What's new

[Chia sẻ] Bali & Lombok (Indonesia): Biển, Văn hóa, Núi lửa - Máu và tro tàn.

NhatBo

Storyteller
1000010889.jpg

Hiện tại thì mình đang trong chuyến đi đến Bali và chỉ vừa đặt chân đến đây lúc trưa nay. Lần này mình muốn thử tiếp cận theo một cách khác đó là viết lại những điều mình được trải nghiệm, chiêm nghiệm ngay trong chuyến đi chứ không để nguội quá lâu. Nó như một dạng nhật ký, tuy nhiên mình cũng hiểu rằng sẽ có nhiều hạn chế khiến cho không phải lúc nào cũng có thời gian viết. Nhưng anyway, cứ thử xem sao.

Nhân duyên đến Bali với mình vốn không xuất phát từ mục đích du lịch thuần túy. Mặc dù Bali vốn đã là một điểm đến quá nổi tiếng trong hàng thập kỷ và với người Việt Nam thì ít nhất là 10-15 năm trở lại đây. Nhân duyên đó là gì thì mình sẽ tiết lộ về sau 😉
 
1000010671.jpg


Hành trình bay
Mình săn vé 0đ Vietjet nên mua 2 vé khứ hồi + 20kg hành lý ký gửi hết 8,3 triệu VNĐ.
Vé máy bay thì cũng đơn giản vì từ Việt Nam đã có Vietjet khai thác tuyến bay trực tiếp đến Bali. Theo mình được cập nhật thì kể từ ngày 1/6/2025 Vietnam Airlines cũng đã khai thác lại đường bay này, nên mọi người sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

1000010669.jpg


Thề là chuyến này khá hồi hộp vụ máy bay, vì đúng trước ngày bay còn 1 tuần thì Vietjet có khá nhiều tin tức tiêu cực từ việc thất lạc hành lý, ngừng dịch vụ với Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), delay chuyến bay khắp nơi, thậm chí thời gian delay tính bằng ngày chứ không phải phút/giờ nữa. Nhưng chắc ông bà phù hộ mà hôm nay chuyến của mình chỉ delay 30 phút, còn lại mọi thứ khá suông sẻ.

1000010670.jpg
Những khoảnh khắc băng qua đại dương mênh mông
 
1000010910.jpg


Đổi tiền
Thời điểm đầu tháng 5/2025 hệ số tỷ giá giữa đồng IDR/VNĐ là 1,9. Tức là 1 triệu IDR = 1,9 triệu VNĐ, hay nói ngược lại cầm 1,9 triệu tiền Việt sẽ đổi được 1 triệu tiền Rupiad Indonesia. Bạn đọc hãy hiểu rằng 1,9 là một hệ số tỷ giá rất "mắc" của thị trường tự do vì trên thị trường ngoại hối con số này chỉ khoảng 1,58. Nói ngắn gọn, đổi tiền Rupiad Indo tại Việt Nam sẽ khá thiệt thòi. Trong phạm vi và mục đích bài viết thì mình sẽ không đi sâu để nói về mức chênh lệch này.

1000010674.jpg

Tỷ giá tại Bali ngày 4/5/2025 tại một địa điểm đổi tiền

Tại Việt Nam. Mình đã đổi hết qua tiền USD, và đến Bali mình mới đổi từ USD qua IDR. Một ví dụ nhanh để bạn đọc có thể hình dung
Nếu đổi ở Việt Nam:
- Cầm 5,3 triệu VNĐ sẽ đổi được 2,79 triệu Rupiad Indo (hệ số 1,9).
Nếu đổi USD tại Việt Nam và dùng USD đổi IDR tại Bali.
  • 5,3 triệu VNĐ sẽ mua được 200 USD (tỷ giá 26.500).
  • Từ 200 USD đó sẽ đổi lại được 3,18 triệu Rupiad Indo (hệ số 1,59 như trên bảng điện tử).

