What's new

[Chia sẻ] Bưu thiếp từ Bắc Lào - Nơi có tiếng chào Sabaidee rộn rã

100NIKONCustom.jpg


Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, tôi xin chỉ chia sẻ những cảm nhận của riêng mình khi đặt chân đến đất nước triệu voi (cơ mà trong vỏn vẹn 7 ngày 7 đêm ở Lào tôi chưa hề gặp được chú voi nào) :D Lúc nhỏ cứ nghĩ đơn giản rằng sang đó là sẽ gặp cả bầy voi đi đi lại lại ngoài đường, chắc là thích hơn nhiều so với mấy chú voi buồn bã đứng im re trong cái chuồng thú hôi rình nhỏ xíu ở Thảo Cầm Viên. :))

Có nhiều người bạn, khi biết ý định Lào tiến của tôi thường hỏi rất giống nhau "Sao lại đi Lào? Sao không đi Sing, Mã hay Thái? Lào có gì hay? Lào có gì đẹp? Có gì chơi?..." Tôi đành cười trừ bởi đôi lúc không muốn giải thích những lý do mà chỉ tôi mới hiểu! Có thể với bạn, Thái, Sing, Mã là những nước tiên tiến hơn, có nhiều chỗ để ăn chơi, giải trí, hưởng thụ, mua sắm này nọ... hơn; nhưng với tôi, tôi đi du lịch không vì những lý do đó, nhất là khi quyết định chọn điểm đến là nước bạn Lào.
- Bạn thử nghĩ xem: nước Lào nằm sát bên nước Việt, có chiều dài đất nước nằm trọn vẹn một bên hông VN như thế, chuyện đi lại cũng không phải là quá khó khăn, lại có khung cảnh hiền hòa theo kiểu miền Tây nhà mình, thì sao không là một điểm đáng đến? Đó là chưa nói Lào có cố đô Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới, phải đi cho biết nó thế nào chứ, đúng không?
laos.jpg


- Cái nữa là hồi lúc nhỏ, tôi xem đâu đó cái ảnh chụp các nhà sư áo vàng đi khất thực vào sáng sớm. Rất thích mặc dù tôi không phải là người mộ đạo. Đơn giản chỉ là nhìn cái hình cảm thấy rất thảnh thơi, và lúc đó đã tự hứa rằng sau này khi có dịp, tôi sẽ đến Lào để được tận mục sở thị cái khung cảnh bình yên lạ lùng đó.
- Lý do thứ ba là nhân một hôm đọc được cái bài "Ôm tay lái, xuyên đất Lào" trên tạp chí DNSG cuối tuần, đọc xong thấy mê nên hạ quyết tâm đi luôn. Và vì cập rập nên book vội vé SGN - BKK nhằm ngày thứ ba trong khi lẽ ra nếu đi từ ngày thứ bảy thì lợi hơn về thời gian. (Hình như do lúc tôi book chỉ có ngày thứ ba là vé rẻ nên nhắm mắt đưa chân mà không để ý, ai dè! :-S). Sau này đến lúc đi đã phải mua lại vé khác, với cung đường khác so với dự tính ban đầu.

Từ Sài Gòn, để đến Lào dân phượt có thể đi theo nhiều cách:
(1) SGN - BKK - Nong Khai - Vientiane - Vang Vieng - Luang Prabang - Xieng Khouang - Vinh - SGN
(2) SGN - Đà Nẵng - Vientiane - Vang Vieng - Luang Prabang - Xieng Khouang - Vinh - SGN (đây cũng là cung đường được nhiều người lựa chọn nhất). Cũng có thể đi theo hướng ngược lại SGN - Vinh - Xieng Khouang - Luang Prabang - Vang Vieng - Vientiane - Đà Nẵng - SGN, hoặc thay Đà Nẵng bằng Huế vì từ đây cũng có nhiều hãng xe sang Lào.
(3) Một cách khác nếu muốn đi thêm Pakse (ở phía Nam Lào) để khám phá thiên đường hoang dã 4.000 Islands ở Siphandon là SGN - Pakse - Vientiane - Vang Vieng - Luang Prabang - Xieng Khouang - Vinh - SGN. Từ SG hiện đã có xe đi thẳng Pakse của nhà xe Bình Minh (0989 475 787 gặp Thành), mỗi ngày một chuyến khởi hành lúc 5g sáng, hoặc đi hai chặng SG - Gia Lai và Gia Lai - Pakse của Mai Linh. Cũng có thể đi đến Kontum và sang Lào qua cửa khẩu Bờ Y.

