What's new

[Chia sẻ] Ấn Độ - New Delhi-Pushkar-Jodhpur-Shekhawati

Ấn Độ - New Delhi-Pushkar-Jodhpur-Shekhawati-Udaipur-Jaipur-Agra

Ngày Em Đến

Giờ bay của hãng hàng không Air India thật quái đản, 2:30 AM. Đêm trước ở Băng Cốc tôi ngủ độ chừng hơn 1 giờ vì tiếng nhạc mở từ đường phố dội vào cửa sổ nhà trọ rung bần bật suốt đêm. Sáng thì tiếng động cơ xe máy đã phành phạch từ hơn 5 giờ. Tôi lại tiết kiệm nên trả phòng khách sạn ngày hôm sau rồi tìm chỗ đi chơi chờ đêm ra phi trường bay luôn. Lúc gần tối là mắt tôi đã muốn ríu hết cả lại rồi. Leo lên máy bay, chưa kịp chờ máy bay cất cánh tôi đã nhắm tịt mắt. Tôi ngủ mơ màng chập chờn, dưới chân tôi tiếng động cơ máy bay vẫn còn rung rung. Quái, sao lâu thế mà máy bay vẫn chưa chịu cất cánh thế này? Tôi mở choàng mắt, thì ra tiếng rung rung phát ra từ chiếc xe đẩy thức ăn sáng. Tôi nhắm mắt ngủ tiếp. Lần này tỉnh dậy thì thấy máy bay trống hoác chỉ còn lác đác vài người. Tôi giật bắn mình, quơ túi xách chạy ra. Chết tôi rồi, máy bay này bay đi Mumbai chỉ ghé Delhi, không biết tôi đã ngủ bao lâu rồi nữa. Không kịp mở túi xem đồng hồ, tôi lắc vội người đàn ông phía trước hỏi giờ. Năm giờ hai mươi sáng. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tim vẫn chưa đập lại đúng nhịp.

Xong thủ tục hải quan, tôi bước ra ngoài. Không gì sung sướng hơn khi đến một nơi hoàn toàn xa lạ mà có người cầm bảng tên mình đứng chờ đón. Tôi hân hoan bước tới, miệng cười toe toét.

Người tài xế vẫn lầm lì, chỉ trả lời tôi nhát gừng cho dù tôi cố thân thiện hỏi thăm. Tôi hơi ngạc nhiên vì xưa nay các tài xế lái xe thường nổi tiếng là nhiều chuyện. Tôi nhìn qua kính xe, đường phố còn chưa sáng hẳn, vắng ngắt. Thỉnh thoảng trên đường có một vài chiếc xe chạy. Có chiếc xe lôi máy bể bánh giữa đường chung quanh không một bóng người. Tôi rùng mình và thấy mình may mắn ngồi trong chiếc xe êm ái này. Gặp người đi đón mà mang xe sứt càng gẫy gọng thì cũng phiền.

Bốn mươi lăm phút sau, xe rẽ vào một con đường vắng vẻ và dừng lại trước một cái cổng sắt hé mở. Tôi nhìn vào thấy một căn nhà trắng. Tôi lắc đầu bảo người tài xế đây không phải nhà trọ tôi mướn. Tôi đưa anh ta địa chỉ và tên nhà trọ của tôi. Người tài xế đọc xong vẫn lầm lì không nói bảo tôi vào. Tôi nhìn thấy trước căn nhà có bảng hiệu và có bàn tiếp tân nên chấp nhận bước vào trong. Người tài xế và tên trực nhà khách trao đổi với nhau bằng tiếng Ấn Độ. Tôi cắt ngang họ bảo rằng tên tài xế đã đưa tôi đi nhầm, tôi xin họ cho tôi gọi nhà trọ của tôi. Tên trực nhà khách bảo tôi an tâm, hắn nói đã đón nhầm người vì có hai người trùng tên cùng chung một chuyến bay. Tôi hiểu ngay đây là một vụ lừa đảo. Tôi còn giữ nguyên tên cúng cơm Việt Nam, chuyện trùng tên trên chuyến bay thật là chuyện hy hữu. Tên trực nhà khách không đưa tôi gọi mà lấy số điện thoại của tôi gọi, chả biết có gọi thật hay không tôi chỉ còn nước đứng chờ. Hắn niềm nở bảo tôi an tâm sẽ đưa tôi về nhà trọ của tôi nhưng tôi phải trả tiền hắn đưa từ sân bay về nhà khách của hắn cộng tiền đưa đến nhà trọ của tôi vị chi là 900 rupees. Ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn, vắng không bóng ngườị Tôi không còn cách nào hơn. Lúc xuống xe tên tài xế tự nhiên gào lên “Tiền boa đâu? Tiền boa đâu? Boa đi chứ !” Tôi quay lại ngạc nhiên nhìn một người lầm lì suốt đường đi gần như không hiểu tiếng Anh bỗng dưng lại phát ra một tràng liên thanh như thế. Anh ta muốn tôi boa, lý do gì mà đòi tôi boa chứ. Tôi nhẹ nhàng bảo anh ta “Anh xem, giá taxi đi từ phi trường vào thành phố có 200 rupees, các anh đã tự động chở tôi đi còn tính tôi tới 900. Tôi không còn tiền.”. Tôi xách hành lý quay bước cố dằn cơn tức. Đồ quân cướp cạn, mới vài kilomet đã định trấn lột người hai lần.

