What's new

[Chia sẻ] [Tây Nam Trung Hoa Ký] Thành Đô, Lệ Giang, Cửu Trại Câu (2009)

Mùa đông năm 2009, YILKA có dịp thăm thú 2 vùng Tứ Xuyên và Vân Nam TQ, vì thời gian chưa cho phép nên bây giờ mới có dịp post lên chia sẻ với Phượt, mong nhận được góp ý của mọi người. Tổng cộng bao gồm 7 bài viết về những điều mắt thấy tai nghe trên cung đường Tứ Xuyên (Thành Đô, Cửu Trại Câu) đến Vân Nam (Lệ Giang và phụ cận).

(Các bài này YILKA cũng có đăng ở blog cá nhân www.icouple.sg/blog , giờ xin post lại trên Phượt )

-----

Trung Hoa Du Ký - Ngày 1: vào Thành Đô

(Link gốc: http://www.icouple.sg/blog/reading-stuff/3187 )


Hành trình vạn lý qua 2 vùng Tứ XuyênVân Nam phía Tây Nam Trung Quốc kéo dài 8 ngày và hơn 3000 cây số đường đi về sẽ lần lượt được gửi đến bạn đọc theo ký sự hình ảnh sau:
- Ngày 1: bay vào Thành Đô (Tứ Xuyên) rồi đáp tàu đi Phàn Chi Hòa
- Ngày 2: từ Phàn Chi Hòa bắt xe buýt đi Vân Nam, đến Lệ Giang cổ trấn lúc chiều tối
- Ngày 3 và 4: thăm thú Lệ Giang ngắm núi nhìn sông, đêm ngày 4 bay về Thành Đô
- Ngày 5: sáng xem gấu trúc Thành Đô, chiều bay đi Cửu Trại Câu
- Ngày 6: khám phá thiên đường hạ giới ở Cửu Trại (page 4)
- Ngày 7 -8: bay về Thành Đô, thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên, rời Thành Đô, kết thúc lần đầu "Bắc tiến" (page 6)

(Các thông tin dùng trong bài viết này và các bài tiếp sau là trải nghiệm cá nhân, thông tin về địa danh, thời tiết và giá cả ... chính xác cho đến thời điểm viết 12/2009, có thể dùng để tham khảo trong vòng thập kỷ tới - không hơn).

Ngày 1: Malaysia - Thành Đô - Phàn Chi Hòa

Với giá cả 2 chiều bay Kuala Lumpur - Thành Đô rẻ hơn nhiều so với vé KL - Hà Nội và ngang ngửa KL - Sài Gòn nên không có gì ngạc nhiên là chuyến bay của AirAsia chật căng người và quần áo rét :D

IMG_4753.jpg


AirAsia X giống hệt AirAsia, khác mỗi chữ X ... vì là hãng hành không giá rẻ nên mọi đồ ăn thức uống và dịch vụ giải trí đều bán trên chuyến bay :D

Đồ nghề: Canon EOS 5D Mark II, ống Canon 17-40mm f4 L USM, ống Canon 70-200mm f4 L IS USM. Máy phụ: Canon G10 ^^

IMG_4776.jpg


Thời gian bay: 4.5 tiếng, hạ cánh xuống sân bay quốc tế ShuangLiu, Thành Đô gần 2h giờ chiều ^^ Ấn tượng đầu tiên là sân bay Trung Quốc cực rộng, hành lang đến cực dài, và trời cực đẹp (11 độ, nhiều mây, không mưa, không nắng, gió nhẹ, thành phố chìm trong sương khói mùa đông). Kiểm dịch sân bay kỹ càng cẩn thận hơn so với Việt Nam hay Singapore, còn hải quan Trung Quốc làm việc nhanh nhẹn gọn gàng, tờ khai Hải quan của Trung Quốc rất đẹp nhưng khu vực này (như thường lệ) cấm chụp ảnh :mrgreen:

Ra khỏi sân bay thì lựa chọn tốt nhất cho du khách là bắt taxi. Xe taxi của Trung Quốc nhiều và dễ bắt, thường có 2 màu trên thân xe, và luôn chạy theo đồng hồ nên chỉ cần đưa lái xe địa chỉ cụ thể là đủ. Quãng đường khoảng 22km có giá khoảng 60 RMB (~ 9 USD) đã bao gồm lệ phí sân bay.

_MG_6602.jpg


Taxi Trung Quốc đi nhanh và lái lạng lách y hệt người Việt Nam đi xe máy :D Đáng chú ý là đường phố lớn của Trung Quốc rất hiếm xe máy, phần lớn người dân đi bộ hoặc đi xe đạp điện nên tiếng ồn khá thấp và trên trục chính chỉ toàn xe hơi. Mọi người đều tuân thủ luật lệ, các ngã tư đều có người điều khiển giao thông nhưng khuyến cáo là phải nhìn trước nhìn sau khi qua đường vì taxi và xe buýt Trung Quốc lái hơn trong phim ...