Trong 3 cách trên thì cách 1 là thuận lợi nhất về thời gian vì đỡ được một chặng bay SGN - BKK, rồi từ Bangkok đón xe lửa đi tiếp đến Nong Khai, làm thủ tục qua cầu hữu nghị Lào - Thái là đến Vientiane. Cách 2 được nhiều người chọn hơn vì khá dễ đi tuy thời gian di chuyển không phải ít, còn nếu chọn cách 3 thì cần nhiều thời gian hơn cả tuy nhiên lại chơi thêm được ở Pakse. Lúc đầu tôi chọn cách 1, nhưng vì gần đến ngày đi mới phát hiện vụ book vé BKK nên phải đổi cái xoẹt, chuyển sang cung đường thứ 2, và đi ngược lại (nghĩa là tôi đi từ trên xuống còn mọi người thường đi từ dưới lên).

Càng gần đến ngày đi càng bấn loạn vì cái lịch trình. Thông tin không có nếu không muốn nói là rất ít, nhất là đi từ SG. Tham khảo Lonely Planet được một số. Mượn anh bạn cái bản đồ Vientiane và Luang Prabang, tôi quyết định "liều" một phen - không thèm đặt vé xe và phòng ốc gì (vì có muốn đặt trước cũng chả được)!!! [-( Hostel hay nhà xe đều không có email hay website, chỉ có mỗi cái số điện thoại ở tận đẩu tận đâu, mà tôi thì không có thói quen gọi oversea cho những chuyện như thế này). Gọi ra bến xe Vinh người ta cứ bảo ra đi rồi tính. Gọi thẳng cho một vài nhà xe tôi tìm được trên mạng, họ cũng trả lời như rứa. Cá biệt có một nhà hôm tôi gọi thì bảo sáng thứ 7 có xe đi Luang, tôi đặt chỗ luôn, vậy mà sáng hôm sau họ gọi lại cho tôi bảo tuần này xe bảo trì nên không chạy nữa, để tuần sau nữa hãy ra! :)) Họ làm như muốn đi lúc nào là đi vậy. :D Tôi nghĩ thầm thế nhưng dù sao cũng cảm ơn họ đã cho lại thông tin, chứ nếu họ cứ im lặng chẳng nói chẳng rằng, đến lúc tôi ra tới nơi mới báo thì còn chết dở! Thế là liều vậy, tới đâu hay tới đó! Tôi phải đi thôi, tiếng chào Sabaidee rộn rã quá rồi, rộn rã đến mức suốt một tuần trước ngày đi, gần như đêm nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai câu nói đó! ;)
 
Phần 2: Duyên dáng đất Luang (phần cuối)

...5.30 sáng, ba đứa lồm cồm bò dậy. Trời lành lạnh, vội vội vàng vàng quấn cái khăn cho ấm cổ là le te ra đường. Gặp một đoàn sư khất thực ở ngay ngã ba phía trên hostel nhưng trời lúc này còn tối nên không chụp được gì. Ra đến đường Sisavang Vong đã thấy một số người dân bắt đầu lúi húi dọn đồ cúng, bày biện rất đẹp: một ít trái cây, nhất là chuối, và xôi
DSCN3008-4Custom.jpg


Khoảng 6g là các nhà sư bắt đầu khởi hành từ ngôi chùa gần đó, và họ sẽ đi dọc theo đường Sisavang Vong đến đầu ngã tư rồi quay lại.
DSCN3010-5Custom.jpg


Có một chiếc xe du lịch chở đoàn khách Nhật đến mục kích cảnh này, tourguide còn giúp khách bày biện đồ cúng và xếp hàng rất trật tự. Từng đoàn sư dần dần đi qua, ai cũng cúi đầu thành kính và nhẹ nhàng nâng đồ cúng của mình lên đưa cho các sư.
DSCN3012-6Custom.jpg


