What's new

[CK] Qua miền Bắc Ấn

Bạn có bình chọn cho bài Chung khảo của Phương Hoàng không?

  • Votes: 51 98.1%
  • Không

    Votes: 1 1.9%

  • Total voters
    52
+ Nick thành viên: Phương Hoàng
+ Địa chỉ email: [email protected]
+ Số điện thoại: 0909 bốn mươi 99 tám mươi
+ Tên bài dự thi: "Qua miền Bắc Ấn"

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Vạn sự tùy duyên vậy!

Tui chưa bao giờ nghĩ là có một ngày mình đặt chân lên đất Ấn.

Tại sao hả?

Vì tui sợ!!!

Tui sợ nhiều thứ lắm. Tui sợ đi xa, sợ những chuyến bay trên cao, sợ nhớ nhà, sợ nguy hiểm dọc đường, sợ bạo động, sợ cướp bóc, sợ...tiêu chảy(nhiều người đi Ấn nói Ấn dơ lắm, ăn uống dọc đường dễ gặp anh Tào), sợ hiếp dâm... Thì bạn biết rồi đó, thế giới ngoài kia xô bồ và phức tạp, có bao nhiêu thứ để mình sợ hãi. Ấn Độ, ờ thì, cũng thuộc vào một trong những nơi không an toàn cho phụ nữ - nhất là phụ nữ yếu đuối và nhát gan như tui.

Rồi, có một buổi sáng tui ngồi uống trà, ăn bánh, nói chuyện với bà mợ tui. Bà kể bà đã đi Ấn Độ, 1 mình, 1 vali. Bà là nữ tu, bay nửa vòng trái đất để đi đến đất Phật. Năm đó bà 87 tuổi.

Tui, trẻ hơn bà 2 thế hệ, lưng chưa còng, chân chưa mỏi, mắt chưa kèm nhèm. Tui, nhát gan, hay sợ hãi, nhưng ham chơi và dễ bị dụ đi chơi. Và quan trọng hơn là trước đó tui đã đặt vé khứ hồi cho 1 hành trình đi ngang qua Bắc Ấn. Mà, do câu chuyện có giới hạn cho nên tui sẽ cắt khúc đầu, bỏ khúc đuôi, chỉ kể đúng khúc ở Ấn thôi.

Khởi hành từ Lumbini (Nepal), tui đi bộ qua biên giới để nhập cảnh vào Ấn Độ, đi xe đò địa phương để đến Varanasi, ngồi trên tầng 3 xe lửa để đến Agar, rồi Jaipur, đi ngang Delhi, chuyển tàu ngủ một giấc và thức dậy ở Jammu & Kashmir. Từ đó, tui lại đi tiếp đến Srinagar và trở về lại bằng xe 7 chỗ, leo lên đi xe lửa qua Amritsar, lại ngủ 1 giấc và thức dậy ở Delhi, bắt máy bay đi ngược lại hành trình để về Calcutta (hay còn gọi là Kolkata). Calcutta là trạm cuối của tui ở Ấn Độ. Hành trình này tui đi mất hơn nửa tháng. Ngày nhập cảnh vào Ấn là 28.06 ngày xuất cảnh là 15.7.2011.

Welcome to India: Bước qua Ấn Độ từ Nepal.



Để câu chuyện này không giống những câu chuyện khác, mà có thể là bạn đọc được ở bất cứ hành trình nào, tui sẽ bắt đầu từ Calcutta, nơi kết thúc hành trình.
 
Liệu có bao nhiêu lần trong cuộc đời bạn sẽ transit ở Calcutta???

Tui rời Calcutta vào một buổi sáng trời mưa bay lất phất sau chừng hơn 12 tiếng đồng hồ ở đây.



Thời tiết xấu, máy bay cứ nâng lên, rồi giật lại. Tôi bắt đầu ngầy ngật sốt sau đúng một tháng đi lang thang. Cũng may, đã là chặng cuối của cuộc hành trình, vài ngày nữa thôi tui sẽ có mặt ở nhà.

Chuyến bay chất đầy người Ấn và các vị nữ tu mặc áo màu hồng. Lúc đi qua hải quan, tui bị giữ lại đòi...visa vào Thái (chuyến bay của tui hạ cánh ở Thái Lan). Tui giải thích mãi, rằng tui người Việt Nam, đi qua Thái không cần visa. Bạn hải quan nghi ngờ, phải đi một vòng hỏi hết, rồi vào văn phòng kiểm tra lại mất hơn 30 phút mới cho tui qua.

Calcutta đã lướt qua một cách chớp nhoáng, bằng những chiếc taxi màu vàng nối đuôi nhau trên phố, xe điện màu cam với dây giăng ngang trên đầu, đường ray song song chằng chịt dưới đất, hay cả bằng những chiếc xe kéo lam lũ lúc nửa đêm.

Xe điện và taxi ở Calcutta




Và hệ thống dây chằng chịt



Chiều hôm trước, khi máy bay hạ cánh, tui đã leo lên 1 chiếc xe buýt màu xanh vào trung tâm. Lần theo những con phố nhỏ và đầy người, tui đi tìm nơi nghỉ ngơi để sáng mai bay tiếp. Bạn biết không, nếu đó là 1 thành phố thông thường sẽ đến như Kuala Lumpur hay Bangkok (Nếu mua vé rẻ của Air Asia đi đâu đó từ Việt Nam, đây là 2 trạm dừng chân thường xuyên nhất) thì tui sẽ lựa chọn ngủ sân bay cho gọn, nhưng mà, đây là Calcutta. Liệu có bao nhiêu lần trong cuộc đời bạn sẽ transit ở Calcutta???

Bạn soát vé đã quên gọi khi xe đến cái guesthouse mà tui chọn trong Lonely Planet. Đến trạm cuối cùng, mọi người lục tục đi xuống, tui đứng giữa đường ngơ ngác chưa biết đi đâu.



Calcutta có metro, nhưng người ta không cho tui lên vì tui mang hành lý quá nhiều. Đi metro mà có cảm tưởng như đi máy bay vậy, chỉ được 1 gói hành lý xách tay gọn nhẹ (không biết có bắt cân quá 7kg thì ko cho lên không?). Xe kéo thì không biết nói tiếng Anh, cũng không biết nhìn bản đồ trong sách, vậy nên tui bắt taxi về khu "Tây ba lô".

Xe kéo ở Calcutta như vầy, nhìn giống như xe kéo thời xưa bên Trung Quốc. Mấy bạn kéo xe thì mặc longyi y như bên Miến Điện, lâu lâu lại thấy gỡ ra, quấn vào. Tui coi bộ cái thời trang quấn quấn cuộn cuộn này cũng phổ biến ghê.



