What's new

[Chia sẻ] Trường Sa ... viết về nơi tôi đã một lần đến

Trước hết tôi rất xin lỗi vì lời hứa viết ngay về chuyến đi của tôi để chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân trong chuyến đi Trường Sa vừa rồi. Thật đáng tiếc vì thời gian vừa rồi quá nhiều việc cần giải quyết nên tôi chưa thể làm được, tuy vậy những cảm nhận trong chuyến đi này vẫn còn in đậm trong tôi không hề phai nhạt. Tôi luôn tin rằng mình có thể viết lại vào bất kỳ thời gian nào.

Hôm nay cho phép tôi quay lại diễn đàn, chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận của cá nhân về chuyến đi với tôi đó là lịch sử. Những bài viết này, khi nhận được góp ý của các thành viên và bạn bè tôi sẽ gửi tặng các chiến sỹ, thủy thủ mà tôi đã rất ngưỡng mộ.

Có một điều tôi luôn mong muốn và chúc cho các bạn đang nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng "ra với Trường Sa" đó là hãy đừng dừng lại, tiếp tục ước mơ rồi một ngày ước mơ sẽ thành sự thật như chính ước mơ của tôi. Chỉ có điều rằng đó không phải là cuộc dạo chơi đơn giản, đó là thử thách các bạn phải vượt qua, nhưng tôi cam đoan đó thực sự là điều thú vị mà trong đời hãy cố gắng để được một lần cảm nhận.

Trong những bài viết của tôi, xin phép sẽ không đưa tên từng người cụ thể, hãy coi như tôi đang viết về các anh những người con của tổ quốc, đang hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nhiệm vụ cao cả thiêng liêng "Giữ toàn vẹn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc". Xin được cảm ơn tất cả những người đã cho tôi cảm hứng để viết được loạt bài này, và cũng xin được cảm ơn các bạn đã đọc và góp ý giúp tôi có cơ hội hoàn chỉnh hơn.

Cảng Lữ đoàn 125, nơi chúng tôi khởi hành ra Trường Sa:
canglu125.jpg


Tàu Trường Sa 19 bắt đầu rời cảng:
truongsa19rky.jpg


Những con sóng bắt đầu đón tàu chúng tôi:
songa.jpg


song1.jpg


Bình minh trên Biển Đông:
binhminh.jpg


binhminh1.jpg
 
Những chiến hạm cùng chúng tôi ở Trường Sa:
chienham.jpg


chienham1.jpg


Đảo Trường Sa mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc:
truongsa.jpg


TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN

Hôm tôi nhận được tin mình đã có tên trong danh sách đi Trường Sa, cảm giác lúc ấy thật khó tả : vui mừng, lo lắng, bồn chồn ... quả thật là đứng ngồi không yên. Một trong những điều tôi lo lắng nhất đó là lỡ không được đi vào phút cuối cùng! Quả thật tôi bồi hồi cho chuyến đi Trường Sa hơn rất nhiều so với chuyến đi Hoa Kỳ trước đó. Vì công việc tôi đã từng làm việc trong khá nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 200 giờ bay kỹ thuật ở độ cao dưới 2km, lắc dằn giống như đang đi xe u oát trên đường xấu, vậy mà mọi người vẫn cảnh báo với tôi rằng đi Trường Sa còn vất vả hơn thế. Tôi mong ước được ra Trường Sa, tôi mong ước được ra với đại dương, được lênh đênh trên biển, được thấy nỗi nhọc nhằn vất vả mà những người đi biển đang đối mặt hàng ngày và thử xem khả năng chịu đựng gian khổ của mình tới được đâu!

Đoàn chúng tôi có hai chiến sỹ được giao nhiệm vụ vào Vũng Tàu trước hai ngày để chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho chuyến đi, còn chúng tôi sẽ có mặt ở Vũng Tàu một đêm trước ngày khởi hành. Chúng tôi đáp chuyến bay 6 giờ 30 sáng của Việt Nam Airlines vào TP. Hồ Chí Minh và có mặt ở Vũng Tàu vào buổi chiều, đoàn chúng tôi được bố trí ở trong nhà khách Lữ đoàn 175 cùng với đoàn Văn công Hải quân. Cả buổi tối hôm đó, tôi chỉ mong sao được thủ trưởng điều động vào trong cảng để ngắm con tàu mà tôi sẽ được cùng ra khơi vào sáng ngày hôm sau. Nhưng khi họp đoàn, thủ trưởng chỉ thông báo ngắn gọn sẽ xếp hàng của chúng tôi lên tàu vào buổi sáng ngày hôm sau, kết quả là suốt đêm hôm đó tôi thao thức mãi không ngủ được chỉ mong sao trời nhanh sáng để được vào cảng.

