What's new

[Chia sẻ] Mexico kỳ thú


Chào cả nhà, lặn mất tiêu cũng khá lâu bây giờ mới trở lại.
Hi vọng sắp tới sẽ chia sẻ với cả nhà về nhiều vùng đất mới hơn :)



Bài 1: BÍ ẨN ĐẢO BÚP BÊ​

Huyền thoại về những chiếc đầu lâu pha lê khi tập hợp đủ 13 cái sẽ có quyền năng vô hạn: đó là Mexico. Bí ẩn về “ngày tận thế” của nhân loại 21/12/2012: cũng xuất phát từ Mexico. Nơi có ngọn núi lưả nhỏ nhất thế giới (cao khoảng 15m): vẫn là Mexico. “Quê hương” của chocolate, bắp (ngô): cũng là Mexico. Chừng đó cũng đủ hấp lực để tôi lại vác balô lên đường…

Chào Mexico

Ấn tượng đầu tiên của tôi là người Mexico rất nhiệt tình. Hỏi gì cũng trả lời. Thậm chí, không biết gì cũng chỉ bảo rất tận tình (dĩ nhiên là… chỉ bậy!) Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, sau mấy tiếng đồng hồ lội bộ rảo cẳng tôi cũng tìm đến được khu nhà trọ mình cần và nhận ra nơi đó chỉ cách điểm xuất phát…hai ngã tư đường.

Tôi trọ ở khu Hidalgo (sau này mới biết đây là một trong những khu phức tạp nhất thủ đô Mexico). Bà chủ nhà lụ khụ bước ra đón, cười hớn hở: “ Bà đang dọn cơm, làm rớt cái nĩa xuống đất, biết ngay là có đàn ông tới.” “Sao không phải là phụ nữ?” tôi hỏi. “À, làm rớt cái muỗng thì mới là phụ nữ đến nhà”, rồi bà tiếp: “ Cháu may mắn đấy, chỉ còn một chỗ cuối cùng”.

Căn phòng nhỏ, dơ, toilet sử dụng chung, góc phòng có vài chậu xương rồng, một loại “bùa” phổ biến của dân châu Mỹ để giải trừ những điều bất lành. Vậy là cũng quá may mắn nêú biết một phòng trung bình ở nơi khác có giá 500 pesos (khoảng 700 ngàn đồng) thì với số tiền đó, tại đây tôi ở được… một tuần.

Đến Mexico vào dịp cuối tuần, đồ “xôn” bày bán la liệt. Tôi làm quen và rủ được hai bạn trẻ người điạ phương đi chơi cùng. Dừng lại trước một cưả tiệm bên đường, người bạn Mexico hỏi tôi: “Anh có em gái không?”. Tôi gật đầu. Thế là anh chỉ vào một bộ đồ lót đỏ rực treo trong tiệm và nói: “Mua về tặng cho em gái đi, rồi bảo cô ấy mặc nó vào đêm giao thừa, cô ấy sẽ có tình yêu.” Thấy tôi ngạc nhiên, anh thổ địa liền giải thích: “Người Mexico xem màu đỏ là màu của tình yêu, nên vào ngày cuối cùng trong năm, các cô gái độc thân thường mua đồ lót đỏ mặc vào để cầu tình yêu trong năm mới. Vì thế, vào dịp cuôí năm, đồ lót màu đỏ là thứ đắt hàng nhất.” Tôi cũng muốn làm quen với một cô gái Mexico độc thân nhưng đành bó tay vì không có cách nào để phát hiện “điểm nhận diện” độc đáo ấy.

8007978423_e1dafc7edf_z.jpg
Cảnh sát thủ đô Mexico đầu đội nón quả ớt truyền thống, cưỡi ngựa đi tuần


Đảo búp bê

Chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng đảo búp bê được xem là điểm tham quan “rùng rợn” nhất Mexico.

Chuyện kể rằng năm 1920, có một bé bị chết đuối tại một hòn đảo nhỏ phía Nam Mexico. Linh hồn cô bé không được siêu thoát nên dân địa phương thỉnh thoảng lại nghe những âm thanh kì lạ phát ra từ hòn đảo bị ma ám này. Cuối thập niên 50, một người đàn ông, Don Julian, đến định cư tại đây. Don Julian tin rằng tất cả búp bê đều có linh hồn nên ông thu nhặt, dùng cả nông sản để đổi lấy những con búp bê bất kể mới cũ, xấu đẹp treo khắp đảo để làm bạn với bé gái đã chết đuối. Thậm chí, ông còn làm một cái am nhỏ để thờ cô bé cùng các búp bê. Năm 2001, Don Julian bị té và chết ngay tại nơi cô bé chết đuối năm nào. Người dân tin rằng, cô bé đã gọi ông về với cô. Đảo búp bê vốn đã rùng rợn lại càng ma quái hơn…

Từ trung tâm Mexico về phía Nam khoảng 25 cây số, xuôi theo dòng kênh đào Xochimilco chừng hai tiếng, tôi cùng một số khách nước ngoài tò mò đặt chân lên đảo búp bê ma quái này. Trước khi đến, theo lời dân địa phương, chúng tôi cũng mua đèn cầy, búp bê, kẹo bánh để “làm quà” cho em bé chết đuối, Don Julian và các búp bê.

Ngay cổng vào, du khách đã được chào đón bằng những con búp bê xấu xí như những xác chết bị treo cổ. Thêm vài bước nữa, chúng tôi chợt giật mình khi thấy hầu như mọi cây cối trên đảo đều được treo lủng lẳng những hình nhân búp bê cụt tay, chân, mạng nhện giăng đầu mắt, cháy nám nưả thân người… Tưởng chừng như bất cứ nơi đâu trong đảo bạn đều bị theo dõi bởi những cặp mắt ma quái của các búp bê như đòi mạng.

“Bảo tàng búp bê” trên đảo chỉ là một cái chòi vách gỗ lụp xụp trong đó có hình Don Julian, bên dưới là một búp bê được choàng lên vô số “phẩm vật”: tiền xu, mắt kiếng, vòng bạc mà du khách mang đến “cúng”. Mấy vị du khách luôn lò dò xem với vẻ sợ sệt, thỉnh thoảng một vài người lại ối lên một tiếng. Dù vậy, đảo búp bê không “ghê rợn” như tôi nghĩ. Thấy tôi cười cười, có vẻ không tin, Anastasio Velazquez, dân địa phương, nói: " Vào ban đêm cứ cúng một búp bê sát tại nơi bé gái đã chết đuối, nó sẽ ‘liên lạc’ với hàng ngàn búp bê trên đảo và lúc đó, hồn ma sẽ hiện ra…”

Thấy chẳng du khách nào hào hứng ở lại cùng nên một mình tôi cũng…không dám ở lại đêm trên hòn đảo này để “xem ma”. Nhưng tại đây, cuối năm 2009, một đoàn khảo sát của Mỹ mang đầy đủ những thiết bị tối tân như máy đo thân nhiệt, máy đo điện từ trường đến đảo để…“bắt ma”.

