What's new

Đạo Mẫu ở Việt Nam

Phủ Chính - Phủ Tiên Hương

Phủ Tiên Hương là công trình được xây dựng lâu đời - được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Theo truyền thuyết, tư liệu và bi kí thì phủ Tiên Hương xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị ( 1663 – 1671 ) đến năm 1841 được chuyển thành công trình gạch ngói và năm Duy Tân thứ chín ( 1915 ) do tổng đốc Đoàn Triển cho xây dựng lớn như ngày nay.

Năm Dương Hoà thứ 8 ( 1642 ), triều đình cho phép xây lập đền thờ. Đến khoảng năm Chính Hoà ( 1680 – 1705 ) hễ có việc gì thì cầu cúng càng thấy linh ứng. Hàng năm đến ngày 7, 8, 9 tháng 3 thì mở hội…lịch triều phong sắc Mã Vàng Công Chúa thượng đẳng thần, ông Trần Bình Hành cử nhân khoa Tân Mão tức là dòng dõi vậy. ( Trần Lê Hữu dịch – phòng tư liệu khoa sử trường đại học Tổng Hợp Hà Nội ).

Phủ được xây dựng trên khu đất một mẫu bốn sào bốn bề tiếp giáp nhà dân, đường cái xa xa là núi Tiên Hương che chắn mặt tây như bức bình phong khổng lồ.

Tổng thể công trình theo kiểu trùng thiềm, ngoại chữ quốc, lớn nhỏ có 10 toà với năm, bẩy gian. Nhưng công trình chính là các toà phủ thờ và ba toà phương đình mặt tiền.

Các toà thuộc đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, làm theo kiểu dáng cổ truyền dân tộc. Riêng cung đệ tứ có người gọi là bái đường gồm 7 gian dài 22m, rộng 8m hệ thống cột xà vuông lác cạnh, làm rất cầu kì, chạm khắc nhiều đề tài trên bẩy, trên xà, trên mê cốn khá tinh tế, công phu như gợi cho con người nhận biết cảnh “ đào tiên trường thọ ”, cảnh “ kim tiền phú lộc ” mà thế gian dang có sự ước muốn “ phúc, lộc, thọ “. Những đề tài tứ quí, tứ linh cũng rất hấp dẫn nên các toà nhà tuy lớn , dùng loại gỗ tứ thiết mà vẫn như thanh thoát nhẹ nhàng.

Trước sân là “ nguyệt hồ ” làm cân đối theo trục đối xứng, quanh hồ có tương hoa bằng đá làm cầu kì đẹp mắt cử xuống có đôi rồng chầu và giữa tường hoa gắn tấm bia làm kiểu quấn thư khá độc đáo, nội dung nói về việc xây dựng phủ.


Phía ngoài có ba toà phương đình, tuy qui cách to nhỏ, số gian khác nhau nhưng phong cách làm kiểu chồng diêm tám mái như nhau. Hai tào tả hữu cân đối hài hoà đẹp mắt, bên trong đặt những hàng bia đá theo trình tự cân đối, khiến tả hữu phương đình không chỉ là nghi thức tô điểm cho mặt tiền, mà còn có chức năng bảo vệ văn bia, những di sản vừa có giá trị nhân văn, vùa có giá trị sâu sắc mà tiền nhân để lại…

Toà phương dình ở giữa có ba gian trông bề thế hơn, cũng làm theo kiểu mê cốn, băy kẻ, những người thợ đã trau chuốt hơn, đục đẽo công phu hơn. Những cặp nghê đỡ trụ non đấu rế, những mảng đề tài cùng, cúc, trúc, mai trên từng lá cốn ở các vì.

Xung quanh phương đình được diễu tường hoa song tiện, cửa phía Tây có rồng chầu, hai cử phía Đông tạo đôi cặp hổ rất sinh động từ trên nhao xuống lại ngước đầu ngoái cổ nhìn nhau, tựa đón mừng người vào cửa, khiến tào phương đình tạo cho mặt tiền Phủ Tiên Hương thêm ý nghĩa, hấp dẫn gợi cảm cho ai mỗi khi vào hành hương.

Phủ Tiên Hương có khá nhiều đồ thờ tự, tượng pháp câu đối, đại tự được gia công cầu kì, ví như bộ đèn bằng đồng có 36 nơi cắm nến, bộ đỉnh đồng hạc đồng cũng được đúc với kĩ thuật cao, lại có trình độ hội họạ nên họạ tiết trang trí thật trang nhã, lắng đọng lòng người.

Ba bộ long ngai cỡ lớn, được trạm trổ cầu kì các cặp rồng chầu, phượng, ly, qui và hoa lá cách điệu. Lại sơn thiếp theo kĩ thuật truyền thống nên hàng trăm năm mà ánh vàng trong nền sơn sơn đỏ vẫn còn bóng sáng và ấm áp lạ thường.

Sập đá có kích thước 2.2m x 2.0m làm kiểu chân quỳ dạ cá, hoạ tiết bốn góc là chim thần cách điệu, một phong cảnh nghệ thuật từ lâu đời được bảo lưu kế thừa.rồi đường nét hổ phù cũng là đề tài quen thuộc, Những hiện vật này mặc dù thể hiện theo phong cách thời Nguyễn nhưng là những di vật cực kì có giá trị…

Phủ Tiên Hương còn 14 văn bia, song hầu hết là văn bia tiến cúng của thời Nguyễn, thế kỉ 19 và thế kỉ 20 (theo bảo tàng lưu trữ tỉnh Nam Định).Qua những hàng loạt văn bia này chứng tỏ ảnh hưởng của phủ rộng khắp. Từ quan tới dân, từ trong tỉnh tới ngoài tỉnh đều thành tâm với cửa Mẫu, Tấm bia đá :” Quan lại cúng ngân bi ký ” làm ngày 18 tháng 6 năm Duy Tân thứ tám ( 1914 ) có ghi các quan lại đóng góp tiền để sửa chữa Phủ Tiên Hương, thấy ảnh hưởng của phủ rất lớn, các Tổng Đốc, Tuần Phủ Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, các quan đốc học, tiến sĩ đương chức hay về hưu, một số quan lại khác cúng tiến…

Tại Phủ Tiên Hương có thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu ( là người sinh ra Mẫu ) thờ Tam Toà Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ Vị Quan Lớn, Quan Hoàng, Các Chầu, Các Cô, Các Cậu, Thủ Đền, Thổ Thần và có đền thờ riêng Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương cùng Nhị Vị Vương Cô. Do vậy số ban thờ ở đây rất phong phú và đều uy nghi lộng lẫy.