Cuối cùng thì cũng đến giờ vào cảng, 8 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xếp hàng lên xe ô tô để chuyển vào khu vực cảng của Lữ đoàn 125. Tới nơi, thủ trưởng chỉ con tàu mang số hiệu Trường Sa 19 và nói với chúng tôi kia là tàu sẽ đi Trường Sa, sau vài phút ngắm nghía tôi bắt đầu bước chân lên cầu để sang mạn tàu, thuỷ thủ trên tàu cũng đang hối hả xếp nốt những thùng thực phẩm cuối cùng. Cũng phải mất gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới chuyển hết hàng xuống tầng dưới cùng, nơi chúng tôi sẽ tạm trú trong suốt hành trình. Khi chúng tôi sắp xếp xong hàng cũng là lúc trên cầu cảng xuất hiện thêm các đoàn công tác khác: Đoàn của Đài truyền hình Việt Nam với cơ man nào là trang thiết bị, mãi sau này tôi mới biết đó là toàn bộ êkíp làm chương trình Chúng tôi là Chiến sỹ, rồi đoàn Văn công Hải Quân với rất nhiều diễn viên nữ, bụng bảo dạ chuyến đi này chắc sẽ vui đây. 10 giờ, tất cả thuỷ thủ đoàn và các đoàn công tác đã có mặt trên tàu và được triệu tập đến buổi họp ngắn tại khu vực boong chìa (phần ô văng đua ra từ tầng hai ngay trên nắp hầm hàng). Chúng tôi được thông báo những quy định chung, nhiệm vụ của tàu, thuỷ thủ đoàn và các đoàn công tác có mặt trên tàu. Theo đó, chỉ huy trưởng của tàu đồng thời là trưởng đoàn công tác là Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân, một thuyền trưởng, một chính trị viên tàu và hai thuyền phó cùng thuỷ thủ đoàn. Quân số trên tàu là hơn 70 người trong đó thuỷ thủ đoàn gồm 32 chiến sỹ. Chúng tôi được thông báo về nhiệm vụ chính của tàu là vận chuyển 1 nghìn tấn hàng ra Trường Sa kết hợp đưa bốn đoàn công tác ra đảo bao gồm: Đoàn VTV3 và người thân chiến sỹ, đoàn Văn công Hải quân, đoàn Cục Bản đồ Bộ Tổng Tham Mưu, đoàn Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga. Chúng tôi cũng được phổ biến các quy định an toàn trên tàu, nội quy sinh hoạt, chế độ báo cáo quân số hàng ngày. Và tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều hết sức cảm động khi biết rằng: Thuỷ thủ đoàn tàu Trường Sa 19 được lệnh nhường tất cả các buồng ngủ cho các đoàn công tác, thuỷ thủ sẽ ngủ bằng võng ngoài ngoài hành lang và boong chìa. Để đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho các đoàn công tác, chỉ huy Vùng 4 Hải quân cũng đã bổ sung cho tàu nhóm cấp dưỡng gồm 5 chiến sỹ. Chúng tôi được lệnh nhổ neo vào lúc 11 giờ và dự kiến sẽ đến Trường Sa sau 48 giờ - Lời cuối cùng của buổi họp mà chúng tôi nhận được từ Trưởng đoàn công tác đó là lời chúc: ‘chúc các đồng chí hải lộ bình an’.

Đúng 10 giờ 30 thuỷ thủ đoàn được lệnh chuẩn bị nhổ neo, tất cả đều mặc quân phục chỉnh tề, riêng nhóm neo và dây ở mũi tàu còn phải khoác thêm áo phao cứu nạn. Các tàu cặp mạn với Trường Sa 19 đều đã rời mạn, di chuyển đến vị trí mới nhường một lối vừa đủ để Trường Sa 19 quay mũi, trên buồng lái thuyền trưởng bắt đầu nhiệm vụ chỉ huy của mình. 11 giờ đúng những sợi dây chão lớn, mối liên kết duy nhất giữa tàu và bờ cảng cũng đã được thu hết lên tàu, Trường Sa 19 từ từ rời bờ cảng sau ba hồi còi dài chào tạm biệt. Tất cả các thành viên có mặt trên tàu đều đứng hết ra mạn để vẫy tay tạm biệt đất liền, chứng kiến động tác quay mũi rời cảng và tránh phao tiêu phía bên bờ đối diện được thuyền trưởng chỉ huy một cách hoàn hảo, tàu rời khỏi cảng được chừng 1 hải lý lại nhận được ba hồi còi chào tạm biệt của một tàu mang số hiệu Trường Sa khác đang buông neo bên mạn phải, tiếng còi dài mạnh mẽ như một lời chúc may mắn Trường Sa 19. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc hải trình 48 tiếng với tàu Trường Sa 19 như vậy đó.
 
TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN (TIẾP)

Mãi đến khi thành phố Vũng Tàu chỉ còn là một vệt dài phía đuôi tàu tôi mới quay về cabin của mình dưới tầng một. Tầng một là tầng thấp nhất và là nơi ít bị lắc ngang nhất ở trên tàu nhưng đổi lại đây lại là nơi ồn nhất và luôn hôi nồng mùi dầu máy. Đoàn chúng tôi có 5 người được bố trí ở trong một cabin có bốn giường tầng, đón chúng tôi là những chủ nhân của cabin này trong đó có một bạn là y tế duy nhất trên tàu, ba thành viên còn lại đều là ba lái chính. Ngoại trừ chính trị viên tàu là người lớn tuổi, còn lại thủy thủ đoàn đều là những thanh niên còn rất trẻ và rất dễ thương, những chàng trai da sạm nắng gió biển khơi, rắn chắc nhưng lại ngại ngùng trước sự có mặt của nhiều chị em trên tàu, tất cả đều nói rằng đây là chuyến đi biển đặc biệt nhất của tàu Trường Sa 19. Tôi bắt đầu làm quen với thuỷ thủ đoàn và chui vào mọi ngõ ngách của tàu, từ buồng máy lên buồng lái, từ đuôi tàu lên mũi tàu, từ nhà bếp đến nhà ăn. Càng về chiều sóng biển càng lớn hơn, mặc dù tàu đã chất đủ tải nhưng qua ô cửa sổ tròn trong cabin, con tàu lao xuống đáy sóng rồi lại ngóc đầu lên, những con sóng lớn tràn qua làm nhạt nhoà ô cửa kính trong nắng chiều vàng rực trên biển.

