What's new

[Chia sẻ] Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ 2016 (Phi, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar)

Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ 2016 (Phi, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar)

Giới thiệu
Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 24 ngày qua 5 nước Đông Nam Á bao gồm Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Cung đường bắt đầu từ Việt Nam – Philipine – Brunei-Bali-Malaysia và Myanamar. Mỗi đất nước chúng tôi có nhiều chuyến đi nhỏ tới các thành phố khác nhau.
Vì sao lại là Đông Nam Á? Nếu bảo chúng ta phải bước ra ngoài biên cương lãnh thổ và tổ quốc, Đông Nam Á là hành trình dễ dàng nhất để đi. Đông Nam Á, hành trình cách Việt Nam chỉ hơn hai giờ bay mỗi nước, có những nước giáp biên chỉ cần một chuyến xe sáu tiếng là tới. Nơi bạn chỉ cần một quyển hộ chiếu và một hành trình chi tiết là có thể bay đến vô điều kiện. Không cần visa, không tốn phí nhập cảnh… nơi chi phí như ở Việt Nam.


LhSxgIu.jpg

Hành trình của chúng tôi​
Ngày 1 (30/1/2016)
Vậy là cũng xong, tro cốt của ba nuôi tôi được đưa vào chùa, chúng tôi dọn dẹp lại đám tang sau hơn hai ngày thức trắng. Nguồn năng lượng gần như cạn kiệt, mấy anh chị em chẳng thèm ăn bữa trưa cùng nhau mà nằm la liệt ra ngủ. Đêm trước chuyến đi, chúng tôi bị stress kinh khủng. Ba bị bệnh nặng và dự tính là sẽ không qua khỏi, trong khi hành trình Đông Nam Á của chúng tôi kéo dài 24 ngày chỉ còn chưa đầy 24h nữa bắt đầu. Mọi người bảo trước sau gì ba cũng sẽ mất và dang dở hành trình. Còn hành trình này, chúng tôi đã vất vả chuẩn bị cả sáu tháng săn vé rẻ, lên lịch trình, tiết kiệm tiền…

Ba tôi mất trước ngày chúng tôi lên đường đúng một ngày. Tôi cảm ơn trời vì ông cũng đã trút bỏ bụi trần, những đau đớn trong hơn sáu tháng qua dày vò ông mỗi đêm. Tôi hủy vé máy bay trong đêm trước chuyến đi để lo tang gia hậu sự. Rồi sau tang gia một ngày tôi đặt lại vé nối tiếp hành trình dang dở. Khi ngồi viết những dòng này thì mọi thứ đã trôi qua thanh thản. Ngồi đợi máy bay đi Malina, Philipines trong cơn thiếu ngủ trầm trọng. Bạn đồng hành bảo tôi siêu quá, sao có thể đi ngay được vậy. Tôi bảo, tang gia ở Sài Gòn vui mà, chết là hết. Lúc sống đã làm hết sự hiếu thuận rồi.

16h chuyến bay nối chuyến từ TP Hồ Chí Minh qua Kuala Lupmur rồi đi Malina kéo dài 9 tiếng. Chúng tôi nói đùa với nhau là ăn trưa ở Việt Nam, ăn tối ở Malaysia, ăn khuya ở Philipines. Đi máy bay chẳng thích như mọi người nghĩ, đó là nỗi ám ảnh của tôi. Máy bay giá rẻ thì ghế ngồi nhỏ, áp suất trên máy bay thay đổi liên tục, làm thủ tục lâu, soi chiếu quét kiểm tra hành lý... Bạn cứ nghĩ ngồi trong buồng kín trên một cái ghế mà chẳng biết làm gì, không online, ngủ thì khó, chỉ có đọc sách hoặc ngồi ngây ra như thế. Thế tôi mới phục mấy anh chị tiếp viên, ngày nào cũng ở trên trời.

Cô bạn Vy của tôi làm cho hãng Emirates thấy ngày nào cũng đăng hình ảnh đi chơi nước này, nước kia. Nhưng có lần nói chuyện Vy bảo làm tiếp viên cực lắm. Cũng chỉ là một kiểu phục vụ trên trời mà thôi. Vy vậy là còn sướng, vì dù sao bay chuyến dài như vậy còn được nghỉ ngơi. Cậu bạn thân của tôi làm cho hãng giá rẻ, mỗi chuyến bay tầm hai tiếng nên phải bay đi bay về trong ngày. Hiếm khi được ở lại nước ngoài.

Chi tiêu đầu tiên cho chuyến đi là hai tô phở ở sân bay Tân Sơn Nhất giá 225.000. Giá ở sân bay, thôi bỏ qua một bên. 4h chiều, chuyến bay cất cánh nhẹ bẫng, hay đúng hơn là lòng tôi đã bỏ lại một gánh nặng ở Việt Nam những ngày giáp Tết. Qua Malaysia quá mệt để đổi tiền trong ngân hàng, chúng tôi đổi tiền ở sảnh nối chuyến. 100 USD được cả thảy 387.5 RM, ở ngân hàng cao hơn một chút 394 RM. Sau này tôi mới biết là giá đó rẻ nhất trong các lần đổi. Các chỗ khác ngoài đường hơn 400 RM, kể cả ở đảo Labuan hay Kota Kinabalu trên đảo Sabah cũng cao hơn 400 RM. Riêng hai người bạn Hà Nội trong hành trình của tôi còn đổi ở phố Hà Chung sẵn tiền Malaysia nên còn rẻ hơn nữa. 7h tối, chúng tôi lại cảm thấy đói và ăn cơm gà ở Sân bay Kuala Lumpur, hai phần cũng chỉ hết 39 RM tính ra, rẻ hơn ở Tân Sơn Nhất.

Máy bay tới trễ, chúng tôi đem thú vui tiêu khiển biến thái của mình trong các chuyến đi ra giết thời gian. Đó là ngồi bình phẩm ai đó đẹp đẹp. Thú vui này hơi trái đạo đức nhưng giết thời gian nhanh ghê gớm. Nhớ lại các chuyến đi Campuchia, hành trình ngồi trên xe ô tô 12 tiếng chẳng biết làm gì chúng tôi đem chàng trai áo vàng từ đầu đến chân ra chọc, gọi là chim vàng. Cứ thế vẽ ra đủ viễn cảnh cho người ta, đoán là trai nước nào, thẳng hay cong, bàn tán đồ đạc. Nhưng chuyến đi Thái là một nỗi tự ái lớn khi chẳng thể gặp được ai để chọc ghẹo cả. Trong suốt 5 tiếng ở sân bay mà chẳng có ai để ngó ngàng. Chàng trai ở sân bay Kuala Lumpur này chúng tôi đoán là từ Singapore vì nhìn hộ chiếu có màu đỏ (hoặc là Trung Quốc), ưa bận đồ Adidas từ nón tới ba lo và giày. Chúng tôi đặt biệt hiệu Kuad ghép từ Kuala Lupur và Adidas.

