What's new

[Chia sẻ] Majesty of the sea: vẻ đẹp của biển cả

Majesty of the sea: vẻ đẹp của biển cả

Năm ngoái cũng vào thời điểm này, tôi háo hức đi chuyến du thuyền Ecstasy từ Galveston TX qua Vịnh Mễ Tây Cơ. Năm nay tình hình kinh tế tuột dốc quá định không đi đâu nhưng rồi... không cưỡng lại được giá sales của hãng tàu biển Royal Caribbean (RCCL) nên... tôi lại khăn gói lên đường chu du biển cả một lần nữa. Lần này vì hãng RCCL đi từ Miami qua Nassau, Bahamas cho nên tôi phải đặt vé máy bay bay từ Houston qua Miami... Kỳ này, tôi sẽ "viết tường trình" theo hoạt động từng ngày cho các bạn dễ theo dõi và biết được hành trình chuyến đi. Bắt đầu nhé!

Ngày thứ 1:

Đêm hôm trước phải đi dự sinh nhật chú em họ về hơi trễ nên tôi vội vàng đánh răng rửa mặt rồi leo lên giường ngay, chỉ mong được một giấc ngủ cho dù vài tiếng.... 5h15 sáng tôi rời nhà để ra sân bay IAH đáp chuyến bay đầu tiên của hãng Continental đi Miami. Gửi xe ở bãi Park&Relax xong thì phải chờ đến 15 phút mới có xe shuttle bus đưa vào sân bay. Không tin ở mắt mình nữa… hàng dài người ta đứng chờ qua Hải quan để vào cổng khởi hành. Tôi ước tính phải có đến hơn trăm người trước tôi với vẻ mặt lo lắng… Tôi cũng không thoát khỏi cảm giác RUN vì sợ trễ chuyến bay. Nhớ nhen, mọi người nên checked-in từ nhà trước để tránh tình trạng giờ chót ra xếp hàng chờ check-in rồi qua HQ . May nữa là tôi mua vé trước nên không bị charge tiền hành lý 1 kiện ký gửi (kiện thứ 1 $15USD, kiện thứ 2 nếu có sẽ là $25USD)… Tôi qua Hải quan rồi chạy như bay – còn đúng 5 phút nữa là máy bay đóng cửa; trong lúc chạy vội, tôi nghe người ta gọi loa tên tôi nữa chứ... Cuối cùng thì máy bay cũng cất cánh rời IAH trong tờ mờ sớm... Những giọt sương đêm còn đang ráng bám víu vào cửa sổ và cuối cùng cũng thả mình vào không trung khi được những tia nắng ban mai nhẹ nhàng vuốt ve... Tôi thiếp ngủ cho đến khi cô tiếp viên thông báo là máy bay sẽ hạ cánh trong 1 tiếng nữa... Tôi chỉnh lại đồng hồ đeo tay vì giờ của Miami đi trước Houston 1 tiếng... Máy bay cuối cùng hạ cánh lúc 11h sáng giờ địa phương. Tôi vội theo dòng người đi kiếm tầng hầm để lấy hành lý ký gửi. Phải nói là sân bay MIAMI rộng thiệt nhưng các bảng báo chỉ dẫn khách rất ít và không chi tiết, rất dễ đi lạc – nếu không chắc chắn thì nên dừng lại hỏi nhân viên sân bay hoặc bất cứ nhân viên hãng máy bay nào để họ chỉ cho – tôi thấy không ít hành khách phải chạy từ đầu này qua đầu kia của Terminal vì không nhận ra bảng chỉ dẫn. Suýt nữa tôi cũng là nạn nhân rồi nếu không nghĩ ra chuyện dừng lại và hỏi đại… Đúng là “đường đi ở… cái mồm!” á. Ra đến cửa đã thấy bảng báo của tàu RCCL đón những người đi du thuyền từ cảng đỗ Miami đứng chờ. Tôi đọc tên cho tài xế và leo lên xe ngồi. Chừng 20 phút sau xe chuyển bánh với chừng 20 hành khách cũng bay từ các nơi khác đến...

Đến cảng Miami tôi phải "WOW" lên một tiếng rõ to; năm ngoái lần đầu thấy quy mô của cảng Galveston vận hành cho các du thuyền ra/vô cảng đã choáng, lần này còn choáng hơn vì cảng Miami quá rộng lớn với hàng chục chuyến du thuyền to của các hãng Carnival, Royal Caribbean, Princess, Holland America, Norwegian... Các bạn biết không? Cảng Miami nổi tiếng trên thế giới không những về sự tấp nập của du thuyền quanh năm mà còn là hải cảng quan trọng về vận chuyển hàng hóa của cả khu vực Bắc Mỹ. Mỗi năm cảng Miami đóng góp vào quỹ kinh tế của tiểu bang Florida 17 tỷ đô la và tạo công ăn việc làm cho hơn 176 ngàn người. Thật đáng nể!