Từ đó bạn đọc có thể thấy chỉ với một budget khoảng 5,3 triệu VNĐ có thể tạo ra sự chênh lệch gần 400.000 Rupiad Indo nếu bạn không lựa chọn phương án đổi tiền hợp lý. Với mình, đây là con số không nhỏ. Ở Bali, mình đổi tiền tại địa điểm dưới đây vì thấy đánh giá trên Google Maps tốt, nhìn bên ngoài chuyên nghiệp, cảm giác yên tâm. Nhưng về cơ bản chúng ta vẫn phải chủ động trong việc đếm lại tiền trước khi rời đi.

1000010911.jpg

Cash X Change PT. Semangat Anak Rantau
Google Maps: https://maps.app.goo.gl/kaqtbfNyByxfaecV7
 
Nơi lưu trú
Trong chuyến đi lần này mình ở 3 nơi, nhưng post Nơi lưu trú này mình hẹn sẽ cập nhật và đánh giá từng nơi sau khi đã trải nghiệm. Mình viết ra trước cho bài viết theo từng trình tự cho bạn đọc tiện tham khảo. Về chỗ ở mà nói thì thật ra Bali chắc sẽ là một nỗi ám ảnh với những người khó tự đưa ra quyết định. Bởi vì cùng với sự phát triển du lịch mạnh mẽ thì các cơ sở lưu trú ở đây cũng nhiều như nấm mọc sau mưa. Một lần mình có đọc được thông tin ở đâu đó thống kê rằng khoảng 80% cơ sở tại Bali là phục vụ cho du lịch. Nên phần đánh giá của mình chỉ xin được đóng góp chút ích gọi là cảm nhận cá nhân.​

1000010921.jpg


1. Khu Kuta - The Legian Sunset Residence
Google Maps: https://maps.app.goo.gl/moJ7S1ifiJ5AHxsdA
Giá phòng: khoảng 1.100.000 VNĐ/ 2 đêm/ 2 khách.
Mình chọn The Legian Sunset không phải vì nó tốt nhất, mà chỉ là nó phù hợp theo nhu cầu của mình nhất. Mình đánh giá nơi này mức khá-tốt: khuông viên tương đối sạch sẽ, có đội ngũ nhân viên chăm sóc và quản lý, sân bãi để xe rộng rãi, có khu vực ăn sáng/trưa, hồ bơi.

Điểm mà mình thấy không phù hợp với gu của mình nhất là thiết kế phòng dạng 2 tầng (2 ảnh cuối). Có chút bất tiện vì cứ phải đi lên đi xuống, mà nhu cầu của mình vốn không cần phòng khách riêng hay bếp để làm gì. Giường ngủ và phòng tắm thì rộng rãi, thoải mái. Đánh giá chung thì mình không khai thác hết công năng của phòng, và nó dư thừa với nhu cầu du lịch của mình. Mình biết kiểu phòng này sẽ phù hợp với những người khác. Nên mình không xem đây là điều gì cần phải phê bình cả, chỉ là rút kinh nghiệm khi tìm khách sạn thì xem kỹ loại phòng để có trải nghiệm tốt hơn.
1000010916.jpg

Một nhân viên mỗi sáng sẽ mang lễ vật (Offerings) đặt ở các góc khuôn viên khách sạn.

1000010920.jpg

Lối đi các tầng

1000010918.jpg

Khu vực hồ bơi nằm giữa khối nhà hình chữ U


1000010912.jpg

Lối đi từ khu vực ăn sáng lên sân thượng, nếu bên dưới hết bàn thì khách có thể mang đồ ăn lên đây ngồi.

1000010676.jpg
Tầng 1 bên trong căn studio là phòng khách, bếp.

1000010677.jpg

Tầng 2 bên trong căn studio là phòng ngủ, phòng tắm.


To be updated...​
 

1000010996.jpg


Bầu trời Kuta sáng hôm nay (6/5) có phần u ám, sau 2 ngày nắng gắt thì cơn mưa sáng nay làm không khí có phần dịu lại. Tháng này không phải mùa mưa tại Bali nên cơn mưa cũng chỉ tầm 15 phút là tạnh. Mình bắt đầu sáng hôm nay với 1 ly cà phê tại quán Mugshot Coffee gần bãi biển Legian.

