What's new

Danh sách các bài dự thi "Hồi ức về những chuyến đi"

Status
Not open for further replies.
8. Mưa nơi đất khác

Một năm về trước tôi hay phải đi lại. Mỗi chuyến hành trình mang theo một nỗi lo, một sự hồi hộp chờ đợi người ta cộp vào passport của mình một cái dấu nhập cảnh. Thời ấy chỉ vì sự bất cẩn dở hơi mà tôi rơi vào tình thế của một người ngụ cư bất hợp pháp. Kết thúc chuyến đi tôi hay nhắn tin cho một người đàn ông. Nội dung thường rất giống nhau: AAA đón em bằng một cơn mưa. AAA là nơi tôi đến. Địa điểm luôn thay đổi nhưng những cơn mưa không bao giờ thay đổi.
Mưa ở không đâu: Ngày xưa khi bắt đầu một mối tình tôi viết: Sài Gòn có làm ướt nửa cuộc đời anh không? Lá thư được đọc sau khi tôi gặp mặt người nhận. Lúc tôi viết bức thư, tôi chưa đi Sài Gòn bao giờ cả. Nghĩa là không thể biết nhưng cơn mưa Sài Gòn bất chợt thế nào, nồng nàn và hối hả ra sao. Cơn mưa của ghen tuông của sự tức tối đổ ào xuống trong tim tôi.Cơn mưa khiến tôi nhận ra tôi yêu một người đàn ông trong sự sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi sợ phải tranh cướp với ai đó, sợ sự thoán đoạt này sẽ phải trả giá bằng thoán đạt khác.
Mưa ở Hà Nội: Ngày đầu tiên tôi dẫn anh đến chơi nhà một người bạn. Trời mưa như không thể nào mưa to hơn được nữa. Nước chảy trên mặt, luồn theo những đường khối, cứ ngấm vào người từng hàng và tận cùng của cái sự ướt là đôi giầy sũng nước, kéo nặng cả bàn chân. Sau cơn mưa ấy tôi đi ra hàng điện thoại đầu cổng và hình như từ đó mỗi ngày tôi nhắn tin cho anh mấy chục msg.
Mưa ở Sing: Sing bé tí tẹo như một bàn tay nhỏ dù thế giới trong lòng nó là vô cùng rộng lớn. Sing ướt át như một cô tình nhân nũng nịu, biết nước mắt làm yếu lòng quân tử.Cô tình nhân ấy đang hờn dỗi người tình suốt tháng đầu tiên tôi đến Sing. Mưa làm những chị hàng KTV buồn bã, không biết mặc áo dài Thượng Hải với ai. Mưa làm cái hành lang của học viện nghệ thuật Nanyang buồn hun hút. Tôi ăn cá khô chiên mỗi ngày, cơm 5 đồng một suất và thỉnh thoảng thì mua thêm cheese cake. Tôi đang yêu. Tôi mua một túi dâu tây to về phòng và bỏ quên nó sau khi ăn miếng đầu tiên mà không ý thức được rằng nó rất đắt. Tôi mua dưa hấu ở chợ người Tàu, mua nho cả hộp. Nghĩa là cái gì cũng nhiều, cũng xa xỉ hơn con người keo kiệt trong tôi. Nhiều hôm tôi đi trong mưa. Tôi mặc váy trắng và áo đỏ xòe tay trong mưa như cô bé con lần đầu tiên đứng trước máy ghi hình. Chỉ khác là tôi không biểu diễn gì cả. Tình yêu biểu diễn trong tôi.
Mưa ở KL: Có một lần mưa suốt mấy trăm cây số tôi đi. Có một người đàn ông ngồi trên xe đã hỏi tôi những điều khiếm nhã về con gái Việt Nam. Tôi đã từng nghe một anh rửa bát ở Cantin khoa Nghệ thuật trường Quốc gia Sing tâm sự là đang dồn tiền để nhờ ngài Cupid (một công ty môi giới cô dâu Việt có tên là MrCupid) tìm cho một cô dâu Việt. Anh ấy hỏi tôi có phải con gái Việt Nam rất khéo không, hồi bé thì khéo nuôi em, lớn lên thì khéo nuôi con. Rồi có phải người VN giáo dục như thế nào đó mà phụ nữ rất cam chịu đúng không? Nếu lấy chồng thì sẽ không bao giờ thất vọng về chồng cả. Anh ấy rất tội nghiệp khi hỏi tôi. Ít nhất là anh ấy cũng cười chào tôi mấy lần tôi đến ăn cơm để lân la làm quen và dò hỏi. Nhưng người ngồi cạnh tôi trong chuyến xe ấy thì không thế. Ông ta gặp tôi lần đầu và khi biết tôi là người VN thì lập tức thay đổi thái độ. Ông ta dò xét bằng cái nhìn của những nhân viên hải quan đứng làm thủ tục nhập cảnh sau mỗi chuyến bay và suy nghĩ bằng đầu óc của một trọc phú lắm tiền: mọi thứ đều mua bán được. Khi chúng tôi xuống xe rồi ông còn cố chạy theo tôi và hỏi tôi có suy nghĩ lại không, rằng ông có tiền và chúng tôi có thể trao đổi. Mẹ kiếp.
Mưa ở Sài Gòn: Buổi chiều chạy xe lang thang ở đường Nguyễn Huệ thì mắc mưa, dạt vào trú dưới ô cửa của khách sạn Rex. Có một cậu bé cứ nằng nặc đòi chúng tôi mua hoa hồng. Tôi cũng không hiểu tại sao lại nhất thiết phải bán cho chúng tôi đến thế. Từ chối lịch sự không được. Từ chối kiểu điên tiết cũng không được. Tôi móc túi đưa em số tiền lẻ. Em cầm và đi sang bên cạnh bắt đầu bài ca rao bán với những người khách dừng chân tránh mưa khác. Lúc sau em quay lại nài nỉ chúng tôi mua tiếp. Từ chối. Và không hiểu em nghĩ gì, em ném lại trước mặt tôi số tiền lẻ tôi đã cho em. Sự tức giận trong tôi khỏi nói là ở mức độ thế nào. Tôi đã gặp người bán hàng khó chịu nhất mà vẫn còn không làm vừa lòng em.
Ngoài cửa sổ mưa đang rơi.Mưa ở trong lòng!
26.11.2006
 
9. Những ngày hè đáng nhớ - Hạ Long 06

Tháng 5/2006

Ngày thứ nhất trong chuyến đi công tác.

Sài Gòn-Hạ Long hotel người đông nườm nượp. Chiếc xe Toyota 16 chỗ chở có bốn anh chị em đậu trước cửa khách sạn. Chúng tôi ngồi chờ người tiếp đón ở sảnh khách sạn trong giây lát.

Đón tiếp chúng tôi là một gã trai có bộ râu quai nón, khuôn mặt thông minh, cái đầu đã húi trọc. Gã không cao lớn, nhưng dáng đi oai vệ. giọng nói sang sảng, một âm thanh mà tôi tưởng chừng gã là một người chuyên dành cho lĩnh vực lồng tiếng.

Chúng tôi nhận phòng ở lầu 11 với giá 98 usd / một ngày đêm, tôi ở cùng một em gái là sinh viên Bách Khoa. Hai cậu đi cùng xe nhận một căn phòng ngay sát đó. Ít phút sau, chúng tôi xuống lầu hai, nơi văn phòng làm việc của chúng tôi là một căn phòng hội thảo, bày la liệt máy móc, thiết bị, những bảng biểu, những sơ đồ chỉ dẫn...Một cuộc họp nhanh chóng được thiết lập bởi Giám đốc sản xuất. Anh có dáng hình cao lớn, khuôn mặt cháy sạm nắng và toát lên đầy sự kiên cường, thông thái. Trợ lý sản xuất là một phụ nữ trẻ chưa có gia đình, chị có mái tóc xém ngắn nom rất năng động. Trợ lý sản xuất người Philippine - Andre lại là một người có vẻ lập dị với cặp kính cận đen trên khuôn mặt nhỏ bé cũng như dáng vẻ nhỏ nhắn của anh ta. Một người to béo, có nét giống người Hoa mặc quần áo như dân du lịch, một người phụ nữ ngoài 30 có thân hình đầy sức sống, một anh chàng Mỹ trẻ tuổi đang chăm chú làm việc, một vài cộng tác viên từ HN xuống sớm và tất nhiên những người mà tôi gặp tại thời điểm lúc đó đã khiến tôi reo lên trong lòng rằng mình được làm việc với ekip chuyên nghiệp, một nửa là từ Mỹ, một nửa từ Sài Gòn ra, và một bộ phận cộng tác viên cũng chuyên nghiệp từ Hà Nội.

Tôi ở trong số những người làm cộng tác. Thú thực, khoảng thời gian đó anh Hoàng Dũng - một người anh, một người tôi ngưỡng mộ trong kinh tế đã sang Mỹ học về gameshow động viên tôi rằng - Truyền hình là một nghề rất hay, rất thú vị, em ở nhà hãy trau dồi kiến thức bằng cách làm cùng một nhà đài nào đó, hoặc bất cứ khi nào em có cơ hội tham gia cùng với một hãng làm phim, làm gameshow chuyên nghiệp, hãy làm và học hỏi từ họ. Em nhất định sẽ trưởng thành nếu em yêu nghề...

Tôi nói về mục đích làm việc của mình với giám đốc dự án, anh cổ vũ tôi hãy làm việc và học hỏi dẫu thời gian làm việc có ngắn nhưng sẽ đem lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm làm việc lẫn nhiều mặt khác của cuộc sống. Tôi đầy hứng khởi. Nhận công tác phí và thư thái cả buổi chiều hôm đó.