Tại cung đệ Nhị thờ Song Thân sinh ra Thánh Mẫu, có bài vị đặt trên ngai trạm rồng rất trang trọng.

- Bài vị để trên ngai tại giữa gian ghi về Thân Mẫu của Tiên Chúa:

“ Sắc tặng khải sinh Thánh Mẫu Trần môn chính thất, huý Phúc hiệu Diệu Phúc, dực bảo trung hưng trung đẳng thần ”

( Sắc tặng cho người sinh ra vị Thánh :

Bà là vợ Trần Công, tên huý là Phúc, tên hiệu là Diệu Phúc, vị thần bậc trung phò giúp cho cơ đồ nhà nước )

- Bài vị để trên ngai tại gian trái

“ Sắc tặng khải sinh Thánh Phụ Trần quý công , huý Chính tự Đức Chính, dực bảo trung hưng trung đẳng thần ”

( Sắc tặng cho người sinh ra vị Thánh, Thánh Phụ là Trần Quý Công, tên huý là Chính, tên tự là Đức Chính, vị thần bậc trung phò giúp cho cơ đồ nhà nước )

Phủ Tiên Hương được bài trí nhiều đại tự câu đối tán dương công đức, câu đối treo ở toà đệ Tứ ghi:

“ Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn ngũ Bách dư niên quang thực lục.

Lịch triều ba cổn, vi đề nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, ức thiên vạn cổ điện danh bang.

Long phi Quý Sửa thu

Thanh Hoá tỉnh Đốc học Lê Hy Vĩnh phụng soạn ”.

Tạm dịch :

( Ba đời thay đổi, ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn đến nay đã hơn năm trăn năm, sự tích sáng ngời trong thực lực

Các triều phong tặng là con vua, là Đại Vương, là các mẹ, dù cho tới muôn vạn năm sau, tiếng tăm vang động khắp nhân gian.

Rồng bay mùa thu năm Quý Sửa

Đốc học tỉnh Thanh Hoá tên là Lê Hy Vĩnh kính cẩn viết ).

- Câu đối ở gian bên, sơn son thiếp vàng trên gỗ:

“ Giáng sinh tích tại Vân hương quýnh

Bất tử danh tiêu thái lĩnh cao

Long phi kỉ tỵ niên

Phú Lương huyện tri huyện Vũ Đình Hoán bái tiến ”.

Tạm dịch:

(Giáng sinh dấu vết làng Vân, đã xa rồi vậy

Bất tử tên nêu núi Thái, cao vút còn đây

Rồng bay năm Kỷ Tỵ

Quan tri huyện huyện Phú Lương tên là Vũ Đình Hoán lạy dâng) .

Câu đối treo ở tiền đường (cung Đệ Tứ)

“ Chân thân tòng đế khuyết, tam giáng sinh duy trinh duy hiếu, thiên cổ mẫu nghi. Thúc nhiên xa cái vân du, do yết tâm kinh phù thế đạo.

Linh thanh liệt Nam thiên, tứ bất tử thị Phật thị Tiên, vạn gia từ mộ. Đương thử giang hà nhật hạ, khởi duyên phong hội biến Thần quyền.

Duy Tân Quý Sửu trọng thu

Nam Định Tổng Đóc Thanh Oai Đoàn Triển bái đề “ .

Tạm dịch:

( Chân thân từ trên trời ba độ giáng sinh vẫn trinh vẫn hiếu, muôn thủa khuân mẫu người mẹ. Bỗng nhiên xe lọng xa vời, còn để tâm kinh dậy đạo lý cho mọi người.

Tiếng thiêng ở Nam Giao, thứ tư bất tử là Phật, là Tiên, mọi nhà kính mến lòng từ, đang buổi non sông ngày xuống, đâu vì phong vội thay đổi thần quyền.

Giữa mùa thu năm Quý Sửu (1913) niên hiệu Duy Tân

Tổng Đốc Nam Định quê ở Thanh Oai tên là Đoàn Triển lạy viết ).

Phủ Tiên Hương là công trình thờ tự lớn nhất tại Phủ Dầy hiện nay, là nơi thờ Mẫu được du khách về thăm quan chiêm bái lớn nhất tại Phủ Dầy, hàng năm có tới hàng triệu người về thăm quan lễ Mẫu và thăm quan ngắm cảnh.Vẻ đẹp nơi đây quả đúng như lời thơ ghi trên bia năm Minh Mệnh thứ 19 :

Đẹp nhất xưa nay chính chốn này

Muôn dân nhờ cậy phúc ơn dầy

Mây vùng An Thái luôn bao phủ

Nức tiếng anh linh mọi điều hay.
 
Đền Công Đồng

Đền Công Đồng là công trình thờ tự toạ lạc trên cùng đất cao, bao gồm bốn toà với 18 gian thiết kế theo kiểu trùng thiềm hài hoà và cân đối. Toà ngoài cùng là một hệ thống cột đá xanh với đấu cánh sen đầu trụ., đầu trụ còn có một nghê đá chầu, thân trụ tạo gờ chỉ nổi và chạm hoa lá long ly qui phượng đẹp mắt, phía trước là một hồ nước khiến cảnh quan hữu tình.

Cổ xưa Đền Công Đồng thờ thành Hoàng là Tả Lôi Công, hiện còn đặt bài vị tại chính cung ghi “Đương cảnh Thành Hoàng Tả Lôi Công thuần chính đại vương ”. Trong cung còn có pho tượng Tả Lôi Công, to gần như người thật, dáng bệ vệ đường hoàng oai phong, nhưng vẫn độ nét hiền hoà của vị tướng Thần độ trì cho dân cho nước.

Trong đền có một đôi câu đối tán dương công đức của Thần Thánh như sau:

“ Vân vũ thị hồng ân, Nam quốc sinh linh giai nhuận trạch

Giang sơn chung tú khí, Tiên Hương cảnh sắc mạc thanh cao ”

(Ân đức tựa mây lành, người vật nơi nơi đều mong đợi

Khi tốt ở núi sông, Tiên Hương cảnh sắc thật thanh cao ).

Ở toà đệ Tam có một đại tự nền gấm như sau:

“ Vạn phúc du đồng ”.

Hai cung ngoài Đệ Tam và Đệ Tứ thờ Tam Toà Thánh Mẫu, lại thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu và các vị trong hệ tứ phủ.

