What's new

Bài dự thi: Giang hồ vặt

langit

Phượt thủ
“Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”

So với nhiều người thích phiêu bạt qua những miền đất ở đây, tôi là một newbie, một newbie không có nhiều tiềm năng phát triển vì mong ước xê dịch bị dừng lại bởi rất nhiều thứ. Tôi tìm thấy niềm yêu thích du lịch sau khi tìm thấy một người đàn ông. Thứ tự ấy làm cho tâm lý ổn định cao hơn tâm lý đi lại và đã có những thời gian tôi sống ở một thành phố khác, một đất nước khác hơn nửa năm trời mà chưa bao giờ đi quá 50km khỏi căn phòng nhỏ của mình.
Nhưng điều đó đâu quan trọng. Không phải ta đã đặt chân qua bao nhiêu nơi, không phải mắt ta đã nhìn thấy bao nhiêu thứ kỳ vĩ. Không phải ta đã ăn bao nhiêu món ngon, nằm ngủ bao nhiêu chiếc giường không thân thuộc. Điều còn ở lại sẽ là những gì ta cảm nhận về cuộc sống và con người, hiểu thêm về mình sau mỗi chuyến đi.
Năm năm trước tôi đi Sapa lần thứ nhất. Thời sinh viên tiền bạc khó khăn, kinh nghiệm hạn hẹp chỉ có lòng nhiệt tình là vô cùng rộng rãi. Không có tiền để đi Sapa ư? Một lúc không có ngay thì dồn nhiều ngày sẽ được. Sáu tháng trước khi lên đường nhé, mỗi đứa đi học nộp 2000 đồng một ngày. Thủ quỹ là người được tín nhiệm và nghiêm khắc kinh khủng với kế hoạch ấy. Mua vé sinh viên giảm 50% không chỗ ngồi nhé. Đứng thì đã làm sao, kể cả có đứng suốt đêm đi chăng nữa. Phòng 60 nghìn 9 đứa nằm nhé, tha hồ rúc rích. Mùa thi căng thẳng thế mà còn ăn cơm có 2000 thì đi chơi thích bỏ xừ, ăn cơm mấy nghìn chả được. Những ngày đó vui đến mức bộ nhớ chứa nhiều điều phù phiếm của tôi vẫn luôn dành một chỗ cho bảng lảng sương khói Sapa, nơi tôi ngồi trong ruộng bắp cải co ro như một cây bắp cải to đùng. Ai ơi nhổ bắp cải đi. Làm ơi kéo tôi ra khỏi cánh đồng.
Mấy tuần trước cô bạn chat với tôi. Hỏi Sapa thế nào? Tự dưng hai đứa “quyến rũ” nhau là nên đi, người chưa đi sẽ đi, người đi lâu rồi cũng nên đi lại. Hẹn nhau vào một ngày dân tình kiêng ầm ĩ: thứ sáu ngày mười ba.
BN bay ra chuyến hơi muộn. Máy bay trễ như vẫn thường trễ nhưng may mắn chưa chậm đến mức nhỡ chuyến tàu. Chúng tôi mua toa hạng nhất, giường nằm điều hoà và thậm chí còn có cả tiết mục hoa tươi trông rất cảnh vẻ. Ga Lào Cai khác với mấy năm trước nhiều, kiểu thị dân tỉnh lẻ rất thích khoa trương. Trên xe bus lên Sapa tôi ngồi cạnh một anh chàng rất điệu đàng. Anh ta thậm chí còn vẽ móng tay và nói chuyện âu yếm với anh chàng đi cùng. Tôi nghĩ anh ta là gay và bật cười không biết anh ta có nghĩ chúng tôi là les không vì giữa tôi và BN thỉnh thoảng cũng có kiểu quan tâm đến nhau rất dễ bị hiểu nhầm. Chỉ ý nghĩ đó thôi làm tôi thấy buồn cười vì lời “hăm doạ” của chồng: Mất vợ vì giai đã nhục, mất vợ vì gái còn nhục hơn.
