What's new

[Chia sẻ] Cẩm nang phượt theo cách của bạn

Ngọc Ka Ka

Lúa đến ngày sẽ chín
CẨM NANG PHƯỢT THEO CÁCH CỦA BẠN

PHẦN 1: TẢN MẠN, ĐI VÀ CẢM NHẬN
1. Mỗi chuyến đi, một khám phá
Ai cũng hiểu, du lịch là di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong một thời gian nhất định, nhằm thăm thú khám phá các danh lam thắng cảnh nơi du khách đặt chân đến.
Trên thế giới, nền công nghiệp không khói phát triển có thể nói ngang hàng với tất cả các ngành nghề khác. Nhiều quốc gia đã lấy Du lịch là mũi nhọn kinh tế, mở rộng giao lưu, thông thương hàng hóa và quan hệ chính trị. Nhờ du lịch mà chúng ta mở rộng quan hệ, mở rộng hợp tác đồng thời giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trên thế giới, các loại hình du lịch được phát triển và được nhiều người tham gia như Du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, du lịch biển, hang động, sông suối, núi đồi …vv
Một trong các hình thức du lịch được giới trẻ hiện nay chính là du lịch bụi, du lịch bình dân mà ngắn gọn là Phượt. Phượt là một hình thức của du lịch, nhưng nó đơn giản hơn du lịch theo tuor thông thường. Người đi phượt thường là thỏa mãn niềm đam mê khám phá, đam mê chinh phục các con đường cùng các địa danh. Hành trang cho phượt thủ cũng vì thế mà cũng gọn nhẹ đi rất nhiều.

KHI QUÁI XẾ ĐI PHƯỢT

Tôi có quen với ba tay quái xế rất nổi tiếng ở Hà thành. Ba tay quái xế này đều có những thành tích “nổi tiếng” về các trận bão đêm. Một lần Trung – tay quái xế nhiều tuổi nhất nói với tôi muốn tham gia thử một cung phượt, sau khi hắn đọc trên mạng về phong trào phượt bằng xe máy và biết tôi là leader. Hắn còn bảo bọn tôi đi phượt chẳng qua là a dua chứ tay lái có gì mà lụa? Thậm chí hắn còn nói, hắn sẽ chạy tới nơi ngủ giấc dài mà chưa chắc chúng tôi đã tới. Tôi không nói gì cả, nhưng vẫn đồng ý cho cả ba theo cung. Nhưng cho chạy độc hành, không phải tôi không tin tưởng vào tay lái của họ mà là sợ các bạn ôm của tôi không an tâm khi ngồi sau các quái xế. Lần đó, chúng tôi chạy cung Hà Giang. Đường xuất phát theo quốc lộ 2 qua Việt Trì, qua Tuyên Quang rồi tới Bắc Quang, Hà Giang. Phải nói cả ba tay lái này thật lụa, lúc nào cũng chạy vọt trước đoàn khá dài (Mặc dầu tôi đã nhắc nhở là không được tách đoàn, nhưng họ bảo chạy chậm quá không chịu được). Đến hôm sau, chạy từ cột mốc số 0 tới Quản Bạ, rồi qua Yên Minh, mới chỉ nếm mấy cái đèo nho nhỏ mà dân phượt gọi là muỗi thì cả ba quái xế bắt đầu có biểu hiện tụt hậu. Đến giờ nghỉ trưa, đoàn phải đợi gần nửa tiếng mới thấy ba chàng trai ì ạch từ cuối dốc. Thái độ cao hứng hôm qua biến mất, anh nào cũng tỏ vẻ ngao ngán. Buổi chiều khi đoàn chinh phục Lũng Cú, ngắm hoa Tam giác mạch, cột mốc biên giới 422 thì một trong ba đã ngã ngựa. Cú bẻ lái cua tay áo quá gấp lên Cột cờ khiến một quái xế lộn nhào, may là chạy chậm nên chỉ xây xước nhẹ. Buổi tối, sau khi ăn uống tắm giặt, tôi đã họp cả đoàn, nhắc nhở, rút kinh nghiệm vì chặng đường ngày 3 rất nguy hiểm. Cả ba quái xế im thin thít, không oang oang nổ như ngày đầu. Tôi nói gì cũng gật, thái độ thán phục cũng xuất hiện. Sáng hôm sau, cả đoàn rời Đồng Văn, chinh phục một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, cực kỳ nguy hiểm và hùng vĩ dữ dội – Đèo Mã Pì Lèng. Việc gì đến đã đến, cậu bạn quái xế Trung của tôi đã hạ cánh không an toàn ngay ở khúc cua đầu tiên. Cũng may đoàn phượt chuẩn bị đầy đủ các đồ y tế, sau khi băng bó và sửa xe cho cậu ta xong, tôi phải chuyển ôm của tôi làm xế, lái xe cho cậu ta, còn cậu ta ngượng ngập miễn cưỡng ngồi sau xe của tôi. Suốt chặng đường, thấy tôi cùng đoàn phượt chạy vèo vèo, vào cua, đổ đèo ngon trớn, Trung lẻ lưỡi bảo tâm phục khẩu phục. Tôi chỉ cười và giảng giải cho hắn các kỹ thuật chạy xe đường đèo dốc, cùng với sự cẩn thận và kinh nghiệm thì ai cũng đi được như vậy cả. Khi tới Mèo Vạc, đoàn chọn đường về là đèo Du Già – Mậu Duệ. Đường này ngày ấy vẫn chưa làm, mấy chục cây số offroad cực lắm. Trời lại vừa mưa rào nên tình tình rất thê thảm. Cả đoàn phượt ì ạch nhích từng mét, chốc chốc lại có xe đổ, áo quần bê bết. Hai quái xế ngã liên tục, thậm chí có lúc đòi quay lại đường khi đi. Sau khi vượt chặng kinh hoàng, trời đã bắt đầu tối. Nhìn người và xe lấm lem bùn đất, tôi vừa buồn cười vừa lo, nhất là tình trạng của hai quái xế. Họ còn ngã gấp nhiều lần cô bé ôm bất đắc dĩ phải làm xế do anh bạn Trung của tôi bị xòe trên đèo Mã Pì Lèng.
Tôi đành quyết định cho đoàn ở lại Bảo Lạc, tìm chỗ ăn uống nghỉ ngơi để mọi người lại sức, mai còn về Hà Nội.
Lần đó chúng tôi về nhà an toàn trừ ba tay quái xế bạn tôi. Sau này, mỗi khi gặp tôi Trung đều không ngớt lời thán phục. Cũng sau cung Hà Giang ấy, cả ba đều bỏ hẳn bão đêm, và trên Facebook, không thấy họ bàn luận về chuyện cá cược đua xe nữa…
 
