹ càng như nhiều người đi chọn vợ. Họ "thử" ngựa bằng cách đua từ chợ mới sang chợ cũ. Lẽ ra, khi có Chợ Ngựa Mới rồi, thì con đường nối hai chợ (nay trải nhựa) phải được gọi là "Trường đua" tiếng quan hỏa thì mới đúng.

(còn tiếp)
 
Bạn có thể edit bài đầu để thêm vào một cái mục lục link đến từng tác phẩm, như thế có thể hấp dẫn mọi người hơn.
 
Si Ma Cai - bài ca đỉnh núi… (Lào Cai, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo)

Đèn cao áp

Chợ Si Ma Cai giờ vẫn bạt ngàn ngựa. Nay, dẫu ngựa không còn là thứ phương tiện duy nhất để đến xã đến bản cheo leo đỉnh núi như trước kia nữa, nhưng nếu ai đã một lần lạc vào chợ ngựa Si Ma Cai, chợ ngựa trâu bò Cán Cấu (xã của huyện Si Ma Cai), thì mới thấy cái hương vị hoang sơ khoáng đạt nó dậy lên từ mỗi dáng ngựa. Người đến từ những đỉnh núi xa, họ uống vài chén rượu, chao nghiêng ngươờ leo núi (chợ họp trên dốc núi) như một cánh đại bàng xám. Lũ ngựa, trâu, bò trà trộn vào nhau, có những cặp súc vật hứng chí làm tình giữa chợ. Chợ ngựa, còn là cái chợ để ngựa gặp gỡ, giao hoan, tự tình nữa, chứ không chỉ là chợ để cho người vùng cao mua bán súc vật. Chợ tình cho người ta giải quyết những ẩn ức ái tình; cũng lại là chợ để cho đám ngựa đực ngựa cái chờ đợi cả một năm đằng đẵng rồi cõng ông chủ bà chủ đến. Ngựa ta cũng cứ là… hò hẹn, là ái tình “tháo khoán”, thậm chí thanh toán ân oán giang hồ giữa hai gã ngựa đực (tôi không phải là ngựa, song vẫn hồ đồ nghĩ thế). Nếu ai chưa từng thấy đôi ngựa trẻ trung tự tình, nghiêng ngó hôn nhau, cà cà đôi tai đôi môi vào nhau giữa chợ ngựa Si Ma Cai thì chưa bao giờ biết được sự quyến rũ của cái huyện duy nhất ở Việt Nam mang tên là Chợ Ngựa. Và, chàng đi bán ngựa, bán trâu nào cũng thản nhiên vẽ lên lưng con vật to nhất của bản mình một vài ký hiệu đánh dấu. Có khi lưng ngựa vẽ một khoanh tròn màu đỏ như tiết đọng, trong có tên của chủ bán ngựa “Ly Seo Châu”, ai mua thì cứ vào quán rượu thắng cố cho gọi đồng chí Châu ra ngã giá. Có con trâu mộng đang mệt mỏi “ế ẩm” (bán mãi không ai mua) ở góc chợ kia cũng đang nằm trệu trạo nhai sự ngẫm nghĩ của mình giữa dốc núi nhão nhào bùn đất sau mưa. Trên quả mông trâu viết chữ bằng vôi choe choét: “Vàng Chỉn Chúng”, chữ viết nguệch ngoạc. Có gã lái trâu miền xuôi lên, cứ nắm sừng con trâu có chữ “Páo” mà gân cổ gọi, ra điều tao có tiền mày ra đây mà bán. Gã không biết rằng, chú Páo đang nằm ôm đống cỏ khô ở cạnh quán chân giò lợn thui rơm uống với từng cái can màu vàng ướp ủ rượu ngô hạ thổ của Bản Phố.

Ngay cạnh chợ Si Ma Cai là khu rừng cấm. Rừng rậm rì, mây phủ là là trên những tán cổ thụ. Mặc xe máy chạy rèo rèo ngay đường nhựa qua mép rừng, mặc cán bộ huyện ai cũng đồng loạt đeo thẻ cán bộ và ăn mặc chỉn chu toàn comple cà vạt như Tây. Trong mây, mấy em má đỏ hây nổi lửa nướng ngô nếp nương bán ở cửa rừng cấm. Bà cụ bán xôi bảy màu ướp tẩm nhuộm quết toàn bằng lá với rễ cây rừng với hương vị rất ngậy, rất lành và ngồ ngộ cả thị giác lẫn vị giác của thực khách. Có bà cụ chỉ ẵm một con mèo con xuống chợ, thế cũng thành một phiên. Mèo ngồi trên đầu gối bà cụ vẫn còn ngo ngoe kêu như nhớ sữa mẹ. Có cô em má đỏ hây hây, miệng cười lấp lóe răng vàng, tay cầm một bó dây thừng loằng ngoằng, mỗi sợi dây buộc cổ một con lợn con con. Chúng đang lồng lên đòi vào dũi rừng cấm. Em đi bán cả đàn lợn. Tôi chưa gặp ở Việt Nam mình một cái thị trấn huyện lỵ nào mà còn giữ được một trảng rừng cấm nguyên thủy đến thế (kể cả những địa danh nghe tên đã thấy diệu vợi như Mường Tè, Mèo Vạc). Cả năm cấm kỵ không cho ai xâm phạm rừng cấm, đến bẻ một cành khô hay hái vài cái nấm về nấu canh cũng tuyệt đối không được. Tết của người Mông sắp đến, bà con lại lục tục đem đồ tế lễ vào rừng, họ cúng thần rừng, thề trước thần rừng rằng chúng con sẽ giữ gìn bảo vệ bà mẹ rừng. Giữ rừng thành một tín ngưỡng nguyên thủy của bà con. Hồi mới tái lập huyện Si Ma Cai (năm 2000) - trước, từ năm 1925, người Pháp đã chia địa giới để Si Ma Cai trở thành một huyện riêng lẻ như hiện nay - lãnh đạo địa phương về "tiếp quản" xã Si Ma Cai đã nhận định ngay về khu rừng cấm: có thể dựa vào thứ tín ngưỡng cội nguồn với rừng (cụ thể là khu rừng cấm) để ngành kiểm lâm vận động bà con bảo vệ rừng. Mô hình rừng cấm và suy nghĩ giữ rừng như giữ gìn sự lễ phép với thần rừng được nhân rộng. Nên, kiểm lâm huyện rất song phẳng khi báo cáo với cấp trên (hoặc khách xa): tỷ lệ rừng che phủ trên huyện núi đá (chỉ 28% là đất nông nghiệp) này tuy thấp, song diện tích rừng (tương đối) nguyên sinh rất nhiều. Vì có tục cúng rừng, rừng cấm bản nào cũng có một dải, với lời thề giữ rừng như giữ mồ mả tổ tiên. Không có cách nào giữ rừng tốt như giữ bằng… tâm linh.
Cạnh rừng cấm là ngôi đền hoang phế thờ ông Quan Công - Quan Vân Trường (nhân vật trong Tam quốc chí); rừng càng trở nên bí ẩn.

Bây giờ, huyện còn nghèo, nhưng khách hỏi thăm đường xá, cán bộ huyện tự hào bảo: bác đi 80km từ TP Lào Cai, đi hết núi đá, gặp một cụm dân cư hiếm hoi trước mặt, ấy là huyện em. Đi qua khu rừng cấm, gặp con đường có đèn cao áp, ấy là khu huyện uỷ, uỷ ban. Huyện không có bất cứ cái nhà nghỉ khách sạn nào. Và, trên toàn huyện mênh mông núi thẳm rừng hoang, mênh mông thượng du sông Chảy huyền thoại này, chỉ có duy nhất món đèn cao áp ấy thôi. Quan khách khỏi cần phải hỏi thăm, mà hỏi cũng khó, vì huyện nhà vắng lắm cũng ít có ai mà chặn hỏi. Huyện không có dịch vụ xe ôm. Có nhiều địa danh tên là Lù Thì Chồ (đường là cái thang đá bắc lên đến trời) lắm.