Cũng như lần trước, tôi checked-in từ nhà, in sẵn boarding pass nên không mất nhiều thời gian để đi qua Hải quan. Vả lại gì thì gì lần này cũng kinh nghiệm hơn lần trước "mới ở quê ra" á... Tàu RCCL này tổ chức quy trình check-in khép kín khá quy mô, gọn gàng, tiện lợi và thoải mái. Tùy theo tầng cabin mình ở mà đứng vào hàng để chờ đến lượt check-in; nói là hàng chứ trước tôi chỉ có đúng 1 người. Mấy hàng khác tôi cũng thấy lác đác. Thay vì chỉ có 1 hàng dài để check-in hết mọi người. Đó là 1 cái hay để các hãng tàu khác học hỏi. Rồi cô nhân viên cũng yêu cầu tôi đưa 1 credit card để đảm bảo cho tất cả mọi thứ xài trên tàu trong suốt chuyến đi. Chắc mọi người còn nhớ bài viết về chuyến cruise năm trước, tôi có nói là trên du thuyền không xài CASH hoặc check hay Credit card. Tất cả đều tính vào cái card nhựa có mã số riêng từng người - trông y như là cái Credit card, và dùng nó ở mọi nơi, kể cả mở khóa vào phòng cabin của mình, hoặc khóa/mở khóa cho hộp an toàn Safe box trong phòng. Cuối chuyến đi sẽ nhận 1 cái bill dài dằng dặc trước khi mình rời tàu để cho biết mình đã xài trong những việc gì, ở đâu, lúc nào, bao nhiêu... Mà list dài thì lúc đó dễ... xây xẩm lắm á!

Đã chuẩn bị tinh thần trước rồi mà tôi vẫn thấy "choáng" trước vẻ đẹp và cách trang trí bên trong tàu. So với chiếc Ecstacy của CCL năm ngoái thì chiếc Majesty of the Seas này lớn hơn với cách bài trí sang trọng và chi tiết hơn; Chiếc Ecstacy có 920 nhân viên phục vụ và chứa được 2,092 người - trong khi đó chiếc Majesty of the Sea thì có sức chứa 2,744 người. Người ta bảo sau 2h trưa phòng cabin mới có thể vào được nên tôi đã tranh thủ đi "te rẹt" tham quan trước vài nơi và cũng để kiếm chút gì bỏ bụng vì đói và khát suốt chặng đường bay dài. Vì đã điều nghiên catalogs trên Net cũng như "thủ" sẵn bản đồ từ office rồi nên tôi đã không mấy khó khăn tìm ra được chỗ ăn trưa - đó là nhà hàng all-day-buffet Wind Jammer Cafe. Những món ăn nhẹ, trái cây, tráng miệng được trình bày thật đẹp mắt phục vụ cho những người "xấu bụng" như tôi thì cũng uổng thiệt! Chỉ trong nháy mắt, tôi và những người bạn mới quen đã "dọn" bớt một lượng đáng kể giùm nhà hàng...Cứ áp dụng chủ trương của người Việt mình, "ăn để chủ nhà mát lòng mát dạ!" Giời ạ, mới bắt đầu chuyến đi thôi đó! Kỳ này về Houston, bác sĩ T thế nào cũng la oai oái cho mà xem! Tự nhủ, "thôi lát chiều ráng chạy vài vòng trên boong tàu và vào hồ bơi để "thải bớt" vậy!"

Cũng như chuyến cruise trước, tôi theo người ta đi dự diễn tập cấp cứu với phao để biết khi có chuyện bất trắc xảy ra thì ai sẽ đi hướng nào, theo ai, làm gì… Mọi người không hề cảm thấy khó chịu hay oải khi mà họ đã đi cruise hàng chục lần rồi. Sau đó tàu hụ 1 hồi còi thật dài để tạm biệt thành phố xinh đẹp MIAMI để ra biển lớn… Bên cạnh, tàu Carnival Destiny với màn hình rộng 100 inches trên deck cao đang chiếu phim ca nhạc cho bà con xem cũng từ từ chuẩn bị nhổ neo. Đứng từ trên boong cao nhất, tôi phóng tầm mắt để nhìn thành phố Miami dần xa khuất phía sau. Phải nói là biển mang lại một cảm giác khó tả trong tôi; tôi vừa như cảm nhận được sự vỗ về của những đợt sóng nhẹ vào mạn tàu, vừa như thấy mình quá bé nhỏ trước một đại dương mênh mông, huyền bí…Tôi đi vòng vòng để kiếm những vị trí đẹp đặt máy chụp vài ảnh lưu niệm rồi về phòng. Ở đó, tôi gặp chị Victoria, người Na Uy. Chị sẽ là người quản lý nguyên tầng phòng tôi ở. Chị nói chuyện rất có duyên, hóm hỉnh và hiểu biết. Chị dặn tôi nếu cần gì thì cứ gọi là Chị sẽ có mặt ngay. Bước vào phòng, cảm giác đầu tiên của tôi là: chật! Nếu so với phòng của tàu Carnival Ecstasy trước đây thì phòng này nhỏ hơn nhiều. Từ phòng ngủ, đến phòng tắm… tất cả đều nhỏ xíu và không được bảo trì tốt; vòi nước thì hơi bị sét, màn sáo phòng tắm thì nhàu và có dấu bị cháy xém khi giặt ủi. Tôi tự nhủ, thôi kệ để xem các thứ khác thế nào! Trên giường là tờ giấy in lịch trình hoạt động của tàu hôm nay. Tôi đọc lướt qua và, kinh nghiệm từ lần trước - tôi mang theo cây viết highlight để quệt ngang hoạt động mà tôi dự định sẽ tham gia - bằng cách này cho dù có đi đâu thì khi mở lịch ra tôi sẽ biết là đến chương trình, hoạt động nào, mấy giờ, ở đâu… mà không phải dò tìm vất vả.

