What's new

[Chia sẻ] Bali & Lombok (Indonesia): Biển, Văn hóa, Núi lửa - Máu và tro tàn.

Double Six Beach

Post này không có gì đặc biệt, chỉ có một vài tấm ảnh chụp tại bãi Double Six. Và mình đến đây cũng không vì một lý do gì đặc biệt, chỉ là hôm ở Kuta ngồi quán Mugshot nên thấy đường nào tiện ra biển gần nhất nên mình đi thôi.

1000011024.jpg

Mình ít đi biển, nhưng đây là lần đầu tiên mình đến một bãi biển mà có sóng cao đến vậy.

1000011009.jpg

Biển sóng đánh nghiêng trụ cột gia đình.

1000011007.jpg

Những ngày đầu khi mình còn ở Kuta thời tiết khá thất thường. Lúc này là cái hôm 6/5 ngay sau khi trời kéo mây đen và vừa mưa buổi sáng xong. Nên nhìn màu biển cũng không đẹp lắm, rất nhiều mây.

1000011006.jpg

Bãi biển Double Six nói riêng và nhiều bãi biển khác ở đây có sóng biển rất mạnh. Bali là thiên đường cho bộ môn lướt sóng (surfing) vì "Island of Gods" là một trong số ít điểm đến trên thế giới có thể lướt sóng quanh năm. Tuy nhiên, khu vực bãi biển nào phù hợp và hình sóng từ dễ đến cực khó là tùy bãi biển. Nhưng nhìn chung bạn đọc có thể lướt sóng quanh năm ở Bali, chỉ cần bạn bỏ chút thời gian nghiên cứu để chọn đúng bờ biển theo mùa và trình độ.

1000015573.jpg

Không quá khó để bắt gặp những hình ảnh này trên đường phố phía Nam đảo, các surfer khi chạy xe máy còn thiết kế dụng cụ chuyên dụng để gắn ván lướt sóng dọc song song thân xe. (Ảnh mình chụp tại bến tàu Sanur)

1000011033.jpg

Một biển báo cấm bơi

Nếu bạn đọc ở khu vực thủ phủ Denpasar hoặc một phần huyện Badung trở về phía Nam (bao gồm Kuta, Seminyak, Jimbaran) thì phần lớn bãi biển ở đây đều không được phép tắm biển vì lý do an toàn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên, mà cụ thể là do đặc điểm sóng lớn và dòng chảy xa bờ (rip currents). Trong bơi biển thì Dòng chảy xa bờ là yếu tố nguy hiểm nhất khiến nhiều người đang thả chill chill bị cuốn ra xa lúc nào không biết.

1000015364.jpg

Bãi Sanur Beach - một trong những bãi biển có thể bơi được.

Thứ 2, bờ biển ở đây có địa hình đá ngầm, sụt cát hoặc lòng biển dốc đứng, rất nguy hiểm khi thủy triều lên. Bờ biển ở Bali không lài lài, thoai thoải như biển ở Vũng Tàu hay Dốc Lết (Khánh Hòa) đâu.

Vẫn có một số bãi biển bơi được như bãi Jimbaran Beach, bãi Sanur Beach (có rạn san hô chắn sóng), hoặc bãi Nusa Dua Beach. Nên khi đến Bali mà bạn đọc có plan đi biển và muốn tắm biển thì tìm hiểu kỹ bãi mình dự định đi có tắm được không. Mất công mang đồ tắm, mang phao, mang kính ra lại không tắm được.

1000015365.jpg

Bãi Sanur này mình mới chụp chiều hôm qua (12/5/2025). Có khá đông người địa phương đến đây vui chơi, tắm biển vào buổi chiều. Mình thấy có rất ít khách Tây, Úc ở đây so với mặt bờ biển phía Tây Bali. Mình cũng ngẫu hứng đến bãi biển Sanur này do đang ở một khách sạn gần đó để sáng hôm sau tiện ra bến tàu Sanur đi Lombok thôi. Nên khi đến đây cũng không ngờ nhiều người địa phương đến vậy, trái ngược hẳn với ở bãi Double Six đã đi trước đó.​
 
Di chuyển từ đảo Bali qua các đảo khác (Nusa Lembongan, Nusa Penida, Gili Trawangan, Gili Meno, Gili Air, Lombok).

1000015580.jpg

Bến tàu khi đến Nusa Penida, tàu sẽ dừng ở Nusa Penida 1 tiếng trước khi xuất phát qua Gilis và Lombok.

Thông thường nếu bạn đọc book tour đi các đảo khác thì cũng không cần lo gì, nhưng phần này có thể có thêm chút thông tin cho bạn đọc nào đi tự túc như mình.