Hồi chưa lâu, mỗi lần đi lang thang tui cứ hay thắc mắc không biết sao mấy cái quấn quấn cuộn cuộn này chỗ thì gọi là sarong, chỗ lại bảo là longyi. Có một bạn nào đó nói với tôi rằng hai cái khác nhau. Sarong là 1 mảnh vải dài, người ta quấn lại và giắt cạp vào thắt lưng. Còn longyi thì cũng là mảnh vải đó, nhưng họ may lại thành một vòng tròn như cái váy to, khi mặc thì sọt 2 chân vào, kéo lên, căng mảnh vải ra và quấn lại, cột thắt gút 2 đầu.

Cái guest house tui chọn là 1 cái dorm rộng nhìn y như lớp học ở trên căn gác gỗ xưa, đèn tuýp sáng trưng, phòng gồm chừng chục cái giường đơn 1,4m kê gần nhau, quay đủ phía. Ngang tầm nhìn là đầy quần áo đang phơi phất phơ. Trên vài cái giường có mấy bạn Tây đang ngồi ung dung đọc sách. Đọc qua miêu tả, bạn tưởng tui chê chỗ này hả??? Không hề!!! So với điều kiện ở đây, và giá tiền bạn bỏ ra, chỗ đó đã là tốt. Tiếc là nó hết chỗ rồi!

Tui đi lang thang vài chỗ nữa, cuối cùng chọn 1 cái guesthouse cũ kĩ nằm tuốt trong hóc bò tó. Thấy vài bạn Tây gái đang ở trong đó, tui nghĩ là cũng ổn. Coi phòng thì cũng được. Ấn mà, chỗ nào cũng mờ mờ, mịt mịt, và nhìn có vẻ dơ dơ. Đêm cuối cùng ở Ấn của tui là một đêm rùng rợn. Cái giường đơn kê sát khung cửa sổ bằng gỗ, phòng thì hẹp, mà trần thì cao vời vợi phủ ập 1 màu đen. Tường sơn màu đỏ, ánh sáng lờ nhờ chiếu qua khe cửa kèm theo tiếng quạ kêu. Có lẽ sau chặng đường dài tui đã mỏi mệt đến kiệt sức, cho nên cái sợ hãi và nhút nhát quay lại hù họa tui.

Toàn cảnh cái sân của guesthouse tui ở chụp vào buổi sáng


Sau khi kiếm được chỗ ở thì tui lại chạy ra đường đi lòng vòng kiếm chỗ ăn.

Cái nhà hàng này ăn được lắm. Tui vô đó thấy khá đông khách nước ngoài, sau lại có một nhóm bạn nữ người Hàn đi vô, vừa ăn, vừa nói chuyện, chắc là ghé ăn cũng được mấy lần rồi.



Bạn biết không, buổi tối ở Calcutta không nhiều du khách, toàn dân địa phương. Trong khi những nơi tui đã qua trên đất Ấn người ta hạn chế uống rượu, bia thì Calcutta lại có khá nhiều bar và pub. Phụ nữ đi ngoài đường, ừ, có hơi sợ một chút.

Bạn biết không, ở Calcutta bạn dễ dàng bắt gặp sách của Osho hay sách viết về mẹ Teresa ở bất cứ hiệu sách nào,cũng như đĩa hát cũ và máy nghe nhạc xưa (loại có cái loa như hoa loa kèn) bày bán đầy đường.

Và, bạn biết không, ở đây còn có 1 con đường mang tên Hồ Chí Minh.
 
New Delhi

Trước khi đến Calcutta thì tui đang ở trên máy bay.

Có phải bên dưới cánh máy bay là sông Hằng không nhỉ?


Chuyến bay này đi ngang qua miền Bắc Ấn, từ New Delhi bay đến Calcutta.

Buổi sáng hôm đó, thức dậy khi xe lửa sắp dừng chân ở ga New Delhi, tui hơi lo lắng 1 chút vì nhà ga cách sân bay chừng hơn 20km. Khoảng đường này nếu đi xe kéo thì lâu lắm, đi taxi thì tui đang lười phải trả giá. Người Ấn đa phần là ít hiền lành, đặc biệt là mấy bạn lái xe. Suốt hành trình tui trả giá bị hớ hoài, nên đâm ra ngán. Cuốn Lonely Planet tui coi thì bảo là có tàu tốc hành, nhưng do sách cũ (2009), nó ghi thời gian dự kiến hoàn thành là 2011. Tui sợ Ấn cũng mắc bệnh như Việt Nam, ghi dự kiến là vậy, nhưng không chắc kết quả có đúng như dự kiến hay không nên phải hỏi lại. Ngồi bà tám với 1 bạn tầng 1, may mà bạn này nhiệt tình, sau khi tàu dừng thì bạn ý dắt đi đến tận cửa mua vé.

Vậy là tui đã được đi trên cái tàu tốc hành nối trực tiếp giữa nhà ga xe lửa New Delhi đến sân bay quốc tế Indira Gandhi: Delhi Airport Metro Express (DAME), cái này mới hoạt động vào tháng 2.2011, chạy rất nhanh, rất êm, và rất mới.

Ảnh bên trong tàu, lấy từ Internet.


Có vẻ như cái tàu này không đông khách lắm. Ngoài nhà ga ồn ào và náo nhiệt, người ta chen lấn nhau mà đi. Trong khi bước qua cửa mua vé lại vắng tanh như chùa bà đanh. Các bạn mua vé các hãng bay giá bình thường như Lufthansa hay Thai Airways... thì có thể làm thủ tục check in và gửi hành lý ngay tại cổng của Metro Express, người ta sẽ tự động vận chuyển ra sân bay, cho lên máy bay luôn, còn vé rẻ Spicejet như tui thì phải tự xách hành lý, ra đến sân bay mới làm thủ tục check in và ký gửi hành lý.

Đứng chờ tàu.


Suốt cái hành trình của tui, có mỗi chỗ này đi đến sân bay Indira Gandhi là sang trọng thôi, còn lại thì...bèo nhèo lắm.

Ví dụ như trước khi xe lửa dừng chân ở New Delhi thì phải chạy ngang qua một khu ổ chuột. Ở đó, nhà không có nóc, xây xen kẽ giữa những bãi rác chất cao. Ở đó, nhà cũng không có cửa, trẻ con có đứa cũng khộng mặc quần áo, người đen thui, bụng ỏng, tay chân lèo khèo khóc ngằn ngặt trên tay mẹ.

