What's new

Hồi ức một chuyến đi: Đường tới “phía sau” đỉnh Fansipang!

Kỳ I: Xách balo đi tìm nơi để đến và cảm nhận..

Tỉnh dậy sau thời gian dài mệt mỏi, tôi quyết thực hiện một chuyến đi mới nảy ra trong đầu những ngày qua. Một chuyến đi để được hòa mình với thiên nhiên, đất trời, cái cảm giác được cảm thụ tinh hoa trời đất, được thỏa sức vùng vẫy hút hà mùi cỏ cây hoa lá, mùi ngây ngây của đất rừng Tây Bắc, tiếng suối róc rách, tiếng chim ca vượn hú làm tôi rạo rực và quyết đi cho bằng được... Bỏ lại đằng sau những bon chen phiền muộn của cuộc sống, tôi bật dậy, xách balo, gom vài bộ quần áo, để lại vài dòng cho gia đình và cứ thế..xách balo lên rồi đi..

Lào Cai tháng 9, tháng mưa to gió lớn, lũ quét sối sả cũng không thể ngăn cản được chân kẻ lữ hành đang hướng đến vùng đất cao nguyên núi rừng trùng điệp, được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ trải dài hàng cây số mà tạo hóa đã ban tặng. Đường lên Sapa vẫn quanh co, hiểm trở như ngày nào, đi qua nơi vừa mới xảy ra tai nạn của chuyến xe tử thần, hầu hết các xe đều phải đi chậm lại…phía xa là những ruộng lúa bậc thang chín vàng ruộm cả một góc trời nằm gọn gàng dưới chân các dãy núi trùng điệp nối đuôi nhau.

6h sáng tôi đặt chân đến Sapa - thị trấn trong mây, lần thứ 5 đặt chân đến nơi này, vẫn vậy.. rất yên bình và lặng lẽ, không ồn ào, không vội vã, Sapa như đang yên giấc như vốn có trong cái tiết trời se lạnh kiểu lập thu Hà Nội. Có một điều trùng hợp hay duyên phận sắp đặt thế nào đó mà hầu hết các lần lên Sapa của tôi đều vào tháng 9, thậm chí là giữa tháng 9. Đặt balo xuống, thở phào nhẹ nhõm, uống một ly café nóng cho tỉnh táo. Tôi rút điện thoại ra rồi gọi để set up một cuộc hẹn cho chuyến đi.

Untitled by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
Trong lúc ngồi đợi một người bạn tại một quán café khá phong cách ngay tại phố Cầu Mây, nhớ lại rất kỉ niệm đã có với cái thị trấn du lịch này, .. những ngày tới sẽ hứa hẹn rất nhiều điều thú vị đang chờ 2 chúng tôi, đi để được cảm nhận cái chất dân dã, cái chất phiêu du ngông cuồng trong con người và đi đến nơi mà tôi chưa từng được tới...
 
Last edited:
Kỳ II: Hành trình của hai kẻ lang thang nơi núi rừng!

Tới 9h tôi và người bạn mới quen đã có mặt tại Trạm kiểm lâm núi Xẻ. Đường leo lên đỉnh Fansipang từ Trạm Tôn luôn được coi là đường dễ đi nhất, cũng dễ hiểu bởi lẽ vào cái mùa mưa lũ, đi Sín Chải hay Cát Cát thì coi như đối đầu với rủi ro cao đấy là chưa kể đến công trình cáp treo Fansipang đang ngày đêm thi công nên từ lâu chính quyền đã không cho du khách đi từ cung đường SC và CC một cách chính thống, cũng vì sự an toàn của người leo núi và thuận tiện đi lại cho công nhân thi công cáp treo. May mắn cho tôi là thời tiết hôm nay lại đẹp, trong và không thấy nhiều mây. Tôi đang hí hửng vì sự may mắn này như một điềm báo chuyến đi sẽ rất thành công tốt đẹp. Leo Fansipang đã qua lễ 2-9 nhưng có vẻ vẫn đông và đa phần là người nước ngoài. Đường tới điểm đến của tôi như dự định sẽ leo lên 2.200m như các du khách leo Fan và từ đó sẽ rẽ hướng khác lần theo đường mòn để đi sâu vào rừng đại ngàn. Trong lúc đang chờ bạn tôi làm thủ tục để được vào rừng với tư cách là người leo Fan mặc dù mục đích và hướng tới của tôi là nơi khác nhưng có vẻ mấy ông kiểm lâm vẫn nhận ra điều gì đó trong cái mục đích leo Fan của chúng tôi. Cũng phải thôi bởi nếu không leo Fan thì tới đây làm gì vì các còn đường đi khác đều rất nguy hiểm nếu không có kiểm lâm đi cùng, có quá nhiều trường hợp thương tiếc đã xảy ra tại nơi rừng thiêng nước độc này rồi. Cuối cùng, bạn tôi cũng đã xin xong thủ tục… haizzz vậy là balo, đồ đạc đã sẵn sàng và chúng tôi lên đường..!

Cách đây 5 năm tôi đã từng leo Fan theo cung Sín Chải – Sín Chải, đường khó đi hơn cung Trạm Tôn này nhiều. Điều tôi thấy lạ là rừng có vẻ bớt xanh hơn, cây đổ nhiều hơn, rác nhan nhản khắp nơi, đường mòn có nhiều hơn chắc do bây giờ nhà nhà leo Fan, người người leo Fan, không biết sắp tới đưa cáp treo vào sử dụng thì rừng Hoàng Liên Sơn còn lại những gì, cái thú của leo Fan không chỉ nằm ở chỗ chinh phục được nóc nhà Đông Dương mà còn ở cái cung đường da dạng thực vật, địa hình hiểm trở vào loại bậc nhất này. Cái thú được leo trèo, trườn bò trong rừng già, lúc thì chỉ toàn đá với rong rêu, lúc chỉ toàn trúc với bùn lầy, lúc thì vực thẳm sâu hun hút. Cái thú của kẻ chót lỡ đam mê phượt rừng rú sẽ ra sao nếu khi đang leo trèo bỗng có 1 túi rác rơi từ vào đầu từ “trên cao kia”! Tôi và bạn tôi leo với tốc độ không tưởng gần 2 tiếng đã có mặt tại lán trại 2.200m.