Theo sắp đặt ban đầu, tôi sẽ ăn giờ chính thức lúc 6h tại nhà hàng chính ở tầng 4. Bàn của tôi mang số 486 và người phục vụ sẽ là Anh Rakesh đến từ Ấn Độ. Tới giờ ăn tối, tôi thay quần áo và xuống nhà hàng, nơi đó tôi gặp 2 cặp vợ chồng khác được sắp ngồi cùng bàn. Anh chị Carson & Jennifer đến từ Ft. Wayne, Indiana và ông bà Steven & Carolyn đến từ McAllen, Texas. Anh chị C&J (đều là Hiệu trưởng trường Trung học và trung cấp ở Indiana) mới vừa đám cưới hôm thứ bảy trước và ông bà S&C mới vừa cưới…tháng trước. Họ đều rất cởi mở, hòa đồng và bặt thiệp. Ai chà, nhìn menu thôi cũng thấy hấp dẫn rồi! Lật qua lật lại, tôi chọn món cá hồi nướng và không quên đặt thêm một chén rau củ tươi hấp. Ở trên các chuyến cruise thì ai muốn ăn bao nhiêu món cũng được miễn là kêu thì ăn hết; có người chọn 2, 3 miếng steaks bự hơn bàn tay tôi mà ăn sạch sẽ luôn! Thế mới thấy mình…ngoan khủng khiếp, chỉ chọn cá (hehehehe, đỡ thấy “phạm tội” vì đã ăn 2 bữa kia ở Wind Jammer toàn là burgers với gà nướng, tráng miệng cheese cakes…) No nê rồi thì tôi đi vòng vòng chụp hình một số tranh vẽ bán đấu giá ở tầng 3 rồi ghé qua Guest Information Center để lấy một số thông tin về Nassau, Bahamas – chặng dừng đầu tiên vào ngày mai…

Show time bắt đầu lúc 9h15 ở nhà hát A Chorus Line với anh chàng Cruise Director vui nhộn Ricky Matthews (anh cứ hay đùa là “đừng nhầm lẫn tôi với Ricky Martin đấy nhé!”). Anh dẫn chương trình thật là dí dỏm, thông mình. Anh hỏi, “ai trong số chúng ta ở đây có anniversary 50 năm?” Một vài cặp giơ tay… Anh hỏi tiếp, “60 năm?” 2 cặp khác giơ tay… Anh hỏi tiếp, “hơn 60 năm?” 1 cặp giơ tay lên…. Wow! Khán phòng ồ lên kinh ngạc! Cụ ông, cụ bà sống với nhau 63 năm! Ricky chạy lên phỏng vấn, “2 bác cho khán giả biết bí quyết nào để sống chung lâu vậy?” Bác gái nói, “thông cảm, chia sẻ và tha thứ!” Còn bác trai tủm tỉm mãi rồi mới đủng đỉnh nói, “sleep in another the room!” (chúng tôi ngủ riêng phòng!) hahahahaha …. Bác trai vui tính thiệt! Thế là anh Ricky thay mặt tàu RCCL tặng quà cho 2 bác trong tiếng vỗ tay reo hò của mọi người. Tôi nghe Carson, Jen, Steven và Carolyn nói họ đều được tặng quà lưu niệm, thẻ ăn phục vụ tận phòng… vì đi Honeymoon lần này. Thế cũng tốt, cứ tưởng dân Mỹ chỉ biết… thu tiền chứ không có biết chi ra cho khách của họ!

(còn tiếp)
 
Show khai mạc tối nay có 1 vài tiết mục múa chào mừng và giới thiệu nhóm ca, múa của tàu với 10 diễn viên đa tài. Bên cạnh đó Anh chàng tấu hài Miguel Washington đến từ Jamaica cũng khá là vui nhộn khi Anh giễu về các cặp vợ chồng sống với nhau – và giễu cả về bản thân Anh với cô vợ thứ 3 từng ở trong quân ngũ; mắc cười nhất là khi Anh nói vợ Anh khoác tay Anh bước vào sảnh cưới mà đi cứ như là nhà binh, rồi lúc sáng sớm vợ Anh đánh thức Anh dậy theo kiểu gọi lính… heheheh, thiệt là tức cười…

Sau show, tôi lên boong tàu cao ngắm trời mây một chút thấy lạnh nên tôi quyết định về phòng – một ngày cũng dài quá trời rồi! Tôi ráng dỗ giấc ngủ cho mình mặc cho bên ngoài sóng vỗ rì rầm và máy tàu chạy ì ì như tiếng máy đểu đều của các bác thợ kéo bễ…


Ngày thứ 2:

Sáng nay dậy thật sớm để lên boong tàu ngắm hoàng hôn trên biển và cũng đi tản bộ cho dãn xương dãn cốt… Cũng đã có nhiều người chạy bộ ở phía hành lang tàu. Không khí buổi sáng sớm thật là tuyệt và tôi nhận thấy tàu cũng đang hướng về đảo Nassau, Bahamas. Tôi ghé qua Wind Jammer Café để bỏ chút gì vào bụng cho chuyến thám hiểm Nassau những giờ sắp đến rồi về phòng để thay quần áo, kiểm tra lại giấy tờ mang theo người, những vật dụng cần thiết cá nhân, máy hình, pin sơ-cua… rồi quảy ba lô xuống boong dưới để ra ngoài khi tàu cập cảng Nassau, Bahamas.

Có rất nhiều tours ở Nassau, Bahamas như tour đi xem cá voi, tour đi phố, tour đi shopping, tour đi tắm biển và lặn… Tôi chọn tour đi chơi thành phố Nassau, Bahamas và kết thúc ở đảo Paradise Island cho biết. Ra khỏi tàu thì tôi được người hướng dẫn viên Roy (người địa phương) chỉ ra chỗ tập trung. Từ chỗ đó anh Roy dẫn cả đoàn chừng 10 người ra bến đỗ xe ô tô và bảo chúng tôi đứng chờ anh lấy xe. Mèn ơi, cả thành phố Nassau tràn ngập du khách – không tràn ngập sao được khi mà hôm nay cả 5 tàu du lịch cặp bến cảng; 3 tàu Carnivals, 1 RCCL, và 1 Norwegian. Xe van của Anh Roy trờ tới và chúng tôi lên xe… Mèn ơi, xe van cũ xì và ghế nệm muốn rách te tua luôn! Mọi người biết không, vì Nassau Bahamas là thuộc địa của Anh trước đây nên họ lái xe bên trái, ngược chiều với các nước Mỹ, Pháp, Nhật… Toàn thành phố Nassau chỉ chừng 21x7 dặm mà thôi.