Tôi đưa số điện thoại, tên và địa chỉ của nơi mà tài xế thẩy tôi xuống lúc sáng cho nhân viên làm việc ở nhà trọ của tôi và kể lại câu chuyện rồi nghi ngờ hỏi hắn tại sao họ có tên và giờ giấc bay của tôi. Hắn trả lời tỉnh bơ rằng chắc họ đọc được email. Tôi lên phòng mà bụng không an chút nào. Nếu như chính nhà trọ này đã lừa tôi thì tôi làm sao an tâm mà ở đây được. Tôi bước xuống phòng khách cần mong gặp ai đó cầu cứu.

Ngồi được một lúc thì có một gia đình người Tô Cách Lan bước vào. Họ có bốn người trong đó có một đứa bé chừng 4,5 tuổi. Tôi mừng quá bắt chuyện làm quen và kể khổ luôn tại chỗ. Sau khi ăn sáng và nói chuyện biết nhau một chút, tôi ngần ngại (nhưng có phần khẩn khoản) hỏi họ sẽ đi đâu nếu được thì tôi xin đi chung ít ngày cho quen đường xá. Tôi không ngờ mình lại đi xin xỏ phiền hà người khác một cách dễ dàng như thế (Chắc là do bản năng thúc đẩy). Họ vui vẻ nhận lời ngay. Mick đưa bản đồ chỉ cho tôi xem nơi họ sẽ đi vào ngày mai. Một tỉnh trong vùng Rajasthan, tôi cũng dự định đi quanh Rajasthan nên không có gì khó khăn cả. Mick bảo ăn xong phải đi mua vé cho ngày mai. Mười năm trước anh phải xếp hàng đúng một ngày để mua vé, tuần trước thì mất ba giờ đồng hồ.

Suzie và hai đứa con trai đi nghỉ. Tôi và Mick đi bộ ra nhà ga. Trên đường đi Mick mua hai cái bản đồ Rajasthan mà không hiểu sao khi đến nhà ga thì hai tấm bản đồ biến mất. Chúng tôi có bốn mắt mà chỉ có hai tấm bản đồ không trông nổi. Chắc có lẽ lúc cắm cúi đứng điền đơn ai đó đã cầm nhầm. Từ cổng nhà ga vào đến văn phòng có hơn một chục người níu kéo đòi dắt đến phòng bán vé. Cũng may là tôi đi với Mick, anh ta lãnh hết. Mick bảo tôi chỉ có 1 văn phòng thật nằm trên lầu còn lại các văn phòng bán vé khác là giả. Đôi khi họ còn bảo văn phòng trên lầu đóng cửa chuyển chỗ xuống dưới rồi làm nhiều khách du lịch cả tin và đi theo họ. Quái thật, tôi nhớ đến chuyện mấy tiệm thịt chó Anh Tú ở Hà Nội.Trên một con đường mà có tới cả chục tiệm đề bảng Anh Tú cái nào cũng bảo đây mới chính là Anh Tú chính hiệu.

Chúng tôi may mắn chỉ mất hơn một giờ mua vé. Mick bảo tôi bây giờ cứ việc an tâm ăn no ngủ kỹ sáng mai dậy sớm đi tàu rời khỏi Delhi. Tôi không mong gì hơn mặc dù theo dự định là tôi cần ở lại Delhi vài ngày để đến toà đại sứ Miến Điện xin giấy thông hành. Nhưng thôi, chuyện đó tính sau. Tôi cần phải lấy lại bình tĩnh và học đường đi nước bước ở đây đã.