2. Bạn đã gia nhập cộng đồng Phượt chưa?

Phong trào phượt cho là phát triển vào khoảng từ năm 2005, 2006. Sau khi diễn đàn Phuot.vn ra đời tháng 8.2006, thì đã thu hút đông đảo các phượt thủ từ Bắc tới Nam, nhất là các bạn trẻ. Họ ưa phượt là bởi ngoài chi phí thấp, phương tiện sẵn có (Xe máy), dễ đi, chủ động về thời gian, điều kiện cá nhân và đặc biệt, phượt thỏa mãn tất cả nhu cầu đam mê chinh phục các con đường, các nơi thâm hang cùng cốc của phượt thủ.
Cùng với sự lên ngôi của trang mạng xã hội như Facebook, hàng loạt các “nhà” phượt, các nhóm phượt mọc lên rầm rộ, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia, nhất là sinh viên các trường đại học thuộc nội thành. Đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ mặc áo cờ đỏ sao vàng, quần rằn ri, mũ bảo hiểm và đuôi xe máy dán phản quang. Vào những ngày lễ, tết được nghỉ dài ngày thì không khí thật sôi động. Hầu như nhóm nào, hội nào cũng có cung chạy khắp nơi. Nếu bạn để ý thì những điểm mà các nhóm thường chọn làm nơi xuất phát (Ở Hà Nội) như: Cổng đô thị Ciputra (Chân cầu Thăng Long), cổng Đại học Quốc Gia (đường Xuân Thủy), Nhà Hát Lớn Hà Nội, bến xe Giáp Bát ….vv. Ý thức join đoàn của các phượt thủ cũng nâng cao rất nhiều. Nội quy chung của giới phượt là: Đi đến đâu dù là nơi nào thì khi ra về chỉ để lại dấu chân và những tấm ảnh kỷ niệm.

3. Các loại hình phượt chờ bạn khám phá
Hiện nay giới trẻ tham gia phong trào phượt khá phong phú. Các loại hình phượt được ưa thích như:
- Phượt dã ngoại: Loại hình phượt này thường ở giới sinh viên, học sinh. Những chuyến dã ngoại ngắn, thời gian ít, chủ yếu nhắm khám phá và thỏa mãn nhu cầu giải trí. Thường được tổ chức theo lớp, theo khoa hoặc trong 1 nhóm nhỏ.
- Phượt khám phá: Kiểu phượt này thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, những người ham mê khám phá vùng đất mới, tìm hiểu tập tục, con người, phong cảnh ở những vùng đất xa xôi
- Phượt treking: Đây là kiểu phượt tự khám phá, tự mình tìm hiểu, tự đi không cần người hướng dẫn hay người mang đồ (Guide, porter)
- Phượt trek và offroad: Đây là hình thức phượt leo núi và chạy xe đường khó. Trong giới phượt, hình thức này thường được coi là phượt hành xác vì nó thử thách lòng can đảm, sức chịu đựng và trình độ tay lái của phượt thủ.
- Phượt Từ thiện: Đây là hình thức kết hợp giữa việc đi phượt với hoạt động làm từ thiện. Hình thức này nhận được sự ủng hộ đông đảo phượt thủ tham gia.
- Phượt đêm: Loại hình này mới xuất hiện gần đây, đối tượng chủ yếu là thanh niên và sinh viên. Họ thường tụ tập tại một điểm nào đó trong nội thành và cùng chạy qua các con phố, ngắm đêm và thưởng thức các món ăn trên trục đường đi qua. Phượt đêm gồm cả đi xe máy, xe đạp và tản bộ.


4. CÁC THUẬT NGỮ THƯỜNG GẶP TRONG PHƯỢT BẰNG XE MÁY

- Cung: Là 1 hành trình từ lúc xuất phát đến đích và lúc về, cung thường do 1 leader lập ra, nhưng cũng có khi do 1 nhóm xây dựng lên.
- Leader: Người đứng đầu, chủ cung, lên kế hoạch và dẫn đoàn hoặc phân công người dẫn đoàn.
- Xế: Là người cầm lái, thường là Nam (Nhưng cũng có thể là nữ). Người cầm lái cũng thường là chủ phương tiện.
- Ôm: Là người ngồi sau, thường là nữ (Rất hiếm gặp xế là nữ mà ôm là nam, chỉ thấy xế nam đi với ôm nam)
- Chốt giữa: Là xe có nhiệm vụ dừng lại trước ngã ba, ngã tư để hướng dẫn đoàn đi đúng đường.
- Chốt cuối: Là xe đi cuối đoàn
- An ninh đoàn: Là xe luôn theo sát toàn đoàn, có nhiệm vụ nhắc nhở chấn chỉnh đoàn và báo cho leader về các tình hình như tốc độ, xe hỏng, các sự cố khác.
- Join: Nghĩa là theo, đi theo.
- Guide: Người dẫn đường, đọc là gai.
- Porter: Người gùi hàng, chở đồ.
- Trek: Leo núi
- Treking: Tự khám phá, leo núi theo đường chưa ai biết.
- Off: Hội họp, thường khi cung lập ra, leader phải lên lịch họp vào 1 thời gian nào đó trước khi xuất phát.
- Offroad: Đường khó, nguy hiểm
- Meber: nick của phượt thủ trên diễn đàn
- Admim: Người đứng đầu 1 nhóm hoặc diễn đàn, có quyền quản lý các thành viên trong nhóm hay diễn đàn
- Phượt thủ: Người đi phượt, du lịch
- Xe full: Xe đủ cả ôm và xế, xe chỉ có xế gọi là độc hành.
 
PHẦN 2: BA LÔ VÀ SỔ TAY

1. Những điều cần chuẩn bị trước khi đi:

a. Nghiên cứu cung đường:

Niềm đam mê chinh phục các cung đường luôn là sự háo hức của mỗi phượt thủ trước chuyến đi. Thông thường, mọi người rất hồi hộp, mườn tượng ra nhiều tình huống của chuyến đi ngày mai vì thế đại đa số hay mất ngủ và không chủ động chuẩn bị cho chuyến đi.
Vậy trước khi join theo một cung nào đó, nhất là các cung xa, có trek núi, chạy đường offroad (Đường khó), các bạn cần lưu ý và chuẩn bị những vấn đề sau đây:

Leader là người lập ra cung, họ đăng trên diễn đàn, trên nhóm kêu gọi mọi người tham gia. Vì vậy, bạn muốn một chuyến đi thú vị và trải nghiệm thì nên dành thời gian đọc kỹ xem nội dung trong cung có phù hợp với mình không, có khả năng tham gia không?
Nội dung và các điều kiện trong cung thường là:
- Tên cung (Ví dụ: Đêm rừng Phù Yên – Lửa khơi cảm xúc)
- Thời gian chạy cung (Ví dụ: Từ sáng thứ sáu 24.5 đến chủ nhật 26.5.2013) Đây là toàn bộ thời gian của cung kể từ lúc xuất phát cho đến khi kết thúc chuyến đi.
- Số lượng phượt thủ tham gia theo thiết kế của cung (Ví dụ:12 xe full nghĩa là toàn đoàn 24 người)
- Yêu cầu về xe: Không nhận xe ga (Các cung xa đổ đèo và offroad thường các leader chỉ nhận xe số)
- Nếu cung phải ngủ qua đêm, vậy hãy xem ngủ ở đâu, trong nhà nghỉ hay lán trại? Chỗ ngủ do leader sắp xếp hay do phượt thủ phải chủ động?
- Các điều kiện ăn uống, dừng nghỉ, thời gian chạy xe.
- Nếu cung có cả leo núi, băng rừng thì phải xem leo độ dài bao nhiêu, có phù hợp với sức của bạn không?
- Chi phí toàn bộ cho chuyến đi (Gồm tất cả các mục). Chú ý đọc kỹ phần này vì đó liên quan tới túi tiền của bạn, xem leader đưa ra mức chi phí đó có hợp lý hay không? Có phù hợp với điều kiện tài chính của bạn không?)

b. Đăng ký và join cung:

- Sau khi bạn đã nghiên cứu kỹ cung và đã được giải đáp hết các thắc mắc, cảm thấy cung phù hợp với điều kiện của mình thì phải đăng ký. Nếu chắc chắn, bạn ghi trên cung là đặt gạch cứng, nếu còn phân vân do dự thì ghi là dập dòm. Bạn phải ghi rõ mình đăng ký xế hay ôm, điều này giúp leader chủ động xếp xe cho bạn.
- Nếu bạn chắc chắn đi và đăng ký gạch cứng thì bạn phải tham gia đầy đủ các buổi off mà leader đưa ra. Trong các buổi off này, bạn có quyền đưa ra ý kiến của mình, có quyền ủng hộ hay phản đối nội dung trong cung mà bạn cho rằng chưa thỏa đáng. Thường thì trong các buổi off này, leader tạm thu của bạn 1 khoản tiền nhỏ để mua đồ chung đoàn và chuẩn bị cho cung.
- Bạn phải xem leader và thủ quỹ có đáng tin cậy không? Mức tạm thu có phù hợp không? Ví dụ toàn cung chi phí hết khoảng 500.000 thì tạm thu tối đa là 200.000
- Bạn cũng có quyền đưa ra các địa điểm ăn uống ngủ nghỉ nếu bạn cho rằng chỗ đó rẻ hơn với điểm mà leader đưa ra.

c. Chuẩn bị trước ngày khởi hành:

- Đồ ăn uống dọc đường gồm: Nước uống (Nên mang nước khoáng, có pha chút muối để giữ sức. Không nên mang rượu, bia và các thức uống có ga, cồn) nên mua một ít kẹo béo, các loại bánh ăn nhẹ.
- Áo và ủng nilon đi mưa. (Mang loại nilon không thấm), Chuẩn bị thêm một vài túi nilon lớn để bọc ba lô, túi.
- Bộ giáp bảo vệ khửu tay và đầu gối (Bộ giáp này rất hữu hiệu nếu không may xảy ra tai nạn)
- Giày trek núi (Nếu cung có leo núi)
- Khăn bịt mặt (Dân phượt thường dùng loại khăn rằn Nam bộ và khăn vuông dân tộc, loại này có bán ở Tú Lệ - Yên Bái)
- Găng tay, áo quần đủ ấm, nếu đi dài ngày thì mang theo 1 bộ nhưng phải làm sao cho hết sức gọn nhẹ.
- Các loại thuốc men: Cảm cúm, tiêu chảy, dầu gió, băng y tế cá nhân, thuốc chống say đèo, say xe, miếng lót giữ nhiệt ..vv…
- Phải ngủ cho đủ giấc, tránh mất ngủ. Không được dùng các thức uống có cồn.
- Bạn nên chủ động liên lạc với bạn đồng hành của bạn (Tức là xế nếu bạn là ôm). Sự chủ động này sẽ giúp rất nhiều cho bạn trong suốt hành trình.
- Nếu bạn là xế hãy kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng xế yêu của bạn, xem các vấn đề sau: Xăm lốp (nếu chạy đường dài, trời nóng thì chiếc xăm của bạn dù mới bị vá 1 miếng cũng phải thay mới vì trời nóng, miếng vá sẽ chảy nhựa gây tai nạn). Nhông xích căn chỉnh và tra dầu mỡ đầy đủ, nếu kiểm tra thấy dầu máy đã kém thì thay hộp nhớt mới. Ngoài ra còn kiểm tra đèn còi, sin-nhan, phanh, đồng hồ báo tốc độ, gương chiếu hậu… Tất cả tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thiếu nó, bạn sẽ thấy ngay hậu quả.
- Nếu bạn là ôm hãy chuẩn bị tâm lý thoải mái, thân thiện, vui vẻ. Tuyệt đối gây không khí căng thẳng, áp lực cho bạn đồng hành. Nếu biết xế của bạn hút thuốc lá thì hãy mua sẵn cho bạn ấy, vì lái xe đường dài, việc hút thuốc sẽ làm cho xế của bạn tỉnh táo, tay lái vững vàng hơn.
- Nếu cung của bạn có trek núi, bạn là ôm nên chuẩn bị 1 túi băng vệ sinh để khi trek, lót vào trong giày sẽ rất dễ chịu.
- Cả ôm và xế phải mang giấy tờ tùy thân đầy đủ, riêng xế nhất thiết phải có bằng lái xe và giấy tờ xe, phải có Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe đó (Leader sẽ kiểm tra)
- Đi xe máy nhớ cẩn thận chìa khóa xe, khi khóa xe để đi đâu đó chơi thì nên bỏ chìa vào ngăn nhỏ của balo đừng bỏ vô túi quần dễ bị rơi
- Đừng để chìa khóa trơn, nên móc thêm cái gì đó vào để dễ tìm khi bị rơi, nên đem thêm 1 chìa sơ cua
- Phải có ý thức tổ chức và kỷ luật đoàn. Đoàn kết, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ trong suốt chuyến đi.