Trước khi tui đến trạm tàu cao tốc sang trọng, máy lạnh phà phà nhưng chẳng có ai, thì tui đã đứng ở nhà ga nóng bức, chật ních người. Người ta ngủ ngoài sân ga, cả gia đình. Không biết là họ sống ở đó hay là họ đang chờ 1 chuyến tàu nào đó. Họ trải một tấm khăn, kẻ nằm, người ngồi, ruồi muỗi bay xung quanh.

Nhà ga ở trung tâm to lắm, có chừng hai mươi đường tàu. Phòng chờ, phòng tắm đều có, nhưng cũng giống như Ấn Độ, mọi thứ đều chia giai cấp.

Tui mua vé xe lửa hạng bình dân, giường nằm tầng 3, không máy lạnh cho suốt hành trình. Tui không đặt được vé trên mạng mà mua qua 1 đại lý ở Varanasi. Giá có đắt hơn tự mua một chút, nhưng mà, tin tui đi, bạn sẽ không muốn tự xếp hàng đi mua vé tại ga đâu. Không tính đến việc bạn chờ đợi, chen chúc xếp hàng thì việc lựa chọn đi loại tàu nào, của hãng nào, giờ nào là hợp lý cũng ngốn của bạn không ít thời gian. Còn nữa, vé tàu in ra không thấy ghi giờ khởi hành cũng như giờ đến. Bạn phải tự ghi chú lại, tự canh giờ tàu đi, tàu đến, và tự canh ga mà xuống. Còn nữa nha, đến mỗi nhà ga, nếu cần chuyển tàu để đi tiếp, bạn phải chạy ra cổng để xem bảng coi cái tàu mình chờ nó đang nằm vị trí nào. Vì như tui nói rồi đó, Ấn Độ đi lại chủ yếu bằng xe lửa nên mỗi nhà ga có cả chục cái đường ray.

Xếp hàng mua vé ở ga Jammu


Vé xe lửa của tui.
 
Amritsar

Tui đã đọc một cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Nhật Banana Yoshimoto tựa là Amrita - Nước Thánh. Truyện xung quanh một cô gái mất đi phần nào đó của ký ức. Đọc xong tui cũng không hiểu lắm. Cơ mà, đọc hết cuốn tiểu thuyết chả thấy dòng nào ghi về Ấn Độ, cũng chẳng có đả động gì đến Amrita hay nước thánh. Văn chương mà, mỗi người có một cách lý giải. Chỉ là cảm giác đọc cuốn sách ấy, tui cảm thấy thích.

Trong đó có một đoạn đối thoại viết như thế này:

" Mỗi chuyến đi quả là một điều kì lạ. Nói thế không có nghĩa là tôi thích thú gì với những khẩu hiệu kiểu như " Đời người là một chuyến đi", hay " Còn sống là còn đi, còn đi là còn sống" nhưng cứ thử nghĩ mà xem, đi du lịch đâu đó cùng với ai hai, ba ngày liền, người ta tự nhiên trở nên thân thiết với nhau một cách khó lý giải, không kể gái trai. Trên chuyến xe trở về, không ai muốn chia tay, tự nhiên vui vẻ một cách bất thường, nói chuyện gì cũng thấy thú vị, hào hứng đến mức ngộ nhận, đó mới là cuộc sống đích thực. Kể cả khi đã về đến nhà rồi, đâu đó vẫn còn đọng lại cảm nhận cảm nhận về sự tồn tại của bạn đồng hành, đến nỗi sáng hôm sau, tỉnh dậy như như trong cơn mộng du, tự hỏi:" Ơ, sao lại thế này? Mấy người kia đâu rồi nhỉ?" Rồi lại tự cảm thấy luyến tiếc, xót xa, đơn độc trong ánh bình minh. Nhưng, biết làm sao? Với người lớn chúng ta thì cái đó rồi cũng qua, những kỉ niệm đẹp đến mấy thì cũng chỉ biết cất sâu trong lòng mà sống tiếp. Phải vậy không nào? "
( Trích lời Ryuichiri trong tiểu thuyết Amrita - Banana Yoshimoto)

Đêm trước khi về New Delhi, tui đã ngủ 1 giấc ngon lành trên xe lửa. Tui khởi hành từ Amritsar.

Nhà ga ở Amritsar


Mà, ở Amritsar đúng là có nước thánh!

Người ta nói Amritsar là cái hồ nước thánh, tắm nơi đây có thể tẩy rửa hết mọi tội lỗi tích lũy từ bao nhiêu kiếp.

Bình minh ngày hôm trước, tui thức dậy đi theo dòng người vào ngôi đền giữa trung tâm. Người ta vào đến mang theo cả can để lấy nước. Bước qua cổng, phải bỏ dép, rửa chân trước cổng đền và đội lên đầu mình 1 tấm khăn. Ở đó có nơi giữ dép, có hồ rửa chân, có cả nơi phát khăn nếu bạn không có sẵn 1 tấm khăn đội đầu. Bước qua cổng, kẻ đi thẳng, người quỳ xuống, kẻ rạp người sát mặt đất. Thì, niềm tin mỗi người mỗi khác mà.



Chính giữ ngôi đền vuông màu trắng là một hồ nước, giữa hồ nước là một ngôi đền vàng. Đây là khu vực thiêng liêng của người theo đao Sikh.

Đền vàng


Xung quanh hồ nước, người ta xây dựng nhà tắm. Nhà tắm nữ được xây một nửa trên bờ, một nửa dưới hồ. Phụ nữ có thể tắm ngâm mình dưới nước thánh mà không sợ người khác dòm ngó. Đàn ông không biết có được xây nhà tắm không, vì thấy cái ông cứ như vậy mà tắm, mà phơi ngay trước bàn dân thiên hạ.

Cái nhà màu trắng xây ra hồ là nhà tắm nữ.


Đi chân đất, mặc đồ tắm, nhưng đầu vẫn nghiêm túc đội khăn.


Người tắm thì tắm, cá bơi cứ bơi.


Đến Amritsar, nếu không vào dịp lễ lạt gì, bạn có thể đăng ký một chỗ ở miễn phí dành cho khách hành hương, có cả chỗ để ăn miễn phí nữa. Tui đi ngay dịp gì không biết, chẳng có chỗ nào để ở, miễn phí thì càng không, vì có quá nhiều người từ muôn nẻo đổ về. Cuối cùng, một cái guesthouse được giới thiệu trong Lonely Planet thấy tội nghiệp nên họ dọn nhà kho trên sân thượng cho ở tạm.

Ở Amritar, qua khỏi cái cổng thành, tất cả các hàng quán từ nhà hàng đến lề đường đều bán đồ ăn chay, kể cả thức ăn nhanh như pizza cũng chay nốt. Và, bia rượu ở đây được bọc, gói trong lớp giấy để người ta không nhìn thấy.

Hai anh này vừa đi mua bia về. Tay cầm chai bia được bọc gói cẩn thận.