1000015578.jpg

Thời gian tàu đi từ bến Sanur (Bali) đến Nusa Penida là 1 tiếng.

Mua vé: bạn đọc đều có thể mua trước online hoặc mua trực tiếp khi ra bến tàu. Nhưng nếu đã có lịch trình trước thì nên mua online để đảm bảo có vé và đỡ mất thời gian. Có nhiều kênh để mua online thông qua website của hãng tàu hoặc ứng dụng trung gian. Ở đây, mình mua trên ứng dụng Klook.

Lưu ý quan trọng khi mua vé:
  • Đảm bảo lựa chọn đúng đảo xuất phát và đảo đích đến.
  • Xem kỹ và chọn thời gian tàu xuất phát phù hợp. Việc này quan trọng để bạn có thể thiết kế lịch trình hợp lý. Các chuyến từ đảo Bali đi các đảo khác có thể sẽ có nhiều khung giờ do nhu cầu cao, nhưng chiều ngược lại thì chưa chắc. Ví dụ như chuyến mình đi từ đảo Lombok về lại Bali thì rất ít, nên hãy chuẩn bị kỹ lưỡng chỗ này để chuyến đi thuận lợi.
  • Đảm bảo chọn đúng bến tàu phù hợp. Đối với các đảo nhỏ thì không sao, nhưng với 2 đảo lớn là Bali và Lombok thì bạn đọc cần lưu ý điểm này vì có nhiều bến tàu khác nhau. Ví dụ ở Bali có 2 cảng phổ biến là Sanur và Padang Bai cách nhau khoảng 40km lận. Nên là lựa chọn thận trọng điểm xuất phát nhé.
  • Cuối cùng là nhớ đến bến tàu trước 1 tiếng để đổi vé, dư thời gian có thể ngồi thong thả cà phê thư giản trước khi ói xanh mặt chứ đừng đến sát giờ tàu chạy.

1000015568.jpg

Vào thẳng bên trong bến tàu Sanur sẽ có rất nhiều kios của các hãng khác nhau. Đến đúng hãng tàu mình đã mua để đổi vé. Bạn sẽ nhận được 1 thẻ đeo và vé lên tàu (boarding pass) và biên nhận.

1000015571.jpg

Thẻ đeo này sẽ gửi lại cho nhân viên ngay cửa lên tàu. Thẻ này nhằm mục đích hãng nhận biết bạn là khách của họ. Mỗi hãng sẽ có dây đeo màu khác nhau.

1000015572.jpg

Boarding pass để scan đi qua cửa kiểm tra tại bến tàu.

1000015576.jpg

Nếu bạn có hành lý mang theo như mình, nhân viên sẽ mang để lên nóc tàu chứ không được mang theo vào khoang tàu nhé. Nên có đồ đạc giá trị thì nên để vào túi hoặc balo mang theo. Vậy là xong, vô chỗ ngồi và chờ ói.

1000015584.jpg

Nếu ai đến Nusa Penida thì cứ đi theo lịch trình của riêng mình. Còn ai chỉ quá cảnh để chờ tàu đi tiếp sang đảo khác thì nhớ vị trí tàu của hãng mình để có đi đâu thì nhớ quay lại đúng chỗ.

Ở Bali còn nhiều điều để kể lắm nhưng tại sáng nay mình đi Lombok nên viết nhanh phần này kẻo để lâu lại quên.​
 

Attachments

  • 1000015576.jpg
    1000015576.jpg
    273.3 KB · Views: 7
Cà phê Bali & Cà phê Chồn (Luwak Coffee)

1000013627.jpg

Một cây cà phê Robusta tại Bali

Bali thì trồng được cả cà phê robusta lẫn arabica nhờ vào địa hình trải dài từ thấp lên cao. Đặc biệt vùng Kintamani xung quanh ngọn núi lửa Batur cao hơn 1.700m là nơi tập trung nhiều vùng trồng arabica. Cà phê thì cũng phổ biến và sẽ không có gì đáng nói nếu như Indonesia không phải là nơi sinh ra loại cà phê độc đáo từng một thời giữ ngôi vị cà phê đắc nhất thế giới - Cà phê Chồn. Chỗ này mình xin phép nói thêm quê hương của cà phê Chồn là từ đảo Java và Sumatra chứ không phải Bali. Nhưng Bali là nơi đóng góp rất lớn trong việc mang loại cà phê này ra quốc tế nhờ vào thế mạnh phát triển du lịch.