Bonus: Ký sự chuẩn bị cho một chuyến đi xa
Lần đầu tiên tham gia vào đại gia đình Phượt, là một meb nữ, tôi không khỏi bồi hồi và lo lắng. Lúc quyết định đăng ký join cung, tôi suy nghĩ và phân vân rất nhiều, không biết hành trình của chuyến đi ra sao, liệu có an toàn không khi chuyến đi phải ngủ qua đêm, các bạn đồng hành toàn người chưa quen biết... Tất cả mọi thắc mắc đó đã được phần nào giải tỏa khi đến buổi off. Tôi thấy mọi người rất thân thiện, nhiệt tình mặc dù hầu hết các thành viên tham gia là lần đầu tiên gặp nhau. Tôi rất ấn tượng với anh leader (Trưởng cung), cũng nhờ anh động viên và giải đáp các thắc mắc mà tôi đã yên tâm, phấn chấn hồi hộp đợi đến ngày khởi hành.
Trước hôm xuất phát một ngày, tôi đã chuẩn bị rất nhiều. Nào là quần áo, vải mưa, thuốc men, găng tay, khẩu trang và cả đồ dùng của con gái. Tôi còn tìm mua được bộ đồ ốp đầu gối, khuỷu tay phòng nếu có té xe thì cũng đỡ được phần nào sát thương. Vì là sinh viên nên tôi không có nhiều tiền lắm, chỉ mang một ít phòng thân. Vẫn còn cảm thấy thiêu thiêu gì đó, tôi liền gọi điện cho anh leader, trình bày kể lể. Anh ấy cười bảo “Mang những gì gọn nhẹ và cần thiết thôi”. Tôi thấy cái gì cũng cần, mà nhét vào balo thì chặt cứng. Cũng may, tối hôm ấy chị bạn của tôi tới chơi, chị ấy cũng là một ôm “cứng”, quá quen với các cung đường phượt. Chị đã tư vấn ổn thỏa, chị bảo “Những đồ chung đoàn như đồ y tế, cờ, phản quang, dụng cụ sửa xe, lều bạt…anh trưởng cung đã lo và phân công cho các xế rồi, em chỉ cần mang đồ cá nhân của em thôi”. Mặc dù được căn dặn phải đi ngủ sớm để mai có sức khỏe và tỉnh táo, nhưng không hiểu sao tôi cứ thao thức trằn trọc mãi. Đêm ấy tôi chỉ chợp mắt được có mấy tiếng, thành thử sáng hôm sau thức dậy mắt cay xè.
Mới 5 giờ sáng đã thấy bạn xế của tôi gọi điện thoại dục, chỉ mươi phút sau anh ta đã có mặt trước cổng. Háo hức, hồi hộp vội chạy ra,chỉ loáng cái tôi đã ngồi ngay ngắn sau anh ấy. Lòng thầm mong một chuyến đi suôn sẻ, trải nghiệm và thú vị.
 
2. Kỹ năng tồn tại trên đường phượt

Đây là giai đoạn thú vị và gian nan đồng thời trải nghiệm nhất của chuyến đi. Do đó các bạn cần phải hết sức tuân thủ những nội quy, quy tắc sau đây:

a. Hãy là một xế thông minh
- Hãy bình tĩnh, thả lỏng tinh thần và lái xe cẩn thận. Trên đường đi, tuyệt đối không được uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác (trừ thuốc lá, cà phê, nước chè).
- Đến điểm tập kết đúng giờ, nhận cờ hiệu cột chặt vào tay gương bên phải, dán phản quang vào đuôi xe và sau mũ bảo hiểm.
- Mặc quần áo đủ rộng, đảm bảo sự thoải mái khi điều khiển phương tiện. Đội mũ bảo hiểm đúng cách và sử dụng loại mũ có chất lượng (Tuyệt đối đội loại mũ kém chất lượng chỉ để chống đối cảnh sát giao thông).
- Sử dụng giáp bảo vệ khửu tay và đầu gối, nếu mũ bảo hiểm của bạn không có kính chắn gió thì bắt buộc bạn phải đeo kính chống bụi, chống gió nhằm bảo vệ đôi mắt của bạn.
- Khi vào khúc cua, hay đường xấu, bạn phải hết sức cẩn thật, áp dụng cách thức lái xe an toàn (Cách thức này nhà sản xuất xe máy thường tặng kèm khi bạn mua xe mới). Tuyệt đối không được phóng nhanh, vượt ẩu. Đoàn đi nhanh, bạn cũng phải đi nhanh và ngược lại, thấy xe trước chạy chậm, bạn cũng phải điều khiển chậm lại. Tuyệt đối không được chạy trước leader, trường hợp do quán tính xe bạn vượt trước thì phải vượt thật nhanh, sau đó bạn giảm tốc độ để leader vượt lên.
- Tuyệt đối không được đi hàng ngang, đánh võng. Khi xe của bạn gặp sự cố, cần liên lạc ngay với xe an ninh đoàn hoặc xe chốt giữa để kịp thời báo cho leader điều chỉnh hành trình.
- Nên tạo không khí vui vẻ, tình cảm với ôm của mình.

b. Hãy là một ôm tinh tế

Người ngồi sau xe máy gọi là ôm, thường là nữ. Việc ngồi đúng cách, biết hài hòa với bạn đồng hành không phải bạn ôm mới tham gia phượt nào cũng làm được. Do đó các bạn ôm cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Cần giữ mối quan hệ tốt nhất với bạn đồng hành, nên nói chuyện, kể chuyện, hát hò cho xế nghe nhằm tránh buồn ngủ cho cả hai. Luôn có sự hỏi han, động viên, khích lệ xế khéo léo và kịp thời.
- Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, tới điểm xuất phát đúng giờ. Nhận miếng phản quang và dán lên sau mũ bảo hiểm. Không dùng mũ kém chất lượng, nếu mũ bảo hiểm không có kính chắn gió thì bạn phải đeo kính bảo vệ.
- Cần xác định, người đèo mình là 1 người bạn phượt chứ không phải anh xe ôm. Làm thế nào đó để cả hai đều có sự hứng thú, tạo ấn tượng tốt về nhau, và cả chuyến đi.
- Tuyệt đối không càu nhàu, chì chiết, so sánh trình độ tay lái của bạn đồng hành với xế khác. Không bám vào vai hoặc hai tay của xế, như thế rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn.
- Ngồi sao cho cân xe, tuyệt đối không được ngồi cách xa xế. Những đoạn đường cua, đường offroad phải ôm qua bụng xế và nghiêng người theo xế để tạo sự cân bằng cho xe. Vấn đề này tuy đơn giản nhưng không phải bạn ôm nào cũng thực hiện được vì ngại ngùng, sợ hiểu lầm… Nên nhớ rằng, bạn hãy ôm xế vì sự an toàn của cả hai.