Đôi lúc dừng nghỉ ngửa lên trời, hít thở không khí trong lành, dỏng tai nghe âm thanh núi rừng tĩnh lặng sao nó yên bình đến thế.
IMGL6067 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Thời tiết hôm nay rất đẹp, có nắng, có gió nhưng lại ló cái khó đó là “nóng”! Bạn tôi nói đang cuối mùa mưa nhưng không hiểu hôm nay lại nắng to và trời trong thế. Một điều khá buồn là rừng đã bị tàn phá rất nhiều, bị cháy, và trận tuyết rơi đầu năm đã tàn phá rừng Hoàng Liên để lại một “hậu quả khôn lường” – điều này tôi sẽ làm rõ hơn ở phần sau. Tôi bắt đầu thấy lo lắng bởi mục đích của tôi không biết có tìm được đường đến nơi đấy không và chúng có còn nguyên vẹn không khi dọc đường đi tôi chỉ thấy thân cây đổ và cháy đen thành than. Sau bữa trưa nhanh gọn với một nắm xôi và ít café tan tôi giục bạn tôi khẩn trương lên đường. Tại lán 2.200m tôi gặp rất nhiều các bạn trẻ và người nước ngoài đang hướng lên đỉnh Fan như trẩy hội. Theo hướng lên trạm 2.800m chúng tôi rẽ phải vạch lá tìm đường và có lẽ hành trình của hai kẻ lang thang thực sự bắt đầu từ đây. Chuyến đi này của tôi tất nhiên không thể nếu thiếu người bạn đường đáng tin cậy này. Mã A Sàng – một thanh niên người Mông trẻ tuổi nhưng cũng đã có tới 14 năm kinh nghiệm đi rừng và “ở” trong rừng. Đến 2h chiều có vẻ đường đi bắt đầu khó. A Sàng đã phải mấy lần chạy đi chạy lại một lúc để tìm ra đường đi cho hai đứa.
IMGL6071 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Đường đi mỗi lúc một khó, cái khó không phải là khó về địa hình hiểm trở, trơn trượt mà cái khó ở đây là tìm ra đường để đến nơi chúng tôi đang tìm. Tôi chỉ còn biết đi theo A Sàng vì thực sự có phóng tầm mắt lên xuống sang trái phải cũng chẳng thấy đâu là đường, dao chém loạn xạ vạch đường cũng chả ích chi.
IMGL6522 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
Tôi cứ phăm phăm đi theo A Sàng, có những đoạn đi 1 vòng quay lại chỗ cũ hai thằng nhìn nhau cười. Trời có vẻ nhiều mây, tôi hơi sốt ruột nếu gặp mưa chắc chả lấy đâu chỗ mà trú vì đoạn này là đỉnh đồi nên chỉ toàn cây bụi thấp cao hơn đầu người 1 chút. Vừa đi A Sàng vừa nhìn đường vừa nói có lẽ nhiều năm rồi không ai đi con đường này nữa, cũng vì vậy mà sẽ có thể có nhiều rắn “lùn” hơn…
IMGL6519 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi phải hỏi đến câu thứ n rồi câu trả lời vẫn là loại rắn “lùn” – sau này mới biết nó là rắn lục, bởi A Sàng nói tiếng kinh lơ lớ nên nhiều khi tôi nghe không rõ lắm. A Sàng nói loài rắn này không nhìn được ánh sáng nên ban ngày chúng thường ngủ trong các bụi cây, chúng sẽ tấn công nếu bị làm phiền hay nói cách khác hai đứa chúng tôi đang đi qua khu vực của chúng và đang tung dao loạn xới nãy giờ mà không biết gì. A Sàng liền chấn an tôi bằng cách chỉ cho tôi cách di chuyển nhanh và cách nhìn chỗ đi sao cho an toàn nhất mặc dù khá sợ nhưng tôi vẫn quyết băng qua bằng được khu đất kinh dị này mang theo trong người cảm giác ghê ghê, sợ sợ.
IMGL6513 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Đi khoảng hơn 2 giờ đồng hồ khi nhìn thấy rừng cây lá cao chót vót xanh ngắt một màu, có vẻ trước mặt tôi là một cửa rừng. A Sàng chỉ tay về phía trước ra hiệu với tôi bằng anh mắt có vẻ đắc ý. Như vậy gần như tôi đã tìm được đến nơi dự kiến ban đầu – “Rừng chè cổ thụ huyền thoại”.
IMGL6510 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
 
Last edited:
Kỳ III: Sự thật về rừng chè cổ thụ ngàn năm – nơi sự sống bị lãng quên!

Khi ở trên lán 2.200 tôi có nói với các bạn leo Fan rằng sẽ đi tìm rừng chè cổ thụ ngàn năm bí ẩn trong rừng đại ngàn Hoàng Liên, ai nấy đều mắt tròn mắt dẹt không biết đấy là nơi nào. Cách đây không lâu tôi đã đọc bài báo trên mạng về phát hiện của một vị du khách người Nhật trong một chuyến đi Sapa vào năm 2007 về loài chè được cho là ngon nhất thế giới, liệt vào loại quý hiếm bậc nhất bởi tuổi thọ của các cây chè cổ thụ ở đây lên tới hàng ngàn năm theo cách tính của vị chuyên gia thẩm trà. Sau đó 3 năm, vào năm 2010 một phóng viên nhà đài tên PND đã đăng lên hành trình vào rừng chè cổ thụ này với “các thông tin khá rõ ràng chi tiết”.

Sau đó, tôi cũng có nghe nói một cao thủ phượt tên An cũng đã vào đến tận nơi rừng thiêng nước độc này và tôi may mắn đã liên hệ được với cao thủ này. Tôi ko biết liệu sau đó còn ai thực sự quan tâm đến với rừng chè cổ thụ này và hôm nay mong ước của tôi đã trở thành hiện thực khi từng bước một tôi đang tiến vào rừng chè cổ xưa.

Tạm bàn một chút về chè và nguồn gốc cây chè lá: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn gốc của loài chè cổ xưa nhất trên trái đất bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 4 -5 ngàn năm trải dài từ Bắc Việt Nam, Miến Điện, Nam Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì loại chè cổ xưa nhất bắt nguồn từ bang Assam của Ấn Độ. Thực tế mà nói thời xa xưa chúng ta không thể phân biệt ranh giới như tên gọi hiện nay mà phải khoanh khu vực chè cổ xưa rộng lớn trên thuộc vùng Đông Nam Á cổ đại. Như vậy có thể kết luận loại chè có trên rừng Hoàng Liên Sơn này nằm trong khu vực của loại chè cổ xưa nhất trên trái đất tính từ thửa sơ khai của giống loài chè quý hiếm này.

Có một thông tin sưu tầm trên mạng như sau: Vào năm 1976 một nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sau khi phân tích các mẫu chè cổ tại các vùng từ Bắc Việt Nam, Miến Điện, Vân Nam Trung Quốc và Ấn Độ hay tạm gọi là vùng ĐNÁ cổ đại thì đưa ra sơ đồ tiến hóa về chè như sau: Camellia => Chè cổ Việt Nam => chè lá to Vân Nam => chè Trung Quốc => cuối cùng mới đến chè Assam Ấn Độ. Tuy chưa thể khẳng định loài chè cổ xưa nhất trên trái đất mọc bắt đầu từ đâu và chè cổ Việt Nam lại được các nhà nghiên cứu lấy mẫu từ chè Yên Bái, Hà Giang, Thái nguyên, chưa thấy có nghiên cứu nào công bố nói tới loài chè đặc biệt quý hiếm ở rừng Hoàng Liên Sơn.