Trong đền còn lưu trữ được hai tấm bia đá dựng cân đồi hai bên.

- Tấm bia bên phải ghi :

“ Tiên Hương Công Đồng từ bi kí “

( Bia ghi đền Công Đồng ở Tiên Hương ).

Bia cao 1m rộng 0.6m niên hiệu Duy Tân thứ sáu (1912), trạm lưỡng long chầu nguyệt triện lá công phu.

- Tấm bia bên trái ghi về việc phụng sự hội làng của các giáp. Ghi việc rước thần từ các đền phủ trong xã về Đình Ông Khổng vào ngày mùng 6 tháng giêng để tế lễ, ngày mùng tám và mùng chín rước hồi cung về các đền phủ sở tại.

Trong đền còn có một đôi câu đối khắc trên cột đá như sau:

“Địa chung tá thuỷ kỳ sơn tứ phương hoà hội

Thiên sinh ngọc sa giao thuỷ tam nguyệt thường như ” .

(Đất này núi đẹp núi kỳ, bốn phương về tụ hội

Trời sinh cát đẹp nước bay, tháng ba theo lệ cũ ).

Như vậy đền Công Đồng là một công trình thờ tự có từ lâu ( khoảng thế kỉ 17-18) thời Nguyễn và Hậu Lê. Đền Công Đồng là một di tích đẹp trong quần thể Phủ Dầy được đông đảo du khách về thăm quan dâng hương tế lễ.
 
Phủ Bóng

Cây Đa Bóng hay còn gọi là Nguyệt Du Cung hay Phủ Bóng. Theo truyền thuyết là công trình được làm trên nền đất cũ mà Công Chúa Liễu Hạnh hiển linh về ngắm trăng mỗi khi về thăm quê, thăm mộ phần.

“ Có khi tới tổ tiên nhà

Xe loan đạp gió thăm qua cựu phần

Cây Đa Bóng mộ Phụ Thân

La Hào đất ấy Tổ phần đã lâu

Tiên trần nào khác nhau đâu

Chẳng qua chữ hiếu ở đầu mà thôi

Tấm lòng trời đất sáng soi

Ba đời sinh hoá, mây hồi bao dương…”

Đoạn thơ trong tập “ Cá Thiên Tam Thế Thực Lục ” do Đoàn Triển, Tổng đốc Nam Định chủ biên đã nói lên tình cảm của Liễu Hạnh Công Chúa đối với quê hương Phủ Dầy. Bà đã về thăm lại mộ phần, thăm mộ Phụ Thân, thăm mộ Tổ xứ La Hào.

Lại có quan điểm cho rằng Phủ Bóng là nơi thờ hội đồng các bóng các giá, người có căn mạng phải đến đây trình đồng như quấn “Đạo Mẫu Việt Nam ” của tiến sĩ viện trưởng Ngô Đức Thịnh chủ biên năm 1996, trang 121 có ghi: “ Phủ Bóng thờ hội đồng các bóng, các giá. Người có đồng phải trình đồng ở đây, trước khi hầu đồng trong các di tích quần thể Phủ Dầy ”.

Điều đặc biệt là Nguyệt Du Cung được Đào Chi đệ tử Hàn Lâm thi độc Hồ Hữu Du, tên tự chính là Nguyễn Mộng Thạch dâng câu đối, khắc trên đá tại lăng Thánh Mẫu:

“ Thiên Bản địa linh lưu thắng tích

Nguyệt Du thuỷ hoạt tố Tiên nguyên ”.

( Thiên Bản đất thiêng còn mãi dấu xưa nơi Thánh Ngự

Nguyệt Du nước chảy noi theo dòng dõi vị Tiên nương ).

Đền Cây Đa Bóng có hai tấm bia quí là “ Nguyệt Du từ bi kí “ và “ Nguyệt du cung bi kí ”, qui cách 0.8 x 1.3m chạm khắc long chầu phượng vũ, riềm chạm hoa sen, triện tàu cùng hoa lá cách điệu có niên hiệu Vua Bảo Đại (1929), văn bia nói việc hàng năm nhân dịp tháng tám và tháng ba kỉ niệm sinh hoá của Mẫu đều tế tại Nguyệt Du từ.

Trong Phủ còn lưu giữ được chiếc trống đồng làm theo kiểu trống da có tang trống và mặt trống nhưng chất liệu bằng đồng đỏ . Đây là chiếc trống đầy đặn và hiếm thấy, khi đánh tiếng âm vang ấm áp, trên tang trống khắc hàng chữ “ Thành Thái Giáp Thìn niên (1904), Tri Phủ Nghĩa Hưng cùng vợ tiên cúng vào Nguyệt Du Cung - Tiên Hương “.

Trong đền còn có một đôi choé cổ có đường kính miệng chừng 40 cm trạm khắc chữ “ Tiên Hương Nguyệt Du Cung “ và quả chuông đồng “ Nguyệt Du Từ cung “ là những di sản văn hoá có giá trị.

Đền Cây Đa hiện nay đã được tu sửa một cách bề thế. Các ban thờ được bố đẹp và hài hoà. Các ban thờ công đồng, các quan, các cô, cậu, …Và hiện nay Phủ Bóng được tu sửa nạy một cách khá đồ sộ. Chỉ trong một thời gian ngắn Phủ được xây dựng kiên cố. Đặc biệt mới xây dựng cổng Tam Quan khá bề thế, được đắp các hoạ tiết một cách tinh sảo với kĩ thuật cao…

Phủ Bóng hiện nay cũng được đông đảo các du khách về dâng hương chiêm bái. Và trở thành một di tích ngày càng quan trọng trong quần thể di tích Phủ Dầy.
 
Đền Ông Hoàng Mười

Đền Ông Hoàng Mười
Ở làng Xuân Am, xã Ân Công, nay là làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh,huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có một ngôi đền thờ lớn. Nếu lấy địa danh đặt tên thì gọi là đền Xuân Am, nếu lấy thế đất theo thuyết phong thuỷ gọi là Mỏ Hạc Linh Từ, nếu lấy nhân vật được thờ chính gọi là đền Đức Thánh Hoàng Mười.