2. Những quy định mọi phượt thủ đều “nằm lòng”

a. Khoảng cách và tốc độ:

- Về khoảng cách giữa các xe: Ở các đoạn đường lớn, khoảng cách giữa các xe khoảng 50m là vừa (vì tốc độ xe khi đó khoảng 50-60km/h) sẽ đảm bảo an toàn.
- Khi chạy đêm tối, tốc độ sẽ giảm và các xe có thể đi gần nhau hơn - khoảng 20m - tuy nhiên, lúc này xe trước và xe sau sẽ đi so le với nhau (như trên 2 đường thẳng song song, nhưng không cách quá xa. Tưởng tượng như vết chân các bạn để lại trên cát. Lợi ích của việc đi so le với nhau là các xe có thể soi đèn cho nhau, không bị khuất tầm nhìn, và nếu có xe nào rủi ro ngã thì xe sau không bị xô vào nhau. Trong trường hợp không áng chừng được khoảng cách là thế này. Mỗi xe đi làm sao để ít nhất nhìn được một xe đi sau và một xe đi trước mình. Đảm bảo mình đi đúng theo đội và thằng đằng sau cũng đi đúng theo mình.
- Khi trời tối nếu dừng lại yêu cầu các xế bật xi nhan xe để các xe nhận ra nhau, và để các phương tiện khác nhận biết xe
- Dọc đường đi, khi xe nào có vấn đề gì cần dừng khẩn cấp hoặc cần sự hỗ trợ của mọi người, các Ôm sẽ phải có trách nhiệm liên lạc với Ôm của leader hoặc xe nào gần ngay mình nhất. Chính vì thế các ôm lưu ý có số của tất cả các ôm khác trong máy điện thoại, để khỏi mất công moi giấy ra tìm số khi cần. Các xế cũng cần chỉ đạo các ôm quan sát xe đi trước đi sau trong đoàn, để đảm bảo mọi người luôn quan sát thấy nhau để có thể bảo vệ và đảm bảo an toàn cho nhau.
- Xế cẩn thận, chắc chắn và có tinh thần trách nhiệm với Ôm cũng như trách nhiệm với lịch trình của cả đoàn
- Đến chỗ rẽ, xe dẫn đầu sẽ dừng lại chờ đủ người rồi đi. Đề nghị mọi người dừng sau xe dẫn đầu theo thứ tự trước sau. Không dừng trước xe dẫn đầu, ko dồn cục quanh xe dẫn đầu gây cản trở giao thông và có thể gây nguy hiểm.
- Qua ngã ba ngã tư ko thấy xe dẫn đầu đứng chờ thì mặc định đi thẳng.


- Di chuyển an toàn trong đoàn
Khi di chuyển trên một hành trình dài, tất cả các thành viên trong đoàn cần phải tuân thủ các nội quy quy định của việc phượt bằng xe máy trên đường trường. Cụ thể:

Chốt và dẫn đoàn làm gì?

Leader phải phân công người dẫn đoàn và người chốt đoàn: về nguyên tắc, dẫn đoàn dẫn đường đi và điều phối tốc độ của đoàn (ví dụ: khi có đoạn giới hạn tốc độ tối đa) và tính toán khi nào cả đoàn nên dừng lại như khi đổ xăng, thay quần áo (mưa, rét, nóng), hay các việc khác. Còn chốt đoàn nhằm đảm bảo không ai bị rớt lại đoàn và đảm bảo đoàn đi với khoảng cách đồng đều. Khi có ai tụt lại, chốt đoàn phải tụt lại theo và cùng xe tụt lại đó đi nhanh hơn để bắt kịp đoàn. Chính vì vậy, Cần phân công 2 xe đi cuối thay nhau chốt và giám sát lẫn nhau.
- Xe dẫn đoàn thì đến chỗ rẽ thì dừng lại chờ anh em cùng rẽ. Trong trường hợp dừng trời tối, anh chị em dừng lại thì bật xi nhan phải để các xe khác còn nhìn thấy mà chọn lựa việc join đoàn (nếu là thành viên) hay né ra chỗ khác mà không cán phải chúng ta. Dẫn đoàn cần đặc biệt tinh tế trong việc cho anh chị em dừng, nghỉ; căn tầm xăng; chọn chỗ rộng, thoáng, cảnh đẹp. Ngoài ra phải chú ý đường, biển báo. Biển báo hạn chế tốc độ
- Chốt đoàn phải mang đồ nghề sửa xe, cứu thương và có hiểu biết cũng như khả năng xử lý và phản ứng nhanh với các sự cố hỏng hóc về xe cộ, sơ cứu
- Trên đường Phượt điều gì cũng có thể xảy ra, mỗi người chúng ta hãy luôn cẩn thận, ngoài sống vì đam mê của mình cũng cần sống vì người thân, có biết bao người mà niềm vui của họ chỉ đơn giản là thấy chúng ta luôn mạnh khỏe...Trước khi cơn say mạo hiểm đẩy chúng ta vào một hành động bất cẩn nào đó, hãy nghĩ đến những ai sẽ khóc nếu ta không trở về...
 
- An toàn khi vượt ôtô

- Không được vượt khi trước mặt là khúc cua khuất tầm nhìn, ta ko biết đằng trước có xe ngược chiều gì. Nếu cố vượt thì xác suất gặp tai nạn là cực kỳ cao. Chỉ được vượt bên trái, trừ khi đường có làn dành riêng cho xe máy.
- Bật xi nhan trái, nhá còi liên tục và di chuyển vào vùng gương chiếu hậu trái của ô tô. Chờ đến khi ô tô có dấu hiệu nhường đường mới được vượt, không thì tiếp tục chờ cho đến khi tài xế nhường đường.

- Cần đặc biệt kiên nhẫn và cẩn thận khi vượt xe siêu trường, xe container. Những loại xe này thân rất dài, khó vượt, hút gió mạnh, dễ bị đuôi xe quệt vào. Do vậy chỉ vượt khi đường đủ rộng và xe ô tô đã chắc chắn tỏ dấu hiệu nhường đường. Nếu loại xe này phóng nhanh thì chập nhận đi đằng sau.
- Nếu xe ngược chiều phóng nhanh tiến gần và lấn hết làn đường thì phải tấp ngay vào sát lề bên phải, thậm chí nếu cần có khi phải phi tạm xuống mương, ruộng để tránh.