(còn tiếp)
 
Thông tin Anh Roy cung cấp suốt chuyến tour được tôi ghi lại tóm lược như sau:

- Thành phố Nassau (giờ là New Providence) có 44 trường trung học, tiểu học, 1 trường Cao Đẳng nhưng không có trường Đại học. Nếu muốn học cao lên sau Cao Đẳng thì phải qua các nước như Anh, Mỹ, Canada. Họa phí được chính phủ tài trợ từ tiểu học lên Đại học ở nước ngoài nhưng với 1 điều kiện: sau khi tốt nghiệp phải về làm cho nhà nước một số năm quy định trước khi làm việc cho bất kỳ nơi nào khác – nếu không, chính phủ sẽ “đòi lại” tiền học (gọi là tiền “đầu tư dài hạn”.)
-Thành phố không có người đưa thư – nghe rất lạ phải không nào? Dạ, vì thành phố quá nhỏ nên mỗi nhà có 1 hòm thư (P.O. Box) ở bưu điện chính và duy nhất. Mọi tư từ lien lạc đều gửi qua hòm thư đó chứ không có giao tới nhà. Kể cũng rắc rối hén!
-Về an ninh: thành phố quy định cấm mang sứng trong người khi ra khỏi nhà, ăn trộm bị phạt tù 10 năm – có lẽ vì vậy mà tội ác ở Nassau khá hiếm.
-Về giao thông: giới hạn tốc độ cho phép trong thành phố là 25mph. Nếu ai vi phạm vượt tốc độ thì sẽ bị phạt vạ phí 500USD và 10USD cho mỗi mile vượt giới hạn cho phép. Cái này hay à nha… Hèn gì bà con chạy như.. rùa bò hehehehe
-Về y tế: toàn thành phố có duy nhất 1 bệnh viện – 530 gường bệnh. Nếu ai trên 65 tuổi thì được khám, chữa bệnh miễn phí, dưới 65 tuổi mà là cư dân Nassau thì trả 10USD/ 1 lần khám, chữa bệnh. Nếu là người nước ngoài, du khách… thì cũng chỉ phải trả 30USD/ cho 1 lần khám, chữa bệnh.
-Không có thuế thu nhập, không có thuế bán hàng, hoặc thuế đất đai. Mọi người hỏi, “thế thì lấy tiền đâu cho các khoản chi tiêu của thành phố?” Câu trả lời khá dễ đoán, “đánh thuế vào những mặt hàng nhập khẩu như ô tô, xe máy, hàng hóa…” Anh Roy nói thêm, “nếu tôi mang 1 chiếc xe hơi từ Mỹ về thì nhà nước sẽ đánh thuế chừng 45-50% trên tổng số chi phí vận chuyển xe qua Bahamas…” Đúng là ở đâu quen đó! Tất cả mọi mặt hàng tiêu dung, kể cả thực phẩm, trái cây… cũng đều phải nhập từ nơi khác về - sao giống ở S’pore quá trời vậy cà!

Anh Roy lại đưa chúng tôi đến hầm Fort Charlotte lịch sử nơi mà quân đội Anh thiết lập năm 1789 - trông như hầm địa đạo Củ chi của VN với nhiều phòng dưới lòng đất để giúp lính Bahamas chống lại quân xâm lược từ các nơi khác. Sau đó, chúng tôi được xem Fort Fin Castle, nơi mà Ngài Dunmore người Anh thiết lập năm 1793 cũng với mục đích chống quân xâm lược. Gần ngay đó là Queen Staircase với 65 bậc thang. Chiếc thang bằng đá này được những người nô lệ làm bằng tay vào khoảng năm 1793 và 1794. Chiếc thang được đặt tên “Queen’s Staircase” để đánh dấu 65 năm dưới triều đại Queen’s Victoria. Từ đây, Anh Roy đưa chúng tôi đi 1 vòng thành phố rồi chạy qua chiếc cầu dài, cao ngất nối liền Nassau Bahamas với hòn đảo đẹp nổi tiếng Paradise Island. Từ xa, những tòa nhà của khu nghỉ mát sang trọng bậc nhất Altantis Resort đã lấp lóa như những cung vàng, điện ngọc, phủ Chúa thời xa xưa… Nghe đâu giá 1 phòng suite hạng sang ở lâu đài này nhìn ra biển có giá chừng 25 ngàn đô 1 đêm… Xem chừng tôi xin vào ngủ ở sàn gạch cũng không biết có đủ tiền không nữa… Nguyên khu nghỉ mát có khoảng 6000 phòng ngủ từ bình dân đến sang trọng với đầu đủ tiện nghi, giải trí như sòng bài, hồ cá Aquarium, nhà hát, bãi biển riêng... Từ những viên gạch lót, đến những hình thủy tinh đặt trên nóc các cột trụ… đều toát lên vẻ sang trọng, quý phái… Sòng bài thì khá nhỏ nhưng sạch sẽ và người phục vụ rất lịch sự. Họ mời chúng tôi uống nước hoa quả - chắc dụ khị để khách bỏ tiền vào mấy máy kéo đây mà… Vì tôi “tốt bụng” quá nên tự động móc hầu bao lấy 20USD ra để… bỏ vào máy kéo, gọi là “ủng hộ kinh tế” cho họ chút… Quả thật, máy “nghiến” sạch mất toi tờ 20USD của tôi trong vòng 20 phút… hic hic… Le te đi ra chỗ khác chơi vậy!