Buổi tối của ngày đầu tiên: chúng tôi đi ăn, đi chơi ở bờ biển, đón những người leo núi chuyên nghiệp đến từ Chinaclimb, nhóm có 7 người, họ là những chàng trai mạnh khoẻ và trẻ tuổi, anh trưởng nhóm Simon lúc ấy mới sang tuổi 35, cậu ít tuổi nhất trong đoàn mới chưa đầy 21 tuổi.
ngày thứ hai

--------------------------------------------------------------------------------

Chúng tôi thức dậy rất sớm sáng hôm sau, ăn buffe trên lầu cao nhất của toà nhà và xe ôtô đưa chúng tôi ra bến cảng xuồng cao tốc, tôi đi cùng giám đốc dự án và 7 anh chàng leo núi chuyên nghiệp. Chúng tôi ghé vào chợ Hạ Long để mua vài món đồ cần thiết, đồ ăn trưa thêm mặc dầu văn phòng đã đem cho nhiều bánh, nước uống. Tôi là người phụ nữ duy nhất trên suốt cả hành trình. Mọi người vui, mọi người rất quí trọng tôi và chúng tôi làm việc rất ăn ý.

Điểm đến của chúng tôi là Road Block, anh đội trưởng cùng hai chàng trai to khoẻ leo bằng tay lên đến đỉnh của ngọn núi, nhìn những động tác họ làm, tôi thầm thán phục về sự can đảm lẫn sự dẻo dai của họ. Những công việc chuẩn bị sơ đẳng để ngày mai mọi người có thể leo lên, leo xuống bằng những sợi dây đã hoàn tất. Lúc đó chúng tôi chưa có bè (platform) nên mọi người đều ngồi lại trên một cái xuồng nhỏ, đôi lúc lại phải rời ra xa, tránh những hòn đá nhỏ lăn xuống.

17h10 Simon - leader xuống board, anh kêu đau chân, mỏi mệt. anh nào cũng có những xây xát nhỏ trên da. Tôi hỏi họ có đau không? Những nụ cười tươi từ các chàng trai đáp lại tôi rằng - I'm okey! Sau đó, chúng tôi tiếp tục cho tàu chạy vào khu dân cư trên biển. Họ sống bằng những ngôi nhà nhỏ, dựng trên những lớp sắt và luồng đan lại. Không có nhiều thời gian để quan sát những đặc điểm sống của họ, tôi tập trung vào xem hai cái bè mà chúng tôi cần dùng để làm việc vào ngày mai, chúng sẽ được anh phụ trách về bối cảnh dời về hòn Yên Ngựa.

Chúng tôi ghé vào Titop để tắm, những pha ngoạn mục của các anh chàng leo núi được diễn ra, thật dễ thương. Rồi tàu của chúng tôi trở lại Bãi Cháy. Nghỉ ngơi, ăn tối và thư giãn. Tôi rất thích thú và không hề cảm thấy sự mỏi mệt nào sau cả một ngày dài trên biển.
Ngày thứ ba

--------------------------------------------------------------------------------

Tôi là trợ lý kiêm phiên dịch cho 7 chàng trai leo núi, tôi dẫn họ đi ra chợ Hạ Long mua những thứ cần thiết cho một ngày làm việc dài trên biển. 9h30 sáng mới ra đảo. Hai cái bè đã được chuyển tới, mọi người lên bè, để đồ đạc và có thể nghỉ ngơi trong bóng mát của một cái lều nhỏ xinh lợp bằng cọ.

Các chàng trai dần leo lên núi, làm những công việc như mài những cạnh sắc, làm sạch đường lên núi, vì có rất nhiều bụi cây nhỏ mọc quanh đó.

12 giờ trưa, chị Liên, Allison là giám đốc dự án bên Mỹ, Jesse là người cộng sự của chị Allison đã tới thăm chúng tại tại Block Road.

Buổi chiều, một vài chàng trai leo núi bằng tay bo, bơi lội và lại tiếp tục làm việc. Trong khi đó, tôi làm quen với một người dân sống trên biển, cùng ăn cua, bề bề với họ.
 
Hai ngày tổng duyệt

--------------------------------------------------------------------------------

Tối hôm trước, giám đốc dự án tại VN và giám đốc dự án bên Mỹ Allison cho triệu tập tất cả đoàn tại phòng hội thảo lớn. Những ngày này công tác chuẩn bị diễn ra thật sốt sắng, chu đáo và luôn cần những cái đầu tỉnh táo để làm việc nhiều hơn ngày bình thường.

Sài Gòn - Hạ Long hotel hôm ấy đã phải nhường cho đoàn chúng tôi thêm mấy chục phòng vì những tay quay phim chuyên nghiệp đã từ bên Mỹ sang, những nhà đạo diễn, biên đạo, cố vấn, trợ lý....đã có mặt đầy đủ. Allison chủ trì cuộc họp lần cuối trước ngày tổng duyệt. Chị là một trong những người làm việc tâm huyết mà tôi chứng kiến, có những đêm chị làm tới gần sáng và chỉ ngủ rất ít.

Từng bộ phận đã rõ về nhiệm vụ lẫn công việc cần thực thi trong ngày tổng duyệt. Vì sự có mặt của ông Tổng đạo diễn, các đạo diễn phụ trong ngày cuối nên chúng tôi không được phép xảy ra một sơ xuất nào. Tôi cùng đội rigger của mình thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị hành trang rồi đi ra đảo bằng xuồng cao tốc. Khoảng 10h, chúng tôi đã hoàn thành tốt cho việc chuẩn bị kiểm tra timing, đường leo núi, góc quay camera cho cameraman.

Tôi xung phong làm người check timing, chẳng hiểu sao lúc ấy tôi hào hứng lắm! Sau khi đeo những chiếc găng vào bó tay, bó gối, dây dợ được Tommy đeo cho cẩn thận. Si ở dưới mặt đất động viên tôi. Trên đỉnh là Simon và Dave - hai chàng lực sĩ và giỏi nhất sẽ trợ giúp tôi bằng dây leo. Tôi bắt đầu những mét đầu tiên rất nhanh chóng và có vẻ dễ vì chỗ đó là khoảng không, chưa vướng vào vách núi. Đến chừng mét thứ 30 - 35 bắt đầu mệt, người bị vướng vào vách núi, chân tay qờ quạng và mỏi rã. " Come on Mai... come on baby...You can do it. Good job Mai...".

Mọi tiếng hò reo từ trên dội xuống, từ dưới vọng lên khiến tôi nhích thêm từng đoạn nhỏ. Tôi cầu cứu sự trợ giúp của Dave, nhưng cậu nhất định để tôi leo bằng chính sức của mình. Nhìn xuống dưới tôi biết Michael - đạo diễn cùng với Mr Cường bỏ về đất liền tự lúc nào, vài giây để tôi quan sát vịnh giữa lưng chừng núi, ôi...cảnh đẹp hùng vĩ bao la...Nhưng tôi không thể đứng mãi ở lưng chừng núi với cái dây bảo hiểm thế này mãi được. Không có ý nghĩ nào sợ nếu như mình chẳng may rơi phựt xuống, tôi lầm bầm trong đầu: "Cố lên, mình leo được mà, mình sẽ leo lên đỉnh bằng chính sức của mình. Cố lên Mai nhé! " ...Phù...! mệt!..mệt lắm! Mặt mũi tôi đỏ au và mồ hôi vã ra như tắm, tôi cũng đã leo lên đỉnh sau 30' với hơn 100mét độ cao với vách núi dựng đứng. Với quãng đường này, các cậu kia leo chưa đầy 10 phút. Thế mới biết sức khoẻ của các anh thật phi thường. Tôi thở dốc và được Simon đưa cho nước để uống. Trên đỉnh Yên Ngựa lúc ấy thời tiết thật oi, nóng gắt, cảnh Hạ Long phơi bày ra trước mắt, lúc ấy tôi có thể nhìn thấy đỉnh của các ngọn núi khác trong tầm mắt của mình. Đẹp quá! Yêu đất nước mình vô cùng. Những người cộng sự cùng với tôi từ mọi quốc gia đến đây cũng phải trầm trồ về vẻ đẹp có một không hai như vịnh Hạ Long.

Khi tôi tụt từ đỉnh để xuống platform thì nhanh và dễ hơn nhiều so với leo núi, các bạn của tôi chào đón tôi bằng bữa ăn cua mua từ những người dân đậu thuyền quanh đó. Các chàng leo núi đều hỏi: " Lần sau Mai có leo núi nữa không?" Ồ tất nhiên là có chứ, nhưng tôi cần phải luyện tập thêm, tôi thích môn climb rồi đó.

Mãi tới 3 giờ chiều, chúng tôi mới xong công việc trên núi. Lúc ấy các chàng thanh niên trai tráng đi bơi, Si bất thình lình ôm ngang bụng tôi và quẳng tôi xuống nước, đang còn hớt hải thì thấy Si đỡ tôi ở phía dưới. Quàng tay vào cổ Si để cậu kéo đi trong làn nước trong xanh. Mọi người đều muốn tôi học bơi cho giỏi. Quả thực tôi không bơi tốt lắm, tôi rất sợ khi bị uống quá nhiều nước ở sông hay ở biển. Chúng tôi vui đùa thoả thích, một ngày làm việc đã hoàn thành tốt.

Có những sự cố trong lúc làm việc.

Cũng không thể kể hết chúng tôi đã gặp phải bao nhiêu sự cố, đó là những sự cố do máy móc, do thời tiết, do những điều tiết không thích hợp...

Lần chúng tôi từ Yên Ngựa về Bãi Cháy, đang đi dọc đường thì tôi và một vài cậu rigger phát hiện là xuồng bị rỉ nước, mỗi lúc nước dâng cao, tôi và 2 người lái thuyền vẫn bình tĩnh vì chúng tôi biết chắc còn đủ thời gian để gọi một chiếc thuyền cao tốc vào cứu viện - thay thế. Simon - đội trưởng và 1 vài cậu tỏ ra lo lắng, chúng tôi có rất nhiều tài sản trên tàu, lỡ mà chúng rớt xuống nước thì là điều duy nhất mọi người lo lắng. Một lúc sau thuyền cứu viện đã tới, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Lỗi này từ phía nhà cung cấp tàu thuyền đem lại.

