Post hộ Ngơ bài viết về chuyến Fan nhé
Trở về nhà vào lúc 5h00 sáng ngày 25. Dù chân cẳng nhức nhối chết đi được nhưng vẫn không thể kìm hãm cái sự phấn khích để bắt tay vào viết 1 cái note, cho bản thân, cho những người đồng hành cùng chung 1 giấc mơ và những người thân yêu chưa có cơ hội leo Fan bao giờ nhưng đã cổ vũ mình hết sức nhiệt liệt. Mọi người trong đoàn hầu như ai cũng có dự định làm 1 điều gì đó để kỉ niệm chuyến đi đáng nhớ này, sẽ có cả clip rồi phóng sự ảnh, nhưng mình tài hèn sức mọn, chỉ muốn viết 1 chút xíu xiu.
Ngày xửa ngày xưa mình hay nói rằng “trước khi lấy chồng mình phải leo Fan”, rồi “trước 25 tuổi nhất định phải leo Fan”. Có nghĩa là giấc mơ leo Fan đã nung nấu trong mình từ rất rất lâu rồi, và ngay lúc này, khi đang kì cạch gõ những dòng này, mình vẫn chưa tin được những gì mình đã trải qua trong 3 ngày vừa qua, nó thật sự giống 1 giấc mơ. Nghĩ lại vẫn có cảm giác tim đập thình thịch và gai ốc nổi khắp người, phấn khích đến mức dù cơ thể trì trệ nhưng trái tim và bộ não vẫn ko cho nghỉ ngơi.
Khi quyết định đi lần này, mình đã bắt tay viết hẳn 1 cái Nhật kí hành trình, ghi lại từng ngày từng ngày, từng thứ từ nhỏ nhất trên con đường biến giấc mơ thành sự thật, từ những trưa nắng tranh thủ 2 con đèo nhau đi mua đồ đến những buổi chiều tối vác balo đi trèo núi Nùng ở Bách Thảo. Đã cùng ăn cùng ngủ với Fansipan, cả ngày đi test thể lực ở Ba Vì, tất cả đều được ghi lại
Nhưng mọi sự tập luyện dường như vô dụng khi chứng kiến những cái thực tế rành rành trước mắt, ko máy ảnh nào ghi lại hết sự “khủng khiếp” bằng con mắt của chính mình. Những quả núi ngọn đồi nối tiếp nhau, trùng trùng điệp điệp, khi đứng ở trên 1 ngọn đồi nào đó, mình lại phải lẩm nhẩm vỗ về trái tim đang đập ko theo thể thức nào của mình rằng “đây là 1 trong số N ngọn núi, và N+1 mới là Fan”. Chọn cung Sín Chải – Trạm Tôn cho người mới đi lần đầu, không có kinh nghiệm cũng chả có sức khỏe, vốn liếng duy nhất chỉ là sự quyết tâm của 1 cô gái 23 tuổi, quả là 1 sự thử thách lớn. Cứ mỗi lần leo hụt hơi mới lên đến đỉnh 1 ngọn núi đã lại nhìn thấy đường xuống ngay sau, vừa lao xuống đến nơi sự chào đón lại nồng nhiệt hơn lần trước, ngọn núi thẳng đứng cao chót vót, ko thành lối thành bậc để mà bước, huy động cả 4 chi để vắt vẻo bám lên, những lúc thế, chỉ biết há hốc mồm “ôi mẹ ơi” rồi lại phải ngậm vào ngay kẻo ăn cả đống bụi đất mà người leo trước để dành lại. Cứ lầm lũi đi, cây gậy tre mà các anh porter chặt cho cùng đôi găng tay là người bạn đồng hành thân nhất, không có 2 cái thứ ấy, đố mà đi hết cả chặng đường. Máy ảnh là thứ vũ khí thần thánh hơn cả socola để hồi sinh nụ cười, mọi bước chân đều đi theo máy ảnh =)). Dù đang rệu rã đến mấy, chỉ cần nghe phía trước có người hô “mọi người đi nhanh lên, trên kia đang chụp ảnh” là chân như có động cơ phản lực ngay. Đi mệt hết hơi, nhưng thấy có máy ảnh đang chĩa ra là nhất định phải cười, dù khi xem lại ảnh thấy nụ cười cứ như mếu

)). Tất cả mọi người trong đoàn đều có thể bị quy kết thành “quân khốn nạn”, khi “lỡ miệng” kêu gọi “cố lên mọi người ơi, trên này là đường bằng ”, rồi nhanh chóng chuồn đi ngay khi thấy bóng dáng người đằng sau đang leo lên, hốt hoảng hỏi “đường bằng đâu, đường bằng đâu”, hóa ra chỉ là 1 cái khoảng con con đặt vừa cái sọt rác. Chán bám núi thì đi vào rừng, ẩm ướt tối tăm và nhiều vắt. Rồi ta lại rồng rằn lên núi, để rồi đứng ở quả đồi bên này thấy mọi người đang leo quả đồi bên kia, lại tự hỏi nhau “baoh thì mình sang được như người ta”.