Đi loanh quanh một hồi xem mọi thứ cũng khá mệt nên tôi quyết định ra bến phà để đón Water Taxi về lại Nassau. Thật là bất ngờ! Giá mỗi du khách đi 1 lượt từ Paradise Island về Nassau chỉ có 3USD thôi! Tôi cứ nghĩ, thế nào họ cũng để sẵn “máy chém” để “cứa cổ” du khách… Ai dè… Đúng là tôi “đa nghi như Tào Tháo!” Chờ chừng vài phút thì tàu có đủ người để nhổ neo. Nước biển Bahamas quả thật xanh biếc, trong vắt như thủy tinh… Tàu lững thững rời bến, bỏ lai sau lưng những lâu đài của Atlantis Resort. Anh chàng tour guide trên tàu chỉ cho du khách xem những ngôi nhà, những khách sạn… 2 bên bờ; đây là khách sạn nơi mà minh tinh nổi tiếng Anna Nicole chết, kia là ngôi nhà của sử dụng làm cảnh quay cho phim James Bond, còn đây là nhà nghỉ mát của tài tử Nicolage Cage…

Chừng 15 phút thì tàu vào đến bến của Nassau – ngay đó là chợ Straw Market nổi tiếng, nơi mà du khách có thể mua được những chiếc túi xách LV, hay Channel… với giá khá mềm (chắc cũng lại Made in China nữa rồi!) Tôi đói cồn cào nên thẳng tiến về phía tàu RCCL. Qua Hải quan cũng khá dễ dàng, chỉ trình passport và thẻ lên tàu thế là xong. Tôi chạy thẳng lên Wind Jammer để “xử lý” cái bao tử… Về phòng nghỉ 1 chút, tôi lôi đống post cards mới mua ra và hí hoáy viết để gửi đi cho kịp trước giờ tàu nhổ neo. Cảm thấy “tội lỗi” vì ăn nhiều nên tôi quyết định đi lên phòng Fitness. Ở đó tôi gặp những khuôn mặt cũng “đầy tội lỗi vì ăn nhiều!” đang chạy treadmill, chạy xe đạp máy… Hihihihihihi, cũng leo lên chạy được 45 phút đó nha… rồi về phòng tắm, gội để chuẩn bị cho Gala Dinner với thuyền trưởng Bjorn Joe.

Hmmm…. Đúng 5h30 tôi diện bộ cánh đẹp nhất (đem có 1 bộ đẹp à!) rồi đi xuống tầng dưới chụp hình rồi qua nhà hàng ăn vì giờ ăn chính của tôi là 6h tối. Hôm nay ngoài những món thịt cá nướng, gà um… thường ngày, họ phục vụ món thịt cừu sốt vang, và tôm càng nướng. Tàu Ecstacy năm ngoái họ có món tôm hùm (lobster) cho tiệc Gala nhưng tàu này “cheap” quá chỉ cho ăn thịt cừu và tôm càng thôi! [Cũng có thể họ muốn khách không bị lên cholesterol á? ] Đành chọn món thịt cừu thôi – vì so ra, thịt cừu ít cholesterol hơn là tôm! Ăn xong cũng gần 7h30 nên mọi người phải chạy vào nhà hát A Chorus Line để được chụp hình với thuyền trưởng Bjorn rồi lấy chỗ ngồi tốt. Anh Ricky Matthews ra sân khấu và giới thiệu ông thuyền trưởng Bjorn với mọi người. Ông nháy mắt tinh nghịch và giới thiệu từng người trong staff của ông; nào là ông Anthony Curtis – Hotel Director, Cô Rene Pierrus – người tư vấn khách hàng trên tàu, rồi ông Kjell Evensen – người chịu trách nhiệm máy tàu… Mỗi người 1 việc và thế là thành 1 staff rất nhiệt tình, năng động và hòa đồng. Mọi người được mời rượu mạnh, champagne, rượu vang, hoặc cocktail hoa quả… thích gì được đó. Sau phần giới thiệu là đến chương trình ca múa BOOGIE WONDERLAND do nhóm diễn viên của tàu trình diễn. Họ đã hát, đã múa, đã diễn suốt 45 phút liên tục, cống hiến cho khán giả những bài hát bất hủ, những điệu nhảy từ thập niên 70s, 80s… Tấm màn nhung khép lại trong tiếng vỗ tay, huýt sáo của khán giả và những giọt mồ hôi trên gương mặt rạng rỡ của diễn viên như những ngôi sao muốn lấp lánh mãi trong lòng người xem… Cám ơn các bạn!

Tôi về phòng làm một số việc vặt xong lại thay đồ lên tầng thượng chờ đến giờ khai mạc tiệc buffet đặc biệt lúc 11h30PM. Những anh đầu bếp, những nhân viên phục vụ tất bật trong công việc của mình để hoàn tất trước giờ khai mạc… Đúng 11h30, đèn bật sáng và mọi người xếp hàng rất trật tự để chờ đến lượt mình lấy thức ăn… Tôi cũng trong số đó… nhưng không phải tôi lấy đồ ăn mà là tôi đi chụp hình – ai cũng nhìn tôi và… lắc đầu! Chắc họ nghĩ “con bé này… mát địa! Ăn không ăn, lo đi chụp hình!” hihiihii, ngắm đồ ăn bày biện là tôi đã đủ no rồi, cần gì phải ăn chứ! 12h đêm rồi nên tôi về phòng ngủ. Tối nay tàu hơi chòng chành chút vì gió và sóng khá mạnh nhưng cũng không làm tôi khó ngủ…