Đang mải miết về chàng Kuad thì ơn trời, máy bay cũng tới. Trước đó, nhân viên mặt đất rảnh chẳng có gì làm đã đi thu cuống vé trước, em máy bay hạ xuống là đi liền cho nhanh. Tôi cũng thích cách check in của Air Asia rất nhanh, gọn và chuyên nghiệp. Nhớ lại chuyến bay từ Myanmar về Việt Nam chúng tôi phải xếp hàng đúng một tiếng để chờ checkin. Chuyến bay từ Kula tới Manila kéo dài bốn tiếng nữa. Đêm đầu tiên chúng tôi đã ngủ ở trên trời.


(Còn tiếp)
 
Last edited:
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ (Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanm

Ngày 2 (31/1/2016)
2h sáng chúng tôi tới sân bay Manila. Gớm, cái sân bay nào cũng rộng như mấy cái sân bóng đá cộng lại, đi bộ mỏi chân kinh khủng, kèm theo cái balo nặng nề trên vai. Cả chuyến đi hơn hai mươi ngày chúng tôi không mua hành lý ký gửi. Không vali màu mè có bánh kéo sang chảnh. Tất cả chỉ gói trong một balo đủ 7kg quy định. Và lẽ thường, cái balo sẽ ngày một nặng ra chứ chẳng nhẹ đi tí nào.
Nhập cảnh ở Philipines dễ hơn tôi tưởng, chỉ cần điền vào mẫu có sẵn, thông tin cần điền còn ít hơn cả Thái Lan. Trước đó trên chuyến bay, anh chàng người Đức đưa cho tôi hai mẫu nhập cảnh màu vàng, còn anh ta thì không cần. Bởi cậu ấy sẽ xin visa tại sân bay. Chúng tôi điền mẫu nhập cảnh dành cho công dân ASEAN lấy ở sân bay. Anh hải quan đóng dấu nhập cảnh cái cộp là xong, không hỏi han, chẳng cần nhìn vé bay tiếp hay khách sạn đã đặt ở đâu. Bạn tôi còn đóng dấu dùm cũng được. Vậy là chúng tôi đang ở Philipines.

Chuyến bay bị trễ kéo theo việc hạ cánh xuống Malina trễ. 2h30 chúng tôi mới rời khỏi sân bay. Trời Phi rất tối và đường thì rất lộn xộn. Người đồng hành đã tới trước bảo chúng tôi khách sạn cách sân bay tới 10km và bị chặt chém tới 600 Peso. Khi đặt khách sạn, tôi đã kiểm tra kỹ chỉ có 2.9km thôi nên sẽ vẫn quyết định đi bộ. Khi một đám đông cò taxi bu vào hỏi đủ thứ tiếng, nhiều nhất là tiếng Hàn làm bùng nhùng cả hướng đi.

Tôi đi trong vô thức theo chỉ dẫn của bản đồ maps.me. Cái bản đồ thần thánh trên điện thoại di động dùng mà không cần wifi hay 3G. Nó dẫn đường chính xác tới từng mét. Nhờ nó mà tôi đã chẳng thèm mua cái sim điện thoại nào trong suốt hành trình. Và dù có nó tôi vẫn cảm thấy, bất cứ cái sân bay nào thì đường đi ra đi vào cũng thật phức tạp. Malina không là một ngoại lệ.

Sân bay Malina tên thì thật là dài: Ninoy Aquio ở Pasay. Pasay nằm ở rìa rìa trung tâm cũng không quá đến nỗi là ngoại thành. Pasay cũng như Sài Gòn, hay đúng hơn tôi nghĩ mình đang ở mấy khu Quận 5. Đoạn đường về khách sạn nhiều rác, có vài người cơ nhỡ nằm dưới gầm cầu, cũng là con sông nước hôi thối.

Ba giờ sáng mà đã có mấy chiếc xe Jeepney còn chạy ban đêm dừng lại hỏi chúng tôi đi đâu. Đi bộ 20 phút thì Stone hotel hiện ra trước mắt chúng tôi. Cái khách sạn ấy vẫn mở cửa và đông đúc. Vài khách Tây vẫn uống bia và hút thuốc trước cửa, có tới ba lễ tân làm việc bận rộn. Trước đó, tôi nghĩ giờ này chắc phải bấm chuông hay kêu cửa. Như vậy sẽ thật là phiền phức. Vì cái suy nghĩ đó mà suýt nữa tôi ngủ lại ở sân bay để sáng sớm vào thành phố. Và thật an ủi cho một hành trình bay vòng thật xa đó là bài hát Hello Vietnam phát ra từ hệ thống loa khách sạn. Đẳng cấp khách nhau là ở chỗ đó, những điều vụn vặt.

Chúng tôi lên phòng, cái phòng chỉ có hai giường bốn đứa ngủ. Hai cô bạn ở Hà Nội đã ở đó sẵn từ trước, chúng tôi gặp lại nhau sau mười năm chơi chung, không phải ở Việt Nam, giữa Philipines. Chúng tôi tạm thời gác tất cả kỷ niệm lại. Giờ chỉ có bốn tiếng để ngủ, và hơn hai mươi ngày phía trước. Cứ từ từ mà ôn lại kỉ niệm xưa.

Tôi chỉ có một ngày ở Philipines. Lẽ ra, tôi sẽ phải vồ vập đi đủ thứ trung tâm tài chính, khu mua sắm, chợ, biển đủ kiểu… Nhưng tôi chỉ chọn một điểm tiêu tốn hết một ngày đó là núi lửa Taal. Ngọn núi lửa này vẫn còn hoạt động cách Malina 50km về hướng nam. Buổi sáng, chúng tôi đi kiếm món ăn giống phở, hủ tiếu đễ nuốt hơn. Mà ở đây thật khó tìm được món gì có nước. Mọi người tất thảy ăn đều ăn cơm vào buổi sáng. Mỗi món 40 Peso và 4 đĩa cơm mỗi dĩa 10 Peso. Jessca cô bạn phục vụ quán ăn là người chuyển giới. Buổi tối, quán Jessca trở thành tụ điểm karaoke. Nói cho sang chứ bất kì quán ăn hoặc quán nước nào nhỏ nhỏ ở đây đều có màn hình ti vi để khách hát karaoke miễn phí. Còn đèn cầu chíu chíu đầy màu sắc. Ăn xong chúng tôi vào bến xe Pasay đi Tagatay. Trên xe có bảng điện tử nhỏ, chạy dòng chữ các điểm đến. Taal thì nằm ở địa phận của Tagaytay, phí đến đó là 78 Peso một người. Xe bus đẹp và máy lạnh lạnh cóng. Tôi nhớ chuyến xe bus của Mai Linh chạy từ Sa Huỳnh tới TP Quảng Ngãi năm 2012. Xe hạ máy lạnh khủng khiếp, đến bến xe tôi nằm vật ra vì sốc nhiệt. Tôi cũng nghe mấy xe đường trường ở Myanmar sau này rồi mới được trải nghiệm. Dù sao, ở Philipines cũng nóng, hơi lạnh cũng chẳng thấm vào đâu cả.