Bạn đồng hành của tui là một người thích uống bia. Suốt những ngày lang thang trên miền Bắc Ấn, ngày nào bạn ý cũng uống bia. Có hôm thì bạn ý mua được một chai bia gói giấy báo, có hôm thì uống lén lút ly bia được giấu dưới gầm bàn, có hôm thì bạn ý cầm ly inoc "nước trà lên men", nháy mắt với bạn Ấn cầm ly "nước tinh khiết có mùi cồn" và cạn chén. À, ở đây bia được gói giấy báo, và rượu thì được bán trong bọc ni - lon nhé.
 
Srinaga - Dal Lake - Mơ làm công chúa

Phải đến Jammu rồi mới đi tiếp được:



Buổi sáng thức dậy ở Jammu, đi lang thang một ngày, tụi tui quyết định lần mò đi Srinaga. Nghe nói nơi đó có một cái hồ rất đẹp - Dal Lake, nơi mà bạn có thể ngồi trên những chiếc thuyền che màn đỏ trông y như là một nàng công chúa Ả Rập (theo Lonely Planet). Con gái mà, ai không một lần mơ được làm công chúa. Hơn nữa, con gái như tui lại càng khoái mấy nàng công chúa Ba Tư, công chúa Ả Rập cưỡi thảm thần bay đi phiêu du khắp nơi. Vậy là xách gói đi tiếp.

Bắt đầu từ Jammu, nơi đây đã rất gần với biên giới Pakistan, vậy nên suốt hành trình đi dọc đường biên giới lên Srinagar tui đã gặp rất nhiều binh lính, trạm gác, khu quân sự. Hơn nữa, khu vực này còn có cả những Shop gun - cửa hàng bán súng, trưng bày và buôn bán vũ khí tự do. Nhìn chung thì cũng hơi căng thẳng.

Không những vậy, trên một con đèo đi qua khu quân sự, xe tui đã bị bắt dừng lại. Bạn gác trạm nhìn thấy người nước ngoài nên họ không cho đi tiếp. Tụi tui phải trình báo, gửi passport, lưu lại thông tin, nghe hỏi han và trả lời. Mất cả giờ, cuối cùng thì bạn gác trạm cũng cho về xe để đi tiếp.

Ngay trước ga Jammu Tawi đã nghe mùi quân sự:


Để đến Srinagar, qua chặng đường 258km, bạn có rất nhiều phương tiện để lựa chọn: xe lửa, xe đò, xe jeep...
Trong ảnh là hai trong số các phương tiện để đi đến Srinagar. Cái xe 7 chỗ đó là xe tui đi, hành lý được chất trên mui, phủ bạt. Trong xe chất đầy người. Và, cũng như hầu hết hành trình, trên xe chỉ có mỗi mình tui là nữ.



Mấy bạn Ấn tư vấn nên chọn xe 7 chỗ vì nhanh và an toàn hơn. Tui cũng biết là đường đi từ Jammu đến Srinagar toàn là đường đèo, tui cũng đã nếm mùi xe đò bò qua những con đèo trên đất Nepal rồi, vậy nên tui nghe lời mấy bạn ý, chọn xe 7 chỗ. Đường đi quanh co, có những cung đường đầy nắng, hai bên là thông reo vi vu y như khúc phim dạo đầu của bộ phim "Ba chàng ngốc" của Ấn Độ, có khúc thì chênh vênh đến nao lòng, sợ thì sợ cơ mà vẫn thấy đẹp.

Xe chạy bon bon, một bên là vách núi, một bên là non xanh, nước biếc đẹp vô cùng. Nhưng, tốt nhất là bạn nhìn lên chứ đừng nhìn xuống. Ngay dưới bánh xe, cách chừng 1 mét đã là mép vực, và chỉ ngăn cách bằng vài cột mốc sơ sài.



Đường đèo uốn khúc, ôm qua từng ngọn núi, đứng từ núi này có thể nhìn thấy những chiếc xe đang bò lên dốc của một ngọn núi khác. Ngó xa xa thế này, xe cộ cứ y như là đồ chơi.



Bạn tài xế vừa lái xe, vừa tám chuyện. Bạn kể con đường này nguy hiểm lắm, phải chạy cẩn thận. Con đường này là con đường duy nhất nối giữa Jammu và Srinagar. Người ta muốn đi Leh cũng phải qua con đường này. 258km từ Jammu đến Srinagar thường phải mất khoảng chừng 8 tiếng. Dọc con đường ôm lấy núi, còn có vài chiếc xe lu chạy đi ủi đường. Và, trên bề mặt mới tinh ấy, có thể nhìn rõ những hố tròn mới lấp và ủi lại. Tui hỏi đó là gì, bạn nói:" Đá lở".

Con đường sát bên vách núi, nên chuyện đá lở là thường xuyên xảy ra. Và mỗi lần bị như vậy thì giao thông có thể bị tắc nghẽn từ một tuần cho đến một tháng. Lúc nghe nói vậy tui cũng lo lắm. Lỡ mà kẹt lại thì không biết chừng nào mới về được.

Đi một chặng dài, còn thấy 1 - 2 chiếc xe 7 chỗ móp méo nằm giữa đường, do tông nhau, do lạc tay lái đâm vào vách núi. Tui lại ngồi mà run lập cập.

Tui đến Srinagar khi trời đã sập tối. Không khí cao nguyên se se lạnh. Lại lang thang đi tìm nơi dừng chân. Tui chọn một nhà nghỉ nhỏ nằm bên hồ. Đến nơi thì cô chủ nói đã hết phòng rồi. Tui xiụ mặt buồn hiu. Cổ mới nói, thôi, chờ cổ 1 xíu, cổ dọn phòng con của cổ cho tui ở tạm. Vậy là tui có chỗ dừng chân.

Sáng sớm, ra ngó trước cửa là bến thuyền. Những con thuyền san sát nhau, và tui bắt đầu mơ làm công chúa. Tui thuê một chiếc thuyền nhỏ đi một vòng hồ.



Thuyền đi qua một con lạch nhỏ, đi vòng vèo. Chú lái thuyền dừng lại vài cửa hàng ven bờ. Nhà dọc bờ hồ, hầu như nhà nào cũng có một chiếc cầu đi xuống bến nước. Nước hồ được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, rửa chén... Vài chú bé đang thi nhau chơi trò nhảy cầu. Vài người lớn thì thong thả buông cần câu cá... Những chiếc thuyền to hơn căn nhà nằm sát bờ. Đây cũng là một dạng nhà nghỉ nổi trên sông - loại hình này cũng thu hút khá nhiều du khách, dĩ nhiên là giá khá đắt so với ở trên bờ.

