What's new

Ghi chép Trường Sa - 2013

Sau chuyến đi được gần 1 tháng mà tôi vẫn có cảm giác mình chưa dứt được mạch cảm xúc của chuyến đi, một cảm giác tôi chưa bao giờ có với những chuyến đi khác. Tôi vẫn cố gắng tìm thêm nhiều thông tin về Trường Sa hơn, tôi vẫn theo sát hành trình của các đoàn đi sau qua Facebook của các thành viên trên tầu HQ996 và của các bạn thuộc đoàn thăm Trường Sa của Trung ương Đoàn, để nhớ đến những điểm đảo tôi vừa qua, nhớ đến những người bạn tôi vừa mới gặp.

Tôi vẫn thấy mình vẫn nợ một cái gì đấy rất khó diễn tả thành lời với Trường Sa. Chia sẻ với các bạn vài ghi chép nho nhỏ tôi ghi lại trên chuyến hành trình 10 ngày trên biển qua các điểm đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Thị, Trường Sa và DK1/17, DK1/18.


Hình như chiến tranh đã lùi xa lắm rồi thì phải, kí ức chiến tranh giờ mờ nhạt trong xã hội hiện đại. Bọn trẻ con bây giờ chúng mơ thành những siêu nhân, hiệp sỹ...

b2b30660cf9535ca2adbf62e659e579d.jpg


Nguồn ảnh socnhi.com​

Không như bọn chúng tôi thời xa xưa, đứa nào cũng muốn mình sau này lớn lên sẽ thành anh bộ đội, ao ước được một lần được mượn của anh, của chú, của bố chiếc mũ có ngôi sao vàng để đội lên đầu và khoe với trẻ con khắp phố. Trong số đồ chơi ít ỏi của chúng tôi ngày ấy, đứa nào cũng có một cây súng đẽo bằng gỗ, hoặc chí ít là bằng giấy gấp... Và những trò chơi của chúng tôi ngày ấy là những trò bộ đội, công an bắt gián điệp, đứa nào cũng giành phần mình làm bộ đội, quân đỏ, đứa nào bị bắt làm giặc, làm quân xanh thì hậm hực, chỉ mong trò chơi sớm kết thúc để mình được đổi vai...

Và tôi ở cái thời xa xưa đấy cũng có một ước mơ, một ngày nào đó lớn lên mình sẽ thành anh bộ đội hải quân. Tôi không nhớ tại sao lại là hải quân. Có lẽ là từ quyển thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa có những bài thơ rất hay về các anh bộ đội, một trong những bài thơ đấy là bài này, bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ được mấy câu đầu.

Gởi theo các chú bộ đội
Trần Đăng Khoa

Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tầu chiến cháy, những tầu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi

Rồi từ nhà cháu chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo...

Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây

Cháu về lớp cũ tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi

Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...

Minh hoạ cho bài thơ là hình vẽ hai anh bộ đội hải quân ngồi chơi bi với một cậu bé, phía xa xa là chiếc tầu thuỷ đang nhả khói. Hình ảnh minh hoạ rất thô sơ, chỉ là những nét phác hoạ, nhưng trong tâm trí của tôi, hình ảnh ấy có ấn tượng rất mạnh. Hình minh hoạ ấy kết hợp với bài thơ tạo nên một không khí rất sống động, tôi như nghe thấy tiếng cười của hai anh bộ đội với cậu bé, như nghe thấy tiếng tầu thuỷ đang kéo còi để chuẩn bị dời bến, như nhìn thấy cậu bé chiều chiều ra cạnh bờ biển đứng ngóng những người bạn đang ở trên một con tầu nào đấy ngoài biển kia.

Và ước mơ trở thành thuỷ thủ cứ thế theo tôi suốt quãng thời gian trẻ con xa xôi đấy. Tôi đã vẽ những bức vẽ nguệch ngoạc về những chiếc tầu thuỷ và về biển... Rồi thời gian trôi qua, ước mơ đấy biến mất lúc nào tôi cũng không biết, có đôi khi nó thoáng quay lại đâu đó khi tôi gặp lại một điều gì đấy từng thân thuộc trẻ con.