Trong hai ngày tổng duyệt, chúng tôi thuê trạm phát thanh để phủ sóng cho toàn bộ vịnh ( đường kính trên 50 km) Nhóm của tôi lĩnh hai cái máy bộ đàm, một để cho tôi, một cho Simon giữ. Chiều hôm đó, chúng tôi đi thăm và khảo sát, kiểm tra lại mạng lưới thông tin đã xuyên suốt hay chưa, chúng tôi ghé vào tất cả các chặng mà các Team sẽ tới. Trạm ở Sửng Sốt, ở Soi Sim, ở làng Ngọc Trai. Khi chúng tôi vòng bánh lái để xuôi về làng Ngọc Trai, nơi mà tôi chưa từng tới bao giờ. Có những quãng đường đi gần như ra ngoài khơi vì bóng dáng những ngọn núi khuất dần xa. Tàu thuyền đi lại khá đông ở trên đường chúng tôi đi. Vừa đi, chúng tôi vừa check lại mạng thông tin đã đảm bảo chưa. Buồn cười lúc ấy là anh chàng Công ( có bộ râu quai nón tôi nhắc ở trên) đang ở Sửng Sốt, anh chàng đi vào động thấy tối um, kêu la hoài, rồi lại thắc mắc là không vào được động vì hết giờ tham quan nữa. Anh Cường, A Lú lại càng có dịp cười đau cả bụng. Mấy chuyện cỏn con ấy, Công kêu la với mọi người nên anh Cường chẳng thèm đáp lại nữa. Ngày đầu dùng bộ đàm, chưa có kinh nghiệm nên lắm pha thật tức cười. Có người cứ alo hoài, chẳng để ai nói chuyện nữa. Anh Cường tối hôm ấy giáo huấn cho mọi người một trận về cách dùng bộ đàm để làm sao lắng đọng thông tin nhất, ngắn gọn và dễ truyền đạt nhất.

Ngồi trên xuồng cao tốc, cái mũi cong lên khiến tôi thích thú. Anh Cường có hỏi là: " Em có thấy công việc thú vị không? Em có mệt không? " Tôi cười rất tươi. " Em không say sóng, em rất thích và càng ngày thấy thích ekip làm việc này..." Rồi anh cười: "Ừ, em cũng thấy đấy, công việc làm phim thật vất vả, không có niềm say mê công việc và tinh thần đồng đội thì không thể làm được. Chúng ta vất vả chuẩn bị rất nhiều ngày, nhưng chỉ cần ghi lên hình trong chốc lát, và tất cả các khâu phải chu tất, phải ăn ý và chuyên nghiệp". Anh là người Hà Nội gốc, sống ở Sài Gòn từ khi nhỏ, anh làm nghề quảng cáo, phim ảnh được hơn 6 năm và đầy kinh nghiệm sống. Tôi mến anh, muốn được làm cộng sự của anh dài hơn trong tương lai...

Chiếc xuồng của chúng tôi bỗng chết máy, mấy anh chị em ngồi lênh đênh giữa biển rộng bao la, nắng gắt vào tầm 5 giờ chiều để đợi một chiếc xuồng vào thay thế. Mỗi ngày đoàn làm phim chúng tôi trả cho một chiếc xuồng như thế là 9 triệu đồng ( trọn gói một ngày). Một lần tôi sơ ý không điều xuồng về đất liền để mọi người dùng, nên hôm ấy đoàn đi thuê thêm chiếc nữa đi khảo sát. Anh Cường không trách tôi, nhưng khi biết lỗi, tôi đã chủ động xin lỗi anh. Anh cười và nói: "Ừ, nếu em lưu tâm thì đỡ tổn thất chi phí hơn". Tôi càng phục anh trong vai trò một leader hoàn hảo.

Những va chạm sẽ khiến con người khôn ngoan hơn.
Tôi từ bé đã luôn tỏ ra mình là một cô chủ nhỏ rồi nên khi nhận lời làm việc cho một game show rất lớn, chị bạn tôi động viên: "Em cần phải đi thì mới có kinh nghiệm, hãy chịu khó nhé..." Tôi chấp nhận mình làm việc dưới sự chỉ huy của nhiều người có kinh nghiệm, nhưng tôi đã không thất vọng vì thật may mắn tôi được làm việc với CBS ( 1 trong những hãng truyền hình lớn của USA) và những người làm phim chuyên nghiệp tại Việt Nam nữa. Tôi được gặp gỡ họ, làm việc và nói chuyện với họ. Trong một khoảng thời gian ngắn thôi, có rất nhiều người tài giỏi cùng tụ tập về một mối, đúng là một môi trường lý tưởng cho con người trở nên tháo vát hơn, khôn ngoan, năng động hơn.

Tôi học cách Photo tài liệu ( việc mà tôi luôn coi đó là công việc của một cô nhân viên thư ký). Tôi gọt hoa quả cho các đồng nghiệp cùng ăn. Mọi người đã tặng tôi những nụ cười rạng rỡ và thân thiện. Tôi tết tóc cho em Chris, tôi làm bạn với rất nhiều anh chị em Việt và Mỹ. Chúng tôi đi ăn tối cùng nhau và ngồi bên nhau bên bãi biển để trò chuyện về những công việc trong ngày. Tôi học được cách tư duy lô gich về thời gian, địa điểm, xác định nhanh chóng về khoảng cách địa lý .v.v...
__________________
The Amazing Race 10 - Tom & Terry's Full Race
http://www.youtube.com/watch?v=9WjrfYboIow

(Trích đoạn về một đội chơi trong gameshow - Amazing race 10)

Sau khi Tom & Terry nhận được Clue tại Hà Nội, họ bắt xe bus từ sáng sớm về Hạ Long bay, phải tự tìm đường đi tới xuồng cao tốc, đi ra hòn Yên Ngựa ( nơi tôi làm việc) để leo lên đỉnh núi để nhận Clue , đi tiếp ra Sửng Sốt cave, họ sẽ nhận tiếp một clue để tới Làng Ngọc Trai bằng xuồng cao tốc, rồi chèo thuyền để đi vớt đủ số lượng Ngọc Trai dưới biển rồi tìm về chiếc tàu Bài Thơ đang đợi ở ngoài xa. Ở đây họ nhận thêm một Clue để tới điểm pit stop - Soi Sim island.

Dù chỉ là một trò chơi, nhưng tôi đã thấy sự cố gắng, hết mình để làm bất cứ điều gì trong cuộc sống của họ. Bạn có thể nhìn thấy sự vui sướng, những giọt nước mắt của họ trong hành trình tới Ha Long bay

Tôi ước một ngày tôi làm member trong Amazing Race game, nhưng khi tôi không phải là công dân Mỹ thì điều ấy sẽ thật là khó...
Bởi vì Dự án tài trợ cho đi hơn 10 quốc gia để làm game, giải thưởng cao nhất là 1 triệu usd, hấp dẫn chết đi được.
 
10. Đi săn bình minh ở Phillipines

Tối, Hà Nội không lạnh chỉ vừa seo seo như trời thu. Ngồi trong căn phòng nhỏ tôi nghe Gạt tàn đầy, giọng Đạt lãng đãng bất cẩn, tiếng guitar lừng phừng...phiêu đãng...tiếng trống gợi mở rộn ràng... sao cuộc sống hôm nay yên bình một cách ngạc nhiên.

Chỉ thiếu chút nữa là tôi quên mình vừa trở về nhà sau một chuyến phiêu du lộng gió và nắng. Philippines là một đất nước kỳ lạ, những hòn đảo đầy bất ngờ hứa hẹn những chuyến khám phá có một không hai, những cuộc chuyện trò khó quên với những người dân bản địa hồn hậu và cởi mở. Lần thứ 3 này trở lại Phil tôi mới thực sự cảm thấy đủ để không hẹn ước một sự trở lại nữa.

Chuyện tối nay tớ muốn kể là chuyện của những kẻ đi săn bình minh ở Pang Lao.

Buổi sáng ở đảo mặt trời dậy sớm, mặt trời lên từ mênh mông biển cả, những kẻ đi săn bình minh muốn chớp lấy những khoảng khắc khi biển - trời - lửa - con người - cá heo hoà làm một thì phải dậy trước mặt trời.

Tôi đặt đồng hồ lúc 4h30, trời còn tối, dậy - đun một ấm trà, úp một gói mỳ tôm, tôi vội vã lên đường ra vịnh. Tối hôm trước tôi đã thoả thuận với một người lái thuyền đưa tôi ra biển vào lúc 5h, những chiếc thuyền mỏng mảnh trắng toát trông thật nhỏ nhoi giữa mặt biển mênh mông không bờ bến...Có lẽ tôi không bao giờ dám đặt trên lên những chiếc thuyền mỏng như lá tre ấy để ra biển nếu người dân đi biển không chế ra những chiếc càng cua giữ thăng bằng ở hai bên mạn thuyền. Mỗi một chiếc thuyền thò ra hai cái càng bằng tre được cột cẩn thận bằng dây cước trắng. Thuyền nhỏ thì càng đôi càng ba, còn chiếc thuyền nhỏ của tôi chỉ có càng đơn. Giữa lòng thuyền được ghép hai chiếc ghế gỗ ngồi nhô ra biển, vì thế dưới mông bạn là nước, trên đầu bạn là trời, bạn ngồi trên thuyền nhưng lại đang ngồi giữa trời nước mênh mông. Chiếc thuyền thân dài, người lái thuyền ngồi chơi vơi ở cuối thuyền cầm một chiếc dây cước một đầu nối với mô tơ một đầu nối với một chiếc vòng nhựa nhiều mầu. Tôi chỉ sợ ông bất ngờ ngã bổ chửng thì tôi biết xoay sở ra sao...

