What's new

Du ký tuyển tập

Chạm vào da thịt Mường Lò


Chiều Tây Bắc nắng nghiêng nghiêng, chếnh choáng như say, như mơ. Tôi đã vốc đầy tay ngụm nước ngọt suối Thia và chạm chân vào đất của xứ Mường Lò. Chợt nhớ câu hát xa xưa: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Mây mù và sương trắng lãng đãng rong chơi khắp cánh đồng Mường Lò, bồng bềnh nổi trôi. Cảm giác se lạnh len lỏi, mơn trớn trên từng milimet thịt da rất tuyệt vời, mơ hồ như "với tay bắt mây, xòe tay hứng sương" ở vựa lúa lớn thứ hai của Tây Bắc huyền thoại vào tiết đầu Đông.

Bác sĩ Hoàng Đức Quế (Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái) nắm chặt tay, nói trong hơi khói sương: "Vào đến Nghĩa Lộ phải "nhập Mường" bằng rượu táo mèo. Lên độ cao 1.400 m của suối Giàng ngắm những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, tối vào Thanh Lương xòe cùng các cô gái Thái… như thế mới gọi là đến Yên Bái".

Chẳng biết có phải vì những lời mời gọi hấp dẫn như thế này, mà cả cung đường Tây Bắc, xứ Mường Lò - Nghĩa Lộ luôn có sức hấp dẫn, say đắm mọi người đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn dù chỉ một lần trong đời.

Thị xã Nghĩa Lộ nhỏ bé miền tây Yên Bái, nằm lọt thỏm giữa lòng chảo cánh đồng Mường Lò bao la, bao bọc bởi dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44% với bao bí ẩn, hấp dẫn về văn hóa khiến người đời mê mẩn khám phá.

Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Phía Bắc của lòng chảo Mường Lò thơ mộng, có một dòng suối lớn tên gọi suối Thia. Tiếng Thái, Thia có nghĩa là nước mắt. Truyền thuyết kể rằng, từ ngày xưa, có một cô gái Thái yêu một chàng trai miền xuôi, khi chàng trai về xuôi không trở lại. Cô gái ngồi khóc một mình, khóc mãi, nước mắt chảy thành dòng suối.

Có thể chưa cần múa xòe, chưa cần nhấp chén rượu táo mèo ấm lòng xua tan đi cơn lạnh se buốt của miền Tây Bắc, cũng không cần làm người đồng hương Văn Chấn - Nghĩa Lộ, chỉ cần nghe bài hát Anh có vào Nghĩa Lộ với em không? (nhạc Trọng Loan, phổ thơ Hoàng Thị Hạnh) đã thấy đây cũng là quê hương mình vậy:

Chiều mùa thu, nắng vàng như mật
Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì
Khi đã nghe tiếng rừng gió hút
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?


Nghe câu hát da diết, thổn thức mà lòng người đã tan đi mọi ngại ngần. Quyết phải vào Nghĩa Lộ cho dù không có em. Bài thơ hay còn một lẽ khác, tác giả từng là trưởng ban dân vận tỉnh ủy, lại hát rất hay. Chỉ riêng việc ấy thôi cũng đã vô cùng thú vị.

Mường Lò còn nổi tiếng với đội xòe ở bản Thanh Lương. Đêm hội xòe, dưới ánh trăng rực rỡ, các cô gái Thái trong trang phục áo chẽn trắng, hàng khuy bạc trên thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy dài thướt tha, vừa cầm tay các chàng trai và du khách nhảy quanh đống lửa vừa hát mời:

Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng,
Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em...
Đừng để em cô đơn một mình...


Xòe Thái nhịp nhàng uyển chuyển, dễ hòa nhập, làm cho người lạ phút chốc hóa quen, ngồi trên nhà sàn, vừa uống rượu vừa ngắm các thiếu nữ Thái nõn nà như tiên, trắng hồng như hoa ban, múa say sưa, xòe say sưa cảm giác đó không gì sánh được.