Tôi lớn lên làm một công việc chẳng liên quan đến bộ đội, đến hải quân và đến biển, nhưng tôi biết tôi yêu biển và tôi vẫn yêu quý những người lính. Vẫn mong một ngày được sống với giấc mơ ngày xa xưa đấy và giờ nó đang thành hiện thực. Tôi sẽ có 10 ngày sống trên một chiếc tầu hải quân ra quần đảo Trường Sa. Tôi rất muốn tin, đấy chính là con tầu mà ngày xưa tôi đã vẽ, và mong muốn sẽ được mặc bộ quần áo hải quân một lần trong đời.

Tôi đang mong trời yên biển lặng, tôi mong bình yên trên những chuyến đi.
 
Ngày thứ 1.

Tôi đã lên tầu HQ996. Thế là chắc chắn tôi sẽ đi Trường Sa. Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng cũng qua, chỉ còn lại một cảm xúc duy nhất, đó là sự xúc động. Xúc động vì đã được dự lễ tiễn đoàn theo đúng nghi thức Hải quân, nghi thức của những người đi biển. Tức là có đoàn tiêu binh đứng một hàng ngang giơ tay chào, ba hồi còi của tầu HQ996 rúc lên chào bến cảng, chào đất liền trước lúc ra khơi và ba hồi còi đáp lại từ tầu quân y Khánh Hòa 01, đấy là lời chào tạm biệt, lời chúc tốt đẹp, chúc thượng lộ bình an - à không phải thượng lộ nhỉ - chúc chuyến đi biển bình an, vững vàng tay lái vượt qua những con sóng cả, sóng lừng.

a.JPG


Một vài câu chuyện gom được trên tầu.

Đoàn đi có 10 bạn nhà báo độc lập, bạn làm ở báo QĐND đi chuyến này là chuyến thứ 6 ra Trường Sa. Bạn kể mỗi chuyến đi như thế này, ngoài việc Hải quân phải trực sẵn sàng chiến đấu, còn có cả không quân với đội hình SU 30 cũng sẵn sàn ứng chiến trên biển.

Tuy mang danh nghĩa là đoàn Doanh nghiệp ra thăm Trường sa, nhưng cuối cùng có 6 đoàn bỏ chuyến. Có một số bộ đội thuộc các binh chủng khác cũng đi theo đoàn, mèng nhất cũng là cấp đại úy, còn lại là ủy ban TƯ MTTQ VN, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, HĐQT tập đoàn dầu khí, Tổng công ty Hàng không... lơ ngơ đâu ra mấy thằng nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng là tôi :)

Một chút thông tin về tầu HQ996.

Tầu đóng năm 1994, đưa vào hoạt động 1996, chắc là tầu thứ 9 đưa vào hoạt động năm 96 nên có số hiệu 996.

Tầu có sức rẽ nước 2000 tấn. Là tầu chở người chuyên dụng của Hải quân.

Tầu có sức chứa khoảng 200 người. Trong đó thủy thủ đoàn và bộ phận phục vụ là 50 người.

Tầu chở theo khoảng 800 tấn nước ngọt.

Mỗi một giờ chạy tầu, hai máy phát gồm một máy cho động cơ điện, một máy cho điện sinh hoạt, tốn 1m3 dầu diesel.

Tầu đang đi qua Cần giờ, sóng điện thoại vẫn còn nên các bạn tranh thủ gọi điện thoại nốt, vì đang đi trên sông nên sóng vẫn êm, chưa ai say nên vẫn còn lang thang khắp nơi để tìm hiểu thêm tầu.
 
Biển vẫn lặng như Hồ Gươm nên cả đoàn công tác vẫn rất khỏe, chưa thấy ai bị say sóng. Mặt biển lặng như tờ và nước xanh như mực.

TS3.JPG


Đi qua nhà bếp, thấy các bạn tổ phục vụ đổ rác thẳng xuống biển. Rác hữu cơ thì không nói, sẽ làm mồi ăn cho cá và phân hủy được, chứ nilong, chai nhựa cũng đổ hết xuống biển. Các bạn có biết lượng rác không tiêu tan, theo các dòng hải lưu tụ về Bắc Thái Bình Dương, có tên quốc tế là Eastern Garbage Patch, diện tích lên đến 15 triệu km vuông, tức là lớn hơn nước Mỹ, tương đương với khoảng 100 triệu tấn rác và chủ yếu là nhựa, nilong và chất thải rắn không phân hủy. Đảo rác khổng lồ này đang không ngừng phình to ra với tốc độ đáng báo động.