Gần 11 giờ chúng tôi đặt chân xuống Tagaytay. Bất ngờ vài cơn gió xộc vào người gai lạnh. Cả đám mới nhớ ở đây cao hơn 800 mét. Cũng tương đương với việc đang đứng trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh. Bãi xe nhỏ và đặc quánh người, cò xe, đủ các kiểu trên đời ập đến. Phải ất hơn 15 phút để chúng tôi lấy lại tinh thần để mặc cả.

Xe vào hồ là loại xe máy ba bánh có gắn thêm cái thùng, người Phi gọi là xe Tricycle. Mặc cả được xe vào hồ là 150 Peso cho 4 người. Ba người bạn nhỏ chui vào cái thùng, còn tôi ngồi sau Pacq. Xe chạy nửa tiếng, xuống hồ khá dốc và vòng vèo. Pacq lái xe xứng đáng được trả 1000 peso hơn bất kì cuốc xe huyền thoại nào. Dĩ nhiên anh ấy sẽ được chia phần trăm nếu đưa chúng tôi vào nhà cho thuê Board Rice nào. Pacq 28 tuổi, bằng tuổi tôi mà già hơn, đen hơn. Pacq cũng chạy cả ngàn chuyến xe lên xuống Taal nên nhắm mắt cũng có thể biết và xử lý từng đường cua góc lượn nào. Pacq nói người Việt Nam cũng hay tới đây chơi, anh cũng mong một lần nào đó được tới TP Hồ Chí Minh như lời mời xã giao của tôi.

Thuyền + ngựa + hướng dẫn viên cho 4 người ra đảo là 3000 peso, chưa bao gồm phí du lịch trên đảo. Ôi, cái giá này khiến cho bất cứ ai dư giả cũng sẽ gật đầu liền, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi chỉ thuê thuyền 1500 peso chứ không cần thêm dịch vụ ngựa với hướng dẫn, ngọn núi cũng chỉ có một đường lên đường xuống. Ông chủ không đồng ý, chúng tôi cũng chào tạm biệt và bỏ đi như tính cách mặc cả chợ búa của người Việt. Nó làm tôi nhớ đến mẹ tôi mỗi lần đem tôi theo đi chợ huyện. Chỉ trả 1/3 rồi nâng giá từ từ. Trả giá rồi còn thêm vài quả chanh, trái ớt. Tôi thì không làm được vậy. Và màn mặc cả của người Việt lại dằng qua kéo lại trên đất Phi. Rồi cũng đồng ý giá đó 1.500 Peso. Kỷ lục trước giờ tôi đọc được trên mạng là 1000 Peso. Nhưng thôi, giá này được thì đi. Bốn đứa lật đật mặc áo phao rồi lên thuyền.

Thuyền lướt sóng nước bắn tung tóe ướt hết cả người. Taal mùa này trời xanh, ít mưa, nước hồ trong vắt như đang ở xứ nào của châu Âu.

Thuyền cập bến đặc sệt mùi phân ngựa, ngựa và ngựa khắp nơi. Lại ngập ngụa trong màn mời chào. Thật xui vì từ 1/2016 phí thăm quan núi lửa Taal tăng từ 50 lên 100 Peso/người. Ở nước ngoài, mấy cái vụ tăng giá gấp đôi thật khó chịu. Cũng như cái vé bay từ Kota Kinabalu của tôi bay sang Bali. Vé mua từ 2015, sang năm 2016 tăng phí sân bay lên gấp đôi. Tăng 5-10% đã là quá lắm rồi. Phải bơi mãi qua vòng chèo kéo chúng tôi mới lên được con đường mòn lên đỉnh. Đặc sản ở đây là phân ngựa nên người ta bán khẩu trang với giá 10 Peso một cái. Nghề này tự nhiên hái ra tiền được đó. Những con người nhỏ thó, gầy gò gặp mấy vị khách béo ú thì oàn mình mà leo dốc. Ngựa có thể đi ị bất cứ chỗ nào, đoạn nào trên đảo.

Đường lên miệng núi lửa đi khá đặc biệt vì những cái rãnh mưa làm thành đường đi, hai bên đất như con hào lộ ra các lớp mắc ma phun trào từ ngày xưa. Taal quá nhiều gió, đám ngựa đi tung lên bụi mù. Trên đường đi, thi thoảng vẫn có vài ổ đất hơi nước bốc lên nóng hổi. Cho khoai với trứng vào luộc cũng chin.

Người ta vẫn lắp trạm quan trắc để theo dõi. Taal trung tâm là một cái hồ, thực tế là miệng núi lửa, còn bao quanh là một ngọn núi, ngoài núi là một cái hồ rộng, nước xanh trong ghê gớm. Thế mới có huyền thoại hồ trong núi, núi trong hồ.

Trên núi người ta cũng bày bán nước như ở bất cứ khu nào có du khách ở Việt Nam. Chỗ đẹp nhất của Taal thì lại bị rào lại, đó là nhũng mảng đá đỏ, mắc ma đẹp tuyệt vời. Muốn vào đây phải trả thêm 50 Peso. Chúng tôi không đồng ý vì đã mua vé từ dưới núi tới 100 Peso. Chúng tôi cảm thấy như bị lừa nên không vào, đứng từ xa ngắm. Dưới lòng hồ, mấy đám khói hơi nước vẫn bốc lên ngùn ngụt.

Thuyền về lúc 2h chiều, nắng lên rực rỡ, mấy cơn mưa cứ chơi đuổi quanh hồ. Chiếc thuyền ở xa quá, bác lái thuyền bảo chúng tôi phải trả thêm 50 peso coi như tiền tip để người ta kéo thuyền lại gần. Lúc về, bác tài phát cho ba đứa một miếng áo mưa để che nước bắn tung vào người. Tôi để mặc nước bắn lên ướt khắp người và cả quần áo. Với tôi, khoảng khắc đó nhỏ bé và mong manh vô cùng. Tôi chợt quên mình chưa mặc áo phao. Nước mát cứ thế mà tạt vào mặt. Tôi chợt nhứ đến nhiều thứ đã qua trong cuộc sống. 30 phút đi tàu trôi qua như một giấc mơ đẹp. Thuyền dập sóng, hồ trong xanh. Tôi nghĩ đến mối tình đầu đang ở nơi xa lạ như tôi lúc này, nhớ đến mẹ và mọi người đang chuẩn bị ăn tết, chắc sẽ rất vui.