Người lái thuyền đã quá trung tuần, ông thoả thuận với tôi một cái giá phải chăng 25$ cho 1 chuyến đi biển săn bình minh. Ông ít nói và có vẻ cam phận với chiếc thuyền quá bé của mình nên khó kiếm được những vị khách sộp. Dù sao thì chúng tôi cũng cột nhau vào một cuộc thám hiểm trước mắt.

Trên bờ biển vắng vẻ ông neo chiếc thuyền trắng của mình vào một bãi nông. Bờ biển ở đây mịn cát, từ mép nước cát chạy dài ra khoảng 15m là đã đến vùng biển có nhiều rong và rất nhiều sao biển, cá, san hô... Tôi đã bảo Phil là một đất nước kỳ diệu mà lại. Tôi lội ra thuyền, ông nở một nụ cười chất phác rồi đẩy thuyền qua bãi nước nông. Chiếc thuyền tròng trành nhưng không bao giờ mất thăng bằng vì được giữ bởi hai chiếc càng khệnh khạng, thuyền nổ máy chúng tôi ra khơi.

Biển mênh mông bạc trắng, những con sóng cồn lên trông rất lạ. Sau khi ra khơi được hơn 40 phút thì tôi rơi vào những ảo ảnh. Tôi có cảm giác con thuyền đang đi trên một khung lụa khổng lồ màu xanh sẫm. Nước không còn là nước, biển và nước có một sức mạnh vượt quá sức cảm nhận của tôi. Dường như nước là một khối đặc quánh, bề mặt là tấm lụa nhăn cuộn lên trước gió... Đôi khi để phá vỡ không gian đặc quánh bởi tiếng máy nổ bởi tiếng sóng đập vào thân thuyền đều đặn, như để cứu tôi khỏi những miên man suy nghĩ... bọn cá từ đâu bay vèo lên khỏi mặt biển. Giống như chim, chúng đập những chiếc vây vèo vèo như cánh, bay được chừng dăm thước thì kiệt sức hoặc bị một tấm cửa nước vừa dồn lên chặn lại, chúng biến mất vào một con sóng. Biến mất hiện ra, bay, như lũ trẻ con chúng làm tôi cười.

Mặt trời dần lên, không run rẩy không từ tốn, mà mặt trời ở đây tròn trịa, đỏ ối đầy năng lượng... Rất nhanh nó nhô lên từ mặt nước và vội vã nhuộm đỏ vạn vật, chỉ một loáng sau tôi đã cảm thấy sức nóng cuông nhiệt của nó đốt tí tách trên da tôi.

Chúng tôi đi cả tiếng chỉ để cảm nhận 1 phút giây một tích tắc một cái nháy mắt. Nhưng ai quan tâm chứ, đôi khi một giây phút có thể thay đổi cả cuộc đời.

Sau khi đi hơn 2h đồng hồ chúng tôi đã ở khá xa bờ., sóng trở nên hung bạo hơn, biển xanh hơn và thăm thẳm hơn, gió lạnh. Tôi có thể nhìn thấy những chiếc thuyền to xuất phát sau chúng tôi đang dần bắt kịp để cùng gặp nhau ở một điểm mơ hồ phía xa.
Mặt trời đốt ấm da tôi làm cho những bọt nước bắn lên trở nên lạnh buốt, tuy đã mặc một bộ quần áo dầy để có thể snorkeling trong nhiều tiếng nhưng tôi vẫn thấy rất lạnh. Đúng lúc đấy tôi nghe thấy tiếng hát, rất có thể là ảo giác, tiếng hát nghe như phát ra ở một tần số khác lạ. Tôi lắc đầu để tự khẳng định đó là tiếng chão hay tiếng gió đang muốn lật tung bạt, hoặc giả là tiếng nước biển... nhưng không những âm thanh này đem đến cho bạn một niềm hưng phấn kỳ lạ... Và rồi tôi nhìn thấy cá heo.

Dù đã nhìn thấy và bơi cùng cá heo 2 lần ở vùng vịnh Palawan Phil nhưng lần này cảm giác của tôi thật đặc biệt. Bạn không còn đủ sức mạnh để chụp ảnh hay để làm bất cứ điều gì khác ngoài chăm chăm nhìn vào những chiếc lưng đẹp nhất trên biển. Tôi nghĩ mình mơ vì hàng ngàn con sóng nhấp nhô chẳng khác gì lưng cá heo, nhưng khi con cá đầu tiên tung mình lên trên mặt nước thì tôi trào lên một niềm vui khôn tả. Người lái thuyền reo lên và chiếc thuyền trườn về phía đàn cá.

Những tấm thân bóng loáng nước ánh lên dưới mặt trời, bọn cá đang hát có phải không nhỉ. Chúng nhẩy lên, bơi và tạo nên một khung cảnh thần tiên như là khi bạn tìm thấy ốc đảo trên sa mạc vậy. he so sánh thật khập khiếng!!!

Tôi tròng trành đứng ở mạn thuyền, đeo chiếc kính bơi vào. Thật điên nhưng tôi muốn được xuống bơi cùng lũ cá. Người lái thuyền có vẻ hoang mang, ông không tin là tôi có thể bơi được ở đây, tôi đảm bảo với ông và xoè bàn tay như muốn nói chỉ 5'' thôi. Và ông dừng máy.
Tôi trườn xuống biển, lạnh kinh người, tôi nhoài vào nước cảm giác sợ chạy dọc sống lưng. Sóng khá to và dòng nước không theo ý của tôi. Tôi ra hiệu cho người lái thuyền đi thêm một đoạn về phía trước thuận dòng để thôi có thể bắt kịp ông mà không bị kiệt sức. Tôi bắt đầu bơi, sóng dìm tôi xuống tôi nhô lên thì lại bị một cơn sóng khác ập đến. Lũ cá heo đã lặn sâu xuống biển, có lẽ chúng không muốn chơi có lẽ chúng không thích tiếng mô tơ. Tôi lái người quay lại thuận theo dòng nước, chỉ hơn 5'' ở dưới nước tôi đã cảm thấy kiệt sức vì lạnh và hụt hơi, tôi bắt kịp chiếc thuyền và đu người vào thân nó. Mất một lúc tôi mới leo được lên thuyền. Chúng tôi tiếp tục đi, không có đồng hồ tôi không rõ là đã mấy giờ, ước chừng chúng tôi đã đi được 3 tiếng

Quanh tôi giờ đã có 3 chiếc thuyền khác, có lẽ những kẻ săn bình minh đều biết rằng ở đây họ có thể gặp cá heo, biểu tượng của may mắn hạnh phúc.

Chúng tôi còn gặp thêm 3 đàn cá heo nữa trong buổi sáng kỳ diệu ấy nhưng không đến được gần vì những người bạn trên những chiếc thuyền lớn đang quần đảo ầm ỹ để được một cơ hội may mắn như tôi, được ở gần đàn cá heo hơn một chút. Mặt biển trở nên trống rống lạ thường khi lũ cá đã bỏ đi, tôi cứ ngỡ lưng sóng là lũ cá, tiếng dây cáp cọ vào gỗ là bài hát cá heo...
Tuy nhiên như hoàng tử bé đã thì thầm rằng khi bạn có một người bạn trên một vì sao, khi bạn nhìn lên trời bạn sẽ thấy tất cả các vì sao đang cười với bạn. Với tôi chuyến đi biển không còn bị ảo ảnh với sức mạnh của sóng nước nữa vì tôi đã được nhào vào lòng nó và tin rằng dưới kia những người bạn thân thiện nhất của đại dương sẽ không bỏ người đi biển trong lúc khó khăn.

Tiếng máy lại rộn rã nổ, chúng tôi đi tìm một hòn đảo để thả neo và tôi có thể snorkel... Tôi cảm thấy một sự gắn bó vô hình đã nối tôi lại với người lái thuyền khi tôi và ông cùng reo lên hạnh phúc khi thấy những con cá heo làm bắn tung ánh nắng rộn rã của buổi sáng kỳ diệu này...
__________________
 
11. Thổ Hà- chưa phải là hồi ức

Tết Độc lập nghỉ ba ngày liền, em có cuộc họp và cuộc nhậu khá quan trọng vào ngày 1/9 nên chưa đi được đâu. Ngày 2/9 mở mắt dậy em nghĩ thân phận phượt bình thường không tuần chay nào không có nước mắt, không tuần nào không đi đâu đấy thế mà ngày nghỉ lại ở nhà thì có khác nào Tết đến không được trông thấy quê hương.

Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng…
(Nguyễn Bính, Xuân tha hương)

Em bèn vào Phượt (tên giao dịch quốc tế là Viet Du, tên xuyên tạc là Việt Đú) xem có gợi ý gì không. Hai em gái xinh đẹp đi cùng em thì muốn đi Quan Lạn (có đảo cát trắng như đường) hay đi Cát Bà (năm ngoái đã đi, thích) hay Đồ Sơn, Tam Đảo...(gái thì chỗ nào chả thích) Em phượt em biết những chỗ đấy những ngày này Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Thôi thì Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao…em quyết định đi Thổ Hà.

Em thật là em phượt ở dải đất cong cong hình tia chớp này nhiều nhưng có những chỗ ở ngay sát sườn mình mà em chưa gãi đến nên nhân dịp này đi cho biết thế nào là Thổ Hà. Với hai em gái xinh đẹp em thả thính là ở đấy có bán nhiều đồ có thể mua được, ví dụ như đồ gốm. Gái nghe nói đến shoping là mềm lòng nên 10h30 đoàn nhằm hướng Bắc Ninh thẳng tiến. Thổ Hà là điểm đến, em vẫn bảo vấn đề không phải là đi đâu mà là đi với ai và làm gì... Đi Thổ Hà (Xã Vân Hà, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang) là qua Bắc Ninh, nơi bác gì trước làm Bí thư nay về làm Quyền Chủ tịch Thành phố Hà Nội để xem bác chỉ đạo quy hoạch Bắc Ninh thế nào mà nhìn ra tương lai Hà Nội.