Và… khi đang canh chừng, một thành viên vô tình chạm vào một con búp bê, con búp bê đang nhắm mắt bỗng bừng mở mắt dậy. Một người khác khi vừa nói: “ Hỡi các hồn ma, nếu các bạn thật sự tồn tại, hãy ra dấu hiệu cho chúng tôi biết”, vưà dứt lời, bỗng xuất hiện những tiếng động lạ như có ai chạy trên mái nhà, và một cái bóng xẹt ngang qua cưả. Thành viên đoàn khảo sát hoảng hồn chạy mất dép. Nhóm khác lại thấy có những đốm sáng lạ di chuyển liên tục, máy đo thân nhiệt chuyển động, máy đo điện từ trường phát hiện có nguồn điện từ trường cao đột ngột (trong khi không có bất kì người hoặc con thú nào ở đấy). Khi đoàn khảo sát đuổi đến nơi, tất cả đột nhiên biến mất.

Sau khi phân tích những dữ liệu thu thập được từ đoàn khảo sát, các chuyên gia khoa học Mỹ khẳng định đảo búp bê thật sự có những điều bí ẩn không thể giải thích được. Đảo búp bê thật sự “có ma” không vẫn chưa ai dám chắc, nhưng chắc chắn một điêù rằng những khảo sát trên làm đảo búp bê ngày càng hấp dẫn du khách hơn.

Box:
Người Mexico có câu: “Chúa thì xa, mà USA thì gần” vưà nói lên vị trí địa lí của Mexico (nằm giáp biên giới phía Nam của Mỹ) nhưng cũng vưà nói lên sự “lệ thuộc” của Mexico vào Mỹ (chiếm hơn 80% thị trường xuất khẩu của Mexico).
Mexico có diện tích 1.964.375 km2 (gấp 6 lần Việt Nam), dân số 114 triệu người. Thu nhập bình quân đầu người (năm 2011) khoảng 14.800 đô la/người (gấp hơn bốn lần Việt Nam). Tuy nhiên, Mexico có sự phân hóa giàu nghèo rất cao (1/3 dân số nắm giữ hơn một nửa thu nhập toàn quốc).



8007999962_951e28fd60_z.jpg


8008084505_8c218bdba9_z.jpg


8008086369_c8318b7ba7_z.jpg


8008087781_e31e40fcc7_z.jpg


8008083379_47ddc203b6_z.jpg

Đảo búp bê (ảnh Hoàng Thu Hằng)
 
Bài 2: CHIẾN BINH ZAPATISTA

Họ đã làm một cuộc cách mạng gây rúng động Mexico với sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người khắp nơi trên thế giới. Sau đó lập khu tự trị, sống cách li với chính quyền. Luôn đội mũ trùm, bịt khăn kín mặt nên không ai biết họ thật sự là ai, ngoài một điều… Đó là những chiến binh Zapatista.

Ngày 1/1/1994, Mexico “rúng động” vì hơn 3000 chiến binh Zapatista đầu đội mũ trùm che kín mặt đồng loạt nổi dậy tại các thành phố lớn bang Chiapas ( một trong những bang nghèo nhất Mexico). Họ giải thoát tù nhân, phóng hoả đốt đồn cảnh sát, trại lính… Mãi 11 ngày sau, xung đột vũ trang mới tạm ngừng. Hơn100 ngàn người đã biểu tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa Zapatista. ( Báo The New York Times gọi đây là “Cuộc cách mạng đầu tiên thời hậu hiện đại của người Mỹ La tinh”).

Năm 2000, tổng thống Vicent Fox hứa đám phán hoà bình với Zapatista nhưng không thành. Zapatista tuyên bố tự trị. Hàng chục ngàn người thiểu số đã lập ra năm khu tự trị chính, tự động cô lập, sống cách li với chính quyền

Đường đến Oventic
Trước chuyến đi, tôi có dịp được xem thước phim tài liệu về “những người nông dân nổi dậy” Zapatista này. Cuốn phim thật sự thôi thúc sự tò mò trong tôi. Họ thực sự là ai? Có “ghê rợn” như các chiến binh bịt mặt Hồi giáo thường xuyên bắt người, chặt đầu mà người ta vẫn thường đọc trên báo chí phương Tây? Câu hỏi đó cứ lẩn vẩn trong đầu tôi cho đến khi có dịp đặt chân đến Mexico.

Lần theo dấu của các chiến binh Zapatista, tôi bắt chuyến xe đò đi gần 900 km từ thủ đô Mexico đến San Cristobal (bang Chiapas)- nơi nổ ra phát súng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính tại đây, Zapatista giải phóng tù binh, đọc tuyên ngôn lí do phát động của cuộc nổi dậy. (Tại quảng trường trung tâm hiện vẫn còn những dấu tích của cuộc nổi dậy năm nào). Đến một số công ty du lịch uy tín tìm người hướng dẫn đến Oventic - trung tâm đầu não của Zapatista- nhưng tất cả đều gặp cái lắc đầu: “ Ở đấy có gì mà xem? Mà chưa chắc đến đấy là được phép vào đâu nhé”. Đành liều tự đi vậy.

Trong mấy ngày mò mẫm tìm đường đi nước bước, tôi tình cờ làm quen với Lizeth- cô sinh viên khoa tiếng Anh người Mexico. Nghe tôi “vẽ vời” về sự hấp dẫn của chuyến đi, Lizeth cũng nổi máu tò mò. Tuy nhiên, cô vẫn…sợ. Vậy cũng hay. Lizeth là phụ nữ, sợ nguy hiểm nên cần một người bạn đồng hành. Còn tôi, với vốn tiếng Tây Ban Nha chỉ đủ để giao tiếp thì có một người đồng ý làm “phiên dịch viên miễn phí” (tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh) cũng là một may mắn.

Với 40 peso (khoảng 60 ngàn đồng Việt Nam), tôi và Lizeth ra bến xe cóc, leo lên chiếc xe dù 12 chỗ đời cũ nhưng chất gần 20 người cùng những bao tải khoai tây, gà… y như đi xe đò ở Việt Nam hồi thập niên 70, 80.