Theo sách Quám tố mướng - tức Chuyện bản Mường của người Thái đen Tây Bắc: Ngày xưa, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đưa người Thái từ "xíp xoong pắn ná" (vùng đất có mười hai nghìn ruộng) từ phương Bắc xuôi theo sông Hồng xuống phía Nam tìm vùng đất mới. Khi tới Mường Lò dừng chân, khai khẩn đất hoang.

Khi đã ổn định cuộc sống, Tạo Ngần chia tay anh trở về quê cũ, tiếp tục đưa một nhóm người Thái theo đường khác vào Việt Nam. Tạo Xuông cùng con trai là Tạo Lò lãnh đạo người Thái khai phá nên đất Mường Lò.

Do vậy, trên đầu hồi nhà người Thái luôn mang biểu tượng "khau cút", là hai thanh gỗ bắt chéo nhau có trạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau, ngụ ý người Thái đen hay Thái trắng dù ở đâu cũng là con cháu hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần luôn vọng tưởng đến nhau.

Sóng sánh ly chè Shan Tuyết

Đến suối Giàng (Văn Chấn) trên độ cao hơn 1.400 m, mọi người như lạc vào một thế giới thần tiên: sừng sững bạt ngàn những gốc chè cổ thụ trên các sườn đồi. Có những gốc chè cổ thụ hai, ba người ôm không xuể. Theo Chủ tịch xã Suối Giàng Giàng A Đẳng: Suối Giàng có trên 84.000 gốc chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi. Những rừng chè cổ thụ có tuổi dưới 100 rất nhiều, đếm không hết.

Người dân ở đây không thể biết cây thần tồn tại ở đây từ bao giờ mà được gọi là cây chè tổ của Suối Giàng. Theo truyền thuyết, một nàng tiên tên là Gâux Njuôz (tiếng H'Mông nghĩa là "nàng tiên xanh"), bay khắp trời đất để gieo hạt sự sống, khi bay đến vùng núi cao này thì hạt giống đã hết, chỉ còn vài hạt thuốc quý, nàng tiên bèn rắc mấy hạt giống thuốc lên vùng núi này, mọc lên cây chè Shan Tuyết.

Vào những năm 1960, Viện sĩ K.M Djemmukhatze (Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ) khi đến Suối Giàng nghiên cứu đã phải thốt lên kinh ngạc: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới". Hương chè rất thơm, thơm đến sực nức, quyện trong từng hơi thở, truyền đi cảm giác lâng lâng bay bổng.

Là khách phương Nam, bấy lâu chỉ thưởng thức mấy hương vị trà Ô Long, Tâm Châu, Tiến Đạt (Lâm Đồng), khi nhấp chút vị chè Shan Tuyết Suối Giàng từ tay cô gái H'Mông mời, mới tận cùng cảm nhận dư vị trà ngon trên đất Việt. Có người bảo, chè Shan Tuyết Suối Giàng ngon vì được nấu nước suối và chỉ hái một búp mỗi đọt từ khi sương trắng còn phủ quanh trên tán lá, ngọn cây.

Có quá nhiều cảnh đẹp, quá nhiều điều thú vị để khám phá về văn hóa, con người, thiên nhiên Tây Bắc.
Mọi thứ được thiên nhiên hào phóng ban tặng, nhưng rất tiếc ngành du lịch tỉnh Yên Bái vẫn chưa đầu tư, qui hoạch và phát huy những giá trị văn hóa, xã hội, du lịch, dịch vụ để biến nơi đây thành một nam châm mạnh, hút du khách trong và ngoài nước về với vùng đất tuyệt vời này.

Say sưa với xòe Thái cho đến khi nghe câu hát: Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo... Thì không ai muốn về, không ai muốn xa Mường Lò.

Anh bạn đồng nghiệp Thành Tân - Báo Yên Bái còn úp mở thêm: Lên Mù Căng Chải, qua đèo Khâu Vai còn bao điều thú vị khác nữa…

Quả nhiên câu nói người xưa muôn đời vẫn đúng: nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc. (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc) là bốn xứ Mường nổi tiếng vùng Tây Bắc với giai nhân diễm lệ, sản vật thơm ngon.