Lên đến Sapa thì trời đổ mưa. Dân tình trên xe thì thào kiểu rất thất vọng nhưng với tôi thì chẳng vấn đề gì. Tôi quá quen với những cơn mưa và quá liều để có thể đi chơi nếu tôi đã muốn. Tôi chỉ thấy mình cần một căn phòng để tắm.
Ra đến khu vực Nhà thờ tôi hơi thất vọng. Nhà thờ đang lúc xây dựng lại và sân vận động đã mọc lù lù lên một cái khách sạn to chình ình còn chợ thì dựng lên khắp lối đi. Chúng tôi đi dọc đường Cầu Mây, vào chợ xem rau xanh và mua một ít hoa quả, kiếm một quán café ngồi đọc sách. Tôi gọi điện cho một anh bạn thông thạo Sapa hỏi xem nhà hàng nào có view đẹp nhất ở đây nhân thể thông báo luôn là Sapa đang mưa rất to. Anh ấy cười và bảo rằng tin anh đi, khoảng 2h trời sẽ nắng, nếu không anh sẽ lên cầm ô che cho em. Nhưng đến lúc Sapa nắng lên thì chúng tôi đã ngủ khò trong khách sạn sau khi ăn món gà đen nướng được tuyên truyền là đặc sản của Sapa. Lúc tỉnh dậy tất nhiên trời lại mưa. Và tất nhiên vẫn phi ra đường.
Hôm sau tôi kiếm được một cô gái người Kinh có thể dẫn bọn tôi vào bản. Trời mưa nên cô ấy có vẻ áy náy vì các chị thiếu may mắn quá. Nhưng thực ra khi đi trekking thì trời mưa dễ chịu hơn trời nắng. Không khí mát lạnh làm mình đỡ bị hao tổn năng lượng hơn. Cô gái da ngăm ngăm đen, khuôn mặt rất duyên và vẫn điệu kiểu rất con gái: để tóc dài xoã ra khi leo đường núi. Cảnh dọc đường đi rất đẹp. Núi xanh trập trùng, suối trắng Mường Hoa ngoằn ngoè cộng với sương khói bảng lảng. Lúa tuổi nhi đồng đang xanh, có vẻ đẹp căng tràn nhựa sống khi vừa thoát thai khỏi đời mạ chen chúc, được bung ra trên từng thửa ruộng. Chúng tôi đi trong mưa, ba cô gái tuổi gần như nhau. Vì cô dẫn đường cũng không chuyên nghiệp nên ba chúng tôi không có mấy khoảng cách. BN thường xuyên ở lại phía sau vì cô quá tham lam chụp ảnh và cũng chưa từng trải nghiệm với kiểu đường mòn trơn nhão nhoét như thế này. Mất 3 tiếng cho 7km thì đến Lao Chải. Nghỉ ăn trưa ở đó thì trời nắng lên. Có mấy cậu bé Tây phi ngay xuống suối để tắm vì quá bẩn thỉu sau mấy km đường trơn. Dân tình xung quanh xì xồ với nhau và chúng tôi nói chuyện với họ, hỏi han vài vết thương do ngã dọc đường, an ủi nhau vì cảnh đẹp và thời tiết cũng đang đẹp lên. Đúng lúc ăn trưa gặp một chị người Việt đi dép cao gót, mặc váy dài đang cằn nhằn anh chồng dẫn vào đây. Chị đi xe ôm đến và chỉ đi bộ từ đường cái xuống. Chị thanh minh vì cái váy bẩn của mình, trong khi chúng tôi bẩn thỉu hơn chị đến cả chục lần. Chắc vì chị nghĩ chị luôn luôn đẹp và hôm nay là ngoại lệ nên làm chị mất tự tin.
 