Trên đường đi, tuy ngoài mặt làm tỉnh nhưng thật sự lòng tôi vẫn phập phồng. Hình ảnh những phóng viên bị phiến quân Hồi Giáo bắt giữ lại hiện lên trong đầu. Lời dặn dò của một người dân địa phương lại vang lên: “Cẩn thận nhé. Ở đấy vẫn còn phức tạp lắm”. Tôi không biết “phức tạp” cỡ nào, nhưng nơi đèo núi heo hút thế này, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

8007993918_3f7b39d65f_z.jpg

Chiến binh Zapatista (ảnh chụp lại tại làng Oventic)

Vào trung tâm đầu não

Bị lắc lư như say rượu hơn tiếng đồng hồ đường đèo núi toàn những khúc cua cùi chỏ. Và một tấm bảng hiệu bên đường:“Lãnh thổ của Zapatista. Đây là nơi mọi người có thể yêu cầu và chính quyền sẽ tuân lời” báo cho biết chúng tôi đang tiến vào vùng quản lí của các chiến binh Zapatista. Ở đây, Zapatista có toàn quyền. Lizeth bất giác nắm chặt lấy tay tôi, mặt đầy căng thẳng. Tôi trấn an: “esta bien! (ổn cả thôi)” nhưng tim đã bắt đầu đập thình thịch.

Được xem là “trung tâm đầu não” của Zapatista, làng Oventic (một trong năm khu tự trị của Zapatista) được sự “quan tâm” lớn của chính quyền cũng như thế giới. Tuy nhiên, không như tôi tưởng tượng sẽ đến một khu kín cổng cao tường, cờ xí, bảng hiệu rợp trời, lính tráng súng ống đầy mình, gương mặt đầy “sát khí”… Oventic như một khu làng bình yên nào đó ở Mexico. Không tường, không trạm gác. Nếu như không có tấm bảng: “Tất cả cho mọi người, không dành riêng cho chúng tôi” phía dưới tấm bảng có dòng chữ: “trái tim trung tâm của Zapatista” thì hẳn tôi sẽ không tin mình đã đến nơi.

Đấy chỉ là một cái cổng song sắt cao vừa bằng đầu người, sơn hai màu đỏ đen ( hai màu chính trong lá cờ của Zapatista). Đứng nép bên góc là một nữ “ninja” bịt kín mặt đang đứng gác.

“Tôi là phóng viên đến từ Việt Nam, muốn vào tìm hiểu về Zapatista của các bạn.” tôi nói. Cô “ninja” lướt cặp mắt dò xét nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, kiểm tra passport rồi dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ. Hai “ninja” nam khác đang chờ sẵn, họ thuộc Ủy Ban Cảnh Vệ.

Đến trước chúng tôi, có một nhóm gồm một cô giáo người Mỹ (và vài người Mexico dẫn đường) cũng muốn đến tìm hiểu nhưng không được Zapatista cấp phép đi tham quan mặc dù họ đã cố gắng nài nỉ. Người đàn ông bịt mặt lịch sự nhưng lạnh lùng giải thích: “Sau khi xem xét giấy tờ và lí do của các bạn đến đây. Chúng tôi cảm thấy không đủ tin tưởng để cấp phép”.

Các công ty du lịch tại San Cristobal nói đúng. Không quá dễ dàng để được cấp phép vào tham quan, tìm hiểu về Zapatista. (Có lẽ vì vậy mà họ không mở tour du lịch đến đây). Tôi đứng đó, dạ bồn chồn không yên. Lúc này sự sợ hãi trong tôi hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là nỗi lo không được cấp phép. Tôi đã tốn quá nhiều thời gian, công sức để đến được đây chẳng lẽ lại thành công cốc. Rồi cũng đến lượt chúng tôi. Tên, tuổi, nghề nghiệp, mục đích đến lần lượt được chúng tôi tự kê khai trên giấy. Mười phút nặng nề trôi qua. Sau khi săm soi giấy tờ, hỏi han đủ điều, người cảnh vệ gật đầu: “Các bạn được tham quan nhưng cấm quay phim, chụp ảnh. Đừng cố gắng làm trái qui định, hậu quả sẽ nặng nề lắm đấy”. Không sao. Tôi gật đầu lia lịa. “ Chỉ cần được vào trước. chuyện chụp hình thì…làm lén vậy”, tôi nhủ thầm. Như đã quá quen với “ý đồ chụp ảnh lén”, dù đã cảnh báo, chúng tôi vẫn được “tặng kèm miễn phí” một “ninja” đi theo để kiểm soát…
8007995240_b420e65204_z.jpg

Tấm bảng (trước làng Oventic): “Trung tâm đầu não của Zapatista. Tất cả cho mọi người, không dành riêng cho chúng tôi”.

(Còn tiếp)

Box:
Quân đội giải phóng dân tộc Zapatista (EZLN) thành phần chính là những dân tộc thiểu
số nghèo bang Chiapas. (Zapatista lấy tên từ người anh hùng Zapata đã đốt các trang trại, đồn điền để đòi lại đất đai cho nông dân Mexico trong cuộc nổi dậy năm 1910).
Cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng ngày hiệp định tự do thương mại NAFTA giữa Mexico, Mỹ và Canada có hiệu lực để bày tỏ sự phản đối của những dân tộc thiểu số bang Chiapas. Họ cho rằng nông sản không được sự bảo hộ của chính quyền (nên không cạnh tranh nổi với Mỹ và Canada). Cạnh đó, bị phân biệt đối xử, đất đai bị thu hẹp, không được bồi thường thoả đáng cũng là nguyên nhân.
 
Bài 3: LÃNH ĐỊA CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊT MẶT

Có lẽ đây là một trong những khu làng kì lạ nhất thế giới. Trừ những đứa con nít, còn lại hầu hết đều bịt kín mặt. Phụ nữ chiếm 50% trong thành phần lãnh đạo Zapatista và một nhiệm kì của các “quan chức” chỉ là…hai tuần.

Làng “ninja”
Làng Oventic có một trục đường đắp xi măng (rộng chừng 6 mét) làm trục chính. Bám dọc đó là nhà dân và các các “cơ quan công quyền” như: Uỷ ban cảnh vệ, Nhà của chính quyền tốt, hội phụ nữ danh dự, trạm y tế, trường học… Gọi thế cho sang, chứ tất cả đều là “nhà cấp bốn” mái tôn, vách gỗ ọp ẹp. Dãy nhà vệ sinh tồi tàn, chỉ là những tấm vách ngăn, có cái còn không có nóc.

Khẩu hiệu, hình vẽ đầy trên những bức tường, nhà, cưả: “Không có vũ khí nào hiệu quả hơn sự thật trong suy nghĩ”. Nhiều nhất có lẽ là hình Che Guevara. Có đi vùng Trung Nam Mỹ này mới thấy sức ảnh hưởng của Che lớn mức nào. Hầu như những vùng quê nghèo nơi tôi qua đều có hình và khẩu hiệu của Che: “Nói những gì bạn nghĩ, và làm những gì bạn nói”. Che đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh cho tự do, công bằng.

“Tại sao các anh lại dùng mũ trùm đầu hoặc khăn bịt mặt?”, tôi hỏi. “Ninja” hộ tống trả lời: “Mũ trùm đầu và khăn bịt mặt là biểu tượng của đấu tranh. Chúng tôi phải dùng chúng bởi chính phủ có thể bắt và giết chúng tôi qua việc chụp ảnh”.