Sư nhận lấy bỏ tọt vào giỏ, đi lên một đoạn, nếu gặp một vài người dân nghèo ngồi chìa tay xin đồ cúng, họ lại lấy ra và cho lại. Nhưng cách họ cho không như cách họ nhận, chỉ đơn giản là quăng cái bộp vào cái giỏ/cái rổ trước mặt những người đi xin, thế thôi!
Vốn đến Luang là để được tận mắt thấy cảnh các nhà sư đi khất thực, nhưng sao khi đã được mục kích sở thị rồi, tôi vẫn thấy lòng mình chẳng bình yên? Do lòng tôi còn vướng bụi trần hay do những điểm trừ không đáng có? Điểm trừ ở đây chính là cái cách mà mấy bạn tour-guide ở trên đối xử với người dân mình. Chẳng là một số em bé đen đúa, ăn mặc rách rưới quỳ bên đường xin đồ cúng của các sư thì tour-guide gạt ra, cho các em vài gói xôi rồi đuổi sang bên kia để không vướng hình trong ống kính máy ảnh của khách. Du khách của đoàn đó đi về bảo đảm chỉ toàn những hình ảnh đẹp - trai đẹp gái xinh ăn mặc như đi trẩy hội đang cúi mình dâng đồ cúng cho sư. Còn lại những khuôn hình bọn trẻ con nghèo đói đen nhem nhẻm phía sau cảnh tượng đẹp đẽ đó, có mấy ai thấu hiểu???
DSCN3030-8Custom.jpg


Bọn tôi quay về hostel và đón tuk tuk đi thăm làng làm giấy dó. Anh trai chủ hostel khuyên bọn tôi đến Ban Phanom. Ừ thì đến, tới nơi mới thấy cảm giác giống như mình bị lừa!!! Tôi bảo tôi muốn đến nơi làm giấy thì anh ta lại bảo bác tài tuk tuk chở tôi đến cái làng bán các sản phẩm làm từ giấy, nghĩa là nó đơn thuần chỉ để bán hàng lưu niệm chứ không xem được người ta làm giấy như thế nào???
DSCN3058-8Custom.jpg


Khi tôi đến mới thấy một cô chạy vào ngồi xuống cái khung dệt đạp lấy đạp để, tôi tự hỏi, nếu vắng khách thì cô ấy làm gì?
DSCN3056-7Custom.jpg


Tôi giận, giận thật sự mới hoa chân múa tay nhờ bác tài gọi về hostel (vì bác tài tuk tuk không biết tiếng Anh). Tôi la anh ta một trận và yêu cầu phải nói tuk tuk chở tôi đến làng-làm-giấy-dó. Sau đó anh ta nói lại với bác tài bằng tiếng Lào và bác tài gật gật đầu. Tôi hỏi lại, vẫn 40k kip cả đi và về chứ? Bác tài cười cười rồi ừ ừ, chắc thấy tôi dữ quá nên không dám đòi thêm.
Ghé ngang Phra That Khong Santi Chedi - một bảo tháp bằng vàng có ba lối vào được xây từ năm 1988. Chỉ có vài vị khách Tây đang đàm đạo nên vắng hoe, tha hồ mà lang thang. Bên trong bảo tháp là những bức tường sơn son thếp vàng với những lời khuyên nhủ về đạo đức và những câu chuyện nhà Phật mà tôi phải cố gắng lắm mới có thể hiểu được.
PicturesCustom.jpg
 
12km đường dằn xóc từ trung tâm thị trấn đến Ban Xieng Khong - nơi tập trung các làng bạc, làng giấy dó và làng tơ lụa. Chọn một nhà đẹp nhất để vào thăm, tôi chụp vội vài cái ảnh người ta đang làm giấy. (Xangkhongposa Weaving and Paper Handicraft Village)
DSCN3099-16Custom.jpg


Cô chủ nhà rất biết cách sắp xếp và bài trí món hàng, trông khá đẹp mắt!
DSCN3104-17Custom.jpg


Ở đây người ta bán rẻ hơn chợ đêm, đèn lồng 5k kip/cái, khăn choàng 20k kip/cái, ngoài ra còn có cả quạt giấy, đèn ngủ treo trần nhà bằng giấy dó vẽ vời nhiều hình thù, nhiều màu sắc... mà ở chợ đêm tìm đỏ mắt không ra.
DSCN3106-9Custom.jpg