Ăn trưa xong tiếp tục lên đường. Sau cơn mưa trời trong xanh lạ kỳ. Cảnh đẹp làm tim tôi ngạt thở. Tôi thấy mình thật may mắn là đã ở đây dù tôi bơ vơ trong những người nói một ngôn ngữ khác. Tôi nhìn thấy những con lợn cắp nách đen xì xì và bé như một con gà to. Nhìn thấy trường trung học Lao Chải có lẽ phải lâu lắm rồi không có ai đến đó. Mùa hè mới chỉ bắt đầu thôi sao trường có vẻ điêu tàn đến thế. Phải chăng lâu lắm rồi các em không lên đến lớp trung học nữa? Từ Lao Chải trở đi thấy mọi người trồng lúa nếp rất nhiều nên lúa xanh và dõng dạc hơn hẳn. Thỉnh thoảng nhìn thấy vài bóng người lom khom giữa ruộng đi nhặt cỏ lúa, thỉnh thoảng lại có những căn nhà giữa những thang ruộng. Những gương mặt bé thơ lấm lem. Những quán cóc ì èo dăm thứ hàng hoá.
Cuối buổi chiều thì chúng tôi đến Tả Van. Ấn tượng đầu tiên là Tả Van thương mại hoá quá. Đường vào Tả Van đang làm cộng với mưa triền miên nên rất xấu. BN gần như không đi nổi vì ủng của cô không đủ rộng để cho đôi chân một cảm giác thoải mái khi đi bộ dài. Chúng tôi từng đi bộ với nhau rạc cẳng chân những chiều cuối tuần ở khu shopping Orchard nhưng chưa bao giờ đi bộ xuyên núi xuyên rừng như lần này làm chặng đường ngắn cứ nát ra với những lần dừng chân. Cuối cùng thì cũng đến được nhà Sần Mùi, là nhà chúng tôi sẽ ở lại một đêm. Ấn tượng đầu tiên khi vào nhà là rất nhiều giấy khen của Nông Đức Mạnh. Giấy khen gần đây nhất là giấy khen năm học 2006-2007 của trường tiểu học Tả Van dành cho học sinh lớp 5 Nông Đức Mạnh. Một lát sau thấy Nông Đức Mạnh mặc quần đùi đi vác củi về, xong lại đi ngay ra ao thả cỏ xuống cho cá ăn. Một cậu bé có gương mặt rất sáng, một vẻ khôi ngô không lem luốc như bao trẻ em khác quanh đây.
Ba chúng tôi quyết định đi ra suối chơi. Gần nhà có một con suối nhỏ rất đẹp. Nhưng ra đến nơi thì trời đổ cơn mưa. Tự dưng ba đứa cứ đứng đấy nhìn con suối và nói những câu chuyện tếu táo. Có hai cô gái ăn diện chạy qua chúng tôi và hất hàm gọi: bán ô không? Họ có lẽ là đi xe ôtô xuống đây và đang quay lại chỗ đỗ xe. BN thì ngớ người ra, không hiểu cô ta nghĩ gì mà lại hỏi mua chiếc ô chúng tôi đang dùng. Tôi tự dưng thấy khó chịu liền bảo với chị ta: Chị mua được bao nhiêu tiền? 500 nghìn không? Cô ta bảo tôi con điên rồi chạy tiếp. Cả ba chúng tôi cười vang và quyết định đi về nhà, mặc áo mưa, lùng khắp bản xem có ai có nhu cầu mua một chiếc ô giá 500k không.
Chủ nhà bắt đầu thổi bếp. Tôi rủ chị chủ nhà đi mua một con gà về làm bữa tối nhưng chị bảo dân ở đây ít khi bán gà nuôi trong nhà lắm. Phải lên bản người Hmông. Ừ thì lên bản Hmông. Thế là lại đi bộ gần 1km đường trơn nữa để đi mua một con gà về làm thịt. Bữa tối có xôi ngô nếp nương, măng rừng, đậu đũa luộc, thịt lợn rang và gà ngon hết sức. Chủ nhà mang rượu ra mời. Cả ba chúng tôi đều uống được. Mưa bắt đầu nặng hạt tiếp nên chẳng có lý do gì để mà không uống. Được 5 chén BN bảo khi tớ say tớ sẽ khóc lóc ầm ì và sẽ nói tiếng Anh, rất khó chịu nên tớ dừng nhé. Tôi bảo không, tớ muốn xem cậu khóc và nói tiếng Anh thế nào. Hết một chai đựng trong vỏ bia tàu cũ (khoảng 700ml) cho ba cô gái khách và chị chủ nhà (ông chồng đau dạ dầy không uống). Bọn trẻ con tản đi ra góc nhà chơi hết. Bốn chúng tôi uống như không biết làm gì khác ngoài uống. Sự nhiệt tình của chủ nhà và sự lượt phượt của khách cứ thế trôi đi. Thỉnh thoảng lại nhắc nhau: hết nhé, hết nhé. Chị chủ nhà lại đi tìm rượu tiếp. Nhưng tôi bảo thôi đủ rồi, đủ để ngủ ngon và không ai làm phiền ai cả. Thực ra tôi không thích say. Tôi không say trước mặt người lạ bao giờ dù chủ nhà sau chỉ vài tiêng thôi cũng đã rất thân quen.
Đêm ấy ngủ ngon tuyệt vời dù tiếng suối ngoài kia có hơi ầm ĩ. Sáng mai dậy dự định sẽ băng qua rừng trúc sang hai bản bên cạnh. Nhưng mưa suốt đêm làm đường trơn và nguy hiểm nên chúng tôi quyết định ở lại. Trời mưa to sạt đường nên chủ nhà cũng không đi đâu được. Cả chủ cả khách đóng cửa ngủ tiếp đến tận trưa.