Quần đảo Trường Sa là một quần đảo san hô, trải rộng trên một vùng biển khoảng 180.000 km2, gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm và bãi san hô, được chia thành 8 cụm đảo: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó Song Tử Tây là đảo cao nhất ( cao từ 4m đến 6m khi thủy triều xuống) và Bình Ba là đảo rộng nhất (0.6 km2)

Vùng Biển Đông, Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và gần 3000 đảo lớn nhỏ có vị trí chiến lược trong việc bảo vệ sườn phía Đông của Tổ Quốc.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, cho nên hầu hết các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều có hoạt động thương mại, hàng hải trên vùng Biển Đông. Trong số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đường đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.

Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch, thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông và Trung Quốc, Nhật Bản và các nước lân cận.

Vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có trữ lượng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản bao gồm dầu khí, thiếc, zircon, mangan, thạch anh, thạch cao... Trong đó quan trọng nhất là dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn quy dầu (chiếm 25% trữ lượng dầu khí trên cả vùng Biển Đông do tất cả các nước quản lý) và trữ lượng khí đốt lên đến 3000 tỷ m3/năm.

Ngoài ra trữ lượng cá và các loài động vật biển ước tính 32.5 tỷ tấn, chưa kể chim biển và các nguồn lợi mang đến từ rong biển và các thủy sinh vật dưới biển.

TS2.JPG


Tôi chép một vài thông tin từ các sách đã đọc để thấy được vị trí chiến lược, tiềm năng và nguồn lợi thu được từ vùng biển Việt Nam và cũng phần nào lí giải được tại sao Biển Đông luôn nóng trong các mối quan hệ quốc tế gần đây.
 
Ngày thứ 3 lênh đênh trên biển, loanh quanh hết chỗ nọ đến chỗ kia trên tầu, chẳng biết làm gì. Hết ăn rồi lại nằm. Ngày ăn bốn bữa, vừa thấy ăn xong lại thấy các bạn ở tổ phục vụ sắp bàn ghế để ăn bữa tiếp theo.

Biển vẫn lặng sóng và xanh ngắt còn hơn mực Cửu Long.

TS4.JPG


Phải chiều nay khoảng 2-3h tầu mới hạ neo gần đảo Song Tử Tây, các bạn văn công sẽ lên đảo trước, để đêm nay biểu diễn giao lưu với chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Sáng mai chúng tôi mới đổ bộ lên đảo vì đảo không đủ sức chứa hết gần 200 người như thế này.

Nghề đi biển là nghề vất vả, cực nhọc. Ngồi trên tầu nhìn những chiếc tầu cá, nếu đứng trên bờ nhìn chắc sẽ bảo là tầu to, nhưng giữa biển khơi mênh mông, những chiếc tầu cá như chiếc lá, mong manh giữa biển và bằng một góc tầu Hải quân chúng tôi đang đi và so với tầu hàng nước ngoài thì có khi chỉ bằng một chữ cái ghi trên thân tầu.

Chẳng có việc gì làm, ngồi đọc hết quyển phóng sự "Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa" của nhà báo Hà Anh , phóng viên báo Biên Phòng khu vực miền trung. Ngoài những câu truyện ghi trên đảo Lý Sơn về những hải đội Hoàng Sa đi giữ đảo dưới thời Nguyễn, phần còn lại là những câu chuyện về những cuộc vận lộn với gió to, sóng dữ, với những trận bão cấp 11,12, và cả những cuộc rượt chạy do bị tầu Trung Quốc xua đuổi... Thế để thấy con người trước thiên nhiên vô cùng nhỏ bé, số phận phó thác cho những may rủi của thời tiết. Và đôi khi, những con người mong manh giữa biển ấy lại nương nhờ vào những con cá heo, cá voi. Có cả một câu chuyện kể về một đàn cá heo còn dẫn chiếc tầu cá Việt Nam len lỏi giữa những luồng lạch để vào bãi cạn tránh những chiếc tầu Trung Quốc đang xua đuổi.