Tây Bắc đầu Đông 2010
Ghi chép của Trân Châu


tule9s1.jpeg

photo by dongsinh - saigonphoto.net

47567_1286816036.jpg

Đôi mắt vùng cao... (photo by mrjuly - xomnhiepanh.com)


 
Một chiều quan tái (Hà Giang, Việt Nam)

TTO - Có những buổi chiều ngang qua cuộc đời khiến tôi nhớ mãi, nó như những ngăn ký ức đầy ám ảnh mà mỗi khi có dịp lại nhói lên, đau đáu trong lòng. Nhưng có lẽ sẽ không nỗi nhớ nào dằng dặc và miên man đến thế như những chiều nơi miền quan ải ấy...

Buổi chiều bắt đầu từ phiên chợ đã tan. Bóng những người dân tộc cắt ngang đường leo qua những mỏm núi đá trở về nhà. Hối hả. Đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ, kẻ váy áo rạng rỡ bồng bềnh, người ô xòe rực lên trong nắng...

Giữa cao nguyên đá tai mèo Đồng Văn mùa đông lạnh lẽo và u ám ấy, giữa những chập chùng hoang vu và vắng lặng đến rùng mình, tôi nhỏ bé, bạn đồng hành tôi nhỏ bé, những người con của rẻo cao nhỏ bé…

Chúng tôi cùng lặng lẽ đi, cắt ngang con đường Hạnh Phúc, thả bước theo Mã Pí Lèng danh trấn giang hồ, có thể nào nghe được tiếng dòng Nho Quế đang chảy dưới thung sâu?

Buổi chiều nghiêng nắng qua những mỏm núi đá xếp lớp lớp lên nhau xô về tận cuối trời, chỗ này mới vừa ấm áp bởi nắng soi, vừa bước qua chỗ kia đã thấy lạnh tê tái người vì hơi núi.

Dăm gốc cây cộc mọc chơ vơ trên lưng núi, dăm mái nhà đơn sơ nằm nép sau bờ rào… Đâu đó thoáng ấm mắt nhìn bằng những dải khăn màu phơi phất phơ trên triền đá, xa lắm, phía bên kia bờ vực, dường như không ai có thể chạm vào…

Buổi chiều cứ đi và dừng lại khi bất chợt gặp một guồng sợi cô độc quay trong nắng nhạt, những đứa trẻ co ro vì áo mỏng ngơ ngác đứng ven bờ taluy âm dương nhìn đám khách lạ đường xa, những gùi cỏ trĩu trên vai nhọc nhằn vất vả, một con dốc dài mà chiếc xe đạp nào qua cũng luôn phải còng lưng theo từng nhịp bước chân.

Buổi chiều luôn dừng lại ở cuối chân dốc ngã ba có đường đi Mèo Vạc, một lối rẽ dắt vào Săm Pun vời vợi mây trời. Người Mông mang bàn gỗ, ghế gỗ và bát rượu ngô ra mở quán cho những người đi chơi chợ cuối tuần về tìm chỗ nghỉ chân.

Quán rượu chỉ có khèn Mông, điếu cày, can rượu đầy sóng sánh, có cái chai chắt rượu màu thủy tinh xanh. Bát sành sứt miệng, bát nhựa cáu cạnh, chỉ có rượu là trong, nhìn rõ những hạt bụi đen nằm yên nơi đáy bát.

Rượu đắng, cay cay và sẵn sàng làm kẻ lữ hành chung chiêng, chuếnh choáng. Thứ rượu mà khi rót ra người đàn bà chủ quán nâng bát lên chỉ nhìn chăm chăm vào mắt khách đường xa và lẩm bẩm một câu “Cạn nào”.

Người Mông đi chợ về ngang dừng cả lại đây. Người chưa say thì uống cho say. Người đã say lại uống nữa cho câu chuyện quanh bàn nước thêm phần rôm rả. Uống ít cũng như uống nhiều, trả 2.000 đồng cũng như trả 10.000 đồng, không ai mặc cả.