(còn tiếp)
 
Si Ma Cai - bài ca đỉnh núi… (Lào Cai, Việt Nam)
Bút ký của Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo và hết)

Huyện lỵ, dòng suối ngầm, lỗ hút nước

Cái việc nhiều cán bộ vừa dày dạn chiến chinh lại vừa tráng chí xông pha được đem “đồn trú” trên cao nguyên 1.500m so với mực nước biển Si Ma Cai này lập một cái huyện mới toe năm 2000 nó rất là tráng chí. Rất là khai sơn phá thạch (xin lưu ý, cao nguyên cao nhất nước Việt Nam là Cao nguyên Đồng Văn, chỉ 1.700m so với mực nước biển). Ông Đỗ Đình Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện là người ở vùng Trung du Phú Thọ lên Si Ma Cai đã 9 năm, ông bảo: tôi không thích nói sách vở, nhưng đúng là, khi mà mình biết nghĩ cho bà con mình, thì mọi cam khó không còn đáng ngán ngại gì nữa. Bà con lành lẽ, ăn đời ở kiếp với núi cao và mây mù này, có sao đâu. Mình lên đây, đói bà con cho ăn, khát bà con cho uống, uống say bà con đưa về. Cửa không cần đóng, xe vứt ngoài đường không sợ mất. Cả huyện có vài con nghiện thì toàn là lũ người dưới xuôi lên làm công trình, thỉnh thoảng họ lại bị cán bộ gọi lên răn mắng là "chúng mày khéo mà làm hư dân tao"! Một năm có bảy tháng giời mây mù như Sa Pa, trời se lạnh dưới những triền sa mộc ôn đới đẹp mê hồn, nếu anh lãng mạn một chút, anh sẽ thấy rằng, người Si Ma Cai quanh năm được đi ăn dưỡng. Từ những ngày dựng lều bạt dựng huyện mới, nhìn thấy thăm thẳm đá, não nùng những đá, có người đã buột miệng yêu cầu kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường: nếu chỉ cấp sổ đỏ cho đất thôi, thì Si Ma Cai không bao giờ làm được sổ đỏ. Nơi này, phải gọi là sổ đỏ cấp cho diện tích đá. Công trình gì ở nơi này cũng làm trên đá. Thốc mình vào, đá bằng gian nhà lăn ra, ghè đá ra lấy mặt bằng, một căn nhà ba mặt là đá. Dưới nền nhà cũng đá. Cứ sẵn nền đá triệu triệu năm vững vàng ấy mà xây toà ngang dãy dọc lên trên, khỏi cần đào móng ép cọc làm gì. Giữa đá có người thở dài, có cán bộ huyện quắc mắt: "Anh hy sinh một tí chuyện xa nhà, ở lều bạt ăn mì tôm. Nhưng anh đem lại niềm vui cho hàng nghìn hàng vạn bà con mình. Anh phải thấy điều đó là hạnh phúc chứ". Cũng hiếm có huyện nào mà cán bộ "xuất môn như kiến đại tân" (ra khỏi nhà đi làm - trừ khi đi vào bản xa để ba cùng với bà con – ăn vận phải chỉnh tề như bắt đầu một buổi tiếp kiến quan trọng) với thẻ cán bộ treo trước ngực một cách trịnh trọng như Si Ma Cai. Cán bộ huyện bảo: nơi này còn hoang sơ, mình phải ăn mặc tử tế để bà con nhìn vào. Mình mà lôi thôi lếch thếch, thì bà con đi ngựa, ở nhà chình đất, ăn mèn mén kia họ biết trông gương vào ai?

Mặt đất vốn không có đường, đường là thứ mà người ta đi mãi thì nó hình thành thôi. Không có đường thì ta mở đường. “Cả huyện không có một tẹo nhà nghỉ, khách sạn cũng chưa chết ai. Không có đường thì dân mình khổ lắm” - một cán bộ huyện tâm huyết. Thế là mùa khô đến, người người, nhà nhà, bản bản đi mở đường. Đường phá đá lớn của Chính phủ cho tiền cứ lùi lũi tiến vào thượng huyện. Trẻ em đói quá, nghèo quá, đi học cũng nằm lả trên ghế. Nhà các cháu xa đến mức, học xong, về ăn miếng cơm, nếu tiếp tục đến trường thì các cháu lội bộ đến lớp, có khi ông mặt trời đã đi ngủ. Núi quá cao, bàn chân lội bộ của các cháu thì nhỏ bé. Hôm nào trời mưa, vách núi trơn, 80% học sinh đành phải ngửa cổ trông trời mà đứt buổi học. Ông Chủ tịch xã, và ông hiệu trưởng trường Thào Chư Phìn xa xôi cứ trăn trở mãi rồi chợt mới nghĩ ra mô hình bán trú dân nuôi. Nghĩa là cho học sinh ở lại trường, bố mẹ các cháu góp gạo, thầy cô và các cháu nấu cơm cho các cháu ăn. Ăn no rồi tự học trong sự “quản thúc” của thầy cô. Ai ngờ điểm sáng giáo dục mang tầm quốc gia lại ra đời từ xó núi Thào Chư Phìn ấy. Mô hình bán trú dan nuôi ở Thào Chư Phìn, Sín Chéng, Bản Mế, Quan Thần Sán… giờ là niềm tự hào của giáo dục Lào Cai. Đường hay trường, nếu muốn sáng lên, nhất thiết phải nảy ra từ tâm huyết, từ phút cay lòng của người cán bộ biết nghĩ cho bà con mình như thế!

Có một câu chuyện rất lạ ở trung tâm Si Ma Cai thế này: khi xắm nắm lên gây dựng cơ đồ lập huyện mới ven khu rừng cấm nguyên sơ của xã Si Ma Cai, ông Sương (sau này là Bí thư huyện ủy Si Ma Cai, giờ là Tổng Biên tập Báo Lào Cai) và ông Lương (giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện) đã rất trăn trở về nguồn nước sạch cấp cho cả một cái huyện mới. Thì sống trên đỉnh đá tai mèo rợn ngợp thế, nỗi lo muôn thuở của Mèo Vạc, Đồng Văn vẫn là nước sạch. Bài toán đang bế tắc với Si Ma Cai thì một người già ở khu Phố cũ (trước là phố Hoa kiều) hiến kế: dưới thung lũng kia có một con suối ngầm. Không biết đỉnh đá ngất trời không bao giờ nhìn thấy chóp (vì đỉnh của nó ủ trong mây) kia nó đớp nước từ con sông nào ở xứ sở nào, nó ngậm nước trong bụng núi bao lâu bao xa, chỉ biết rằng, khi nhò ra kè đá ngoài thung lũng nó chảy rất đều, rất êm, chảy từ đời này qua đời khác. Nước ấm và lành Mắt ông Lương sáng rực, đó là một dòng sông ngầm trên địa hình chất ngất, sắc nhọn Katster – ông đã đọc điều này từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường vùng Cẩm Khê, Phú Thọ. Sông ngầm đã nhò ra, nhất định quanh đây phải có lỗ hút nước, hút nước biến mất vĩnh viễn trong lòng đất, lòng núi (để nó lại nhò ra ở một nơi nào khác!) - đó có thể là lỗ nước thải tạm thời và kinh điển của thị trấn (rồi thị xã, thành phố sau này?) Si Ma Cai. Thế là một “nhà máy nước” ra đời dưới thung lũng sâu, nước được bơm lên, đem đi xét nghiệm chất vôi của nó hơi nhiều (chảy ngầm trong đá vôi mà lị), không độc lắm, nhưng cần phải “khử”. Khử xong, bơm vào đường ông, cấp cho cả thị trấn ăn thả phanh. Nước thải, đặc biệt là hệ thống nước trời trong mùa mưa của toàn huyện lập trên nền đá phiến triệu triệu năm tuổi được vun vén cho chui vào một cái lỗ hút nước kỳ lạ do trời đất sinh ra. Anh em cán bộ thở phào: “Đúng là người tính không thể bằng… trời tính!”. Nước trời lại trả về cho trời đất. Một nhà máy cấp và thải nước vĩnh viễn không bao giờ có sự cố, vĩnh viễn không sợ ai phá đường ống hay ai thải cái gì độc hại từ phía đầu nguồn (vì sông cấp nước chảy luồn lủi trong núi).

Cùng với rừng cấm, lỗ hút nước và dòng sông ngầm đột ngột lộ thiên đều là những đặc sản mà tôi nghĩ, thị trấn Si Ma Cai nên đưa vào làm… tuyến du lịch về rừng. Thế là câu chuyện bánh đa bánh đúc của hai người đẹp cùng đánh chắt đánh chuyền Sa Pa – Si Ma Cai đã kết thúc có hậu. Dù người đi trước, người đi sau, nhưng rồi đường nhựa cũng vào tới nơi, và chàng hoàng tử hào hoa cũng đã đến đón cả hai nàng đem lên sắc dậy hương. Si Ma Cai - thành một bài ca đỉnh núi, một nàng công chúa ngủ trong rừng vừa bừng thức (khi cô bạn cùng xóm đã trở thành hoàng hậu từ 100 năm trước - thiên đường du lịch Sa Pa). Vẻ nồng say, hoang sơ, sặc sỡ, tựa lưng vào rừng cấm, uống nước dòng sông ngầm vắt mình qua bí ẩn đời sông kiếp đá của Si Ma Cai đang dần trở nên quyến rũ. Dần dà, người ta nhận ra tiềm năng của Si Ma Cai chính lại là những con đường chỉ bằng bụng ngựa, những bảo tàng hoang sơ, đậm sắc, ngỡ như chỉ còn trong cổ tích ấy.