1000013655.jpg


Theo mình tìm hiểu thì tại Bali cũng phải có ít nhất 20 địa điểm kinh doanh về cà phê Chồn để du khách có thể trải nghiệm. Bản thân mình đã đến 2 nơi thì có thể tóm lược quy trình của họ như sau:

1000013630.jpg


- Khách đến ngay lập tức sẽ có 1 nhân viên ra thực hiện vai trò hướng dẫn tham quan và thuyết minh về mô hình của quán, giới thiệu qua các loại cây trồng và quy trình sản xuất cà phê.

1000013632.jpg

Hạt cà phê vón cục đó là "chồn poo" nhé.

- Cơ bản là sẽ có: cà phê robusta, arabica, cà phê Chồn, các loại cây nhóm gia vị như gừng, nghệ, tiêu, hoa hồi, quế, trái mây, sả, cacao, vanilla và cuối cùng là cho xem con Chồn thật trong chuồng làm mẫu.

1000013654.jpg

- Xem qua một chu kỳ sản xuất cà phê bao gồm: thu hoạch cà phê nhân xanh -> rang hạt -> giã mịn hạt cà phê. Ở quê nhà mình là con nghiện cà phê thì đoạn này lạ gì. Chỉ khác nhau về cách làm so với kiểu truyền thống ở Bali một chút.

1000013646.jpg

- Tham quan xong du khách sẽ được đưa vào khu vực quán và vẫn là combo thưởng thức 12-13 loại trà và cà phê (không có cà phê Chồn nhé) miễn phí. Mỗi loại thử sẽ được một cốc nhỏ vừa đủ, nói nhỏ chứ nếu thử hết 13 loại là cũng hơi no nha. Mục đích của tiết mục này là quảng cáo để sau đó bạn có thể order chính thức hoặc mua sản phẩm mang về.

1000013641.jpg

- Riêng đối với cà phê Chồn, nếu muốn thưởng thức thì bạn sẽ phải mua. Cả 2 nơi mình đến đều cùng giá 50.000 rupiad/ly, mình không biết có nơi nào giá khác không nhưng mình đoán sẽ như nhau do tính cạnh tranh.​
 
Cà phê Bali & Cà phê Chồn (Luwak Coffee)

1000013623.jpg

Hoa cà phê chưa nở

Với khẩu vị và đánh giá chủ quan của mình thì cà phê Chồn không quá đặc sắc, nếu không muốn nói là bình thường. Với một số loại hạt cà phê specialty có cupping score từ 80-85 mình từng uống là đã ngon hơn hẳn rồi. Ở 2 nơi mình đến cà phê Chồn có hương vị quá "an toàn", không gây ấn tượng như mô tả. Vị kiểu ít chua, ít đắng, thiếu tầng hương rõ ràng.

1000013635.jpg

Ở Bali bột cà phê sẽ được giã/xay rất mịn, độ mịn tương đương để pha espresso luôn chứ không phải thô như pha phin đâu. Bởi vì khi pha họ sẽ không cần lọc bỏ phần bã cà phê mà hòa chung nó với nước sôi y như mình pha cà phê hòa tan ấy. Nên ai mà có thói quen hay khuấy khuấy cà phê khi uống thì coi chừng uống cả bột cà phê. Mình thì hay chờ tầm vài phút cho bột cà phê lắng lại rồi mới uống.

Mặc dù về câu chuyện gắn liền với loại cà phê này, người ta luôn nói trong tự nhiên loài cầy hương (chồn/luwak) sẽ lựa chọn những hạt cà phê ngon nhất trên cây để ăn. Nó như là một quy trình sàn lọc tự nhiên bằng chính bản năng của loài động vật hoang dã này. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa khi mọi thứ còn "tự nhiên", còn ngày nay có đúng vậy không thì không chắc. Khía cạnh đạo đức của cà phê Chồn xưa giờ vẫn là một chủ đề tranh cãi cũng giống như món Foie Gras của Pháp.

1000013622.jpg

Đang lang thang trong vườn cà phê tự dưng thấy bãi chăn bò. Cũng hơi ngạc nhiên chút vì người dân Bali theo đạo Hindu là không ăn thịt bò, không biết mấy con này nuôi cho mục đích gì. Chắc lâu lắm mới thấy người hay sao mà nhìn lom lom.

