What's new

[Tổng hợp] Chùa đất Việt

Trên đây là 18 pho tượng Tổ kế đăng Thiền tông chùa Tây Phương, là những tác phẩm kinh điển hàng đầu của nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Cùng với pho Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp, bộ tượng này được gọi là "Tập đại thành của điêu khắc Việt Nam".

Quả thật, bộ tượng hàm chứa những nhân sinh quan của các nghệ nhân cách đây hai trăm năm một cách sinh động, đầy sức sống. Nếu như thời Lê, các pho tượng La hán chỉ mang tính hình tượng ước lệ sơ sài, các vị la hán được tạo tác với khuôn mặt, hình thể đơn điệu giống nhau, không mang chiều sâu, thì bộ tượng này có những chiều tâm thức rất rõ nét. Vui, buồn, đau khổ, vui sướng, hoang mang, suy ngẫm, dằn vặt, thỏa mãn,... đều được thể hiện đầy đủ.

Bộ tượng Tổ này là sớm nhất, đồng thời là đẹp nhất. Chính vì thế về sau các chùa theo Thiền tông đã bắt chước phong cách này, tạo tác các hình ảnh tương tự để thờ trong chùa. Chẳng hạn trong nhà tổ chùa Quán Sứ có vẽ lại các tượng này, hai dãy hành lang chùa Côn Sơn cũng treo tranh vẽ các tượng này, hay chùa Thổ Hà còn làm bắt chước với kích thước nhỏ hơn để thờ hai bên hành lang.

Như thế, từ những bức tượng mang tính riêng biệt, riêng có tại chùa Tây Phương, hình ảnh này đã được chấp nhận như là chuẩn mực, khuôn mẫu của các tượng Tổ kế đăng,

Nếu ai đã có công đi thăm các ngôi chùa miền Bắc, đừng quên đến với chùa Tây Phương, để thăm những tuyệt tác của cha ông để lại.
 
thank bác Chitto nhiều vì topic rất hay và chất lượng

em có 1 câu hỏi thắc mắc

bấy lâu nay giang hồ vẫn đánh giá các mái đầu đao của Tây Phương chùa là đẹp nhất trong các ngôi chùa miền Bắc, là điển hình nhất cho nghệ thuật tạo hình cái mái đao chùa

em đi chùa cũng hay ngắm nghía, săm soi các mái đao

nhưng quả thực em chửa rút ra được sự khác biệt nhiều lắm, cũng như chưa phân biệt được thế nào là đẹp theo kiểu giang hồ đánh gía cả ( em mà thích cái nào thì em bẩo cái ấy đẹp dù giang hồ có bảo đeck đẹp em cũng mặc kệ )

vậy em xin hỏi bác là có cách phân chia, hay kiểu kiến trúc tạo hình hay phong cách nào cho các mái đầu đao không vì em thấy mỗi chùa có kiểu mái đao khác nhau, mà tài liệu nói về cái mái đao này thì ít quá

nói cách khác là em đề nghị bác làm vài đường cơ bản về mái đầu đao ạ

em nghĩ là chắc nó cũng có nhiều điều đáng nói

em xin show 1 cái mái đao của chùa Võng Thị - Tây Hồ

IMG_6279.jpg
 
em đi chùa cũng hay ngắm nghía, săm soi các mái đao

nhưng quả thực em chửa rút ra được sự khác biệt nhiều lắm, ... vì em thấy mỗi chùa có kiểu mái đao khác nhau, mà tài liệu nói về cái mái đao này thì ít quá

nói cách khác là em đề nghị bác làm vài đường cơ bản về mái đầu đao ạ

em xin show 1 cái mái đao của chùa Võng Thị - Tây Hồ

Bạn nói là không rút được sự khác biệt nhiều lắm, nhưng lại bảo là mỗi chùa có kiiểu mái đao khác nhau, tức là phân biệt các kiểu rõ ràng thế rồi còn gì?