Và, trong niềm vui mở đường đem ánh sáng mới tới thượng nguồn sông Chảy hôm nay, tôi còn thấy lấp lánh niềm vui của những người cán bộ âm thầm mê mải và kín đáo tự hào, lòng nhủ với lòng: mình là người đi tiên phong phá đá mở đường. Vùng đất lành lẽ, nhưng con người thô mộc ở sau rất nhiều dãy núi cao kia đã thốc thổi thêm cả ngọn lửa nồng say nào đó, cộng vào với tráng chí của những người "mang gươm đi mở cõi" (lập huyện mới) ấy. Vinh quang thay là người lính đi đầu. Tổ quốc ta, trong công cuộc đưa miền núi tiến kịp miền xuôi không đơn giản hôm nay, còn cần nhiều lắm những tấm lòng biết nghĩ cho đồng bào mình thật nhiều và thật ấm như thế. Lời tâm sự của ông Lương, trong căn bếp nhỏ, ngang bữa rượu đêm biên thùy, cứ ám ảnh tôi mãi: thì mình xa vợ con một tí, mình đem lại niềm vui cho cả nghìn cả vạn bà con mình - thế phải gọi là hạnh phúc chứ, sao chú lại nói là hy sinh…
Ngày 30-12-2006
Đ.D.H
 
Xa Đầm Thị Tường (Cà Mau, Việt Nam)
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư


Mình ngờ ngợ là mình đã quên cái gì nơi ấy.

Lục lạo lại thì đúng là mình có bỏ lại cây bàn chải đánh răng. Nghĩ lại, cây bàn chải đánh răng thì nhằm nhò gì, mà mình bứt rứt khó chịu như vậy. Mình vẫn còn cảm thấy bỏ lại một cái gì đó, khác hơn và lớn hơn, sâu đậm hơn nhiều.

Vậy thì có phải mình để lại Thị Tường một mùa gió chướng không?

Là vì? Mình về Thị Tường ngay đầu mùa gió. Chướng về lặng lẽ, nửa đêm nghe hây hây trên da, trên tóc. Nằm trong căn chòi giữ lú giữa đầm nghe gió lạc xạc trên nóc. Mấy cái đuôi lá xao xác, nước biển như chỉ chờ có vậy, chạy từ cửa sông ông Đốc qua kinh xáng Bà Kẹo, le liếm lan vào dòng ngọt. Thức dậy ngậm một ngụm đã nghe mặn cứng môi, vậy mà hôm qua mình còn lấy gáo múc lên rửa mặt. Nước đang lợn cợn đục bỗng trong vắt, phớt đỏ, người ta chép miệng, “Mới đây là nước “chè chè” rồi”. Chim én không biết về trước gió hay sau gió mà đậu chiu chít trên mấy đống chà. Nghe gió về, người Thị Tường hy vọng rất nhiều, rất nhiều mùa tôm cá đang đi tới.

Người Đầm Thị Tường làm lúa suốt năm nhưng trúng mùa nhất là vào giờ này. Lúa ngoài đồng sau đang xanh lá, có vạt trổ đòng đòng đất, chờ ngọn gió lao rao lạnh là đốn tre xuống lú. Miệng lú rộng tròn như miệng thúng, rộng hơn một tí, bao quanh bằng lưới. Lú giăng ngang Đầm, miệng nằm giữa hai cái ven lúc nào cũng hướng xuôi theo con nước đón luồng tôm. Con tôm ngộ lắm, tụi nó lội ngược, thấy ánh đèn treo trên đầu lú, tôm de đít vô. Không thể đếm có bao nhiêu ngọn đèn trên Đầm vào mùa này. Nhưng người Thị Tường biết rành lắm kìa, ngọn đèn kia là của một đôi vợ chồng son, đem theo là để xem lại album ảnh cưới, và tối nay đã có một vạt đèn vừa tắt ngấm của một cụ già nhất xóm chiều hôm qua đi vào cõi vĩnh hằng. Thị Tường trút bỏ vẻ lãnh đạm, ơ thờ ban ngày để trở thành một thành phố đêm rực rỡ. Thành phố của những người làm nghề hạ bạc. Những ngọn đèn chong mắt thức sáng đêm. Những ngọn đèn đứng yên mà như hấp háy trôi mãi, trôi mãi. Ửng mờ mờ những khuôn mặt người nhòe trong bóng nước. Thất tình cũng không thèm buồn. Cuộc sống đẹp thế, vui thế cơ mà.

Mình tiếc sao năm ngoái, không về mùa này, về ngay gió nầy. Khi đêm hoa đăng không mặc cảm với trăng đã từ từ giếng giăng sáng mặt Đầm. Mình thả xuồng ra đó chơi.

Ra Đầm, mình sẽ thấy mùa xuân đang tiến đến gần hơn bao giờ hết. Bờ lá dừa nước xa xa, mờ mờ sẫm. Bầu trời xa lắm. Mặt nước mênh mông. Mình cứ nằm soãi chân, tay gối đầu lên sạp xuồng, cần gì khua đầm, gió đẩy mình đi, linh đinh trong lòng nước. Sóng vỗ lốc bóc vô mũi xuồng. Dạt xa bờ, gió không khuất rặng dừa nước dày bịt, nên sóng cồn cào, nằm trên sạp đóng băng gỗ cau lão, nghe sóng nhảy nhót hấp hé be xuồng. Đầm Thị Tường bao đời nay không sâu lắm, nước có chỗ le đé ngực, có chỗ chỉ đém lưng quần, tại gió thôi mà hôm qua chiếc xuồng buộc ngang hông chòi, bị sóng đánh chập chã một hồi, chìm lỉm, còn dây buộc vướng lại nên cái mũi ngóc lên trời.

Tại gió mà có nhiều đêm không đốt đèn được, gió thổi phù phù. Gió giật hiu hút. Gió tháng Ba mang hương cà bắp, mùi hương dân dã bay ra từ bờ lá đang trổ rộ lưỡi mèo phèn. Gió tháng Sáu mang từ trong xóm quê mùi rạ tươi thơm, mùi rơm giòn đượm. Gió tháng Chạp bát ngát hương nếp mới, nghe rõ ràng nhịp chày hì hụp quết bánh phồng, những nhịp chày ròng rã. Những chiếc đệm, chiếc chiếu trải rộng trước sân nhà, dưới nắng phơi bánh phồng vàng óng màu mật ong.

Tại gió này nước cũng ngấp nghé lên. Không sôi réo ồn ào mà lặng lẽ. Rất lặng lẽ. Đêm ấy, nằm chò co trong chòi mà đang mơ thấy một người, nghe lưng dưng không lạnh ngắt. Lớ ngớ bò dậy thì nước lên đã ướt đầm lưng rồi. Cái cà ràng chị mình để trên sàn đang nấu cơm buổi sớm ngập nước rã ra làm ba mảnh. Chị mình buồn lắm, không biết có phải tại cả nhà bữa này ăn nồi cơm nửa sống nửa chín hay tại thương cho số phận ba ông Táo, nông nổi như vậy mà còn phải chia xa.
Nhưng mình vẫn còn quên cái gì ở đó vậy cà?

Không, mình có đem về quà xứ Đầm. Mình nhớ lời chị T. nói hôm trước. Chị ngồi tả, vừa tả vừa chắc lưỡi ngọt sớt: “Trời ơi, giữa trưa mà ăn cơm nguội vớì ghẹm muốỉ còn gì bằng, mà phải muốỉ cho thật mặn nghe,(chắc lưỡi), ăn đã dữ lắm. Còn mắm thì làm hai món: nấu ninh lược nước làm lẩu, ăn với cá rô, cá phổi, khổ qua, rau thì có rau đắng đất, cải xanh... mắm chua thì ăn sống. Mắm cá nâu ác bống nhỏ tẳn mẳn để nguyên con, trộn gừng, đường cát, vắt tí chanh. Gắp một con mắm cặp với chuối chát, khế xắt lát mỏng dính mà ăn, (chắc lưỡi), nó ngon hỏng biết làm sao mà nói. Vừa chua vừa ngọt, vừa chát vừa cay, tả một hồi bắt thèm”.

Mình nghe chị tả, hiểu lòng chị, xách về khệ nệ nào mắm, nào ghẹm. Ở Đầm, vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi. Ở Đầm người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy. Rồi hỏi về mắm, dù mùa cá hội đã qua lâu lắm rồi nhưng nhà nào cũng còn hũ mắm chưa giỡ, chỉ cần hé cái nắp đậy một chút đã nghe thơm lừng lựng mũi. Cái xứ ngộ, con người nhiệt tình, chưa kịp nói gièm thì đã dúi vào giỏ biểu mang về rồi. Tình thật, mình muốn mang về đâu phải bao nhiêu đó. Một buồng dừa nước cơm thơm, con cua gạch son, một mớ tôm bạc, tôm càng, một con cá dứa... cho bạn bè mình biết cái xứ mình hào phóng cỡ nào. Cho những người xa Đầm Thị Tường nhớ đến ứa nước mắt khi nhìn tại những món ngon năm cũ.