1000010999.jpg

Perth Latte & Cappuccino at Mugshot Coffee

Sau vài bữa nasi với ayam thì sáng nay mình không muốn ăn sáng chút nào vì hơi khó tiêu. Nên một ly cà phê nóng làm cho mình thấy nhẹ bụng hơn, cùng với không khí mát mẻ làm cho tâm trạng phấn khởi hơn. Nói gì nói, du lịch vui thì vui chứ nóng thì cũng bực, nhất với với đứa không ưa nóng như mình.

1000011000.jpg

Không gian Mugshot Coffee

Khách đến quán chủ yếu là khách du lịch, người Úc. Cũng như nhiều quán cà phê khác ở Bali, quán cà phê ở đây được hiểu là nơi bạn có thể gọi các món ăn từ ăn vặt cho đến ăn no, bữa chính luôn. Những quán cà phê ở Bali là theo kiểu dành cho mục đích ăn uống và trò chuyện khi dùng món, style quán ăn chứ không phải style cà phê mở laptop ngồi làm việc, học bài, xem phim, chơi game, ngồi lê la mấy tiếng như tại Việt Nam. Tất nhiên không ai cấm mình dùng laptop hoặc ngồi lâu nhưng cái vibe nó không thích hợp.

1000011002.jpg

Mugshot Coffee
 
1000011138.jpg


Thank God for Chocolate
Đó là khẩu hiệu của Heavenly Chocolate Bali ở Bali mình vừa trải nghiệm sáng nay. Nơi này vốn không nằm trong danh sách đã lên kế hoạch định sẵn, chỉ là phút ngẫu hứng mình lướt Google Maps thấy địa điểm này gần khách sạn, có lượt tương tác tốt, mình lại là đứa mê chocolate nên quyết định đến thử.

1000011139.jpg

Bạn đọc chỉ cần truy cập Google Maps sẽ có đầy đủ thông tin cần thiết về thương hiệu này.
https://maps.app.goo.gl/1iKHX6eoFLBhBDn46

Tại đây chocolate được làm dưới dạng nama chocolate của Nhật Bản, không còn kiểu khác. Gồm 8 vị: Dark/ Extra dark, Hazelnut, Matcha, Milk Caramel, Taro (khoai lang) và 2 vị có chứa alcohol là Rum và Baileys. Về giá cả thẳng thắn mà nói thì giá cao, với hộp vuông (20 viên) có giá từ 320.000 - 400.000 VNĐ tùy vị. Như mình mua hộp vị Hazelnut là 320.000 VNĐ. Nghe 20 viên thế chứ không nhiều, cái hộp bằng lòng bàn tay thôi.

1000011141.jpg


Ngay khi bước vào quán thì mình đã nhận ra phân khúc định vị của thương hiệu. Cả cách đóng gói, thiết kế mẫu mã, hộp bìa, cách họ đưa thông điệp vào cách đóng gói, cách họ đầu tư hình ảnh, nội dung trên mạng xã hội cực kỳ đẹp và bài bản.

Không phải là một thương hiệu "nhập khẩu", Heavenly Chocolate Bali chính là đứa con tinh thần ra đời ngay tại hòn đảo của các vị thần từ 2018. HCB mang đến cho khách hàng những viên chocolate tan ngay trong miệng (melt-in-your-mouth), là cái mà họ gọi là trải nghiệm thiên đường (heavenly experience). Heavenly Chocolate Bali giờ đây đã trở thành một trong những thương hiệu chocolate được đánh giá cao tại Bali nói riêng và với người dân Indonesia nói chung.

1000011136.jpg

Lúc mới vô nhìn giá thì mặt như đâm lê nhưng tới lúc ăn rồi chocolate không kịp tan.