_MG_6594.jpg


Thành Đô (Chengdu) vốn được coi nút giao thông huyết mạch của Trung Quốc, vừa là ga chính đi các thành phố khác của Tứ Xuyên, lại cầu nối quan trọng đi các vùng phía Tây và phía Nam đất nước. Với mục đích thăm cả Tứ Xuyên và Vân Nam, người viết chọn Thành Đô là điểm dừng chân đầu tiên, từ đây có 2 lựa chọn chính (với giá cả hợp lý) để đi Vân Nam:

- Cách 1: bay hoặc đáp tàu đi Côn Minh (Kunming), lộ trình này cho phép du khách thăm Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang. Đây là lộ trình quen thuộc với các tour du lịch từ Việt Nam, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian di chuyển trên tuyến Thành Đô - Côn Minh (xx giờ tàu), từ Côn Minh đi xe đến Lệ Giang mất thêm xx tiếng nên sẽ giảm thời gian ở chơi thăm Lệ Giang

- Cách 2: với ý định lấy Lệ Giang làm điểm nhấn của vùng Vân Nam mà bỏ qua Côn Minh và Đại Lý, người viết chọn cách 2 là đi tàu (15 tiếng) từ Thành Đô đến Phàn Chi Hòa (Panzhihua), bắt xe buýt từ Phàn Chi Hòa (7 tiếng) đến Lệ Giang.

Vé tàu ở Trung Quốc chủ yếu mua trực tiếp từ ga hoặc thông qua các đại lý du lịch trong nước. Vé tuy nhiều nhưng luôn luôn nên mua trước từ 3-5 ngày khởi hành vì số lượng người Trung Quốc đi tàu là cực cực lớn, một phần do yếu tố địa lý. Với họ, đi tàu 10-12 tiếng, vượt khoảng cách 800-1000km có thể xem là gần! Với khách du lịch nếu không có điều kiện mua vé trực tiếp thì nên nhờ khách sạn ở Trung Quốc đặt vé cho rồi nhận vé sau khi đã đến nơi.

Người viết đặt phòng với nhà nghỉ Sim's Cozy Garden Hostel (website) - đây là 1 điểm dừng chân nổi tiếng cho khách du lịch bụi toàn thế giới, được HostelWorld và LonelyPlanet xếp hạng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Sim's Cozy do vợ chồng Sim (người Singapore) và Maki (người Nhật Bản) quản lý, đã hoạt động trên 20 năm, cực kỳ uy tín và nhiều kinh nghiệm về du lịch Tây Nam Trung Quốc; đồng thời hỗ trợ đặt thuê xe, vé tàu, vé máy bay, tổ chức tour ngắn ngày và dài ngày, xin giấy phép đi Tây Tạng ...

Vài hình ảnh để bạn đọc tham khảo:

_MG_6584-2.jpg


_MG_6577.jpg


Sim's Cozy có tủ sách và bộ sưu tầm phim nhạc khác đa dạng, khách có thể đặt cọc và mượn miễn phí :) (tủ sách này không có cuốn nào tiếng Việt cả ... ) Trong Sim's Cozy cũng có nhà hàng nhỏ, phục vụ món ăn Âu-Á và đồ uống với giá cả phải chăng, chất lượng vừa vừa, mang phong vị món Nhật khá nhiều.

Từ Sim's Cozy tuy không gần trung tâm thành phố, nhưng lại gần với ga tàu và thuận tiện đi thăm TT Bảo tồn và Nuôi dưỡng Gấu trúc của Thành Đô (sẽ được đề cập trong kỳ tới trong bài viết đầy đủ về Thành Đô). Sau khi đến Sim's Cozy lấy vé tàu, người viết đi taxi ra ga tàu Thành Đô, khoảng cách 2km, giá 9 RMB (~ 1 USD).