Có rất nhiều người từ Đầm Thị Tường ra đi. Đây Tân Phong, Đất Cháy, Kinh Một, Hai, Ba, Tư, Vịnh Dừa, Giáp Nước. Bà Ký, Thọ Mai, Vịnh Trăn, Mũi Mắm... những cái xóm nhỏ bình thường, cái tên cũng bình thường nhưng là vùng căn cứ nổi tiếng thời chống Pháp, Mỹ. Xứ ủy Nam kỳ ở đây, Tỉnh ủy nằm ở đây, các báo kháng chiến nằm ở đây, Xóm làng che chở. Trực thăng, máy bay địch không biết bắn phá ở đâu chiều về quẹo lại Đầm xả bom đạn chơi vậy, cũng không cần mục tiêu gì, bỏ xuống cho nhẹ lái, vì khát máu nên họ thấy cái đẹp mà không biết nâng niu, cảm nhận.

Hồi đó sao người ta thèm nhiều chuyện “độc” vậy không biết. Thèm buổi sáng ngắm mặt trời mọc từ Đầm, buổi chiều khập khựng úp mặt về mũi mắm cuối Đầm, thèm nhìn một bầu trời tinh tươm không bóng bầy ác điểu đen xì. Thèm thả xuồng ra Đầm, mang theo một ít ghẹm muối nguyên con, thịt non mềm, một tay cầm củ gừng một tay cầm con mắm cứ cắn gừng một miếng, cắn mắm tnột miếng mà lai rai dưới trăng. Có cầu kỳ gì đâu, có đòi hỏi gì cao sang đâu mà vì bom đạn chiến tranh vẫn không làm được.

Bây giờ những người từ Đầm Thị Tường ra đi có còn nhớ không? Đất và những con người hào sảng đậm chất Nam bộ. Đàn ông nhậu một mâm thì đàn bà cũng một mâm. Đàn ông say thì ca vọng cổ (đôi khi cũng buồn tình đập chén, đánh vợ không kể), đàn bà say chỉ nhảy múa cho vợi hơi rượu đi. Người dân móc ruột mình ra mà nuôi cán bộ, sống chết với cách mạng. Không đếm được bao nhiêu hy sinh mất mát của người dân xứ Đầm. Rồi có còn nhớ không những cơn gió?

Mình vẫn còn thấy quên, thấy xon xót trong lòng, có phải vì một bờ lá ven đầm bắt đầu nham nhở... Đứng bên này bờ Đất Cháy đã nhìn thấy lồng lộng những mái nhà trắng xám phía bên kia Phú Mỹ. Người dân phá lá ngoài Đầm, phá vườn trong xóm làm vuông, nuôi tôm. Những rặng dừa nước giao ngọn, âm u hoang sơ ngày xưa đã mất. Mình đứng tiếc. Có phải vì mình “văn nghệ” quá không? Có phải mình phi thực tế không?

Đầm Thị Tường vẫn là vùng nước mênh mông, vẫn như trái tim nối những mạch máu kinh rạch đi trăm ngả. Ừ, nhìn qua thì cũng như ngày xưa. Nhưng không, ngày ấy ông cố mình sinh ra mười người con, ông ra Đầm cắm đăng đặt đó, vậy mà thảnh thơi, mười anh em của ông nội mình cùi cụi khôn lớn, dựng vợ gả chồng và mỗi người lại sinh ra một đàn con khác. Ông nội mình lại ra Đầm, bắt đầu dầm dãi, nhọc nhằn. Đến đời ba mình thì không còn những mẻ tôm nặng ký. Chuyện cá tôm nhiều vô kể quanh năm, chuyện một chiếc xuồng con với vài tay lưới có thể nuôi cả nhà đã quá xa vời. Chuyện xuồng đi tới đâu, đàn cá nược đuổi theo đến đấy, dường như chỉ là cổ tích.

Ngày trước cứ năm trăm mét là một hàng lú, bây giờ là một trăm, những nò, những chà,... lưới chi chít mặt Đầm như một ma trận. Tôm cá thiên nhiên cạn kiệt. Mình xin mọi người đừng trách cứ Thị Tường ở bạc. Chúng mình thở gió Đầm, ăn con tôm, con cá trong Đầm, mặc cái quần, cái áo, từ Đầm mà lớn lên. Mai mốt này chúng mình tại vắt kiệt sức thiên nhiên để nuôi đám con chúng mình khôn lớn y như vậy.

Mình sợ ngày ấy, Thị Tường sẽ khác bây giờ. Nuôi tôm có thể nhiều nhà ngói, nhà lầu, có thể nhiều tiện nghi hơn bây giờ. Và vườn dừa cao vọi trong xóm không còn nữa, rặng dừa nước bao bọc ôm ấp con Đầm, nơi con cá kèo chạy giỡn rượt nhau, con tôm bạc ẩn mình... không còn nữa. Con người tự bào chữa, trấn an mình, tại không sống được vào nó nữa rồi chớ nào muốn làm cho vùng Đầm đánh mất nét duyên dẻ bao đời.

Mình sẽ trở lại Thị Tường, đứng bên bờ xáng, nơi có bụi ô rô lá võ vàng. Mình đứng đó trong lồng lộng gió, gió không hương. Mình đứng đó trong vàng dãi nắng, nắng cô hồn.

Mình sợ phải nhìn thấy Đầm Thị Tường vốn từng nhớ thương sâu sắc trong lòng đưa tay vẫy cái chào xa mãi.

Trong quyển Nước Chảy Mây Trôi
Lên mạng này ngày 22-10-05
 
Những mái trường chỉ biết có cơm rau... (Si Ma Cai, Lào Cai, Việt Nam)
Tác giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

1. Quả là tôi đi với miệt rừng tương đối thường xuyên. Cảnh nghèo se sắt, cảnh hoang rậm bịt bùng, những tưởng sẽ không còn là một chân trời lạ trong mắt tôi nữa. Vậy mà, không hiểu sao, chuyến ngược bắc ải Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) này lại ám ảnh đoàn công tác từ thiện chúng tôi đến như vậy. Hàng nghìn bức ảnh được bấm, nhiều giờ máy quay phim của VTV hoạt động tích cực. Về xem lại, nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ ở truồng, rét tím tái, thịt da ngoang nguếch. "Sinh thực khí" hồn nhiên của chúng phô ra, vương vãi với bùn đất, cỏ cây. Cha mẹ nuôi con như núi rừng nuôi cỏ. Cho đến trước khi cắp sách bước vào lớp một, trẻ em ở nhiều bản làng tôi đã qua, hầu như các cháu không biết đến khái niệm mặc quần, đi dép, đội mũ và tiếng Kinh. Những bàn chân trần nhỏ bé xéo òm ọp trên bùn đất giữa mây mù giăng bủa, giữa giá rét như kim châm phọt máu mười đầu ngón tay. Đặc biệt là hàng trăm mái lều xiêu vẹo của học trò dựng ven các ngôi trường. Mười trường như nhau cả mười, hầu như suốt tuổi học trò, bữa cơm nào cũng chỉ có cơm và rau cải. Khoảnh vườn trường nào (do học trò tự trồng), bữa cơm nào cũng chỉ có rau cải. Ăn chỉ là để no cái bụng đói, gạo bố mẹ đóng góp, rau cải ngoài núi đồi. Nấu cơm chỉ là nấu một nồi ba mươi cơm trắng; đun sôi nồi nước lã, xắt nhỏ rau cải xanh ra, ném vào quấy đều. Bữa cơm chỉ gồm hai cái nồi, một nồi cơm trắng toát, một nồi canh xanh lét. Trên chiếc bàn học sinh bằng gỗ dài thượt, mỗi "mâm" chỉ có hai cái bát to đùng, một bát xanh lét rau cải lõng bõng nước; một bát là cơm trắng. Trẻ con hau háu ăn như nong tằm ăn rỗi nó ngốn lá dâu. Và, ai đó bảo, có cơm ăn thay mèn mén muôn thuở (bột ngô đồ lên) là may mắn lắm rồi.

Chúng ta coi việc bữa cơm chỉ có nhõn nhòn món rau cải, bữa này qua bữa khác, năm nay qua năm khác, trường này qua trường khác… (bữa cơm ấy đi hết tuổi học trò của các cháu) là việc hết sức bình thường? Chúng ta bằng lòng với điều đó? Nỗi đau, ai ngờ lại nằm ở chỗ ấy.