Ai thấy vui, thấy buồn đều có thể mượn cây khèn thả khúc tơ lòng qua tiếng nhạc trầm buồn và cô quạnh, có gì như tan loãng, hụt hẫng ở cái ngã ba mà nhìn bốn phía xung quanh đâu cũng là núi cao ngất đỉnh trời.

Có bao buổi chiều như thế đã ngang qua cuộc đời?

Bao bước chân người Mông đã bước qua ngã ba này trong chiều quan ải… Bao nhiêu người đàn bà đã ngồi đợi chồng tan cuộc rượu với bạn bè trong hư vô và ma mị… Bao người đàn ông đã nhớ mang xe đạp đi đón vợ dọn hàng chiều… Bao đứa bé đã líu ríu bước chân theo bố mẹ trên con đường hun hút gió?… Tôi không biết.

Tôi không phải đỉnh núi trên kia, không phải con đường như dải lụa mắc quanh lưng núi, không phải cánh đồng đỗ tương vàng lá, không phải cây ngô đang trổ bắp giữa nhọc nhằn những hốc đá tai mèo.

Tôi là vị khách miền xuôi lên miền ngược. Và tôi hạnh phúc khi được hít căng lồng ngực hơi thở bình yên và chậm rãi của chiều trên núi.

Một chiều quan tái... Ấm lòng khi những ngón tay đan vội giấu sau vạt áo, một vòng tay ôm dịu dàng và giọt nước mắt hạnh phúc của bạn đồng hành đã rơi…

THỦY TRẦN
 
Chinh phục Hang Vô Đáy (Quảng Bình, Việt Nam)

“Có cả một khu rừng trong hang động khổng lồ của Việt Nam. Ngay cả một tòa cao ốc cũng đặt vừa trong lòng nó. Không thể nhìn thấy đầu ra.”

By Mark Jenkins (National Geographic)

“Đi qua khỏi bàn chân chó, coi chừng khủng long,” giọng nói cất lên trong bóng tối.

Tôi nhận ra âm sắc nhanh gọn đầy chất lính Hoàng gia của Jonathan Sims nhưng không đoán nổi anh đang muốn nói gì. Cuối cùng ngọn đèn pha (headlamp) của tôi cũng tìm thấy anh, với mớ tóc mai xám tro loăn xoăn dưới vành nón bảo hộ, đang ngồi trơ trọi trong bóng tối bên vách hang.

“Tiếp đi bạn,” Sims làu bàu. “Mình cho cái mắt cá nghỉ chút thôi.”

Hai người chúng tôi đã căng dây vượt qua con sông ngầm Rao Thuong đang gào thét, trèo xuyên qua những lưỡi đá vôi cao 20-phút (6 mét – ND) để đến được bờ cát này. Tôi đi tiếp một mình, tia sáng từ chiếc đèn trên trán lần theo những vết chân năm ngoái.

Hồi mùa xuân năm 2009, Sims là một thành viên của đoàn thám hiểm đầu tiên tiến vào Hang Son Doong, hay còn gọi là “hang động sông núi”, nằm tại một vùng hẻo lánh của miền trung Việt Nam. Giấu mình trong vẻ gồ ghề của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng gần biên giới với Lào, hang động này là một phần của mạng lưới gồm khoảng 150 hang, mà trong đó nhiều hang còn chưa được khảo sát, của Rặng Anamite. Trong chuyến thám hiểm đầu tiên, đoàn đã thăm dò chiều dài hai dặm rưỡi của hang (tầm 4 cây số - ND) cho đến khi bị chặn ngang bởi một bức tường calcite (CaCO3) cao 200-phút (60 mét – ND). Họ đặt tên cho nó là bức Trường Thành của Việt Nam. Người ta có thể nhận thấy khoảng không mở bên trên Trường Thành với một chút ánh sáng le lói, nhưng không thể biết được phía bên kia là gì. Rồi, họ quay lại một năm sau đó. Lần này cùng với 7 nhà thám hiểm hang động chuyên nghiệp người Anh, còn có vài nhà khoa học và một đội porter, với mục tiêu vượt qua bức tường và nếu có thể, đo đạc lòng hang, và thậm chí là đi hết chiều dài hang cho đến điểm mút cuối cùng của nó.