Không chỉ là kinh doanh - Heavenly Chocolate Bali còn thông qua kết quả kinh doanh để phục vụ cộng đồng. Hợp tác với tổ chức Yayasan Tangan Pengharapan với dự án mang tên "Adopsi Desa", để cung cấp các bữa ăn và tài trợ cho giáo viên để trẻ em được đi học. Doanh số trong mỗi hộp chocolate bán ra sẽ được trích ra hỗ trợ các ngôi làng kém may mắn trên khắp Indonesia trong hành trình hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Họ còn hợp tác với Yayasan Bagi Bangsa-bangsa Sejahtera nhằm nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho những tù nhân bị giam giữ, trao cho họ cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, mỗi hộp chocolate là biểu hiện tình yêu của HCB dành cho mọi khách hàng và cho Indonesia.

Phần nội dung về hoạt động hướng đến cộng đồng, xã hội trên là mình tìm hiểu và tham khảo từ website của Heavenly Chocolate Bali. Thấy có ý nghĩa nên dịch và tóm tắt ở đây cho bạn đọc tham khảo để cảm nhận được rằng số tiền mình mua 1 hộp chocolate cứ nghĩ là mắc, nhưng nếu ta có cái nhìn đầy đủ thì sẽ thấy điều đó rất xứng đáng. Ngoài ra thì hiện nay Heavenly Chocolate Bali chỉ có cửa hàng tại đảo Bali chứ không phủ sóng rộng rãi, thế nên lại càng có lý do không thể bỏ qua khi các bạn có dịp đến Bali nhé.​
 

Attachments

  • 1000011139.jpg
    1000011139.jpg
    353.3 KB · Views: 5
Kecak and Fire Dance

1000010978.jpg

Hoàng hôn tại Đền Uluwatu - trước giờ biễu diễn.

Hình thức nghệ thuật múa truyền thống Kecak thì không còn xa lạ gì với những ai đã đến Bali hoặc đang tìm hiểu để lên kế hoạch cho chuyến đi Bali đầu tiên của mình. Đảm bảo trong bất kỳ bài viết nào về những điều nên trải nghiệm khi đến Bali đều highly recommended các bạn dành một buổi chiều tối để đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo này.

1000010973.jpg

Một thầy cúng ra hành lễ và vẫy nước cầu may mắn cho những người đàn ông thực hiện bài nhảy Kecak.

Chắc mình sẽ không nói về những thông tin bạn đọc có thể tìm kiếm được hoặc đã được đề cập đến quá nhiều như là: nơi xem, giá vé, nên đến sớm lựa chỗ ngồi, Kecak không sử dụng nhạc cụ mà là âm thanh tạo ra bằng miệng (Kecak choir) từ mấy chục người đàn ông; cốt truyện dựa trên sử thi Ramayana; ý nghĩa tiết mục nói điều gì... cái này thậm chí khi đến xem người ta phát cho bạn tờ diễn giải nội dung miễn phí. Nghệ thuật thì nên tự cảm nhận, và mình sẽ nói về cảm nhận của mình sau khi đã xem Kecak and Fire Dance tại đền Uluwatu.

1000010970.jpg

Những người đàn ông thực hiện bài múa Kecak

Đầu tiên phải nói mình rất khâm phục khả năng đồng thanh, giữ nhịp và phối hợp của 70 người đàn ông này để có thể tạo nên một bản hợp tấu "Hỗn độn và Hài Hòa". Tất nhiên mình hiểu rằng để có thể ngồi đây trình diễn họ đã phải trải qua quá trình rèn luyện khắt khe. Cái khó là không phải ai cũng tạo ra âm thanh giống nhau, mà là mỗi người tạo một âm thanh riêng, nhịp riêng, khoảng ngưng nghỉ khác nhau. Có rất nhiều âm thanh được tạo ra và lúc mới nghe thực sự nó như một mớ hỗn độn. Nhưng sự hỗn độn này lại không gây ra sự rối loạn, nhiễu tai, đinh tai nhức óc mà lại vô cùng hài hòa.