Tuy nhiên cách tính tuổi thọ chè trong rừng Hoàng Liên cần phải được các nhà khoa học chứng minh dựa trên các mẫu phân tích. Chè cổ thụ cũng có ở Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên hay khảo cổ Việt Nam đã tìm ra vết tích hóa thạch của cây chè lá ở Phú Thọ. Nhưng để đạt tới độ cao hàng chục mét, thân cây chè bằng cả tay người ôm không hết như ở rừng Hoàng Liên Sơn thì không nơi nào bằng, thậm chí cả vườn chè cổ thụ Suối Giàng nhưng cũng chỉ với độ cao 6-8m và chỉ mọc được ở độ cao 800 – 1000m. Vậy liệu loài chè quý hiểm cổ thụ ở rừng Hoàng Liên Sơn có phải là loài chè cổ xưa nhất, có trước cả ngàn năm mà ko ai biết tới??? Tôi hy vọng sắp tới có những nhà khoa học trong nước hay quốc tế sẽ giải đáp vấn đề này. Bởi cho đến nay, tất cả thông tin vẫn chỉ nằm rải rác ở các trang mạng cá nhân, thông tin du lịch.., chưa có một công bố chính thức nào về nguồn gốc loài chè cổ xưa này.

Tôi và A Sàng đi xuống rừng chè men theo cửa rừng đã tìm thấy, độ dốc khá lớn và đường có vẻ trơn hơn rất nhiều. Trước mắt tôi là cả một màu xanh của rừng cây thân lá cao nhưng vẫn chưa có cây chè nào xuất hiện, có nhiều cây bị đổ gãy gập thân xuống vách đá.
A Sàng nói tôi đang đi vào “vườn” chè nhưng sự thực rất khác so với bài báo của phóng viên PND của nhà “đài” tôi biết. Tạm không bàn tới thông tin đúng sai tôi quyết cùng A Sàng tiếp tục đi tìm cây chè cổ thụ huyền thoại. Đi một đoạn A Sàng chỉ tay lên một cây chè bị gãy, tôi hí hửng ngước lên.. đúng là cây chè, lá chè nhưng thân cây cũng chỉ có đường kính khoảng 10 – 15 cm.

IMGL6086 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi cũng đã thấy khá nhiều cây chè nhưng chúng đều nhỏ, chỉ được cái là rất cao và xanh mướt. Tôi bắt đầu hỏi A Sàng về những gì đã thấy trong bài báo của tác giá nhà đài PND nhưng A Sàng nói với tôi trong rừng chè này không có cây chè nào to bằng cả 3 người ôm không hết, cũng ko có nhiều cây đến mức đi hết cả đời người cũng ko hết rừng chè cổ thụ bạt ngàn tại đây. Không sao, rừng Hoàng Liên Sơn tính riêng phần lõi rộng tới hơn 30 ngàn ha cơ mà nếu đúng vậy thì đi cả đời người cũng chả hết rừng thật! Không từ bỏ tôi nói A Sàng hãy đưa tôi đi hết cả rừng chè này đi, cho dù quanh quẩn trong này đến bao lâu nữa tôi cũng đi cho bằng được. Thấy có vẻ không thuyết phục được tôi, A Sàng vẫn khăng khăng với tôi là chỉ có “vườn chè” này thôi vì A Sàng đã sống ở khu rừng chè này gần 6 năm rồi, hồi đó A Sàng chưa làm nghề dẫn đường mà chỉ săn lượm và hái thảo quả đem về bán nên đã không biết bao lần đi qua vườn chè mà tôi đang nói tới. Tôi vẫn quả quyết lập luận của mình, hai đứa chúng tôi vẫn tiếp tục vạch lá tìm đường đi tiếp, càng đi tôi càng cảm thấy mình đang xuống thấp hơn. Như vậy khả năng lớn là vườn chè A Sang đang dẫn tôi đi nằm ở độ cao từ 1800m – 2000m. Nếu so sánh với bài báo của tác giả PND đăng vào tháng 2 năm 2010 thì tác giả cùng người dẫn đường TNL và kiểm lâm NVH lại leo lên độ cao tới 2.500m đi qua thung lũng chết ở độ cao 2.900m rồi lại vòng xuống đây, hơn nữa ảnh cửa rừng mà tác giả này chụp lại khá giống với ảnh của rừng mà tôi và A Sang vừa đi vào. Đầu óc tôi đang quá tù mù thông tin, lúc này sóng điên thoại không có, tôi không thể gọi điện vào mạng..trong đầu tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì bất ngờ A Sang thét lên một tiếng lớn…

Trước mắt tôi là một thân cây to bằng cả tay người ôm bị đổ lật gốc. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra tôi đã thấy A Sàng trượt xuống đó từ bao giờ. Tôi cố gắng theo tới nơi thì mới biết rằng đó chính là gốc chè cổ thụ mà A Sàng nói với tôi trên đường đi tới đây. Đau đớn hơn khi tôi được A Sàng nói đây chính là cây chè cao và to nhất mà A Sàng đã từng biết đến và thủ phạm không phải do con người bởi chẳng ai dám tới đây để mà đốn nó rồi để không cả, trận tuyết rơi bất thường dày đặc từ hồi đầu năm nay đã khiến thân cây cao vút này bị đổ gục xuống bật rễ.
IMGL6096 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
A Sàng đi đi lại lại vẻ mặt căng thẳng không nói nên lời, tôi cũng chẳng biết nói gì nữa chỉ còn biết hy vọng tìm đc cây chè cổ thụ 3 người ôm không hết mà tác giả PND đã chụp ảnh đăng lên báo mạng nhà đài cách đây 4 năm. Ước tính thân cây chè cổ thụ này cũng bằng cả 1 tay người to lớn ôm không hết và từ thân đến ngọn tôi nghĩ cũng chừng 10m, gốc của nó cũng có đường kính phải lên đến gần 2m, khá to so với giống chè đã từng được tìm thấy ở Hà Giang, Yên Bái. Tôi nghĩ vẫn còn hy vọng và tiếp tục nói với A Sàng là chúng ta phải đi tiếp, sẽ còn rất nhiều cây chè cổ thụ nữa mà mình chưa biết đến. Mặc cho A Sàng nói chỉ vào thân cây đổ kia là thân cây lớn nhất ở vườn chè.
IMGL6098 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Vừa đi tôi vừa thấy những điều rất mâu thuẫn so với bài báo tôi từng được đọc. Vườn chè này không nhiều cây chè như được miêu tả, cây không quá to, tôi nghĩ thầm an ủi chắc do trận tuyết rơi hồi đầu năm đã làm chúng gẫy đổ hết. Vậy còn cả một rừng chè chạy tít phía chân trời cả một đời người đi cũng không hết như được miêu tả của tác giả PND kia thì sao. A Sàng và tôi bắt đầu đi khá sâu vào vườn chè, càng đi càng thấy vườn chè này hóa ra không bạt ngàn mà lại khá thưa thớt, cách nhau khoảng chừng vài chục mét mới tìm thấy được 1 cây chè. Trước mặt tôi là một loại quả khá nhỏ và giống quả cà mà tôi hay thấy ở dưới xuôi. A Sàng nói là quả chè, tôi chưa bao giờ thấy chúng trước đây.
IMGL6082 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Vườn chè này xen kẽ khá nhiều loại cây thân lá cao, cây ổi rừng, cây dẻ và nhiều loại cây lá thấp mọc dưới tầng thấp nhất. A Sàng nói trong rừng Hoàng Liên Sơn, loài cây có thân to nhất là cây dẻ, đúng thật! Cây nào cũng cao vài chục m, thân cây cũng phải tới 3 người ôm cũng chả hết nhưng đó không phải là cây chè cổ thụ. Vẫn lác đác vài cây chè với những tán lá rộng, xanh thẫm, giống chè này lá lớn hơn chè mà chúng ta hay thường thấy và tất nhiên màu xanh của chúng cũng đẫm hơn rất nhiều. A Sàng ngắt cho tôi một bông hoa chè mà tôi cứ tiếc hùi hụi, đơn giản vì hoa chè sẽ thành quả chè, quả chè sẽ rơi xuống đất và sẽ là những cây chè khác mọc lên nơi rừng thiêng này.