2. Thào Chư Phìn là xã đầu tiên trong toàn huyện Si Ma Cai núi đá xa xôi thực hiện mô hình lớp bán trú dân nuôi. Cảm động lắm, "cô nuôi dậy hổ" dậy múa hát cho học trò ba bốn tuổi xúng xính quần áo Mông, Thu Lao đến cuối buổi, cô treo trước ngực em nào đó một tấm "phù hiệu": Nấu cơm cho các cháu (như thẻ cán bộ). Thế nghĩa là hôm sau đến lượt bố mẹ cháu bé phải thu xếp đến nổi lửa lo bữa cơm "bán trú dân nuôi" cho đám con đỏ của mình và của bà con mình. Tại trường tiểu học, nhà trường thuê một giáo viên vừa làm bảo vệ, vừa nấu cơm phục vụ mấy chục cháu nhà ở xa xôi phải tá túc "thiết quân luật" tại trường. Lên đến cấp hai (trung học cơ sở) các cháu đã lớn, tự cắt cử nhau ra, lần lượt hai cháu nấu ăn một buổi. Thầy Tiếp, hiệu trưởng bảo, giáo viên chỉ việc giám sát, và họ ý tứ cứ cắt cử một bạn khéo tay nấu cơm tập thể cùng một bạn hơi… vụng củi lửa, để các bạn rèn cặp nhau cùng tiến bộ.

Gạo nước thì bố mẹ các em đóng góp. Trường xây một cái nhà kho khổng lồ, gạo được phụ huynh nộp cả vào cho Ban khuyến học của xã, trường cần bao nhiêu, cứ vào kho đem lúa đi sát đi nghiền là xong. Có lúc, ban khuyến học xã Thào Chư Phìn giữ gìn đến 13 tấn thóc phục vụ con tàu chữ nghĩa của xã xa xôi tột cùng của miền địa đầu Si Ma Cai (cách tỉnh lị Lào Cai 100km, hầu hết bà con là người Mông). Con số này ở xã Sín Chéng còn lớn hơn, bởi trường lớp quy mô hơn và bữa ăn tập thể gồm nhiều học sinh hơn.

Mô hình đáng tuyên dương này xuất phát từ Thào Chu Phìn, là vì, bắt đầu từ năm 1991, bấy giờ, vận động trẻ con các bản đi học khó quá, bởi nhà các cháu quá xa, leo núi mất cả ngày đường. Trời mưa là đám trẻ núi bỏ học đồng loạt. Có đứa ăn no ngô răng ngựa ở nhà, leo như khỉ vượt dăm ngọn núi đến lớp thì đói meo, gục mặt lả xuống sàn lớp học. Mấy bà mẹ xót con người Mông, người Thu Lao ở bản Lao Pà Chải mới nghĩ cách đem con đến cổng trường học, dựng một cái lều tre bé bằng cái màn tuyn đang mắc ở đó cho con nằm ngủ qua đêm. Sáng chợ phiên bà đi qua, ném vào lều hai bó rau cải với túm gạo, cút dầu hoả. Tự đứa trẻ đi học về, nổi lửa nấu nướng, một mình một lều thực hiện công cuộc "trọ học" khá tiện ích. Hàng chục cái lều mọc lên khiến cho thầy hiệu trường nhà trường, nhà giáo Giàng Sín Chớ và ông Chủ tịch UBND xã Sùng Sào Mìn giật mình nhận ra cái tình yêu chữ Bác Hồ của những người sống sau nách núi ủ mây mù hoang lạnh kia. Lập tức, ý tưởng lập lớp bán trú dân nuôi thay cho manh lều xập xệ thỉnh thoảng được lẳng vào một bọc gạo với mớ rau của phụ huynh học sinh. Ông Mìn giờ nghỉ hưu ở bản Hồ Sáo Chải; ông Chớ giờ làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Họ được xem như hai ông tổ của mô hình bán trú dân nuôi trong toàn khu vực.

3. Giờ đây, có hàng trăm, hàng nghìn học sinh theo mô hình bán trú dân nuôi kể trên - chỉ tính riêng trên địa bàn huyện nhỏ bé, rợn ngợp núi đó, lẩn khuất trong mây xa núi thẳm Si Ma Cai. Chúng tôi đến thăm các trường tiểu học và THCS, THPT ở các xã: Bản Mế, Thào Chu Phìn, Quan Thần Sán, Sín Chéng... Hơn chục cái trường chúng tôi đã qua, đã ghi nhận. Có đoàn diễn viên lộng lẫy hơn chục người mang theo loa đài, ánh sáng, máy nổ biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại chỗ (do NSUT Thúy Ngần làm trưởng đoàn); hai cái máy quay hiện đại đệ nhất của Truyền hình Việt Nam thực hiện một chương trình hết sức quy mô; nhiều nhà báo và cán bộ huyện xã về thăm; vì thế, các nhà trường dọn dẹp phong quang. Nhưng, thu vén thế rồi mà cái nghèo, cái đói vẫn như cái đuôi nhằng nhẵng ma quái của núi rừng chẳng lẫn đi đằng nào được. Những cháu bé ở trường Sín Chéng đi đất đi học trong trời lạnh giá, quần áo thủng rách. Gạo, mì tôm, quần áo được phát cho những đứa trẻ dựng lều ven trường (do khu “nội trú” không đủ chỗ). Chiều đến các cháu ra suối tắm, nổi lửa nấu cơm, ngồi học với ngọn đèn dầu, trong căn lều đứng dậy cộc đầu, quay đằng nào lều lung lay đằng ấy. Bạn tôi, một nhà báo từng sống ở dưới chân tháp Effel bên "Kinh đô ánh sáng" quay xong những cảnh ấy, cứ ra sau cánh gà sân khấu dã chiến phục vụ đồng bào ngồi… khóc. Cô nghĩ về tương lai của bọn trẻ mà quặn lòng. Quặn lòng hơn cả là những bữa của chúng cứ ăn lặp đi lặp lại hai màu xanh và trắng ở tất cả các nhà trường, ở nhiều thời điểm, với học sinh nhiều lứa tuổi. Và người ta coi đó là một việc hết sức bình thường.

Nỗi đau của những bữa cơm hai màu ấy vinh dự đến sau niềm vui các em đã được đến trường, được "quản thúc" nghĩa tình trong các ký túc xá, được ăn cơm trắng thay vì bột ngô đến hẹn lại lên. Nhưng ngần ấy cũng đã đủ là nỗi đau khó hình dung với người Hà Nội, với thế giới văn minh rồi, tôi nghĩ vậy. Có những đứa trẻ, suốt 9 năm đến trường, học giỏi, cháu chỉ lác đác được ăn vài bữa cơm có hạt lạc rang, có tí mỡ tí thịt. Còn lại, bữa nào cũng cơm trắng, rau cải xanh nấu nước suối lõng bõng. Thầy Mai, hiệu trưởng trưởng Sín Chéng bảo: bố mẹ các cháu đóng góp mỗi tuần vài cân gạo đã là cố gắng lắm rồi. Nhiều nhà ở bản xa, nghèo đến độ không có một cái gì ngoài đôi chiếc nồi và một chiếc điếu cày cho ông bố đông con hút thuốc lào. Không góp gạo được, học sinh và bố mẹ cháu rất mặc cảm. Cơm và rau. Hôm nay có khách, muốn tìm mua ít lạc rang (đậu phộng) cho các cháu ăn để "quay tivi" nhưng không ở đâu bán. Vì mình cũng chưa đi mua thế này bao giờ. Trường chúng tôi có vận động mỗi giáo viên, một tháng tự nguyện đóng góp 15.000 VNĐ tiền lương để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Nhưng, chẳng thấm vào đâu, đành chuyến sang hướng: thương các cháu thì để ý đứa nào rách rưới, rét mướt quá mua cho cháu bộ quần áo 45.000 VNĐ. Các trường ở Bản Mế, Thào Chư Phìn, Quan Thần Sán cũng có nhiều giáo viên xót học trò, tự nguyện mua sắm quần áo, giày dép chống lại cái rét mướt hầu như quanh năm của những đỉnh núi chon von. Nhưng, nỗ lực đó cũng chỉ như muối bỏ bể.

