Chủ đề thứ 5: Cây vải
Nói đến Thanh Hà thì đương nhiên phải nói đến cây vải thiều rồi! Thanh Hà không phải là nơi trồng nhiều vải thiều nhất ở Việt nam nhưng vải ở Thanh Hà luôn có hương vị đặc biệt hơn mọi nơi khác. Trong huyện Thanh Hà tôi thấy vải cũng chủ yếu tập trung ở khu 6 xã Hà Đông. Trái vải thiều Thanh Hà hạt nhỏ, ngọt thanh, phần vỏ lụa không có vị chát; khác với vải thiều trồng ở Lục Ngạn trái to nhưng hạt cũng to, ngọt gắt và vỏ lụa chát.
Vải thiều Thanh hà luôn có giá cao hơn vải trông ở các vùng khác nên những năm trước người ta chở vải thiều Lục Ngạn về Thanh Hà, đóng thùng rồi lại chở đi nơi khác với nhãn mác vải thiều Hải Dương. Sản lượng vải ở Thanh Hà cũng không nhiều như vùng Lục Ngạn - Bắc Giang nên sống trong miền Nam (thậm chí là ngay tại Hà Nôi, chỉ cách khoảng 80km) mà mua được chùm vải thiều tươi chính gốc Thanh Hà là rất khó.
Cây vải thiều ngày xưa thường xum xuê phủ cả góc vườn, ngày nay cây thường được đốn ngọn chỉ cao 3 - 5m.
Cây vải cũng có nhiều loại:
- Vải chua: lá to, sáng màu, quả có vị chua nhưng chín sớm nên dễ bán. Quả không sấy làm vải khô được
- Vải tàu lai: lá nhỏ hơn, màu xanh đậm, quả có vị chát, không sấy khô được, chỉ bán sang Trung Quốc.
- Vải thiều: lá nhỏ, màu xanh thẫm, quả ngọt, sấy khô được, năng suất cao nhất nhưng có nhược điểm chín đồng loạt cả một vùng nên khan hiếm nhân công thu hoạch và hay bị "dội chợ".
Vườn vải là nét đặc trưng quê tôi, đi đâu cũng thấy cây vải
Tán lá cây vải thiều
Cây vải thiều có đặc điểm ủ chồi hoa khi trời lạnh, trời càng lạnh thì càng có nhiều hoa. Năm nào trời nóng cây sẽ bung lộc nhiều và ít hoa, khi đó người ta phải leo lên vặt bỏ chồi non (có màu đỏ). Cành cây vải giòn và dễ gãy nên năm nào cũng có những vụ ngã cây khi leo lên vặt chồi non. Để cây tức và trổ bông người ta cũng "xiết cành" tức dùng dao cắt quanh thân cây tương tự chăm sóc cây nhãn.
Cây vải này chăm sóc không phù hợp nên ra nhiều "lộc" và sẽ ít hoa trái