“Có sự phân biệt giữa những người dùng mũ trùm đầu và khăn bịt mặt?” tôi tiếp. “Dĩ nhiên khác nhiều chứ. Dùng mũ trùm đầu sẽ nóng hơn nhiều”, “ninja” trả lời, mắt ánh lên nụ cười.

Ngoài lí do đề phòng bị nhận diện, mặt nạ còn là biểu tượng của Zapatista- những người nông dân nổi dậy. “Với cái mặt nạ, tôi là một chiến binh Zapatista đấu tranh cho tự do và công bằng. Không có mặt nạ, tôi chỉ là một người dân tộc thiểu số bình thường”, anh cho biết.

Chúng tôi đi bộ xuống trường học cách đó chừng vài trăm mét. Đấy là một dãy nhà một lầu dài, cũ kĩ. Trên bức tường có dòng chữ: “Dân chủ, công bằng trong giáo dục”. Trẻ em từ những khu làng khác có thể đến trường này học và ở nội trú. Ngoài kiến thức chung, trường ở đây còn dạy những bài học rất thực tế liên quan đến cuộc sống hàng ngày như cách quản lí chi tiêu trong gia đình, cách tính sản lượng bắp thu hoạch trong vụ mùa…

“Tôi có thể phỏng vấn thủ lĩnh của các anh?”, tôi hỏi. Người dẫn đường đến trước một cái lán gỗ với hàng chữ “nhà của chính quyền tốt” (casa de la junta del buen gobierno). và yêu cầu chúng tôi đứng chờ. Tôi thắc mắc: “chính quyền tốt”? “Đúng, vì chúng tôi là chính quyền tốt, chứ không như chính quyền hiện nay của Mexico”, ninja trả lời.

8015358052_d055117563_z.jpg

Chụp lại ảnh tư liệu ở làng Oventic

Phỏng vấn chiến binh Zapatista

Lát sau, ninja ra dấu kêu chúng tôi vào trong rồi đóng sầm cửa lại. Một thoáng lo ngại vụt qua…Đấy là một căn phòng nhỏ nóng hầm hập. Giữa phòng, một người đàn ông trùm kín mặt mũi với khăn trùm đầu đen và một khăn quàng đỏ ở cổ đại diện Zapatista đã ngồi chờ sẵn… “Tôi từng là chiến binh trong cuộc nổi dậy năm 1994. Cứ gọi tôi là Guerrero (chiến binh)”, anh tự giới thiệu sau khi đã kiểm tra kĩ càng giấy tờ và thông tin cá nhân của chúng tôi.

Căn phòng đầy poster của Che Guevara, Hugo Chavez (tổng thống Venezuela), khẩu hiệu cổ động cho các cuộc cách mạng. Tuy nhiên, ngay bên cạnh lá cờ của các chiến binh Zaptista: cờ đen sao đỏ với hàng chữ: “Công bằng, tự do, dân chủ”, vẫn là lá cờ Mexico. “Zapatista tuy lập khu tự trị, cách li với chính quyền, nhưng họ vẫn là những người yêu nước” tôi thầm nghĩ.

Nghe giới thiệu tôi là người Việt Nam, ông cười lớn: “Vietnamita bum bum Estados Unidos” (Việt Nam “bùm bùm” Mỹ). Lòng tôi dấy lên chút tự hào. Thì ra tên tuổi Việt Nam cũng vang dội đến đây. Cuộc nói chuyện nhờ vậy mà cởi mở hơn. (Dù vậy, nhưng đôi mắt của anh vẫn ánh lên chút cảnh giác, dò xét). “Anh có 15 phút để phỏng vấn”, giọng chiến binh đầy vẻ dứt khoát. Tôi vào đề ngay.

Các anh muốn điều gì khi nổi dậy?
Chúng tôi không muốn nắm chính quyền, chỉ muốn rằng chính phủ Mexico phải quan tâm dân tộc thiểu số hơn. Điều chúng tôi cần là: công bằng, dân chủ, tự do.

Chính quyền Zapatista hoạt động thế nào?
Zapatista không có một lãnh tụ cụ thể. Thay vào đó, mọi người đều có thể tham gia vào những quyết định quan trọng về cách quản lí, hướng phát triển… Để tăng sự dân chủ, một nhiệm kì của các “quan chức” Zapatista chỉ là…hai tuần và phụ nữ chiếm 50% trong thành phần lãnh đạo.

Có tồn tại mối quan hệ nào giữa chính phủ và Zapatista?
Không. Mặc dù chính phủ đã cố gắng đề nghị hỗ trợ vật liệu để làm mái nhà, hoặc 1 bao xi măng cho từng gia đình, nhưng chúng tôi không nhận bất kì thứ gì của chính phủ.

Các anh có những dịch vụ công cộng nào khi không nhận sự hỗ trợ của chính phủ?
Chúng tôi có trạm y tế và phòng khám bệnh ở mỗi khu tự trị, hơn 60 trường học dạy tiếng Tzotzil (tiếng thổ ngữ của dân tộc thiểu số ở vùng Chiapas và Oxaca nơi tập trung các chiến binh Zapatistas) và tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có các hợp tác xã cà để trao đổi một cách công bằng hơn vơí nước ngoài.

Người dân trong khu tự trị sống bằng cách nào?
Zapatistas sống nhờ vào nông sản tự trồng trọt và những hỗ trợ tiền bạc, y tế từ các tổ chức trên thế giới.

Chiến binh nhìn vào đồng hồ, nhưng tôi làm như không để ý và dồn dập hỏi tiếp.

Những ưu điểm gì khi sống trong những khu tự trị?
Tất cả cho mọi người. Đó là tôn chỉ của chúng tôi. Mọi người có nhiều tự do hơn, được cùng bàn bạc để quyết định điều gì tốt nhất cho cộng đồng. Cạnh đó, họ được sự ủng hộ của nhiều tổ chức trên thế giới cho phong trào đấu tranh đòi hỏi sự công bằng.

Còn bất lợi?
Khi một ai đấu tranh cho công bằng và lí tưởng thì không có bất lợi vì họ có chính nghĩa.

Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội cố gắng xâm nhập vào ngôi làng của những chiến binh Zapatista?
Dân chúng sẽ không để họ yên”.

Có bao nhiêu chiến binh Zapatista? Tập trung nhiều nhất ở đâu?
Không đếm xuể. Trên toàn đất nước Mexico.

Chiến binh cắt ngang câu chuyện và đứng dậy lịch sự nói với tôi: “ Anh là một trong những người hỏi nhiều nhất rồi đấy”. Tôi vẫn còn nhiều thắc mắc về Zapatista, nhưng đành chịu.