Tương truyền các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Bát Hải đại Vương ở hồ Đông Đình nên đều là Long Thần nhưng trong các văn chầu từng ông cũng như truyền thuyết ở từng địa phương thì phần lớn các ông là nhân thần, những danh tướng có công đánh giặc, khai phá đất đai.
Ông Hoàng Mười được thờ tại đền là một danh tướng thời nhà Lê, gốc ở tỉnh Nghệ An, được nhân thế hoá, phàm tục hoá thành Thái uý Vĩ quốc công, trở thành vị thần chính ở đền Xuân Am hay đền đức thánh Hoàng Mười, còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), vua Khải Định có sắc Phong “Quang uý Trung đẳng thần”, trong tín ngưỡng tâm linh nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng thần”.

Lễ hội Đức thánh Hoàng Mười


Địa điểm: Tại đền thờ và mộ đức thánh Hoàng Mười - Xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An
Lễ hội diễn ra hai lần trong một năm, gọi là lễ hội rước sắc vào ngày 15/3 âm lịch.
Lễ khai điển vào ngày 10/10 âm lịch - ngày kỵ ông Hoàng Mười để ghi nhớ công đức của Ngài

Phần lễ:

- Sáng ngày 14/3 âm lịch: lễ yết cáo

- Tối ngày 14/3 âm lịch: lễ đại tế

- Sáng ngày 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương

- Tối ngày 15/3 âm lịch: lễ yết cáo

- Tối ngày 09/10 âm lịch: lễ đại tế

- Sáng ngày 10/10/âm lịch: lễ tưởng niệm,dâng hương

- Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ

Phần hội :

- Chiều ngày 14 tháng ba và chiều ngày 09 tháng mười âm lịch: Rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền.

- Chiều ngày 15 tháng ba và chiều ngày 10 tháng 10 âm lịch: Hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người.

- Sáng ngày 16 tháng ba và chiều ngày 11 tháng mười âm lịch: Rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am
 
Lễ Mở Phủ

Lễ mở phủ còn được gọi là lễ ra đồng sau khi làm lễ thì người có đồng mới chính thức là 1 con đồng tứ phủ.
Trong 3 năm tính từ ngày mở phủ người đó được gọi gọi là tân đồng. sau ba năm tân đồng làm lễ tạ đàn bốn phủ và được coi là đồng thuộc . Những người có căn số làm thầy sẽ được phong quan ( thanh đồng đạo quan) và họ có thể đi mở phủ cho người khác. Những ai có khả năng xem bói , bói bằng linh cảm thì thường Khi mở phủ có đàn chúa bói và cách thức mở phủ có hơi khác bình thường 1 chút . người ta gọi những con đồng này là đồng bói....
Tân đồng khi làm lẽ mở phủ phải chuẩn bị rất nhiều thứ trong đó rất quan trọng là phải có 1 khăn phủ diện 1 áo công đồng khăn tấu hương.... Khăn áo cũng rất nhiều tùy vào điều kiện họ phải sắm mỗi giá 1 bộ khăn áo Đây là nguyên tắc chung còn nhiều khi người ta chỉ cần 5 bộ áo dài 5 màu gồm đỏ xanh trắng vàng và xanh lam hay mượn khăn áo của người khác. Nhưng đặc biệt là khăn áo công đồng (do tiên thánh sang khăn sẻ áo cho ) không được mượn và cũng không được cho ai mượn khăn áo đó
Đại Lễ trình đồng ( tiếp)
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì (lên đồng) bắc ghế hầu thánh là nghi lễ phổ biến và quan trong
Lễ mở phủ là buổi lễ ra đồng của 1người có căn đồng số lính.Để tiến hành lễ mở phủ đệ tử phải mời về 1 đồng thầy ( người sẽ mở phủ và dạy phép nhà thánh cho tân đồng). và pháp sư cung văn , tứ trụ hầu dâng cây quỳnh cây quế ( những người thay khăn thay áo ,lên hương cho thanh đồng)

Lễ mở phủ về cơ bản cũng giống như 1 lễ hầu đồng bình thường .trong lễ mở phủ có các nghi lễ sau

Lễ phát tấu thỉnh ngũ phương (lễ mặn)
thỉnh phật tụng kinh dược sư
Khoa trình đồng tứ phủ( có lễ tam sinh thường là lợn, gà, ngan hoặc lợn gà cá( cá rán hoặc cá nướng))
Khao sơn trang
khao thiên quan
Khao hạ ban ( ngũ dinh)
cúng chúng sinh
Có nơi còn có khoa cúng trần triều

Sau đó đồng thầy mới vào hầu thánh và làm lễ mở phủ cho đồng mới

Trong tín ngưỡng Tứ phủ có nhiều khoa cúng khác nhau như khoa cúng Phật, khoa cúng Mẫu, khoa cúng Tứ phủ trình đồng (dành cho người bắt đầu xin gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ để đi hầu bóng), khoa Tam phủ đối kháng (cúng để xin cắt tình duyên cho người người trần khỏi cõi người âm), khoa Tam phủ thục mệnh di cúng hoán số (cúng Nam tào Bắc đẩu để xin đổi số, phê cho số trường sinh), Cúng Thục án Diêm Vương, cúng trăm phù cửu đỉnh, là những đàn cúng cho người mười phần chết tám
v.v.. Người ta thường cúng khoa cúng Phật (nếu đền thờ vọng Phật), khoa cúng Mẫu, hoặc cúng chung cả hai khoa cúng trên gộp thành khoa cúng Phật-Mẫu. Nội dung khoa cúng có thể chia làm ba phần. Phần đầu để khai quang đàn tràng, dâng hương Phần giữa với mục đích để thỉnh chư Phật, chư Thánh theo thứ tự từ cao xuống thấp. Phần cuối mời chư Phật, chư Thánh an tọa, thụ hưởng và cuối cùng các vị thần trở lại nơi mình ngự trị.