Đi qua Lăng Bác thấy các bạn phượt ở các tỉnh về viếng Bác đông nghịt. Ngày nghỉ, phượt các tỉnh về Hà Nội, phượt Hà Nội đi các tỉnh, cứ loanh quanh thế, quê ta vạn tuế. Hà Nội ngày nghỉ nở phình ra làm em nhớ đến mấy câu thơ em làm hồi trẻ và hồi còn ở bển (nhại thơ anh DTA):

Nhớ về Hà nội là thành phố chật người và xe
Và những đám ma
Nhạc tò tí te
Những vòng hoa ở ngay bên cạnh
Tôi đi
Xe máy phân khối lớn như chim tung cánh
Những cafe, restaurant, karaoke, vũ trường…

…Tôi đi nghe tiếng còi xe vọng
Ôi, sự vô nghĩa của những tháng ngày xa quê
Nó trống rỗng, đơn điệu, tái tê…

Em của tôi
Không biết bao giờ em đến…
Giữa Moscow tám triệu dân
Đông người, rất đông người
Tôi chỉ có một mình
Tôi kéo áo choàng tránh cơn gió
Sờ lên ngực passport vẫn còn

Tôi đi, chẳng biết đi đâu
Tôi đã biết nỗi buồn là bất tử
Tôi biết buổi chiều này không cần ai giết
Cũng tự chết
Như con người
Rồi một ngày sẽ chết

Tôi về Salut 2
Nơi cư ngụ của những người khốn khổ
Hai tay hai túi trên lưng một bị
Ăn tối lúc ba giờ đêm
Hát lên đi và “cửu vạn” it easy!
Hát “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”…

Moscow tuyết vẫn trắng
Tờ đôla vẫn xanh
Hà nội vẫn chật người và xe
Chỉ có tóc trên đầu chớm bạc
Không hoài tưởng
Tìm kiếm gì trong cuộc đời này?
Ta đi thôi! Đi thôi!
Chẳng biết vĩnh biệt ai, vĩnh biệt cái gì
(Sao đến bây giờ ta mới nhận ra điều đó)

(Xin lỗi các bác em tâm trạng tý, ngày nghỉ tâm trạng quá tâm trạng không chịu nổi)
------------------------------------
 
Báo cáo các bác là em đã để ý quy hoạch kiến trúc của Bắc Ninh, thấy huyện lỵ Từ Sơn và Tiên Du gì đó được thiết kế không phải bên cạnh đường A1 mà khuất và trong với từng khóm như những khu biệt thự. Nếu bác gì mà quyền Chủ tịch cũng tiếp tục làm như thế, Hà Nội ta sẽ thành khu biệt thự, mà hồi Pháp cũng thiết kế khu phố Tây kiểu ấy...

Thấy trên Internet bảo Thổ Hà mảnh đất nhô ra sông Cầu như một bán đảo, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng. Có thật sự tươi đẹp và thơ mộng không phải đi, phải tự cảm nhận và tóm lại là phải phượt.
Nhìn từ bên kia sông, làng Thổ Hà như một thế giới khác với những ngôi nhà không thèm được trát vữa. Tại sao không được trát vữa em cũng chưa ní nuận được.



Muốn sang Thổ Hà phải đi đò, giá đò trước kia 500 đ/ lượt/người giờ tăng lên tận 1000đ/ lượt/người. Không biết đò có được trợ giá như xe buýt không.



Đò đưa ta qua sông, cho ta cảm thấy được vẻ đẹp của sông nước, mây trời và sông Cầu (có tên chữ là sông Như Nguyệt) thật êm ả, hiền hòa. Theo bia "Thủy tạo đình miếu" dựng năm 1692 có ghi "... địa hình sơn thủy, Thổ Hà eo ở phía đông giống như hình con rồng quay lại chầu chốn Tổ. Ở phía tây tựa hình con hổ ngồi chầu về tôn miếu. Ở phía nam thì đỉnh non nguyệt ghi rõ trong sách trời..."

Tình yêu có từ nơi đâu, êm êm một khúc sông Cầu... Có ai đó dường như cảm nhận đựơc câu hát trữ tình, ước mình là một anh trai làng hồn nhiên và chất phác (không biết đề đóm cá độ gà chọi, không biết chat chit nữa thì càng tốt ...buổi đêm ra sông gánh nước gặp em gái nhỏ thôn quê cũng đi gánh nước bên dòng sông lấp lánh ánh sao Sao trời lọt qua mắt lưới rơi đầy xuống dòng sông sâu và nói lời yêu trên dòng sông quê Tình đã trao nhau êm đềm em là cô Tấm thảo hiền...

Đò đưa ta đến bến nơi có những cô bé bì bõm tắm thấy đò sang chạy vội lên bờ...



Ấn tượng đầu tiên của em là...rác và ấn tượng tiếp theo là...mùi. Bây giờ hoá ra Thổ Hà nổi tiếng vì nghề nuôi lợn và tráng bánh đa (ngày xưa có làm gốm và nấu rượu). Sau khi đi Thổ Hà, em sẽ dè chừng hơn khi ăn các món cuốn sống bằng bánh đa.

Từ mấy thế kỷ trước, dân cư làng Thổ Hà ( xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) đã có nghề làm đồ gốm. Gốm Thổ Hà từng theo thuyền bè xuôi ngược sông Cầu đến mọi miền đất nước. dấu tích nghề gốm thịnh vượng xưa kia dường như chỉ còn vương lại trong ký ức của những nghệ nhân cao tuổi, bảng lảng đâu đó trên bức tường những ngôi nhà cổ được dựng nên bởi vô vàn mảnh gốm vỡ mà vững chãi qua mấy trăm năm.

Nghề làm gốm Thổ Hà xuất hiện từ thế kỷ XIV. Ðồ gốm Thổ Hà được nung ở nhiệt độ cao nên đã thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc.

Nhờ có nghề làm gốm mà trước đây cuộc sống của người dân hơn hẳn những nơi khác. Người Thổ Hà vắt đất nhào nặn thành nhiều mặt hàng, từ đồ nặn các cỡ, có thể chứa 350 lít nước, đến chĩnh chõ, chum, vại... mà nhiều làng nghề huyện Quế Võ khi đồ xôi cho hội xuân, nhất định phải có chõ sành của Thổ Hà mới ưng ý. Vì thế mà gốm của làng nổi danh khắp thiên hạ và kéo theo hẳn làng Vọng Nguyệt cùng xã chỉ chuyên làm thuê, chở hàng thuê cho làng. Với địa thế thuận lợi là làng ven sông, nơi đây nhanh chóng trở thành một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình chùa bề thế uy nghi.

Cổng làng mang dáng dấp, màu sắc cổ xưa và xây bằng gạch thô không trát vữa...



Lên khỏi bến đò, đi một đoạn đã thấy ngay Đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm.



Đình thờ thành hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Đào Trí Tiến. Đình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ 2 ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ được tạo dựng năm 1576), đình được xây dựng vào thời Lê Chính Hoà (1686). Đình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc thể hiện phong cách thời Lê trung hưng rõ nét, độc đáo. Đề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là "tứ linh", "tứ quý" hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng vờn thiếu nữ…



Chùa Thổ Hà có tên chữ là Đoan Minh tự được xây dựng từ thế kỷ 16.



Em đã ngồi rất lâu ở sân sau của chùa trông ra ao, nhìn cái giếng xây năm 1972 và ngẫm nghĩ sự đời…

Những con đường trong làng nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian. Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong. Những bức tường không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hay tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, theo lớp, tạo nên một sự độc đáo trong xây dựng.

Cả làng bây giờ chỉ còn một Hợp tác xã gốm, kho hàng của Hợp tác xã không được hoành tráng lắm.



Nhiều thanh niên đã bỏ nghề, rời làng đi nơi khác kiếm sống để đến khi phất lên, lại quay về mảnh đất tổ tiên xây dựng lên những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi hay mái bằng kiên cố chen lẫn những ngôi nhà rêu phong cổ xưa. Ðiều đó cho thấy một số hộ dân nơi đây đã có cuộc sống kinh tế khám khá hơn, nhưng cũng chính là điều đang đe dọa làm mất đi sự hài hòa cho cảnh quan của một làng cổ.

Hoàng hôn buông xuống, ánh nắng vàng soi nghiêng, những vòm cổng, những ngôi nhà, ngôi chùa cùng ngôi đình cổ kính, những bức tường được xây bằng gốm nung được chiếu vào toát lên vẻ đẹp vàng, đỏ in dấu vết của thời gian. Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ, làng cổ cùng với những món nghề in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang là một địa chỉ khá quen thuộc và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

(Trong bài có sử dụng tư liệu lấy từ Internet)
 
12. Hồi ức Sa Ba
Trong không khí vui tươi khấn khởi của đoàn vừa phượt Sa Pa về, em diễn lại hồi ức Sa Ba

Sa Ba

Hình như Sa Ba có nghĩa là con sư tử nhưng câu chuyện này của anh chẳng hề dính dáng gì đến sư tử, đến châu Phi…Câu chuyện này của anh liên quan đến chỗ nào thì đoạn sau 4c sẽ rõ.

…Lại là một chuyến đi không biết đi đâu, đi với những ai - có lẽ cuộc đời đã quá nhàm chán - đến mức cứ phải tự tạo cho mình nhưng bất ngờ nho nhỏ.