Đi bộ sâu vào làng thì gặp một nhà bán khăn (silk craft house), cô bạn chủ nhà nói tiếng Anh khá chuẩn. Bước vào nhà là mát rượi, toàn khăn lụa, vải lụa, quần áo lụa... Giá khá là cao, tôi hỏi thử chiếc khăn màu xanh ngọc như hình mà cô ấy nói là 220k kip, hic
DSCN3115-10Custom.jpg


Bọn tôi chụp vài cái hình rồi tạm biệt, cô bạn còn cười rất duyên và bảo là "Welcome!" Thật là ngại khi người ta nhiệt tình mở đèn, mở quạt và tiếp mình rất tử tế mà không ủng hộ được cái khăn nào!
DSCN3118-18Custom.jpg


Đi sâu hơn nữa vào làng bạc mà không thấy, lại quay ra. Nghe bảo phải đi về hướng ngược lại. Trời quá trưa, thấy tội nghiệp bác tuk tuk nên cả bọn quyết định về mà không kịp đi thăm làng bạc. Ghé cái nhà hàng nhỏ ở gần hostel, kêu thử mấy món phở bò, rau muống xào tỏi và xôi nếp xoài, khá là ngon. Thích nhất là cái pancake chuối của quán này, 10k kip/dĩa, cực kỳ hấp dẫn
Pictures1Custom.jpg
 
Buổi chiều, tôi quyết định thuê xe đạp để đi dạo. Lạ một điều là ở đây người ta không cho thuê nửa ngày, cứ 1 chiếc 10k kip/ngày, đi nửa ngày vẫn phải trả đủ 10k. Nói cách nào cũng không được! Chưa kể một người phải thuê một chiếc riêng, không cho chở đôi dù xe có yên sau. Tôi cắc cớ hỏi vì sao thì họ bảo sợ xe nó gãy. Trời ơi, Tây chở nhau thì có thể chứ dân ta lại ốm yếu như mấy đứa bọn tôi thì làm sao mà gãy càng được!?? Lại nói mãi mà họ nhất định không chịu, đành phải một người một xe chạy nửa ngày rực nắng cháy da mà phải trả giá trọn một ngày!!!
Điểm đầu tiên dừng chân là Bảo tàng cung điện Hoàng gia (Ho Kham) được xây dựng từ năm 1904 theo lối kiến trúc cổ điển của Pháp để làm nơi nghỉ ngơi cho vua Sisavang Vong. Vé vào cửa 30k kip, và du khách phải mang chân đất, giữ im lặng, không được phép mặc áo ngắn tay chứ đừng nói là váy/short trên gối. Hai bạn đồng hành mặc áo tay ngắn đã phải khoác thêm áo dài tay mới được cho vô tham quan, và những người trông coi Bảo tàng rất vui khi biết bọn tôi đến từ Việt Nam. Chả là trong này trưng bày rất nhiều vật dụng mà đức vua các nước trao tặng cho Hoàng gia Lào, trong đó có nước Việt với nhiều món hay ho. Khách tham quan không được phép chụp ảnh nên tôi chỉ lưu được vài tấm ngoài sân nắng với ngôi chùa nhỏ Ho Pha Bang và những chiếc đầu rồng
Pictures3Custom.jpg


Hôm tôi đến đang có một cuộc trưng bày lưu động "Câu chuyện Mekong: Thách thức và ước mơ" phản ánh về cuộc sống của người dân xung quanh lưu vực sông Mekong. Đây là kết quả của chương trình Di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững - chương trình hợp tác ở Đông Nam Á (MuSEA) bắt đầu từ ngày 25/11/2009 tại Việt Nam, sau đó đưa sang Campuchia và Lào, mỗi nước dừng ở hai điểm và cuối cùng sẽ đến Thụy Điển vào năm 2012. Cái ngồ ngộ của cuộc trưng bày này là, ngoài những bức ảnh tái hiện lại cuộc sống của người dân vùng sông nước, còn có một cái cây ước mơ (dream tree), trông y như cây mai ngày Tết với những câu đối đỏ. Khách đến tham quan sẽ viết mơ ước hay thách thức mình đang có vào mảnh giấy nhỏ màu đỏ thắm rồi treo lên cây để chia sẻ với thế giới. Tôi cũng hì hụi ngồi viết một bức thư gửi những người đang xem triển lãm :D
Pictures2Custom.jpg