Mặt hồ êm đềm, tĩnh lặng, bỗng từ xa một chiếc ca - nô chạy vèo tới, phun những làn sương trắng vào những bụi cây ven hồ. Người ta đi phun thuốc diệt muỗi.

Vài chiếc thuyền đi ngược lại với thuyền của tui. Mấy cô chèo thuyền đội khăn, che rèm, chỉ để lại đôi mắt đen, dài, đẹp một cách bí ẩn.

Trời đang nắng bỗng dưng chuyển mình và mưa rào kéo đến. Dưới một căn nhà, một cô gái mặc một bộ đồ trắng đang kéo thuyền cập bến. Mắt nhìn như sương khói. Bóng người và thuyền chập chờn in xuống mặt hồ, tôi nhìn và tự hỏi, không biết cô ấy có phải là nàng công chúa trong cổ tích hay không...

Đi qua hết con lạch nhỏ, hai bên bờ bắt đầu mở rộng ra. Thuyền đã ra đến hồ trung tâm. Tui đã bắt đầu thấy những chiếc thuyền tham quan khác đi qua lại. Nãy giờ đi trong lạch nhỏ, cũng có thuyền, nhưng là thuyền của người dân địa phương, không có mái che.



Và, trong một ngày trời đầy sương mù, mưa rơi lất phất, tui đã được ngồi trên một chiếc thuyền màn che màu đỏ đi dạo trên Dal Lake. Tui đã tưởng tượng mình là một nàng công chúa bụi đời đi lang thang. Biết đâu được... biết đâu được một kiếp nào đó trong cuộc đời tui thực sự đã là một nàng công chúa thì sao???

Mà, nói là nói vậy thôi, chớ tui biết nếu có thật sự là công chúa thì cũng chắc gì đã sung sướng. Đâu có quan trọng gì nếu mình là "một ai đó" trong cuộc đời. Quan trọng là mình có cảm thấy vui vẻ và biết bằng lòng với những gì mình đã có.

 
Đi qua Jaipur như người khách lạ

Thì đúng là khách lạ chớ còn gì nữa. Tui đã lần nào đến Jaipur đâu.

Buổi sáng hôm ấy tui ngồi xe lửa chung với một nhóm 6 người đủ quốc tịch xen lẫn trong một toa xe đầy người Ấn. Tụi tui mua vé theo đúng quy định, ngồi theo đúng số của mình, ngoan ngoãn và trật tự. Một người Ấn chen vô băng ghế. Thêm một người Ấn nữa lại chen vô. Chật chội và nóng bức. Một bạn Canada hỏi bạn Ấn:
- Vé của mày đâu? Tụi tao ngồi theo đúng số ghế rồi, sao lại chen vào?

Bạn Ấn nói bạn ý có vé. Và vé bạn ý ngồi đâu cũng được, không có số. Một lúc sau bác soát vé đi ngang, mấy bạn Ấn đưa thẻ - như vé tháng - soát vé rồi qua. Vậy mới biết xe lửa ở Ấn cũng như xe buýt của mình. Người ta lên xe và xuống xe, có vé cũng như không có vé, vé có số chỗ cũng như vé không có số chỗ, cũng y như nhau.

Buổi sáng trên xe lửa, người đi bán hàng, người đi bán trà, người mua đồ ăn sáng rộn ràng. Mấy bạn cầm theo một cái ấm và một mớ ly nhựa dùng một lần rao ầm ỹ "Chaila, chailaaaaa", tui gọi lại và mua một ly. À, ra là trà sữa. Nghe chaila, chaila quen quen, nghe như trong phim Tỷ phú khu ổ chuột, câu bé pha trà được gọi là chai - wa - la.

Buổi sáng trên xe lửa.


Ở Jaipur, tui chọn được một cái hostel xinh đẹp, có cả 1 một nhà hàng ngon lành trên sân thượng, giá lại rẻ. Cái hostel này có nguyên một cái thư viện to, còn phát cả sách hướng dẫn bỏ túi.

Sách hướng dẫn của hostel:


Hoàng hôn trên đường phố ở Jaipur
 
Ấn Độ - Dọc đường ăn uống

Mặc dù trước khi gói đồ đi Ấn tui được cảnh báo khá nhiều lần về chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, nặng hơn là bị hù dọa những chuyện như: " Chị transit ở Calcutta, uống có 1 chai nước mua ở sân bay mà về đến nhà còn bị Tào Tháo dí của tuần" bla bla bla....

Ừm, nói thì nói vậy cho sợ mà cẩn thận, chớ không có thực sao vực được đạo. Tui lại là một kẻ mê ăn uống nữa. Tui vẫn ăn: nhà hàng, lề đường, xe đẩy... tui không chê bai, không từ chối thử bất cứ món ăn lạ nào ở bất cứ đâu. Cũng may mắn một cái tui khá "tốt bụng" nên suốt chặng đường lang thang tui chả bị sao cả.

Và, tui nhận xét: Đồ ăn Ấn rất NGON!!!

Tui có đọc ở đâu đó vài món "must try" khi đến Ấn, nhưng tui không thử theo danh sách đó. Tui chỉ là đi, gặp và ăn uống. Vậy nên tui giới thiệu vài món tui đã ăn uống qua, theo một hành trình ngẫu hứng và tùy duyên.

1. Onion soup:
Ngày đầu tiên qua Ấn, tui "chết" bởi một món ăn xuất xứ từ Pháp: Súp hành. Người ta dọn chén súp kèm 2 lát bánh mì phủ đầy phô mai. Nhìn thì rất bình thường, thỉnh thoảng có vè dơ dơ, nhưng ăn thì rất ngon. Tui ăn món này ba ngày liên tục mà không ngán một chút nào.



2. Lassi Wala:
Rồi, một buổi trưa lang thang đi qua khu chợ ở Vanarasi, tui thấy người ta bày bán một mâm màu trắng như tàu hủ (tào phớ, nếu bạn đọc là người miền Bắc). Tui thấy lạ nên ngồi xuống ăn thử. Chú bé bán hàng cho vài muỗng màu trắng vào một cái bình to có đá, dùng đũa gỗ lăn tay như hình đánh cho đều.

Ảnh minh họa


Sau đó chú đổ ra một cái ly gốm, được hỗn hợp mát lạnh như hình, gọi là Lassi Wala:



Món này làm từ sữa bò, vị như sữa chua. Ăn ngon và rất tốt cho hệ tiêu hóa. Cái ly gốm này đặc biệt cái là ăn xong không phải rửa. Cái ly này cũng không tự nhiên mà sạch lại, hay được sử dụng được lại. Chỉ đơn giản là ăn xong thì đập cho bể, vậy thôi.