Tiễn tôi ra tận cổng, ninja bắt tay chúng tôi thật chặt: “Khi nào đăng báo thì nhớ gởi chúng tôi xem nhé”. Tôi cười và không nói ra: “Tất nhiên, có thể sẽ có cả những bức ảnh chụp lén nữa”.

8007990580_612fe4099b_z.jpg

chụp hình chung chiến binh Zapatista
 
Bài 4: CHICHEN ITZA-KHÔNG CHỈ LÀ KÌ QUAN

Lão pháp sư đứng trên đài cao, ngửa mặt cầu khẩn: “Đất đang khát. Dịch bệnh đang hoành hành. Hỡi chư thần, hãy nhận lấy những phẩm vật hiến tế và giúp chúng tôi”. Nói rồi, lão pháp sư dùng dao đâm thẳng vào ngực tù binh, moi trái tim giơ thẳng lên trời… Hình ảnh buổi tế lễ đầy ám ảnh trong bộ phim Apocalypso (đạo diễn Mel Gibson) về nền văn minh Maya đã tái hiện lại trong tôi khi đứng giữa Chichen Itza- một di sản văn hóa thế giới ở Mexico.

Cầu trường sinh tử
Bóng đá có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của dân Mexico. Một tờ báo nước này đã từng giật tít: “Trong năm vừa qua, GDP giảm 10%, kiều hối mất 20 tỉ, ngành du lịch đang trên bờ phá sản. Và… tồi tệ hơn nữa, bóng đá nước ta đang đứng hàng thứ tư đã bị tụt xuống 33 trên thế giới”.

Trong khi bóng đá chỉ mới bắt đầu tại Anh vào giữa thế kỉ 19, thì trước đó hơn 3000 năm, chơi bóng đã là môn thể thao quá phổ biến của người Mexico. Tuy nhiên, nêú những trận bóng bình thường, thắng thua được phân định bởi một số tiền thưởng thì tại Mexico, kẻ thua cuộc phải trả bằng chính mạng sống của mình…

Sân banh lớn nhất châu Mỹ thời bấy giờ (70mx168m) nằm tại Chichen Itza. Tôi đứng im lặng, tưởng tượng về những trận bóng sinh tử ngày xưa… Hai đội (từ hai đến bốn thành viên mỗi đội), bằng cái hông của mình, phải tìm cách đưa trái banh cao su (nặng từ 3kg-4kg) vào một vòng tròn đá treo trên bờ tường. (ở Chichen Itza, vòng tròn đá cao 6m).

Hai đội tượng trưng cho sự đối đầu giữa thần trên trời và thần dưới lòng đất, trái banh tượng trưng cho mặt trời. Theo tạp chí National Geographic, đội trưởng của đội thua sẽ bị giết. Và đầu của họ có thể sẽ được bọc lớp cao su khác để làm bóng cho trận tiếp theo. Máu của họ sẽ được hiến cho thần linh để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Xung quanh chẳng có ai ngoài tôi và người hướng dẫn nhưng vẫn nghe văng vẳng bên tai có tiếng người. Tiếng nói của hồn ma ngày xưa? Tôi chột dạ. Chàng hướng dẫn chỉ tay về nhóm du khách phía cuối sân bóng: “Họ nói đấy!”. Thật đáng kinh ngạc về trình độ xử lí âm thanh của người Maya trong các công trình kiến trúc. Chiều dài sân bóng là 168m, nhưng đầu này vẫn có thể nghe được những tiếng nói chuyện thì thầm ở đầu kia.

Công trình nổi bật ở Chichen Itza chính là kim tự tháp bậc thang El Castillo cao 25 mét, được xây để quan sát thiên văn và tế lễ. Đây là đài thiên văn cổ nhất của người Maya. Không đồ sộ như các kim tự tháp Ai Cập, nhưng kim tự tháp của người Maya vẫn nổi tiếng không kém vì những bí ẩn của nó làm kinh ngạc giới khoa học. Làm cách nào mà từ ngàn năm, bằng đài thiên văn, người Maya có thể tính được một năm có 365 ngày, chu kì sao Kim xoay quanh mặt trời là 584 ngày (khoa học hiện đại tính là 583,92 ngày)?...

Có lẽ vậy mà kim tự tháp Castillo được nhiều người ghé thăm nhất. Du khách đứng tập trung quanh đấy, ngắm nhìn và đặt câu hỏi với hướng dẫn viên mong tìm được câu trả lời cho chính mình. Những tràng pháo tay cứ rộ lên không ngớt. Vỗ tay tán thưởng? Không. Du khách vỗ tay để thử nghiệm một điều thú vị khác từ công trình này. Đứng giữa trời trống vậy mà vỗ tay một cái, Castillo sẽ vọng lại một tiếng ríu rít như chim hót. (Tôi làm thử và quả thế thật). Người hướng dẫn nói đó là tiếng chim Quetzal- một loài chim linh thiêng của người Maya.

Đứng trước kim tự tháp Castillo, thoạt nhìn, như nhiều du khách, tôi cũng thắc mắc chỉ cần một lối lên đỉnh đền là đủ, sao người Maya lại xây đến bốn? “Người Maya có lí do của họ. Bốn lối lên, mỗi lối 91 bậc thang, cùng với đỉnh tháp trên cùng sẽ là (91x4) +1=365, tương đương với số ngày trong năm. Anh hướng dẫn nói thêm: “ Vào buổi chiều ngày xuân phân (19/3-21/3) và thu phân (22/9-24/9) hằng năm, hàng ngàn người đổ về đây để xem bóng của kim tự tháp đổ xuống lối lên tạo thành hình con rắn thần đang trườn từ đỉnh tháp xuống”.

Trước đây, du khách được leo tận đỉnh tháp để chiêm ngưỡng, nhưng từ năm 2006, chính quyền đã cấm hẳn vì một phụ nữ Mỹ đã ngã chết tại đây. Đành vậy…

8007996834_2f5792560d_z.jpg

Những người Maya trùng tu di tích của tổ tiên họ để lại với mức lương rẻ mạt.

Phía sau hào quang
Đến Chichen Itza, lẫn trong dòng khách du lịch hớn hở nườm nượp đổ về còn có những chiếc bóng lặng lẽ, cam chịu. Đó là những anh chàng đội mũ quả ớt Sombrero truyền thống của người Mexico bán những chiếc mặt nạ rẻ tiền bằng đất nung. Đó là những cô gái mặc váy thêu huipils (rất phổ biến từ thời Maya) bán bưu ảnh. Đó là những tấm lưng trần đẫm mồ hôi của thợ trùng tu di tích đang cúi gằm mặt xuống đất làm việc miệt mài dươí cái nắng chói chang. Đó là những đứa bé rách rưới, đen nhẻm đang xoè tay xin tiền bố thí của du khách. … Họ là con cháu của những người Maya ngày xưa cả đấy.