Chúng tôi bắt đầu bữa ăn tối lúc 6 giờ, hầu hết các thành viên nữ đã bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi. Cảm giác ngồi ăn trên tàu khi ở ngoài khơi cũng rất đặc biệt, bạn sẽ được ngồi ăn trong tiếng ầm ĩ của động cơ tàu, trong tiếng ầm ào của sóng biển, trong tiếng cười đùa huyên náo của những thành viên còn khoẻ mạnh và thật đặc biệt, mặc dù trên tàu không phải làm gì những nếu không say sóng thì cảm giác đói đến rất nhanh và bữa ăn nào cũng thấy ngon miệng, tất nhiên là không phải là sóng gió cấp 6 cấp 7 rồi nhé. Bạn có đi tàu mới thấy được cái vất vả của những người cấp dưỡng, vì số người trên tàu Trường Sa 19 đông nên phải chia làm ba khu ăn: Trong nhà bếp, ngoài lan can tầng 1 và trên boong chìa, chỉ cần mang được đồ ăn lên và dọn dẹp sau bữa ăn đã không phải nhiệm vụ đơn giản rồi, nhất là điều kiện sóng to gió lớn. Ngoại trừ nhà ăn ra, hai khu ăn còn lại cũng là khu mắc võng của các thuỷ thủ nên mỗi khi đến giờ ăn, tất cả anh em lại tháo bỏ và thu gọn ‘giường ngủ’ của mình lại để nhường chỗ cho hành khách đi tàu.

Buổi tối đầu tiên trên tàu quả là khó ngủ với tôi, phần vì cảm giác bồng bềng đung đưa lạ lẫm, phần vì háo hức ngắm trời biển về đêm và đợi tàu chạy ngang qua khu vực khai thác dầu khí. Tôi đã thức gần hết đêm với ba lần đổi ca hàng hải (mỗi ca hàng hải kéo dài 3 tiếng đồng hồ) đều có mặt trên buồng lái. Buồng lái tàu Trường Sa 19 không được trang bị những hệ thống dẫn đường thế hệ mới như ECS hay ECDIS, hải đồ giấy và chiếc máy định vị vệ tinh GPS được sử dụng để lập hải trình, tính toán góc phương vị để điều khiển tàu bám sát hải trình đã lập. Biển đêm sẫm màu, hoa tiêu phải căng mắt về phía trước và màn hình radar mà quan sát và xử lý tình huống. Đã rất nhiều lần đi tàu ở nước ngoài (tất nhiên chỉ đi ven bờ trên các tàu thử nghiệm), tôi thấy công việc điều khiển tàu đối với họ sao đơn giản thế, hải đồ giấy chỉ còn là thứ để kiểm tra đối chiếu, người láu tàu được trang bị một màn hình lớn chạy ECS hoặc ECDIS với hải đồ điện tử làm nền, vị trí của tàu luôn được thông báo bằng một chấm sáng trên nền hải đồ biết tự động điều chỉnh độ sáng dựa theo giờ mà máy tính cung cấp, chấm sáng này luôn có các thông tin đi kèm như hướng và tốc độ dịch chuyển, điểm dẫn đường kế tiếp, thời gian cần để đến điểm đó, thông tin về các tàu đang di chuyển trong khu vực lân cận, ranh giới các quốc gia trong khu vực, độ sâu tại vị trí tàu đang đi qua, các khu vực nguy hiểm trong suốt hải trình … và người lái tàu chỉ việc đưa ra quyết định dựa trên những thông tin liên tục, thời gian thực và trực quan này. Nhưng trên tàu Trường Sa 19 công việc không đơn giản như vậy, không có hệ thống máy tính dẫn đường, lộ trình được vạch và tính toán trên hải đồ giấy và được hoa tiêu thông báo trực tiếp cho người lái tàu, vị trí và tốc độ di chuyển của tàu có thể quan sát được qua màn hình đen trắng của máy định vị vệ tinh GPS Coden treo ngay trên bàn đọc hải đồ. Tôi biết, chỉ cần cải tạo một chút thôi công việc trên buồng lái của tàu Trường Sa 19 sẽ bớt vất vả đi rất nhiều và quan trọng nhất các anh luôn biết được rằng tàu mình đang nằm ở trên vùng biển nào một cách chính xác nhất. 10 giờ đêm chúng tôi cùng nhau ngồi ăn đêm là nồi chè đỗ xanh thơm phức, hôm đó nhằm đúng ngày rằm, mặt trăng tròn vành vạnh trên cao, ánh sáng soi rọi xuống mặt biển như dát bạc, những con sóng va vào mạn tàu vỡ oà cùng với ánh trăng. Tôi ngồi nói chuyện với anh em thuỷ thủ tới gần sáng với đủ thứ chuyện trên đời, chuyện về biển, chuyện vệ những nhiệm vụ các anh được giao, chuyện về những chuyến bám biển theo dõi tàu xâm phạm đáng nhớ, chuyện về những đàn cá heo các anh vẫn gặp, chuyện những đêm tối trời dừng tàu thả trôi để câu cá câu mực … với tất cả lòng cảm phục, trong tôi, họ thực sự là những người hùng. Tôi đã được nhìn tận mắt, rất gần toàn bộ khu vực giàn khoan dầu khí về đêm, ánh điện và ánh lửa đốt khí đồng hành sáng rực cả một vùng biển, những dàn khoan cao sừng sững trên biển, hàng chục chiếc tàu dàn hàng vây quanh, nhìn cả khu vực không khác gì một thành phố nổi sầm uất giữa biển khơi. Tôi về cabin lúc đã gần sáng, anh em thuỷ thủ nằm ngủ ngon lành ngay trên buồng lái, tiếng tíc tè điện đàm vẫn đều đều vọng ra, tôi bước xuống cầu thang, trên hành lang kín võng, ngoài boong chìa cũng vậy. Ngả lưng xuống giường tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi viết lại những dòng này, có thể các anh trên tàu không bao giờ đọc được nhưng hãy coi đó là lời cảm ơn mà tất cả những thành viên trong đoàn gửi tới các anh, những thuận lợi mà các anh đã dành lại cho chúng tôi trong suốt hành trình ra với Trường Sa.