Vết mòn đột nhiên biến mất, trước mắt tôi là một khối đá vụn cao như tòa nhà, kết quả của một vụ đá rụng từ trần hang. Tôi quay đầu lại, ánh sáng từ ngọn đèn pha của tôi chỉ như một ngọn đóm nhỏ bị dụi vào vũng tối mênh mông, như thể tôi đang nhìn vào một bầu trời đêm đen đặc. Người ta kể với tôi rằng tôi đang ở trong một nơi đủ lớn để chứa một chiếc 747, nhưng làm sao tôi biết được, vì đầu tôi lúc này đã bị một cái túi ngủ trùm kín – chính là bóng tối.

Tôi tắt đèn pha, chỉ để cảm nhận chiều sâu của bóng tối. Thoạt đầu không có gì cả. Nhưng rồi, khi mắt đã tự điều chỉnh, tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một tia sáng yếu ớt đầy vẻ ma quái phía trước. Gần như chạy vì phấn khích, tôi tìm đường vượt qua đống đá vụn, dăm đá lạo xạo dưới chân, vọng vào những cái hốc vô hình. Băng qua một cái dốc đứng, tôi đi quanh một dải đất hẹp như thể đang ở trên một sườn núi, và bất giác khựng lại.

Một luồng sáng khổng lồ đang đổ vào hang như thác. Lỗ hổng trên trần hang lớn đến mức khó tin với đường kính ít nhất là 300-phút (90 mét – ND). Ánh sáng xuyên sâu vào trong hang đã, lần đầu tiên, để lộ ra kích thước đáng kinh ngạc của Hang Son Doong. Lòng hang có lẽ rộng 300-phút (90 mét), trần cao gần 800-phút (243 mét): đủ chứa toàn bộ một tòa nhà 40 tầng của New York. Thậm chí gần trần hang còn phảng phất những đám mây mỏng.

Ánh sáng rọi xuống một tháp đá vôi trên nền hang cao hơn 200-phút (60 mét), phủ đầy dương xỉ, cọ và những loại cây rừng khác. Thạch nhũ treo quanh rìa hang như những cột băng hóa thạch. Dây leo vươn lên hàng chục mét từ mặt đất; chim én chao liệng dọc ngang luồng sáng rực rỡ. Khung cảnh này có lẽ được tạo tác bởi một người nghệ sĩ đang hình dung dáng vẻ của thế giới nhiều triệu năm về trước.

Jonathan Sims đã bắt kịp tôi. Giữa chúng tôi và lòng hang ngập nắng là một măng đá nhìn ngang giống như một bàn chân của con chó.

“Gọi là Bàn tay của Chúa có khi hơi sến,”, anh nói, chỉ vào hình thù đó. “Nhưng mà Bàn chân của Chó nghe giống hơn, phải không?”

Anh tắt đèn pha và nới bớt cái mắt cá chân đang quấn chặt.

“Lần đầu tiên khi chúng tôi đến tới cái vòm trên đó, tôi và một dân “đi hang” (caver – ND) khác đều có một thằng con trai bốn tuổi, nên chúng tôi rất rành về khủng long, và toàn bộ cảnh tượng này làm chúng tôi nhớ đến một cái gì đó y chang như trong cuốn tiểu thuyết The Lost World của Sir Arthur Conan Doyle,” anh nói. “Khi bạn đồng hành của tôi đi thăm dò tiếp trong khu vực đó, tôi bảo với anh ấy ‘coi chừng khủng long’, vậy là chết tên luôn.”