(còn tiếp)
 
Ngày thứ 3:

Sáng tôi dậy sớm chạy 1 vòng trên boong tàu xong xuống thay quần áo, háo hức cho chuyến vào đảo Coco Cay nhưng nhận được tin từ thuyền trưởng rằng tàu sẽ không có ghé vào Coco Cay được vì gió và sóng to, sợ không an toàn… Tiu nghỉu đi le te về phòng thay quần áo ra… Ghét quá nên đi bơi cho sướng. Xuống hồ bơi thì có mình ên nên tha hồ vẫy vùng, chảnh như con cá vàng… Hết bơi hồ này rồi qua hồ kia, rồi leo vào spa ngâm nước nóng ngoài trời nữa mới đã chứ… Hmmmm…. Nắng lên cao, vài người bắt đầu thay quần áo ra và xuống hồ bơi nên tôi quyết định đi lên. Một lúc sau tôi cầm tờ lịch hoạt động mới của tàu và đi xuống Chooner Bar để nghe nhạc piano, nhìn ngắm bên ngoài… Cũng nhờ rảnh vậy nên tôi đã “dứt” sạch sẽ cuốn truyện Baby Thượng Hải của nhà văn trẻ Vệ Tuệ (TQ). Công nhận cô này viết chắc tay, nội dung hấp dẫn, lời văn lôi cuốn… Chả thế mà tôi cắm đầu cắm cổ đọc miết cho đến khi nghe cô phục vụ hỏi có muốn uống gì nữa không… Tôi đã có gọi 1 ly Rum mix với hoa quả nhâm nhi nãy giờ rồi! Còn gì thú vị hơn chứ phải không?


Trong nhà hát A Chorus Line có chương trình Love Marriage dành cho những cặp mới cưới. Bên bar Bolero thì có dòng nhạc Latin trữ tình và họ đang dạy bà con điệu nhảy Salsa nóng bỏng… Tôi không có mặn mà lắm với mấy vụ đó nên ngồi 1 chỗ và đọc cho hết cuốn truyện thôi. Đến trưa thì lên Wind Jammer kiếm đồ ăn nhẹ bỏ bụng. Hôm nay họ có mấy món của Trung Đông, Á Châu và Mễ nên khá đa dạng. Nếu ai thích Pizza thì lên nhà hàng Johnny Rock thiết kế theo kiểu thập niên 70s. Còn nếu thích ăn đồ nhẹ như sandwich nguội, chicken wraps… thì lên trên Compass Deli mà lấy xuống ăn.

Buổi chiều tôi “giết thời gian” bằng cách đi xem shows, xem thi Belly Flop ở hồ bơi (hình dưới đây) xem các đầu bếp trổ tài dạy nấu ăn những món lạ, tỉa những hình trên dưa hấu… Quay qua quay lại lại đến giờ ăn tối! Thiệt tình là đi cruise chỉ sợ có chuyện…. ăn liên tục thôi á! Tối nay họ có thịt bò phi lê mềm, gà um khoai, cá hồi nướng và pasta kiểu Ý và tráng miệng với Tiramisu nữa - mấy bữa trước tôi đã tránh không ăn tráng miệng vì sợ ngọt và béo nhưng hôm nay thì không được rồi! Tiramisu là món hảo nhất của tôi mà, bỏ sao được chứ!

BellyShow.jpg

Thi Belly Flop ở hồ bơi

Tối thì coi Juggling do nghệ sĩ Mark Angelo và vợ anh, nghệ sĩ Marlo trình diễn. Họ giới thiệu những kiểu tung hứng truyền thống và những kiểu kết hợp với kỹ thuật hiện đại như đèn màu, pin điện… Họ mời cả khán giả lên tham gia biểu diễn. Khán giả lúc thì thót tim với những màn tung kiếm, lúc thì há hốc mồm nhìn anh tung hứng với 3 quả banh bowling 12lbs/ mỗi quả… Quả thật anh Mark có kỹ thuật rất điêu luyện – chả thế mà anh đã từng giành được 3 huy chương vàng trong các kỳ thi tung hứng quốc tế. Vợ chồng anh có website riêng ở đây http://www.markandmarlo.com/ .

Về phòng thì tôi vội vàng đi gội đầu vì mai sẽ là một ngày rất dài... Tôi chìm trong giấc ngủ với những giấc mơ về Coco, nhân vật trong tiểu thuyết Baby Thượng Hải và những giấc mơ chập chờn về trò tung hứng mới xem ban tối…

Ngày thứ 4:

Được thông báo và chỉ dẫn cặn kẽ nên sáng nay ai cũng dậy thật sớm và lên Wind Jammer Café ăn sáng rồi đem giấy tờ xuống khai Hải quan. Phải khen ngợi hãng tàu RCCL đã thu xếp cho các anh Hải quan xuống tận tàu làm việc nhằm giúp du khách không bị mất thời gian nhiều trước khi lên bờ đi chơi Key West, FL. Ai cũng biết cho dù đi máy bay hay tàu biển thì tại cửa khẩu đầu tiên từ nước ngoài vào, mọi người đều phải xuất trình giấy chứng minh quốc tịch (dành cho người Mỹ) và visa nhập cảnh hợp pháp (cho người không phải công dân Mỹ.) Họ sắp xếp nhà hát A Chorus Line thành 1 “trung tâm Hải Quan” và tạo 2 đường vào và 2 đường ra. Vì tôi cầm passport Mỹ nên tôi đứng vào hàng dành cho công dân Mỹ bên trái và theo hàng người tiến vào bên trong. 2 anh Hải Quan trong quân phục gọn gang cầm passport và so tên với thẻ lên tàu của tôi trong 2,3 giây rồi ngoắc ra dấu cho qua. Sau đó, trước khi ra cửa, tôi đi qua 2 cô gái nhân viên của tàu đứng bấm lỗ vào thẻ lên tàu nhằm để kiểm soát được ai đã trình HQ, ai chưa… Thiệt là nhanh và gọn! Xong được việc quan trọng đó là tôi chạy biến ngay về phòng và cất passport vào safe box rồi quảy ba lô xuống phố… Vì còn sớm nên phố xá vắng tanh, các cửa hàng còn đóng im ỉm… Không hề gì, tôi thích vậy vì tôi tha hồ chụp hình mà không sợ có bóng dáng người ta trong đó. Hihihihii…. Theo chỉ dẫn của những cruisers trên net, tôi nhìn bản đồ lấy từ trên tàu và đi về hướng Trolley Ware-House. Đợi chừng 10 phút, tôi là 1 trong số những người đầu tiên trong chuyến khởi hành Trolley đó. Nếu ai đó muốn đi Trolley thám hiểm toàn cảnh của Key West thì cứ ngồi trên xe, hướng dẫn viên kiêm lái xe sẽ giải thích tường tận từng nơi đi ngang qua; có tất cả 12 điểm dừng chính với nhiều nơi để tham quan – và phải mất tất cả 1 tiếng 15 phút để đi “cưỡi ngựa xem hoa” kiểu đó. Tôi chọn vé 27USD/cả ngày - hop-in, hop-off; có nghĩa là đi từ trạm 1 từ Mallory Square qua trạm 2 Historic Waterfront/ Mac’s Sea Garden, tôi ra khỏi trolley và đi tham quan Lazy Way Shop, Half Shelf Raw Bar, Land’s End Village, Turtle Kraals, Flagler Station Oversea, Glass Bottom Boat… rồi đi bộ qua luôn trạm 3 Simonton Row xem Pirate Soul Museum, Key Lime Pie Company, Sloppy Joe’s Bar (nơi mà nhà văn Ernest Hemingway hay đến uống rượu khề khà với ông bạn vàng Tony), Key West Aloe Factory, Rum Barrel… và lại đón Trolley đi tiếp qua trạm 4 Crown Plaza La Concha khu Dunval nổi tiếng cho du khách - giống như khu Đồng Khởi bên Việt Nam vậy đó! Khu này có Hard Rock Café, có Tropic Cinema, có nhà bưu điện cũ, Margaritta Ville do ca nhạc sĩ đồng quê Jimmy Buffet làm chủ… Những nhà hàng, cửa hiệu bán đồ lưu niệm nhỏ và cũ nằm san sát nhau. Những nhà hàng mở rộng cửa đón thực khách trong tiếng nhạc ồn ào, náo nhiệt. Thi thoảng tôi cũng thấy những bông hoa phương vĩ đỏ còn sót lại trong tán cây; nó làm tôi nhớ những mùa hè ở Việt nam ghê! Trạm số 5 thì có nhà ở lúc trước của nhà văn Ernest Hemingway trong 12 năm (chắc ai cũng biết ông có tác phẩm nổi tiếng thế giới – Ông Già Và Biển Cả) và bây giờ nó trở thành di sản của Key West, rồi đối diện là nhà Hải đăng cổ xưa, và Bahamas Market. Điểm mà tôi rất muốn đến và bằng mọi giá phải đến cho được đó là Southernmost Point tức Mile 0 ở trạm số 10. Ở đó người ta đặt một cột mốc sơn màu đỏ, vàng, đen và có hàng chữ Mile 0 – 90 miles to Cuba. Tiếc là hôm đó người ta sơn lại cột mốc đó nên tôi chỉ chụp được nó với màu chứ không có chữ Mile 0 ở trên. Nói chung có rất là nhiều thứ để coi trong 1 ngày – tôi cứ gọi là chạy như bay để kịp giờ bắt Trolley chứ không lát chiều về nhỡ tàu lại khổ… Nhớ lại anh hướng dẫn viên (người dân Philadelphia qua sinh sống ở Key West) nói mấy thông tin vui vui… Anh nói, “ở KW này quanh năm chừng 77oF… Có năm 20xx vừa rồi nhiệt độ tự nhiên rớt còn chừng 50oF, Ông Thị trưởng cho đóng cửa hết các cơ quan, công sở, trường học và gọi đó là ngày SNOW DAY!” hehehehehehe, mắc cười thiệt á! Tôi thực sự thích cách du lịch này của hang Trolley và cảm thấy rất vui vì biết được nhiều thứ… Giới thiệu với mọi người dịch vụ này để khi nào có dịp thì đi thử nhen: http://www.trolleytours.com/Key-West/ Nói thêm, hãng Trolley này có ở nhiều tiểu bang và họ cung cấp dịch vụ khá tốt, giá cả cũng mềm và kiến thức hướng dẫn viên thì rất cao.