Buổi chiều trời lại nắng. Chúng tôi đi bộ ra đường cái để về. Nhưng đường bị sạt lở sau trận mưa đêm nên xe oto thuê vào đón không đến đúng hẹn. Bọn tôi đứng ở chân cầu của Tả van đợi xe. Ở đây xảy ra một chuyện rất dở hơi, nếu không muốn nói là vô cùng thậm tệ. Ngay chân cầu Tả Van có một nhà sàn bán lưu niệm cho khách du lịch. Bên ngoài có dựng cột chơi đu. Trời hơi mưa nên bọn tôi vào một cái ô cọ cạnh đấy để trú và để đồ lên cái ghế tròn ở đấy cho đỡ nặng. Được 10phút có một ông đứng tuổi đi ra cầm máy ảnh chụp chúng tôi. Tôi thấy hơi lạ, nếu máy chụp phong cảnh thì sao cứ nhằm vào chúng tôi còn chụp chúng tôi thì rõ ràng chẳng có mục đích gì rồi. Chụp xong ông ta quát: Mẹ chúng mày sao chổng mông vào nhà tao, có biết đây là nơi nào không? Tôi hơi bất ngờ nhưng bình tĩnh hỏi lại: Đây là nơi nào ạ? Ông ta vẫy tôi hỏi mày có biết đọc không, ra đây đọc. Tôi lại gần và đọc tấm biển nhỏ gần đấy: Điểm văn hoá. Sau khi tôi nhìn thấy tấm biển đó ông ta bắt đầu văng tục ầm ĩ. Tôi nhắc lại điểm văn hoá thì đừng nói bậy chú ơi. Ông ta nổi khùng lên rồi đuổi chúng tôi ra khỏi đó. Ba chúng tôi đi ra thì ông đuổi theo giật ba lô của tôi vào lôi tôi vào và chửi chúng tôi là mẹ chúng mày dám cười đểu tao. Tôi giằng ra và cô bé dẫn đường xông tới. Ông ta hấn hổ xông tới và rất nhanh tát cô bé dẫn đường hai cái. Chúng tôi la ầm ĩ lên thì có mấy người trong nhà chạy ra và thay vì can ngan thì họ quây chúng tôi lại bắt chúng tôi nộp tiền và xin lỗi ông ta. Không làm gì được ba chúng tôi phải đứng đấy nghe ông ta giao rảng là lũ người Kinh chúng mày chỉ là lũ đứng đường làm đĩ, bọn vô văn hoá, vô học, ở đây tao là vua, chả đứa nào dám này nọ cùng đủ thứ lời mạt hạng khác cộng với lời đe doạ cô bé dẫn đường nếu còn dẫn khách vào đây thì sẽ bị đánh chết. Khoảng 30phút sau chúng tôi ra khỏi đó với đầy uất hận. Chúng tôi cắm đầu đi trong mưa với sự tức giận không biết phải nói thế nào. Vài người ở đó nhìn chúng tôi ái ngại và thương hại nhưng phải đến khi chúng tôi đi ra khỏi đó khoảng 500m mới có người đuổi theo và nói là lần sau đừng vào đó, ông Hà mèo ấy ác lắm, là người Kinh lên đây chứ người dân tộc không bao giờ ác thế đâu, ông ấy hay đánh người lắm.
Trong lòng tôi cảm thấy một nỗi buồn xót xa. Em dẫn đường bắt đầu khóc và mưa thì bắt đầu nặng hạt. Chúng tôi không nói với nhau lời nào. Tôi biết ở đây tôi không thể làm được gì cho mình và cho em cả. Rất nhiều người cũng đã có cảm giác uất ức ấy.
Về đến thị trấn tôi tìm gặp San, người ở Sapa lâu năm và giới thiệu cô bé dẫn đường cho chúng tôi. San né tránh nói về ông ta. Tự dưng tôi thấy thật thất vọng. Đến cả San cũng không thể cho tôi một thông tin rõ ràng hơn về người này. Tôi muốn làm gì đó để có thể bớt uất ức hơn nhưng tôi nghĩ đến Lê, em dẫn đường. Em ở Thái Nguyên mới lên đây và đang còn đi ở trọ. Tôi rồi sẽ xa nơi này nhưng em vẫn còn phải sinh nghiệp nơi đây. Tôi kiểm tra lại tiền trong túi mình, để lại số tiền cần thiết về đến Hn và đưa cho em chỗ còn lại.
Buổi chiều chúng tôi lên tàu về lại HN. Lúc đi mọi thứ êm ấm và tiện nghi với toa hạng nhất. Lúc về là một cái giường nằm hẩm hiu trên tầng ba. Nó giống như cái ban thờ thì đúng hơn, nóng nực và ngột ngạt. Những người nằm phía dưới là những công chức tỉnh H nọ vừa đi du lịch TQ về. Họ bôi dầu gió và ngồi kiểm kê những thùng hàng cồng kềnh mua về để “lót tay”. Họ còn rất không lịch sự nữa. Đêm hôm đó là một đêm tệ hại. Một cảm giác rất khác, một nỗi buồn nặng trĩu.
Nhưng một tuần qua đi rồi, tôi lại có những cảm nhận khác. Ở cuộc đời này, không phải hình như mà là rất đúng:
“Những chuyện buồn nghĩ lại thấy vui vui
Những chuyện vui nghĩ lại thấy bùi ngùi”
 