Người Maya lẫy lừng một thời với nền văn minh đi trước phương Tây hàng trăm năm giờ đây lại nhẫn nhịn kiếm từng đồng từ những di sản tổ tiên họ để lại. Juanito, người bán dạo ở đây, cho biết: “Tôi cũng là người Maya, dòng họ, tổ tiên chúng tôi đều sống tại đây. thế mà giờ đây chúng tôi vẫn phải sống bám vào họ đấy”. Juanito nói đúng, Phần lớn dân địa phương quanh đây, sống bằng nghề bán đồ lưu niệm, hoặc làm công, trùng tu di tích với mức lương rẻ mạt. Hơn một triệu du khách đến đây hàng năm, chi tiêu hàng chục triệu đô la. Nhưng bao nhiêu trong số đó thật sự đến được tay họ?

Tôi mua vài cái mặt nạ và chiếc mũ quả ớt Sombrero. Juanito cầm một nắm hạt cacao bỏ vào tay tôi: “Tiền thối của anh đây”. Tôi còn đang ngơ ngác, anh tiếp: “ Đối với người Maya chúng tôi, hạt cacao chính là tiền đấy. Anh yên tâm không phải tiền giả đâu”. “Thế nào là tiền giả?” “À, hạt cacao rỗng ruột chính là ‘tiền giả’ của người Maya”. Nói rồi Juanito cười lớn và đưa mấy đồng peso (tiền Mexico) lại cho tôi: “Đùa thôi. Chỉ là cho anh biết thêm một điều thú vị nhỏ về người Maya ngày xưa đấy mà”.

Box: Chichen Itza nằm phía nam Mexico. Từ năm 600-1250, Chichen Itza là trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo và cả quân sự của đế chế Maya. Trong thời kì này, có khoảng 50 ngàn cư dân sinh sống.
Từ hơn 1000 năm trước, người Maya đã phát minh ra con số “0”; hiểu được chu kì của sao Kim ( đến thế kỉ 19, khoa học hiện đại mới phát hiện ra); biết chu kì mặt trời là 365 ngày….Người Maya hiện nay còn khoảng bảy triệu người, sống rải rác ở các nước Mexico (miền Nam), El Salvado, Guatemala, Belize và Honduras. Chichen Itza được công nhận là di sản văn hóa thế giới và được bầu chọn là một trong bảy kì quan thế giới mới năm 2007.


8007979587_beb5487d5b_z.jpg

Vòng tròn đá trong những trận bóng sinh tử của người Maya ngày xưa.
 
Bài5: CÓ MỘT MEXICO KHÁC

Chuyến xe bus đêm từ Palenque đến Merida bị đánh thức dậy vào lúc 1h30 sáng bởi một tốp quân đội vũ trang đầy mình. Anh lính trẻ sung ống, áo giáp tận răng rất nhã nhặn xin phép được lục soát tất cả hành khách và hành lí vì lí do đảm bảo an ninh. Một lúc sau, chuyến xe lại tiếp tục lên đường chỉ có điều thiếu hai vị khách. Họ bị tạm giữ lại bởi một lí do đơn giản: Họ có súng…

Gặp cướp
Không phải ngẫu nhiên khi thế giới công nhân: “Thủ đô Mexico là thành phố có tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới”.
Còn nhớ những ngày đầu đến thủ đô Mexico, tôi ở trọ tại khu Hidalgo ( một trong những khu phức tạp nhất ở thủ đô). Sát phòng trọ tôi ở là Daniel, người bạn Columbia. Do có thời gian ở cùng thành phố Houston (Mỹ) nên chúng tôi nhanh chóng kết thân.

Một buổi tối tôi đi chơi về, còn cách nhà trọ chỉ chừng trăm mét thì phát hiện một thanh niên đi theo đuôi. Hơi chột dạ, tôi bước nhanh hơn. Phía đối diện, một gã khác cũng ập tới. Tôi dợm chân định vọt sang bên kia đường nhưng không kịp. Hai gọng kềm đã gần như siết chặt. Một ánh dao sắc được rút ra khỏi túi cùng với giọng nói rít qua kẽ răng: “Dame dinero (đưa tiền đây cho tao)”. Trong đầu thoáng nhớ lại chuyện kể của bà chủ nhà trọ mấy hôm trước. Một vận động viên môn võ Taekwondo của Mexico giành được huy chương tại Olympic. Trên đường đi xe buýt về nhà, anh bị một tên cướp dí súng trấn lột. Không muốn phiền phức, anh ngoan ngoãn đưa hết tiền bạc, chỉ xin lại cái huy chương làm kỉ niệm. Tên cướp lắc đầu. Giận quá, anh đá tên cướp té nhào ra cửa xe, định chạy thoát thân nhưng…không kịp. Tên đồng bọn đứng sau đã “kịp thời” nhả một viên đạn ngay ót của anh.

Vốn đề phòng trước nên tiền tôi cất nhiều chỗ. Do đó, nếu đưa hết tiền trong túi cũng không sao. Chỉ tiếc dàn máy ảnh mấy ngàn đô cùng với đống hình tư liệu. Còn đang chậm chạp tìm kế hoãn binh thì bên kia đường bỗng nghe một tiếng kêu lớn: “ê, Tập!”. Daniel từ bên kia đường chạy xộc tới, tay rút nhanh khẩu súng cất trong bụng. Hai tên trấn lột thấy tôi có “viện binh”, lại cầm súng, nên…bỏ chạy. Daniel nhếch mép: “ Mày may đấy, gặp bọn trấn lột cóc ké, chỉ xài dao. Đụng bọn thứ dữ là mệt rồi”. Như để trả lời thắc mắc của tôi về khẩu súng, Daniel mới nói thiệt: “ Hồi trước ở Columbia, tao từng vào tù vì buôn bán ma túy. Bắn nhau hoài”.

8007975085_dae0dec7e5_z.jpg

Bảo vệ với áo giáp, súng ống khủng trước một cưả hàng nữ trang tại thủ đô Mexico.

Không chỉ là bóng tối
Sau một tuần ở trọ tại thủ đô Mexico, thấy tôi có cái nhìn hơi “đen tối” về tình hình an ninh, cướp giật đầy rẫy, bà chủ nhà trọ khẳng định: “Đất nước Mexico không “tệ” như cháu nghĩ đâu. Hãy về quê bà chơi, cháu sẽ thấy có một Mexico khác hẳn”. Cũng muốn tìm hiểu thêm về người Mexico, tôi đồng ý nhận lời mời.