Chuyện kể thời chúa Nguyễn Ánh vì tránh nhà Tây Sơn mà phải ra biển chạy xuôi phía Nam. Gặp trận bão giữa mịt mùng biển khơi, cũng nhờ gặp được đàn cá voi nâng thuyền, cản sóng mà qua cơn bão, an toàn cập bến phương Nam. Sau này Nguyễn Ánh lên ngôi, nhớ ơn mà phong cho cá voi - cá ông là ngài Nam Hải Đại Tướng Quân.

Trong tín ngưỡng dân gian, cá voi là mảnh áo của Bồ tát ném xuống Đông hải để cứu giúp những ngư dân hiền lành trên biển. Vì thế mà dọc bờ biển miền Trung có rất nhiều lăng thờ những ông cá Voi lụy bờ. Cá biệt ở vùng biển còn có cả cá ông, cá bà cùng lụy thành một cặp.

Cuối ngày tầu cũng đến được đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất của chuyến hành trình. Đảo nằm giữa 3 hòn đảo Song Tử Đông và Đá Nam. Song Tử Đông đang do Philipine chiếm giữ. So với Song Tử Đông giống như một hòn đảo để hoang, le lói vài ánh đèn thì Song Tử Tây được xây dựng rất nhiều công trình từ điện gió, âu tầu khu dịch vụ nghề cá, chùa...đèn điện sáng choang cả một vùng biển.

Nhìn thấy hòn đảo Việt Nam nổi lên giữa biển khơi, một phần của tổ quốc ở nơi xa xôi nhất, cách đất liền gần 500 hải lý, các bạn trên tầu đều xôn xao, giơ máy ảnh, điện thoại ra chụp. Ai cũng muốn được lên đảo luôn đêm nay, nhưng lúc buổi chiều tôi vừa đọc Bên thắng cuộcc đến đúng đoạn người Việt di tản trên biển, nạn kiều Trung Quốc và có một đoạn về Hoàng sa và Trường Sa, tự dưng lòng trùng xuống, không buồn, không vui.
 
Ngày thứ 4

Buổi sáng cả đoàn được lên Song Tử Tây, nhưng khi cano vừa cập được vào đến đảo thì mây đen ùn ùn kéo đến, được một lúc thì mưa. Mấy thằng cầm máy ảnh chúng tôi kêu la ầm ĩ sao mà đen thế, mấy ngày đi trời yên, biển lặng, mây trắng, nắng vàng, đến lúc lên đảo thì trời mưa. Nhưng lên đến đảo mới biết, đảo Song Tử Tây có trên 300 ngày nắng một năm, thế nên gặp mưa trên đảo là điều may mắn lắm. Anh em chiến sỹ trên đảo đã chờ mưa đến 4-5 tháng nay rồi, nước ngọt trên đảo gần hết, rau xanh trên đảo phải tưới bằng nước lợ, giờ héo queo và gần chết.

TS4.JPG


Tuy trời mưa nhưng đảo vẫn tổ chức lễ đón đoàn công tác bằng nghi thức chào cờ và diễu hành. Lần đầu tiên được nhìn lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên tấc đất cách Tổ quốc, cách đất liền cả ngàn tấc biển, chắc ai cũng sẽ thấy nghèn nghẹn trong cổ họng, không thể hát hết được lời bài Quốc ca.

TS5.JPG


TS6.JPG


Sau lễ chào cờ, cả đoàn được lang thang tự do tìm hiểu cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên đảo. Đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất trên quần đảo Trường Sa, là đảo lớn nên ngoài các công trình quân sự, còn có các công trình dân sự chùa, hải đăng và trạm khí tượng, nhà dân...

Trong các bản tin thời tiết, các cô dự báo thời tiết thường nói: Hôm nay quần đảo Trường Sa nắng hoặc hôm nay khu vực giữa biển Đông có bão, thông tin đó được sử lý bằng số liệu thu thập được từ trạm khí tượng Song Tử Tây và Trường Sa lớn. Trưởng trạm khí tượng Song Tử Tây là một bạn còn rất trẻ nhưng cũng có gần 10 năm gắn bó với công việc thu thập số liệu khí tượng trên biển, bạn đã đi qua các trạm khí tượng trên đảo Phú Quý, Côn Đảo và giờ là Song Tử Tây.