SIM.jpg


Thành Đô có 2 ga lớn là ga phía Bắc (North Train Station) và ga phía Nam (South Train Station), trong đó ga phía Bắc luôn là điểm khởi hành của các chuyến tàu, các thông tin trên mạng nếu không ghi chú cụ thể thì mặc định là ga phía Bắc. Ga Thành Đô cực rộng, xứng đáng là ga tàu lớn của Trung Quốc :D trong bán kính vài trăm mét trước cửa ga cho đến bên trong ga chỉ toàn người là người, hành lý cũng khó mà nhìn thấy vì quá đông người. Các thông tin biển hiệu đều là tiếng Trung, nhưng số hiệu tàu - giờ khởi hành - sân ga hiển thị số nên vẫn có thể tìm được đúng tàu cần đi. Trước khi vào ga, hành khách phải đưa hành lý qua băng kiểm tra như ở sân bay. Nguyên tắc số 1 là giữ chặt vé + ví + tư trang, chen lấn nhiệt tình không khách sáo, và không đi theo đám đông nào cả vì tất cả mọi người đi về tất cả mọi hướng

(còn tiếp)
 
Last edited:
Ngày 1: Malaysia - Thành Đô - Phàn Chi Hòa (tiếp)

Cách đọc vé tàu của Trung Quốc:
train_ticket.jpg


Thêm một điều nữa là các hành lang đi ra sân ga của Trung Quốc khá dài và lộn xộn, sẽ không có thang máy nên toàn bộ hành lý nặng nhẹ đều phải bê lên xuống cầu thang :!: Trái với không khí ồn ã bên ngoài, sân ga rất ngăn nắp và rất sạch, mỗi toa sẽ có trưởng toa đứng ngoài chào khách và kiểm tra qua vé.

IMG_4807.jpg


IMG_4803.jpg

Lịch chạy tàu khá chính xác, thời gian sai lệch toàn tuyến chỉ trong vòng 30', thông tin về lộ tuyến và lịch có thể tham khảo từ site China Highlights. Tùy thuộc vào hành trình mà có nhiều loại tàu, thông thường các tuyến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hong Kong, Tây Tạng thì tàu rất tiện nghi và vé đắt hơn. Trên các tàu đều chia hạng toa: ngồi cứng (Hard Seat), ngồi mềm (Soft Seat), nằm cứng (Hard Sleeper), nằm mềm (Soft Sleeper); loại sau giá thường gấp rưỡi đến gấp đôi loại trước. Riêng các toa nằm, tuy chia ra nằm cứng và nằm mềm nhưng mỗi giường đều có gối chăn đệm, khác nhau chủ yếu là khoang nằm cứng có 3 giường (trên, giữa, dưới) còn khoang nằm mềm chỉ có 2 giường (trên, dưới); nên loại nằm cứng (Hard Sleeper) luôn là lựa chọn của du khách cho các chuyến đi trên 10 tiếng vì yếu tố chất lượng và kinh tế :p Bạn đọc nếu có ý định đi tàu hỏa du lịch Trung Quốc thì nên xem thêm từ site Seat61. Giá vé tùy vào loại toa và thay đổi theo vị trí giường nằm, giường dưới giá sẽ đắt nhất và giảm dần khi phải trèo cao :D Trong mỗi toa, hành khách có thể cất hành lý dưới gậm giường nằm hoặc để trên giá, và tất nhiên phải tự trông coi. Đầu mỗi toa là máy lấy nước nóng luôn có sẵn nước sôi 99 độ; phía cuối mỗi toa là phòng rửa và 2 buồng vệ sinh (cẩn thận không thừa vì toilet chỉ sạch trước khi tàu chạy !)

Sau khi đã lên tàu, trưởng toa sẽ đi kiểm tra vé từng hành khách, thu vé giấy và phát cho hành khách 1 thẻ bài (mang đậm phong cách Trung Quốc :D). Thẻ này phải giữ vì khi đến ga cuối, hành khách phải đổi thẻ để lấy lại vé, có thể mới ra khỏi ga được.

IMG_4820.jpg
IMG_4834.jpg


Chuyến tàu Thành Đô - Phàn Chi Hòa khởi hành lúc 5:36 chiều, quãng đường 823km, thời gian khoảng 15 tiếng, được xếp vào loại tàu đêm, sẽ đến ga Phàn Chi Hòa khoảng 8.30 sáng hôm sau. Ngay sau tàu khởi hành, nhân viên mặc đồng phục sẽ đi bán đồ ăn uống, đồ lưu niệm (rởm) và đồ dùng cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt). Nếu có điều kiện thì hành khách nên mua đồ ăn mang theo, vì đồ ăn bán trên toa rất đắt, chất lượng trung bình. Như gói hoa quả chỉ đáng 10 RMB được bán 20 RMB ...