Lại là một chuyến đi với bố - có lẽ điều mà có người nói với anh là "chỉ có những người máu mủ ruột rà với nhau mới yêu thương nhau thực sự" lại là đúng? Nói chung bố cũng là một người bạn đường chu đáo và ngoan ngoãn, chỉ mỗi tội hay đánh thức anh dậy sớm - hễ hướng dẫn viên dặn là hôm sau 8 giờ sáng tập trung y như rằng bố đánh thức anh dậy từ 6 giờ để đi ăn đi uống rồi lại nằm chờ…

9 giờ tối, Ga Trần Quý Cáp đông nghịt người, bằng con mắt chuyên môn anh rút ra kết luận là tỷ lệ gái xinh ở đây hơi cao vì đây chính là lúc chuẩn bị có một chuyến tàu du lịch - nghe phổ biến loáng thoáng là sẽ đi tàu lên Lào Cai, sau đó sẽ đi ô tô sang Trung Quốc - đi với đoàn cơ quan một thằng bạn nên anh chỉ cần biết thế.

Lên tàu, ngả bàn đèn - lần đầu tiên trong đời anh được đi toa có điều hoà, ngủ sướng tỹ tã, đến sáng hôm sau anh vẫn không biết tên những người đã ngủ cùng mình trong cái mát mẻ nhân tạo ấy là gì. Nghĩ lại, anh rút ra kết luận có lẽ mình già rồi hay lòng đã quá lãnh đạm thờ ơ - ngày xưa trước khi ngủ với ai, anh thường hỏi tên - hồi còn trẻ nữa thậm chí anh còn hỏi cả họ và tên đệm, thậm chí có lúc còn ghi cẩn thận vào sổ tay. Quả thật dạo này việc dân việc nước nhiều quá, anh cũng hay mất ngủ, được dịp không phải suy nghĩ gì - chỉ việc ngủ, anh cứ dzậy mà thiếp đi, êm đềm.

Xuống Ga Lao Cai, ăn sáng ở Nhà hàng Việt Hoa - món bánh đa nấu với thịt bò rắc lá bạc hà mà người ta gọi nôm na là phở. Nếu sau này ở Hà Nội có những quán phở Lào Cai - để phân biệt với phở Nam Định - thì 4c nên nhớ phở Lào Cai tất sẽ có rất nhiều lá bạc hà. Lá bạc hà ở đây to bằng lá tía tô và ở những chỗ sang trọng người ta dọn ra cả đĩa để ăn kèm với phở.

Để anh và ông cụ thân sinh tội nghiệp ăn sáng xong xuôi, thằng bạn anh mới dừng xỉa răng lại và tuyên bố gọn lỏn là chuyến đi này không phải là đi sang Trung Quốc mà chỉ đơn giản là đi Sa Ba (nó không nói được là Sa Pa), sau đó mới sang Trung Quốc tí ti, thăm Hà Khẩu. Nghĩ đến quá trình chơi thân với nó đã mấy chục năm, anh mới kìm được câu đề nghị được làm quen thân mật hơn với mẹ nó (tức là ĐM nó).

Anh bỗng thấu hiểu hơn bao giờ hết tâm trạng của những cô gái bị bán sang xứ người, tưởng đi phục vụ quán café lương tháng 15 triệu, hoá ra là đi làm may.

Thôi, gạt nước mắt anh lên ô tô đi 36 km lên Sa Ba (anh sẽ gọi thế để trả thù thằng bạn), 1860 m trên mực nước biển, nơi không bao giờ có trứng luộc mà chỉ có trứng nướng vì trứng luộc ở Sa Ba (anh gọi thế để trả thù thằng bạn) sẽ không bao giờ chín.

Bố an ủi anh: Thôi con ạ, bố cũng chưa đi Sa Pa bao giờ, bố mới chỉ đi Thác Bạc thôi. Anh không trách bố không biết cách an ủi, trong chương trình chiều nay sẽ có đi tham quan Thác Bạc ở Sa Ba

Anh giải trí trên xe bằng cách nghe hướng dẫn viên ba hoa về cách phân biệt mận hậu và mận tàu bằng việc xoe quả mận trên tay rồi tách ra, nếu mà hột rời ra là mận hậu, còn nếu hột vẫn cứ dính vào thịt thì là mận tàu. Cách phân biệt đào Sa Pa và đào tàu đơn giản hơn, đào Sa Pa ăn giòn còn đào tàu ăn bở.

Xuống nhận phòng ở Khách sạn Hoàng gia, nghe tên hoành tráng thế nhưng chỉ hoàng gia ở chỗ miếng gỗ ghi số phòng kèm chìa khoá có hình vương miện.

Anh giết thời gian chờ đến bữa ăn trưa bằng cách đi lang thang trên phố, đi ra Nhà thờ đá, biểu tượng của Sa Pa. Bố anh xem bản đồ bằng tiếng Anh, nhận xét là tận trên này cũng có cave, có điều trên bản đồ thấy là phải đi hơi xa chứ không phải ở ngay Sa Pa.

Ngoài phố đầy người các dân tộc anh em, chủ yếu là người Dao Đỏ và người Mèo Đen. Anh ghi nhận là mafia Dao Đỏ hoặc mafia Mèo Đen ở đây còn chưa mạnh, chưa khống chế được - ví dụ, giá rau cải hay giá bánh rán ở chợ. Có vài thanh niên không rõ dân tộc gì ăn mặc theo kiểu đi trước thời trang Hè 2005, mặc quần dân tộc nhưng xắn cao lên, để lộ chiếc quần đùi Adidas mặc bên trong, về Hà Nội khi nào có dịp anh sẽ bắt chước.

Ở bãi lát gạch rộng như quảng trường ở cạnh Trung tâm Sa Pa là Hội chợ du lịch gì đó (về sau được gọi tắt là Phố Nướng) la liệt hàng quán, anh nếm thử những đặc sản tiêu biểu của Sa Pa như thịt xiên nướng, cơm lam, trứng nướng và ngô nếp luộc. Ngô nếp ở đây công nhận là ngon. Bỗng ước lúc nào đó đi Sa Pa với ai đó cũng sẽ đi lang thang ăn quà vặt thế này…đơn giản thế thôi mà.

Về khách sạn thiền một giấc rồi đi ăn trưa, công nhận lên đây dễ ngủ, ngủ như gà, đặt mình xuống giường là ngủ được.
 
Và đây là một tiểu phẩm lấy bối cảnh là Sa Ba

Say tình

1. Sa Pa, buổi trưa trước khi về Hà Nội, Hân ngồi đánh guitare ở Cafe Delta, sau một chai Black Label và bên cốc Capuchino thơm phức. Em đi ngang qua, đẹp mê hồn, chân đi đất - như thể tiên nữ giáng trần hay nàng tiên cá ở dưới biển lên.

Chuyếnh choáng, Hân chạy ra đường hỏi:
- Em tên là gì?
Em bảo:
- Cháu tên là MẩyYết
- Mẩy Yết có nghĩa là gì?
- Nghĩa là thứ mười một
- Nhà cháu có mười một con cơ à?
- Có mười ba cơ nhưng bây giờ chỉ còn mười một.
- Cháu là út à?
- Vâng cháu là út.
Hân giơ máy ảnh:
- Chú chụp ảnh cháu được không?
- Được ạ. Chú là nhà báo à?
- Đúng rồi, chú là nhà báo, báo hại ấy mà.
Em cười hồn nhiên:
- Chú nói gì cháu không hiểu.

Em trắng trẻo bầu bĩnh, đôi mắt mở to đen láy như mắt nai, bờ vai trắng như ngà voi và ngực đầy như trái đào.
- Cháu có bán gì không, mũ hay áo thổ cẩm, chú sẽ mua hết.
- Cháu chẳng bán gì cả, cháu lên đây tìm bạn thôi.
- Thế bạn cháu ở đâu?
- Bạn cháu ở đây nhưng chắc về Hà Nội lấy chồng rồi.
- Thế cháu có muốn về Hà Nội tìm bạn không?
- Có. Ở nhà cháu hết việc rồi.
- Thế thì lát nữa về luôn với bọn chú nha.
- Vâng. Để cháu qua nhà người quen lấy quần áo.

Hân trở lại Cafe Delta, cầm đàn gảy điên cuồng Vũ khúc Tây Ban Nha, những dây đàn rung lên xáo trộn. Tất cả như thể sắp đặt sẵn, như thể trong một cuốn tiểu thuyết hay ít ra trong một truyện ngắn...không lẽ mọi thứ lại đơn giản như thế - một nàng sơn nữ sẽ cùng Hân về xuôi?

Em đến trong bộ quần áo của người Kinh, quần phăng đen, áo sơ mi trắng tinh khôi, tóc buộc gọn gàng. Em lên xe ngồi cạnh Hân, cử chỉ đầy tin cậy khiến tim Hân như thót lại.
- Vì sao cháu lại tin chú?
- Vì cháu thấy chú đánh đàn, thấy chú chụp ảnh, vì cháu đã nhìn vào mắt chú và cháu nghĩ chú không thể là người xấu.
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Chú nghĩ cháu bao nhiêu tuổi?
- Cháu mười sáu tuổi?
- Không phải, cháu mười bảy tuổi rồi.

2. Về Hà Nội, Hân đưa em đến địa chỉ bạn em để lại. Bạn em đã chuyển đi nơi khác. Hân bảo:
- Để chú đưa cháu đi chơi ở Hà Nội mấy hôm rồi bữa nào có xe lên Sa Pa chú sẽ gửi cháu lên.
Em bảo:
- Cháu không muốn về Sa Pa nữa, cháu muốn ở lại Hà Nội đi làm và sống.
- Cháu biết làm gì?
- Cháu biết múa. Cháu múa đẹp nhất bản. Để cháu múa thử cho chú xem.

Em uyển chuyển hoà mình vào dòng suối nhạc chảy ồ ạt, mắt em nhìn ướt đẫm tình tứ và đồng thời ngây thơ. Em mềm dẻo như một con mèo và hồn nhiên như một chú sơn ca...

