What's new

[Chia sẻ] Australia - Du hí farm nho

Mình gia nhập diễn đàn 1 thời gian, dưới sự hướng dẫn của các sư phụ phuot.vn thì cũng đi được 1 vài nơi mà chưa có cơ hội viết bài chia sẻ nào. Nay mình xin post 1 loạt bài đã cũ, viết linh tinh từ trước chia sẻ với mọi người

----

Từ trước khi đến Australia, tớ đã được nghe đến các sự tích về “tỷ phú làm farm” trong giới sinh viên Việt Nam học ở đây. Cũng trên tinh thần làm farm, tớ đã nhất quyết đòi đi… farm sau bao nhiêu can ngăn và đe dọa khổ cực của bạn bè.

Nơi tớ đến làm farm là thị trấn Menindee, bang New South Wales. Đây là một thị trấn nhỏ chỉ với hơn 800 dân, nằm ở rìa hoang mạc của Australia. Ở đây không có phương tiện công cộng đi thẳng về Sydney hay Melbourne mà hàng ngày chỉ có một chuyến xe bus duy nhất lúc 7h sáng đi đến thành phố gần nhất là Broken Hill (cách khoảng 150km) rồi từ Broken Hill mỗi tuần chỉ có 3 tuyến bus về thẳng Southern Cross (Melbourne).


Hành trình hơn 800km ra rìa hoang mạc

Tại Australia, vùng hoang mạc rộng lớn (Australian Outback) nằm trong lòng đất nước là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã đặc trưng như kangaroo, emu (đà điều) hay dingo (chó hoang dingo). Tuy vậy, những vùng đất nơi rìa hoang mạc rộng lớn này tập trung rất nhiều trang trại rộng lớn, là nơi thu hút rất nhiều lao động từ các nước có số dân nhập cư đông vào Aus như VN, Ấn Độ hay Sri Lanka. Ngay sau khóa học, tớ đã gia nhập vào đoàn làm farm gồm đông đảo các SVVN tại Swinburne, Monash và La Trobe.

Chỉ với lời kêu gọi trên diễn đàn mọi người hẹn nhau tại ga Southern Cross và cùng nhau bắt chuyến tàu 6h chiều đến Swan Hill. Chưa gặp nhau bao giờ, nhưng chúng tớ đã làm quen rất nhanh cùng tinh thần giúp đỡ nhau của những lưu học sinh. Đến tới Swan Hill, mọi người còn phải bắt xe khách đi thêm hơn 1 tiếng đồng hồ nữa mới tới Robinvale, nơi chúng tớ sẽ gặp contractor đón đưa lên farm. Mỗi một farm hoa quả lớn là nơi rất nhiều người Việt Nam nhập cư làm việc, họ thường làm thuê và cũng là người đứng ra dắt mối các lao động nhập cư khác đến làm việc cho chủ farm. Bằng việc dắt mối này, những contractor được ăn tiền hoa hồng dựa trên chính những sản phẩm của công nhân làm được.

Contractor của chúng tớ là một đôi vợ chồng người Việt Nam sống tại Robinvale. Họ đón chúng tớ tại bến xe khoảng 12h đêm và đưa tất cả đoàn với hơn 20 người về nghỉ một đêm trước khi bắt xe lên tới farm. Tại nhà của anh chị contractor, đoàn lại đông hơn với sự gia nhập của vài bạn từ Sydney xuống và 2 cậu bạn Trung Quốc, Đài Loan đến từ trước. Sau một đêm nghỉ ngơi, đến sáng mọi người đã lại sức để đi tiếp hành trình gần 400km từ Robinvale lên Menindee. Trước khi lên, mọi người đã chia nhóm cùng nhau đi chợ để chuẩn bị cho một tuần bị cô lập trong farm.

farm-01.jpg

Một bay lúc sáng sớm... có hôm tinh mơ còn có kangaroo ra ăn nho

Cả quãng đường đi xe dưới cái nắng hơn 40 độ của mùa hè Australia, thỉnh thoảng bên đường toàn một màu đỏ của đất lại được thấy mấy con kangaroo và emu tung tăng. Trên khắp đất nước, những vùng hoang mạc rất ít thấy người ở nhưng may mắn là hệ thống đường xá rất tốt nên cả quãng đường đi mọi người không mệt mà còn rất phấn khởi với một tuần sắp đến.