- Lưu ý khi đi đường đèo dốc

- Không đi xe ga (Attila, SCR, LX, SH, PS, Nouvo, Mio, Click...), vừa hại xe vừa nguy hiểm khi lên dốc xuống dốc.
- Tùy độ dốc mà về số thích hợp: 3, 2, 1 (Ở ô tô người ta gọi là đồng tốc)
- Cách nhau tối thiểu 10m, nếu ko sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ, nhất là khi xuống dốc.
- Khi lên dốc, nếu vít ga ko thấy tăng tốc là do máy quá nóng. Phải dừng lại, nghỉ 15 phút chờ máy nguội. Tuyệt đối ko phun nước vào máy vì sẽ gây nứt.
- Các xe phổ thông, đời ko quá cũ thì phanh trước là đĩa, phanh sau là cơ (phanh đùm). Khi lên dốc, khói xe khét, phanh sau ko khét. Khi xuống dốc khói xe ko khét nhưng phanh sau khét. Đây là điều bình thường. Nếu cảm thấy mùi khét phát ra ở máy chứ ko phải ở đuôi xe (nơi có ống xả và phanh sau) thì phải dừng lại xem xét)
- Khi xuống dốc, đèo không được cắt côn để xe trôi tự do. Nếu cảm thấy xe trôi dốc quá nhanh cần bóp kết hợp hai phanh, đồng thời về số 3, thậm chí sô 2 để hãm bớt.
Những vấn đề cần cảnh giác trên đường phượt

+ Có thể là hàng trắng

- Trên đường phượt, khi di chuyển và ngủ nghỉ tại những nơi cửa khẩu, biên giới tuyệt đối không cầm bất cứ thứ gì từ tay người mình không quen biết. Ở nơi nhạy cảm này, sự vô tâm và thiếu hiểu biết đôi khi sẽ mang lại cho ta những rắc rối thậm chí đại họa như bị bắt giữ, tù tội.
- Những cây hoa mọc ven đường cũng không nên ngắt, nhổ vì rất có thể là do dân bản trồng làm thuốc hoặc đấy chính là cây thuốc phiện, cây anh túc. (Nếu họ phát hiện ra thì vô cùng phiền phức, vừa mất thời gian, vừa mất tiền bạc)

Bonus: Ký sự phượt

Khi chúng tôi hoàn thành chuyến săn mây Y Tý, cả đoàn tập trung đợi tàu ở ga Lào Cai để xuôi về Hà Nội thì có một thanh niên nhờ giữ hộ cái cặp. Cậu bạn tôi vừa định đưa tay ra đón lấy thì anh Leader vội ngăn lại và cương quyết từ chối. Sau đó cả đoàn về nơi xuất phát an toàn. Mọi việc không có gì đáng nói nếu như mấy hôm sau trên các trang báo điện tử có đăng tin công an Lào Cai bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy tại khu vực ga. Chưa thể nói là tay nhờ cầm hộ va ly kia có nằm trong vụ án này không, nhưng xét kỹ thì thấy xác suất khá cao. Vì vậy anh chị em đi chơi nhớ cảnh giác, không nhận gửi hàng hoặc gửi con từ người lạ. Lòng tốt không đúng chỗ dễ bị tai họa không đáng có.

Có một vấn đề mà ai lái xe ô tô nên tránh nhé:
- Ở cửa khẩu Cầu Treo cách đây mấy năm có vụ như này, mà 1 người đã dính đòn oan, nằm 3 tháng mới được thả: Ông này đi công tác từ Lào về, trưa ăn cơm ở quán gần cửa khẩu, đỗ xe ngay cạnh quán. Ăn xong ra xe chạy về Hà Nội... Đi cách Cầu Treo chừng 50km, tự dưng thấy công an ách lại. Một ông ngó nghiêng rồi chui sâu vào gầm xe cạy cạy lịch kịch một tý và lôi ra 1 bọc nhỏ. Trong đó là 1 bánh heroin và 1,2 kg thuốc phiện tươi. Không biết ai gói trong 1 cái bọc, gắn băng keo 1 mảnh nam châm to và dính vào gầm xe tự bao giờ. Ông ta bị bắt tại trận, nằm ở Vinh mất 3 tháng mới được minh oan. (Hóa ra là bọn buôn "hàng trắng" ở Lào về, làm cái trò này. Nếu thấy êm là chúng sẽ mặc áo Cảnh sát giao thông giả bộ chặn xe và bí mật lấy hàng ra).

+ Tôn trọng sự khác biệt văn hóa
Sau đây là một số vấn đề cần lưu ý khi chúng ta đến những vùng cao, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người dân bản rất thân thiện và cởi mở, nhưng nếu không hiểu tập tục của họ thì sẽ làm mất đi những cảm tình của dân bản dành cho bạn mà bạn rất muốn gần họ. Những kiến thức sau đây sẽ giúp bạn thỏa lòng trong chuyến đi cũng như tránh được rất nhiều rắc rối có thể xảy ra.
- Khi vào bản, làng, vào nhà dân, nếu trên đường có cắm "lá cây xanh" hoặc cắm "cọc dấu" thì không nên vào. Vì dân làng (hoặc chủ nhà) đang kiêng người lạ đến vì những lý do như nhà họ đang có tang, có người mới sinh con hoặc đơn giản vào đúng ngày lễ tết kiêng kỵ của họ.
- Khi đã đến với dân làng (hoặc trong nhà dân) cần lưu ý những điểm sau:

Ứng xử đối với thiên nhiên:
+ Không vào khu rừng kiêng, rừng cấm (Nếu không có biển chỉ dẫn thì phải hỏi trước khi vào)
+ Không làm mất vệ sinh nơi có nguồn nước sinh hoạt như vứt rác bừa bãi, phóng uế … (Cái này dân bản họ rất ghét)
+ Không chặt phá cây đã được dánh dấu. Không lấy măng, mộc nhĩ, tổ ong khi đã có người khác đánh dấu sở hữu. Không bẻ mầm non đang mọc

Ứng đối với cộng đồng:
+ Khi vào nhà không được đi thẳng một mạch từ ( cầu thang lên nhà) đầu nhà vào bếp trong ( thường có 2 bếp, 1 bếp ngoài dành cho khách). Tốt nhất đi theo sự chỉ dẫn và đi sau chủ nhà.
+ Không ngồi vào cửa móng ( cửa sổ gian tiếp khách)
+ Không ngồi ngay vào đệm ngồi khi chủ nhà chưa mời ( thường dành cho bề trên và khách quý)
+ Không ngồi dạng chân (mất lịch sự)

Khi ngồi cạnh bếp lửa:
+ Không được dùng chân đẩy củi vào bếp
+ Không được đút ngược ngọn tre, luồng, cây củi và bếp (quan niệm đẻ ngược) Vấn đề này dưới xuôi một số vùng cũng quan niệm như vậy.
+ Không nướng cơm, hoặc xôi vì quan niệm mất mùa

Khi đi ngủ:
+ Không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà ( chỉ người chết mới được nằmn như vậy). Không được ngủ dưới bàn thờ
+ Không nên mắc màn trắng vì lộ liễu
+ Không ngủ dậy quá muộn, dậy muộn khi trong nhà không còn ai thì thật không nên.

