phuongthuthuy
Phượt thủ
Đây là tháp chuông cũ, có người cho rằng nhà thờ La Vang vốn được xây trên nền của một mái chùa Phật giáo hoặc là một miếu thờ Bà (có thể là Phật bà quan âm hoặc bà chúa Liễu Hạnh) cho người đi rừng, nguyên là một mái nhà tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng La Vang trước đó chỉ là một vùng hoang vắng, vùng rừng núi hẻo lánh.
Theo một thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải "la" lớn, mà "la" lớn thì "vang". Cái tên La Vang ra đời.
Một giả thuyết tương tự về tiếng "la vang" đã từ đặc tính của âm thanh chuyển thành danh từ riêng, nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thì thường chia nhau thức canh, thấy động thì "la vang" lên để mọi người đến tiếp cứu.
Một cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết "lá vằng" không dấu thành La Vang.
Một thuyết khác cho là địa danh "phường Lá Vắng" đã có từ trước đó, thuộc làng Cổ Vưu, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị, 4 cây số và cách Phú Xuân, tức Kinh Đô Huế, 58 km về phía Bắc.
Thánh địa La Vang ngày nay vẫn truyền khẩu câu chuyện về Đức Maria hiện ra an ủi, nâng đỡ con cái trong thời loạn ly cấm cách đã được truyền tụng qua bao thế hệ. Thực ra không ai biết được đích xác Đức Mẹ đã hiện ra tại La Vang năm nào, nhưng theo khẩu truyền thì vào khoảng từ năm 1765 – 1802, lúc nước nhà đang quằn quại giữa cảnh trăm họ lầm than do chiến tranh hoặc do cơn bách đạo gây nên. Có người đã cho rằng đó là năm 1798, năm Cảnh Thịnh bắt đạo nhưng thực ra cũng chỉ là nói theo phỏng đoán. Tuy vậy, người ta đã có thể ghi nhận tại nơi ngày nay là linh đài Đức Mẹ, ngay từ những năm đầu triều vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã có nền thờ vọng để thờ kính Đức Mẹ.
Nhìn những bức tượng Đức Mẹ trắng tinh, bên cạnh là những hàng sắt đã ghỉ rét theo thời gian cùng những viên gạch loang lổ bởi rêu phong bỗng thấy lòng hoài niệm về những điều xưa cũ.
[video=youtube;Im0iqwPc938]https://www.youtube.com/watch?v=Im0iqwPc938[/video]