Trong lễ trình đồng,đồng mới có thể mòi pháp sư làm lễ trung cúng và tiểu cúng hoăc có thể làm lễ đaị cúng.trong lễ đại cúng có múa Sái tịnh với ý nghĩa làm sạch sẽ đàn tràng là một hiện tượng văn hóa khá độc đáo trong khoa cúng Phật-Mẫu. Pháp chủ mặc áo cà sa năm điều, đội mũ thất Phật. Một tuần Sái tịnh gồm múa khai hoa, kết ấn, múa vòng thuận nghịch, thư chữ trong chén ngọc chản, cầm cành dương liễu vảy sái chữ tâm.Trong khoa cúng, ngoài am hiểu khoa giáo, các thầy cúng cũng phải sử dụng các nhạc cụ thích hợp chư chuông trống bạt thanh la.... Mỗi thầy cúng đảm nhiệm ít nhất một nhạc cụ. Vị trí ngồi trong dây của họ bị chi phối bởi sự sắp xếp theo quy định của các nhạc cụ. Thông thường, pháp chủ sẽ đảm nhiệm một mõ, một chuông. Người đầu dây tả đảm nhiệm trống canh, người thứ hai chơi trống cái, người thứ ba gõ thanh la. Người đầu dây hữu chơi tiêu cảnh, người thứ hai xóc đôi nạo và người thứ ba gõ bạt

LỄ PHÁT TẤU thỉnh năm vị sứ giả đồ lễ 1000 vàng ngũ phương( 5 màu)

5 ngụa bé +5 xiêm y +mũ +hài

lễ mặn

mâm phát tấu gồm

5 trứng năm mầu
5 vở+bút ( ngày xưa dùng bút lông có thêm thỏi mực tàu còn bây giờ dùng bút bi cho tiện)
5 gương +5 lược
5 khăn bông+5 khăn mùi xoa
5 quạt 5 màu
5dao+5 kéo+thuốc lào
5 nước hoa + 5 bật lửa
thỉnh phật tụng kinh dược sư



trong lễ mở phủ quan thầy hầu 6 giá quan trọng nhất để mở phủ là 5 giá quan và giá chầu đệ nhị>Ngoài ra còn hay thấy hầu giá đức ông trần triều và chúa nguyệt hồ

trong ngũ vị tôn quan thường là 4 vị quan từ quan đệ nhất tới quan đệ tứ mỗi quan mở 1 phủ tương ứng và quan tuần tán đàn

có nơi quan đệ nhất chỉ chứng đàn quan đệ nhị mở 2 phủ quan tam mở 2 phủ lại cũng có nơi quan đệ tam và quan đệ tứ mỗi vị mở 2 phủ

thường mỗi phủ có 1 mâm lễ và 1 ché nước tượng trưng cho mỗi phủ khi mở phủ các quan về chứng lễ và dùng gáo để đập ché và tưới nước tắm cho đồng mới ( tương trung thui bây giờ dùng nước hoa phun lên đồng mới)

mâm bốn phủ có các lễ vật giống mâm phát tấu với số lượng đồ lễ là trai 7 gái 9

ngoài ra còn có cầu giấy 4 mầu và khăn 4 phủ( 4 mầu)

gạo muối cau tiền

mâm sơn trang đồ lễ gồm 13 ( hoặc 15 phần)

gồm 1 đĩa nếp cẩm. 1 quả dừa tôm cá mực cua cành măng tươi ....

mâm sơn trang dâng cô bé thượng gồm chanh ớt gừng dứa ,,,

mâm sơn trang dùng để chứng đàn gồm 13 quả trứng xanh và đồ lễ gần giống mâm phát tấu


trên ban công đồng thường được bày như sau

Mũ ngọc hoàng, mũ quan nam tòa bắc đẩu mũ bình thiên

mũ các quan 5 bài vị 5 màu bốn phủ (đỏ xanh vàng trắng tím) 1 bài vị bản mệnh mầu hồng

bày bốn mâm bốn phủ cùng với 4000 vàng bốn phủ tương ứng và 4 ché nước 4 phủ được bịt kín bằng giấy trang kim hoặc giấy 4 màu tương ứng với bốn phủ

4 gáo nước ( hoặc 2 gáo nếu chỉ có 2 quan về mở phủ)

Long chu phượng mã

đại mã dâng các quan

1 ngựa đỏ thiên phủ
1 ngựa xanh nhạc phủ
1 thuyền rồng trắng,tam đầu cửu vĩ
1 voi vàng địa phủ
1 ngựa tím dâng quan tuần
trên ngụa có tráp áo
5000 vàng năm mầu dâng các quan
rắn nghê và 5 hình nhân 4 hình nhân bốn phủ 1 hình nhân hồng bản mệnh

dâng sơn trang
4 toà sơn trang 4 màu (xanh,đỏ,trắng,vàng), mỗi toà gồm 1 hình chúa bà ngồi trên bệ,2 hình chầu cầm quạt chầu vào,12 hình cô, 1 thuyền nhỏ,1 bè nhỏ,1 thoi nhỏ,1 núi giùm,1000 vàng đại,1000 vàng cô 12,1bộ hải sảo

thường chỉ dâng tòa sơn trang màu xanh

dâng 3 tòa chúa bói cũng giống tòa sơn trang nhưng thường nhỏ hơn 1 tý

dâng ông hoàng
3 ngựa 3 màu: trắng ,tím ,vàng nhỏ hơn ngựa dâng các quan lớn 1 chút

tráp áo và 3000 vàng 3 màu trăng tím vàng

dâng cô 5000 vàng cô 5 màu dâng 5 cô :cô đôi ,cô bơ ,cô sáu ,cô chín ,cô bé

dâng cậu 2 ngựa nhỏ hơn ngựa dâng ông hoàng màu trắng và xanh cùng vàng hoa dâng cậu bơ và cậu bé

Có nơi dâng cả mã trần triều gồm ngựa tráp áo đỏ + vàng thiếc
 
Diễn Xướng Lên Đồng

Lên Đồng ( Hầu Bóng ) là nghi lễ chính của thờ Mẫu tứ Phủ.

Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác các ông Đồng, Bà Đồng, là sự tái hiện các hình ảnh các vị thánh nhằm phán truyền , chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu. Nghi thức lên đồng mang những sắc thái địa phương, trong đó có kể đến Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Trong lên đồng, mỗi lần một vị Thánh nào đó nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng ( nhập đồng ) rồi lại xuất hồn ( thăng đồng ) thì gọi là một Giá Đồng . Trong một giá như vậy , đầu tiên là một vị Thánh nhập đồng , thay trang phục, làm lễ cúng Thánh Mẫu, nhảy múa , ban phúc lộc, phán truyền rồi thăng đồng ( xuất đồng ).