Đập bể như vầy nè:



Tui hỏi sao không tái sử dụng, chú bé ấy chỉ lắc lắc đầu và cười. Chắc là do công làm cái ly gốm này rẻ hơn so với rửa và xài lại.

Món này, nếu bạn đi ngang Jaipur, bạn có thể ăn thử trong cửa hàng đàng hoàng chớ không phải là một sạp hàng ngoài chợ. Ở đây, người ta mở Lassi bán hết cả một con đường.



3. Gà Tandoori & gà kebab.

Tui bị dụ dỗ lần đầu khi đi ngang một quầy nướng như thế này:



Nuốt nước miếng không kịp, tui đành kéo ghế ngồi xuống, bấm bụng gọi hai dĩa như hình. Tui khoái cái nước chấm cay cay, hăng hăng màu xanh mà họ phục vụ kèm với gà lắm.

Phần gà là gà tandoori, phần nhìn như xúc xích cũng là gà, nhưng được băm nhỏ, trộn với một số gia vị, quấn vào cây xiên và nướng vàng được gọi là Seekh kabab.


Quán này nằm ngoài lề đường, đối diện là một cửa hàng Levi's. Khách đến quán lưa thưa, chủ yếu là khách tấp xe hơi vào để mua về. Nguyên một con gà, quán này bán chỉ chừng 90 nghìn đồng.

Hôm sau, tui thử tập tành làm người sang trọng. Tui vào một cái nhà hàng theo Lonely Planet giới thiệu, cũng gọi gà tandoori.



Hai miếng như hình hết gần 200 nghìn, mà ăn chả no. Quyết định quay lại quán lề đường ăn "bù lỗ". Lần này tui gọi cà ri gà, được dọn kèm với 2 miếng bánh như bánh nướng như hình.

Coi bộ quán này gọi món gì thì người ta cũng phục vụ nước chấm màu xanh nhỉ.


Bạn tui nói món Tandoori này là món "gà nướng lu" của Việt Nam mình. Tui thử món này ở Jaipur. Cùng một món, nhà hàng bán mắc gấp 4 lần so với lề đường, dĩ nhiên là ngon hơn một chút. Nhưng tui thì tui thích lề đường hơn. Ăn ở lề đường có "không khí" hơn.

P/S: Huhu, tui chỉ có 10 post để kể chuyện. Mà chuyện ăn thì dài lắm, viết hoài sợ ko đủ "đất" để mà post bài đi chơi. :( Vậy nên để lại, viết hành trình tiếp, còn đủ đất thì post tiếp chuyện ăn, còn ko thì tui đem qua khu Ẩm Thực trên Phượt tui kể tiếp nghe!!!
 
Taj Mahal - Ai tin trên đời có tình yêu bất diệt?

Có ngẫu nhiên không khi ngày đến Taj Mahal tui gặp một nhóm 3 cô gái độc thân đi du lịch một mình???

Hôm ấy, khi đang chờ bạn trong sảnh của nhà trọ, tui thấy một cô gái đang ngồi hút thuốc. Cô trẻ và đẹp, nhưng dáng điệu cầm điếu thuốc có chút gì đó như chán chường. Tui bắt chuyện. Cô gái ấy người Nhật, cô ở cùng phòng với hai cô bạn người Hàn Quốc. Họ đã gặp nhau trên đường đi khi đang đơn độc, có lẽ do cùng hành trình và để tiết kiệm chi phí họ đã quyết định đi chung với nhau.

Những cô gái độc thân đi đến Taj Mahal - ngôi đền được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt, nhưng chẳng ai tin vào tình yêu bất diệt cả. Những cô gái ấy, với độ tuổi khác nhau trong khoảng từ 22 - 35, chưa tìm thấy tình yêu, không tin vào cái gọi là hôn nhân. Hành trình của họ chỉ vô tình mà đi ngang Taj Mahal, ghé Taj Mahal chỉ vì nó đẹp và tiện đường. Vậy nên ngoài cô đang ngồi ngoài cửa hút thuốc, hai cô gái kia đang bận...ngủ. À, còn một cô gái nữa, cô ấy đang tìm đường đến Taj Mahal để có chuyện đem về kể cho bạn nghe. Và, giờ thì bạn đang nghe cô ấy kể chuyện đây.

Chuyện kể rằng vào thời xa xưa nọ, có một vị hoàng tử đi ra phố chợ và vô tình trúng tiếng sét ái tình. Sau bao nhiêu cách trở, cuối cùng chàng hoàng tử đã lấy được người chàng yêu. Họ sống hạnh phúc bên nhau một thời gian dài. Rồi, tình yêu ấy hóa thành nỗi đau thương khi cô gái phải từ biệt cõi đời. Vậy là chàng hoàng tử, khi ấy đã là vua, quyết định xây cho nàng một tòa cung điện. Cung điện ấy mang tên là Taj Mahal, cũng là ngôi mộ chung của hai người.

Tui đứng ngay sân thượng của nhà trọ trong một buổi chiều tà, kế bên là khu chợ, nhìn qua bên kia đã thấy Taj Mahal đứng chen vai với các tòa nhà khác.



Nghe nói rằng, tòa cung điện ấy đã được xây dựng bằng tất cả tinh túy và tài hoa của thời bấy giờ. Kiến trúc hết sức đặc biệt, trang hoàng hết sức cầu kỳ. Và, để cho tòa cung điện ấy mãi mãi là duy nhất, sau khi hoàn thành công trình tất cả thợ thủ công tham gia đều bị hành hình như chặt tay, móc mắt... để họ không thể nào làm được bất cứ thứ gì giống như vậy nữa.

Toàn bộ Taj Mahal được làm bằng thứ đá cẩm thạch trắng tinh khiết nhất. Tinh khiết đến mức khi ánh sáng được chiếu qua, nó sẽ xuyên vào khối đá và bị nhốt trong đó. Vậy nên, mỗi ngày khi mặt trời đi qua Taj Mahal, nó sẽ làm ngôi đền biến đổi thành những màu khác nhau. Vào buổi bình minh, khi ánh sáng đằng Đông còn dịu nhẹ, Taj Mahal có màu vàng rực rỡ. Khi hoàng hôn buông xuống, ngôi đền chuyển từ màu cam sang hồng rồi tím sậm theo ánh tịch dương. Đặc biệt, trong những đêm trăng tròn, Taj Mahal khoác lên mình bộ áo óng ánh bạc của một thứ báu vật của trời đất.

Taj Mahal nằm cạnh một con sông, ngày ngày soi mình trong bóng nước.



Ngày ngày, người đến tham quan đền đông không sao kể xiết. Vậy nên bạn nên đi vào lúc sáng sớm, khi người ta còn chưa thức dậy hết để ngắm bình minh không chật chội.