1000010975.jpg

Việc tập luyện chủ yếu theo hình thức truyền nghề từ thế hệ trước. Người thực hiện phải quen với nghi lễ Hindu bởi vì điệu nhảy Kecak có nguồn gốc liên quan đến nghi thức lên đồng (trance). Một số thanh niên còn được đào tạo bài bản từ rất sớm để trở thành người tiếp nối truyền thống.​
 
Kecak and Fire Dance

1000010968.jpg

Rama & Sita

Kecak vốn có nguồn gốc từ một nghi lễ thiêng liêng chứ không phải nhằm mục đích biễu diễn giải trí như nhiều người vẫn nghĩ. Là một phần của nghi lễ lên đồng (Sanghyang Trance), linh hồn hoặc thần linh sẽ nhập vào một người phụ nữ (Sanghyang) và thực hiện nghi thức trừ tà hoặc chữa bệnh. Nói đến đây ta có thể thấy nó khá giống một số hình thức ở Việt Nam.

1000010967.jpg

Rama & Lakshmana

Một điều thú vị ít người quan tâm đó là nghệ thuật trình diễn Kecak hiện nay có sự góp sức bởi Walter Spies (1895 - 1942), một họa sĩ người Đức. Walter Spies đã sống tại Bali vào những năm 1930s khi Indonesia nằm dưới sự cai trị của thực dân Hà Lan. Ông đã phối hợp với người Bali địa phương để chuyển thể nghi lễ Kecak sang hình thức sân khấu hóa như ngày nay.

1000010963.jpg

Phân cảnh vua quỷ tiếp cận và muốn chiếm đoạt Sita

1000010957.jpg

Khi hoàng hôn vừa chớm tắt, lúc màn đêm bao phủ cũng là lúc vở diễn lên đến cao trào. Không gian chìm trong sắc đỏ của lửa và sự huyên náo của âm thanh, tình tiết cao trào của vở diễn được đẩy lên cao hơn như một đoạn điệp khúc của một bài ca thần thoại.

1000010949.jpg

Thần khỉ Hanuman bị vua quỷ bắt và thiêu bằng lửa nhưng nhờ phép thuật thần thông nên không bị thiêu đốt. Diễn viên nhập vai thần khỉ Hanuman đã thật sự tiếp xúc với lửa, nhảy trên lửa. Mình nghĩ đã có biện pháp bảo hộ nhưng đây vẫn là hành động được thực hiện bởi diễn viên chuyên nghiệp.

1000010943.jpg

Vua khỉ Hanuman đá tung quả cầu lửa đang rực cháy.

1000010944.jpg


Rút lại phần này, Kecak vẫn là một nội dung mình nghĩ nên trải nghiệm ít nhất một lần (có thể đến Bali nhiều lần). Thậm chí các bạn xem nhiều lần ở những nơi khác nhau bởi vì không phải tất cả đều giống nhau đâu. Có một sự thật trớ trêu mình mới được biết đó là show Kecak nức tiếng tại đền Uluwatu lại là phiên bản ít giống với nghi lễ gốc nhất. Uluwatu có vị thế đẹp kết hợp khung cảnh hoàng hôn, mang lại trải nghiệm thị giác rất tốt nhưng đã không còn lưu giữ nhiều yếu tố của nghi lễ gốc.​
 

1000010939.jpg


Những ngày ở khu Kuta và Seminyak mình thấy có rất ít địa điểm bán trái cây. Không thể một hòn đảo nhiệt đới mà lại ít nơi bán trái cây được, có thể do mình chưa đi đúng chỗ. Nên hôm từ Uluwatu về mình đã ghé vào siêu thị thuộc chuỗi Fresh Market để mua vài món.