Tôi nghĩ không nên đem mấy cái mái đao của các công trình mới làm để so sánh đánh giá làm gì, mà nên đánh giá qua các công trình cổ. Các mái đao cổ được tạo hình từ gỗ, với hệ thống các vì kèo, bờ nóc, đấu... gỗ, còn mái ngói mới làm cốt bêtông, khác nhau bản chất nên không so sánh đẹp xấu được (chùa Võng Thị mới làm có mấy năm gần đây bằng bê tông)

Những công trình mới làm gần đây, thì một là làm gần như bắt chước hoàn toàn công trình cổ, mà cụ thể là bắt chước đầu mái chùa Tây Phương, đầu mái chùa Một Cột....; hai là làm theo kiểu tự sáng tác.

Cái đầu mái chùa Võng Thị mang tính tự sáng tác, rõ nhất là cái họa tiết đầu mái cong vòng ngược ra ngoài. Những đầu mái đao cổ bao giờ cũng cong vòng vào trong, hướng về phía đỉnh mái, tạo thành một thế đóng thống nhất, không có kiểu thò ngược ra. Kiểu thò ngược này giống kiểu mái chùa Thái Lan, Campuchia. Người thợ làm mái chùa Võng Thị "sáng tạo" ra kiểu này bằng cách làm sẵn các đầu mái bằng xi măng rồi gắn lên. Không chỉ thế, còn có quá nhiều chi tiết rườm rà lỉnh kỉnh, không làm cho mái đao đẹp lên mà làm cho nó nát vụn, không rõ về đường nét. (đó là nhận xét của riêng tớ)

Cá nhân tớ không thích các "sáng tạo" kiểu ấy.
 
Last edited:
Tớ không phải học về kiến trúc, nên không thể nói rõ được, chỉ là cảm nhận thông thường thôi.

Dưới đây là một bộ mái cổ của gác chuông chùa Trăm Gian, tuổi đời 300 năm. Mái đao cong được tạo thành do các xà đấu gỗ, lợp ngói mũi hài (vẩy cá). Bộ mái đẹp hai tầng tám mái được tạo hình khá duyên dáng, cong đều ở bốn góc. Nhìn một tấm mái riêng thì có hình lưỡi rìu, trên thẳng, dưới cong.

Một điều có thể nhận thấy rõ là tầng mái dưới có độ cong vừa phải, trong khi mái trên cong hơn hẳn. Điều này là do gác chuông có độ cao, nên bộ mái cân đối và đẹp hơn hẳn so với khi độ cong hai tầng như nhau. Đầu mũi đao khá đơn giản, chỉ là một cuộn mây nhỏ.

Mái ngói mũi hài giúp cho việc tạo độ cong dễ hơn ngói ống. Vì ngói nhỏ nên có thể xếp theo độ cong bao nhiêu cũng được.


picture.php
 
Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy. Độ cong ấy làm cho đầu mái cong ngược hẳn lên trên cả gốc mái, bờ nóc vút lên trên.

Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).

Chính độ cong, và đầu rồng nhỏ ở mỗi mũi đao tạo thành nét độc đáo riêng cho chùa Tây Phương. Chỉ là một đầu rồng, chứ không phải con rồng. Nếu cầu kì thì đắp nguyên 1 con rồng, đơn giản thì chỉ một gợn mây. Nhưng việc chia làm 3 chi tiết từ ngoài vào trong, làm độ cong của mái thống nhất với phương vị hướng nội, và hướng thiên.

Trên mỗi gờ nóc lại có một con lân đứng quay ra ngay ở gốc mái. Nếu theo truyền thống TQ thì đó là con Trào phong, cũng là một trong 9 con của rồng. Và trên đỉnh mỗi nóc có 2 con Si vẫn quay vào giữa, gắn với một hình mây cuộn, mà có thể coi là rồng cuộn cũng được.

Tổng cộng chùa Tây Phương có 24 đầu mái đao như vậy, tạo thành một thể thống nhất, như muốn nâng cả mái chùa bay lên.

Gần đây, nhiều chùa xây mới hoặc trùng tu cũng bắt chước bộ mái đao này, nên nó không còn là "độc quyền" của chùa Tây Phương nữa. Những bộ mái sau không giá trị bằng bộ gốc là tất nhiên.

picture.php
 
Last edited:
Hô hô, mỗi người một sở thích, Thiếu hiệp đầu đã to thế rồi, chả cần phải thêm cái gì nữa. Tiếp về cái mái nè.