Sau 48 tiếng lênh đênh trên biển, tàu Trường Sa 19 đã đưa tất cả hành khách của mình đến đảo Trường Sa. Những ngày trên đảo, mặc dù công việc bộn bề nhưng ngày nào chúng tôi cũng dành thời gian để đứng nhìn về phía tàu Trường Sa 19 đang hối hả dỡ hàng trên bờ cảng, thủy thủ đoàn chắc cũng đang mong chúng tôi về với tàu. Chúng tôi cùng thuỷ thủ đoàn lại có một buổi tối liên hoan cùng nhau trên tàu vào buổi tối thứ hai mà tàu neo tại Trường Sa, hôm đó tất cả chúng tôi đều cùng nâng cốc chúc mừng nhau và vui vẻ đến nửa đêm trước khi rời tàu về lại trên đảo.
 
TRƯỜNG SA 19 VÀ LỜI TIỄN HẢI LỘ BÌNH AN (CUỐI)

Ba ngày sau chúng tôi nhận được lệnh rời Trường Sa, Trường Sa 19 lại làm nhiệm vụ đưa chúng tôi về với đất liền. Giờ chia tay, tất cả chúng tôi xếp hàng dọc mạn tàu để chia tay với đảo thân yêu, trên bờ là các chiến sỹ đảo Trường Sa, dưới mạn tàu là các thành viên đoàn công tác và thuỷ thủ tất cả cùng hát vang ca khúc Hát mãi khúc quân hành, có rất nhiều người đã khóc khi chia tay. Lúc Trường Sa 19 từ từ rời bờ cảng, tiếng gọi người thân của một chiến sỹ vang lên trong đêm tối, lan rộng trên mặt biển càng làm cho mọi người cảm động hơn, tàu từ từ quay mũi hướng vào đất liền. Rời khỏi Trường Sa khoảng một giờ đồng hồ, tàu chúng tôi đi vào vùng thời tiết xấu, con tàu bắt đầu lắc dữ dội bởi sóng lớn, mưa nặng hạt thêm vào đó toàn bộ hàng đã được bốc hết, tàu không tải nhẹ và lắc lư mạnh hơn. Mọi người bắt đầu thấm mệt và say sóng, sau hai tiếng đồng hồ vật lộn với sóng lớn hầu hết mọi người, nhất là chị em đều mệt mỏi phờ phạc, bữa ăn đêm và sáng chỉ lác đác khách đi tàu có mặt. Không say sóng cũng không mệt mỏi, tôi lại được thức đêm ngắm trăng, ngắm biển, tán gẫu đủ thứ chuyện ở buồng lái với anh em, lại bắt đầu một hành trình 48 giờ liên tục để về với đất liền.

