What's new

Miến Điện - Giấc mơ tìm thấy

Chính tôi cũng chưa từng cắt nghĩa.

Tại sao,

Những nền văn minh quá vãng,

Những đền đài thành quách đổ nát,

Những di sản của ngày xa xưa,

Những hiện thân của quá khứ còn sót lại,

Luôn có sức cuốn hút tôi đến lạ.



Ngày thơ bé, tôi đã không ít lần nghe đến cái tên Miến Điện. Trong trí óc non nớt của tôi, Miến Điện nghĩa là ‘‘gạo Miến Điện’’, là những người phụ nữ cổ dài, là nội chiến, là đói nghèo, là lạc hậu, là xa xôi.

Lớn lên tôi mới biết rằng, Miến Điện chẳng đâu xa, Miến Điện ngay gần kề, mà chính những suy nghĩ, những hành xử, những toan tính, những tham vọng của con người đã khiến Miến Điện thành xa.

Và tôi cũng phát hiện ra rằng, Miến Điện đâu chỉ có đổ máu, có hà khắc, có đói nghèo, có lạc hậu, mà Miến Điện còn hiện hữu đó những tuyệt tác thách thức thời gian từ ngàn xưa để lại.

Và tôi đã ấp ôm một giấc mơ, giấc mơ mang tên Miến Điện.
 
Ananda Phaya

Qua hết hành lang này, một hàng lang khác lại hiện ra.

5525965257_14e052f0d0.jpg

Trong góc sân chùa có một quả chuông, có lẽ không thu hút được sự chú ý của nhiều người, bởi trông nó rất bình thường, không to lớn, không trang trí tinh xảo, nhưng cái thu hút được sự chú ý của tôi chính là chiếc quai chuông, bởi nó được chạm khắc rất đẹp.

5526553018_99d8fd94ac.jpg


5526554048_98f5f04c94.jpg

Những góc tường phía ngoài có rất nhiều những chú sư tử trong tư thế canh gác.

5526555162_2b17a9f8ef.jpg

Ananda cũng nổi tiếng bởi có 4 bức tượng Phật khổng lồ quay về bốn hướng. Mỗi bức cao 9,5 m, làm bằng gỗ teak.

5526562550_32c620516f_z.jpg

Đây là các vị Phật đã đạt được Niết bàn. Từ trái qua phải, lần lượt là các vị
Phía Đông: Konagamana (Phật Câu Na Hàm),
Phía Tây: Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni),
Phía Nam: Kassapa (Phật Ca Diếp)
Và phía Bắc: Kakusandha (Phật Câu Lâu Tôn)

Đặc biệt, bức tượng Phật Ca Diếp, từ xa nhìn lại thấy khuôn mặt ngài vui vẻ như đang khẽ cười nhưng lại gần ngước nhìn lên, khuôn mặt ngài lại có vẻ đăm chiêu, buồn bã.

Dưới chân tượng, một vị sư đang lặng lẽ niệm kinh, mặc cho những gì đang diễn ra xung quanh.

5525968037_a96a55fc64.jpg

Bên cạnh Ananda Phaya là Museum of Wall Painting, Bảo tàng tranh tường. Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ không được chụp lại những bức tranh đẹp đẽ ấy nhưng khi đến Sulamani, tôi đã được bù đắp phần nào.
 
Sulamani Temple

Sulamani Temple, được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Nếu không tính Museum of Wall Painting, thì đây có lẽ là ngôi chùa có tường và trần được trang trí bằng các bức tranh tường nhiều nhất trong số hơn 300 ngôi chùa được trang trí tranh tường ở Bagan.

Sulamani mang dáng kim tự tháp, trông như một chiếc vương miện nên cũng hay được gọi là ‘‘Vương miện ngọc’’. Ngôi chùa nhìn bên ngoài khá đẹp và nổi bật, được trang trí các họa tiết rất tinh xảo. Sulamani được xây bằng gạch đỏ, và là một trong số những ngôi chùa gạch đỏ đẹp nhất ở Bagan.

5531405322_d262da9db9.jpg

Hầu hết các ngôi chùa Bagan, các họa tiết trang trí đều tập trung ở cấu trúc phía ngoài ngôi chùa, còn bên trong khá đơn giản. Sulamani cũng được trang trí rất tinh xảo ở bên ngoài, nhưng sự khác biệt chính là những bức tranh tường bên trong.

Có thể là những hoa văn trên trần chạy dọc theo lối hành lang

5530823465_86ef73cfdd.jpg

Hoặc trên cột kèo, góc tường

5530822803_84f03a0c33.jpg


5530823135_592f43b58e.jpg

Hay là hình ảnh những người canh chùa được vẽ ngay trên tường ở lối vào.