IMGL6112 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
 
Last edited:
(tiếp)
Di chuyển chừng gần 1 tiếng, chúng tôi ngồi nghỉ, tôi không nói 1 câu nào mặc cho A Sang đang hái lá chè để lát nữa đun nước uống. Uống một ngụm nước ngửa mặt lên trời tự hỏi không lẽ chuyến đi của mình lại thất bại nặng nề. A Sàng có vẻ hiểu tôi đang nghĩ gì và nói sẽ dẫn tôi đi vòng sang bên kia rừng để xem còn cây chè nào không bởi đến đây là hết chiều dài của vườn chè. Lần thứ hai tôi nghe A Sàng nói như sét đánh bên tai, bởi rừng chè đi cả đời người không hết kia sao lại chỉ dài chừng hơn 2km! Chúng tôi quyết đi vòng sang trái đâm thẳng cho đến cùng, lòng rạo rực và cũng trong tâm trạng không còn gì để mất, một tia hy vọng cũng không thể từ bỏ được. Thú vị là trên đường đi tôi và A Sàng phát hiện ra một gốc ổi rừng cổ thụ và theo tôi tuổi thọ cũng cả trăm năm tuổi bởi A Sàng nói từ thôi ông nội A Sàng nói lại với bố của A Sàng là đã thấy gốc ổi này nằm sừng sững ở đó, với khí hậu lạnh, ẩm ướt và nơi rừng già này đâu có nhiều đất để cây cối có điều kiện phát triển đến vậy đặc biệt là ở độ cao 2000m so với mặt nước biển, địa hình dạng lòng chảo này thì việc đón ánh nắng mặt trời cũng là một vấn đề. Thế mới thấy sức sống mãnh liệt của các giống cây, thực vật quanh đây. Gốc ổi rừng này chắc cũng phải 3,4 người ôm không xuể, thật thú vị.
IMGL6109 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Trong khi đang say sưa nhìn xem ngọn của thân cây ổi này cao tới đâu thì cách tôi khoảng 100m hướng từ phía về phía bên trái của tôi theo bức hình này gốc ổi cổ thụ, A Sàng đang hú lên 1 tiếng, đu dây như vượn cười khoái chí. Woaaaa…một cây chè cổ thụ, khá lớn và cao vút. Tôi không thể trèo tới chỗ của A Sàng bởi đường đi khá khó nên tranh thủ lia máy liên hồi. A Sàng cũng vui không kém ôm thân cây cho tôi chụp. Từ tầm nhìn của mình, tôi ước tính cây chè này cao chừng trên 30m, khoảng 2 người ôm hơi thừa một chút, tức là nó to hơn cây chè cổ thụ đã bị đổ bật gốc mà chúng tôi thấy trước đó và cũng là một trong những cây chè cổ thụ lớn nhất tại vườn chè này theo A Sàng nói.
IMGL6137 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Cả vòng tay A Sàng cũng không thể ôm hết thân cây chè cổ thụ này.
IMGL6144 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi háo hức để đi tiếp một đoạn nữa nhưng chỉ thấy vài cây thảo quả nhỏ mọc xem kẽ các cây dẻ, ổi và các cây chè cao có đường kính chừng 40cm. Vẫn là những thân cây chè bị đổ nghiêng ngả, sức sống mãnh liệt của giống chè cổ này rất đáng để suy nghĩ, tại các thân cây bị đổ những chồi non đâm chồi nảy lộc, sau trận tuyết rơi dầy kia cũng không thể ngăn nổi chúng tiếp đà sinh sôi.
IMGL6178 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Lúc này khoảng 5h chiều, trời bắt đầu âm u, lạnh hơn và các cây chè đã thưa hẳn, tôi hiểu mình đi gần hết vườn chè này. Như vậy, sự thật đã được làm rõ, không có rừng chè chạy dài tít tắp, không có cây chè cổ thụ to bằng 3 người ôm không hết chỉ còn lại một “vườn” chè không phải “rừng” rộng chừng 4km2 – 5km2 thôi.
IMGL6151 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Mặc dù trong cái rủi có cái may, tôi vẫn tìm đc cây chè cổ thụ và vườn chè cổ thụ này, đó là một điều may mắn thực sự . Có một điều kỳ lạ sau này tôi mới tìm hiểu được đó là cả một khu rừng Hoàng Liên rộng lớn trải dài khắp vùng Tây Bắc này, chỉ duy nhất nơi tôi đang đứng khoang tròn chừng 4 km2 là có tồn tại giống chè cổ thụ cổ xưa và đặc biệt quý hiếm. So với các bức ảnh về vườn chè này đã thấy trước đó tôi cảm thấy rằng chúng đang bị mẹ thiên nhiên tàn phá nặng nề, và con người có vẻ đang không biết đến sự tồn tại của chúng và giá trị của giống chè thuộc giống loại cổ xưa rất cần được nghiên cứu một cách bài bản để tìm ra minh chứng cho thấy loài chè cổ ở rừng Hoàng Liên Sơn này có thực sự đã tồn tại trên trái đất cả ngàn năm rồi hay không?!! A Sàng nói đã từng vào vườn chè này để hái lá chè về cho một nhà sưu tầm để nghiên cứu nhưng rất buồn đó lại là một người nước ngoài.
IMGL6205 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi không biết liệu có bao nhiêu nhà nghiên cứu để tâm tới loài chè cổ hay không hoặc có hoặc không nhưng sự thực về vườn chè này đang dần trở nên tuyệt chủng bởi sự giảm sút về số lượng do bão lũ, tuyết rơi, cháy rừng..giống loài chè cổ xưa này đang bị bỏ rơi, bị thời gian lãng quên, rất cần được bảo tồn và phát triển…!
IMGL6503 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
 
Last edited:
Kỳ IV: Đường tới chân núi và những câu chuyện kỳ bí nơi rừng già..!