Khi tiếp xúc với dân:
+ Cần tránh gọi các từ khiếm nhã như Mèo, Mán (Nên gọi là đồng bào Mông, Dao). Gặp phụ nữ đứng tuổi nên gọi là mế hoặc bủ.
+ Không nên nói quá to với cử chỉ gay gắt
+ Tuyệt đối không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt không xoa đầu trẻ em đồng bào Mông (vì sợ mất vía)

- Khi ngồi ăn cơm cần chú ý:
+ Không ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm (nếu chủ nhà không mời). Tránh ngồi trước và quay lưng vào bàn thờ
+ Không gắp đầu gà chân gà, gan gà trước khi chủ nhà mời ( thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng kiến lòng thành của chủ nhà)
+ Khi ăn không nên vừa ăn vừa nói quá to. Nếu chủ nhà gắp mời thứ gì thì cố ăn vì quan niệm của họ là có quý thì mới mời, khách từ chối đồng nghĩa với việc phụ tình cảm và khiến họ phật ý.
 
Bonus: Ký sự phượt
Chuyến đi Hoàng Su Phì năm 2009 của nhóm phượt chúng tôi quả là một kỷ niệm, nói đúng hơn là một bài học đắt giá đáng nhớ. Khi vượt qua một chặng đường đèo quanh co cực kỳ nguy hiểm tới đỉnh, cả đoàn dừng lại nghỉ. Tại đây rất tình cờ, một thành viên trong đoàn nhận ra một trai bản đã quen từ cung trước. Anh thanh niên này rất hồ hởi, mời tất cả 12 người trong đoàn về nhà anh ta cách đỉnh đèo không xa. Không khí thật là vui, anh ta mang mấy thứ hoa quả nhà trồng được ra mời. Đoàn chúng tôi có gì cũng bày ra, mấy cô bạn ôm còn bế đứa bé và nựng với chúng, cho kẹo, cho tiền.
Đang ăn, cậu Huy choắt đứng dậy tiến về phía bờ rào, nơi có tấm chăn rách tả tơi đưa tay lau nấy lau để. Thấy vậy một số bạn khác cũng định tới, đột nhiên tay trai bản biến sắc và thay đổi thái độ, anh ta đứng dậy quát rất to:
- À người kinh chúng mày khinh dân bản tao nghèo à, mày có biết đấy là cái chăn tao phơi để tối cả nhà tao đắp không?
Nói xong, anh ta vớ ngay lấy con dao rừng định chém. Sau phút sững sờ, cả đoàn xúm lại xin lỗi, phân bua. May thay anh bạn quen biết với tay trai bản kia khéo ăn nói, nên cuối cùng chuyện cũng được thu xếp. Chỉ khổ đoàn phải cắt cử 4 thành viên vác chăn xuống tít thung lũng để giặt. Lúc chia tay, anh leader còn phải tặng chủ nhà 1 cái đèn pin, 1 đôi giày bộ đội làm hòa. Người vùng cao rất thẳng tính, giàu tình cảm nhưng cũng dễ bị tổn thương. Trước khi làm gì đó cần cân nhắc kỹ, không biết phải hỏi, muốn sử dụng phải xin phép, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Câu chuyện trên chính là một ví dụ điển hình để chứng minh.
Thêm một số bài học cho các phượt thủ:
Dưới đây là lời cảnh báo của một số phượt thủ join cung Hà Giang:

Cảnh báo tại khu vực bia ghi công những Thanh niên xung phong cống hiến cho công trường đường Hạnh Phúc

Mỗi lần qua đèo Mã Pí Lèng phần lớn mọi người đều dừng chân tại địa điểm này để ngắm nhìn dòng Nho Quế, cảnh núi non hùng vĩ, con đường như dải lụa vắt qua núi ... với cảm xúc thật tuyệt vời, đấy cũng là thời điểm thăng hoa nhưng có lẽ dễ thăng thiên nhất với tình trạng xuống cấp của dãy lan can tại đài vọng cảnh này. (Nếu ngã xuống thì không có cơ hội sống sót)
Sau 30 phút ngồi tại đây gặp 2 nhóm thanh niên khoảng 9-10 người từ miền xuôi lên thăm bạn, tất cả đều dừng lại và đều dựa lưng vào lan can ngắm núi. Cá biệt 1 thanh niên trong nhóm điện lực sau khi dừng xe đã nhảy thẳng lên lan can này, dang 2 tay định chạy dọc ... Bị nhắc nhở, anh ta đã xem lại tình trạng hiện tại của lan can này và xanh mặt đứng lặng không nói được gì

Những chuyện nên biết ở bản Lô Lô Chải

Bản Lô Lô Chải ở ngay cạnh cột cờ Lũng Cú. Ở bản này đã có hiện tượng rủ rê mời khách vào nhà chơi để đòi tiền, ngoài ra chụp ảnh cái gì (như vườn cải hay trang phục dân tộc, ...) cũng bị đòi tiền. Đặc biệt là do sơ suất bọn mình bị bọn trẻ con ở đó rút mất chìa khóa xe, phải phá khóa mất nửa buổi chiều. Kể chuyện lại với bạn bè thì cũng được biết có 2 bạn đã từng bị mất mũ bảo hiểm để trên xe tại đây (2 bạn đi 2 đợt khác nhau).

3. Đích đến và thử thách
- Nhận diện và tránh xa một số loài độc hại.
Ở đây tôi chỉ lưu ý các bạn mây loại độc hại thường gặp khi đi phượt là rắn, vắt và chó. Mỗi chuyến đi thông thường hiện nay các đoàn phượt đều có phương án là ăn uống ngủ nghỉ đặt trước, trừ cung trek rừng, khám phá hang động mới phải ngủ lại rừng. Nhưng dù thế nào thì các bạn cũng phải hết sức lưu tâm tới hai loài vật thường thấy này để phòng tránh.

Cách đề phòng rắn cắn

1. Không nên đi trên đống lá cây mục. Không ngồi trong bụi rậm, bụi tre hay cạnh gốc cây, gò mối hoặc nơi có nhiều hang chuột, vì đó là những chỗ thường có rắn độc trú ẩn. Ban đêm, không dùng bàn tay trần quơ cành cây, cỏ khô, rơm khô hoặc lật tảng đá, thân cây đổ hay ném cây vào bụi rậm. Vì đây là nơi rắn trú ẩn săn mồi, nó rất hung dữ sẽ dễ bị rắn cắn.
2. Nọc độc của rắn chết vẫn còn gây nguy hiểm, vì vậy không được sờ vào miệng rắn, đầu rắn, nhất là khi tay chân bị xây xát.
3. Ðêm tối đi phải có đèn và không đi chân trần, nhất là ở nông thôn, vùng rùng núi. Và điều nữa là tuyệt đối không trêu chọc rắn

Tham khảo các sơ cứu của khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai:

Nhận biết sơ đẳng về vết răng rắn cắn:


- Động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng.
- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

Kỹ thuật băng ép bất động:

* Dùng băng rộng khoảng 10 cm, nếu có điều kiện dài ít nhất khoảng 4,5 m. Có thể băng chun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.
* Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập).
* Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
* Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay với nẹp.
* Với vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay:

+ Băng ép bàn tay, cẳng tay.
+ Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay.
+ Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân.

* Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sỹ là người quyết định tháo băng ép hay không).
* Vết cắn ở thân mình: ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.
* Vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ: không băng gì hết, khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Lưu ý:

1. KHÔNG sử dụng các biện pháp như garô, rạch, hút nọc hay đắp lá, chườm đá, bôi mayonnaise, vắt chanh, rắc hạt tiêu... vì có thể làm nhiễm trùng, hoại tử vết thương.

2. Nước mình chỉ có vài loại rắn độc đặc trưng thôi, cạp nong cạp nia (đen vàng hoặc đen trắng), hổ mang hổ trâu (mặt bạnh ra, phun phì phì), lục (xanh rợn chân trời)... Mấy con này nhìn qua là thấy nổi da gà rồi, các bạn cố nhớ cái mặt nó thì tốt, để mô tả lại cho bác sĩ, bác sĩ còn chọn loại huyết thanh chống độc phù hợp.
 
Chú ý khi đối mặt với chó

- Nếu trên đường ta đi có chướng ngại vật là chó đang sủa, thì phải làm gì?
- Trong trường hợp vài con không sủa, cứ đứng nhìn mình thì nên làm gì?
- Đi tiếp và nó bắt đầu sủa thì thế nào?
- Có câu chó sủa là chó không cắn có đúng không?
Tất cả những vấn đề nêu trên, trên đường phượt nếu chúng ta gặp phải thì sẽ xử lý ra sao. Ở đây tôi xin tổng hợp một số ý kiến như sau:

1. Cứ tự nhiên lừ lừ mà tiến. Tiến đến gần nó khắc lùi lại. Tất nhiên là tiến nhưng phải dè chừng, nó xồ đến thì phải ... tung chân đá ngay. Trong trường hợp đi xe máy thì cứ thẳng đường mà chạy. Nên nhớ là lũ chó khá khôn, chỉ cần người có thái độ sợ sệt đi ne né là nó bắt nạt liền.

2. Gặp chó dữ thì lập tức ngồi xuống. Yên tâm là chó thấy người ngồi xuống thì lập tức dè chừng. Vớ được hòn đá choảng luôn đảm bảo lũ chó cong đuôi chạy ra xa rồi ... sủa tiếp.

3. Thủ theo cây gậy.

Trong tất cả mọi trường hợp, tuyệt đối gặp chó không được quay đầu chạy (bộ). Hành động bỏ chạy sẽ kích thích bản năng săn mồi của lũ chó khiến chúng ào lên đuổi theo. Luôn nhớ chiêu ngồi thụp xuống, trong trường hợp nguy hiểm thì lấy tay che đầu/ mặt và thu người gọn lại.

Chú ý là chỉ áp dụng với chó ta không áp dụng cho chó tây (đã được huấn luyện) hoặc chó bị bệnh dại.

4. Nếu có thể, cố gắng đừng kích động nó kể cả bằng hành động ngồi thụp xuống vác gạch đá choảng lại nó. Chắc chắn nó sẽ bỏ chạy ra xa khi mình ngồi xuống nhưng sẽ sủa dai dẳng hơn nhiều. Và nhất là khi mình bắt đầu di chuyển là nó đuổi theo bụp. Chó của dân tộc Mèo thì rất to, ném đá thì nó lùi lại, lên xe thì nó đuổi.

3. Trường hợp con chó cứ đứng nhìn, không sủa thì bạn nên để ý mắt nó. Chó cũng có tình cảm và biểu cảm cả. Nếu con đó mắt đen thui sâu thẳm, nhìn vào chả có cảm tình gì mà đuôi lại cúp xuống thì nên coi chừng, việc mình mình cứ làm nhưng đừng bao giờ quay lưng lại nó quá lâu. Thứ này rất hay cắn lén. Còn con chó nhìn mắt ướt hay hơi nâu nhạt, mặt có vẻ như ngạc nhiên khi thấy mình thì có thể nó đang bị kích thích bởi 1 số khối màu lạ (vd như quần áo bơi, đồ vật có màu sắc sặc sỡ...) thì kệ nó. Con này chắc chắn sẽ quan sát lâu, nhưng chắc chắn 1 điều là nó sẽ chả làm gì mình.

Vắt

Họ phượt nhà ta đi đâu đều có phương tiện, ít ai phải lội bộ, luồn rừng. Nhưng cũng nên chú ý nếu có phải phượt một đoạn rừng nào nhiều vắt thì phòng tránh:

Vắt rừng có hai loại chính: Vắt đất và vắt xanh

+ Vắt đất - Màu nâu, đen sống trên thảm rừng, vách đá...Nói chung loại này chỉ cắn từ đùi trở xuống và không độc. Nếu bị cắn cũng không vấn đề gì nhiều, hết chảy máu là khỏi, không để lại di chứng gì
+ Vắt xanh - Màu xanh lè, sống ở trên các cành cây và lá hay vách đá nên khó nhận ra. Nếu đi qua là nó "nhảy" lên người, cái giống này nó cắn từ thắt lưng trở lên nên chả cái quần áo nào chống được nhé. Sau khi luồn vào người, nó cắn rất êm, không phát hiện được. Đến khi no, nó mới buông. Lúc đó rất nguy hiểm.
Tại sao vậy? Là vì vết cắn rất lâu cầm máu và rất lâu lành. Sau đó để lại sẹo thâm. Có người ba bốn tháng sau, vết cắn còn phát ngứa, gãi thì vỡ ra và chảy máu, rất độc.

Cách phòng tránh:
- Đối với vắt đất: Chỉ cần có tất chống vắt, ủng ni nông, buộc chặt là được
- Đối với vắt xanh: Mang theo mấy lọ DEP, nếu tới khu vực nào nghi có vắt thì bôi lên da và vẩy lên quần áo, đầu tóc.
(Phần tiếp theo em vẫn đang viết các bác ợ)
 
" - Phượt treking: Đây là kiểu phượt tự khám phá, tự mình tìm hiểu, tự đi không cần người hướng dẫn hay người mang đồ (Guide, porter) "
Về điều này mình nghĩ thớt nên đính chính lại cho chính xác nhé :) Trek ( trekking ) là việc đi những đoạn đường khó ( hành xác ) và hoàn toàn bằng chân, còn việc người hướng dẫn ( Guide ) và người mang đồ ( Porter ) thì tùy vào mức độ khó mà cần hay ko chứ ko có nghĩa đi trek là ko cần họ đâu. :D
Đôi lời chia sẻ với thớt thôi ^^
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,144
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top