Gần trưa ngày hôm sau nữa, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy thàn phó Vũng Tàu từ xa xa, thuyền trường cho biết giờ này không thể vào cảng được bởi con nước đang thấ rất dễ mắc cạn nên chúng tôi được phép thả neo ngoài khơi ngoài bãi trước nhìn vào thành phố để tổ chức liên hoan chia tay đồng thời đợi đến chiều khi con nước lên mới nhổ neo để về cảng. Anh em đều tập trung ra mũi và mạn tàu để đợi và vẫy những tàu đánh cá để mua cá và mực tươi cho buổi liên hoan, đợi và vẫy gọi một hồi nhưng chỉ mua được cá, hai con cá bông lau thật lớn và tươi rói. Đợi thêm hồi lâu vẫn không mua được mực, thuyền trưởng cho phép hạ canô để vào bờ mua mực tươi, đúng như mong ước của chị em ham chơi trên tàu. Hai chiếc canô được thả xuống hai mạn tàu, chị em tưng bừng phấn khởi quên hết cả mệt nhọc say sóng chen chân lên canô để vào bờ. Buổi liên hoan chia tay của chúng tôi thật đặc biệt và chan chứa tình cảm, trưởng đoàn VTV3 cô gái mạnh mẽ đã từng xuất hiện rất nhiều trên sóng VTV3 là người đầu tiên chia sẻ cảm xúc của mình với tàu Trường Sa 19 bằng bài thơ cô đã sáng tác sau những đêm mệt nhọc trên tàu, được cô chép lại cẩn thân trong cuốn nhật ký ghi tặng lại tàu, mọi người trong buổi liên hoan đều lặng đi vì cảm động và cô cũng chỉ đọc được một phần ba thì bật khóc và không thể đọc tiếp được nữa, nước mắt mọi người đều rưng rưng. Rồi lần lượt trưởng các đoàn công tác có mặt trên tầu nói lời cảm ơn những tình cảm mà thủy thủ đoàn đã dành cho đoàn - những hành khách đi nhờ trên tàu, rồi thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên, anh em thuỷ thủ đều run run với những lời tâm sự từ đáy lòng trước lúc chia tay. Người kết thúc là đồng chí đoàn trưởng - Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân, dành những lời cảm ơn trân trọng nhất cho thuỷ thủ đoàn, những lời chúc tốt đẹp và lời hẹn gặp lại đối với các đoàn công tác. Hơn bảy mươi người trên tàu đã cùng nhau hát vang, hát như chưa bao giờ được hát, có lẽ chúng tôi đã đập bẹp hết vung xoong nồi ở trên tàu để làm nhạc nền cho những bài ca. Hai giờ chiều, tàu bắt đầu nhổ neo để vào cảng Lữ đoàn 125, chúng tôi vẫn tiếp tục hát vang mọi bài hát có thể hát được. Hơn một giờ sau Trường Sa 19 dõng dạc kéo ba hồi còi dài chào bến cảng thân yêu, các tàu đậu trong cảng đã rời ra nhường lại khoảng vừa đủ cho Trường Sa 19 từ từ cập mạn. Trên bờ có rất nhiều anh em bạn bè, người thân, cán bộ chiến sỹ, và cả những thành viên đã có mặt ở Vũng Tàu nhưng không được lên tàu trong chuyến hành trình vì những lý do khác nhau. Tất cả chúng tôi tập trung hết về bên mạn tàu để được ngắm nhìn bến cảng, để được thấy tàu từ từ vào bến, không ai nói với ai nhưng tất cả đều biết rằng chúng tôi đang rất gần với giờ chia tay. Khi tàu được neo chặt vào bờ, chúng tôi bắt đầu chuyển hàng lên bờ, tất cả mọi người đều chung tay chuyển hàng của đoàn VTV3, đoàn mà hành lý xếp cả lên xe tải còn chưa đủ chỗ. Khi hàng hoá đã lên bờ hết, tất cả mọi người đều tranh thủ chụp ảnh, những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt trước giờ chia tay. Sau hơn một giờ trên bờ cảng chúng tôi bắt đầu lên xe về Thành phố Hồ Chí Minh để nhiều người sẽ bay tiếp chuyến đêm về lại Hà Nội. Tối hôm về lại Thành phố Hồ Chí Minh là tối của các cuộc điện thoại, chúng tôi nhận điện thoại từ đảo Trường Sa, từ các thuỷ thủ tàu Trường Sa 19. Điều làm chúng tôi nhớ mãi về Trường Sa 19 đó là chiều hôm sau khi chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, thuyền phó tàu Trường Sa 19 cùng mấy anh em thuỷ thủ đã có mặt ở sân bay để chia tay chúng tôi một lần nữa.

Cuộc sống này đã phân công mỗi người giữ một nhiệm vụ, thuỷ thủ đoàn tàu Trường Sa 19 với bốn ngày nằm võng, nằm phản trên lối đi mà vẫn phải đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhường lại cho những hành khách chúng tôi mọi thứ tốt nhất có được trên tàu chỉ với một lý do ‘chúng em đã quen vất vả rồi, chỉ lo các anh chị mệt thôi’. Đó thực sự là những tình cảm thật vô cùng đáng quý, là nguồn động viên lớn cho những người không quen được với sóng gió biển khơi như chúng tôi. Những nhiệm vụ bất thường trong hành trình đi biển dài ngày của các anh, những nguy hiểm nơi biển khơi luôn dình dập, những khó khăn thiếu thốn mà các anh đang phải đối mặt và vượt qua để góp phần bảo vệ chủ quyền hải đảo thiêng liêng của tổ quốc thực sự là những điều mà với chúng tôi khó có thể làm được vậy mà với các anh lại là những việc thường ngày. Đất liền luôn luôn hướng về các anh và chúc các anh luôn luôn mạnh khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mến thương tặng thủy thủ đoàn tàu Trường Sa 19 và tất cả những thành viên trong đoàn công tác!
 
Tôi đã được nhìn tận mắt, rất gần toàn bộ khu vực giàn khoan dầu khí về đêm, ánh điện và ánh lửa đốt khí đồng hành sáng rực cả một vùng biển, những dàn khoan cao sừng sững trên biển, hàng chục chiếc tàu dàn hàng vây quanh, nhìn cả khu vực không khác gì một thành phố nổi sầm uất giữa biển khơi.

Bác xom2009 à? Đoạn này chắc đẹp lắm, có hình không bác? Mấy hình đầu của bác hình như hơi tối? :)
 
Bác xom2009 à? Đoạn này chắc đẹp lắm, có hình không bác? Mấy hình đầu của bác hình như hơi tối? :)

Hầu như hải trình của các tàu vận tải xuất phát từ cảng Lữ đoàn 125 đều đi kẹp giữa khu vực này (Mỏ Rồng và Đại Hùng thì phải). Rất tiếc mình không phải là dân chuyên nghiệp về ảnh, không chuyên đến mức buổi tối không biết chỉnh thế nào để chụp ảnh nữa. Sẽ cố gắng phân loại để tìm những ảnh đẹp nhất tặng các bạn. Trường hợp mà không có được, biết đâu lại chảng có một lời hứa quay lại Trường Sa năm 2010.
 