1000010937.jpg


Sản phẩm rất đa dạng và tươi mới, tuy nhiên giá thành theo mình nhận xét có hơi cao. Cảm nhận thì Fresh Market này sẽ cao cấp hơn Kingfood và thấp hơn An Nam Gourmet ở Việt Nam một chút. Và hầu hết siêu thị ở khu vực Jimbaran - Uluwatu này chủ yếu để hướng đến khách du lịch, người Balinese bản địa ít ai vào đây.

1000010938.jpg

Một vài hình ảnh

1000010941.jpg

Một vài hình ảnh

1000010942.jpg

Có hẳn một khu vực riêng chuyên bán các sản phẩm từ sữa và phô mai, rất nhiều loại phô mai, còn cả 2 cái đùi heo muối bán theo lạng, kế bên treo lủng lẳng lạp xưởng.
Nhìn chung thì sự hiện diện của những nơi bán sản phẩm mang tính quốc tế cũng khá là hay và cần thiết. Nhiều khi ở đâu đó bạn đã phải vật lộn quá nhiều với bản sắc địa phương, ngán ngẩm với việc trả giá hoặc phập phồng lo sợ không biết quán này món ăn có dễ ăn không thì những siêu thị thế này như cơn mưa làm xoa dịu tâm hồn. Nhất là khi làm chai bia 🤣

1000010940.jpg
 

Attachments

  • 1000010940.jpg
    1000010940.jpg
    402.1 KB · Views: 1
Đãi "Vàng trắng" từ bãi Cát đen

1000011206.jpg

Kusamba, Bali

Tại một vùng ven biển phía Đông Bali đâu đó vẫn còn những người diêm dân đang cố gắng giữ lấy cái nghề làm muối biển truyền thống. Đây là nghề đang dần mai một và có khả năng sẽ biến mất theo dòng chảy lịch sử nếu không có những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn. Lý do thì nếu như bạn đọc đã biết đến nghề làm muối hoặc đã biết sơ về công việc này qua bộ phim Hai Muối (2024) thì cũng đoán được phần nào lý do.

1000011243.jpg

Ông Nyoman Warta - một trong số ít những người làm muối biển truyền thống cuối cùng tại Bali.

  • Công việc vô cùng vất vả, bào mòn về ngoại hình, dáng vẻ do điều kiện lao động bắt buộc phải thực hiện dưới điều kiện nắng nóng, tiếp xúc nước biển là không thể tránh khỏi.
  • Thu nhập bấp bênh, thành quả phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và thiên nhiên. Với thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước biển, xói mòn bờ biển đều tác động đến kế sinh nhai của diêm dân.
  • Nghề làm muối không thu hút được người trẻ tiếp nối nghề. Điều này không có gì khó hiểu, ở Việt Nam cũng không khác Bali. Ngay cả Nyoman Warta - người mình đã có dịp tiếp xúc cũng nói bản thân ông cũng không muốn 3 người con của mình làm công việc này bởi vì nó quá vất vả, trong khi cơ hội thay đổi đời sống từ công việc này gần như không thể.

1000011241.jpg
Ông Nyoman Warta đang thực hiện việc đầu tiên trong công đoạn làm muối đó là tưới đều nước biển lên bãi cát đen.

Nghề muối ở Kusamba là một nét văn hóa quý giá — kết tinh từ biển cả, con người và thiên nhiên. Dù đang lùi dần vào ký ức, nhưng nó vẫn có thể sống tiếp nếu được nhìn nhận và hỗ trợ đúng cách. Hiện nay một số tổ chức và chính phủ Indonesia đang nỗ lực thực hiện một số hành động như: Chính sách hỗ trợ diêm dân về thiết bị, marketing sản phẩm; Kết hợp làm muối với du lịch trải nghiệm, để tạo thêm nguồn thu nhập và động lực giữ nghề của diêm dân; Quảng bá nghề và muối Kusamba thông qua kênh du lịch, phương tiện truyền thông, KOL, quay phim kích thích du lịch tìm hiểu nghề truyền thống.
1000011214.jpg

Ảnh này là làm màu thôi nha​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,471
Bài viết
1,147,624
Members
193,537
Latest member
88vinnnn
Back
Top