Hân đưa em đến gặp cậu bạn chủ quán cafe - nơi vẫn có những tiết mục múa. Cậu bạn xem em múa thử xong, bảo sẽ nhờ người biên đạo cho em vài tiết mục solo và em sẽ là nghệ sỹ múa độc quyền đầu tiên của quán...Em sẽ là cái thỏi nam châm sống động nóng ấm thu hút mọi ngừơi đến quán.

Hân biết là mình đã yêu.Yêu có nghĩa là quên mất thực tại. Hân quên rằng trước mắt mọi người Hân và em là hai chú cháu – Hân giới thiệu em là con một người bạn. Hân quên rằng em hoàn toàn dửng dưng với Hân, với em tất cả những gì Hân có chẳng có ý nghĩa gì: tiền bạc, bằng cấp, địa vị xã hội... Hân yêu như thể bị bỏ bùa, Hân tin rằng có thể làm tất cả để em yêu Hân. Tình yêu không phải bao giờ cũng ngọt ngào, trong tình yêu có cả chỗ cho nỗi đau đớn. Nhưng trong những ngày thường xám xịt, tình yêu như những tia mặt trời. Và hạnh phúc tình yêu đem đến dẫu ngắn ngủi nhưng là cái duy nhất mà vì nó Hân sống. Quả thật em khiến cho Hân có những cảm xúc cực kỳ mạnh mẽ, tim Hân đập dồn dập mỗi lần trông thấy em.

Trước đây, Hân nghĩ rằng mình đã già. Đang là những ngày Mùa thu. Mặt trời. Gió. Lá. Cỏ. Hoa. Hân biết là cần phải nhìn tất cả như một phép lạ, như một điều kỳ diệu. Nhưng Hân cứ thấy mệt mỏi, thất vọng, như thể chẳng chờ đợi gì trong cuộc sống: “Ừ thì mùa thu, ừ thì mặt trời, ừ thì gió...”. Hân thấy cuộc đời anh như một sân khấu đã hết giờ biểu diễn, đèn cứ tắt dần, tắt dần – như thể niềm say mê sống cứ tắt dần, tắt dần...Hân vẫn khao khát có ai đó bước vào cuộc đời mình, lại bật hết những ngọn đèn lên, lại cháy sáng rực rỡ lên - niềm khao khát sống...
 
12. Nhớ chị!

Nhẹ nhàng, nhỏ nhắn và ít nói. Chị hút hồn tôi kể ngay khi tôi nhìn qua khe cửa, chị đang đan.

- Còn phòng trống ko chị? Cô phiên dịch của đoàn hỏi
- Còn, nhóm mình có mấy người?
- 10 ngượi
- Ok, vậy 5 phòng nhé, 50 tệ/phòng

Thông lệ, tôi sẽ mặc cả và đòi đi xem phòng như mọi nơi mà chúng tôi đến, nhưng ánh mắt chị nhìn tôi khiến tôi không muốn chọn nơi nào khác ở đây nữa.

-Chúng tôi bị lạc mất đường ra cổng chính rồi, chị dẫn chúng tôi ra để chúng tôi gọi bạn và đem hành lý vào nhé. Okie, nhưng một bạn ở lại trông nhà cho tôi.

Không biết tiếng Trung nên tôi ngồi lại, 20 phút chờ đợi là 20 phút mà tôi tìm hiểu, phán đoán về chị và căn nhà của chị.Căn nhà gỗ nhỏ nằm sâu trong thành cổ Lệ Giang, thành phố mà tôi như phát điên lên vì vui sướng khi đặt chân đến. Và căn nhà chị khiến tôi chứng lại, chững lại với một chút mông lung khi thấy chị ngồi đan trong căn nhà nhỏ nơi thành cổ sôi động.

Chị sống một mình, không con và không chồng, tôi phát hiện ra điều đó khi đi quanh ngôi nhà. Không một chút bóng dáng của trẻ thơ và cũng vắng bặt hơi đàn ông, điều khiến tôi khá ngạc nhiên, vì ở tuổi chị người ta cần đàn ông.

Cũng tại lý do này, tôi muốn biết về chị nhiều hơn và với một chút máu phiêu lưu tôi muốn có một chút cảm xúc đặc biệt với chị.

- Ôi phòng đẹp quá,
- Rẻ nữa, quá tuyệt. Mọi người đi tắm rồi 7h tập trung đi ăn nhé.

Thèm được tắm dù trời lạnh cắt da cắt thịt, nhưng tôi vẫn muốn nán lại bên chị . Đợi cho mọi người về phòng, tôi ngồi ngắm chị . Chị vẫn tiếp tục đan và vờ như không có tôi ngồi bên, đôi tay chị nhẹ nhàng, thoăn thoắt luồn từng mũi kim. Những mũi kim khiến tôi không thể nào quên sau này mỗi khi nghĩ về chị.

Uhm, Are you cold ? - Chị hỏi tôi.

Oh, u can speak E ? Tôi ngạc nhiên, có lẽ chị là người hiếm hoi nói được tiếng Anh nơi thành cổ này.

Một chút, chị trả lời. Và dường như một chút của chị cũng đủ để thôi thúc tôi khám phá về chị nhiều hơn.

- Tôi có thể đi ăn tối ở đâu ngon nhỉ ?
- Khu quảng trường, có rất nhiều hàng ăn ngon. Bạn có thể chọn các món nướng, lẩu và rất nhiều món ăn vặt ở đó.
- Ok, done.

Vậy là tôi vẫn ko quên nhiệm vụ của trưởng đoàn. Tìm kiếm thông tin cho bữa ăn tối, nhưng kỳ thực tôi muốn nói chuyện với chị nhiều hơn, ko vì lý do tìm kiếm thông tin, mà vì tôi muốn biết chị.

- Tôi là người Việt Nam, tôi thấy rất thích Lệ Giang mặc dù tôi vừa đến và chưa biết nhiều. Tôi nghĩ là tôi sẽ quay lại. Tôi niềm nở và gây ấn tượng với chị bằng cách khen thành cổ Lệ Giang, mà kỳ thực những lời tôi khen chả thấm vào đâu so với vẻ đẹp của Lệ Giang.

- Nếu thích, anh có thể ở lại. Chị cười, ở đây có nhiều phòng lắm, mà tôi thì chỉ có một mình.
Vậy là đúng như tôi đoán, chị sống một mình.

- Thật chứ, tôi sẽ ở lại đấy . Tôi nói với một nụ cười đầy hạnh phúc kèm theo một chút ma mãnh.
- Chị cười, thật mà. Anh có thể ở lại đây, tôi sẽ dạy tiếng Trung cho anh .
- Tôi cười, niềm vui chẳng tả được sau khi xa nhà vài ngày và ở một thành phố tuyệt đẹp trong cái lạnh tê cóng của mùa đông.
- Chị này, tôi có thể dùng Internet ở đâu được nhỉ ? Tôi muốn copy ảnh ra ổ cứng.
- Uhm, có rất nhiều hàng Internet ngoài phố. Nhưng anh sẽ không phải dùng ngoài đó đâu, tôi sẽ mang máy tính ra cho anh dùng.
- Oh, thật tuyệt vời. Vì đó là điều mà chúng tôi ít khi có được khi đi du lịch bụi, ngủ nhà trọ giá rẻ mà lại còn free internet.

Nói rồi chị dừng đan, chạy ra ngoài cửa gọi một cô bé nhà kế bên ( sau này tôi biết cô bé đó là người giúp việc) về giúp chị chuyển máy tính từ phòng chị ra hành lang cho tôi dùng.

Cảm ơn chị nhiều, nói rồi tôi về phòng. Tắm và miên man nghĩ về chị.

Luôn biết mình là người đa cảm, thêm lần này nữa. Tôi biết tôi sẽ lại rất nhớ đến chị.

7h, tập trung ăn tối . Tôi mở cửa phòng để tìm kiếm chị, chị đi đâu mất rồi…

Thôi chúng ta đi ăn nhé, tôi nói với cả đoàn. Theo đúng chỉ dẫn của chị, chúng tôi tìm kiếm một quán lẩu ấm cúng nơi quảng trường. Bữa lẩu ngon tuyệt sau một ngày dài trên xe, đèn lồng cùng dòng người đi lại khiến chúng tôi có một bữa lẩu ấm áp và đầy náo nhiệt nơi Lệ Giang thành cổ.

Lệ Giang về đêm đẹp tuyệt vời, nhà sát nhà, đèn lồng treo kín cả phố, và xa xa bạn lại được nghe hát đối Yaso Yaso của những nam nữ thanh niên người Hán Xi, tôi cũng tham dự và chỉ hát được mỗi câu Yaso, Yaso…

Mưa, Lệ Giang mưa càng đẹp. Trú mình trong một góc quán café nhỏ nơi quảng trường. Dòng người xuôi ngược thưa dần, ô tiếp ô, đủ các màu được mang ra để dùng. Rất nhanh chóng, quảng trường trở nên vắng lặng, lạnh cóng người tôi bắt đầu rét run và tìm cách trở về nhà chị.

Mọi người đi ngủ hết rồi, chị nhẹ nhàng mở cửa cho tôi trong sự ngạc nhiên của tôi. Tôi không nghĩ chị lại chờ cửa cho những vị khách như chúng tôi. Tôi quay lại nhìn chị, chúc chị ngủ ngon, tôi nói .

Về phòng, một chút ấm áp từ cốc trà giúp tôi lấy lại sức. Phải copy rất nhiều ảnh từ thẻ nhớ ra ổ cứng để mai còn chụp tiếp. Nghĩ rồi làm, tôi mang đống thẻ nhớ ra copy.

Máy tính đặt ở hành lang, đêm lạnh, gió lùa. Rét run người nhưng tôi vẫn cố chờ đợi cho máy tính copy từng thẻ nhớ một vào máy tính rồi copy ngược lại vào ổ cứng. Máy tính của chị cấu hình thấp, nó luôn báo cho tôi biết thời gian copy thẻ 1GB vào khoảng 20 phút, vậy là mỗi thẻ tôi mất ít nhất 40 phút cho việc copy.

