What's new

[Chia sẻ] Mênh mang vàng thu Tibet

1.


Tibet, nóc nhà thế giới, miền đất của những điều bí ẩn chưa được khám phá, miền đất của các chư thiên, miền đất của những giấc mơ trong mộng, miền đất khát khao của một thời tuổi trẻ si dại… nhưng tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến dù đã bao lần tưởng như Tibet đã gần, rất gần. Đi, là có duyên; đến, là có phước, gặp, là có tình… nhưng khi tôi càng khát khao cố gắng để đến Tibet thì khoảng cách giữa tôi và Tibet càng xa vời vợi. Đã bao lần hành trang đã chuẩn bị, visa đã xin, việc đã bỏ… nhưng rồi dang dở vẫn là dở dang… Do vậy, lần này tôi ra đi lòng nhẹ tênh, chỉ hướng về Tibet, chỉ hướng về những con đường lên Tibet…! Đến được là có duyên, có phước, có tình… không đến được, tôi vẫn còn tôi và con đường và những chuyến đi,... Tôi chọn con đường đi làm mục đích, tôi chọn sự lang thang giữa đất trời mênh mang làm điểm tựa, tôi cất giữ những khoảnh khắc chơi vơi, những niềm hạnh phúc khi bàn chân đặt lên miền đất lạ làm hành trang… để lên đường, để hướng về Tibet.


Một mình, một đêm cuối thu, Sài Gòn mưa đổ mịt mù, tôi đi.


P9200406.jpg

Phu Asa vắng vẻ trên đồi trưa – Pakse



P9200608.jpg

Vat Phou mưa chiều cuối thu – Pakse



P9220123.jpg

Hoàng hôn rực lửa trên dòng Mekong – Siphandon, Pakse


Chập chờn trên chuyến xe đêm, nghe giọng ca liêu trai thì thầm từng sợi tình trong đêm “mai tôi đi, mong cho tình xa quên…”, khi ngoài kia trời mưa đổ, hay sương đêm lăn dài từng hạt chầm chậm, trên kính xe lạnh buốt, như những giọt nước mắt long lanh… tôi thấy lòng mình chùng xuống, như tôi đang rơi vào một hố sâu không đáy thăm thẳm... Có tiếng ai đó thở dài trong đêm hay tôi đang nghe tiếng tôi… Nếu thế này mãi, tôi sẽ không đi được, tôi nhắm mắt và mơ về bầu trời Tibet xanh thăm thẳm để cố ru mình vào giấc ngủ chập choạng mệt nhoài. Có lẽ, đó là 1 trong những chuyến xe chơi vơi nhất trong những tháng ngày lang bạt của tôi. May mắn sao, cuối cùng tôi đã qua được để tiếp tục hành trình.


PA020579-1.jpg

Mái nhà xám hoa vàng rực rỡ – Lijiang



PA020605-1.jpg

Hẻm nhỏ hoa nhỏ ở làng nhỏ – Lijiang.



PA010345.jpg

Hẻm đơn sơ nhưng rực rỡ – Lijiang



P9300202.jpg

Hoa tím mùa thu bên cánh đồng vàng – Dali


Rồi tôi lăn dài, trượt dài qua những tháng ngày lang bạt khi rừng, khi núi, khi suối, khi sông, khi đô thị phồn hoa, khi chốn quê dân dã, khi nắng lên bên rừng, chiều xuống bên sông, khi đêm chơi vơi một mình một bóng liêu xiêu quán lạnh gió khuya về… Từ Sài Gòn, tôi đi sang Lào qua ngõ Bờ Y để vòng lại Vat Phou chiều mưa bay mờ mịt, lạc bước Phu Asa lúc nắng lên trên đồi, chôn chân ở vùng 4.000 đảo Siphandon hiền hòa có những ngày mưa bay trắng xóa đất trời nhưng chiều về hoàng hôn lại đỏ rực thiêu cháy cả con sông dài… Rồi từ Nam Lào, tôi lướt nhanh đến Bắc Lào. Tôi vội vã ngang qua Vientiane, Luang Prabang, Udomxay… để có những ngày buốt giá trên con đường mưa mờ mịt đến miền gái đẹp Luang Namtha, những chiều lang thang một mình trên con đường ven sông hun hút không một bóng người của đất Lào xinh đẹp hiền hòa mến khách.