Nhìn thấy lán nghỉ như thấy thiên đường, dù cho chỉ là những căn lều tạm bợ được dựng lên, không có điện còn nước thì chỉ chạm vào cũng buốt tận xương. Nhìn bát cơm trắng với miếng thịt gà rồi vồ như hổ đói, đâu đó có tiếng nói “ở nhà mẹ em nấu xong em cũng chả ăn”. Mọi sinh hoạt diễn ra dưới ánh đèn pin lập lòe, ngồi quây quần quanh 1 cái loa mini chạy bằng pin điện thoại, nghe tiếng sáo ngoài lều quyện vào trong gió vang xa. Chui vào túi ngủ nghe tiếng gió giật vào lều như bão cấp 7, lại thì thầm hỏi nhau “tại sao nhà có chăn ấm đệm êm không ngủ lại mò lên cái xứ này co ro”. Chẳng ai trả lời được, chỉ cười cười rồi đổ tại đam mê. Có cái “giờ trái đất” nào chân thực hơn thế? Buổi sáng sớm ngồi bên nhau trên những mỏm đá, bê bát mì tôm và nhìn nắng dần lên trên khắp cánh rừng
Lai bước đi, lại tiếp tục, những người bộ hành với tinh thần quả cảm, lạc vào con đường nằm giữa rừng trúc, có vẻ nên thơ nhưng có đi mới biết cái mức độ đáng sợ của nó, vì nó cứ hun hút, trải dài đến 4 ngọn đồi, đi vào đó rồi cảm giác như không biết lúc nào mới thoát ra được. Trên đường đến 2800m, cứ chốc chốc lại gào lên “đỗ quyên ơi, em ở đâu, sao đi mãi chả thấy bóng dáng em”. Cầu được ước thấy, em nó càng lên cao càng rực rỡ, đầu tiên là trắng phớt hồng, rồi hồng rực rỡ và cuối cùng là đỏ thẫm 1 khoảng rừng.
Đi mệt lại nghỉ, chia cho nhau từng hớp nước, sẻ cho nhau từng miếng socola, chìa bàn tay lôi nhau đứng dậy, về đến nhà rồi vẫn văng vằng câu nói “cố lên”. Đúng, chỉ biết cố, chỉ biết gắng và niềm tin rằng bước ngắn bước dài thế nào cũng tới nơi.
Cảm giác đầu tiên khi lên đến đỉnh Fan phải nói chân thành rằng “sốc toàn tập, hẫng kinh dị”. Vì nghĩ còn phải gian nan lắm, còn phải xa lắm, giống như người đã quen với cảnh bám thân cây trượt xuống dốc, khổ quen rồi nay đến lúc sướng ko thích nghi kịp, phải hỏi đi hỏi lại mọi người “đến nơi rồi á, thật là đến rồi hả???. Chỉ là “một mỏm đá choen hoen có cục tam giác nằm ở độ cao 3143m, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương”, ấy thế mà biết bao người vẫn lấy đó làm đích đến,vẫn sẵn sàng ăn rừng ngủ rừng mặc sương gió nắng mưa, vẫn sướng điên dại run rẩy khi được chạm tay vào, mình là 1 trong số biết bao con người như vậy. Hạnh phúc cực kì, tự hào cực kì.
Phải lòng các anh porter nằm trên đỉnh núi dưới nắng trưa ngủ say sưa mà mình trẹo chân đánh huỵch 1 phát ngay khi chặng đường trở về chỉ vừa mới bắt đầu, định mặc kệ nó để đi tiếp, nhưng nó biểu tình sưng tướng lên, dù có hỗ trợ salonpas gel thì nó vẫn cứ nhức nhối, đường còn dài quá, cắn răng và tiếp tục đi. Thật sự phải nói rằng vì mình mà tiến độ của top 7 cuối đoàn càng ngày càng chậm trễ, biết mình chân đau nên mọi người vừa đi vừa chờ, 3 người đi trước cầm chừng, 2 người đi giữa và 2 người chốt đoàn, khoảng cách trung bình là 1 quả đồi. Lời cảm ơn sâu sắc nhất dành tặng cho Siêu ngu, hót boiiii của cả đoàn, ko có em đi cùng thì chị chẳng hiểu chị cố kiểu gì nữa, cứ đi chậm chậm sau lưng chị, ko giục giã, ko có dấu hiệu mất kiên nhẫn, thỉnh thoảng lại bảo: “mệt thì nghỉ 1 lúc chị ạ”, dù trời sắp tối, dù đường rừng rất nguy hiểm, em vẫn động viên chị: “em có đèn pin đây rồi, chị cứ đi từ từ thôi”. Chị cảm động lắm Ngu ạ, khi biết chị đói, gặp đoàn đi trước, em gào tướng lên “chị Hạnh ơi còn cái gì ăn ko, chị Ngơ đói rồi”. Lúc em hái 1 cành hoa rừng to tướng rồi bảo “phần thưởng cho chị Ngơ khi về đến đích”. Chị cảm thấy em là 1 người đồng hành rất dễ chịu, im lặng lê lết với chị gần 7 tiếng đồng hồ, luôn để chị đi trước, luôn cầm gậy cho chị những lúc cần thiết, sức em cũng mệt rồi, em ko thể đỡ chị đi cả chặng đường dài thế, mà chị cũng ko để người khác làm vậy, nên chị rất cảm ơn khi em để mặc chị cố gắng và đứng đằng sau làm người đồng hành lặng lẽ. Trong ánh trời chập choạng tối, giữa rừng núi bao la, chốc chốc lại có tiếng động viên của mọi người truyền đến, “Ngu siêu anh hùng”, “Vân Chinh” “Ngơ ơi cố lên”. Cảm ơn Nhị tiểu thư đã cầm đèn pin soi đường để chị bước, Cảm ơn cặp đôi Cường – Hạnh vì sự dễ chịu mà suốt 3 ngày ở rừng 2 bạn đem lại, tớ thích cái cách 2 bạn chăm sóc nhau, rất tình cảm mà ko lộ liễu, tớ thích cả cái cách mà 2 bạn quan tâm đến người khác, tớ đặc biệt thích nụ cười của Hạnh.