Kế bên bảo tàng là Wat Mai Suwannaphumaham, một trong những ngôi chùa được tiếng là "xa hoa" nhất thành phố đặc trưng với mái ngói năm tầng màu đỏ gạch, được xây dựng lại vào năm 1821 và trở thành nơi ở ẩn của hòa thượng Sangharat, người đứng đầu nền Phật giáo Lào.
DSCN3053-10Custom.jpg


Lượn lờ ra bến sông, dựng đại cái xe đạp bên vệ đường sau khi khóa vòng chắc chắn và chui vào tham quan Wat Xieng Thong - ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Luang. Cô bé bán vé chừng mười mấy tuổi bảo ở đây có tục buộc chỉ cổ tay cầu phúc vào lúc 17g hàng ngày, giá vé 20k kip/người, nếu đi 3 người thì cô ấy bớt cho, chỉ còn 50k. Tôi gật gật, đưa tiền rồi hỏi vé đâu. Cô bé mới giải thích, cái này là tao discount cho mày nên mày không cần lấy vé, cứ vào trong thôi. Tôi "hiểu chuyện" ngay, hóa ra cô bé không xé vé cho chúng tôi thì coi như nhà chùa không có khách, và 50k kip kia sẽ chui tọt vào túi của cô ấy?!! Tôi đành nói thẳng "Tại sao mày lại làm như thế? Mày làm như vậy là không tốt, có biết không? Cứ đưa vé cho tao, tao muốn lấy vé!" Có lẽ mặt tôi lúc đó hơi phẫn nộ mà thấy cô bé rụt rè im lặng, xé vé cho bọn tôi rồi thẹn thùng thò tay nhận thêm 10k kip nữa. Tôi không ngờ rằng người Lào mà cũng có cách ma mãnh như thế này, lại ở ngay trước cổng chùa??? Thêm một điểm trừ nữa cho Luang.

Wat Xieng Thong khá đẹp dù cũ kỹ và được mệnh danh là ngôi chùa cổ nhất ở Luang. Trong khoảng sân vắng phía sau có một gian nhà nhỏ với bức tường được khảm gốm sứ tạo thành bức tranh vẽ "cây đời" (Tree of Life).
DSCN3181-22Custom.jpg


Tôi thích cái bức này mặc dù những hiểu biết về Phật giáo và hội họa nói riêng hay mỹ thuật nói chung của tôi khá là hạn hẹp.
Pictures4Custom.jpg
 
Rời khỏi chùa trong ánh nắng chiều vàng như mật, chúng tôi đạp xe thêm vài km nữa là lại đến khu phố Tây. Phát hiện một nhà hàng kiêm khách sạn nhỏ màu xanh nước biển rất xinh xắn, cơ mà nghĩ là giá khá chát nên chỉ dừng xe lại và chụp hình kỷ niệm. Đứng từ bên này đường bắn qua bên kia mới lấy được hết cái view của nhà hàng.
DSCN3184-23Custom.jpg


Kế bên đó là quán cafe nhỏ ấm cúng với khung cửa gỗ màu trắng tinh.
DSCN3197-24Custom.jpg


Đi thêm vài mét là tới khúc cua ra lại đường Sisavang Vong, một ngôi nhà ngay góc đường cũng có hàng rào trắng và những bờ đá cao, nhìn y như phố núi Đà Lạt
DSCN3201-25Custom.jpg


Lại đạp xe ra chợ đêm, ngồi tổng kết tình hình tài chính thì tiền kip mang theo đã sắp cạn... Từ lúc sáng đã tranh thủ dòm qua mấy cái kiosque đổi tiền mà không có cái nào có tỉ giá coi được được như ở cửa khẩu Nam Khan, thành ra tới lúc này, ba đứa còn vỏn vẹn chỉ hơn 100k kip sau khi đã trừ tiền phòng. Kịp ăn lần cuối bữa xôi nếp với thịt nướng và gỏi đu đủ kiểu Lào (Laos style papaya salad) rất ngon. Tiếc là lúc này tôi lười nên không lôi máy ra chụp cái quầy hàng nhỏ nhỏ xinh xinh nhiều màu sắc của hai cô bé người Lào. Một dĩa gỏi đu đủ xanh 10k kip sẽ có nhiều thứ rau: đu đủ non bào sợi, cà pháo non, cà chua bi, cà tím sống, rồi mè, nước tương, đường, muối, ớt... Người ta sẽ trộn các thứ lại, cho vào một cái cối và giã nát thay vì cắt nhỏ rồi trộn bằng tay như gỏi Việt mình. Sau khi nêm nếm gia vị họ sẽ yêu cầu khách nếm thử xem vừa miệng vừa ý hay chưa, nếu chưa thì lại nêm nếm tiếp (tôi đã yêu cầu cô bé bán hàng cho thêm tí chanh và ớt ). Cực kỳ hấp dẫn và cay xè, rất rất ngon!