(tbc.)
 
Nam Lào thì mình cũng được đi nhưng tiếc là không thăm được Phou Asa va Attapeu. Nhìn mấy tấm hình của BPK mà thèm đứt ruột. Híc híc. "Người" ơi, biết bao giờ mới có dịp tái ngộ. Thế BPK có đi Tad Lo và cao nguyên Bolevan không?

P/S: Mình đã xóa bớt tin nhắn rồi đó, bạn thử gửi lại xem. Nếu không được nữa thì PM yahoo giúp mình nhe: vicfore@yahoo, please!!! :)
 
@Vicfore: nhìn cái Avatar của bạn lại mơ về Mt. Kailash đã bao lần lỗi hẹn! Bạn đã đến đó chưa? Nếu có dự định thì rủ rê nhé, nếu đã đến mong được đọc bài của bạn! Sorry bạn Bpk vì "spam"!
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 3

@ hanoiwelle, bpk đi từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, từ thu sang đông (sến pà-kố). Thực ra để có được chuyến đi này bạn chỉ cần là tỷ phú thời gian thôi, tiền nong thì không cần nhiều lắm đâu nếu bạn đi “bụi”. Và một điều kiện “cần” rất rất quan trọng nữa là sức khỏe. Đó là lý do bpk tranh thủ đi trước khi về già – mà có còn trẻ???

@ vicfore, bpk có đi Salavan trên cao nguyên Bolaven, ghé ngang qua Tad Lo…

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)


4477862633_fa096b5f9a_o.jpg

Người ta cỡi voi ở trên cao như thế này…


4477847339_868448d375_o.jpg

…thì làm sao chiêm ngưỡng những bông hoa dại bé bỏng xinh như thế này….


Phou Asa hôm nay thật vắng, lúc tôi lên vừa đến chân đồi thì mấy du khách lớn tuổi vừa cỡi voi đi xuống, thế là tôi mua luôn cả một khung trời xám Phou Asa một ngày mưa bỗng đẹp lạ.


4478493334_4d1f49958b_o.jpg

Dưới chân núi, khói bếp nhà ai trong sương mưa, gợi nhớ làm sao ngày quê cũ


Phou Asa, là tên mới được đặt vào thế kỷ XIX, lấy tên một nhóm kháng chiến quân anh dũng Lào, cho những di tích đá đã có ngàn năm tuổi, theo cư dân địa phương – còn theo các nhà khoa học thì không phải, chưa đủ ngàn năm… Thây kệ, tôi chẳng quan tâm, chỉ biết là nhờ có cái địa danh đó mà sáng nay tôi đã lần mò đến đây, một mình lang thang trên đồi cao ngày mù sương…


4477851223_ea7547b812_o.jpg

Phou Asa xa xa kia rồi…, nhìn xa thấy bé vậy chứ không phải vậy đâu!


(tbc.)
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 4

(cont.)



4478084325_4088a66e82_o.jpg

Những trụ đá nhìn gần hơn tý nữa, đá xám giữa trời xám – tone / tone!!!


Đến bây giờ, người ta cũng chưa biết rõ người xưa xây dựng Phou Asa để làm gì? Những viên đá mỏng được xếp chồng lên nhau thành những cây trụ đá cao khoảng 2m, phía trên đầu cột lại nở xòe ra như tai nấm (hay như biểu tượng Linga?), những cột đó xếp viền quanh một đỉnh đồi có diện tích 180mx50m, chính giữa là một ngôi đền cũng xếp bằng đá lát tạo nên, giờ chỉ còn rêu phong um tùm bao phủ.