Kiến trúc đình, đền, chùa.... miền Bắc không thể thiếu cái mái đầu đao cong vút. Những người thợ đã tính toán cẩn thận, kì công để có thể làm những bộ mái có độ cong mềm mại duyên dáng. Từ những bộ mái đồ sộ nặng nề như mái đình Đình Bảng, đình Tây Đằng đến những mái nhỏ ở gác chuông... đều cong lên với tạo hình đẹp. Mặt mái vì thế cũng thành một mặt cong chứ không phải mặt phẳng. Cùng với nét cong mái đình chùa, kiến trúc chữ đinh, chữ công là nét đặc trưng rất rõ ràng không thể nhầm lẫn với kiến trúc nhà ở thông thường của miền bắc.

Nhưng từ khi triều Nguyễn lập quốc, dựng đô ở Huế, thì kiến trúc mái cong này biến mất ở Huế. Đã quen với những mái chùa cong, lần đầu vào Huế tôi nhận thấy ngay sự khác biệt ở đây. Tất cả các mái ngói ở đây đều thẳng tắp, thẳng đuột. Những hình thang chằn chặn. Từ mái hoàng cung, mái cổng, mái chùa, mái nhà cổ, mái cầu ngói Thanh Toàn... đều chỉ là những hình học cơ bản, vuông thành ngay ngắn.

Mặc dù trên mái, người ta đã cố đắp lên những hình rồng cuốn rất lớn, cũng cố tạo thành đường cong trên mép mái cầu kì. Thế nhưng vì chính bản thân mái đã thẳng, mặt mái là một mặt phẳng hoàn toàn, nên các hình trang trí cong lên ở góc nhiều lúc trông khập khiễng.

Rõ ràng tạo hình mái thẳng hoàn toàn dễ hơn rất nhiều so với bộ mái cong với các đầu đao vút bay lên như ở chùa Tây Phương.
 
Bộ mái hai tầng thẳng tắp của Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế. Ngọ Môn của Huế cũng có kiểu mái giống thế này, thẳng đuột, chỉ khác là dùng ngói ống chứ không phải ngói bản.

picture.php

Tại Huế, kiến trúc chùa cũng giống kiến trúc cung điện, là những tòa nhà ngang liền với nhau lợp mái, không tạo hình chiều sâu chữ công, chữ đinh. Và các bộ mái cũng là mái thẳng hoàn toàn.

Từ xa mà nhìn, thì tạo hình mặt tiền của chùa Thiên Mụ dưới đây cũng giống y hệt điện Thái Hòa, giống như các tòa nhà rộng, không có gì khác biệt. Kiến trúc và kiểu mái thẳng tắp giống nhau, với tôi, tạo cảm giác đơn giản, gần gũi không xa hoa. Thế nhưng cũng lại nhàm và nhạt khi nhìn nhiều, không có sự thanh thoát, duyên dáng như các mái chùa cong.


picture.php
 
Last edited:
em vô phép chen ngang hỏi bác chitto: em đọc tài liệu của bác ( cụ thể là ở trang 6 topic này, đọan nói về 2 ông Thiện và Ác ) em thấy bác nói 2 ông này và các vị Kim Cương là 2 hàng ngũ khác nhau, Thiện và Ác tuy cũng là Hộ pháp nhưng không phải là Kim Cương...

thế nhưng em đọc 1 số tài liệu trên mạng thì lại nói khác, cụ thể có nhiều tài liệu nói 2 ngài Thiện và Ác này cũng là 1 trong số các vị Kim Cương

thế nào thì đúng hở bác. Thiện và Ác có phải là Kim Cương không ?
 
thế nhưng em đọc 1 số tài liệu trên mạng thì lại nói khác, cụ thể có nhiều tài liệu nói 2 ngài Thiện và Ác này cũng là 1 trong số các vị Kim Cương

thế nào thì đúng hở bác. Thiện và Ác có phải là Kim Cương không ?

Tôi nghĩ đó là tùy quan niệm của người viết. Trước hết là về các vị Kim Cương, thì có nguồn gốc ở Ấn Độ, mà bắt đầu là từ loại pháp khí Kim Cương chử (Vajra), có hình tượng một loại vũ khí thiêng liêng. Những vị cầm Kim Cương chử để bảo hộ Phật được gọi là các vị Kim Cương. Trong kinh điển Ấn Độ nguyên thủy, theo tôi biết thì cũng không khẳng định có chính xác bao nhiêu vị Kim Cương cả.