IMG_4825.jpg


Người đi tàu Trung Quốc kinh nghiệm đều mang theo bình đựng nước nóng để có thể lấy nước nóng uống trên tàu, pha trà, nấu mì ... kiêm đánh răng rửa mặt buổi sáng :D Chú ý: tàu đêm Trung Quốc sẽ tắt đèn vào lúc 9:30 tối và chỉ bật lại vào 6:30 sáng hôm sau, sẽ có loa thông báo nhưng là tiếng Trung! hành khách nên ăn bữa tối trên khoang càng sớm càng tốt và nên có đèn pin phòng khi hữu sự ^^

IMG_4832.jpg


Mọi người trên tàu phần lớn hiền lành thân thiện, đủ cả lứa tuổi trẻ già, hiếm người biết tiếng Anh, ai cũng thấy thú vị khi biết có hành khách Việt Nam đi tàu từ Tứ Xuyên (Sichuan) vào Vân Nam (Yunnan) :p và không kém phần ngạc nhiên là người Việt biết ít tiếng Trung :eek: chắc là nghĩ người Việt cái gì cũng biết keke Khi đêm xuống, tàu chạy cực nhanh (tốc độ hơn 100km/h) nhưng khá êm, nhiệt độ khoảng 9-10 độ trong khoang, thích hợp nhất là cuộn trăn nằm ngủ, xin hẹn bạn đọc bài viết ngày 2 :)
 
Ngày 2: Phàn Chi Hòa - Lệ Giang, Vân Nam

Ngày 2: Phàn Chi Hòa - Lệ Giang, Vân Nam

(Bài đầy đủ: http://www.icouple.sg/blog/reading-stuff/3224 )

Trở lại với bạn đọc vào ký sự ngày thứ 2 :) Sáng sớm tàu chầm chậm vào ga Phàn Chi Hòa, là điểm dừng cuối cùng trong hành trình 15 tiếng từ Thành Đô, mọi hành khách đã trở dậy và sửa soạn để xuống ga. Khác với Thành Đô, Phàn Chi Hòa (Panzhihua) là 1 thành phố nhỏ và yên tĩnh hơn, nhà ga cũng ít người hơn, phía ngoài ga là các tuyến xe buýt đi trong thành phố. Để có thể đi đến Lệ Giang, người viết phải bắt xe từ nhà ga đến bến xe trung tâm (kiểu như ga Hà Nội ra bến Mỹ Đình, hay ga Sài Gòn ra bến xe miền Tây vậy :D). Chú ý: các tuyến xe đường dài từ Phàn Chi Hòa đến Vân Nam nói chung đều khởi hành từ bến trung tâm chứ không phải từ nhà ga, nên nếu bắt xe buýt từ nhà ga thì sau một hồi vòng vèo, xe buýt cũng sẽ đỗ lại ở bến trung tâm rồi từ đó chuyển xe khác để đi Vân Nam :!: Cung đường Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là một trong các cung đường chính nên việc mua vé khá dễ dàng.

IMG_4882.jpg


(Do người Trung Quốc đọc từ phải sang trái, nên biển hiệu trên xe cũng phải đọc từ phải sang trái)

Giá vé Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là 80 RMB/người (~12 USD), quãng đường 300km, thời gian ghi trên vé: 9:00 - 13:00, thời gian thực tế: 8 tiếng, đến Lệ Giang khoảng 5h chiều. Xe thường dừng 2-3 lần để ăn trưa và cho hành khách thư giãn.

IMG_4843.jpg


Phàn Chi Hòa là một thành phố mỏ, cũng không có gì đặc sắc để nói nhiều, không khí trong thành phố nhuốm màu mờ mịt nửa khói sương nửa bụi đá. Xe buýt lao vun vút qua các giao lộ, hướng về phía núi chập trùng, báo trước một lộ trình dài và vất vả. Quả thực vậy, phần lớn quãng đường là những khúc quanh chữ S nối nhau vô tận, khi thì leo dốc dựng đứng, lúc lại biến mất trong rừng hoa cải vàng ruộm cuối thu rồi bất chợt xuất hiện ở lưng chừng đèo chênh vênh. Nếu ai đã từng thót tim khi leo đèo Hải Vân hay nghẹt thở những khúc cua của đèo Ngoạn mục tuyến Đà Lạt - Sài Gòn thì sẽ dễ tưởng tượng hơn nhiều.

IMG_4913.jpg


Khi trời xế trưa, xe dừng để mọi người ăn uống và nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Bữa cơm cao nguyên đầu tiên rất đậm đà và giá rất rẻ (13 RMB ~ 2 USD) :D Tiết trời ở độ cao 3000m so với mặt nước biển không quá khó chịu như người ta tưởng, trời rất cao và trong xanh, gió lạnh, mọi người chỉ cảm thấy hơi khó thở vì chưa quen hít nhiều khí lạnh và loãng vào phổi, nhưng ăn no xong thì mọi mệt nhọc tan biến. Lúc này đã hơn 1h chiều, xe sắp xuống thung lũng và chuẩn bị vào đến địa phận tỉnh Vân Nam.