4478719620_8ac175d1e3_o.jpg

Trụ đá trên đồi cao nhìn xuống đồng xanh



4478723738_6245509361_o.jpg

Giống nấm đá hay giống Linga?



4478715662_8b554251f7_o.jpg

Dãy trụ đá còn nguyên vẹn nhất​


Có thuyết cho rằng, đỉnh đồi này là nơi thờ cúng của thầy Sa, người lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân làng ngày trước nhưng điều này chưa hợp lý vì cuộc kháng chiến đó vào TK XIX, còn những trụ đá này đã gần ngàn năm tuổi. Cách xếp đá này lại na ná kiểu xếp đá thiêng của những Phật Tử Tây Tạng mà ta vẫn thường thấy ở cao nguyên Thanh Tạng. Những cây trụ đá này, lại giông giống hình ảnh của Linga, mà một thời kiến trúc Hindu cũng đã tràn ngập khu vực này… do vậy câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.



4478137801_ab6c9ddf3c_o.jpg

Đền xưa giờ chỉ còn rêu phong



4478137805_f9751037b2_o.jpg

Vết thời gian​


Dù sao, đây cũng là một kỳ tích của người xưa vì nhìn những trụ đá đã gãy đổ, chúng ta sẽ không thấy dấu vết của chất kết dính. Nếu chỉ xếp đá phiến như vậy thành trụ và tồn tại được cả ngàn năm thì không phải là việc đơn giản.


(tbc.)
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 5

(cont.)


4480321455_489d9cb828_o.jpg

“Chào nụ hoa bé bỏng, dịu dàng bên đám cỏ”… tôi chia tay Phou Asa…​


Có thời gian lang thang một mình trên đồi Phou Asa cũng thích, nhất là trong một ngày trời dịu mát như hôm nay, khi xung quanh cỏ cây xanh mát mượt mà, những cơn gió mang nặng hơi nước mơn man mát rượi, nhất là được một mình vắng vẻ, lăn ra nằm đọc sách, lâu lâu quăng sách qua một bên ngắm nhìn đất trời thênh thang cũng hay. Nhưng tiếc là không đem theo cuốn “Sợi xích” hay “Cô giáo T” nào nên đành thôi, xuống núi, đi dzìa.


4480953586_bce8772dbd_o.jpg

Đảm đang...



4480957320_a45daaceed_o.jpg

Hồn nhiên – hình này chưa xin phép... Không sao hén, con nít mà...


Dân làng ở đây thật hiền lành dễ mến, chỉ có điều là vì không có khách du lịch nên những bạn trẻ có thể nói được tiếng Anh đi đâu mất tiêu ráo trọi. Thật ra, rất ít du khách đến Phou Asa bằng xe máy như tôi, mà họ thường đến từ làng Kiet Ngong gần đó. Kiet Ngong là một làng voi nổi tiếng của Lào (tính về vĩ độ thì làng này ngang ngang với mấy làng voi Tây Nguyên – giờ chỉ là chuyện xưa tích cũ). Ở làng đó có mấy khu du lịch sinh thái và mấy khách sạn, nhà nghỉ thuộc dạng eco-resort. Khách nước ngoài quân Nguyên đông đảo thường ghé đó nghỉ ngơi thăm voi… rồi cỡi voi đến Phou Asa. Do vậy lâu lắm mới có 1 thằng khùng khùng như tôi lơn tơn lên đó. Mà đúng là chỉ có ở Lào di tích này mới còn, chứ nếu ở xứ … (bạn tự điền vào nghen) thì cứ mỗi người gỡ 1 viên đá về làm kỷ niệm, đánh dầu một chuyến đi thì chắc mấy cái trụ đá này giờ “chỉ còn là kỷ niệm mà thôi…” tèn tén ten…



4480960166_2fb5da40f0_o.jpg

Chào nhé, Phou Asa


Lê la trong làng một hồi, tôi lại lên xe, phóng tiếp về Vat Tomo, một di tích tiền Angkor ít người biết đến ở Pakse… Ít người biết thì càng tốt chứ sao.