Chúng tôi trở về Malina. Chiếc xe về tới Pasay 5h30 chiều, bốn đứa đứng đó xe Jeepney đi Malina Bay trong vô vọng. Nơi ngắm mặt trời đẹp nhất trong cả hành trình. Quá nuối tiếc, chúng tôi ghé Mall Asia, có thể sẽ ngắm được mặt trời vớt vát. Vậy mà cũng không kịp. Tới nơi, dòng người ùn ùn từ phía biển đổ về. Chưa bao giờ tôi thấy người đông đúc đến thế.

Sảnh khách sạn là một nơi tuyệt vời, có ghế sofe êm, máy lạnh vù vù và wifi miễn phí. Chúng tôi bày quýt và táo ra ăn. Đám trái cây mua từ lúc chiều tối để dành cho những chuyến bay sớm. Tôi bảo mọi người sau này có ai muốn quay lại Philipines nữa không. Tất cả đều gật đầu. Sẽ hẹn nhau ở Cebu, Boracay, Davao vào một dịp nào đó. Philipines vẫn phải tiêu tốn mất 10 ngày trong đời của bạn mới đủ. Thật đấy!

olo1G1J.jpg
[/IMG]
OC864Mv.jpg
[/IMG]
HqZAqJ4.jpg
[/IMG]
ViFxXx5.jpg
[/IMG]
ZpXUwOd.jpg
[/IMG]
wJGrkMv.jpg
[/IMG]
(Còn tiếp)
 
Last edited:
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ (Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanm

Ngày thứ 3 (1/2/2016)
Chào tháng hai với chuyến bay sớm. Hôm nay chúng tôi phải tạm biệt Philipines. Ấn tượng với tôi về Phi vẫn còn đó. Đó là đồ ăn giá rẻ, quà lưu niệm nhiều, di chuyển cũng không quá đắt đỏ như tưởng tượng. Phi cũng có những khu sang trọng, cũng có những khu cũ kĩ. Cũng có những tuyến tàu điện xây dựng quá sớm nên giờ đâm ra bị lỗi thời.

Chúng tôi trả phòng lúc 6h30 và tính sẽ thưởng thức một đoạn đường sáng sớm bằng cách đi bộ. Nhưng trời Phi sáng trễ, vẫn còn tối om nên cũng hơi gai gai. Chúng tôi bắt xe Tricycle ba bánh bốn đứa nhảy lên. Xe vốn đã chật nay thêm hành lý của cả bốn đứa khiến chiếc xe nặng trịch. Chúng tôi thỏa thuận rõ 150 Peso cho bốn người, vậy mà tới sát sân bay lái xe bảo 150 peso/1 người. Tôi rất bực mình và chỉ nói với lái xe rằng tôi sẽ không trả thêm. Lái xe mặc cả xuống còn 150/2 người, chúng tôi quyết bỏ đi và không trả thêm nữa. Đoạn đường 3km giá bằng ấy vẫn là quá hời rồi còn gì. Còn bà chị tôi trong đoàn chắc sẽ rất là ấn tượng đấy. Bởi lần đầu đến và lần sau cùng về cũng đều là những chuyện đi lại. Dẫu sao tôi cũng thấy nó rất là Việt Nam đấy thôi.

Ở sân bay, chúng tôi không phải đóng thêm phí 550 Peso như nhiều trang mạng từng nói. Tuy nhiên vẫn có vài vị khách mua vé quá sớm, chưa bao gồm phí này nên được hướng dẫn đóng phí dễ dàng ở ngay đó. Bởi thế tiền của tôi dư hơn 1500 Peso đem đổi ra được 32 USD, còn một ít tiền lẻ để ăn sáng. Lần cuối nhìn ra cửa máy bay ở Philipines mà lâu đến vậy. Philipines chào chúng tôi bằng một trận kẹt máy bay kinh hoàng, cả phi đội xếp hàng ra đường băng chờ cất cánh.

Máy bay gần hạ cánh thì mọi người nhìn sang phía bên trái ồ lên. Từ máy bay nhìn qua là thấy đỉnh Kinabalu hơn 4000 mét hung vĩ vươn mình ra khỏi đám mây. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh lạ khi đi máy bay là lần đi về Hà Nội. Tôi nhìn thấy máy bay ngược chiều ở phía xa nhưng không ai tin ở độ cao gần 10.000 mét có điều đó. Lần này là ngọn Kinabalu – nóc nhà của Đông Nam Á. Tôi với cô bạn rất thân từng bàn với nhau sẽ đi leo núi Kinabalu. Khi Kamathu ở Nepal gửi cho tôi hành trình 11 ngày đi Nepal, độ cao cao nhất chúng tôi có thể đạt tới là 4995m, đỉnh Kinabalu cũng gần tương tự. Tôi không sinh ra ở tuổi khỉ nhưng thích leo trèo.

Đã từng đi núi Ngọc Linh ở Kon Tum trong một ngày. Lẽ ra, hành trình đó các đoàn sẽ phải đi trong hai ngày thì chúng tôi hốt trọn trong buổi sáng. Amat, người dẫn đường cho chúng tôi cũng còn khó tin. Nên lần này tôi nghĩ, nếu có dịp chắc di Kinabalu ổn thỏa thôi. Tiếc là lần này chúng tôi không đến với nó.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Kota Kinabalu giữa trưa nắng đẹp. Biển xanh gió lộng chào đón chúng tôi. Nhập cảnh ở Malaysia không cần điền vào đơn đối với tất cả khách quốc tế, chỉ cần hộ chiếu và thông tin hành trình. Tôi rất thích cách làm việc của người Malaysia, rất gọn gàng, sử dụng công nghệ tối đa. Tôi được hỏi qua thông tin hành trình đã đi và chặng sắp tới rồi được dán tem và đóng mộc cho qua. Trước chúng tôi vài người, có mấy người được ra hẳn quầy riêng, có người phiên dịch và hỏi han, nhưng sau đó mọi chuyện đều ổn cả. Luôn luôn là như vậy.

Chúng tôi mua phiếu đi taxi ở sân bay để tránh phải mặc cả. Taxi ở sân bay không có bảng taxi trên nóc xe mà chỉ toàn là xe thường. Từ sân bay tới phà Kota Kinabalu là 10km đi với giá 30 RM. Đường phố Kota khá đẹp và dễ đi, ít đèn đỏ và không kẹt xe, hai bên đường là cây to với nhiều dương sỉ và lan tầm gửi như đường ở Singapore, đâu đó tôi liên tưởng tới khu Phú Mỹ Hưng ở Quận 7.
Tới phà là 12h30, chúng tôi mua vé đi đảo Labuan, từ Lanbuan kế hoạch sẽ mua phà đi tiếp qua Brunei. Giá là 40 RM/vé, chúng tôi chỉ kịp ăn vội mấy đồ ăn vặt rồi lên tàu. Bến phà Kota đẹp, trong xanh lộng gió như châu Âu toi thường xem qua ảnh.