Sáng hôm sau lại thu dọn hành lý ra bến xe đi Vang Vieng, trước đó đã lót cái bụng bằng món hủ tíu Lào và sữa đậu nành nóng của một cô bán xe đẩy ngay góc đường. 8.30 xe mới khởi hành, VIP bus nên toàn các bạn Tây. Và Luang tiễn mấy đứa tôi bằng một cơn mưa rào bất chợt trong khi mấy ngày trước chỉ toàn nắng chang chang (số mình hên! ) Hành trang đến Vang Vieng chất đầy tiếc nuối khi chưa kịp mua cái áo thun in hình bản đồ Luang và ít khô bò cay về làm quà (mà sau này khi đến Vientiane tôi cứ tiếc mãi vì không tìm đâu ra cái loại khô bò ngon ngọt lại rẻ như thế nữa)...
 
em tính qua tết này cũng phượt Lào... Nếu bác nào quan tâm thì join luôn tụi em cho xôm.. Có mỗi 2 đứa con gái đi cũng chán.. Nhưng tụi em lại ở HN mà đọc topic thì toàn bác ở SG.. Thấy nản quá ak :((
 
Bạn ơi, mình không biết Lào có ngày Tết riêng như Tết Chol Chnam Thmay của người Cambodia không vậy?
 
@Hunda: Người Lào có Tết té nước Bunpimay (chính là Tết cổ truyền của họ) từ ngày 13 đến 16.4 hàng năm đó bạn.

-----------
...Chặng đường từ Luang Prabang về Vang Vieng dài 300km khá xa và đường đèo ngoằn nghèo, quanh co, trùng điệp nên bác tài chạy rất chậm. Mãi gần 4g chiều xe mới đến Vang Vieng, và trước đó, sau khi bàn bạc sơ với hai bạn đồng hành, bọn tôi đã thay đổi quyết định: đi thẳng Vientiane. Phần vì đã bị trễ một ngày so với lịch trình dự định ban đầu, phần vì số tiền kip còn lại của ba đứa không có bao nhiêu, phần nữa thấy làng quê Vang Vieng chỉ toàn đất đỏ, không có các khu nhà cao tầng hay các kiosque đổi tiền như ở Luang, cũng không thấy dáng vẻ gì gọi là đất du lịch nên tự nhiên tôi ngại. Ngại là xuống đây rồi không tìm được chỗ đổi tiền kip thì làm thế nào, rồi sợ nếu ở đây một ngày thì hôm sau về Vientiane sẽ không đủ thời gian đi đâu, và sẽ lại phải chạy trối chết để về Đà Nẵng cho kịp... Sợ tùm lum thứ, và cái sợ nhất chính là lỡ chuyến bay về SG nếu xe về ĐN trễ (vì lúc này bọn tôi vẫn chưa đặt được vé xe Vientiane - ĐN). Và thế là, quay sang cô bạn người Canada ngồi bên cạnh đang mắt tròn mắt dẹt dòm tôi, tôi khẳng định thêm lần nữa: "Tao thay đổi ý định rồi. Tao đi thẳng đến Vientiane".