(tbc.)
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 6

(cont.)



Từ Phou Asa, tôi chạy trên đường đất đỏ 11km mới ra lại quốc lộ 13, rẽ phải đi về lại Pakse, đi một đoạn thì tấm bảng chỉ đường vào Vat Tomo nằm bên trái. Rẽ trái đi vào con đường làng, đến lúc nghe sóng sông Mekong ì oạp vỗ từ xa xa thì cũng là lúc đến 1 cánh rừng um tùm ôm lấy Vat Tomo đang nằm ẩn sau trong đó.


4480961810_922e0e4930_o.jpg

Đường vào Vat Tomo



Vat Tomo, Tomo Temple hay Uo Moung là một ngôi đền Khmer, được xây dựng từ TK XIX, dưới thời của vua Khmer Yasovarman I. Nằm bên sông Mekong, chức năng của ngôi đền này chưa được xác định rõ nhưng do ngôi đền này hướng về phía đền Vat Phou nên người ta cho rằng ngôi đền có liên quan đến quần thể đền Vat Phou.



4480971634_c2b1b08222_o.jpg




4480968028_ef9988c4f2_o.jpg

Trong cánh rừng um tùm này, Vat Tomo hoang phế tả tơi đang ẩn sâu – một mình tôi lò dò vào


Quăng xe bên bìa rừng vắng tanh không một bóng người, tôi lần mò đi vào Vat Tomo. Thú thật là tôi đã từng lang thang nhiều khu di tích Khmer nhưng chưa bao giờ tôi thấy một di tích nào hoang phế như Vat Tomo… nhất là cánh rừng mưa nhiệt đới mùa này đang um tùm xanh tốt, những cơn mưa từ lá khi gió về rơi lộp độp làm cảm giác lạnh sau gáy ngày càng tăng – nhất là khi chỉ có một mình tôi trong hoàng tàn đổ nát, trong um tùm rừng rậm nơi này…



(tbc.)
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 7

(cont.)


Len lỏi vào rừng rậm, tôi hướng nhìn lên cao để hy vọng nhìn thấy đỉnh đền nhô lên cao, hòng xác định phương hướng, nhưng đi mãi chẳng thấy cái đỉnh nào cả. Tưởng đã sai hướng tôi bắt đầu nhìn quẩn quanh, mới thấy rải rác xa xa những tảng đá đen nằm lăn lóc… Nhìn kỹ lại tôi mới thấy, đó là mảnh vỡ của các phù điêu đá, tượng đá hay chính là các viên gạch xây nên đền đài. Và đi tới nữa, tôi mới thấy và tôi mới biết là sẽ chẳng có cái đỉnh đền đài nào cả, vì Vat Tomo đã sụp đổ hoàn toàn…


4482677445_4bbbe073b0_o.jpg



4483330830_2100d46961_o.jpg

Những gì còn lại của Vat Tomo


Nhưng điều tôi ấn tượng kế tiếp sau đó, là cách người dân Lào nghèo khổ hiền lành với di sản của cha ông. Không có kinh phí để xây dựng, in ấn các bảng biểu hướng dẫn, họ đã viết tay bằng sơn trên bức tường đã sứt mẻ, xuống màu theo thời gian, vôi vữa tróc lở… của 1 căn phòng nhỏ giữa rừng, có lẽ ngày trước những người làm công tác khảo cổ dùng để trú ngụ. Ở 1 góc còn nguyên vẹn nhất của bức tường, một người nào đó đã viết những dòng chữ mộc mạc lên tường, kể với khách du về sự tích chùa Tomo, về di sản của cha ông họ.


4482679495_58449ef335_o.jpg

Tấm bảng hướng dẫn du lịch đẹp nhất trong đời mà tôi từng thấy


Tôi thật sự đã sững sờ và lặng người khi nhìn những dòng chữ mộc mạc, như những tâm hồn mộc mạc của người Lào, bằng tấm lòng của mình đã cố gắng gìn giữ từng chút một di sản của cha ông… theo cái cách nghèo khó nhưng vô cùng cao quý của họ.