01-vietnam-cave-615.jpg

Hai mươi năm trước, những người dẫn đầu của đoàn thám hiểm này, Howard Limbert cùng vợ là Deb, đã trở thành những “hang thủ” (caver – ND) đầu tiên đến Việt Nam từ những năm 1970. Lúc đó, những hang động đầy huyền thoại của đất nước vẫn chưa được khám phá. Vào năm 1941, Hồ Chí Minh đã vạch kế hoạch cách mạng chống Nhật và Pháp tại hang Pac Bo ở phía Bắc của Hà Nội, và trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, hàng ngàn người dân đã trú ẩn trong các hang động để tránh bom rải thảm của quân đội Mỹ. Gia đình nhà Limberts, những “hang thủ” đầy kinh nghiệm đến từ thung lũng Yorkshire miền bắc nước Anh, đã liên hệ với Đại học Khoa học Tự nhiên ở Hà Nội và mở cuộc thám hiểm vào năm 1990, sau khi được cấp một lô giấy phép. Kể từ đó họ đã thực hiện 13 chuyến đi, không chỉ phát hiện một trong những hang ngầm dài nhất thế giới – Hang Khe Ry dài 12 dặm (12.828 mét – ND), không xa Son Doong lắm – mà còn giúp người Việt Nam thành lập Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng rộng 330 dặm vuông (352.770 mét vuông – ND). Đây là điểm thu hút 250.000 khách du lịch mỗi năm, đóng góp đáng kể vào việc gia tăng thu nhập của người dân bản xứ. Du khách đến đây để xem hang động mẫu trùng tên với khu Vườn Quốc gia, Hang Phong Nha, được thắp sáng như một màn trình diễn đầy ảo giác của đá.

Vì những khu rừng dày đặc, nhà Limberts có lẽ sẽ không thể tìm ra những hang động mà không có sự giúp đỡ của người địa phương. “Ông Khanh đã đi cùng chúng tôi từ những ngày đầu,” Howard nói, gật đầu về phía một người đàn ông gầy gò đang ngồi hút thuốc bên đống lửa. Chúng tôi đang ngồi chồm hổm quanh đống lửa ngay phía trong miệng Hang En, lối vào dài một dặm xuyên qua dãy núi để đến với thế giới bị thất lạc.

“Phải đi ba chuyến mới tìm thấy Hang Son Doong,” Howards nói. “Khanh có tìm thấy lối vào từ hồi còn bé nhưng quên mất. Mãi đến năm ngoái ông ấy mới tìm thấy lại.”

(còn tiếp)
 
Chinh phục Hang Vô Đáy (Quảng Bình, Việt Nam)

By Mark Jenkins (National Geographic)

(tiếp theo)

Gốc tre và những loại cây khác phủ đầy các ụ đá vôi ở đây, khiến cho người ta không thể đi xuyên qua được. Bên dưới bề mặt, khu vực này của Việt Nam là một khối đá vôi rất rộng lớn, Darryl Granger, nhà địa mạo học của Đại học Purdue, nói. “Cả một vùng bị nén bật lên khi tiểu lục địa Ấn Độ va vào lục địa Á Âu vào khoảng 40 – 50 triệu năm trước,”. Hang Son Doong hình thành khoảng 2 -5 triệu năm trước, khi nước sông chảy xuyên qua dãy đá vôi theo những khúc đứt gãy và tạo thành một đường hầm khổng lồ bên dưới dãy núi. Ở những nơi đá vôi yếu, trần hầm sập xuống những hố sụt tạo nên những vòm hang khổng lồ.

