What's new

[Chia sẻ] Ngủ đêm ở hải đăng

Thuở nhỏ tôi mê say những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm, những câu chuyện kể về các cuộc hành trình trên biển và những điều bí hiểm chung quanh những ngọn đèn biển. Có lẽ hình ảnh ngọn đèn cô độc chơ vơ giữa biển có một sức thu hút đặc biệt với đầu óc giàu tưởng tượng và tính hiếu kỳ của trẻ thơ. Nhất là cuộc sống của những người canh giữ ngọn đèn, lặng lẽ và u uẩn nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tàng bí mật của biển khơi.

Hình ảnh lãng mạn của ngọn hải đăng theo tôi đến lớn, cứ có dịp đi ngắm hải đăng là tôi tha hồ thả hồn lang thang ...

Nhưng chỉ khi tôi được ra hải đăng ngủ lại một lần thì tôi mới thực sự thấm cái mê hồn của nó. Một trải nghiệm thật đặc biệt khó tả. Một sự thỏa mãn tới tận cùng. Giống như khi ăn hết trái xí mụi hay trái cóc mà còn cắn hay nhai nát cái hạt để thấy được cái vị chát của nó. Ăn như vậy mới thấm được hết hương vị của trái xí mụi hay trái cóc đó. Vì thế sau lần đó hàng năm tôi đều dành một cuối tuần ở hải đăng cho đến khi tôi theo chồng dọn về sống ở sa mạc.

Hiện nay có nhiều hải đăng mở nhà trọ ở các nước trên thế giới, có nơi còn cho du khách ở trong một hải đăng thật sự luôn nhưng đa số thì chỉ được ở khu vực của người canh giữ đèn. Có chỗ còn cho du khách được làm các công việc hàng ngày của một người canh giữ nữa. Nếu bạn là người yêu biển và đam mê những ngọn hải đăng như tôi thì bạn hãy thử một lần đi, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn cảm giác và trải nghiệm đặc biệt lắm. Tin tôi đi :)