5h30 chiều, chúng tôi đã ở rất sâu trong rừng già Hoàng Liên. Trời tối ngày một nhanh hơn, trong lòng đang còn ngổn ngang những suy nghĩ về vườn chè cổ thụ đã đi qua. Tôi và A Sàng quyết định đêm nay sẽ ngủ trong rừng để mai tiếp tục tiến sâu vào thung lũng hướng tới chân núi phía sau đỉnh Fansipang, sẽ rất nhiều điều kì thú đang còn ở phía trước. Vết đau ở chân có vẻ đang hành hạ tôi sau 1 ngày di chuyển liên tục trong rừng sâu.
IMGL6193 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi và A Sàng hạ trại tại bãi đất trống ngay sát một con suối lớn khá rộng và sâu. Khung cảnh trong rừng già dễ chịu nhưng cảm giác rợn rợn cũng bắt đầu len lỏi khắp cơ thể bởi tôi bất ngờ nghe thấy những tiếng kêu rất ai oán. Tôi hỏi thì A Sàng nói đó là tiếng ve rừng kêu, chúng cứ kêu đủ 3 cữ là trời tối, tôi thấy rất khó chịu tiếng ve rừng này bởi chúng gợi lên một cái gì đó vừa kỳ dị vừa khó tả. Lúc này có tôi và A Sàng bắt đầu dựng lều, chúng tôi chặt cây, dựng bạt làm lều, lấy cỏ dại lót xuống dưới để làm nệm thiên nhiên, khá thú vị. Chừng 40 phút sau mọi thứ đã xong xuôi, đêm nay hai kẻ lang thang nơi rừng già sẽ an tọa giữa chốn sơn cước và hưởng trọn bầu không khí trong lành, tận hưởng cảm giác hoang dã gần gũi với thiên nhiên. Một nguyên tắc bất di bất dịch khi đi rừng là không thể thiếu dao và lửa, A Sàng dậy cho tôi rất nhiều điều trong chuyến đi này thậm chí là cách nhóm lửa không cần bật lửa của người Mông. Chúng tôi phải chia nhau đi kiếm củi khô, thực sự phải rất nhiều củi khô bởi lửa phải duy trì cả đêm cho tới sáng mai.
IMGL6206 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tác dụng của lửa chắc hẳn ai cũng biết nhưng để lửa cháy cả đêm thì không hẳn ai cũng làm được, trong những câu chuyện A Sàng kể cho tôi nghe trong chuyến đi tôi mới thấy rằng con người thực sự quá nhỏ bé đối với mẹ thiên nhiên và tôi hiểu được tại sao người ta luôn dùng cụm từ rừng thiêng nước độc để miêu tả những chốn rừng già như nơi tôi đang đứng. A Sàng thể hiện kĩ năng nhóm lửa tuyệt vời, chỉ vài phút chúng tôi đã có một bếp lửa nghi ngút, cháy đỏ rực.
IMGL6217 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Hạ trại, lúc này khá đói.. làm một ngụm nước cuối cùng trong chai tôi thở dài nói với A Sàng rằng rừng Hoàng Liên đang bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và con người, không biết chừng 5 – 10 năm nữa khu vườn quốc gia Hoàng Liên này sẽ ra sao khi cáp treo đưa vào sử dụng, sẽ là hàng ngàn con người tới đây hằng năm…ranh giới giữa bảo tồn và phát triển thật mong manh làm sao!

Trước chuyến đi, tôi nói với A Sàng mình không phải nhà báo, không phải nhà nghiên cứu, càng không phải là người đi để khai phá cái chưa ai biết, đơn giản chỉ là một con người yêu thiên nhiên, yêu núi rừng muốn được sống gần gũi với thiên nhiên để cảm nhận cái tôi trong sự yên bình còn thiếu trong cái tâm hồn hỗn loạn. Chắc hẳn A Sàng ngặc nhiên lắm vì tôi vào rừng có một mình cũng không yêu cầu kiểm lâm đi cùng cho sự an toàn của mình. Tôi biết để được đi tới tận nơi này, nếu không có mánh của A Sàng chắc ko chính quyền nào cho phép chúng tôi đặt chân vào đây, đôi khi trong cuộc sống cảm giác liều một chút sẽ lại thành chất xúc tác truyền cảm hứng cho một điều gì đó chưa bao giờ trải qua trong đời. Đêm nay là đêm đầu tiên tôi ngủ trong rừng vắng vẻ và tĩnh lặng đến vậy và chúng rất “cảm giác”. Chúng tôi bắt đầu nấu cơm và làm đồ ăn, khâu chuẩn bị và nấu nướng của chúng tôi cũng rất hoang dã nhưng thú vị. Trong lúc A Sàng nấu cơm và chuẩn bị một vài món rau thì tôi kiếm que và nướng gà.
IMGL6241 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Nướng gà, nấu cơm, bếp củi hồng...cảm giác rất thiên nhiên, hoang dã.
IMGL6235 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Bụng tôi đã bắt đầu biết kêu khi nhìn thấy cảnh tượng này....
IMGL6236 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Hai kẻ lang thang trong rừng vẫn rất miệt mài nấu những món ăn khi trời đã sắp xẩm tối mặc tiếng ve ai oán đang râm ran ngoài kia báo hiệu trời tối và màn đêm bắt đầu bao trùm nuốt chửng lấy những kẻ đang thắp lên tía sang le lói giữa rừng già sâu thẳm.
IMGL6297 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Đồ ăn đã gần hoàn tất cũng là lúc màn đêm đã hoàn toàn bao phủ lấy chúng tôi. Ngoài kia, vẫn tiếng suối róc rách, tiếng chim kêu, tiếng ếch bắt đầu đi kiếm ăn..
IMGL6261 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Trong ánh lửa cháy đỏ rực, từng cơn gió thổi qua tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp.
IMGL6268 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Khoảng 1 tiếng sau, bữa ăn đầu tiên giữa rừng đã sẵn sàng. A Sàng rất khéo tay nấu nhiều món ngon mà tôi thấy phải thèm, bữa ăn thịnh soạn nhất trong cả tháng qua của tôi.
IMGL6332 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Có cơm có rau có gà nướng và chút rượu gạo A Sàng đem đi, và cứ vậy những câu chuyện trong rừng vắng của hai người đàn ông cứ vang lên bên tiếng suối rừng chảy róc rách trong âm thanh tĩnh lặng của núi rừng tây bắc...
 