Cảm nhận của mình cà phê Chồn có thể là một trải nghiệm thiên về “chuyện kể” và bối cảnh lịch sử của nó hơn là vị giác. Mình đến Bali, Indonesia - đất nước sản sinh là loại cà phê độc đáo này nên muốn thưởng thức ngay tại quê hương của cà phê Chồn xem hương vị của nó như thế nào. Nên 2 ly là đủ, thử cho biết chứ không uống thêm và cũng không mua về làm quà. Thứ nhất là về khía cạnh đạo đức, đây là yếu tố rất khó kiểm tra và đánh giá. Còn đến farm nào thì nhân viên họ cũng trình bày nhân văn như nhau thôi. Một số nguồn có chỉ cách là nhìn bao bìa ghi nguồn gốc cà phê Chồn hoang dã (wild luwak/ wild-sourced) thì mình xin nói thẳng cũng không thể tin tưởng được.​
 
Penjor - Galungan và Kuningan
1000014112.jpg


Hình ảnh bạn đọc vừa xem đó gọi là Penjor - một biểu tượng trang trí truyền thống và rất đặc trưng trong văn hóa Bali – Hindu được dựng trong các lễ hội lớn như Galungan và Kuningan. Vâng, và 2 tên gọi tiếp theo chính là tên của 2 lễ hội tại Bali.

1000013226.jpg


Galungan: là dịp lễ mà người Bali đón ông bà tổ tiên về dương gian đoàn tụ với gia đình. Kỳ lễ Galungan sẽ kéo dài 10 ngày, tức là tổ tiên sẽ về với con cháu trong 10 ngày.

Kuningan: là ngày thứ 10 trong kỳ lễ, tức là ngày cuối cùng để tiễn ông bà tổ tiên về thiên giới.

Để xác định 2 dịp lễ này sẽ dựa vào lịch Pawukon của người Bali chứ không dựa vào Tây lịch. Nên nếu bạn đọc có ý định đến Bali rơi vào dịp lễ này thì có thể tra cứu trên google cho năm dự định đi để chọn ngày phù hợp. Mình khá may mắn ở chỗ tuy thời điểm mình đến không rơi vào kỳ lễ 10 ngày, nhưng lại là ngay sau ngày Kuningan (tức là ngày thứ 11) nên những cây Penjor và không khí dịp lễ vẫn còn đọng lại trên hòn đảo.

1000013225.jpg
 
Penjor - Galungan và Kuningan
1000013224.jpg


Khung lõi để tạo thành một cây Penjor là một cây tre dài được uốn cong. Hình dáng cong và rũ xuống như cây bông lúa của Penjor tượng trưng cho sự no đủ, thịnh vượng theo quan niệm của người Bali. Nên thật ra màu truyền thống của Penjor là vàng-nâu-lá.

1000014113.jpg


Chi phí thực hiện một cây Penjor có thể chỉ từ vài trăm nghìn rupiad cho đến thậm chí vài triệu hoặc hơn 10 triệu rupiad, tùy vào bạn muốn chơi lớn cỡ nào. 2 cây Penjor to mình chụp đã là 2 cây to và phức tạp nhất mà mình được thấy trong thời gian ở Bali. Nhưng vẫn chưa là gì so với hình ảnh về Penjor mà sau đó mình có tìm hiểu và xem trên internet. Có những cây penjor còn "khủng bố" hơn.

1000014087.jpg


Cái gốc Penjor cơ bản là thế, còn sau đó nó sẽ được trang trí bằng lá dừa non, vải, hoa, gạo, trái cây và vô vàn thứ biến tấu, thậm chí trang trí thế nào, tông màu chủ đạo ra sau, mức độ từ cơ bản cho đến phức tạp, cầu kỳ nhất là tùy mỗi gia đình và tùy mục đích. Hình dáng Penjor là vô cùng đa dạng, mập/ốm, màu sắc, vật liệu trang trí là nơi người Bali thể hiện sự sáng tạo không giới hạn để đưa vào đấy tình cảm, công sức và lòng thành kính của họ với thần linh.
1000011193.jpg

Cây Penjor của homestay mình ở tại Ubud.

Vì mấy cây Penjor này đường phố đẹp thì có đẹp mà cũng nguy hiểm nha. Tại vì đi đường cứ toàn phải ngước đầu lên nhìn vì mình quá thích thú nên không nhìn đường, nhìn người gì dễ va đụng 🥲
 
Nơi lưu trú - UBUD
1000011361.jpg

Putih D’Carik Ubud

Nói nhiều thứ mải mê quá mới sực nhớ chưa review về chỗ mình đã ở tại Ubud. Tiếp theo phần nơi lưu trú ở Trang 1 thì đây là cảm nhận của mình về nơi mình đã chọn tại Ubud - Putih D’Carik Ubud.