Trên vé ghi ghế sô 4A nhưng lên tàu thì muốn ngồi đâu thì ngồi. Giống cảnh tôi ngồi thuyền đi Hòn Sơn Kiên Giang. Tàu chạy tới 3h30 phút mới tới đảo Labuan. Chúng tôi ngủ trong miên man vì chẳng nhìn được gì ngoài kia cánh cửa cả. Tất cả chỉ là tiếng động cơ ù ù. Cập bến, cả 4 đứa chạy như thi The Amazing Race vì trong kế hoạch 5h30 là chuyến đi cuối từ Labuan về Brunei. Tin không hay là chuyến cuối đi Brunei là 4h chiều. Chúng tôi quyết định sẽ ở lại Labuan và sáng mai đi Brunei.

Quyết định ấy lại hay. Cả khu Labuan là đảo nhỏ với một vài khách sạn mang dấu ấn Trung Hoa cũ kỹ. Chúng tôi chọn khách sạn Victory với giá phòng tới 180 RM cho bốn người. Giá phòng đắt đỏ nhưng phòng thì lại thấy gớm chưa từng. Sợ nhất là màn đi thang máy. Cánh cửa thang máy là cửa sắt, phải có nhân viên ở ngoài hỗ trợ. Mọi thứ đều có màu ma mị. Đảo Labuan thanh bình, phải nói là thanh bình đến tẻ nhạt. Những khu nhà cổ kính, con đường chính của đảo lát đá xanh, nhiều đoạn đá bị bong, xa đi qua kêu lọc cọc vui tai như xe ngựa. Cây xanh nhiều vô kể, nhưng mọi thứ đều tĩnh lặng. Labuan làm tôi giống cảm giác ban ngày mọi người đi ngủ hết rồi thì phải. Bãi biển Labuan chiều chiều người dân lái ô tô ra tận mép biển mở cửa rồi ngồi hóng gió. Đời chỉ vậy thôi là thấy đẹp rồi còn gì.
Labuan hiền hòa, đồ ăn cũng ngon, thị trấn quá nhỏ và ít wife nhưng nhiều gió khiến tôi chẳng muốn rời chân đi chút nào hết.
Tôi ngồi thẫn thờ trước Kota Super market ngồi ngắm hai ngọn đèn cổ trước trời lộng gió. Chưa bao giờ tôi muốn ngồi lâu đến thế ở một con phố. Cảm giác giống lúc ngồi trên mũi thuyền trên hồ Taal trong xanh. Đồ ăn ở Labuan hay Phi đều thiếu rau. Tôi thèm một tô bún bò, một dĩa rau muống xào tới điên đảo. Ở đây trái cây chi có táo và dưa hấu, rau chỉ có bắp cải, một ít sup lơ trắng. Labuan món quà bất ngờ trong hành trình dài.
nHdHEy5.jpg
[/IMG]
Đường phố Labuan vắng lặng
7d1Q3PY.jpg
[/IMG]
Người ở Labuan đi đâu mất tiêu
oDiJSSX.jpg
[/IMG]
Chơi ngoài biển
vhZDoDf.jpg
[/IMG]
(Còn tiếp)
 
Last edited:
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ (Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanm

cám ơn bạn đã viết bài.Mong bạn gửi thêm hình ảnh cho sinh động ạh.Xin cám ơn!
Bạn nhớ viết nhiều về Brunei nhé!
 
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ (Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanm

cám ơn bạn đã viết bài.Mong bạn gửi thêm hình ảnh cho sinh động ạh.Xin cám ơn!
Bạn nhớ viết nhiều về Brunei nhé!

Mình để quên ảnh ở nhà rồi, đang nhờ người gửi email. Ảnh cũng nhiều á. Brunei sẽ viết nhiều và chi tiết ạ :D Cảm ơn bạn
 
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ (Philipines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanm

Ngày 4 (2/2/2016)
Labuan chỉ là nơi quá cảnh vô tình nhưng lại để cho tôi sự ngọt ngào và bình yên đến lạ. Hôm nay 9h sáng tàu sẽ chạy, 8h30 sẽ phải làm thủ tục lên tàu, vậy nên mặc nhiên tôi có khoảng 2 tiếng buổi sáng rảnh rang nên gói ghém hành lý trước để đi khám phá
Labuan. Mấy người bạn đồng hành của tôi không ai đi cùng, họ còn bận ngủ. Tôi cũng thèm ngủ nhưng mình có thể ngủ cả một đời chứ Labuan biết khi nào mới trở lại. Quyết định đó đem đến cho tôi nhiều bất ngờ thú vị. Ử Labuan cái gì nhiều nhất thì đó là cờ và đèn lồng. Cờ được treo ba loại của Malaysia, ngoài ra mỗi bang của Malaysia đều có cờ riêng nữa. Tôi lang thang dọc các con phố cổ, giờ này tôi mới thấy Labuan nhiều người hơn một chút. Sáng sớm, mấy người đưa con đi học trong yên bình, những chiếc xe ô tô xếp gọn gàng theo làn xe. Tôi đi bang qua Vườn Tropical, sân gôn rồi xuống War Memonry, những ngôi mộ chiến tranh, vòng ra biển vắng tanh người trong yên bình. Bãi cát sạch sẽ và thiên nhiên thực sự còn thơ mộng. Cả quãng đường dài vậy, chỉ có tôi là một mình với ánh nắng, cỏ cây, tuyệt nhiên không gặp ai qua lại.

9h tàu chạy, chúng tôi làm thủ tục lên tàu như máy bay, quét hành lý, làm thủ tục xuất cảnh, không cần phải đóng 5RM xuất cảnh như dân chúng đồn đại, bù lại tiền đó là tiền phí bến phà được cộng chung vào giá vé. Tàu thứ 3 ít người nên hai người một băng ghế dài thảnh thơi. Tàu chạy 1h15 phút là tới Brunei. Chúng tôi xếp hàng nhập cảnh nhanh chóng. Nhập cảnh, vốn là bài tập quen thuộc nên chúng tôi cũng chẳng còn ngỡ ngàng gì, cứ chuẩn bị tài liệu đầy đủ trên tay. Tôi chỉ ở một ngày trên Brunei nên dấu mộc nhập cảnh vào đây chỉ cho 3 ngày, quả là kẹt sỉ đến vô độ. Chẳng may có gì đó trễ nải thi tiêu luôn.

Brunei là đất nước bất cần du lịch, suốt chuyến đi chẳng bắt gặp một anh Tây ba lô nào, hay zone party ở đâu. Chúng tôi đổi 400 USD ra thành 500 B (đô la Brunei), tỉ giá tương đương 16.000. Ở Brunei có thể sử dụng tiền Singapore được. Đây là qui định dựa trên thỏa thuận công nhận đồng tiền của nhau giữa chính phủ Singapore và Brunei kể từ năm 1967 khi hai nước chính thức từ bỏ sử dụng đồng tiền The Malaya and British Borneo Dollar hay còn gọi theo tiếng Mã là Ringgit để sử dụng đồng tiền riêng của mình. Đồng thời hai quốc gia cũng tuyên bố công nhận đồng tiền của nhau được sử dụng tại hai quốc gia kể từ đó đến nay.