Last edited:
(tiếp)
- Những câu chuyện kể nơi rừng thiêng:

Trong bữa ăn, A Sàng nói rất nhiều, bên ánh lửa bếp bập bùng cháy, từng cơn gió rừng thổi vụt qua đem theo mùi cây cỏ, tiếng lá xào xạt những câu chuyện kể vẫn cứ tiếp tục vang lên..! Ở những nơi tăm tối hoang vu này chắc hẳn ai cũng có một cảm giác rờn rợn nhất là nơi đây chỉ có tôi và A Sàng người tôi chỉ mới biết cách đây vài tiếng. Nhấp một ngụm rượu tôi ngắt một chiếc lá bảo A Sàng dậy tôi cách thồi kèn lá.. cái sự háo hức của tôi bất ngờ trở thành một đề tài rùng rợn chốn rừng thiêng nước độc. Người Mông cũng như các dân tộc khác sống quanh đây, không ai không biết việc thổi kèn lá giữa rừng thiêng ban đêm là một điều cấm kị bởi họ cho rằng tạo âm thanh giữa rừng sẽ gọi các hồn ma oan khất tựu về đây…..
IMGL6351 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

A Sàng cũng nói tôi biết trong rừng thiêng này có rất nhiều các oan hồn những người đã mất do bị đi lạc rừng, bị thú ăn thịt, bị rơi từ núi xuống, ngoài ra còn có ma rừng, ma suối, ma cây..Người Mông không nói từ ma mà chỉ dùng từ hồn để ám chỉ họ là không phải là người, ở bên kia thế giới còn từ ma ám chỉ những linh hồn không tốt chuyên phá hoại mùa màng, gia súc và sức khỏe con người. Tôi nghe bắt đầu rợn gai ốc nhưng vẫn mắt tròn mắt dẹt cố đấm ăn xôi hỏi A Sàng là đã bao giờ gặp oan hồn chưa?! A Sàng nói bị hồn đè và bị phá phách rất nhiều lần. A Sàng kể hồi trước khi ở trong rừng hái thảo quả hay bị các oan hồn phá buổi đêm không cho ngủ, chúng làm đổ lều, ném cây gỗ, đá vào chỗ mình dựng lều ngủ, không cho lửa cháy, kêu hú âm vang khắp cả đêm không cho mình yên..! Khi tôi hỏi A Sàng về những câu chuyện kể về những oan hồn thường níu tay các du khách leo Fan thì A Sàng nói đó hoàn toàn là những câu chuyện có thật nhưng A Sàng chấn an tôi rằng khi nhóm lửa A Sàng đã đọc câu chú xin thần rừng cho nhóm lửa đêm nay rồi nên cứ yên tâm vì đã có A Sàng đây rồi. Nhấp tiếp một ngụm rượu A Sàng tiếp tục mải miết kể cho tôi về những lần đi rừng đáng nhớ của mình khi gặp gấu và người rừng giáp ranh Y Tý…Trong màn đêm tôi mịt mùng, chỉ còn lại hai kẻ liều lĩnh giữa rừng già với những câu chuyện kì dị thêm phần ly kỳ cho chuyến đi của tôi, thực lòng chốn rừng thiêng nước độc nào cũng có nguyên tắc của nó và một trong những nguyên tắc của tôi khi đi rừng đó là không sát sinh trong rừng, không đem bất cứ thứ gì trong rừng về nhà và đặc biệt phải biết tôn trọng bảo vệ rừng..!

- Giấc mơ vươn tới những ngôi sao:

Sau bữa ăn, A Sàng có vẻ uống khá nhiều rượu, hai chúng tôi chuẩn bị ngủ sau khi đã ăn no và kiếm đủ củi cho cả đêm. A Sàng dậy cho tôi cách cẩn thận không bị rắn cắn, muỗi đốt trong rừng và còn ra suối bắt nòng nọc, ếch dưới suối. Phải rình khá lâu A Sàng mới bắt được một con ếch nhỏ, có vẻ khoái chí, A Sàng nói hồi nhỏ thường bị bố bỏ lại trong rừng với dao và súng kíp để săn bắn hái lượm..những lúc đói toàn phải bắt nòng nọc và ếch để nướng ăn. A Sàng định làm thịt chú ếch nhỏ để tưởng thưởng cho công bắt được nhưng tôi khuyên A Sàng rằng mình không nên và thả chú ếch nhỏ kia đi…
IMGL6385 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

...màn đêm có vẻ ngày một dày đặc bao trùm lên tất cả chúng tôi, bên bếp lửa cháy đỏ hồng một khung cảnh trong mơ xuất hiện khiến tôi có lẽ sau này sẽ không bao giờ quên, một khung cảnh hay thường thấy trên phim trong ảnh nghệ thuật, trong tranh và trong cả những dòng thơ về Việt Bắc. Trăng và những vì sao lấp lánh soi sáng qua những lùm cây tạo thành những vệt sáng hướng thẳng tới chỗ tôi đang nằm. Quá ấn tượng, tôi lôi chiếc máy ảnh ra để chụp nhưng không thể bắt được khoảnh khắc tuyệt vời này bởi chỉ có những chiếc máy ảnh chuyên dụng cùng ống tele may ra mới có thể bắt đc những vì sao lấp lánh. Trăng đêm nay sáng thật, chưa bao giờ tôi thấy trăng lại có thể như soi rọi đường rừng như lúc này, rất tuyệt vời một khung cảnh đẹp như mơ hiện ra trước mắt tôi.
IMGL6363 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

A Sàng có vẻ đang lim dim ngủ, còn tôi vẫn ngắm những vì sao đang lấp lánh sáng rực cả bầu trời kia, có cảm giác giơ tay lên có thể với tới những ngôi sao lấp lánh chuyển động, phải có đến cả ngàn vì sao lấp lánh ấy và chúng hình như đang dịch chuyển từ bên này sang bên kia rất nhanh, rất kỳ lạ. Bên bếp lửa cháy rực hồng, đêm trăng, gió lạnh giữa nơi rừng già sâu thẳm với tôi là vậy….!
 