Anette Becher, một “hang thủ” và nhà sinh vật học người Đức, đã phát hiện rằng rệp cây, cá và những sinh vật nhiều chân trong hang đều có màu trắng, một đặc điểm rất phổ biến đối với những loài sống trong bóng tối. còn Dai Inh Vu, nhà thực vật học đến từ Học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã xác định các loại cây sống bên dưới vòm hang về cơ bản giống với hỗn hợp rừng phía bên trên. Thế nhưng những nghiên cứu khoa học đang tiến hành đó không phải là tiêu điểm của chuyến thám hiểm lần này. Đối với những “hang thủ” như gia đình Limberts, phát hiện một hang động lớn như Hang Son Doong giống như tìm thấy một Đỉnh Everest trong lòng đất chưa từng được biết đến trước đó. “Chúng ta chỉ mới phủi bụi trên bề mặt,” Howard nói về khu Vườn Quốc gia, vừa được công nhận là Di sản Thế giới dành cho hệ thống rừng và hang động năm 2003. “Còn rất nhiều thứ để làm ở đây.”

Lần đầu tiên chứng kiến những không gian khổng lồ ở đây, Howard và Deb đã ngờ rằng họ vừa phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới – và rất có thể rằng họ đã đúng. Có những hang động dài hơn Hang Son Doong – như hệ thống Hang Mammoth ở Kentucky với chiều dài tổng cộng 367 miles (392.323 mét – ND) đang giữ kỷ lục đó. Cũng có những hang động sâu hơn – như Krubera-Voronja, còn gọi là “hang quạ”, đâm xuống độ sâu 7.188-phút (2.190 mét – ND) ở miền tây Rặng Caucasus của Georgia. Nhưng về lòng hang khổng lồ, chỉ có một vài hang có thể so sánh. Vào thời điểm nhà Limberts phát hiện Hang Son Doong, lòng hang lớn nhất được cho là của Hang Deer ở Vườn Quốc gia Gunung Mulu ở Borneo thuộc Malaysia, với kết quả vừa thăm dò là 1,2 dặm chiều dài (1.282 mét – ND), 500-phút bề rộng (152,4 mét) và 400-phút chiều cao (121,92 mét). Nhưng khi các nhà thám hiểm tiến hành đo đạc, sử dụng các thiết bị laser chính xác, Hang Son Doong dài hơn 2,5 dặm với lòng hang nối liền rộng 300-phút (91.44 mét) nhưng bù lại, cao hơn 600-phút (182.88 mét).

“Thực sự chúng tôi không tìm kiếm hang động lớn nhất thế giới,” Deb nói. Nhưng bà thật sự phấn khởi rằng tên tuổi của hang động vừa tìm thấy có thể giúp cải thiện cuộc sống của dân làng địa phương.

Sau 5 ngày đi bộ, lôi kéo, bò trườn, chuyến thám hiểm chỉ mới đi được nửa đường trong hang. Tổng cộng các “hang thủ”, nhà khoa học, đội quay phim chụp ảnh và porter, đội hình hơn hai tá người dường như làm chúng tôi chậm đi. Bên cạnh đó, chuyến đi trở nên nguy hiểm khi chúng tôi trèo qua đống đổ vụn ở khu Coi Chừng Khủng Long (chính là tháp đá vôi đã đề cập bên trên, tạo thành do trần hang bị sụp ở những đoạn đá vôi có kết cấu yếu – ND): một bước chệch trên tảng đá trơn có thể đồng nghĩa với một cú rơi từ độ cao hàng chục mét.

Khi chúng tôi đến được vòm hang kế tiếp, Khu Vườn của Edam (lại một trò chơi chữ khác), nó thậm chí còn lớn hơn cái đầu tiên, gần như rộng bằng mái của khu Superdome ở New Orleans. Bên dưới vòm trời là một núi vụn khác với một rừng những cây cao hàng chục mét, dây leo và tầm ma. Do thời gian và nguồn tiếp tế đang cạn dần, Howard quyết định đã đến lúc gửi một đội tiên phong tiến về phía Trường Thành Việt Nam, xem thử cuộc đột kích liệu có thật sự khả thi.