Trên đường về tôi và Mick đi tìm chỗ chợ bị bom nổ tuần trước. Mick bảo chỉ cách nhà trọ của chúng tôi vài chục mét. Người đàn ông bán gia vị chỉ cho chúng tôi xem nơi bị bom, những cánh cửa sổ còn vỡ chưa được tu sửa lại nhưng nhìn cũng chẳng tệ hơn chung quanh là bao nhiêu. Những căn nhà chung quanh cũng đổ nát và tàn tạ không kém gì nơi bị đặt bom cả. Không có một dấu hiệu gì, chẳng có hoa cũng chẳng có một tờ giấy tưởng niệm. Người ta vẫn sinh hoạt bình thường kham khổ như chưa hề có gì xảy ra. Nếu như thỉnh thoảng cảnh sát không kéo tới đầy nơi đó thì tôi cũng không tin nổi chỉ chưa đầy một tuần trước 16 người đã thiệt mạng nơi đây. Một người đàn bà ngồi chăm chú vẽ hoa trên tay một cô gái ngay trước căn chợ bị khủng bố, nét mặt vẫn bình thản. Đêm đó, tôi thấy người ta ngủ la liệt ngoài đường chồng chất lên nhau người không manh áo tôi mới hiểu. Ở khu phố này, người sống không đủ chỗ để sống. Có lẽ con số chết vì đói khát, bệnh tật, tai nạn hàng ngày ở đây còn nhiều hơn số người tử nạn vì bom khủng bố. Ôi ! Paharganj.
Người vẽ Henna trước chợ
81852538_8749b444e5.jpg

Xe bán bông cải trên phố Paharganj
81853489_d25aecf9cf.jpg

(còn tiếp)
 
Last edited:
Mình cũng giống bạn Kiki, hay đi 1 mình :)
Cũng có lúc sợ quá mình đã thề ko đi 1 mình nữa, nhưng mà thoát rồi, hết sợ, lại đi ;)
 
Mọi chuyện xảy ra như trong phim, nhưng những cảnh đuổi bắt trong phim chỉ làm tôi buồn cười khi xe cộ đổ nhào vì tôi biết là giàn cảnh. Ở đây là mạng người, trong đó có mạng của chính tôi. Không biết cái giá đền cho chiếc xe trầy là bao nhiêu mà cậu nhỏ liều mạng như thế. Thôi, coi như là có thêm một chuyện đường xa để kể mặc dù chuyện xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi.

Bạn làm mình nhớ lại chuyến xe đi ở Varanassi, mình đi trên xe tuk-tuk (mình toàn gọi thế, ko biết có phải là xe giống bạn ko), không hiểu lúc đó gan cóc tía hay sao mình chả thấy gì trong khi xe phi ầm ầm phi giữa 2 xe bus ngược chiều. Bây giờ ngồi nhà mới thấy sợ. Thề không bao giờ đi 1 mình nữa
 
incredible india

Mình vừa từ Ấn độ về. ở trên núi Abu - vùng Rajasthan có một số xe "taxi", gọi là xe taxi vì nó chở khách như xe taxi ấy nhưng đúng ra là một đống sắt biết chạy. Mình chưa đi xe đó vì được chở bằng xe khác tốt hơn. Một lần khi mình đang ở trên một cái xe bảy chỗ như xe jeep, lao vèo vèo qua các con dốc với cảnh đẹp tuyệt vời ở hai bên, qua chỗ cua cậu lái xe cũng chẳng thèm bóp còi nữa thì một cái xe 4 chỗ khác từ trên dốc lao xuống. Hai cái xe phanh két lại và dừng lại cách nhau khoảng 1m hay nửa mét gì đó. Mình nhìn thấy người phụ nữ ngồi ở hàng giế đầu của xe kia giơ hai tay lên đầu, mắt và miệng đều tròn to và cực kỳ hoảng sợ. Vậy mà mấy đứa ở trên xe mình đều không ai sợ cả. "No problem, let's go". Ở đó lại đúng gần cổng doanh trại quân đội của không lực Ấn độ, có một cậu đứng gác đội mũ đỏ chót và xếp nếp như mào gà đến gần, mình giơ tay chỉ: kìa, chụp ảnh cậu này đi. Sau đó lại đi tiếp. Cậu lái xe từ đó đến chỗ ngoặt nào cũng bấm còi và đến khi tới nơi, cậu vẫn còn run.
 