Trong dòng chảy của mình, các vị Kim Cương hội nhập và dung hòa nhiều ý tưởng khác nhau. Có trường hợp coi các vị Kim Cương là hóa thân của các Bồ tát, có trường hợp coi các Kim Cương chưa phải là Bồ tát. Rồi có dòng thì đặt ra là có 8 vị Kim Cương (Bát bộ Kim Cương); trong khi có trường phái lại không đồng ý và cho rằng có nhiều hơn thế.

Kể cả khi chấp nhận có 8 vị Kim Cương, thì tên của các vị cũng không thống nhất, bởi mỗi trường phái có niềm tin và cách đặt riêng của mình. Trải qua dòng chảy thời gian, sự biến đổi, thêm và bớt xảy ra nhiều, đưa đến những hình tượng khác nhau trong chùa.

Theo tôi, hình tượng hai vị Hộ Pháp trong chùa là biến thể từ hai ông Môn Thần của Trung Quốc. Hai ông môn thần Thần Đồ và Uất Lũy đã có từ trước khi Phật giáo vào TQ, với hình dáng uy mãnh dữ tợn, canh giữ cửa của các công trình kiến trúc lớn. Khi Phật giáo vào TQ, thì hai Môn thần được chuyển thể dần thành hai Hộ Pháp.

Vậy thì hai ông Hộ Pháp có phải là Kim Cương hay không. Tôi nghĩ bảo là "có" cũng được mà "không" cũng được, còn tùy vào quan niệm. Chẳng hạn nếu cho rằng chỉ có 8 vị Kim Cương thôi, và phải đủ Bát bộ Kim Cương, thì Hộ Pháp không phải là Kim Cương. Còn nếu cho rằng có rất nhiều Kim Cương, thì có thể xếp Hộ Pháp vào hàng ngũ các Kim Cương.

Tại TQ, Tây Tạng, Nhật Bản, các Kim Cương còn được hóa thân và nâng cấp hơn nữa thành các vị Minh Vương (Vidyarajas) hay các vị Đại Tôn trông rất dữ tợn. Tại TQ, các vị Minh Vương đã dần biến mất, nhưng lại rất phát triển ở Nhật và Tây Tạng. Và người ta cũng đặt ra nhiều truyền thuyết thêm thắt để mô tả các vị Minh Vương này.

Tương tự thế, ở Việt Nam các vị Môn thần Hộ Pháp được gán với hai chữ Thiện - Ác một cách cụ thể, và làm mặt ông Thiện hiền từ hơn mặt ông Ác; chứ còn ở TQ, thì hai Hộ Pháp này mặt mũi dữ tợn như nhau, trông rất chi là ác quỷ.
 
Last edited:
Nếu đúng theo nguyên nghĩa, thì các vị Kim Cương phải cầm kim cương chử. Tuy vậy các tượng Kim Cương ở VN hiện nay đều cầm các binh khí khác: gươm, chùy, gậy, búa, đao,... chứ không cầm kim cương chử.

Hơn nữa, vào trong chùa (miền Bắc) thì tạo hình Bát bộ Kim Cương và tạo hình Hộ Pháp khác nhau rất nhiều:
- Tượng Hộ Pháp to hơn hẳn tượng Kim Cương
- Tượng Hộ Pháp ngồi lên một con thần thú, còn tượng Kim Cương đứng

Do đó, tôi theo quan điểm cho rằng trong tạo hình tại chùa, thì nghệ nhân xưa phân biệt Kim Cương và Hộ Pháp là khác nhau, cho nên tôi cũng cho rằng tượng Hộ pháp không phải là các vị Kim Cương.

Có chùa chỉ có Hộ Pháp mà không có Kim Cương, có chùa chỉ có Kim Cương mà không có Hộ Pháp, có chùa có cả hai.

(Tôi có vào site sinhvienluathn thì hình như Zanghoang có nhầm lẫn: ở chùa Tây Phương không có tượng Hộ Pháp ông Thiện ông Ác, chỉ có tượng Kim Cương thôi).
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,191
Bài viết
1,150,454
Members
189,949
Latest member
lifecarenutritions
Back
Top