Lạnh, yên ắng và buồn ngủ. Vẫn chưa copy xong, 2h sáng.

Oh, chị vẫn chưa ngủ ? Tôi giật mình quay lại nhìn chị, chị nhẹ nhàng đặt lên vai tôi một chiếc áo choàng bông.

Cảm ơn chị nhiều, chúc chị ngủ ngon. Tôi lại nói như một cái máy.

Chị nhẹ nhàng về phòng, vẫn cái dáng nhẹ nhàng khiến tôi hút hồn từ khi gặp chị.

Nhẹ nhàng khép cửa, tôi chờ đợi một tiếng kịch của then gỗ cài.

Cửa vẫn khép….

18 phút nữa dữ liệu ảnh của tôi mới chuyển hoàn tất sang ổ cứng.

17 phút

cửa phòng chị khép hờ…

Tôi đứng dậy, gió lạnh lùa vào từng thớ thịt, rét buốt người. Yên ắng, ko một tiếng thở, tôi nhẹ nhàng đứng bên cửa phòng chị.

15 phút, cái máy tính chết tiệt vẫn chưa copy xong.

Then không cài, tôi muốn…

Nếu…

10 phút
Gió lùa từng cơn, tôi khép cửa phòng chị chặt hơn. Tôi sợ gió lùa làm chị lạnh. Tôi khép cửa phòng chị vào mà như muốn đẩy cửa phòng ra.

Nằm vật ra giường ngủ, tỉnh dậy lúc 6h sáng và tôi phát hiện ra tôi cũng ko cài then cửa đêm qua. Chờ đợi chị, chờ đợi một điều ngạc nhiên…

Chị đâu rồi ? Tôi tìm kiếm và dường như vô vọng.

Hành lý đã sẵn sàng, tất cả chúng tôi lại chuẩn bị lên đường và chị thì vẫn bặt tăm.

Chị chủ nhà đâu rồi ? Tôi nhờ cô phiên dịch hỏi cô bé giúp việc.

Chị ấy đi ra khỏi nhà từ sáng sớm, dặn em tiễn các anh chị đi.

Thanh toán tiền cho cô bé này cũng được, tôi nói. Thủ quỹ của đoàn nhanh chóng rút tiền ra trả.

Em không được thu tiền, cô chủ dặn là đã thu tiền rồi. Chỉ gọi xe chở hành lý giúp anh chị thôi.

Chị…

Tôi ko thể nào quên chị từ buổi sáng hôm đó.


Lệ Giang, 10/2006.
 
13. Vùng cao Y Tý

Rời Mường Hum lúa đang chín vàng óng ả, theo một con đường chưa có trên bản đồ, sương mù dày đặc bao quanh như muốn nuốt chửng đoàn người. Từng xe, từng xe phía trước mất hút vào đám mây, nước đọng long lanh li ti trên mi mắt, trên tóc, lành lạnh, trong veo. Đá lổn nhổn dưới chân, và sừng sững trên đầu.

Rời thung lũng Dền Sáng lúa còn xanh tơ mở ra như một bức tranh của xứ sở nào đó, lạ lùng, thân quen, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Bên này là một dãy núi sừng sững đổ xuống ba dòng thác nhỏ. Núi cao quá, mây cũng chỉ dám vờn ở ngang núi, đỉnh núi vượt trên mây ngạo nghễ. Bên kia nhìn xuống thung lũng trải dài, những người phụ nữ ngồi trên những tảng đá cặm cụi thêu từng mảnh vải trong ánh nắng nhàn nhạt, lặng lẽ và bình yên, dường như nếu núi kia có mòn hết, thì họ vẫn ngồi đó, chiều chiều thêu những tấm khăn cho cả đất trời.

Đường tiếp tục leo lên, lổn nhổn đá, đá tiếp đá. Một anh chàng cưỡi xe Win ngã sóng xoài bên đường, mặt mũi tái nợ nhăn nhó vì đau đớn. Sau mới biết anh ta lao xuống dốc, gặp đúng một xe trong đoàn, tránh vội nên mới thế. Dựng xe giúp và tranh thủ hỏi xem Ý Tý có nhà nghỉ không. Câu trà lời rằng "có" làm khấp khởi trong dạ.

Vượt qua triền núi cao, con đèo vắt sang một bên, mở ra một khung cảnh huyền hoặc như trong tranh. Mặt trời rừng rực sau đám mây, khiến mây sáng rực rỡ, lại cũng mờ ảo ngập tràn. Mây đang dâng lên, chậm rãi và dào dạt.

Ngoảnh lại đằng sau, trời vẫn xanh ngắt, mây vẫn trắng, và hoa dại vẫn mỉm cười dưới chân.

Nếu như Ý Tý nằm ở độ cao 2000 - 2500m, thì con đèo này còn cao hơn thế đến vài trăm mét. Nghĩa là con đèo chưa có tên này còn cao hơn nhiều đèo Ô Quý Hồ - mà trước kia tôi tưởng đã là cao nhất

Một triền núi thoai thoải mở ra sau khúc quanh. Những người bạn đồng hành dở bộ đồ nghề cafe ra chuẩn bị. Bao giờ cũng thế, hương vị cafe dọc đường luôn đem đến sự vui vẻ tỉnh táo, sảng khoái và thư giãn tuyệt vời.

Mây đầu núi dâng lên, bao phủ và xóa nhòa đi mọi ranh giới. Gần và xa, cao và thấp, sắc màu gì cũng không còn nữa. Chỉ còn mờ ảo trắng, mờ ảo bay ngang những làn hơi nước mỏng manh.

Cốc cafe truyền nhau, suýt xoa vì nóng, thổi phù phù. Chỉ có tiếng nói của những người bạn. Đoán xem núi kia cao bao nhiêu, xuống dưới còn bao xa, tối nay sẽ thế nào... Câu chuyện tản mạn buổi chiều.

Thế rồi mây dâng lên cao, tràn qua, thung lũng bên dưới mở ra như một bức tranh. Từ trên cao có thể thấy Ý Tý lác đác nhà bên dưới. Đó sẽ là nơi nghỉ lại đêm nay, một đêm đáng nhớ vùng cao.
Trời đã về cuối chiều, ánh nắng dần tắt. Cả lũ phải rời đít khỏi chỗ ngồi thân ái đấy, rồi bắt đầu băn khoăn xem ai phải là kẻ tiền trạm. Nơi này không giống như những cung đường khác, bởi đây là khu vực biên giới, chỉ cần vượt qua con suối dưới đáy thung kia là sang bên nước bạn Tàu.

Trong lúc cả lũ đang cafe, thì đã có một con xe Win với hai đồng chí ăn mặc ra dáng dân quân tự vệ phóng qua. Áng chừng dưới kia người ta đã biết sắp có một lũ đông đúc đang lần mò đi xuống rồi đây.

Thế là hai xe đi trước, với tờ giấy giới thiệu rất ất ơ của một thành viên : Giấy giới thiệu của hiệp hội Kinh tế Môi trường, cho đồng chí P.Q.A, cộng tác viên báo Môi trường và Đời sống đi làm việc ở Ý Tý.

Đường xuống thị trấn Ý Tý gập ghềnh tối rất nhanh. Cuối cùng cũng đến một ngã ba. Thị trấn nhỏ nhưng cũng có mấy dẫy nhà hai tầng. Một dãy nhà hai tầng ngay bên cạnh đường, thấp hơn mặt đường khá nhiều.

Tớ lần mò nhìn xuống, chưa kịp hỏi thì đã có tiếng hỏi vọng từ dưới lên:

- Có phải giáo viên mới về đấy không ???

Giật mình một tí, tí nữa thì trả lời "Chính tôi đây", sực nhớ mình là khách độ đường. Thế là phải hỏi về cái đồn Biên phòng, với lị ủy ban thị trấn. Hai cô gái bên dưới chỉ trỏ tận tình.

Tiện thể, hỏi một câu "Thế ở đây có cho nghỉ trọ không?"

Có tiếng cười : "Ngay ở đây cũng có, ở chỗ mấy phòng này này... "

Trời sắp tối, phải chạy đến đồn biên phòng ngay, chứ không thì chắc còn nán lại đó lúc nữa, nhỉ ?

Đồn biên phòng nằm cao trên sườn núi ngay chỗ khúc quanh, trạm gác sáng đèn mà không có ai. Mấy đứa đi tận sâu vào trong, gặp được mấy đồng chí. Rối rít đưa tờ giấy "giới thiệu của hội Kinh tế môi trường" ấy ra. Các đồng chí đọc đọc, đọc đọc, ỏ ê mấy câu, rồi lại lôi ra ngoài phòng thường trực, đòi các chứng minh thư.

Một đồng chí tò tí te đi vào, trước tiên lại góc phòng, bật chiếc đài đĩa, để vọng ra một bản nhạc vùng cao cũng khá là hay ho. Rồi mới xoay đi xoay lại xem xét tờ giấy giới thiệu. Đồng chí ý có vẻ quen với những đoàn đi du hí hay sao vậy, nên lúc ấy hỏi tớ : "Ngày nghỉ đi chơi à, sướng thật, ở đây chả có ai có ngày nghỉ cả".
Thôi thì hi vọng người hiểu biết, người ấy giúp cho nhanh nhanh cái.

Lúc ấy nhà Virgo đi vào, đồng chí hỏi : - Đoàn có bao nhiêu người ?

Tớ toan trả lời : - 15 người
Thì Virgo nhảy vào chặn ngang giữa họng : - 14 người ạ !!!

Mắt tớ tròn như chùm nhãn mà các đồng chí ấy để trên mặt bàn, cách tay tớ có chừng chục centimet.
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top