(còn tiếp)
 
Những mái trường chỉ biết có cơm rau... (Si Ma Cai, Lào Cai, Việt Nam)
Tác giả, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
(tiếp theo và hết)

4. Lần nào, đến thăm một khu nội trú, một túp lều trọ học, tôi cũng chú mục vào bữa cơm của các cháu. Không bao giờ gặp một bìa đậu, một con cá mắm hay một cái gì đó mật mỡ mút mát gọi là thịt thà cá mú một tí. Rặt có rau xanh biếc và cơm trắng toát. Những bữa ăn lành lẽ; nhưng nhói buốt và ám ảnh. Mỗi cuộc đời chỉ có vài năm thơ ấu học trò. Dẫu ngôi trường có hai ba tầng cao, dẫu kinh phí từ nguồn trái phiếu chính phủ mà cả nước giành cho xây dựng cơ bản rót về nhiều thế hay nhiều nữa mà để bữa ăn các cháu đạm bạc đến cay xót trên diện quá rộng như thế, có nên không? Dăm năm học trò thơ ấu rồi cũng qua đi, chẳng có ai chết héo chết mòn hay chết buồn chết thảm vì ăn cơm chỉ có cơm trắng và rau xanh cả. Song nỗi buồn cho các em, nỗi ám ảnh cho những người chứng kiến cảnh đạm bạc quá ư kia cũng lại cứ còn mãi.

Các thầy cô giáo đều thở hắt ra: đau đầu nhất bây giờ là bữa ăn cho các cháu. Không có dự án cải thiện bữa ăn, không ai trích phần trăm cho việc cải thiện bữa ăn học trò (như trích tiền trong xây dựng cơ bản). Thầy cô, học trò cũng trăn trở với bữa ăn, họ đùm túm cưu mang học trò của mình, nhưng như thế làm sao xuể được. Chỉ cần có một nghìn đồng/học sinh/ngày ăn là có thể cải thiện bữa ăn chỉ có rau và cơm lõng bõng của các cháu. Trường nhiều nhất, đông học sinh nhất như trường Sín Chéng cũng chỉ có 80 em nội trú. Một ngày, các giáo viên nơi đây chỉ ao ước có thêm 80.000 VNĐ để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Thế mà nhiều năm qua, mong muốn này vẫn không có cách gì thành hiện thực.

Tại bản Sử Pà Phìn, xã Quan Thần Sán, cũng của vùng Si Ma Cai đang nói, trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi, ông Ly Seo Páo hồn nhiên bảo: bữa đến ông chỉ ăn cơm, không có rau đâu. Đi chợ chỉ dám mua mỗi thuốc lào. Lâu lắm tôi chưa được ăn thịt. Sắp Tết rồi à, tôi ăn thịt có lẽ từ Tết năm ngoái. Chủ tịch xã Ly Xuân Lẩu ngồi cạnh ồ lên: đúng rồi, Tết trước thịt lợn, tôi mang cho ông Páo một đùm. Ai nấy, cán bộ TƯ, cán bộ huyện, xã cùng chết điếng. Nhưng cái nghèo của ông Páo dẫu là sự thật, nhưng chỉ cá biệt thôi. Còn hàng trăm, hàng nghìn học sinh (tính riêng) ở Si Ma Cai mà chúng tôi đã gặp: bữa ăn chỉ có rau và cơm của họ đã trở nên phổ biến, quá quen thuộc. Quen thuộc đến mức không ai còn phải thắc mắc nữa. Cái dạ dày và sự háu đói của các cháu đã quen với sự đạm bác đi rồi. Ăn vẫn ngon, vẫn hết veo cả nồi lớn màu xanh lẫn nồi lớn màu trắng. Những năm tháng thơ ấu học trò vẫn có vẻ như an bình dù các em hầu như không biết đến thịt, trứng, sữa hay thứ lương thực, thực phẩm nào khác ngoài cơm trắng và rau cải xanh.

Khát khao có năm trăm đồng (năm trăm VNĐ người ta thường dùng để mua một nhánh hành ở dưới xuôi) hòng cải thiện mỗi bữa ăn cho một học sinh miền núi cứ treo đó. Để rồi, bữa cơm dọn ra, ở tất cả những trường trên Si Ma Cai mà tôi đã gặp, vẫn chỉ có màu xanh của rau cải và màu trắng của cơm tẻ. Nếu so sánh với cái giá ba nghìn VNĐ/lần đánh giày; hàng chục, hàng trăm tỉ đồng trong một vụ bê bối, tham nhũng mà báo chí vẫn liên tục, liên tục đề cập – chúng ta sẽ thấy nỗi đau ngấm vào mình rất ngọt. Và không bất ngờ khi bạn tôi phải ngồi sụt sùi khóc với câu hỏi tương lai của đám trẻ miệt rừng. Cái văn hóa vì cộng đồng, cái lý của lối sống bác ái bật ra từ nỗi ám ảnh ấy, từ phép so sánh ấy.

(Trên đây là vài dòng tâm sự, tôi - trong tư cách nhà báo - muốn gửi tới các doanh nhân có lòng hướng về người nghèo, lực lượng luôn đi đầu trong cuộc vận động nối vòng tay lớn vì đồng bào kém may mắn của mình. Kính thư!)

Si Ma Cai – Hà Nội, cuối năm 2006
 
Nửa thế kỷ trôi qua, đường lên cao nguyên Đồng Văn giờ đã được cải thiện rất nhiều. Gần hai mươi năm sau khi con đường Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc được thông xe, nhà nước ta tiến hành mở thêm tuyến đường Yên Minh lên thẳng Mèo Vạc (gọi là đường Quyết Thắng); cho nên, bây giờ, bạn có thể đi một vòng hình miệng thúng từ Hà Giang qua Yên Minh lên Mèo Vạc rồi vòng về Đồng Văn, trở lại thị xã Hà Giang chỉ trong... một ngày. Một ngày đủ du thám vòng quanh cao nguyên cao và hiểm trở nhất Việt Nam, đi xuyên qua con đường Hạnh Phúc mà phải mất 6 năm ròng rã, hàng nghìn thanh niên của 18 dân tộc anh em mới dùng tay đẽo đập đá làm nên.


Sau này, nhiều đồng đội và thân nhân những người đã khuất đến gặp ông Đảm để xin “tách rửa” khuôn mặt người thân trong ảnh ra làm... ảnh thờ.

Đây là một chi tiết rất buồn. Nó là bằng chứng nói rằng, nỗi đau đáu sợ rằng con đường Hạnh Phúc và chiến công mở đường Hà Giang - Đồng Văn sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi cả... ký ức của chúng ta là có thật. Là cần thiết. Nếu lãng quên là có tội.

Tôi không nghĩ là vì khó khăn của thời ấy (những năm 1960) mà chúng ta hầu như không lưu giữ được ký ức về việc xây dựng đường Hạnh phúc - Vạn lý trường thành Việt Nam! Chắc có lẽ, chưa một ai đặt mình vào vị trí của những người cống hiến 6 năm tuổi trẻ cho phần công việc khó khăn, khốc liệt, nặng nề và có thể hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào của hàng vạn lượt thanh niên xây dựng đường Hạnh Phúc. Không ai nghĩ, ký ức về con đường Hạnh Phúc sẽ đeo bám cả một thế hệ, suốt cả một đời.

…tôi hỏi anh Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang, anh ấy cũng thật thà: cháu cũng không hiểu tại sao đường Đồng Văn lại tên là đường Hạnh Phúc, bác ạ.



Đường Hạnh Phúc là con đường có lịch sử phá đá thủ công nhất, khủng khiếp nhất, đi qua biển đá tai mèo, đá phiến dữ dằn nhất Việt Nam. Một Vạn lý trường thành của Việt Nam.


Trong diễn đàn chắc hẳn đã có nhiều bạn đi qua cung đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Hôm nay xin gửi tiếp một ký sự dài kỳ của anh Đỗ Doãn Hoàng về lịch sử khai mở con đường này. Vì bài viết rất dài (khoảng 50 trang A4, bao gồm cả hình ảnh) nên mình chỉ xin trích lược những đoạn mình cho là quan trọng ở đây. Bạn nào quan tâm có thể tìm đọc bài viết đầy đủ tại http://my.opera.com/dodoanhoang/blog/?id=1167246 trong đó có thêm nhiều chi tiết thú vị mà có thể bạn muốn biết.


Cuộc trường chinh vào trong lòng đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của Đỗ Doãn Hoàng
(lược trích)

Lâu nay nhiều người cứ lầm tưởng cao nguyên Đồng Văn chỉ gồm có một mình địa giới hành chính huyện Đồng Văn bây giờ, nhưng thực ra, đó là cụm từ chỉ vùng đất mênh mông núi đá gồm hầu như toàn bộ cả 4 huyện Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn – Mèo Vạc. Cao nguyên Đồng Văn là cao nguyên cao nhất của toàn bộ đất nước Việt Nam, khoảng 1.600m so với mực nước biển (xin lưu ý, Phanxipang cao 3.143m của dãy Hoàng Liên Sơn chỉ là đỉnh núi cao nhất Đông Dương - chứ không phải với tư cách là một cao nguyên).