Đã đến không thể quên

Tháng 4 năm nay tôi cũng có may mắn được tới Ấn độ, đi một mình, tới hai thành phố là Mumbai và Chennai. Thật sự ấn tượng, không thể quên được khi đã tới đó mặc dù tôi cũng được đi nhiều và 2008 đã tới Lhasa. Tôi nghĩ hai nơi cách xa nhưng có cùng đặc điểm. Ở Tây Tạng, người ta không quan tâm tới vật chất vì tìn ngưỡng, còn ở Mumbai, nơi người ta đến để nhìn thấy địa ngục trần thế, thì là vì họ không thể khổ hơn để mà quan tâm tới vật chất. Tôi đi tới khu đèn đỏ tại Mumbai (Kamathipura) và khu chợ đồ cũ là những khu ổ chuột nằm giữ Mumbai Mới (West End New Land) và khu Mumbai cũ (phát triển từ thời thuộc địa Anh với Cổng Độc lập, Khách sạn Taj Mahal và nhà ga trung tâm - nơi xảy ra cuộc tấn công tháng 11 2008) và thấy thật sự chưa có nơi nào là đô thị mà kinh khủng như vậy. Không thể quên được mùi, không khí, hình ảnh. Có một chi tiết để hình dung thêm về xã hội Ấn độ là trong thời gian ở Mumbai tôi được chứng kiến một cuộc diễu hành (có tổ chức) của các siêu xe sinh hoạt trong câu lạc bộ siêu xe địa phương (nhật báo ngày hôm sau có đưa tin) và không có chiếc nào dưới 1 triệu USD. Ấn độ đúng như ông Nguyển Tường Bách nói là nơi đến để thấy thiên đường và địa ngục. Đối với tôi Ấn độ là nơi đến một lần cho biết và nên ở nhà đọc sách để khỏi mất đi thiện cảm với một dân tộc.
 
Nếu như bạn muốn tìm một nơi hoàn toàn trái ngược nhau, thì đó là India, bên cạnh những căn nhà ổ chuột bẩn thỉu, đói nghèo là các lâu đài hoa lệ, bên cạnh những mảnh đời chỉ biết đến miếng ăn ngày mai, là nhưng công trình to lớn, hoành tráng, hùng vĩ đến nghẹn thở.
Nếu đến India để thăm thánh tích Phật giáo, bạn sẽ rất thỏa mãn và còn muốn quay lại nhiều lần, nhưng nếu đến để enjoy cuộc sống thì bạn sẽ khóc và chạy khỏi India ngay từ sân bay.
Vượt qua đói nghèo, bẩn thỉu, hôi hám bạn sẽ ngất ngây với cái đẹp tuyệt vời của núi tuyết và của các thắng cảnh " khủng" ở nơi đây. Tôi đã sống ở India 3 năm, và nếu có điều kiện, vẫn muốn quay lại...
 
Ngồi đọc một lượt các topic và comment về Ấn Độ, em thấy mọi người thường chê nhiều hơn khen thì phải. Nói chung Ấn đúng là cũng bẩn thật, nghèo thật, lộn xộn thật nhưng em chắc chắn một điều rằng đến Ấn xong sẽ bị choáng bởi vẻ đẹp của đất nước này, bởi sức sống của tôn giáo và bề dày lịch sử. Em đã ở New Delhi 2 tháng và vô cùng enjoy đất nước này.

Em đã từng một mình đi tàu 26 tiếng Sleeper class từ Delhi xuống Hyderabad trong một khoang tàu chỉ có mình em là con gái. Nhất cử nhất động của em đều dc các bạn Indian men theo dõi >"< và cả chiều đi lẫn chiều về đều không có gì xảy ra cả. Nghĩ đến thì cũng ghê ghê, em chắc mẩm đêm nay chắc ngồi ôm balo chờ trời sáng, nhưng lên tàu rồi, càng đi sẽ càng yên tâm, chỉ cần ôm hết những gì quý báu vào người là em ngủ vô tư. Nói chung em cũng dạng liều, nhưng ý em là Ấn Độ ko nguy hiểm đến mức đấy đâu. Mọi người cứ đi, rồi sẽ thấy yêu đất nước này như em thôi!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,637
Bài viết
1,154,246
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top