Từ đây mất 4h nữa bọn tôi mới đến thủ đô của đất bạn Lào (Vang Vieng cách Vientiane 156km). Trời tối thui. Bến xe phía Nam cũ kỹ và vắng người. Đón một chiếc tuk tuk đi vào trung tâm, bảo bác tài cho ghé Mixay Guesthouse nhưng bác ấy lại dừng ở Mixay Paradise (2 GH này khác nhau chữ Paradise mà sau này tôi mới biết là cái địa chỉ mình có trong lịch trình bị sai - tên là GH này nhưng địa chỉ là của GH kia). Anh trai lễ tân cho mấy đứa biết họ không còn phòng 3 người và bảo bọn tôi lấy 2 phòng: 1 đôi và 1 đơn. :-o Rất ngạc nhiên vì tôi đã đi khá nhiều nơi, tuy nhiên chưa có hostel nào lại đề nghị khách như thế cả. Tôi nói chỉ muốn thuê 1 phòng đôi và yêu cầu họ kê thêm cái nệm đơn nữa, bọn tôi sẽ trả phụ phí nhưng anh lễ tân nhất quyết không chịu, một hai bảo là quy định của guesthouse là không thay đổi được, rồi đề nghị bọn tôi cứ thuê 2 phòng và tối thì có quyền dồn phòng lại ngủ chung, còn phòng kia để trống. Tôi cắc cớ "Thế là tôi vẫn phải trả tiền cho cái phòng trống không có nhu cầu sử dụng sao?" Anh ta cười cười, trông rất đểu và gian. :| Chán ngán, ba đứa tay vali tay balo lại lết ra đường, quyết định đi đến ngã ba và rẽ trái.

Dọc ngang một lúc thì tìm được một GH nhỏ khá tồi tàn (Suri 2) với giá 80k kip/phòng 2 giường. Đã khá trễ (lúc này đã hơn 9g đêm) nên bọn tôi đành check-in luôn, quăng đồ đạc xuống và ra đường kiếm cái gì đó bỏ bụng. Kiếm được quán cơm bên lề đường chỉ với cái xe đẩy nhỏ và 2-3 cái bàn, mấy đứa mừng quá nhào vào... trả giá. :)) Hai bạn trẻ bán cơm hiền queo, có lẽ cũng sắp dọn hàng nên không thèm phản đối, đồng ý ngay. 9k kip/dĩa cơm, hủ tíu thì 8k kip/tô. Ăn no xong làm thêm mỗi đứa 1 ly chè rồi quay về ks, tranh thủ rửa ráy và cố chợp mắt trong cái nóng ngột ngạt của Vientiane.
 
Nằm ở khu vực tả ngạn của sông Mekong, Vientiane yên bình với những mái chùa cong cong lấp lánh ánh vàng và những ngôi nhà theo kiến trúc kiểu Pháp được ví như một hòn ngọc xanh dịu dàng và cổ kính. Ừ, "thành phố trăng" mà, lúc nào cũng êm đềm, tĩnh lặng, không chen chúc hay xô bồ...

Sáng hôm sau 3 đứa lui hui dậy sớm, lang thang ăn sáng ở một quán Nhật rồi đón xe bus đi công viên Bãi Phật cách đó 25km (Budda Park - cách cầu hữu nghị Lào - Thái 4km), vé 6k kip/người, đi mất 1h.
DSCN3326-12Custom.jpg

Giá vé vào cổng là 5k kip, ai đem máy ảnh vào thì thêm 3k kip nữa. Thế là tung tăng đi tìm cái gọi là "địa ngục" ở đây
Trần gian
DSCN3230-2Custom.jpg

Địa ngục
DSCN3235-3Custom.jpg


DSCN3238-4Custom.jpg

Và thiên đường...
DSCN3249-5Custom.jpg

Trong công viên có tượng Phật nằm rất lớn và các tượng Phật nho nhỏ xung quanh, rêu phong và cổ kính
DSCN3268-6Custom.jpg



DSCN3278-7Custom.jpg
 
Phần 3: Vientiane dịu dàng và cổ kính

Thi thoảng có mấy tấm bảng khắc chữ bằng đá đề tên của người tặng hoặc đóng góp công sức xây bức tượng
DSCN3285-8Custom.jpg

Trước cổng Budda Park có chị phụ nữ kê cái vỉ than nướng chuối, 1k kip/trái, rất ngon, cả món xôi nếp cuốn với khoai và nước dừa béo ngậy, thơm lừng lựng mà có mỗi 2k kip.
DSCN3325-11Custom.jpg