IMG_4926.jpg


IMG_4957.jpg


Đường vào Vân Nam dễ đi hơn, hai bên đường là những hàng cây dài tăm tắp phảng phất vẻ đẹp của tháng lập đông, thời tiết đẹp và lý tưởng cho khách du lịch, hứa hẹn những ngày lạnh nhưng nắng ráo sắp tới :)

IMG_5024.jpg


IMG_5059.jpg


Xe đến Lệ Giang khoảng 5h chiều, sau khi dừng ở bến xe đường dài, hành khách có thể bắt taxi vào bên trong thành phố. Người viết đặt phòng ở Mama Naxi's Guesthouse, đây là hostel được LonelyPlanet xếp hạng tốt nhất trong các hostel cho du lịch bụi ở Lệ Giang. Có thể điện thoại để hostel cho xe ra đón, phí đón khách là 3 RMB/người. Nhận xét chung về hostel này: vị trí vừa (khoảng 20' đi bộ đến trung tâm cổ trấn); phòng nhỏ và ấm cúng, giá phải chăng (100 RMB ~ 15 USD); phòng có nước nóng và wifi miễn phí; phục vụ nhiệt tình và thân thiện; nấu món địa phương với giá vừa (15 RMB/người/bữa). Vì chiều đã muộn, người viết ăn tối ở Mama Naxi rồi bắt đầu 'súng ống' để khám phá Lệ Giang về đêm ^^ Nhưng trước hết muốn có đôi dòng về tỉnh Vân Nam nói chung và Lệ Giang nói riêng.

(còn tiếp)
 
Ngày 2: Phàn Chi Hòa - Lệ Giang, Vân Nam

Vân Nam (Yunnan) là tỉnh cực tây nam Trung Quốc, có diện tích gần 400,000 km2 tức là rộng hơn cả Việt Nam, là ngôi nhà chung của 52 dân tộc (trên tổng số 56 tộc người toàn quốc), được coi là miền đất nhiều sắc màu văn hóa bậc nhất Trung Hoa. Đây cũng là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với hệ động thực vật phong phú, nằm ở độ cao từ 1000 đến 3000m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu ôn hòa, lại được tưới tiêu bởi hệ thống các sông lớn như Dương Tử, Hồng Hà, Mê Kông. Nhóm ngôn ngữ chính của Vân Nam là Tạng (Tibetan), Nạp Tây (Naxi), Bạch (Bai) tương truyền là 3 anh em sinh ra một nhà nói 3 thứ tiếng khác nhau, chia nhau ra sống ở những vùng khác nhau từ cao nguyên, trung du, đến đồng bằng :)

yunnan.gif


Khách du lịch biết đến Vân Nam là cái nôi đa tộc, cũng là một nơi gần như duy nhất ở Trung Quốc có tứ đại nội thị tượng trưng cho bốn mùa trong năm:
- Côn Minh (Kunming) - thủ phủ Vân Nam, quanh năm nắng ấm - được coi là "Xuân Thành" (thành phố mùa Xuân)
- Đại Lý (Dali) - kinh đô xưa của vương quốc Nam Chiếu từng nổi danh qua Thiên Long Bát Bộ - được coi là "Hạ Thành"
- Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) - châu tự trị của người Thái ở Vân Nam - được coi là "Thu Thành"
- Lệ Giang (Lijiang) - thủ phủ của người Nạp Tây - được coi là "Đông Thành"

Lịch sử biết đến Vân Nam như một vùng giáp ranh quan trọng với Tứ Xuyên vốn là đất của nhà Thục thời Tam Quốc. Câu chuyện Gia Cát Võ Hầu dẹp loạn các tộc thiểu số, bảy lần bắt rồi bảy lần tha Nam Vương Mạnh Hoạch chính là trên mảnh đất Vân Nam này. Trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng hoạt động cách mạng ở Vân Nam những năm 1939 dưới bí danh Hồ Quang, thủ lĩnh Bát Lộ Quân, trước khi trở về Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm qua phim tài liệu "Bác Hồ ở Vân Nam" nếu muốn :D

Trở lại với Lệ Giang, người viết sẽ đề cập cụ thể hơn về lịch sử, văn hóa, và hình thái xã hội của nơi này trong bài viết ngày 3 và ngày 4. Bài viết này gửi đến bạn đọc cảm nhận về một Đông Thành khi đã lên đèn, đẹp lung linh hơn tất cả những thành phố đêm người viết từng thấy qua ^^ Một Lệ Giang im lặng về đêm với sắc màu ấm cúng trong cái rét 8 độ C với những con đường lát đá ánh màu đèn lồng đỏ, những cửa hiệu nhỏ rực rỡ đèn bày bán đồ ăn và quà lưu niệm cao nguyên.