Last edited:
Kỳ V: Đường tới phía sau đỉnh Fansipang…

6h sáng sau một đêm ngủ không ngon giấc, chính xác là tôi chẳng thể ngủ nổi trong cái tình trạng mộng mơ pha sợ hãi ấy được. Đêm qua, rất nhiều lần gió rít lên từng cơn, tiếng động lạ ngoài lều chúng tôi nằm, thi thoảng A Sàng bật dậy nói tiếng Mông luyến thoắng rồi lăn ra ngủ làm tôi giật cả mình. Khá mệt mỏi sau một đêm không được yên giấc do sợ và khó ngủ tôi ra suối lấy nước để đun chè uống. Mọi thứ trở lại bình thường, một hành trình mới lại bắt đầu và tôi sẽ tiếp tục đi và cảm nhận cái cảm giác rất thiên nhiên này.
IMGL6394 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Khung cảnh buổi sáng thanh bình một cách lạ thường, vẫn tiếng chim kêu thánh thót cùng tiếng suối róc rách chảy, đêm qua may mắn cho 2 chúng tôi là trời không mưa và hôm nay trời có vẻ đẹp. Tuy vẫn còn chút mây mù buổi sáng sớm và hơi lạnh khiến tôi phải sưởi một chút bên bếp lửa vẫn cháy rực từ đêm qua. Tôi đun nồi nước chè để uống, chúng tôi lấy nước chè này uống cho chuyến hành trình sắp tới xuống thung lũng phía sau núi Fansipang. Sau bữa cơm đơn giản, chúng tôi gói ghém đồ đạc và chuẩn bị lên đường tiếp tục hành trình của mình.
IMGL6413 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

A Sàng nói đường đi sắp tới rất khó, sâu, dốc, trơn trượt và khá nguy hiểm..nhưng tôi đã quyết là sẽ đi cho đến khi đụng chân núi thì thôi. Từ chỗ của tôi phía bên kia ngọn núi này chính là đỉnh Fansipang, có nghĩa là chúng tôi chỉ cách điểm đến chừng vài tiếng đi đường rừng nữa thôi.
IMGL6402 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Đường đi bắt đầu dốc xuống, chúng tôi đang đi sâu xuống thung lũng lòng chảo, rất sâu. Vẫn nhiều cây dẻ, ổi rừng và tất nhiên không có cây chè nào. Đường đi đôi khi phải đu bám khá vất vả mới lên và xuống được, độ cao giảm dần và có nguồn nước gần đây nên cây cối xanh um tùm và đỡ xác xơ hơn so với vườn chè mà chúng tôi đi hôm qua.
IMGL6483 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Nhưng để chạm vào được chân núi này cũng mất vài tiếng leo xuống nữa. Tới đây cả khu rừng xanh mướt một màu, một khu thảo quả rộng lớn chưa từng thấy, A Sàng có vẻ rất khoái chí, nhanh như thoắt đã phi ngay xuống để mục sở thị khu vườn thảo quả lớn này. Mùa này không phải mùa thảo quả nhưng cây nào cũng cao và um tùm lá. Tôi đảo mắt sang trái, phải, bắc nam gì cũng đều có những cây thảo quả chạy tít tắp về phía xa mà không có điểm dừng. A Sàng lẩn xuống vườn thảo quả này rất nhanh và tôi chỉ kịp trượt xuống theo mà cũng không đuổi kịp được.
IMGL6420 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Vườn thảo quả trải dài tới tít xa phía cuối rừng..
IMGL6423 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Đến nơi gần suối, A Sàng ngắt cho tôi mấy quả thảo quả và nói tôi đem về ăn. Nhìn thấy thanh gỗ và than cháy phía này tôi đoán đã có người đến đây trước để nhặt thảo quả.
IMGL6428 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Tôi và A Sàng ngồi nghỉ và dự định men theo con suối dưới kia để đi tiếp. A Sàng nói tôi không thể đi được vì để đi hết con suối này sẽ dẫn đến thác nước rất đẹp và sẽ mất tới hơn nửa ngày đường mới đến nơi, A Sàng luôn miệng ngăn cản tôi tới chỗ đó và nói nó rất nguy hiểm. Tôi quyết đi bằng được nên A Sàng đành chịu, đi một đoạn tôi bị trượt chân cái pặc.. có vẻ vai tôi bị đập khá mạnh. Chúng tôi ngồi nghỉ lại bên cạnh vườn thảo quả bạt ngàn này, tôi có hỏi A Sàng bởi lúc nãy mải đi phần vì trơn trượt phần vì A Sang đi quá nhanh tôi không hỏi được. Từ trại xuống thung lũng này tôi có thấy các đám mây trắng tụ tại một điểm giữa hai khe núi đằng xa, lúc đi từ rừng chè tôi đã để ý nhưng thấy ko có gì đặc biệt, thường thì nếu có nước sẽ tạo nên những đám mây mù bởi hơi nước bốc lên tạo thành các đám mây dày đặc, nhưng với độ cao như vậy cũng là một điều không tưởng. A Sàng nói cho tôi biết rằng tại phía sau những ngọn núi này có 2 thác nước cao, rất cao và 1 thác nước nhỏ cách chúng tôi khoảng gần 1 tiếng đi rừng. Có khả năng vị trí tôi thấy chính là 1 trong hai thác nước đó và A Sàng nói A Sàng mới chỉ đến được 2 thác nước thôi, còn 1 thác còn lại cao nhất đi phía ngược lại hướng chúng tôi hướng về phía đỉnh Fansipang thì chưa ai tới được đó mà chỉ nghe nói qua lời kể những bậc cha ông thôi. Tôi rất tò mò nhưng A Sàng nói tôi không thể đi thêm được nữa vì đường rất trơn và nguy hiểm. Tôi đành phải nhờ A Sàng đi giúp tôi chụp lại một con thác gần nhất để có ảnh làm tư liệu vì có lẽ tôi đang bị chệch vai rất đau. A Sàng đồng ý và tôi ngồi lại đợi. Phóng tầm nhìn từ đây tôi không thể thấy gì ngoài rừng thảo quả trải dài như không có điểm dừng dọc theo con suối. Đúng 1 tiếng 39p sau A Sàng quay lại mang theo cho tôi vài loại lá mà nói tôi đun lên uống sẽ đỡ đau, mẹ A Sàng là thầy mo nên A Sàng có vẻ khá giỏi các loại thuốc chữa kiểu này.

A Sàng chụp lại thác nước nhỏ rất đẹp...
IMGL6452 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Suối có vẻ sâu và rộng...
IMGL6440 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Chúng tôi nghỉ một lát uống nước chè tươi đun hồi sáng, cảm giác thấy khoan khoái lạ thường. Màu nước chè không xanh như chè tươi hay uống, một thứ màu vàng nhạt nhưng khi uống lại rất thơm và ngọt nơi cuống họng, rất sảng khoái. Ngồi thẩn thơ ngắm rừng thảo quả xanh mướt tôi thấy lòng mình thanh thản hơn hẳn.
IMGL6478 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Chuyến đi này trong cái rủi có nhiều cái may, được nhiều hơn mất, quan trọng cảm giác được hòa mình với thiên nhiên, đất trời, núi rừng tây bắc thật tuyệt vời, cảm giác ly kỳ sờ sợ của màn đêm nơi rừng già càng làm tôi thêm phấn chấn, tô đậm thêm màu sắc cho chuyến phượt rừng này của tôi, một kỉ niệm sẽ không bao giờ quên trong đời...
 