Point Montara Lighthouse
101723705_3b68eaf50b.jpg



Pigeon Point Lighthouse
110715154_b004012a26.jpg

Trích nhật ký 26/2/2005
Thanh tra vừa xong là chúng tôi khăn gói ra hải đăng chơi, ba tuần làm việc không nghỉ rồi. Trời âm u và gió, LaiPing lái chúng tôi ghé Trader Joe để mua ít thức uống và đồ ăn nhẹ, xe đi ngang qua những con phố Menlo Park hiền hòa. Tôi chọn 4 chai nước suối, 1 chai nước bưởi và 4 lon cafe. Quay lại thì thấy Shari, Corleen và LaiPing đã chất đầy xe đủ mọi thứ trên đời. Tôi tròn mắt hỏi tụi nó làm sao mà ăn cho hết trong hai ngày. Cả đám nhe răng cười. Đúng là Mỹ.
Ngồi ăn bánh mì ngoài sân cỏ chờ Donna tới nhận phòng, Corleen vừa ăn vừa thao thao kể chuyện bố nó làm nấm trộn dầu dấm. Tôi thả bộ ngược lên phía hải đăng, con đường đầy cúc tím. Donna và nhóm bạn của nó tới, Laiping réo tôi về phòng. Căn nhà trọ mang tên Hải Cẩu nằm sát mũi đất, phòng khách nhìn ra chân hải đăng bị bụi hoa Đuôi Cáo che khuất. Gió đưa những ngọn Đuôi Cáo vật vờn qua khung cửa kính làm căn phòng ma quái hơn. Tôi rùng mình nhớ lại những câu chuyện về các hải đăng ma lúc còn bé. Cửa sổ bếp nhìn ra biển, các phòng ngủ đều nhìn ra biển. Shari, Laiping, Corleen và tôi chọn phòng số hai. Mọi người sắp thức ăn mang theo ra bếp. Chỉ có chín người mà gần đầy một nhà. Kathleen, cô bạn của Donna gốc Ái Nhĩ Lan mang theo đủ thứ từ bông rửa bát đến khăn lau đĩa. Wendy với mái tóc xoăn tít và bộ váy gypsy cứ ra vô như con sáo và hát luôn miệng, thì ra cô là nhạc sĩ người gốc Tô Cách Lan nên giọng nói cô khác hẳn. Mọi người kéo nhau ra sân sau hóng gió biển, bốn đứa tôi lấy cớ đi mua bánh mì để có dịp dạo phố.
Shari nói Pescadero tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là nơi đánh cá. Tôi tò mò hỏi :
_Tại sao có tiếng Bồ Đào Nha ở đây ?
Shari trả lời vì những ngư dân Bồ Đào Nha đến định cư ở đây từ rất sớm. Xe cũng chạy ngang những ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Bồ Đào Nha mà tôi đã thấy qua ở các làng đánh cá ở quê hương họ xa xôi. Tôi thắc mắc tại sao người Bồ Đào Nha lại tới tận phía Tây Hoa Kỳ xa xôi này từ xa xưa thay vì sang cách tỉnh phía Đông Hoa Kỳ như các người châu Âu khác. Tôi không dám hỏi thêm chỉ yên lặng nhìn đường phố. Về nhà tìm đọc, mới biết ra thêm là họ đã đi từ quần đảo Azore sang, những người di cư nhiều lần.
“Sometimes when I am working in the fields,
I reach down and get a handful of good clean dirt.
It feels warm in the palm of my hand.
I let it dribble through my fingers and I feel as if
I had just shaken hands with all my ancestors.”
(Tony Jerome, C. 1900s, Turlock)
Thị trấn Pescadero chỉ có một con đường nhỏ, tôi mê mãi nhìn những chiếc lọ gốm được khắc vẽ tinh xảo mang đậm phong cách Á Châu. Những chiếc lá sen, cánh chuồn chuồn hay những chú ếch được bàn tay của nghệ nhân trong vùng thổi vào sức sống. Tôi như thấy thân quen gần gũi làm sao với cái thị trấn nhỏ bé này.
Mọi người lục đục chuẩn bị bữa tối. Shari làm món Atichoke nướng phó mát để ăn với nachos, mọi người cũng bày ra đủ loại paté phết bánh, Kathleen mang ra một lọ ô liu ngâm do chú cô làm từ vườn nhà. Tôi chưa bao giờ được ăn Ô liu ngon như thế (dĩ nhiên hôm sau khi ra về tôi được giữ phần ô liu còn lại). Shari làm món rau trộn Đại Hàn, cô có con gái nuôi người Đại Hàn nên cô rất am hiểu văn hóa và ẩm thực Đại Hàn. Susana cũng vừa tới mang 2 xô đầy cua, tôi phụ cô làm cua. Mọi người bu quanh trố mắt ngạc nhiên nhìn cô gái Á Đông nhỏ nhắn đứng vật mấy con cua to kềnh càng nhẹ nhàng tỉnh bơ. Wendy và Shari la oai oái không dám nhìn tôi bỏ cua vào 4 nồi nước đang sôi ùng ục, làm tôi phải mang đủ bằng chứng để giải thích là chúng không biết đau.
Sau bữa tối chúng tôi ngồi quây quần lại đánh bài, Anne, bạn của Donna người gốc Canada chỉ tôi chơi bài Manipulation, cô chơi thật hay và thật hăng say khó ai có thể thắng cô trong trò chơi này. Trên bàn bạc, quả thật dễ nhận thấy cá tính của từng người. Ngoài trời mưa lất phất, mọi người thay phiên nhau đi tắm nước nóng, ô cửa sổ phòng bếp đen ngòm chỉ thấy những đợt sóng lấp loáng chồm lên từ xa xa.
Tôi, Anne, Kathleen và Wendy cũng kéo nhau ra bồn nóng tắm. Bồn ngoài trời sát biển, mưa vẫn còn lất phất, nước trong bồn nóng đến độ tôi muốn nhảy nhổm ra, mãi sau mới quen dần. Trời tối đen như mực, thỉnh thoảng ánh sáng của ngọn hải đăng quét qua cơn mưa. Những vệt sóng trắng xoá như dồn dập tới chân bồn. Tôi thoáng rùng mình quay lại hỏi:
- Tại sao người ta gọi là Pigeon Point ?
Kathleen kể :
- Ngày xưa người ta gọi nơi này là Punta de las Balenas (Whale point), vào tháng 6 năm 1853 có chiếc thuyền mang tên Carrier Pigeon bị đắm ở đây nên người ta đề nghị xây hải đăng và gọi là Pigeon Point từ đó. Hải đăng được làm bằng kính Fresnel nhưng bây giờ họ không dùng nữa, đèn được thắp bằng kính khác và mỗi năm chỉ thắp lại bằng kính Fresnel 1 lần trong tháng 11 kỷ niệm ngày khánh thành hải đăng với 1008 mảnh kính sáng kỳ diệu.
Tôi ngước mắt nhìn lên ngọn hải đăng sừng sững cô độc giữa màn đêm, vài giọt mưa rơi xuống cổ lạnh buốt.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,710
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top