Đọc bài này mình thật khâm phục bạn Langit!(c) Bạn đúng là phượt gia thực thụ chứ không phải newbie hoặc công tử rởm như nhựa nhiếc, kua kiếc, chuối chiếc...:T (đến cái chấm nhạt thếch ở TQ còn ...:D )

Người "Kinh" thật đáng yêu! Nhưng cũng có những người thật đáng ghét!

Mình thích câu kết này
Ở cuộc đời này, không phải hình như mà là rất đúng:
“Những chuyện buồn nghĩ lại thấy vui vui
Những chuyện vui nghĩ lại thấy bùi ngùi”

(beer) (wait) :L
 
Sáng mai ngủ dậy thấy các topic về Hồi ức dự thi đều được up lên , nghĩ hôm qua ở đâu đó trong một cái box bí mật, các min mod bảo nhau mai kéo mấy cái Hồi ức dự thi lên nhé, không lại chìm xuồng thôi (j/k)
Bác Nhựa ơi, em đi được chấm TQ là vì hồi xưa có thời em đi học cũng phải leo qua mấy quả đồi mới đến được lớp đấy, em tưởng bác bán dép nhựa dạo thì cũng phải dẻo chân lắm chứ
 
Ban Giám khảo hiện tại chết rồi. Mai sẽ có ban giám khảo mới :))
 
Sáng mai ngủ dậy thấy các topic về Hồi ức dự thi đều được up lên , nghĩ hôm qua ở đâu đó trong một cái box bí mật, các min mod bảo nhau mai kéo mấy cái Hồi ức dự thi lên nhé, không lại chìm xuồng thôi (j/k)
Bác Nhựa ơi, em đi được chấm TQ là vì hồi xưa có thời em đi học cũng phải leo qua mấy quả đồi mới đến được lớp đấy, em tưởng bác bán dép nhựa dạo thì cũng phải dẻo chân lắm chứ

Trước đây thôi em à! Giờ già rồi, thuê được cái sạp trên chợ đồng xuân... Chi em đi qua thích thì ướm thử nếu vừa mượn đem về dùng vài hôm :D . À! Này! Có mấy mẫu mới về đấy! Hôm nào rảnh rủ các bạn qua ướm thử nhé.

:D :D :D
 
Gì chứ dép em không dám ướm thử đâu bác ạ. Truyền thuyết Thánh Gióng còn đấy (j/k)
 
Bạn langit viết tiếp đi nhé, tôi thích đọc bài của bạn lắm!...Bạn tự gọi mình là newbie nhưng thật sự không phải thế...Đọc bài của bạn, tôi cảm nhận một chiều sâu và sự chân thành tươi mát mà nhiều người trong chúng ta vốn tự hào là phượt gia chuyên nghiệp cũng chưa bao giờ có được...Một ly rượu mừng cho bạn!...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,181
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top