Cùng đi với tôi có Alberto (con bà chủ nhà trọ). Tối qua thức khuya, sáng nay theo hẹn phải đi sớm nên mắt nhắm mắt mở xỏ lộn vớ. Chỉ vậy thôi mà Alberto reo ầm lên: “Tốt, tốt, chuyến đi này, anh sẽ gặp nhiều điều hên đấy!”. Thì ra, theo niềm tin của nhiều người Mexico, nếu vô tình (không được cố ý) xỏ lộn vớ, thì đấy là điềm rất may mắn. Hồi còn ở Mỹ, tôi thường nghe Việt kiều kháo nhau: “Không ăn đậu không phải là Mễ (Mexico), không đi trễ không là người Việt Nam”. Nhưng tới Mễ rồi mới thấy dân Mễ còn đi trễ gấp mấy lần. Suối thời gian ở đây, tôi đã nhiều lần “mỏi mòn chờ đợi” những người bạn Mexico. Lần này cũng vậy, hẹn nhau xuất phát lúc 6 giờ sáng vậy mà Alberto lừng khừng cho tới gần 9 giờ mới có thể rời khỏi nhà.

Quê bà chủ nhà trọ là một ngôi làng nhỏ vô danh gần thành phố San Cristobal, bang Chiapas (một tiểu bang phía Nam Mexico, vốn là “đất” của người Maya, nơi hãy còn lưu giữ rất nhiều tập tục từ ngàn xưa để lại). Người Maya ngày nay không còn tục “nẹp” hai miếng ván vào đầu từ nhỏ để đầu và trán “dẹt” ra, nhưng họ hãy còn những nét đặc trưng của tổ tiên đó là nhìn nghiêng trán (dẹt) và mũi (hơi khoằm) nằm trên cùng một mặt phẳng.

Dù chẳng có tí quen biết, nhưng người trong làng tiếp tôi rất niềm nở, tận tình giải thích những thắc mắc của tôi (chỉ có điều hầu hết đều không đồng ý chụp hình vì sợ tôi “bắt linh hồn đi mất”). Món ăn phổ biến của người Maya đều chế biến từ bắp (ngô): cháo, bánh, rượu…Có lẽ do tò mò, “tham ăn” thử hết những món ăn địa phương của họ nên tôi như bị trúng thực. Bụng đau quặn, nhức đầu, buồn nôn… Thuốc tây tôi có mang theo nhưng chủ quan để lại thủ đô vì nghĩ rằng đợt “về quê” này chỉ vài ngày nên không cần. Một bà già người Maya biết vậy liền rắc chút bột đựng trong trái bầu nhỏ (đeo bên người) rồi kêu tôi uống. Alberto trấn an: “Uống đi, không sao đâu. Thuốc cổ truyền của người Maya đấy”. Tôi nghe lời, bỏ vào miệng ngậm và nuốt từ từ. Thuốc có vị cay cay. Và quả thật hiệu nghiệm, sáng hôm sau, tôi gần như khoẻ hẳn. (Sau này tôi có dịp hỏi chuyện một tiến sĩ nghiên cứu về người Maya, ông cho biết loại thuốc đó tên là Pilico, làm từ thuốc lá dại, đá vôi và tỏi tán nhuyễn, trộn với nhau. Người Maya thường đem theo bên mình để bảo vệ trước những cơn gió độc, đau bụng, buồn nôn, hoặc những chuyện không hay xảy ra khi đi xa).


Box:
Không chỉ riêng tôi, những người Việt Nam tại Mexico cũng từng gặp chuyện tương tự. Vũ Anh Quang (hiện là nhân viên công ty viễn thông Viettel) khi còn ở Mexico từng bị trấn lột đến ba lần. Nhật Quang -cựu SV ngành quan hệ quốc tế- dẫn bạn đi chơi khu Tepito, chứng kiến giang hồ rượt đuổi nhau, bắn súng…y như phim. Hai cựu du học sinh ngành tiếng Tây Ban Nha, Nguyễn Thị Trang và Trần Thị Thùy Linh cũng bị chặn đường trấn lột. Nguyễn Lê Minh – cựu SV tại Mexico- đứng đợi tàu điện ngầm. Khi tàu sắp chạy, bọn cướp giật túi xách rồi đạp anh té thẳng vào trong. Tàu chạy, bọn cướp đứng nhìn theo và…“chọc quê”.


8007988458_90fbe9ee30_z.jpg

Dệt thổ cẩm là nghề khá phổ biến của phụ nữ Maya ngày nay.
 
BÀI 6: CHIẾC ĐẦU LÂU PHA LÊ

“Có 13 chiếc đầu lâu pha lê rải rác khắp nơi trên thế giới. Người nào tập hợp được chúng, sẽ có quyền năng vô hạn, biết được bí mật của thế giới”, lời truyền khẩu của người Maya đã làm biết bao người trên thế giới tò mò và tôi cũng không ngoại lệ.

Huyền thoại về chiếc đầu lâu pha lê
Chiếc đầu lâu pha lê nổi tiếng nhất được phát hiện bởi cha con nhà thám hiểm người Anh Mitchell Hedges năm 1927. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim “Indiana Jones và vương quốc đầu lâu pha lê” (đạo diễn Steven Spielberg và nam diễn viên Harrison Ford) dựa trên những truyền thuyết về chiếc đầu lâu thần bí này của người Maya đã thu gần 800 triệu USD trên toàn thế giới.

Trong cuốn “ Sự nguy hiểm- người bạn của tôi”, Mitchell Hedges (chủ nhân của “chiếc đầu lâu pha lê định mệnh”) có viết: “ Khi các thầy pháp người Maya muốn người nào chết, chỉ cần để họ nhìn vào chiếc đầu lâu pha lê định mệnh đó”. Thực tế, những người nhạy cảm khi tiếp xúc với “chiếc đầu lâu pha lê định mệnh” này đều cho biết như đang bị thôi miên và có ảo giác.

Vào thập niên 70, Hewlett-Packard (công ty thẩm định thạch anh uy tín nhất thời bấy giờ) kết luận: “Chiếc đầu lâu pha lê này được chạm khắc cực kì hoàn hảo, phải tốn khoảng 300 năm làm việc liên tục mới có thể chế tác được (!?). Ngoài ra, bên trong đầu lâu có các lăng kính được xếp đặt khéo léo nên khi đốt nến lên chiếc đầu lâu sẽ phát ra nhiều hiệu ứng quang học kỳ lạ”.

Hiện nay, còn vài chiếc đầu lâu pha lê khác đang nằm ở Viện bảo tàng Anh, Pháp và một số nhà sưu tập tư nhân. Tạp chí khoa học National Geographic khẳng định cho đến nay, ai đã tạo ra những chiếc đầu lâu pha lê, và chúng được tạo ra từ lúc nào vẫn là một bí ẩn làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới. Cũng vì thế, huyền thoại về những chiếc đầu lâu pha lê vẫn tiếp tục bao trùm…

Những ngày ở ngôi làng Maya vô danh của Alberto (người bạn Mexico) tôi còn thấy những chiếc đầu lâu đặt tại khu thờ cúng. Dĩ nhiên, những cái đầu lâu tôi thấy không phải bằng pha lê, nó chỉ tạc bằng đá. Nhưng chỉ riêng chuyện thờ chiếc đầu lâu cũng đáng để tôi tò mò. Alberto cho biết: “ Tôi cũng có nghe kể về truyền thuyết 13 cái đầu lâu pha lê nhưng chưa được tận mắt thấy bao giờ. Còn nhìn chung, với người Maya chúng tôi, đầu lâu là đại diện cho một số vị thần. Thờ đầu lâu cũng như thờ các vị thần. Thế thôi”.