IMG_6825.jpg


_MG_6625.jpg


_MG_6872.jpg


_MG_6657.jpg


Đoạn đường đi ra chợ trung tâm (Square Market hay Sifang Market):

IMG_6860.jpg


_MG_6689.jpg


(còn tiếp)
 
Ngày 2: Phàn Chi Hòa - Lệ Giang, Vân Nam

Các mái ngói được người dân ở đây khôn khéo gắn bóng đèn nhỏ vào, nhờ thế mỗi mái nhà và con đường trong cổ trấn đều rực sáng:

IMG_6662.jpg


IMG_6714.jpg


_MG_6847.jpg


Chợ trung tâm cũng là nơi thích hợp cho các hoạt động mua sắm và ăn uống. Các ngân hàng, bưu điện cũng tập trung ở khu vực này, nhưng chỉ hoạt động đến 5h chiều:

_MG_6716.jpg


Thị bò núi khô (yak meat) đặc sản của Vân Nam :D giá không rẻ chút nào!

IMG_6719.jpg


IMG_5222.jpg
IMG_6854.jpg


(còn tiếp)
 
Ngày 2: Phàn Chi Hòa - Lệ Giang, Vân Nam

Các biển hiệu ở Lệ Giang đều được viết dưới nhiều thứ tiếng, trong đó thú vị nhất là chữ tượng hình theo văn hóa Đông Ba (Dongba culture) của người Nạp Tây (Naxi), đây cũng là hệ thống văn tự độc đáo duy nhất còn lại trên thế giới hiện nay :p

IMG_6857.jpg


Từ chợ trung tâm, du khách đi thẳng tiếp sẽ ra đến quảng trường trung tâm (People's Square) nơi có bánh xe nước khổng lồ, biểu tượng của Lệ Giang Cổ Trấn ^^ Trên đường đi sẽ vượt qua các bar và club nhỏ, đây có lẽ là dấu ấn của văn hóa ngoại lai du nhập vào Lệ Giang trong những năm gần đây. Các quán này trang trí bắt mắt, bên trong nhạc chát chúa pha đủ thể loại :D bên ngoài có các thiếu nữ ăn mặc trang phục truyền thống Nạp Tây chào mời du khách ghé chân:

IMG_6752.jpg


IMG_6742.jpg


Quảng trường trung tâm có thể coi là điểm cuối của cổ trấn, là chỗ giao cắt giữa phố cũ và phố mới của Lệ Giang, cũng là đường đi vào công viên Hắc Long (Black Dragon Park) - sẽ được tường thuật chi tiết trong bài sau :)

IMG_5182.jpg


_MG_6811.jpg


IMG_6817.jpg


IMG_6799.jpg


Đến tầm 10h đêm là các quán bắt đầu đóng cửa, du khách cũng tìm đường về nhà nghỉ. Đêm cao nguyên đầu tiên đẹp nồng nàn, thú vị lắm nếu nhấm nháp vị bùi bùi của thịt bò (yak meat) lại hít hà thêm ly trà nóng trước khi chui vào chăn ấm ... nhiệt độ ngoài trời về đêm có thể xuống dưới 5 độ ... Hẹn bạn đọc trong bài 3 tiếp theo đón bình minh lên trên trấn Lệ Giang và tiếp tục cuộc hành trình khám phá mảnh đất này sâu kỹ hơn nữa :)

(hết ngày 2)
 
Ngày 3: khám phá Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long Đàm và núi Ngọc Long Tuyết Sơn

(Bài đầy đủ: http://www.icouple.sg/blog/reading-stuff/3284 )

Sáng ngày thứ 3, mới hơn 7h mà mặt trời đã chan hòa khắp mọi góc phố, xua tan cái giá lạnh ban đêm, cả trấn Lệ Giang rùng mình thức dậy trong nắng sớm và trời trong xanh văn vắt :) Trước khi cùng bạn đọc khám phá Lệ Giang, như thường lệ, người viết dành đôi dòng viết về lịch sử mảnh đất này ^^

STD_5437.jpg


Toàn bộ thành phố Lệ Giang thực ra rất rộng lớn, nó bao gồm khu đô thị mới (New Town), Đại Nghiên (Dayan) cổ trấn, Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn, và Bạch Sa (Baisha) cổ trấn. Thành cổ Lệ Giang hay Lệ Giang cổ trấn hay đô thị cổ Lệ Giang mà người đời vẫn hay nhắc đến chính là Đại Nghiên cổ trấn. Đại Nghiên có nghĩa là Nghiên mực lớn, có thể xem đây là cách ví von thi vị nhưng rất chính xác của người xưa bởi nơi này giống như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có một không hai của Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Còn chữ Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Sông Ngọc Hà (Jade Water) mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, nối nhau bằng 354 chiếc cầu đá; cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo trong con mắt khách du lịch.