Trong nghi thức hầu bóng , để cho Thánh nhập người hầu đồng phải thoát khỏi trạng thái tâm lý bình thường, họ không còn là họ nữa , mà chỉ là cái xác để Thánh nhập vào, do vậy mà tuỳ từng vị thánh mà người hầu đồng có những hành động , tư thế nét mặt khác nhau sao cho phù hợp với vị thánh đó. Để tạo lên trạng thái tâm lý như vậy, Ông đồng , bà đồng phải đưa mình vào trạng thái ngây ngất này, ngoài bàn thờ và hương khói các màu sắc mạnh của đồ thờ , quần áo còn có vai trò của âm nhạc, lời hát, tiếng trống, rượu, trầu , thuốc lá…

Nghi lễ mở đầu
Trước khi hầu đồng, Ông Đồng, bà Đồng thông qua người chủ đền phải làm lễ chúng sinh và lễ Thánh. Đồ lễ chúng sinh được đặt trên một cái mâm, trên đó có các đồ vàng mã cắt thành hình quần áo, tiền , vàng, thỏi bạc, những bát cháo, bánh trái và thức ăn khác. Có khi trên mâm còn có mấy đồng tiền bỏ vào mâm, chậu nước dành cho những vong hồn chết đuối. Lễ chúng sinh có mặt trong tất cả các nghi lễ của tín ngưỡng Tứ Phủ và các tín ngưỡng dân gian khác, dành cho những vong hồn chết dữ hay không có người thừa nhận, không có người hương khói cúng giỗ.

Trang Phục
Về nguyên tắc mỗi vị thánh nhập đồng thì phải có trang phục riêng, do vậy có bao nhiêu giá thì có chừng ấy bộ trang phục tương ứng.Những trang phục cơ bản không thể thiếu được trong các buổi hầu đồng là khăn phủ diện màu đỏ dùng chung cho tất cả các giá đồng khi Thanh đồng giáng đồng hay thăng đồng , các loại áo dài , các loại mũ , khăn , thắt lưng, đai , thẻ ngà vòng…điều đặc biết là màu sắc trang phục phải phù hợp với từng Phủ của vị thánh đó như Tiên Phủ - màu đỏ, Nhạc Phủ - màu xanh, Thoải Phủ - Màu trắng, Địa Phủ - màu vàng.

Con nhang đệ tử

Là tín đồ của đạo Mẫu, con nhang là những người đã làm lễ đội bát nhang, gửi bản mệnh của mình ( bát nhang ) vào một đền phủ nào đó để thờ thần linh Tứ Phủ che chở.

Hàng tháng , cứ ngày mồng một và ngày rằm phải đến đền mà mình gửi bát nhang để cúng lễ.

Đệ tử có thể là những người chưa gửi bát nhang vào đền phủ nhưng có lòng tin vào sự linh thiêng của Thánh Mẫu. Do vậy vào dịp lễ tết hay lên đồng họ thường tham dự và cầu xin Thánh Mẫu ban tài lộc.
 
SỰ TÍCH Tiên Chúa nơi Xứ Lạng

Đền Lạng Sơn thấy cổ tự rêu phong bên sườn núi, với những hàng thông cao gió reo, những khóm lan tươi tốt….Và xa xa chim lạc ngậm hoa, vượn khỉ dâng quả.

Trong chùa thì bia đá phủ rêu xanh, tượng Phật bụi thời gian bao phủ… Thức cảnh sinh tình Tiên Chúa ngẫu hứng ngồi ghế gẩy đàn theo ý thơ ở góc ba cây thông.

“ Cô Vân lai vãng hề sơn thiếu nghiêu

U điểu xuất nhập hề lâm yêu kiều

Hoa khai mãn ngạn hề hương phiêu phiêu

Tùng minh vạn hác hề thanh tiêu tiêu

Tứ cố vô nhân hề quỳnh trần hiệu,

Phủ đàn trường khiêu hề độc tiêu dao

Hu ta hề, sơn lâm chi lạc hề

Hà giảm linh tiêu”.

Dịch nghĩa ( Vũ ngọc Khánh )

Đám mây bây đi bay lại chừ, núi cao ngất

Chim đàn lượn ra lượn vào chừ,rừng um tùm

Hoa nở đầy bờ chừ, hương thoang thoảng ,

Thông reo muôn hàng chừ,tiếng rào rào

Bốn mặt vắng tanh chừ,cách bụi trần

Gẩy đàn ca hát chừ,tư ý tiêu giao

Than ôi chừ, cái thú sơn lâm chừ, kém gì trên cung mây.

Tiên Chúa vừa hát vừa ca ngợi cảnh núi rừng hao lá, trời mây thiên nhiên song, bỗng có tiếng người ngoài đường xướng rằng:

“ Tam mộc xâm đình, tạo trước bảo hề nữ tử ”

( Ba cây mọc tốt tươi trước sân, ngồi đó một nàng gái đẹp )

Tiên Chúa liền ngước nhìn thấy một người mặc áo đẹp, chít khăn kiểu thư sinh, cưỡi ngựa tốt, lại có cờ mao, lính hầu đi theo liền ứng khẩu:

“Tùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân ”

(Điệp trùng non xanh cùng nối bước, đâu tới sứ giả quan nhân )

Viên quan xuống ngựa hỏi:

Nàng là người ở đâu mà thông minh,tài giỏi như thế?

Tiên Chúa bèn trỏ tay vào trong khe núi và bảo :

- Tôi là người trong núi này !

Viên quan liền xuống:

Sơn nhân bằng nhất, kỉ, mạc phi tiên nữ làm phàm

( Người trong núi ngồi một ghế, phải chăng Tiên nữ giáng trần )

Tiên Chúa ứng khẩu đáp:

-Văn Tử đới trường cán, tất thị học sinh thị trướng

( Chàng văn nhân khăn dài, hẳn bậc nho sinh tài giỏi )

Viên quan nghe song vội vàng cúi chào, nhưng khi ngẩng đầu nên thì không thấy hình bóng người Tiên đâu nữa. Tìm trong chùa cũng biệt tăm, chỉ có cây gỗ “ mộc ” nằm ngang bên đường, nhìn kĩ trên thân cây thấy bốn năm chữ “ Mão khẩu công chúa ”, trên cây gỗ còn có biển đề “ Băng mã dĩ tẩu ” .

Những người tháp tùng không hiểu bèn hỏi ý nghĩa, viên quan liền giải thích:

- Mão Khẩu Công Chúa, lại thêm chữ mộc là Liễu Hạnh Công Chúa. còn biển đề băng mã dĩ tẩu nghĩa là đợi ta, hộ Phùng ( chỉ Phùng Khắc Khoan vì chấm băng bên chữ mã là chữ Phùng ) khởi công vậy ( chữ dĩ trong chữ tẩu là chữ khởi ). Nghĩa là người Tiên giao cho Phùng Khắc Khoan khởi công tu sửa chùa nơi đây.