5530820205_d9124cf794.jpg


5531406068_60cc97e124.jpg

Trước khi đến Bagan, tôi đã rất ấn tượng với những bức tranh tường ở đây nên đã mang sẵn theo một chiếc đèn pin nhỏ để ngắm nhìn cho rõ. Lang thang một mình trong Sulamani, chiếc đèn pin này đã giúp ích tôi khá nhiều trong việc xem tranh nhưng nó cũng không giúp được tôi trong việc tăng sáng để lưu giữ lại những bức tranh bằng máy ánh, bởi ánh sáng trong chùa rất yếu. Tiếc vì không chụp được nhiều ảnh nhưng tôi cũng không lấy thế làm buồn, bởi tôi biết rằng nếu ánh sáng ở đây chan hòa để cho tôi chụp được những bức ảnh đẹp thì những bức tranh trên tường kia đã chẳng còn tồn tại được đến ngày nay để đến tận cả thiên niên kỷ sau tôi mới có mặt mà vẫn được thấy chúng hiện diện.

Có thể do khí hậu Bagan khô, quanh năm ít mưa, có thể do những ngôi chùa Bagan được xây với vách tường bằng gạch hoặc đá khá dày nên cách nhiệt tốt, bên trong chùa nhiệt độ khá mát mẻ và ổn định, đặc biệt, Bagan quanh năm nắng chói chang nhưng ánh sáng lại không được lọt vào quá nhiều nên những bức tranh tường được bảo lưu khá tốt, vẫn giữ đường đường nét và mầu sắc đến tận nghìn năm sau.
 
Sulamani Temple

Cũng phải nói rõ những bức tranh này không phải được vẽ trên nền gạch đỏ mà được vẽ trên vữa. Có nhiều mảng tường lớp vữa đã bị bong nên đương nhiên những bức tranh vì thế cũng đã không còn. Vậy nên mầu sắc không phải là cái duy nhất quyết định tuổi thọ của bức tranh, mà chất lượng vữa tường cũng có vai trò tương đương.

Vữa được sử dụng gồm nhiều vật liệu khác nhau cùng chất kết dính hòa với nước trát lên tường khi còn ướt, và sẽ cứng lại khi khô. Các bức tranh tường được vẽ bằng cách hòa mầu với vôi ướt và vẽ lên trên lớp vữa trát này. Khi lớp vôi khô đi, mầu sắc của những bức tranh sẽ nhạt hơn lúc ban đầu.

Các bức tranh này thường hay có nội dung về các câu chuyện, các nhân vật, các điển tích, các sinh hoạt tôn giáo

5530821051_571d77b57b.jpg


5530820757_2aa9661dc9.jpg


5531407058_63d865408a.jpg


5530821843_cc8001c577.jpg


5530822175_f8df083425.jpg


5530822489_63854e3b3d.jpg


5530823831_8c70a1cb40.jpg

Mà với vốn hiểu biết nông cạn của mình tôi không nhận ra, không hiểu hết.
 
Sulamani Temple

Nhưng với gương mặt này, chắc hẳn tất cả đều nhận ra.

5530876755_b177e3a1e1.jpg


5531462560_bdc7a8ea09.jpg


5531462896_38f24b0652.jpg

Bởi trông quá đỗi phúc hậu, quá đỗi thân thuộc.

Và hình ảnh những con người dâng hoa lên Phật. Có khi là phụ nữ, có khi là đàn ông. Có khi là những bông sen trắng, có khi là những bông sen đỏ, có khi là loài hoa tôi chưa từng biết tên, chưa từng trông thấy. Nhưng tất cả đều chung tư thế cúi đầu và vẻ mặt rất thành kính.

5531461542_6e24301d9c.jpg


5531462242_edc906ca2f.jpg


5530878071_0d8400085c.jpg


5530878441_820e740403.jpg
 
Sulamani Temple

Bên cạnh phần lớn các bức tranh tường với nội dung tôn giáo, hình ảnh những chú voi cũng xuất hiện khá nhiều. Điều đó chứng tỏ voi khá thân thiết và đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc sống của người Pagan thời kỳ đó.

Có khi khá nghiêm nghị

5531711148_372f31c29a.jpg

Khi lại tinh nghịch và đáng yêu.