Bức tường nằm cách hơn một dặm (1.069 mét), ở phía cuối hành lang có hình chữ V với rãnh nước bên dưới. Những bức tường bùn, dính như bơ đậu phộng, mỗi bên cao 40-phút (12 mét). Bước vào rãnh nước chỉ có trượt ngã. Lúc đến được bức tường thì người ngợm đã đầy bùn như vừa bơi trong một cái bánh pút-đinh sôcôla vậy. Các “hang thủ” gọi đó là Passchendaele, theo tên của trận đánh giành con hào hồi Đệ nhất Chiến tranh Thế giới, mà quân Đồng minh mất 310.000 quân chỉ để chiếm được 5 dặm gần ngôi làng Ypres của nước Bỉ.

Leo lên bức tường bùn cao 200-phút là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng cao, vì vậy cần có đúng người với “máu điên”. May mắn là Howard đã tự tay tuyển Gareth “Sweeny” Sewell và Howard Clarke cho đội tiên phong. Cả hai đã cùng nhau “đi hang” (caving – ND) 20 năm qua, chui xuống những hốc kinh khủng nhất ở Anh. Clarky là lái buôn tinh bò (kiểu như đi thả nọc heo ở ta – ND), còn Sweeny là một chuyên gia luật – người không biết bằng cách nào đó đã thuyết phục vợ mình bán cái xe hơi độc nhất lấy tiền cho những chuyến đi hang.

Ngày đầu tiên dưới chân tường, trong khi Clarky siết thừng, Sweeny bắt đầu liều lĩnh tìm đường lên, khoan từng lỗ một. Hầu hết các lỗ quá rỗng để có thể ăn vít néo dây.
Trong suốt 12 tiếng, họ huyên thuyên bằng thứ thổ ngữ đậm chất Yorkshire – “ê cái khốn này đầy bùn mày ơi,” tiếng Sweeny đâu đó phía trên. Không ai hé răng nửa lời về sự nguy hiểm. Nếu bất kỳ cái vít nào bung ra, sợi dây néo của Sweeny sẽ mất chốt và kéo theo các vít còn lại. Chết chắc!

Vào ngày leo thứ hai, sau một đêm hạ trại dưới chân tường, Sweeny lên đến cao điểm của ngày hôm trước, vẫn với Clarky là người siết dây. Ngay khi tiếng khoan của Sweeny dội lại trong bóng tối, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy tia sáng le lói từ chiếc đèn pha của anh. Vào lúc 2 giờ chiều, sau 20 tiếng khoan lỗ và leo lên cao, cuối cùng Sweeny cũng biến mất phía trên bức tường. Vài phút sau chúng tôi nghe : “AAIIOOOOO!!”

Clarky leo lên theo, rồi gọi vói xuống, giọng va vập lung tung: “Ê, ông có lên đây không vậy!”

Trên đỉnh Trường Thành Việt Nam, chúng tôi thực sự có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và bắt đầu hú lên. Sau đó, các thành viên còn lại có kể với chúng tôi rằng họ có nghe thấy tiếng chúng tôi gọi từ hơn một cây số bên trong hang. Đo lường từ đỉnh bức tường cho thấy từ nền đến trần hang của khu Passchendaele là 654-phút (199,33 mét). Lúc này, chỉ có ba người chúng tôi, đang khám phá. Chưa từng có ai lên đến đây trước đó. Rồi chúng tôi leo xuống mặt sau của Trường Thành và bắt đầu lần xuống các bậc đá về phía đầu ra.

Hai mươi phút sau, chúng tôi trườn lên ra khỏi hang động. Trong rừng đang mưa. Chúng tôi đã đi đủ xa để nhận ra rằng đường chân trời này không phải là một vòm hang khác, mà chúng tôi đã thực sự khám phá cửa ra của Hang Son Doong. Sweeny và Clarky quá khiêm nhường để thừa nhận rằng chúng tôi vừa hoàn tất chuyến đi đầu tiên xuyên qua một thứ rất có thể là lòng hang động lớn nhất thế giới.

http://ngm.nationalgeographic.com/2011/01/largest-cave/peter-photography

HangsonDoongcave1t.jpg


1_hang-son-doong-cave-1.jpg


hang-son-doong-cave-3.jpg

(hết)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,899
Bài viết
1,156,548
Members
190,255
Latest member
etaxi193
Back
Top