Rất cảm ơn các bạn đã đọc, cá nhân tôi rất mong rằng một ngày nào đó các Anh, Chị, Em, Lão Phượt Gia có thể đàng hoàng thoải mái mà ra thăm đất của ta.
Xin phép mọi người cùng tiếp tục nhé.

Đã rất lâu rồi mới lại được nằm trên chiếc giường "Hạnh Phúc" kiểu như thế này. Ảnh này chụp trong lúc đang tá túc ở nhà khách Lữ đoàn 175:
1giuonghp.jpg


Còn đây là cabin buồng của đoàn mình. Không xịn bằng cabin trên Titan nhưng như thế này là quá ổn rồi:
44cabintau.jpg


Những chiếc tàu SAR mới nhất của Việt Nam, nhìn đâu có kém USCG các bác em nhỉ:
2tausar.jpg


Bốn chiến hạm em chụp được dọc đường đi ra cửa biển Vũng Tàu:
3tauphaovt.jpg


Trên buồng lái đơn giản của tàu Trường Sa 19, lúc này bọn em đang chạy thử một máy GPS cầm tay nữa có đưa hải đồ đơn giản vào làm nền:
4buonlaits19.jpg


Đây là cảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy sau 48 giờ lênh đênh trên biển. Thú thực là bất kể một cái gì nổi trên mặt biển đã là tuyệt lắm rồi nói gì đến một hòn đảo xanh tốt đến như vậy. Nếu muốn được trải nghiệm cảm giác thiêng liêng, hãy một lần nhìn thấy Trường Sa:
6tssau48h.jpg


Chỉ nhìn gương mặt những người đứng chụp ảnh này thôi các bạn cũng có thể đoán được nỗi vui mừng khi được ra với Trường Sa:
7daotsa.jpg



RỦI RO ĐẦY MAY MẮN

Chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn vào buổi sáng sớm đúng như lịch trình đã dự kiến, khi bắt đầu nhìn thấy đảo qua ống nhòm tôi mới thấy vẻ căng thẳng bớt đi trên khuôn mặt của thuyền trưởng và chính trị viên tàu Trường Sa 19, con tàu được giao nhiệm vụ đưa tới bốn đoàn công tác ra Trường Sa lần này. Khi còn cách đảo khoảng vài hải lý, thuyền trưởng thông báo cho các thành viên trên tàu biết rằng, tàu chưa được phép cập cảng ngay bởi trên đảo đang diễn ra sự kiện quan trọng và chỉ được phép lên bờ vào sáng sớm ngày hôm sau. Hầu hết mọi thành viên trong đoàn công tác kể cả tôi đều cố nén tiếng thở dài tiếc rẻ vì đảo chỉ còn cách chúng tôi có vài trăm mét, vậy mà sẽ phải đợi đến 24 tiếng đồng hồ nữa mới được lên bờ, nhưng biết làm sao được với quân đội thì “Quân lệnh như sơn”. Nhưng quả là trong cái rủi luôn có cái may, tuy không được lên đảo ngay lập tức nhưng đổi lại chúng tôi đã được chải nghiệm một ngày đêm thả neo với bao hoạt động theo kiểu “tự sướng” và quan trọng là tha hồ ngắm đảo từ xa và lấy đảo làm nền để chụp ảnh. Tàu chúng tôi có tới ba đoàn công tác và chỉ huy cao cấp nhất trên tàu là Phó Chính uỷ Hải quân Vùng 4. Đoàn trẻ nhất, đông nhất và nhiều hành lý nhất là đoàn làm chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, với một ê kíp bao gồm đạo diễn, dẫn chương trình, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, quay phim, hành chính, người thân của chiến sỹ ... chính là đoàn nòng cốt của mọi hoạt động “vui vẻ tưng bừng” của tàu Trường Sa 19. Đoàn xinh nhất và say nhiều nhất là Văn công Hải Quân, đa phần các cô gái của đoàn “nằm sàn” đợi say sóng ngay từ khi rời bến và rất ngạc nhiên họ không phải là những “hoạt náo viên” chính trên tàu. Ngoài ra trên tàu còn có sự góp mặt của Cục Bản đồ Bộ Tổng Tham Mưu và Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga.