Những ngày sống trong môi trường đa văn hóa trên nước Úc

Australia luôn được biết đến với danh hiệu vùng đất tập trung của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Tại lớp của tớ ở Swinburne có rất nhiều bạn đến từ rất nhiều quốc gia như Colombia, Brunei, Malaysia… nhưng chính ở farm tớ mới cận cảnh chứng kiến cuộc sống đa chủng tộc tại đây.

farm-05.jpg

Tất cả tập trung thu dọn sau một ngày làm việc

Farm chúng tớ làm là một farm nho rất lớn. Đến farm vào đúng mùa thu hoạch nên không chỉ có nhóm sinh viên chúng tớ mà rất nhiều người, chủ yếu là lao động tự do, đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nepal… Chúng tớ ở trong một khu nhà được dựng lên từ các trailors với khoảng 60 phòng, mỗi phòng có khoảng 4 chiếc giường tầng. Cả khu nhà được dựng lên với hai khu bếp và hai khu nhà tắm. Khi kể lại cho mọi người ở nhà thì mọi người đều cho là chúng tớ may mắn khi được ở trong khu nhà có điều hòa nhiệt độ để chống chọi với cái nắng có thể lên đến trên 50 độ ở đây.

Khu nhà bếp có một nhà lạnh để trữ thức ăn, hàng ngày sau khi đi làm về, mọi người đều tập trung ở nhà bếp cùng nấu ăn. Không gian nơi bếp chính là nơi mọi người trao đổi hàng ngày những câu chuyện, bắt lời làm quen với mấy chị người Nepal, mấy anh Ấn Độ.

Cuộc sống multi-culture thỉnh thoảng vấn xảy ra những tranh chấp nho nhỏ do bất tương đồng về văn hóa như có hôm đi làm về, toàn bộ đồ bếp của một nhóm đã bay mất, mọi người toán loạn đi mượn của các nhóm khác về nấu thì hôm sau đã thấy một anh bạn Ấn Độ cầm một chiếc chảo bị mất đi hiên ngang trong bếp. May có sự can ngăn của mọi người trong đoàn nên “máu mới không đổ” trên farm nho.

Một ngày dài đẩy xe và hái nho

Khu ở của mọi người cách farm khu trông nho khoảng 15km nên sáng nào contractor của đưa xe đến đón mọi người ra farm. Mỗi một ngày đi xe cả đi và về, bọn tớ phải trả cho họ AU$5 trừ thẳng vào số tiền bọn tớ hái được. Ngày nào cũng dậy từ 4h30 sáng để ăn sáng và chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa. Ra đến khu hái nho là khoảng 5h30-6h sáng, khi mặt trời vừa lên là mọi người kịp hái nho cho mát mẻ đỡ cái nắng buổi trưa và chiều.

farm-02.jpg

Xe đẩy để hái nho

Mỗi người khi đăng ký hộ chiếu cho văn phòng đều nhận được một thẻ có mã số của mình và một cuộn ticket gắn với mã số đó. Ticket này sẽ được dán vào hộp nho mình hái để khi đưa vào xưởng, máy sẽ đánh số sản phẩm của mình trong ngày để tính tiền. Vì vậy, mọi người không bao giờ được quên gắn ticket vào thùng không thì sẽ bị mất tiền thùng nho mình hái.

farm-07.jpg

Trang bị đầy đủ để thành một "nông dân"

Trước khi bước vào hái nho, mỗi người sẽ phải chuẩn bị dụng cụ gồm các hộp nhựa, carton, kéo chuyên dụng, xếp gọn trên một chiếc xe đẩy (trolley) và đẩy xe dọc theo hàng trên ruộng nho (bay). Trên chiếc xe đẩy luôn có hai loại thùng là thùng giấy và thùng nhựa. Mỗi thùng nho được chia thành hai loại 10kg và 12kg, chúng tớ phải cân thật kỹ trước khi đặt xuống đất cho xe đi pick nếu không thiếu hay thừa quá 100g thì bạn sẽ không được tính thùng đó. Với một công đoạn hái nho và đóng gói như vậy không hề đơn giản mà chỉ được trả khoảng AU$3 cho một thùng và với mỗi thùng như vậy bạn sẽ bị từ 50cent tiền hoa hồng cho contractor.

farm-03.jpg

Một chùm nho nặng trung bình khoảng 0.6-1kg

Một ngày đứng dưới ánh nắng farm nho, ai cũng chuẩn bị cho mình dụng cụ bảo hộ lao động kín mít. Theo như “giới làm farm chuyên nghiệp” thì farm nho được đánh giá là nhẹ nhàng nhất vì những dãy nho cao quá đầu một chút giúp chúng tờ che nắng chứ không như dâu tây hay các loại berries phải đứng dưới ánh nắng trực tiếp. Nho cũng không nặng như táo hay nectarine (một loại lai của đào) nên không vất vả khi phải bê các thùng. Vậy mà một ngày với nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ, ai cũng phải chuẩn bị áo, quần dài tay, mũ chống ruồi và can nước rất to để bảo vệ mình.