Người ta ví Lệ Giang như Venice của phương Đông, nhưng người viết cho rằng như vậy là khập khiễng và chỉ đúng về bề nổi mà thôi :!: Nếu như Venice gồng mình lên chống chọi với sự xâm thực của nước biển thì Lệ Giang hoàn toàn ngược lại. Cổ trấn này vươn mình dưới chân núi Ngọc Long, đón nhận cái ưu ái trời trao, mỗi ngôi nhà trong thành cổ đều trồng dương liễu rủ bóng xuống dòng nước nhỏ chạy quanh, tạo nên cảnh đầu ghềnh dương liễu, cuối ghềnh nước trong, vẻ đẹp dịu dàng pha màu cổ tích đó đã qua bao thế kỷ chắc chắn vượt xa với cái nhân tạo còn quá trẻ của nước Ý :D Nếu muốn so sánh thì có lẽ gọi Lệ Giang là Tô Châu của cao nguyên sẽ xứng tầm hơn :p

Lệ Giang được xây vào thời Tống - Nguyên, đến nay đã hơn 800 năm tuổi, cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như vẹn nguyên so với ban đầu làm cho giá trị lịch sử và văn hóa của Lệ Giang càng rõ nét hơn.

joseph_rock.jpg


Người có công lớn đưa Lệ Giang nói riêng và Vân Nam nói chung đến với thế giới bên ngoài là nhà thực vật học Áo Joseph Rock (1884 – 1962) :) Ông là người đã cống hiến 27 năm (1922 - 1949) nghiên cứu về hệ động thực vật cũng như con người, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ của vùng Tây Nam Trung Quốc này. Những tài liệu quý hiếm kèm theo khám phá vĩ đại ông để lại được coi là nền móng đầu tiên để thế giới biết đến một Vân Nam - Tứ Xuyên đầy sắc màu trong lòng Trung Hoa rộng lớn. Công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Ba (Dongba) hay Từ điển ngôn ngữ Nạp Tây (Naxi) của Rock đến ngày nay được đánh giá là những bằng chứng sống sinh động và đầy đủ nhất về tộc người đã di cư đến Vân Nam hơn 1400 năm về trước. Bằng chiếc máy ảnh phim của mình, Joseph Rock đã ghi lại những dấu ấn lịch sử của vùng đất này từ những năm 1920, so với bây giờ cảnh vật hoàn toàn không đổi khác là mấy! Có 1 trang web khác khá thú vị In the footsteps of Joseph Rock đã theo dấu chân Rock đi qua từng vùng của Tây Nam Trung Quốc nhằm so sánh ngày ấy - bây giờ, bạn đọc có thể tham khảo thêm :)

LeGiang_1920.jpg

(Lệ Giang năm 1920, ảnh chụp bởi Joseph Rock)

Câu chuyện Rock khám phá mảnh đất Tây Nam Trung Quốc làm người Việt Nam thấy có nét thân quen, hay chính là năm 1893 khi bác sĩ Yersin đã góp công khám phá cao nguyên Lâm Viên để ngày hôm nay chúng ta có một Đà Lạt nên thơ đó hay sao!

map_lijiang.jpg


Lan man cũng đã đủ dài, bây giờ xin cùng bạn đọc khám phá Lệ Giang. Nhìn vào bản đồ Lệ Giang, có những điểm nhấn sau:
- Đi bộ trong phố cổ, hướng đến chợ trung tâm (Square Market), rồi đi ra quảng trường trung tâm (People's Square) ở tâm bản đồ.
- Nếu đi tiếp lên hướng Bắc là công viên Hắc Long (Black Dragon Park): bên trong là hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool) và Ngũ Phụng Lầu (Five Phoenix Hall)
- Phía Tây Nam bản đồ là Mộc Phủ (Mu Fu, hay Mu Family Maison): đây là nơi ở của thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Lệ Giang, giờ đã thành viện bảo tàng nổi tiếng nhất ở Lệ Giang.
- Sau lưng Mộc Phủ là Công viên Đồi Sư Tử (Lion Hill Park): trên đỉnh của nó Vạn Cổ Lầu (Wanggu Lou, hay Looking at the Past Pavilion), là nơi cao nhất ở Lệ Giang cung cấp cái nhìn bao quát toàn cảnh về cổ trấn cũng như khu đô thị mới.
- Đi xa khỏi Lệ Giang khoảng 14km là làng Bạch Sa (Baisha village), chính là Bạch Sa cổ trấn ngày xưa, giờ là một ngôi làng cổ nhỏ và yên tĩnh hơn Lệ Giang. Khách du lịch thường hay thuê xe đạp để đi giữa Lệ Giang và Bạch Sa.
- Cách Lệ Giang 30km là núi Ngọc Long Tuyết Sơn (Yulongxue Shan, hay Jade Dragon Snow Mountain) cũng là điểm đến thường xuyên của mọi du khách.