Về lại trung tâm đã 4g hơn, bọn tôi thuê xe đạp đi vòng vòng That Luang, ngôi tháp đẹp lộng lẫy, rực ánh vàng và choáng ngợp cả một góc trời phía đông thủ đô. Tháp có hình dáng một nậm rượu, được xây dựng lần đầu năm 1566 trên nền phế tích của ngôi đền Khmer thế kỷ XII. Ngọn tháp chính của That Luang cao 45 m, bao quanh bởi ba lớp tường đồ sộ, trang trí bằng những cánh hoa sen sơn son thếp vàng và những ngọn tháp nhỏ lộng lẫy cách bức tường cánh sen ngoài cùng bởi thảm cỏ xanh mượt và một hành lang có mái xây vòng quanh ngôi đền. Kiến trúc ngôi tháp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và quốc huy Lào. Tương truyền, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu.
DSCN3337-14Custom.jpg

Khi chúng tôi đến thì đã hết giờ mở cửa nên chỉ đi vòng vòng được trong khuôn viên (bạn nào đi sau chú ý nhé: Phra That Luang chỉ mở cửa từ 8 - 12g trưa và 13 - 16g chiều, giá vé 5k kip)
DSCN3360-15Custom.jpg

Một góc khác
DSCN3362-16Custom.jpg

Đúng là những mái chùa cong cong lấp lánh ánh vàng
DSCN3387-18Custom.jpg

Rực rỡ dưới trời xanh
DSCN3392-19Custom.jpg
 
DSCN3364-17Custom.jpg

Và về lại Patuxay đón hoàng hôn. Rất tiếc là đã hơn 5g chiều nên Khải Hoàng Môn đã đóng cửa, tôi không leo được lên đỉnh tháp.
DSCN3397-20Custom.jpg

Focus vào hơn chút nữa
DSCN3399-21Custom.jpg

Một trong những biểu tượng nổi tiếng của Vientiane là Khải Hoàn Môn Patuxay uy nghi nằm cuối đại lộ Lane Xang về hướng Đông Bắc. Đây là biểu tượng chiến thắng của người Lào, được xây dựng năm 1962 để tưởng nhớ những người con của đất nước Triệu Voi đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

DSCN3408-23Custom.jpg

Nhìn từ xa, Patuxay trông rất giống Khải Hoàn Môn của thủ đô Paris nhưng mang đậm phong cách kiến trúc Lào với những phù điêu nữ thần kinari nửa người nửa chim bằng đá rất đẹp, bên trong vòm còn có những bức tranh tường chạm nổi tinh xảo.

DSCN3413-24Custom.jpg


DSCN3415-25Custom.jpg

Ngoài kia nắng vẫn hững hờ trôi
DSCN3401-22Custom.jpg

Có tiếc đến mấy thì cũng đã quá giờ làm việc nên cái cầu thang xoắn ốc 7 tầng nhất định không chịu mở cửa cho tôi leo lên trên chụp hình toàn cảnh Vientiane. Về lại GH thì trời đã tối, mấy đứa tranh thủ tắm rửa rồi lại ra đường, lang thang phố xá tìm thứ gì đó để ăn. Dừng chân ở một xe đẩy nhỏ bên đường, và pad Thái (giá 13k kip/dĩa) là món mà ba đứa tôi lựa chọn. Gọi điện í ới để đặt xe về Đà Nẵng mà không được, tổng đài cứ báo ò í e. Đi loanh quanh thì có chỗ agent nhưng ghế ngồi, và đích thân anh chủ agent khuyên không nên đi xe ở chỗ anh bán vé vì vừa mệt lại không đúng giờ. Vừa giận vừa lo, không biết do điện thoại hết tiền hay cái số này không còn sử dụng, tôi hỏi đại anh chủ quán ăn - nhờ anh ấy gọi giùm - thì hóa ra là số điện thoại tôi có đã cũ. Vẫn số đó nhưng phải thêm một chữ số nữa vào trong. Gọi năm lần bảy lượt mới được xác nhận là có vé về (170k kip/người bao gồm một bữa tối). Phù, mừng hết lớn!!!

Khuya lơ khuya lắc, tạm biệt anh chủ quán tốt bụng, bọn tôi về lại GH. Mệt quá nên đứa nào đứa nấy lăn ra ngủ. Mai là cả một ngày dài, và hôm nay, tôi tròn 31 tuổi...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,554
Bài viết
1,153,641
Members
190,119
Latest member
mksportstop
Back
Top