1000011389.jpg

Buổi sáng tại Putih D’Carik Ubud

Google Maps: https://maps.app.goo.gl/j6HRcFfrTYDhdwyX7
Giá phòng: thời điểm mình đặt khoảng 580.000 VNĐ/đêm.
Loại phòng: Deluxe giường đôi, có ban công, ở tầng 2.
1000011108.jpg

(Này up bằng điện thoại không biết sao bị lật ngang, về VN mình edit lại)

Mô tả: Bạn đọc xem ảnh chụp từ xa cũng có thể hình dung homestay này có số lượng rất ít. Chỉ có 4 phòng giường đôi và 2 căn villa mini dành cho gia đình đi đông người. Phòng giường đôi thì 2 căn tầng trệt, 2 căn tầng trên. Kế bên sẽ có hồ bơi mini, chủ yếu để chill thôi chứ dài tầm 6m thì đạp chân là ra giữa hồ rồi. Kế hồ bơi là sân để xe máy và nơi mấy bạn nhân viên ở.

1000011097.jpg


Điểm mình đánh giá cao:
  • Homestay ở đây theo kiểu rất gần gũi, dung dị, nhân viên cũng rất thân thiện và hỗ trợ trong khả năng có thể.
  • Dọn phòng mỗi ngày không cần yêu cầu. Mỗi ngày sáng mình ra ngoài đi chơi đến trưa hay chiều về là đã thấy phòng được dọn dẹp, gắp chăn nệm, thay khăn, đổ rác.
  • Phòng rộng rãi, thoải mái, mền gối sạch sẽ. Đặc biệt khăn tắm ở đây không có mùi thuốc tẩy.

1000011109.jpg


- Phòng tắm rộng rãi, thoáng khí, nước mạnh, có cửa sổ nhìn ra cánh đồng ruộng lúa và con đường đi bộ Kajeng. Những ngày ở đây thú vui của mình là vừa đánh răng vừa nhìn ra xem khách du lịch tản bộ 🤣
1000011107.jpg

(Này up bằng điện thoại không biết sao bị lật ngang, về VN mình edit lại)

Điểm mình đánh giá rất cao:
- Chính là vị trí của homestay này, nằm giữa các cánh đồng lúa và chỉ cần bước chân ra là đã có thể đi đến những con đường đi bộ rất chill như Sweet Orange, Subak Juwuk Manis, Kajeng. Nói là nằm giữa cánh đồng nhưng không hề xa khu vực nhộn nhịp. Mình chỉ đi bộ 700-800 mét là đã có thể ra đường Raya Ubud (con đường sầm uất nhất Ubud) hoặc hướng khác sẽ ra đường Kajeng (tuyến đường mua sắm với nhiều cửa hàng, tất nhiên là hướng đến khách du lịch.

1000011359.jpg

Đường quê Bali, Indonesia

Điểm cần lưu ý:
- Không chỉ riêng Putih D’Carik mà những cơ sở lưu trú ở Ubud nếu các bạn muốn tìm nơi gần gũi thiên nhiên, nhìn ra cánh đồng, ruộng lúa, hàng dừa thì khả năng cao là những nơi đó xe ô tô không vào được, chỉ có xe máy hoặc đi bộ. Nhưng đừng lo lắng vì nhân viên biết điều đấy nên sẽ hỗ trợ mình trong việc chở hành lý khi bạn đến và lúc bạn đi ra đường lớn. Có thể chở bạn luôn nếu lười đi bộ (nhưng ai lại làm thế). Nên khi đặt xe/grab đến Putih D’Carik, bạn không cần chọn đúng vị trí homestay mà nên chọn điểm trả khách là Ubud Central Parking. Khi đến nơi nhân viên sẽ ra đón bạn và chở hành lý của bạn về trước, còn bạn có thể thong thả từ từ đi bộ thư giãn gân cốt sau một chuyến đi dài.
1000011116.jpg

Đường quê Bali, Indonesia

- Điểm này mình cũng nói luôn, bởi vì xung quanh là cánh đồng lúa, cây cối. Nên trong những ngày mình ở thì buổi tối bọ xít bò lên khá nhiều nha. Nhưng chủ yếu là tầng trệt và bên ngoài, nếu đóng cửa phòng lại thì không vấn đề gì. Không phải đêm nào cũng vậy, hôm có hôm không nhưng nói trước để bạn đọc có thể cân nhắc.

1000014208.jpg
Ban công có sẵn bàn ghế ngồi rất chill nha, kể cả trời kéo mây đen vẫn chill.

Tổng kết lại mình rất hài lòng với sự lựa chọn này, không có điều gì phải phàn nàn ngoài chuyện mấy con bọ xít, tuy nhiên điều đó không quá ảnh hưởng (với mình). Mong rằng sẽ có thêm thông tin để bạn đọc tham khảo khi đến Ubud.​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,523
Bài viết
1,148,339
Members
193,585
Latest member
buynaccounts
Back
Top