Last edited:
(tiếp)
Tôi và A Sàng quyết định quay lại kết thúc hành trình của mình bởi sức khỏe không cho phép và cơn mưa có vẻ đang tới. Mưa rừng là điều mà mọi người đi rừng đều không muốn gặp phải. Trên đường đi A Sàng dậy tôi rất nhiều loại lá giúp cho người đi rừng có thể tự lo cho sk của mình. Từ việc ăn giúp chống đói, chọn nguồn nước sạch để uống, những loại quả nào không được ăn và những thứ cây nào tránh xa. Hai bàn tay tôi sưng đỏ tấy và ngứa bởi trúng gai độc nhưng không sao nó chỉ là chuyện nhỏ. Đây là loại lá có thể chữa vết vắt cắn giúp cầm máu, A Sàng ko biết cách gọi của tiếng Kinh còn tiếng Mông thì tôi không hiểu nên tôi chụp lại để giúp mọi người thêm kiến thức về kinh nghiệm đi rừng, chỉ cần vò và chà lên chỗ vắt cắn là hết bị chảy máu.
IMGL6076 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Còn đây được coi là thần dược của A Sàng, A Sàng tự hào nói không ai biết loại lá này bởi mẹ A Sàng làm thầy mo truyền lại cho gđ A Sàng thôi, loài cây này đặc biệt hay mọc bám vào các vách đá sinh trưởng khá nhiều nhưng chỉ xuất hiện gần suối trên cung đường Cát Cát, chúng có khả năng chữa đau bụng, ốm, buồn nôn, dùng bằng cách đun lên để uống rất hiệu quả.
IMGL6475 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

A Sàng dẫn tôi đi qua lán ngủ đêm qua hướng xuyên qua vườn chè cổ thụ để lên chỗ cao hơn để tìm và minh chứng cái tôi đang nghĩ trong đầu cho dù chỉ là đang mường tượng xem nó đẹp như thế nào. Quả đúng như vậy, trước mắt tôi là một cảnh tượng hùng vĩ mà tôi thấy ở rừng núi. Một con thác trắng xóa nổi bật giữa rừng xanh nằm ở khe hai ngọn núi cao áp vào nhau. Từ xa nhìn con thác này như một con lươn trắng khổng lồ đang bám chặt vào núi rừng tây bắc.
IMGL6500 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Thực sự nếu tới được con thác này, theo A Sàng phải mất gần 1 ngày đường, con thác này kiểm lâm cũng mới phát hiện ra gần đây trong cuộc kiếm tìm ròng rã hàng tháng tung tích cậu thanh niên bị mất tích khi leo fan trên báo chí đăng tải trong thời gian qua, rất nhiều “câu chuyện” thêu dệt xung quanh tung tích của cậu thanh niên này, A Sàng lại chính là người dẫn đường cho đoàn leo Fan của người thanh niên mất tích hôm đó... A Sàng nói sỡ dĩ không muốn tôi đến vị trí con thác cao vút trắng xóa kia không chỉ bởi đường đi nguy hiểm mà còn bởi nơi này có thể là chỗ trú của gấu nữa, ngay cả kiểm lâm cũng ko dám tới và đi sâu vào con thác này. Độ cao của thác nước đẹp tuyệt vời này khoảng 2000m tính từ đỉnh thác đến chân núi và mực nước biển. Theo định nghĩa về độ cao của thác nước, thì độ cao của thác nước cao nhất thế giới (Angel cao gần 1000m tại Venezuela) tính từ đỉnh thác cho đến điểm cuối của dòng nước chảy thì thác này chỉ cao chừng 300m tất nhiên ko thể so sánh với Thác Bản Giốc tại Hà Giang – biên giới Trung Quốc và cũng là thác nằm giữa biên giới lớn thứ 4 trên thế giới về độ hùng vĩ, sơn thủy hữu tình thiên hạ đệ nhất thác được
IMGL6498 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr

Trong câu chuyện kể của mình, A Sàng còn nhắc tới một con thác cao tới gần 3000m nằm ngay sau đỉnh Fansipang mà rất ít người biết đến, ngay cả A Sàng thường xuyên tới con suối tại chân những ngọn núi sau đỉnh Fansipang cũng không thể tới được con thác huyền thoại này bởi độ khó của đường đến con thác cao ngất, tới được đây là điều không thể cho bất kỳ ai. Sau này, khi tôi tìm hiểu một số kiểm lâm không hề biết sự tồn tại của con thác này. Điều thú vị ở những con thác ở đây đó là chúng ẩn ngầm trong các hang động bên trong núi rồi chảy ra miệng hang tạo thành dòng thác bạc trắng xóa, cứ từng tầng từng tầng như vậy, rất kỳ lạ. Như vậy, hệ thống hang động trong lòng các dãy núi ở Hoàng Liên này cũng rất phong phú và có thể có những hang thông với nhau không?! Trời bắt đầu chuyển mây, tôi và A Sàng phải di chuyển thật nhanh để thoát ra vườn chè băng rừng trước khi trời mưa. Khoảng 2h chiều, tôi đã có mặt tại trạm 2.200. Từ đây sau khi nghỉ ngơi tôi sẽ tiếp tục di chuyển xuống chân núi trạm kiểm lâm núi Xẻ và kết thúc cuộc hành trình đầy thú vị của mình.

Trên đường về, vẫn nườm nượp các du khách đang thi nhau chinh phục đỉnh Fansipang, ngày mai nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ tiếp hành trình của mình tới các bản xa vùng ven. Thiết nghĩ, sẽ thật thú vị biết bao nếu chính quyền mở thêm một kênh du lịch mạo hiểm tới vườn chè và thác nước sâu trong thung lũng phía sau đỉnh Fansipang, giá trị kinh tế sẽ không thể so bì với leo Fansipang nhưng tour du lịch mạo hiểm cũng có cái thú của nó, đưa con người trở lại với thiên nhiên một cách gần gũi hơn bao giờ hết.

Lời kết

Ở nơi rừng thiêng nước độc, không có gì là không thể, không phải là sự liều lĩnh hơn người, cũng chẳng phải thể hiện cái tôi khác biệt mà điều quan trọng là dám nghĩ dám làm bởi mọi thứ đều có lý do của nó. Sống trong một xã hội khi niềm tin trở thành một thứ xa xỉ, hãy biết đứng dậy, xách balo lên, đi và cảm nhận..!
IMGL6479 by Roger Ilumtics Fynn, on Flickr
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,641
Bài viết
1,154,343
Members
190,155
Latest member
ncvinh123
Back
Top