Khi đi vào đền, bạn nên cầm theo một cái đèn pin nhỏ. Trong bóng tối mát lạnh, chỉ cần đặt ánh sáng sát vào vách, bạn sẽ thấy từng thớ đá cứ như tự phát sáng. Nếu di chuyển đèn pin theo vòng hoa, từng cánh hoa, từng chiếc lá lần lượt sáng lên theo sắc màu tự nhiên của chúng.

Ảnh minh họa


Taj Mahal trong mắt tui, giống như một bàn cờ vua khổng lồ và vuông vức. Trong bàn cờ vua ấy, chỉ tồn tại một quân hậu khổng lồ và bốn quân tốt bảo vệ. Trong mắt tui, Taj Mahal xinh đẹp và lộng lẫy. Trong mắt tui, Taj Mahal là một công trình kiến trúc vĩ đại. Còn tình yêu ư? Tình yêu ở đó đã chết rồi, chỉ còn lại đau thương và tiếc nuối. Nỗi đau thương của một ông hoàng mất đi người yêu thương nhất, và sự tiếc nuối vì một công trình mà tàn phá tài hoa của biết bao nhiêu người thợ thủ công giỏi.

Yêu một người, không nhất thiết là phải như vậy.

 
Varanasi - Sông Hằng vĩ đại

Mỗi con người đều có mong ước và nguyện vọng nào đó trong cuộc đời. Người Ấn, đa phần có cùng một mong ước: Tắm trên dòng sông Hằng để gột sạch mọi tội lỗi.

Sông Hằng - Ganga - sông Mẹ của người Ấn.

Để đến Varanasi, tui mất trọn 1 ngày trên chuyến xe buýt cũ kỹ khởi hành từ biên giới Sunauli. Tui đã đi bộ qua biên giới mà không gặp bất cứ người nào của hải quan Nepal hỏi han gì cả. Và, tui phải quẹo vào một cái nhà - trạm hải quan - để đi tìm người có chức năng mà xin một con dấu xuất cảnh. Phải đi tìm, vì nếu thiếu con dấu ấy, nghĩa là tui đã xuất cảnh trái phép.



Đường qua biên giới đầy sình lầy, xe cộ và người khuân vác. Người ta qua lại biên giới đông đúc và dễ dàng, không bị kiểm tra gì cả, trừ người nước ngoài. Chỉ vài bước chân là tui qua đến địa phận Ấn Độ, ở đây, tui mới bị ngoắc vào 1 cái bàn đặt ven đường để khai báo và làm thủ tục. Sau khi kiểm visa (tui xin visa trước tại Việt Nam - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ - 53 Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3, Tp. HCM) họ đóng cho tui một cái mộc xấu ỉn, lem nhem. Vậy là tui đã chính thức nhập cảnh vào Ấn, đồng thời tui cũng bị trễ luôn chuyến xe đi đến Vanarasi vừa xuất phát tức thì...

Đứng lớ ngớ giữa đường, chưa biết đi đâu tiếp theo 1 bạn Ấn áo trắng, người mà tui vừa hỏi về chuyến xe đã xuất bến chạy lại, nói là sẽ giúp đổi tiền và bắt chuyến xe kế tiếp. Thật sự là tui không tin bạn ấy. Không phải tui đa nghi quá mức, không phải tui phân biệt này nọ, nhưng mà bạn cũng biết rồi đó, ở một đất nước xa lạ, được cảnh báo nhiều điều không mấy hay ho, cẩn thận một chút đâu phải là quá dư thừa. Nói qua nói lại một hồi, rồi bạn tui cũng đem 100usd ra đổi, và bạn Ấn sau khi đổi tiền xong tận tình xách hành lý của tụi tui lên một chiếc xe đang chuẩn bị xuất bến đi đến Vanarasi. Phải mấy ngày sau đó tui mới phát hiện ra rằng trong vụ đổi chác ấy có người đã bị gạt mất 25 usd.

Chuyến xe buýt ấy khá dữ dội.

Chiếc xe vừa xấu, vừa cũ. Ghế xe bong cả đệm. Con đường gập ghềnh đất đỏ, đầy ổ gà, ổ voi. Do đông người, tui ngồi tận băng ghế cuối cùng với hành lý. Mỗi lần sụp ổ gà là đệm ghế bung ra, người văng lên làm đầu tui mấy lần bị cụng vào trần xe đau điếng. Đi được vài tiếng, người trên xe lên rồi lại xuống, ngó qua, ngó lại, trên chuyến xe này chỉ một mình tui là phụ nữ. Có vẻ phụ nữ ở Ấn ít khi đi đâu xa thì phải, hay là họ ít khi di chuyển bằng xe buýt??? Tui cũng không biết nữa.

Rồi, mây đen đầy trời, một trận mưa kéo đến. Thời gian ấy là cuối tháng 6, Ấn bắt đầu vào mùa mưa. Mưa trắng trời, trắng đất, đỏ ngầu cả con đường. Xe cũ, không những cửa sổ trên xe không kéo lại được, mà ngồi trên xe lại còn bị dột. Tui vất vả ôm hành lý, né chỗ dột và cố định mình sao cho mỗi lần xe lắc lư không bị va đầu lên trần, va chân vào ghế. Mưa kéo dài mấy tiếng đồng hồ, sau đó là chiều xuống. Bạn thử cái cảm giác ngồi yên trên xe mà không biết bao giờ thì mình đến nơi chưa? Thời gian cứ như kéo dài đến vô tận. Chiếc xe khởi hành từ 9h sáng, mà 5 - 6 giờ chiều bạn vẫn còn đang ở đâu đó trên hành trình. Chiều xuống, nắng tắt, và đêm đến. Con đường lúc này chỉ còn như một con hẻm nhỏ, hai bên là cây cối, thỉnh thoảng chạy ngang một thị trấn nào đó thấp thoáng toàn ánh đèn dầu. Mãi sau này khi đọc báo về vụ cô gái bị hiếp dâm trên xe buýt, nhớ lại chuyến xe ấy tui mới rùng mình, sao mà mình gan lì cóc tía như vậy. Mãi sau này nghĩ lại, tui mới biết rằng thuở ấy tui chưa biết gì nên cái gì cũng có can đảm thử, chớ bây giờ thì miễn đi. Có những chuyện người ta chỉ dám làm trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời mà thôi.

Cuối cùng thì xe cũng về đến Varanasi, tui bắt tuk tuk đi tìm nhà trọ, ăn chút gì đó rồi chìm vào mộng đẹp. Bởi vì tui đang háo hức, tui đang ở rất gần sông Hằng, chỉ sáng mai ra là tui được chạm tay vào sông Hằng, như thế này này.