Chúng tôi đi bộ ra khỏi bến phà để đi đến ngã ba phía bên phải đón xe buýt. Theo những gì tôi biết, chỉ có tuyến 39 đi từ phà về thành phố. Đang lang thang kiếm bus thì chiếc xe bus dừng lại gọi chúng tôi lên, tôi hỏi phải bus đi vào Centre không cô gái quấn khăn kín mít xác nhận là có. Xe đưa chúng tôi vòng vèo tới một trạm khác và chuyển lên xe 39. Dĩ nhiên chúng tôi không phải mua vé thêm lần nữa mà vé đó có giá trị chung. Ở Brunei, đi bất cứ tuyến này bạn cũng sẽ chỉ phải trả 1B.

Từ phà vào trung tâm 20km nhưng xe bus chạy vòng đón khách nên chúng tôi vào tới trung tâm là 1h trưa. Từ bến xe bus trung tâm Brunei đi các điểm xung quanh thật gần. Chúng tôi quốc bộ đi về Young Centre, nơi nhà trọ rẻ nhất Brunei. Tin không hay là Young Centre thông báo đóng cửa tới tháng 3/2016. Trước đó, chúng tôi tìm đủ mọi cách liên lạc nhưng không được. Gửi email, gửi inbox qua facebook và gọi cả điện thoại. Chúng tôi cũng có vài phương án dự phòng khác.

Đang loay hoay vì Young Centre đóng cửa, chúng tôi gặp Thơm, một cô bạn người Việt Nam. Thơm cũng gặp tình trạng tương tự. Thơm rủ chúng tôi nhà nghỉ KH đối diện khách sạn Brunei. KH không xuất hiện trên bản đồ nào cả, nhưng nó được nhận xét chi tiết trên Lonely Planet. KH có giá 15 B phòng Dom 5 người đắt khủng khiếp. Điều hòa cũ kỹ thời xưa cục nóng lạnh là một, kêu vù vù. Bóng điện một mất một còn, ổ cắm chỉ duy nhất có một cái. Nhà tắm tập thể nhưng sạch sẽ. Cái được duy nhất là gần ngay mấy chỗ đi lại. Ngó qua bên kia thấy Brunei Hotel với giá 185B mà thấy đời thật là may mắn.

Brunei với tôi khá tẻ nhạt, ngoài cung điện Omar, cung điện Jame Asr, cái quyến rũ nhất với tôi là làng nổi Kampung Ayer. Mọi người thường đi thuê cano với giá 20B/người chúng tôi chọn cách đi qua các cây cầu gỗ cùng phía với thành phố. Cầu gỗ ngăn nắp gọn gang dẫn từ Omar vào từng ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà một màu sắc như sáng bừng lên trong ánh chiều tà. Thi thoảng vài đứa trẻ tan học với bóng vải trắng mất hút sau những cung đường quanh co chỉ còn lại tiếng cười.

Làng nổi có nhiều cano bus đưa người dân qua lại, thời gian rảnh thì chạy thuê. Tàu đua như đua xe phân khối lớn nên ai không đủ can đảm thì đừng đi. Trên đường vào làng nổi, tôi gặp hai người dân lớn tuổi. Họ bảo có đi cano không giá rẻ lắm chỉ 15B, họ chạy thêm kiếm tiền chứ không có dịch vụ. Bởi cả cái Brunei này chúng tôi là những lữ khách duy nhất trên bến phà dài ngút ngàn.
Chúng tôi đi bộ trong nắng chiều đến Hoàng cung Istana Nurul Iman. Hoàng cung này không cho người vào nên chúng tôi đành đứng ngoài chụp vài tấm ảnh. Bắt được chuyến bus cuối cùng về tới Dom ai cũng mệt. Tắm rửa xong, chúng tôi hỏi đường đi chợ đêm Gadong. Anh chủ Dom bảo đi đến đó cũng mất 20 phút đi taxi, đâu xa giữ vậy. Thông tin ít ỏi trên mạng còn bảo cả cái Brunei còn chưa tới 46 cái taxi, cứ leo một lần lên xe là 20B, đi đâu tính tiếp. Tôi nghĩ cũng đúng, ở đây ai cũng có xe ô tô riêng cả đi taxi mà làm gì?

Ở Brunei, mọi thứ đều đắt đỏ, mỗi món ăn từ 5B (90.000) trở lên. Cả bốn ngày nổi trôi chúng tôi thiếu rau không tả. Các siêu thị bán rau đắt kinh hoàng, Một cây rau cải xolo giá 20.000 trong khi ở VN chỉ chưa đầy 2000. Mặc dù đời sống dân sinh tốt nhưng Brunei vẫn còn cũ kỹ trong trật tự. Có lẽ đất nước 400.000 dân này đã già.

8h30 tối các mall đóng cửa, người dân không còn ra đường. Chỉ mới 6h tối thôi xe bus đã ngừng chạy, mọi thứ như chìm vào không gian riêng. Kể cả Dom cũng đóng cửa nốt.

Chúng tôi vội vàng chọn mấy trái táo xanh, ít bánh mì với nước với giá 8B cho hành trình dài ngày mai ngồi trên xe bus xuôi về Kota Kinabalu, tạm biệt Brunei.
9i0jO9M.jpg
[/IMG]
Mua nước tự động trên đảo
RsSxDKz.jpg
[/IMG]
Đường phố vắng lặng
sHgJXQW.jpg
[/IMG]
Đền Omar thần thánh
5mf1EmR.jpg
[/IMG]
Đền nghe nói vào mất 10B thì phải. Cả nhóm không hứng thú lắm nên ở ngoài chụp chán thì đi
lXivqRp.jpg
[/IMG]
Bên kia là cái làng nổi.
42IYMg3.jpg
[/IMG]
Bên này cũng có đường bộ đi vào làng nổi, khỏi cần đi thuyền
OhhaR14.jpg
[/IMG]
Những học sinh ở làng nổi
oyPBAeo.jpg
[/IMG]
BL9kASU.jpg
[/IMG]
 
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ 2016 (Phi, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar

Ngày 5 (3/2/2016)
Đêm ở Brunei trôi qua tẻ nhạt đến đáng sợ. Chúng tôi dậy sớm hơn để chuẩn bị cho hành trình dài từ Brunei đến Kota Kinabalu (Malaysia) bằng xe bus, hành trình dài 8 tiếng.
Brunei đất nước không cần du lịch, kiếm một món quà lưu niệm cũng chẳng có để mua. Chúng tôi qua chợ ngay bên kia sông của Brunei Hotel để mua ít đồ ăn sáng. Quán ăn duy nhất mở cửa lúc 7h sáng với giá 1B/món ăn. Nếu mà biết trước chỗ rẻ như thế này chắc chúng tôi đã không thèm ghé food count với giá đắt đỏ tới cả 100.000 một phần cơm. Food count như thập niên 1990, cũ kĩ, không máy lạnh, thang cuốn chiều có chiều không. Chợ giờ này vẫn chưa có người bán hàng, phải tới 7h30 mới đông đúc hơn một chút.
Brunei, dậy sớm cũng chẳng có ai để mà ngắm. 7h sáng, quá sớm để thức dậy. Chúng tôi ngồi chờ xe trước water point. Nhắc lại chuyện mua vé xe, mấy người bạn chỉ mua ở cạnh China Templet, tuy nhiên thông tin này không còn đúng nữa. Xe đón ở đường Mcarthur giá vé 45B/người, 8h đúng xe sẽ chạy. Ngồi chờ xe, từng đàn chim én đông tới khủng khiếp bay rào rào về khu rừng bên cạnh thành phố trú ẩn. Tôi còn nhớ lúc tới bến xe bus 6h sáng dưới một tòa nhà cũ, cả hàng ngàn con dơi đu mình trên mái nhà kêu đáng sợ. Chiều qua nghe chúng kêu tôi còn tưởng là chim. Vậy mới thấy Brunei cũng cũ và lụp sụp. Ngồi chờ xe chúng tôi gặp Dunia, tự xưng mình còn rất trẻ, mặc chiếc áo gắn đủ lá cờ các nước, anh là boss quản lý xe ở đây. Không giống lắm mấy anh quản lý xe ở các bến xe ở Việt Nam, Dunia vui tính, bế cả người bạn đồng hành nhỏ thó của chúng tôi lên tay và chụp ảnh. Dunia đủ các thứ vòng vèo, buồn cười nhất là đôi giày cá xấu mà xanh lá loẹt quẹt trên sàn.
Có Dunia nói chuyện khiến chúng tôi an tâm hơn cho hành trình dài. Dunia bảo có cô bạn làm người mẫu bên Việt Nam tên Yến, mình tự bảo có phải là Hoàng Yến không nữa. Dunia nhờ tôi chụp cho ít ảnh kỷ niệm và đưa facebook. Anh nói chúng tôi cứ gửi hành lý mà đi ra chợ chơi đi, 8h xe mới chạy. Chúng tôi gửi đồ và đi chợ rồi quay trở lại xe cho một hành trình dài lên xuống. Xe thoải mái, chỉ có 8 người trên xe 45 chỗ.
Để đi từ Brunei, phải xuất cảnh và nhập cảnh 3 lần vì Brunei và Malaysia xe kẽ nhau như những ngón tay vậy. Đây là chặng chúng tôi gọi là sưu tập tem, dấu mộc trên hộ chiếu với cả 8 cái.
40 phút sau khi rời Brunei, chúng tôi xuất cảnh khỏi Brunei để vào Malaysia với con dấu đầu tiên. Malaysia áp dụng chính sách nhập cảnh chung không cần điền vào form nên khá dễ. Brunei ngoại thành là những khu rừng nhiệt đới, có rất nhiều cò trắng đậu trên các đỉnh cây. Đám chim thiếu cả chỗ đậu đậu nên chúng đậu đầy lên cả mái vòm tòa nhà xuất nhập cảnh. Tòa nhà nằm đơn độc giữa chặng đường dài. Nếu có thời gian chắc đi ra mấy khu này của Brunei chắc cũng sẽ vui.
Ở Brunei hút thuốc và xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1000-3000 B, chính sách thật hà khắc. Tôi nhớ tới luật ở Brunei bị LHQ lên án đó là tội danh tử hình cho người đồng tính và tự tuyên bố mình không phải là người hồi giáo. Tử hình bằng cách ném đá tới chết, nó như thời trung cổ mà tôi không thể nghĩ ra ở chốn văn mình này lại có luật như thế.
10h15 chúng tôi đi hết phần đất nhỏ dài và hẹp của Malaysia nhập cảnh vào Brunei, đây là lần nhìn thấy Brunei cuối cùng trước khi tạm biệt hẳn. Tôi luôn suy nghĩ người dân ở mảnh đất dài nhỏ hẹp này muốn tới thủ đô hoặc vùng còn lại của đất nước thì sẽ đều phải đem theo hộ chiếu và nhập cảnh qua một đất nước khác. Tuy nhiên vẫn có cách ít phiền phức hơn là đi tàu qua eo biển Brunei nhưng xa xôi và đắt đỏ.
Xe dừng ở Limbang đón thêm vài khách lẻ đi Malaysia, thủ tục xuất nhập cảnh những kỳ giữa chặng lúc nào cũng dễ hơn bao giờ hết, chỉ cần xuống xe và đóng dấu rồi lên xe.
Đi thêm một giờ nữa chúng tôi tới biên giới lần 3, chính thức tạm biệt Brunei và chào mừng bạn đến với Boneo. Đây là trạm vắng nhất, biên giới buồn tẻ và đầy phân chim. Đám chim én làm tổ quanh mái vòm. Trên nóc vòm nhà có giăng đám lưới, mấy con chim bay vào mắc kẹt không ra được chết khô. Nhân viên làm thủ tục cũng chỉ có một người. Trời rất nắng, chúng tôi đem tiền ra kiểm đếm còn dư mỗi người 45 B, vậy là đã tiêu xài hết 80B cho một ngày ở đây.
Xe chạy tới Lawas lúc 12h đúng để dừng chân ăn trưa. Nhà xe thả cho bạn đi đâu thì đi khắp cái thị trấn và quay trở lại sau 40 phút. Thị trấn nhỏ bé nhưng rực rỡ lên trong nắng trưa nóng bức với các tòa nhà sậm màu. Giờ này chợ vẫn còn đông đúc người mua bán. Chúng tôi gọi món cơm dễ ăn nhất là gà và một đĩa rau xào, Suốt hành trình thiếu rau khủng khiếp.
12h40 chúng tôi lên xe tiếp tục hành trình, ai cũng yên tâm ngủ ngon vì sau 6 lần lên xuống chắc Kota Kinabalu thẳng tiến. Vừa chợp mắt vào giấc ngủ thì nhà xe gọi dậy kêu Passport lúc 1h15. Chúng tôi hoang mang vì sao lại phải xuống xe và trình passport nữa vì không còn biên giới. Sau đó để ý kĩ lại mới thấy, từ bang này qua bang khác ở Malaysia cũng cần phải làm thủ tục xuất nhập cảnh. Lần này nhàn hạ hơn là hai cái xuất nhập cùng chung một cửa.
Xe cứ thế đi về Sahba hành trình 180km còn lại, quốc lộ 1 và đường Putatan kéo dài chỉ có hai làn đường nhưng hun hút đến vô tận. Nắng rực rỡ trên đảo nhiệt đới này làm tôi nghĩ tới rừng Nam Cát Tiên, dân cư thưa thớt. Đường xuôi theo hướng mặt trời trôi đi vô định.
Xe chúng tôi về tới Kota Kinabalu lúc 4h chiều, không khó để nhận ra nhà nghỉ A&J trong Block M giữa một loạt chung cư cũ. Chúng tôi chọn phòng gia đình với giá 75 RM/4 người. Phòng nhỏ nhưng gọn gàng và tiện lợi. Bốn đứa ở một phòng và cũng chẳng cần đặt trước, mặc dù đã email trước chuyến đi và được xác nhận. Trước mặt nhà nghỉ là khu chợ đêm hải sản trong truyền thuyết, sau lưng là chợ đồ sida và các mặt hàng. Tôi ngồi trên ban công chụp vội vài bức hình trước khi trời tối ụp xuống.
Bữa tối là món cá nướng, tôm nướng, rong biển chè Cendol ABC ngon tuyệt vời. Một đêm chỉ để lang thang có nhiêu đó. Chúng tôi book tour đi 2 đảo vào ngày mai. Kota Kinabalu cũng vui mà.
kZpdEQV.jpg
[/IMG]
Bến xe trung tâm Brunei cũ kỹ dưới tầng trệt của một tòa nhà.
JqMtL7u.jpg
[/IMG]
Tạm biệt Brunei
grTje4B.jpg
[/IMG]
Ngoại thành Brunei
oEIDJNu.jpg
[/IMG]
EnuSgHM.jpg
[/IMG]
Chợ đêm ở
xgWMGdp.jpg
[/IMG]
Chợ đêm chụp từ ngay nhà nghỉ
 