Nói đến mũ chống ruồi thì tớ mới nhớ đến câu đùa một anh bạn Aussie về Australian salute (chào kiểu Úc). Mùa hè ở Úc có rất nhiều ruồi, nhất là ở các trang trại hoa quả, nên mọi người phải luôn tay ve vẩy trước mặt để đuổi ruồi. Vì thế, anh bạn tớ đã nói rằng đấy chính là kiểu chào của người Úc.

Quay lại chuyện hái nho, một ngày làm việc như vậy của bọn tớ thường kết thúc vào 4h chiều. Hôm nào nắng quá thì theo luật bảo vệ lao động, chủ farm sẽ kêu về sớm và công việc có thể kết thúc từ 1h chiều. Vì vậy, mọi người luôn tranh thủ làm việc thật năng suất vào buổi sáng khi trời còn mát mẻ và mỗi ngày làm việc như vậy, ngày hiệu quả nhất của tớ chỉ là 30 thùng nho trong khi nhóm tớ có bạn cắt được gần 50 thùng. Theo lời của những tay kéo chuyên nghiệp ở đây, có những công nhân Việt Nam bình thường cắt khoảng 70 thùng là chuyện không có gì lạ.

farm-04.jpg

Tractor đi thu các thùng nho

Làm ở farm nho khoảng 10 ngày, tớ đã đảo ngũ do đã có lịch đi Sydney với mấy người bạn vì vậy tớ đã phải tìm cách để về. Hôm tớ về đúng vào ngày Giáng Sinh tại đây nên không còn một phương tiện công cộng nào trong thị trấn cả. Thật may mắn có hai anh bạn Trung Quốc có ôtô và họ cũng đi về Melbourne nên tớ đã cùng mấy bạn trong đoàn quá giang với họ. Hành trình rời khỏi farm nho cũng thú vị không kém khi mọi người đi vào đúng ngày Giáng Sinh, mọi người hầu như không đổ ra đường. Xe của cậu bạn Trung Quốc có gắn GPS nên mọi người an tâm lên xe. Chúng tớ cùng nhau trải qua những tâm trạng rất đặc biệt của một trong những ngày cuối năm háo hức chỉ tay đếm từng con emu bên đường, khi đi qua cây cầu George Chaffey đến Mildura (thành phố lớn thứ 2 của bang Victoria) vào ngày nghỉ lễ nên cả thành phố vắng hoe hay khi nghỉ chân bên đường vớ được một lá cờ nước Úc mọi người xúm vào chụp ảnh…

farm-08.jpg

Mildura vắng hoe vào ngày Giáng Sinh

Mỗi ngày ở Australia là một hành trình với tớ vì mỗi ngày tớ lại khám phá, biết thêm bao nhiêu điều mới về đất nước tớ rất yêu thích. 10 ngày ở farm nho đã cho tớ biết bao nhiêu bài học về tình bạn, về sự chia sẻ khó khăn của những sinh viên Việt Nam khi xa nhà, cho tớ cơ hội làm quen với những người bạn mới khắp nơi. Chính quãng thời gian này đã làm tớ càng thêm tự tin khi thấy mình không phí hoài một năm gap year nữa ở đại học. Tớ vẫn chưa trả lời được câu hỏi của mẹ rằng khi nào thì có ý định tốt nghiệp đại học nhưng tớ đã trả lời được câu hỏi của bản thân mình rằng trong quãng đời sinh viên “Mình đã học được gì?”.
 
Chào bạn, mình cũng đã đi làm farm ở Midura mấy lần. Toàn chạy xe thẳng từ Melbourne lên Midura, đi toàn vào buổi tối. Chạy xe mất khoảng 10 tiếng liên tục.
Bài viết của bạn hay lắm.
 
Chào bạn, mình cũng đã đi làm farm ở Midura mấy lần. Toàn chạy xe thẳng từ Melbourne lên Midura, đi toàn vào buổi tối. Chạy xe mất khoảng 10 tiếng liên tục.
Bài viết của bạn hay lắm.

Thank bạn ;) Từ Mildura đi đến Menindee phải thêm 400km nữa cơ, rất xa và heo hút :p
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,821
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top