Chạm tay vào sông Hằng:


Varanasi trong mắt tui là những con hẻm nhỏ chạy ngoằn nghoèo dọc bờ sông, là quần áo, vải vóc đủ sắc màu phơi trên bờ đê, là những tờ quảng cáo lớp yoga sơn dán khắp nơi, là con sông đầy phù sa đang dâng nước ngày càng cao.

Một góc bên bờ sông Hằng:


Tắm trên bờ sông


Con đường ở đây không lớn, chỉ là hẻm nhỏ chạy lòng vòng. Gạch lát ô vuông, gạch đỏ, gạch con sâu, đủ cả. Hẻm nhỏ, người và bò qua lại chung với nhau. Nhà dọc hai bên vẫn mở hàng buôn bán, có cả nhà hàng và nhà nghỉ, tour du lịch...

Đường nhỏ ở Varanasi


Có một buổi tui đi về sau một cơn mưa lớn, con đường ngập đầy nước cống, những đụn rác trôi lềnh bềnh, mùi phân bò bốc lên hôi không thể tả. Ở Varanasi, bạn có thể mong đợi gì??? Khách sạn sạch sẽ?? Đồ ăn thơm phức? Những còn đường rợp bóng cây??....Quên đi!!! Varanasi không có những thứ đó. Bạn biết nhà trọ nơi tui ở họ treo biển quảng cáo cho nhà hàng thế nào không??? Họ đã treo biển thế này (như hình), và tui hết sức tâm đắc với sự chân thật của họ.



Bạn đừng nhăn mặt, đừng vội thất vọng, đừng vội chê dơ bẩn như vậy làm sao mà ở được. Tui ở phòng trọ kế bên gia đình một cô người Pháp. Cô đi du lịch cùng 3 đứa con nhỏ, một đứa chừng 8 tuổi, một đứa 5 tuổi và một đứa còn phải ẵm trên tay. Ông chủ ba nhà trọ nói họ đã ở đấy một tháng rồi. Tui không ở lâu như vậy, nhưng do lịch trình đi tùy hứng nên tui cũng đã ở đó vài ngày, và tui thấy khá là dễ chịu. Mỗi buổi sáng thức dậy, tui xuống nhà hàng gọi một chén soup hành, vài cái bánh mì và nhẩn nha ăn. Cô người Pháp ẵm đứa nhỏ, cầm sách chỉ cho đứa 5 tuổi học bài. Đứa nhỏ đang tập nói, suốt ngày cứ chép miệng papa miết. Ăn sáng xong thì tui tha thẩn đi dọc sông Hằng. Buổi sáng tui có đọc thấy một mẫu tin trên báo nói rằng mực nước sông đang dâng cao, trong vòng 24 tiếng mực nước đã lên 1 - 2 mét. Đây là mùa nước lớn trong năm.

Trên đường, tui thấy 1 chiếc thuyền sắp rời bến. Tui chạy lại và hỏi đi cùng. Trên thuyền là một gia đình đến từ Agar, mỗi năm họ đều về Varanasi để được tắm mình trên dòng sông linh thiêng của tôn giáo. Gia đình "tam đại đồng đường" ấy là một đôi vợ chồng giàu có, với một bà mẹ và mấy cô, mấy dì, cùng thêm vài đứa con nít. Thuyền đi ngược dòng sông về đến nơi người ta đốt xác. Chính tại nơi đốt xác này mới là nơi tốt nhất để
tắm. Phía trên bãi tắm, xác chết sau khi được hỏa táng, tất cả những gì còn lại người ta trút thẳng xuống dòng sông, và phía dưới, những người còn sống đang ngụp lặn, vốc từng vốc nước đưa lên cầu nguyện.

 
Chạm tay vào giấc mơ này, tiếp tục mơ về một giấc mơ khác

Ấn Độ với tui mà nói đúng thật là một giấc mơ đã được chạm tay vào.

Ngày trước, tui đã từng mơ mình lạc vào một lễ hội nào đó trên đường phố Ấn. Tiếng kèn nhạc vang lên rộn rã, những màu sắc rực rỡ dưới ánh nắng lấp lánh. Tui che mặt sau tấm mạng màu cam, bước đi ngược với đoàn người. Mình tui lẻ loi và đơn độc. Tui đang tìm kiếm cái gì đó không rõ tên, tui đang chờ đợi ai đó không rõ mặt.

Trước khi đặt bước chân mình qua biên giới Ấn Độ, tui cũng không rõ mình mong đợi gì, tui cũng không rõ hành trình mình sẽ đi đến những đâu. Mình có nên đi vòng qua Kailash rồi đi qua Leh luôn hay không? Hay mình có nên ghé Lumbini rồi mới tiếp tục hành trình? Đôi khi trong cuộc đời, người ta cũng không cần chắc chắn là mình sẽ đi đâu, không cần chắc chắn về mọi thứ, cứ đi đi, rồi mọi việc sẽ đến. Đôi khi trong cuộc đời, nguòi ta cũng không cần sợ hãi quá nhiều thứ, vì đôi khi chính sự sợ hãi níu bước chân mình. Chân không bước xuống đường để đi vì sợ té gãy thì cũng vô dụng khác gì chân đã gãy không thể đi được đâu.

Tui hay mơ những giấc mơ phiêu du, và tui biết, có những giấc mơ nào đó tui có thể thực hiện trong một quãng thời gian nào đó của cuộc đời. Có những giấc mơ chỉ hình thành trong một thời điểm nhất định. Và có những chuyện, chỉ xảy ra duy nhất một lần trong đời.

Khi giấc mơ đã đi qua, tui khép mắt lại và tiếp tục mơ những giấc mơ khác. Đôi khi là mơ những chuyện đã qua, đôi khi mơ về những gì không có thật, đôi khi lại mơ về một nơi nào đó xa xôi và tôi sẽ đi đến đó trên chiếc thảm bay hình tròn mà tui đã mua ở trong một căn nhà có khu vườn trồng đầy hoa cỏ.

Dĩ nhiên là tui vẫn sợ hãi về mọi thứ chưa biết được, nhưng tui vẫn tiếp tục mơ. Vì có ai đánh thuế ước mơ của bạn đâu, sao không mơ mộng nhiều hơn một chút, viễn vông hơn một chút?? Để rồi lại bắt đầu câu chuyện bằng:" Tui chưa bao giờ nghĩ là có một ngày mình đặt chân lên....đâu đó" (Tui chỉ mơ thôi!)

Vạn sự tùy duyên mà!!!

Còn bạn, giấc mơ của bạn là gì?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,920
Bài viết
1,171,167
Members
191,592
Latest member
TomtocVietNam
Back
Top