Chúng tôi bắt đầu buổi sáng của ngày chờ đợi bằng việc làm quen và lôi nhau ra chụp ảnh, chỉ khi tàu thả neo mới thấy bóng dáng chị em tung tăng trên cầu thang, trên boong, trên mũi tàu. Mất gần ba tiếng đồng hồ vật nhau với máy ảnh, với chị em với anh em, tất cả thuỷ thủ đoàn và khách đi tàu cũng đã có được những tấm ảnh như ý, các bạn phóng viên bên VTV3 cũng đã bắt đầu bắc máy tranh thủ làm phóng sự trong lúc đợi lên bờ. Và các bạn có biết không, tàu Trường Sa 19 của chúng tôi bỗng nhiên trở thành “ông sao” giữa khu vực neo tàu đảo Trường Sa lớn và giữa Biển Đông, thuyền trưởng tàu chúng tôi cho biết chưa bao giờ thấy ngoài đảo có nhiều tàu như lần này, ở khu vực thả neo tạm chúng tôi đếm được cả thảy có 12 tàu đang buông neo trong đó có một tàu pháo hạm, hai tàu tên lửa trong đó có chiếc tàu tên lửa Tarantul mới tinh, một tàu tiếp nhiên liệu, một tàu tiếp nước, một tàu thăm dò khảo sát còn lại là các tàu vận tải và tàu hỗ trợ huấn luyện. Thuỷ thủ đoàn trên các tàu đậu gần tập trung hết về mạn hướng về tàu Trường Sa 19 bởi Trường Sa 19 đang ‘sở hữu’ tới hơn mười thiếu nữ xinh đẹp chạy tung tăng trên bong và lên xuống các tầng, rồi ngả, rồi ngiêng, rồi đứng, rồi ngồi, rồi đứng đơn, rồi đứng kép tạo dáng để ... chụp ảnh và ghi hình, mỗi thành viên trên tàu Trường Sa 19 đều có những tấm ảnh để đời với nền là đảo Trường Sa, là hình ảnh tàu chiến, tàu vận tải ... Chúng tôi cũng được xem ‘trực tiếp’ toàn bộ quy trình tiếp nhiên liệu trên biển của các tàu chiến, từ khi tiếp cận, ném dây mồi đến cả hai ba tiếng bơm nhiên liệu liên tục. Được ngó ngiêng ở khoảng cách rất gần những ụ pháo, bệ phóng tên lửa và dáng vẻ hùng dũng của những chiếc chiến hạm hải quân. Và tất nhiên tiết mục không thể thiếu mỗi khi neo tàu đó là câu cá, cả thuỷ thủ đoàn và khách có tới 20 tay câu chia đều trên hai mạn thi nhau thả, có khách còn cầu kỳ mang theo cả chiếc cần câu hiệu Shimano ra để thi thố, các bạn không thả câu được dịp chạy qua lại xem và hò reo cổ vũ mỗi khi có tay câu nào đó kiếm được một chú cá. Cá lớn cá bé cá mẹ các con, lần lượt dính câu, những chú cá bé ngay lập tức được xả thịt để ... làm mồi nhằm kiếm được chú cá to hơn và những chú cá to hơn cũng ngay lập tức được xả thịt để ... làm mồi cho buổi liên hoan, theo chương trình sẽ được tổ chức ngay trên tàu vào bữa trưa, sàn tàu rất nhiều cá bò, cá mú đỏ ... nhưng không có một chú cá nào to như thuỷ thủ kể cho chúng tôi nghe, tiếc quá tiếc quá.
 
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)

Buổi trưa của ngày chờ đợi cập cảng là buổi liên hoan đầu tiên tất cả chúng tôi tổ chức kể từ khi bắt đầu cuộc hải trình từ Vũng Tàu. Bàn tiệc được bày ra trên bong chìa tầng hai và gầm bong chìa tầng một, một bữa tiệc thịnh soạn như trên đất liền với đủ món ngon và đặc biệt nhất là món cá vừa câu nướng. Bữa tiệc của chúng tôi bắt đầu từ 12 giờ trưa và kết thúc sau hai giờ liên tục với lời hẹn giao lưu văn nghệ giữa thuỷ thủ và khách đi tàu vào buổi tối.

Quả thật, chúng tôi là những người gặp may mắn trong rủi ro, mặt trời bắt đầu lặn ở phía tây, mặt biển phía chân trời chuyển từ màu đỏ sang tối sậm, màn đêm bắt đầu xuống thì cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được cảnh tuyệt đẹp của bầu trời đầy trăng sao, đặc biệt là mặt trăng tròn, rực sáng soi rõ những con tàu đang thả neo và những mỹ từ chỉ thấy trong sách và và tiểu thuyết như “mặt biển lóng lánh như dát bạc” hay “ánh trăng như dát bạc” ... được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, bạn hãy thử tưởng tượng một vùng trời nước bao la với những con sóng nhấp nhô được thắp sáng bởi ánh trăng lung linh kéo dài xa tít tắp, đẹp không bút nào tả xiết. Cả mười hai chiếc tàu đang buông neo đều lung linh ánh đèn, tất cả đều đẹp hơn so với ban ngày ánh sáng soi rõ cả thân tàu, cột cờ, nòng súng, ụ pháo, tháp tên lửa ... tất cả đều nhấp nhô lay động bởi những con sóng trên nền biển được dát bằng ánh trăng. Bữa tối trên trên tàu của chúng tôi bị gián đoạn bởi những tiếng nổ rát tai ngay trước mũi tàu, tất cả anh em đều buông bát đũa chạy về phía mũi tàu để “nhìn thấy” tiếng nổ, cả tôi cũng vậy, không kịp xỏ dép, tôi chạy thật nhanh ra mũi tàu. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy những khẩu súng lớn nhỏ thi nhau nhả đạn, toàn đảo đang có báo động và huấn luyện bắn. Tiếng loa phóng thanh, tiếng tạch tạch của AK và súng ngắn, ánh lửa khạc ra từ những khẩu pháo ven bờ, tiếng nổ đầu nòng chát chúa, cả viền quanh đảo sáng rực sau những tiếng nổ chói tai, nửa tiếng đồng hồ sau cả vùng biển ngập khói và khét mùi thuốc súng, cảnh tượng thật hoành tráng.

Cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới kết thúc được bữa tối và bàn giao lại “mặt bằng” cho thuỷ thủ tàu chuẩn bị sân khấu cho đêm giao lưu. Và một lần nữa, chúng tôi lại làm náo động cả khu vực neo đậu tàu của đảo Trường Sa Lớn bằng những bài hát, những bản nhạc kéo dài đến nửa đêm. Trường Sa 19 lại trở thành tâm điểm của cả khu vực bởi ánh đèn sáng, tiếng hát, tiếng nhạc tiếng cười nói hò reo vui vẻ vang cả một vùng biển trời của tổ quốc. Chúng tôi đứng bên mạn và chia tay với đội tàu chiến lúc gần nửa đêm, ba chiếc chiến hạm lẫm lũi theo đội hình chữ A, hú những hồi còi chia tay và dần khuất dạng vào trong biển đêm. Sau lưng chúng tôi, đảo Trường Sa rực sáng ánh đèn cao áp, ánh đèn chiếu rọi những tán cây bão táp, cây bàng xanh ngát trên nền biển đêm sáng rực ánh trăng. Tôi gọi việc không được cập bến lên bờ ngay khi đến Trường Sa là việc “Rủi ro đầy may mắn”.

Và bây giờ mời các bác em tham dự bữa tiệc liên hoan các loại tàu nhé, cái nào còn thiếu em sẽ bổ sung từ từ dần dần. Em có thể không đi được nhiều đảo trong chuyến này, nhưng chắc chắn em hơn các bác là số lượng tàu tại thời điểm em đến thì chắc vô địch rồi. Theo em tàu bè rất quan trọng trong chiến tranh nhưng nếu kết hợp giữa tàu bè và cách đánh thì mới tạo nên sự khác biệt bởi tàu thì dần dần các nước cũng sẽ như nhau thôi.

Cậu em của đoàn nhìn rất hầm hố nhưng vô cùng chịu khó, tác nghiệp ngay và liên tục:
8cauem.jpg


Cano CQ (Chủ Quyền thì phải) là phương tiện xua đuổi những kẻ lang thang hay bám lẵng nhẵng ngoài đảo của ta. Có em này vô cùng tiện lợi, sóng to không cập cảng được em này sẽ làm cầu nối (tất nhiên là cả cano trên tàu). CQ cũng được trang bị vũ khí hạng nhẹ đấy. Hôm bọn em trên đảo có đội 5 chiếc CQ dàn hàng chạy hết tốc quanh đảo để ghi hình nhìn cũng đã lắm:
9canocq.jpg


Tàu tiếp nhiên liệu, em này có nhiệm vụ khi các em có số má trên kia đi đến vùng nào thì xe phải đi theo đến vùng ấy để cho các em nó còn ăn, các em kia chạy trên ba chục lý giờ đâm ra tốn kém lắm. Bọn em được chứng kiến bơm xong cho chiếc 261 và 376 em Biển Đông này nổi mớn nước lên cả mét:
11cqvataudau.jpg


Đây là khu vực mà ba em chiến hạm cùng đậu vào đầu giờ sáng lúc tàu Trường Sa 19 đến. Lọt giữa chiếc HQ376, HQ371 và HQ261 là em tàu HP 17 chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc khảo sát trên biển và trên đảo (Biên chế hải quân đấy nhé). Các bác có thể thấy em 376 là em Tarantul mới nhất của Hải quân Việt Nam, mỗi bên lườn em ấy có 8 tên lửa, tổng cộng em nó có 16 tên lửa. Chiếc 372 cũng mang tên lửa những là tàu thế hệ trước (Em chưa kịp đọc là lớp gì nữa) còn 261 là pháo hạm thế hệ cũ rồi.
12baitauts.jpg


Chiếc 261 đang được tiếo nhiên liệu từ Biển Đông:
14261andau.jpg


Tarantul 376 chiếc tàu tên lửa thế hệ mới nhất của Việt Nam, nhìn cũng đã con mắt đấy chứ các bác em nhỉ:
15tarantul376.jpg


Và cuối cùng là em Tital chuyên đưa khách VIP ra với Trường Sa. Em này đăng kiểm Đức, tuổi thọ khá cao, đất dầu như uống nước lã, có hệ thống tự lọc nước biến, có thể lênh đênh trên biển khoảng 3 tháng, chịu được bão cấp 12 gì đấy. Nguyên của nói là tàu cứu nạn (Rescue Zone). Đi chiếc này tất nhiên là sẽ yên tâm hơn những chiếc khác rồi.
16titan.jpg


Hẹn gặp các bác vào ngày mai với phần em bắt đầu lên đảo!
 
Last edited:
RỦI RO ĐẦY MAY MẮN (CUỐI)

Em thề là bác không phải may mắn mà là quá may mắn. Bác vừa chứng kiến cảnh nên thơ (trăng sáng dát bạc trên biển) vừa chứng kiến cảnh khói lửa (tập trận) rồi cuối cùng nhảy múa hát ca. Bữa tiệc no nê thịnh soạn thế thì ai mà chịu nổi. :shrug: Thật GATO không phím nào tả xiết. :((

Theo em bác viết từ từ thôi, nhưng viết đến đâu "đủ" đến đó. Nhân dịp dư âm cảm xúc đang nóng hổi chơi láng luôn đi bác. Đời người chẳng mấy khi có dịp vậy đâu.

GATO quá thể! :S
 
Trời ! thật ganh tỵ hết sức - không biết khi nào em mới được biết thế nào là Trường Sa mến yêu của Tổ Quốc, cám ơn anh - những tấm hình đẹp quá!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,942
Latest member
Nhocdecor
Back
Top