TS8.JPG

Tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây

TS8.JPG

Cổng chùa Song Tử Tây

Sát bên đài khí tượng thủy văn là ngọn hải đăng Song Tử Tây, một trong 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa và là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất - năm 1993. Suốt 20 năm, ngọn hải đăng vẫn đêm đêm cần mẫn đảm bảo an toàn hàng hải cho vùng biển có bán kính rộng khoảng 18 hải lí quanh đảo Song Tử Tây. Cũng là lần đầu tiên tôi biết, những ngọn hải đăng không chỉ là cột mốc để cho những con tầu hướng tới trong giông bão, mà còn có nhiệm vụ báo hiệu đây là vùng biển nông, cần chú ý và giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.Những ngọn hải đăng trên biển còn là những cột mốc chủ quyền, giúp những con tầu qua lại trên biển biết đấy là vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Những người gác ngọn đèn biển mang ánh sáng cho cả một vùng rộng lớn như thế, nhưng cuộc sống của họ lại thầm lặng. Anh Thập trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây, người có thâm niên 28 năm gác những ngọn đèn biển, trong đó có 19 năm gác những ngọn đèn biển trên quần đảo Trường Sa, anh đã gác qua 6 trên 9 ngọn hải đăng trên quần đảo. Một năm các anh bám đèn 9-10 tháng, về đất liền vội vàng trong khoảng 3 tháng nghỉ phép, nghỉ bù rồi lại quay ra. Cha mẹ hai bên, con cái, nhà cửa giao phó toàn bộ cho vợ. Anh nói cuộc đời anh gần như cống hiến cho những ngọn đèn biển, thế nhưng ít ai biết về sự có mặt của các anh ở đây. Nhiều lúc các anh cũng cần sự động viên của các đoàn công tác ra thăm đảo, của báo chí, nhưng rất nhiều đoàn ra đảo không hề ghé thăm, không một lời động viên thăm hỏi.

TS9.JPG

Âu tầu tránh bão và khu dịch vụ nghề cá

Hình như đây cũng là lỗi của bộ máy tuyên truyền, báo chí tập trung vào những hộ dân trên đảo như những người tiên phong chịu hi sinh nơi đầu sóng ngọn gió, bám đất, bám biển cùng bộ đội Hải quân khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Quên mất trên đảo còn có các đơn vị dân sự như trạm khí tượng, trạm hải đăng, khu dịch vụ nghề cá... họ cũng là những người bám biển, bám đảo, cũng chịu vất vả, hi sinh, những đóng góp của họ làm cuộc sống này tốt đẹp hơn.
 
Buổi chiều chúng tôi lên đảo Đá Nam. Một đảo chìm cách Song Tử Tây khoảng 1 giờ tầu chạy. So với đảo nổi thì đảo chìm vô cùng khó khăn, chỉ là một phần đất nhỏ nhô lên giữa biển, đủ để xây một lô cốt 3 tầng bên trong vừa là bếp, phòng ở, hội trường và công sự. Rau xanh được trồng ở tất cả những nơi có thể và rất còi cọc, thế nhưng các anh vẫn nuôi được một đàn lợn, buổi trưa chúng thờ phì phì và nằm tránh nắng dưới chiếc xuồng CQ.

TS10.JPG


TS11.JPG


Anh em chiến sỹ trên đảo luôn ngóng đoàn văn công. Các anh luôn miệng hỏi đoàn văn công ra chưa, đi xuồng thứ mấy? Bài hát đầu tiên các bạn Đoàn văn công xung kích thuộc Đoàn chèo tỉnh Hưng Yên hát là bài Lính đảo chờ mưa. Thật ngạc nhiên vừa cất tiếng hát, cơn mưa ầm ầm kéo đến, gió mát rượi, mây đen mịt mù. Mắt chúng tôi nhòa nước và rồi tất cả cùng hòa nhịp theo những bài hát, không còn biết ai là ca sĩ, ai là khán giả.