Với tất cả những chú giải khí hơi dài dòng kể trên, người viết bài này muốn nói một vấn đề: đến tận năm 1959 (tức là khoảng 5 năm sau khi người Pháp bị đánh bật khỏi Điện Biên Phủ và rút khỏi nước ta), cao nguyên Đồng Văn vẫn chưa có đường để bánh xe có thể lăn vào. Đường, từ trăm nghìn năm qua, ở cao nguyên này (trước năm 1963) chỉ là đường mòn để cho người ta đi bộ, hoặc đi bằng ngựa thồ. Những kiếp cuốc bộ, những bước chân ngựa Mèo trệu trạo, trồi thụt, nhục nhằn trên đá. Vùng đất mênh mông, rợn ngợp chỉ có đá, đá và đá ấy chìm khuất trong mây, trong mông muội, thiệt thòi. Và cả trong bí ẩn, với ít nhiều lầm lạc. Có lẽ, bấy giờ, năm 1959, khi quyết định mở đường, người ta cũng không hiểu miền đá rộng và khắc nghiệt đến rợn người Đồng Văn khủng khiếp tới mức nào. Chỉ biết rằng, không mở đường thì không có cách nào đánh thức được cao nguyên đá.

Trung ương quyết định mở đường vào Đồng Văn – Mèo Vạc, suốt 6 năm trời, hơn hai triệu công lao động của thanh niên xung phong 6 tỉnh của Việt Nam đã mở được 160km đường từ thị xã Hà Giang vào Mèo Vạc. Xin nhắc lại là: hơn hai triệu ngày công, với lưu lượng ngày nào cũng có cả nghìn thanh niên (chưa kể dân công nghĩa vụ) đổ máu, đổ mồ hôi, lao động thủ công phá đá mở đường trong 6 năm ròng để có được con đường 160km xuyên qua biển đá mênh mông.
Con đường ấy, Trung ương đặt tên là Đường Hạnh Phúc, thật ý nghĩa. Có cả một nghĩa trang ở huyện Yên Minh hiện nay, dành để tưởng nhớ những chàng trai cô gái đến từ 8 tỉnh của Việt Nam đã ngã xuống cho con đường Hạnh Phúc được ra đời.

Tiếp đến là con đường Quyết Thắng dẫn từ Yên Minh ngược thẳng Mèo Vạc rồi vòng qua Đồng Văn cũng chồng chất khó khăn như đường Hạnh Phúc. Bây giờ, chúng ta có hai con đường lịch sử: gồm đường Hạnh Phúc (nối Hà Giang - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc) và đường Quyết Thắng (nối Yên Minh – Mèo Vạc); hai con đường chạy thành hình vòng thúng (gần tròn) như đôi tay bà mụ xâu chuỗi từng bản làng, nâng bước, vực cao nguyên Đồng Văn thức dậy từ hoang sơ, cam khó, tận khổ.

Trước khi kết thúc lời “dẫn chuyện” dài dòng này, tôi xin nói về vài chữ nhất nữa: đường Hạnh Phúc là con đường có lịch sử phá đá thủ công nhất, khủng khiếp nhất, đi qua biển đá tai mèo, đá phiến dữ dằn nhất Việt Nam. Một Vạn lý trường thành của Việt Nam.

Con đường ra đời, lần đầu tiên 8 vạn bà con sống trong biển đá ngờm ngợp của cao nguyên Đồng Văn được trông thấy cái... ôtô. Đó là một đại công trường mà lịch sử nước nhà không nên quên lãng như chúng ta đã đối xử với nó trong gần nửa thế kỷ qua.


Bây giờ, trên đỉnh Mã Pí Lèng có một tấm bia đá (lại là đá) tưởng nhớ cuộc chiến khốc liệt với đá này, như sau: “Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn – Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959; ngày hoàn thành 10/3/1965. Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao Bắc Lạng – Hà Tuyên Thái – Nam Định – Hải Dương. Riêng dốc Mã Pì Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”.

Những dòng chữ khiêm tốn, giản dị, mờ tỏ trong mây mù ở cái nơi mà nhìn sông Nho Quế chỉ bé như sợi chão vắt ngang các triền thung lũng xanh như có như không ấy chỉ là lát cắt tí tẹo của một cuộc trường chinh dài dằng dặc của tuổi trẻ Việt Nam chiến thắng sự khốc liệt của đá.

Có câu chuyện rất thật mà nhiều cựu thanh niên xung phong làm đường Thanh niên Việt Bắc cùng kể với tôi, rằng: chính những người tối mặt tối mũi chiến đấu với biển đá, trong suốt 5 năm ròng kia, họ cũng không có lúc nào ngẩng mặt lên cổng trời để thấy những gì mình vượt quá nó vĩ đại tới mức nào.

Mãi sau này, ngồi ôtô, ở tuổi cổ lai hy, vượt cổng trời Quản Bạ, rẽ mây mù Mã Pí Lèng, anh chị em mới cùng thót tim: độ ấy mình hăng thật! Tuổi thanh niên như chim tung bay thật! Nếu ai đã sống trong những ngày, tại công trường có tổ chức cả triển lãm về tấm gương khi tổ quốc cần, sẵn sàng tự chặt tay mình ngoài trận tuyến La Văn Cầu; tấm gương đội đất rụng trụi cả tóc mây của nữ anh hùng thuỷ lợi Trần Thị Vách; triển lãm về phong trào cờ Ba Nhất, gió Đại Phong, sóng Duyên Hải… thì mới cảm nhận được cái tráng chí xả thân của người trẻ trên công trường làm đường Hạnh Phúc lúc bấy giờ.

Sự chờ đợi của tám vạn đồng bào Đồng Văn – Mèo Vạc, ở phía sau mấy cái cổng trời; những người chưa hề biết đến bánh xe tròn từ cuộc sống văn minh kia mới là lời hiệu triệu thiêng liêng nhất. Tổ quốc nơi địa đầu đang đang gọi người trẻ xông lên tuyến đầu để được cống hiến. Tuổi trẻ, bao giờ cũng là như thế.


Đó là một kỳ tích, mà đời người ta không phải ai cũng may mắn được tham gia, để thấy mình đã sống không vô nghĩa, đã biết tình nguyện cống hiến vì những đồng bào chịu nhiều thiệt thòi sau rất nhiều dãy núi đá. Quan trọng hơn, là họ đã trưởng thành từ trong gian nan của biển đá.

(còn tiếp)
 
Cuộc trường chinh vào trong lòng đá (Hà Giang, Việt Nam)
Ký sự dài kỳ của Đỗ Doãn Hoàng
(lược trích)

(tiếp theo)


Tay búa, tay troòng, một mình khắc tự xoay sở quai búa, khoan choòng. Mà một tay tôi 3 cái mũi troòng cơ. Một mũi 30cm dùng để mở lỗ, tức là lấy búa đục mũi troòng vào đá. Khi có lỗ nhỏ rồi, bèn rút mũi troòng 60cm ra,đút vào, đục đá tiếp. Cuối cùng là rút cái troòng dài 1,2m ra thay cho cái troòng 60cm.


Điều đó không đơn giản, choòng là dụng cụ như cái xà beng, gồm 8 cạnh (ta thường thấy là loại 6 cạnh) của Trung Quốc. Anh chị em khoan lỗ trên đá, rồi đổ nước vào, một người giữ, một người đục - xoay cái choòng để thúc nó khoan sâu vào lòng đá. Đục tay, khoan tay.

Mãi khi công trình đường Hạnh Phúc cơ bản hoàn thành, chỉ còn vài khúc vào Mèo Vạc, anh em mới được cấp cho duy nhất một cái máy khoan DK34 của Tiệp gồm 6 mũi khoan. Còn lại, toàn bộ công việc dời non lấp bể theo đúng nghĩa đen kể trên, chỉ thuần tuý dùng sức lao động chân tay của nam nữ thanh niên 16 dân tộc, thuộc 8 tỉnh nước ta.


Đội cơ dũng đã có một sáng kiến tuyệt vời, họ dùng toàn bộ choòng (xà beng 8 cạnh) - trước đây dùng để khoan lỗ nhét thuốc nổ - cắm dọc vách đá xám cao hàng trăm mét Xống-mũi-ngựa. Rồi anh em dùng dây buộc vào các cái cọc (xà beng) cắm chi chít ven vách đá cao cả nghìn mét so với... mặt sông Nho Quế rồi cảm tử đu người trên các sợi dây đó mà dùng máy khoan khoan đá.

Khoan lỗ xong, họ lại đu mình trên các sợi dây vắt dọc hàng cọc xà beng trên vách đá mà tìm chỗ nấp nú. Tìm chỗ an toàn, bắt đầu khai hoả nổ mìn. Đá rơi như trời long đất lở. Cứ thế, họ tiến từng bước dọc khối đá to như... quả đất của Mã Pí Lèng, nhích từng xăngtimét vào phía Mèo Vạc.