Sau gần 6 tiếng nhảy ra, nhảy vào Trolley tôi đã thấm mệt và bụng đói cồn cào. Tôi quyết định dừng chân và tự thưởng mình 1 bữa no nê ở nhà hàng Blue Fish, Red Fish gần khu tàu RCCL neo đậu. Tôi chọn món Oyster sống tươi nguyên và ½ pounds tôm tươi địa phương (loại pink shrimp). Ui cha, tôm hấp sơ còn dai, thơm như thịt lobster á… Quả là tiếng đồn về loại tôm này chẳng ngoa chút nào! Tôi dứt sạch chúng trong vòng chừng 10 phút thôi… Bên ngoài sân, vài chú gà trống tự nhiên chạy le te rồi gáy vang… Chết chửa, gà ai thả rông kiểu này thì… Có lẽ đoán được ý nghĩ “đen tối” của tôi nên cô phục vụ cười nói, “gà trống ở đây thả rông nhưng được bảo vệ đó nha – ai mà đụng đến là bị phạt vạ chết luôn!” Hmmm…. Lúc ra khỏi nhà hàng, chú gà trống cứ nghênh ngang lượn qua lượn lại trước mặt tôi như thầm bảo, “ngon đụng tới thử coi!” Tôi cũng nghĩ, “về Houston thử xem coi còn vênh được không?”

(còn tiếp)
 
Về phòng nghỉ ngơi vài phút rồi lại chạy tiếp lên boong tàu mong được xem hoàng hôn buông xuống ở Key West, FL – một nơi đẹp nhất trên nước Mỹ… Mọi người bắt đầu túa ra khu Mallory Square để ăn, uống mừng hoàng hôn… Chẳng may, hôm đó gió mạnh, mây dầy, cold front kéo đến cho nên ông mặt trời núp luôn đâu đó… Chờ mãi tôi cũng chỉ chụp được vài tấm coi tạm… Chán! Mất dịp may này rồi. Chắc đây cũng sẽ là cái cớ cho tôi có dịp quay lại Key West 1 lần nữa trong tương lai gần…

Tối nay trong bữa tối, mọi người bịn rịn chia tay nhau và hẹn có ngày gặp lại. Tôi và những người bạn cùng bàn cũng trao đổi emails, cám ơn anh Rakesh đã phục vụ rất tận tình, cám ơn ông Matre’D đã luôn đi vòng quanh kiểm tra chất lượng các món ăn phục vụ để khách luôn hài lòng… Chia tay lúc nào cũng thế… Những người khác thì hối hả đi mua những món quà kỷ niệm cuối cùng trên tàu, kéo những “canh bạc may mắn” cuối cùng với hy vọng trúng Jackpot… Tôi về phòng thu xếp đồ đạc vào valise và gắn tags màu xám (người ta để sẵn trong phòng cho tôi 4 tags để gắn vào hành lý.) Show hôm nay cũng ngắn để khách về chuẩn bị hành lý. Tất cả mọi người phải để valises ra cửa cabin trước 12h đêm để các nhân viên đưa xuống tầng hầm trước. Tưởng tượng xem họ làm việc vất vả thế nào để phục vụ 1 lượng hành khách hơn 2000 người với gần 2000 valises (tính trung bình 1 người/cái)… Tôi cố dỗ giấc ngủ… Mai sẽ về lại Houston rồi…

Ngày thứ 5:

Tôi thức dậy sớm và lên Wind Jammer lần chót… Ăn nhẹ trái cây và oatmeals, uống vội cốc sữa rồi xuống phòng thu đồ đạc… Bên ngoài tàu cũng đã bắt đầu cặp bến… Tôi nghe đọc thông báo trên loa. Bây giờ tôi mới để ý là tàu họ tổ chức khá chặt chẽ; khi họ phát tags cho từng phòng, họ đã tính trước được bao nhiêu người sẽ EXIT 1 lúc nên họ gọi theo màu. Đến màu nào thì chỉ những người có tags màu đó bước ra ngoài tàu, những người khác cứ ngồi ăn, uống thoải mái chờ đến lượt, cho nên hoàn toàn không có chuyện xô đẩy, chen lấn nhau… Ra khỏi tàu, tôi đi ran gay khu lấy hành lý – cũng theo màu mà tìm cho nên rất dễ dàng – không như lần trước đi từ Galveston, CCL để chung tất cả hành lý 1 chỗ nên khách phải tự tìm hành lý của mình rất vất vả. Đáng khen cho sáng chế của tàu RCCL. Lấy hành lý xong tôi đi ra ngoài và tìm xe Coach Bus để đưa ra phi trường Miami. Mọi việc suông sẻ hết… Lẽ ra tôi đáp chuyến bay 3h chiều về HOU nhưng thấy chuyến bay 11h sáng còn trống nên tôi ra ngoại giao và được chuyển lên đi sớm…

“Sweet Home, Houston!” Tôi về đến nhà bình an… Coi đi coi lại những tấm hình chụp suốt chuyến đi mà không chán… Tranh thủ viết xuống một số thông tin để cung cấp cho khách hàng khi họ book cruise đi chơi – chắc chắn họ sẽ rất cảm kích và những thông tin của tôi sẽ giúp ích họ trong suốt chuyến đi nghỉ… Âu cũng là lý do tại sao tôi chọn ngành Travel&Tourism – tôi hạnh phúc khi khám phá những chuyến đi và tôi muốn người khác cũng hạnh phúc như tôi…

Show5.jpg

Show BOOGIE LAND

nightbuffet5.jpg

Buffet ban đêm trên tàu

Key_sunset4.jpg

Đón SUNSET ở Keywest từ deck


Chududoday (Dec.2008)

****Hết****
 
Last edited:
Thêm hình nữa đi bạn chudu! Mà chưa thấy bạn kể phần chi phí của chuyến đi nhỉ ?

Oh, từ Houston, Chudu bay qua Miami, mua vé Continental 200USD + Cruise là 329USD = vị chi chừng $550USD cả trip luôn á. Dạo này cruise hay có sales lắm nên thấy rẻ là... dzọt liền ;) Ai ở bên MIA hoặc FLL tha hồ đi rẻ quanh năm.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,788
Members
190,080
Latest member
Cuadep
Back
Top