Re: Đông Nam Á-Hành trình không xa lạ 2016 (Phi, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar

Ngày 6 (4/2/2016)

Một sáng thảnh thơi và nhẹ nhàng, không bị dí bởi các chuyến bus và các chuyến bay. Sáng ở Kota cũng yên bình, những block nhà chung cư cũ kĩ còn đầy mùi ẩm mốc của trận mưa trái mùa đêm qua. Chúng tôi mua tour đi 2 đảo Sapi và Manluka. Tour với giá 33 RM (160.000) môt người được ghép chung với hai vợ chồng người Nga và đứa con nhỏ còn chưa biết đi. Đứa nhỏ phơi nắng với sóng biển dạn dĩ hơn những đứa trẻ được các bà mẹ bao bọc kỹ lưỡng ở Việt Nam. Ông bố đẩy chiếc xe lên thuyền, bà mẹ nhẹ nhàng ẵm đứa bé đặt lên rồi cứ để thế trong suốt hành trình sóng dập gần chết. Trên hành trình này tôi bắt gặp nhiều gia đình có con nhỏ, như ở Taal, gia đình 5 người, 3 đứa trẻ con còn phải bế, bồng, đứa lớn nhất với 5 tuổi mà đã phải tự đi leo núi đấy.

Đảo Sapi yên bình với hàng ngàn con cá quấn lấy người. Những con cá to hơn dạn dĩ còn rỉa vào chân đỏ ửng. Mấy chị tây la oai oái, tôi cũng la, thế là cả đám nhìn nhau cười mà vui quá đỗi. Tôi thuê một cái mặt nạ để xem cá giá 10 RM. Chúng tôi có 2 tiếng ở Sapi với bữa trưa đắt đỏ 10 RM/đĩa cơm chiên, bốn đứa ăn chung. Buổi trưa, thuyền chở chúng tôi qua đảo Maluka. Maluka yên bình hơn Sapi với cái cầu tàu huyền thoại, Maluka phải mua vé vào công viên 10 RM/người nhưng thực ra giống một cái resort hơn. Maluka nhiều bóng cây, biển xanh nhưng đã quá đủ để tắm phơi nắng đỏ ửng da nên chúng tôi chỉ ngồi ngắm cảnh và nghĩ giờ này tết tới đâu rồi nhỉ. Trời đổ nắng, biển thì xanh ngút ngàn. Mấy anh chị tây ngồi phơi nắng mà sao thấy yên bình thế. Nóng mà!

2h chiều tàu đón chúng tôi về khách sạn tắm rửa. Chúng tôi thuê thêm 4 tiếng buổi chiều phải đóng thêm 20 RM, vậy cũng rẻ. Đón taxi ra sân bay. Kota sân bay quốc tế và nội địa chung nên quét hành lý tới 3 lần. Chúng tôi chẳng thể đem giọt nước nào vào máy bay. Ở sân bay khác, chúng tôi dùng chai nhựa dẻo hứng đầy nước sau khi đã soi chiếu. Mấy cái tiểu xảo lấy nước ở sân bay mà chúng tôi đỡ biết bao nhiêu tiền nước. Quan trọng là trên máy bay mà khát thì giá mắc lắm. Ga chờ không có bán đồ ăn, chỉ có vài quầy bánh ngọt với café. Hoàng hôn ở sân bay Kota cũng rất đẹp. Nắng buông nhẹ. Tôi cứ ngồi thẫn thờ và bảo, cầu mong cho máy bay trễ đi để được ngắm hoàng hôn chút xíu.

21h20 máy bay hạ cánh. Sân bay Bali rộng và đẹp hơn tôi tưởng, quầy thu tục cho Asean Citizen vắng khách nên nhập cảnh nhanh hơn, các anh hải quan cũng chẳng hỏi gì nhiều. Đi bộ 3km về khách sạn, thấy Bali giống Sài Gòn quá, quán ăn đêm mở cửa khuya, những bức tường thành cổ, cổng tường chào khá ấn tượng. Thấy an bình rồi, thấy miền đất hứa có khác. Sẽ được ăn chơi tới sáng, sẽ quên béng cái Brunei buồn tẻ và Kota Kinabalu đặc mùi hải sản, biển.

Chúng tôi chọn ở khách sạn CT1 qua Agoda với giá phòng siêu rẻ 115.000/người/ngày mà phòng thì 2 người đủ điều hòa, nhà vệ sinh bên trong. CT1 kha ấn tượng phòng nhỏ, giá rẻ nhân viên nhiệt tình. Chúng tôi đi ăn tối với mấy món quen thuộc giống hủ tiếu bò viên, bánh trứng, về khách sạn ngủ hết một ngày dài. Đợi mai khám phá Bali.

NmIJPzo.jpg
[/IMG]
Cá ở Sapi
P9eVFL3.jpg
[/IMG]
sapi trong xanh
FdWQ61g.jpg
[/IMG]
càu tàu huyền thoại ở Maluka
vOn071n.jpg
[/IMG]
Tây phơi nắng ở bãi biển
dfnRlPJ.jpg
[/IMG]
Chờ máy bay ở Kota
FlUBgWF.jpg
[/IMG]
Chiều rám nắng ở sân bay
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,647
Bài viết
1,154,452
Members
190,155
Latest member
ncvinh123
Back
Top