Về phần người viết khám phá Lệ Giang được chia làm 2 ngày. Ngày đầu bao gồm cổ trấn, công viên Hắc Long, và xem màn trình diễn Ấn tượng Lệ Giang (Impression Lijiang) ở chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn. Ngày thứ hai là đi thăm làng Bạch Sa rồi trở lại thăm Mộc Phủ của Lệ Giang và leo đồi Sư Tử (ngày hai sẽ được đăng chi tiết trong số tới) :D

Cổ trấn lúc mặt trời lên:

IMG_6892.jpg
IMG_6907.jpg


IMG_6908.jpg


Chú ý: mỗi du khách thường phải mua Vé bảo tồn phố cổ (Old Town Preservation fee) giá 80 RMB/người. Vé này không bắt buộc, nhưng nếu muốn tham quan một số nơi sẽ bị hỏi vé. Vé có thể mua ở các quầy thông tin du lịch (Tourism Information board) trong cổ trấn.

(còn tiếp)
 
Last edited:
Ngày 3: khám phá Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long Đàm và núi Ngọc Long Tuyết Sơn

Khoan thai đi bộ trong phố cổ, hít thở không khí buổi sớm trong lành, du khách có thể thưởng thức bữa sáng kiểu Nạp Tây (22 RMB) hay đơn giản là mua bánh bao chay hoặc ngô luộc bên đường. Con đường dẫn đến chợ trung tâm và quảng trường trung tâm phố cổ sẽ đông dần lên ...

IMG_6901.jpg


Người Lệ Giang tin rằng nước sẽ mang lại điều tốt lành, nên nước chảy từ núi về đến bánh xe nước sẽ chia làm 3 dòng chính chảy vào bên trong cổ trấn. Quang cảnh nơi đây:

IMG_6922.jpg


IMG_6919.jpg


IMG_6931.jpg


IMG_6932.jpg


Từ bánh xe nước, hướng tây sẽ đi ra khỏi cổ trấn và vào khu đô thị mới, còn hướng bắc là dẫn vào công viên Hắc Long Đàm (Black Dragon Park). Công viên này vào cửa miễn phí, nhưng du khách phải có vé bảo tồn phố cổ, nếu không thì có thể mua ở cửa công viên. Đường vào công viên:

IMG_6951.jpg


IMG_6964.jpg


(còn tiếp)
 
Ngày 3: khám phá Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long Đàm và núi Ngọc Long Tuyết Sơn

Bên trong công viên, trái với cái tên Hắc Long, là cả một thế giới sống động sắc màu đẹp tươi vô cùng, ở đây dường như thời gian ngừng trôi ... hàng cây lá vàng lá xanh rợp bóng, nước chảy róc rách như lụa, mặt hồ nước trong vắt nhìn thấy đáy, mái ngói đỏ xanh chen chúc, cột sơn son thếp vàng ...

IMG_7014.jpg


IMG_5456.jpg


Trung tâm của công viên là Hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool), là nơi luôn xuất hiện trong mọi bài viết về Lệ Giang cũng như website, bưu thiếp .... thu hút mọi du khách đến ngắm nhìn và chụp ảnh. Từ năm 1920 khi những tấm ảnh đầu tiên về Hắc Long Đàm được thế giới biết đến qua con mắt của Joseph Rock, nơi đây không mấy đổi thay, xin cùng bạn đọc thưởng ngoạn:

HacLong_1920.jpg

(Hồ Hắc Long năm 1920, ảnh chụp bởi Joseph Rock)

IMG_5332.jpg

(Hồ Hắc Long năm 2009, ảnh chụp bởi YILKA)

Mặt hồ trong sáng như gương, xa xa ngọn núi Ngọc Long Tuyết Sơn nổi bật lên với đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, như một nét chấm phá thiên tạo vào bức tranh sơn thủy hữu tình này. Vì thế cũng dễ hiểu nếu nơi đây luôn là lựa chọn số một cho việc chụp ảnh mẫu hay ảnh cưới ^^

IMG_6994.jpg


IMG_7011.jpg


IMG_7047.jpg


(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,393
Members
189,943
Latest member
3sdecal
Back
Top