TS12.JPG


Mưa trên biển ào đến rồi ào đi, dù lưu luyến dùng giằng mãi rồi mưa cũng tạnh, chúng tôi phải quay về tầu để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi nấn ná để lên chuyến cano cuối cùng, chẳng biết nói gì chỉ bắt tay các anh thật chặt. Cano đi khuất rồi mà các anh em chiến sỹ vẫn đứng vẫy tay mãi làm nước mắt lại rưng rưng.

TS13.JPG


Cũng như mưa trên biển, các đoàn ra thăm đảo cũng ào đến rồi ào đi, lô xô vài lời hỏi thăm, vài gói quà tưởng thế là đem đến niềm vui, tưởng thế là quan tâm, là đủ để động viên các anh yên tâm công tác. Nhưng tôi nghĩ, cái để lại sau chuyến thăm là nỗi nhớ đất liền, là nỗi cô đơn giữa nơi mênh mông chỉ có trời và biển.

[video=youtube_share;zZI-Ky6e2mQ]http://youtu.be/zZI-Ky6e2mQ[/video]
Lính đảo đợi mưa - Hát trên đảo Đá Nam

Chủ trương Việt Nam là quốc gia biển, hướng đến một nền kinh tế biển là chủ trương đúng. Việt Nam đã và đang đầu tư rất nhiều cho những cảng biển, công nghiệp đóng tầu, hàng hải và quân sự. Theo lời kể của các anh cán bộ sống lâu năm trên đảo, cuộc sống trên đảo giờ đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước , trên các đảo có cả sóng điện thoại Viettel nên khoảng cách giữa đảo và đất liền, giữa cán bộ chiến sỹ công tác trên đảo và gia đình đã gần hơn. Nhưng tôi vẫn thấy, giá như những thất thoát đổ vào Vinashin, Vinaline và những cái gì gì ở đâu đó nữa được đầu tư đúng chỗ cho những đảo chìm, đảo nổi, để Trường Sa gần với đất liền hơn nữa, để những chiếc tầu biển đang là đống sắt vụn nằm ở đâu đó trở thành tầu hải quân, để những bớt đi nữa những khó khăn, gian khổ của những người lính nơi đầu sóng đầu gió.

TS7.JPG


Còn nữa, trên đảo Song Tử Tây, tôi nhìn thấy cột mốc chủ quyền của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa dựng từ năm 1955, nằm lửng lơ, chơ vơ giữa vườn rau của trạm khí tượng. Chúng ta vinh danh hải đội Hoàng Sa ngày trước có công đưa những cột mốc ra khẳng định chủ quyền Việt Nam trên những hòn đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì nên chăng cũng cần ghi nhận những đóng góp nhất định của chính quyền Việt Nam Công Hòa trong nỗ lực khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển. Đừng ghẻ lạnh cột mốc chủ quyền nằm chơ vơ giữa mưa nắng Trường Sa.
 
Last edited:
Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn

Bài thơ này của Trần Đăng Khoa, tôi đã đọc qua từ rất lâu, nhưng nó trôi tuột đi đến một vùng nào đó trong kí ức làm tôi không hề nhớ, nhưng chỉ đến khi lên đảo, khi được nghe hát Lính đảo đợi mưa, khi được tận mắt chứng kiến anh em chiến sỹ trên đảo mong mưa như thế nào thì mới thấy thấm thía, mới thấy phục Trần Đăng Khoa đã viết lên một bài thơ quá hay.

TS22.JPG



Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...

Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền

Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ
Rồi khao nhau
Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
Ôi ước gì được thấy mưa rơi ...

Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển
Ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía chân trời..
Ôi, ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát
Giãy giụa tơi bời trên cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào

Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo
Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng
Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng
Chập chờn bay phía xa khơi...

Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu
Hay mưa bụi ... mưa li ti... cũng được
Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước
Một hạt nhỏ thôi cát cũng dịu đi nhiều...

Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi...

Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi
Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa
Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời
Để bao giờ cánh lính chúng tôi
Cũng có một niềm vui đón đợi...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,616
Bài viết
1,153,958
Members
190,146
Latest member
sportifiles
Back
Top