(tbc.)
 
Thông tin về Vattomo và Phou Asa này thật là đáng giá. Nhà em xuôi Pakse cũng 5-7 lần rồi mà chưa khi nào đến cả. Thanks bác backpackervn!! Bác share thêm chút thông tin về cách đi đến đó được không ạ?
 
Hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong – 7

@ kephieulang, he he he, vui hén, tựa đề của topic là Tibet mà giờ anh em mình còn lụi cụi ở Nam Lào, đi biết chừng nào mới tới Tibet đây không biết. Okie, vụ đi Phou Asa & Vat Tomo bpk cũng có nói tương đối rõ ở trên, chia sẻ lại nghen. Bạn biết đường đi Vat Phou rồi đúng không, từ Pakse đi ra khỏi thành phố theo quốc lộ 13 đi xuống Siphandon, trên đường đi, cách Pakse 30km bạn sẽ thấy bên tay phải có bảng hướng dẫn đi vào Champasak / Vat Phou. Bỏ qua ngã 3 đó bạn đi lên tiếp khoảng vài km thì thấy cũng bên tay phải có bảng hướng dẫn vào Vat Tomo. Nếu bỏ qua ngã 3 đi vào Vat Tomo, bạn cứ đi thẳng theo quốc lộ 13 tiếp nữa thì sẽ thấy bên tay trái có bảng hướng dẫn vào Kiet Ngong. Rẽ trái vào đường đó đi 11km nữa là tới Kiet Ngong / Phou Asa. Chúc bạn có dịp ghé lại Phou Asa và Vat Tomo lang thang chơi.
:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::


(cont.)



Vat Tomo đã thật sự không còn gì, chỉ còn những bức tường thành rêu phong xanh rì. Chưa có một di tích Angkor nào tôi đã đến mà rêu phong mọc dày như ở Tomo này. LP có nói một trong những điểm lạ của Vat Tomo là linga 2 mặt. Thường thì chỉ có linga trơn hoặc 4 mặt (hay gặp ở Nepal) chứ 2 mặt là hiếm lắm. Không biết có ai vào khuân đi đi mất hay không chứ tôi đi kiếm ròng rã quần nát cái vạt rừng đó mà cũng không tìm thấy để khiêng lên đây khoe với các bạn chơi….


4480965038_72bb6024bb_o.jpg

Một nhánh nhỏ dòng Mekong lững lờ chạy bên



4499413946_f0bcdf4624_o.jpg

Rêu xanh trên đá xưa

Lòng vòng trong rừng, trong hoang tàn, tôi vạch theo rối nhỏ đi xuống bờ một nhánh nhỏ của dòng Mekong chạy ven Vat Tomo. Có lẽ nguồn nước từ con sông này thêm với khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều đã làm cho khu rừng thật xanh tốt, và nhất là đám rêu bao phủ trên những gì còn lại của Vat Tomo.


4498729715_4cd0864c49_o.jpg



4499362132_d9378c586d_o.jpg



4498729105_b8a79ef020_o.jpg



4499364162_3cb8f7cd2b_o.jpg

Những gì còn lại của Vat Tomo

Lang thang một hồi một mình trong rừng hoang vắng chợt nghe sấm chớp ì đùng mây đen vần vũ… sợ cái cảnh đi đò ngang qua dòng Mekong giữa cơn mưa lũ tôi vội vã lên xe chạy thật nhanh. Nhưng khi đến dòng Mekong thì mưa đã trắng trời.


4499377086_e6017e3c51_o.jpg

Tại sao sợ con phà nhỏ qua dòng Mekong. Xem hình thì hiểu ngay mà!!! Nhưng chưa hết đâu…!

(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,490
Members
189,952
Latest member
Xelubeouu
Back
Top