Quan trạng liền cho gọi các lão làng vùng sơn trang này giao cho một khoản tiền để tu sửa ngôi chùa bên núi. Ông còn để lại một bài thơ ( tạm dịch như sau ):

“ Rừng tùng tịch mịch bóng chùa xa

Tiếng hát đâu từ phía núi xa

Một khúc vờn mây người chẳng thấy

Đầy trời sắc núi cảnh nguy nga ”.

Từ đó về sau hành tung của Tiên Chúa nay đây mai đó không định. Lúc thì chơi trăng cợt gió, khi qua sông lớn núi cao hoặc vãn cảnh danh lam chùa Tháp khắp mọi nơi. Tiên Chúa còn trở lại thăm cảnh Đông kính như Báo Thiên, Hoàng Đình Đồng Tân…
 
Truyền Thuyết Quan Lớn Đệ Tam-1 vị thánh trong đạo Mẫu

Đền Lảnh Giang (nhân dân thường gọi là Đền Lảnh) nằm trong địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Theo Thần Phả, Đền này thờ Tam vị danh thần họ Phạm đời Hùng Vương thứ 18, Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử.

Căn cứ vào thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (sự tích ra đời một vị thuỷ thần triều vua Hùng(() Thần tích này do Bát phẩm thư lại Nguyễn Hiền, tuân theo bản cũ triều trước, chép lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Thần tích đang được lưu giữ tại Đền Lảnh.) cùng các sắc phong, câu đối, cũng như truyền thuyết địa phương thì lịch sử ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Vương được thờ ở Đền Lảnh Giang như sau:

Ngày xưa, ở trang An Cố, huyện Thuỵ Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam có vợ chồng ông Phạm Túc ăn ở phúc đức, chỉ hiềm một nỗi ông bà tuổi đã cao mà vẫn chưa sinh được một mụn con nối dõi.

Một đêm trăng thanh gió mát, vợ ông (bà Trần Thị Ngoạn) đang dạo chơi bỗng gặp một người con gái nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, không có anh em thân thích, đi tha phương cầu thực. Động lòng trắc ẩn, bà Ngoạn liền đón cô về làm con và đặt tên là Quý. Ông bà coi nàng Quý như con ruột của mình. Vài năm sau, trong lúc gia đình đang vui vầy, đột nhiên ông Túc mắc bệnh rồi qua đời. Hai mẹ con đã tìm một nơi đất tốt để an táng cho ông.

Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn lấy nàng, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình nằm bên bờ sông và thuồng luồng đã bỏ đi. Từ hôm đó nàng thấy trong lòng chuyển động và mang thai. Không chịu được những lời gièm pha khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở Trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc). Rồi đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tân Tỵ, nàng Quý chuyển dạ, sinh ra một cái bọc. Cho là điểm chẳng lành, nàng liền đem chiếc bọc đó quẳng xuống sông. Chiếc bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ, nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh thấy lạ bèn khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao” Khấn xong ông Minh rạch ra, bỗng thấy ba con rắn từ trong bọc trườn xuống sông. Con thứ nhất theo hướng về cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám – nơi nàng Quý đang sinh sống. Nhân dân các trang ấp trông thấy đều sợ hãi, cùng nhau ra bờ sông tế tụng, xin được lập sinh từ để thờ.

Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

Sinh là tướng, hóa là thần

Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời

Khi nào giặc dã khắp nơi

Bọn ta mới trở thành người thế gian(1)

(1)Tương truyền ba vị tướng thời Hùng là con của Bát Hải Long Vương và Nàng Quý. Nàng Quý là con nuôi của vợ chồng ông Phạm Túc. Do vậy về sau nhân dân ghép họ Phạm cho các ông.).

Bấy giờ Thục Phán – thuộc dòng dõi tôn thất vua Hùng, thấy Duệ Vương tuổi đã cao mà không có con trai, nên có ý định cướp ngôi. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc, chia quân làm 5 đường thuỷ bộ cùng một lúc đánh vào kinh đô. Duệ Vương cho gọi tướng sĩ lập đàn cầu đảo giữa trời đất. Đêm ấy nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thuỷ thần sinh ở đạo Sơn Nam, hiện còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉnh dậy Duệ Vương liền cho sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang Đào Động (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng mình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Phạm Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó, ông Phạm Vĩnh gọi hai em đến bái yết thân mẫu, rồi cùng nhau đi yết kiến Duệ Vương. Vua Hùng liền phong cho ông là Trấn Tây, giữ các vùng Sơn Nam, ái Châu, Hoan Châu. Hai em và các tướng hợp lại, dưới sự chỉ huy của ông, 5 đạo quân Thục đều bị tiêu diệt.

Nghe tin thắng trận, Duệ Vương liền truyền lệnh giết trâu, mổ bò khao thưởng quân sĩ. Vì có công lớn nên nhà vua lại phong cho ông là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần” nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Phạm Vĩnh cùng hai em về quê hương bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng.

Thấy ở bên sông có khu đất tốt, ông Phạm Vĩnh cho lập đồn dinh cư trú, ban cho dân 10 hốt vàng để mua ruộng đất, khuyến khích nông trang, khuyên mọi người làm việc thiện lương. Nhờ công đức của ông mà nhân dân khắp vùng được sống yên vui.

Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình.

Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Các triều đại sau đó cũng có sắc phong cho ông (hiện trong đền còn giữ 12 sắc phong. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7, ngày 18 tháng 10 có chép: “Sắc cho xã An Lạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam phụng thờ Trấn An Tây Nam Tam Kỳ Linh ứng triều Hùng thiêng liêng rõ rệt, trước đây chưa có dự phong. Gặp nay trẫm vâng chịu mệnh lớn, nghĩ đến công thần biểu dương phong cho vị thần, phò giúp nền nếp quốc gia, cho phép y theo lệ cũ kính thờ”.

Hàng năm tại Đền Lảnh Giang, nhân dân địa phương tổ chức 2 kỳ lễ hội chính vào các ngày từ 18 đến 25 tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Theo tục lệ địa phương thì kỳ lễ hội tháng 6 là để dành cho các khách thập phương, còn kỳ lễ hội tháng 8 chủ yếu dành cho các khách quanh vùng. Những ngày này thường gặp nước sông Hồng dâng cao nhưng lòng dân vẫn hướng về ngày lễ hội. Có nhiều năm nước ngập nhưng các thiện nam tín nữ cùng nhân dân bản địa vẫn bơi thuyền ra đền dâng lễ và thực hiện đầy đủ các nghi thức để tỏ lòng tôn kính tam vị danh thần họ Phạm, Tiên Dung và Chử Đồng Tử.