Kỷ niệm đau nhất của ông Mai, không chỉ là những hình nhân xanh như tàu lá vì sốt rét ác tính, những cuộc “tống tiễn” thê lương vì “giữa đường đứt gánh” của những chàng trai cô gái trẻ chốn rừng thiêng nước độc – mà lại là một… bữa ăn. Đơn vị cả trăm người thuộc C Lạng Sơn các ông, bấy giờ lương thực khan hiếm, ông là cấp dưỡng, bèn cho người vào bản mua một ít đậu phụ của người Mông về, thả vào nồi nước nấu lên làm canh - kiêm làm thức ăn. Có khi “cơm” hết cả gạo tẻ, phải nấu bằng gạo nếp thật nhão, quấy đều lên rồi cứ thế sột sệt ăn.

Nằm trong lán, khỉ chạy ào ào như... gió ở ven rừng. Lợn rừng, nai thì nhiều vô kể. Bà con quý thanh niên mở đường lắm, có vài tàu rau cải, vài quả trứng gà họ cũng mang sang cho. Mỗi lúc họ thịt bò, có khi họ xách cho cả một đùm 5-7kg, cứ là ăn ngấu nghiến như tráng sỹ Lương Sơn Bạc.

Những ngày mưa dầm gió bấc, sống trên đá lạnh đến dưới âm mấy độ. Gió rít, rét buốt như muốn long từng đốt ngón tay ngón chân ra. Lại càng đói. Đói hơn là khi đường tiếp phẩm bị sạt. Cả chục ngày ngựa thồ và xe tải không vào được. Anh em bảo nhau ăn ngô sống tự cứu mình trước khi trời cứu!

Chậu nước khe đục ngàu như nước ruộng trâu đằm thì còn lọc được. Chứ nhai ngô răng ngựa ngày này qua ngày khác, anh chị em cố bảo nhau càng nhai ngô càng ngọt, dù chẳng ai có cảm giác ấy. Thò tay ra nhúm một vúm muối trắng bỏ vào miệng nhai với ngô, cũng chẳng thấy… ngọt.


Sợ nhất vẫn là nạn thiếu nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt mang từ sông suối xa tít tắp về, cán bộ cho vào kho khóa lại cẩn thận, bảo quản như báu vật. Mỗi sớm mai, anh em mỗi người được nhà quản lý mở cửa kho, phân phối một ca nước vừa đánh răng vừa tận dụng cho hàng chục các nhu cầu khác nhau mà có lẽ chỉ rơi vào hoàn cảnh ấy người ta mới hình dung được tại sao mình lại sáng tạo ra được cái chu trình tiết kiệm nước tài tình đến thế (rửa mặt, cất đến chiều rửa chân tay (vì khi đi làm đeo giày bata, chân và bít tất rất... bốc mùi); đêm giặt bít tất; giữ nước lại kẻo nó bốc hơi để hôm sau dùng nước ấy đổ vào lỗ choòng khoan đá mở đường).

Mỗi tuần, anh em được chiếc xe tải cũ như cái chuồng gà của công trường chở lên Phó Bảng tắm một lần.

Trong khi đó, mở đường vượt qua Đồng Văn, sang đỉnh Mã Pí Lèng, anh chị em mới chợt nhận ra cái chân lý đau đớn cho dòng sông Nho Quế lãng mạn: nước sông Nho Quế là thứ nước chỉ để nhìn chứ không thể ăn được. Không một ai đủ sức đi bộ xuống vực sâu ngàn mét, sờ thử xem dòng nước chảy lưng chừng trời Nho Quế ấy có phải là nước thật không. Là nước thì có ăn được không. Con sông chảy như trôi trong mộng, còn cơn khát sau cả ngày treo mình trên vách đá đục đánh đá lại gào réo rất thực. Thành ra, nhìn sông mà khát, thì nỗi khát cứ lớn mãi lên.


Thoát khỏi nạn “giặc cướp” thì lại đến bệnh tật. Khí hậu quá khắc nghiệt, có những eo núi (chân cổng trời), lúc nào cũng ngột ngạt khí độc, có những nơi, lạnh đến mức tuyết đóng đầy cả một thung lũng rộng. Có khi, đến giờ, có kẻng ra công trường, cả một đội 12 người thì chỉ còn có 2 người đủ sức… nhổm dậy được. Tất cả nằm ốm la liệt như một cái bệnh viện. Kể cả y tá của A (nhóm 12 người) cũng nằm bẹp.

Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: tôi chết, tôi sẽ chết ở đây. Tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây, con đường được hoàn thành, anh em về lại quê hương Lạng Sơn. Liệu có ai còn nhớ đến tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy. Nói rồi, anh tắt thở (khi ấy anh vừa tròn 19 tuổi).

Không kém phần sầu thảm là cái chết của anh Vũ Đức Lộc, người Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn. Năm 1960, khi đang yêu chị Nguyễn Thị Gái (cũng người Lạng Sơn, tham gia trong đơn vị mở đường) rất thắm thiết, anh ngã bệnh và chết.

43 năm sau, bà Gái về quê, lấy chồng, goá chồng và trở lại con đường Hạnh Phúc tìm mộ người yêu. Nấm tròn hiu hắt trong nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã làm bà Gái không khỏi buốt lòng. Bà ngất lên ngất xuống, lăn xả trên mộ “người chồng trong mộng” giữa đường đứt gánh.

Cũng như năm xưa, khi còn đôi mươi, chị Gái đã áp sát quan tài, nằng nặc đòi nhảy xuống hố chôn chết theo người tình. Năm 2003, đoàn cựu Thanh niên xung phong già nua thuê xe “tăng bo” mấy lần mới vượt được núi đèo vào Yên Minh, mọi người đã hốt hoảng ôm lấy bà gái, ông Kiềm là lãnh đạo đoàn van vỉ: bà thương chúng tôi, đừng đau lòng nữa. Bà có buông nấm mộ anh Lộc ra không? Bà đang bị huyết áp với lại bao nhiêu là bệnh. Bà đột quỵ, ngất ngủng ra giữa rừng núi hoang vu này, thì chúng tôi chết mất. Ai đo huyết áp cho bà được? Nói vậy nhưng ai trong đoàn (cả nhóm cán bộ trẻ thuộc Sở Giao thông – vận tải Hà Giang đi dẫn đường) cũng phải ứa nước mắt.


Ông Thuỳ là người hồn nhiên, yêu thơ văn, nên ngần ấy khó khăn thiếu thốn, với ông chỉ lặn vào thơ văn hơn hớn khí thế: “Dù muỗi rừng vắt núi/Dù thiếu từng hạt muối cọng dưa/ Dù dầu dãi nắng sớm chiều mưa vất vả”; thì cuối cùng thanh niên xung phong làm đường Hạnh Phúc đã... hạnh phúc với “Xe đã đến trên đường Hạnh Phúc/Chở ước mơ, chở muối, chở dầu/ Chở cả niềm tin thắp sáng đêm thâu/ Và thắt chặt mối tình xuôi ngược”.

Có thể bây giờ người trẻ thích híp-hốp, họ không hát cái bài hát ông Kiềm vừa khóc vừa viết này. Có thể những ai chưa lên cao nguyên Đồng Văn, chưa thấy cái khắc nghiệt của đá xám, mây mù hờn tủi, người ta chưa hiểu hết giá trị nhân văn của cái cuộc trường chinh vào trong biển đá trước đây. Cuộc trường chinh đã khiến cho 8 vạn đồng bào sau điệp trùng núi năm xưa lần đầu tiên được nhìn thấy cái ôtô. Nhưng, có một điều chắc chắn, tất cả những thanh niên xung phong từng mở đường Hạnh Phúc, họ sẽ không cầm được nước mắt, khi nghe ông Kiềm ôm đàn xa vắng hát trong tuổi già bóng xế, hát rằng:

“Kìa cổng trời cao, chúng ta quyết vượt qua nào
Kìa vách đá cao là núi đá tai mèo
Anh em ơi, chắc tay búa, ta quai troòng/ ta xuyên vượt qua cổng trời.
Chúng ta đổ mồ hôi, vách đá kia phải nhường lối.
Tiến lên đi, vượt qua đi, ta chẳng ngại khó khăn gì.
Ngày mai thông xe, ta tăng ga vượt qua cổng trời.
Quản Bạ ơi, chúng tôi đã đến rồi.
Mã Pí Lèng ơi, ô tô đã đến rồi.
Mèo Vạc ơi, bao năm mong tháng chờ.
Mà ngày hôm nay Hạnh Phúc đã đến rồi.
Đường Hạnh Phúc đã đến rồi”.


(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,942
Bài viết
1,156,892
Members
190,282
Latest member
zbetvnapp
Back
Top