8007983409_12fe7bdc04_z.jpg

Với người Maya, chiếc đầu lâu là tượng trưng cho các vị thần, được thờ rất phổ biến.

Lễ tẩy trần trên vùng đất thiêng
“Phải rồi, Toniná!” Alberto chợt reo lên. (Lần nào anh cũng làm tôi giật mình vì cách biểu lộ cảm xúc “hơi lố” như thế) “ Toniná là vùng đất thiêng của người Maya. Đến đấy, có lẽ anh sẽ biết thêm nhiều điều hay ho”. Với một người tò mò như tôi, làm sao có thể bỏ qua một nơi như thế.

Toniná ( cách thủ phủ bang Chiapas gần ba tiếng xe đò) là khu di tích khảo cổ nổi tiếng ở Mexico. Xưa kia, đây là một trong những thành phố phồn hoa, hiếu chiến nhất của người Maya. Toniná (nghĩa ẩn dụ là “ánh sáng thiên đàng và thời gian thần linh”) cũng chính là nơi diễn ra các buổi tế lễ quan trọng của các pháp sư, thầy cúng.

Ở bang Chiapas, có một số công ty chào mời tour du lịch tâm linh đến những nơi linh thiêng của người Maya, thậm chí có cả thầy pháp đi theo để thực hiện những nghi lễ cúng bái như: tẩy trần (làm thanh sạch cơ thể, tâm hồn), cầu sức khoẻ, chữa bệnh… Hôm tôi đến Toniná cũng là lúc một nhóm đang làm lễ. Đó là hai vợ chồng người Canada. Họ muốn làm lễ tẩy trần theo nghi thức của người Maya.

Khác vơí suy nghĩ của tôi về một ông thầy pháp ở trần, mặt sơn vằn vện, đầu đội mũ lông chim, cổ đeo nanh thú như đã thấy trong những ngày hội văn hóa về người Maya, ông thầy pháp, Miguel Angel, ở đây bận quần jean, áo thun. Ông trải bốn tấm vải màu trắng, đen, vàng, đỏ (tượng trưng cho bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc), đặt bột trầm và rượu mía lên trên. “Ngày nay, để đơn giản hơn, thay vì rượu người ta có thể mời thần linh uống…Coca hoặc Pepsi”, Alberto lầm rầm giải thích cho tôi.

Bất ngờ, thầy pháp lôi trong túi ra một cái đầu lâu (trông y đúc như hình chiếc đầu lâu pha lê định mệnh) rồi đặt vào giữa bốn tấm vải màu. “Đây là một trong 13 cái đầu lâu pha lê đang rải rác khắp nơi trên thế giới. Nó sẽ giúp chúng ta tiếp cận với nguồn năng lượng vô tận của Đất Mẹ và khơi dậy được nguồn năng lượng có trong bản thân”, ông nói. (Dĩ nhiên, tôi không tin. Không thể nào một trong những chiếc đầu lâu pha lê huyền thoại lại có thể dễ dàng mang đi “làm phép” lung tung như thế).

Hàng chục cây đèn cầy đỏ được thắp lên xung quanh hai vợ chồng người Canada. Đèn cầy đóng vai trò rất quan trọng trong các buổi thờ cúng của người Maya. Sự khác nhau giữa kích thước, màu sắc của đèn cầy đều mang ý nghĩa khác nhau. (Trắng: hạnh phúc, trong sáng. Hồng/ Xanh dương: chữa bệnh. Vàng/ Cam: trục sự đố kị, suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Đỏ: lấy lại năng lực, sức khoẻ, tinh thần).

Ông thầy pháp cúi đầu bắt đầu lầm rầm khấn vái thần linh. Trầm được đốt lên và hơ từ đầu đến chân hai vợ chồng (Alberto cho tôi biết khói trầm được xem như thực phẩm cho thần linh). Đoạn, ông lấy dao trích máu mình nhỏ vào rượu rồi rảy vào các cây đèn cầy để kết thúc lễ tẩy trần. Vụ cắt máu khi làm lễ của người Maya tôi có biết. Truyền thuyết viết trong sách thiêng Popol Vuh kể rằng thượng đế dùng bắp (ngô) và máu của mình để tạo ra con người. Vì vậy, khi thờ cúng, người Maya thường trích máu của mình để “trả lại.

Bị cuốn hút bởi kiến thức sâu rộng về văn hóa Maya của ông thầy pháp Miguel Angel, khi trở về, tôi đã lục tìm tư liệu về ông. Khá bất ngờ, ông từng là giám đốc của kì quan thế giới mới Chichen Itza, từng xuất bản sách, tổ chức hội thảo về văn hóa Maya nhiều nơi trên thế giới. Bất giác tôi liên tưởng đến chiếc đầu lâu pha lê của ông. Chẳng lẽ đó là thật? Biết đâu…

Thấm thoát cũng hơn 40 ngày lang thang trên đất nước Mexico. Trước khi về, tôi có ghé thăm bà chủ nhà trọ tại thủ đô. Bà nhắc lại câu hỏi cũ ngày đầu tiên gặp nhau: “Cháu thấy Mexico thế nào?” Biết trả lời thế nào đây khi đó là cả một chuỗi cảm xúc đan xen lẫn lộn. Sợ hãi. Háo hức. Hoang mang. Hạnh phúc… Tôi ra bưu điện, mua vài tấm bưu ảnh gởi cho người bạn ở quê nhà. Còn một tấm tôi gởi cho…chính mình. Rồi một ngày nào đó, ở quê nhà, lẫn trong hàng đống hóa đơn tiền điện, nước, bảo hiểm, tôi sẽ nhận được một tấm bưu thiếp nhỏ xinh được đóng con dấu từ đất nước Mexico xa xôi với dòng chữ: “Này, khi nào lại vác balô lên đường?”


8007985915_fce6c5ed64_z.jpg

Thầy pháp Miguel Angel đang “làm phép”.
 
Những bài viết của bạn thật hay hơn nữa lại tổng hợp được nhiều thông tin liên quan. Mexico cũng nằm trong kế hoạch sắp tới của nhóm mình (mong là thực hiện được :)) nên topic này giúp ích rất nhiều để mọi người có khái niệm cơ bản về các điểm đến. Mong những bài viết sắp tới của bạn (wait)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,173
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top