Cụ Bùi Bằng Đoàn(() Cụ Bùi Bằng Đoàn (1886 – 1953) là người xã Liên Bạt, huyện Sơn Lăng tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Cụ đỗ Cử nhân năm Thành Thái thứ 18 (1906), làm Thượng thư Bộ Hình. Sau Cách mạng tháng tám 1945, cụ được làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bài thơ này cụ viết vào tháng 2/1907.) khi viết về công lao đánh giặc của ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Vương thờ tại Đền Lảnh Giang trong tập sách “Giang Sơn cổ tích đề vịnh”, có bài thơ như sau:

“Hùng gia quý thế tam huynh đệ

Phạm tộc giang hương phả tượng truyền

Phá tặc an dân nhân dĩ viễn

Anh thanh thiên cổ nguyệt cao huyền”.

Dịch là:

Anh em ba vị cuối triều Hùng

Họ Phạm quê nhà xóm bãi sông

Đánh giặc cứu dân người đã khuất

Còn nêu sự nghiệp sáng trăng trong.

Trong báo cáo ngày 16/5/1996, cơ quan Bảo tàng lịch sử tỉnh Nam Hà (cũ) có nhận xét: Đền Lảnh Giang là di tích thờ ba vị tướng họ Phạm thời Hùng Duệ Vương có công lao đánh giặc Thục, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Khi đất nước thanh bình, các ông là những người quan tâm, chăm lo đến sản xuất, làm cho đời sống nhân dân ngày một ấm no hạnh phúc... Đền Lảnh Giang là công trình kiến trúc quy mô, uy linh, bề thế, mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc và xây dựng cổ truyền của dân tộc. Tại đây còn giữ được nhiều cổ vật thờ cúng có giá trị cao về nghệ thuật.

Từ những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cổ truyền dân tộc của Đền Lảnh Giang, ngày 5/11/1996, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp bằng công nhận đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia
 
Chợ Viềng

Chợ Viềng hay còn gọi là chợ Viềng xuân ,họp đêm ngày mùng 7 và cả ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm. Chợ Viềng được tổ chức nhiều nơi nhưng trong đó chợ viềng tại Phủ Dầy có số lượng khách về lễ và tham gia hội chợ là đông nhất.

Có người cho rằng chợ Viềng là do đọc chệch đi từ chữ Viền ( về ), tức là về nơi thờ Mẫu đo du xuân để lấy lộc đầu năm. Nên chợ Vỉềng hễ có là đem bán, và thấy thích là mua không ngại đắt rẻ. Nhưng có người cho rằng chợ Viềng là chợ trời, chợ thần tiên bởi lẽ chữ Nôm viết chữ trời gồm chữ thiên và chữ thượng ở dưới hợp thánh chữ trời, hay còn gọi là chợ đêm hay chợ âm phủ vì sưa kia hay bán đồ hàng mã.

Chợ Viềng Phủ Dầy thường họp ở ven đường 56 và khu đất trước đình Ông Khổng thuộc thôn Tiên hương kéo dài về tận Phủ Tiên Hương.

Chợ họp tự nhiên ngoài trời, nhưng vô cùng tấp lập và đông người, mặt hàng phong phú nhưng chủ yếu là các mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp hay cúng lễ, và đồ sinh hoạt. Các sản phẩm được bán như đồ thờ bằng đồng, nồi song chậu, các loại hàng mây tre đan như thúng nia, đòn gánh…các đồ mộc tinh sảo chạm trổ như đồ thờ bà ghế, giỏ ấm đến con trâu của các làng nổi tiếng như La Xuyên, Ninh Xá, Cát Đằng hay Hổ Sơn. Các đồ chơi dân gian cảu trẻ nhỏ…

Đặc biệt chợ Viềng được đông đảo du khách mua nhất vẫn là các loại cây như cây ăn quả, cây giống đặc biệt là cây cảnh được cắt tỉa một cách tinh tế của các làng nghề cây cảnh nổi tiếng trong cả nước.

Gần đây, khi khách hành hương về chợ Viềng chơi hội không thể bỏ qua là việc mua cành vàng lá ngọc tại các sân phủ để lấy lộc đầu năm để mang sự tốt lành làm an thịnh vượng cho cả một năm. Đặc biệt là không quên mua một ít thịt bò thui ở chợ Viềng để cầu may cả năm.

Khi về chợ Viềng thì ngoài việc đi mua lấy lộc đầu năm, các du khách thường vào thăm quan chiêm bái lễ Mẫu tại Phủ Dầy tại các đền phủ cầu cho một năm gặp nhiều may mắn. Vì vậy mà trong nhân dân thường lưu truyền mấy câu thơ như sau:

Mồng một ăn tết ở nhà

Mồng hai chơi điếm mùng ba chơi đình

Mùng bốn chơi chợ Quả Linh

Mồng năm chợ trình mồng sáu non Côi

Qua ngày mồng bẩy thì thôi

Bước sang mồng tám sang chơi chợ Viềng.​
 
Chào bác ChauBe,

Chúng tôi thấy bác post liền nhiều bài viết mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng lên diễn đàn phuot.com, một diễn đàn chuyên về du lịch.

Chúng tôi đang có một số băn khoăn về loạt bài này và đang xem xét kỹ nội dung của từng bài xem có phù hợp với điễn đàn phuot.com không.

Trước mắt, chúng tôi cũng có mấy câu hỏi với bác:
1. Những bài viết đó là do bác tự viết hay bác copy từ nguồn khác? Nếu là bài bác viết thì trước khi đăng lên phuot.com, bác đã đăng ở trang web/ấn phẩm nào khác chưa? Nếu có, vui lòng bác cho biết tên của các trang web/ấn phẩm đó.
2. Bác đăng ký nick vào diễn đàn phuot.com chỉ với mục đích quảng bá về tín ngưỡng?

Trong khi chờ bác trả lời những câu hỏi trên, và cho tới khi chúng tôi có quan điểm chính thức về loạt bài viết của bác, yêu cầu bác không tiếp tục post tiếp bài có nội dung tương tự. Chúng tôi tạm thời gộp tất cả các topic thành một và sẽ tạm khóa nó lại. Topic sẽ được mở và chia tách lại nếu chúng tôi quyết định cho đăng.

Mong bác hợp tác!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top