5531710018_ca1c7b91a3.jpg


5531125625_10f9052be5.jpg


5531709774_fbcc6f03e5.jpg


5531126283_88e4350d45.jpg

Có thể thấy trong các bức tranh, nổi bật nhất vẫn là mầu nâu đỏ. Có thể đó là mầu được yêu thích nhất trong thời kỳ đó, có thể đơn giản là bởi mầu đó bền nhất, có sức chống cự tốt nhất với những phôi phai thời gian.

Đã từng ở Bagan, chứng kiến những chênh lệch nhiệt độ khủng khiếp trong ngày, oằn mình trong những cơn gió rét ban đêm, trẫm mình trong cái nắng chói chang ban ngày, thu vào tầm mắt những thửa ruộng khô, những bụi cây cằn, tắm trong những lớp mù mịt bụi đỏ, biết rằng thiên nhiên Bagan không hề hào phóng với con người Bagan. Dù vậy, mặc cho lòng hạn hẹp của thiên nhiên, người Pagan xưa vẫn nung ra đủ gạch, đẽo ra đủ đá và kiếm đủ các loại vật liệu để xây nên ngàn vạn ngôi chùa; vẫn tìm cách pha chế ra đủ mầu sắc từ thiên nhiên và giống như trong thiên nhiên để vẽ nên biết bao bức tranh trên trần tường những ngôi chùa. Còn các vị Phật ngự xứ Pagan thì chắc chắn vô cùng hào phóng khi ban cho người dân nơi đây khối óc giỏi giang và bàn tay khéo léo để xây dựng hàng loạt những ngôi chùa, vẽ nên hàng loạt những bức tranh, để ngày nay chúng ta được thưởng lãm.

Có một cách các bức tranh tường đang được lưu giữ ở Bagan, đó là nhờ bàn tay tài hoa của những người họa sỹ dân gian.

5531814784_cc03aef6a4.jpg

Bằng những dụng cụ đơn giản này

5531814532_80c8332781.jpg

Phần lớn nội dung những bức tranh cát của họ chính là những bức tranh được vẽ trên tường, trên trần những ngôi chùa Bagan, được họ chép lại trên toan vải, theo chân các du khách đi đến nhiều nơi xa xôi.

Sulamani là một ngôi chùa tôi thích và nhớ nhất ở Bagan. Thích bởi nó có kiến trúc đẹp, có những bức tranh tường đẹp mà tôi đã lưu giữ lại được chút ít hình ảnh, dù không toàn vẹn. Nhớ bởi đây là nơi chúng tôi đã “nương nhờ cửa Phật”, nơi chúng tôi đã nằm xuống dưới chân Phật, nơi chúng tôi đã có một giấc ngủ không mộng mị sau bữa trưa với bia Mandalay và cơm buffet Miến rất ngon nơi quán ăn Miến ngay ngã ba gần chùa Ananda, nơi chúng tôi bỏ lại những bụi trần ngoài cánh cửa kia, tạm quên mọi sự đời để rồi sau đó lại sảng khoái và khỏe khoắn rong ruổi trên những con đường đất đỏ quanh thánh địa của những ngôi đền mà tuổi đời đã tính đến con số ngàn năm.
 
Take off your shoes & open your mind

Những người xà ích thành Bagan rất chuyên nghiệp. Không cần phải nói đi những đâu, họ sẽ tự biết lựa quỹ thời gian khách có để đưa đến ngôi đền nào đón bình minh, ngôi đền nào để ngắm hoàng hôn, những đền chùa nào trong số hơn 2.200 ngôi chùa tháp của cả thánh địa là đẹp nên ghé qua nhất. Chú ngựa không lời và người xà ích lặng lẽ đã đưa chúng tôi qua những con đường vắng lặng thong dong nơi miền quá khứ này.

Chúng tôi đã có một ngày bỏng rát đôi chân nơi những ngôi chùa Bagan. Ở khắp nơi trên đất nước Myanmar này, bỏ giầy dép và thậm chí cả tất từ ngoài cổng rồi đi chân trần vào chùa là một hành động thể hiện sự tôn kính Đức Phật. Nếu bạn vô tình quên, sẽ ngay lập tức có người nhắc nhở bạn, không nhất thiết là người trông coi chùa, mà có thể là một chú bé con, một người phụ nữ, một người già hay bất cứ một người dân Myanmar nào có mặt lúc đó.

Dừng chân ở nhiều ngôi chùa, hiếm hoi lắm mới thấy có tấm biển này

5531814992_37c1a6f48b.jpg

Còn đâu đã thành thói quen, hễ đến chùa là mặc nhiên không đi giầy dép vào trong, chẳng cần biển hiệu, chẳng cần người nhắc.

Bỏ giầy ra và thoải mái đi vào chùa, có đi bao lâu khi quay lại đôi giầy của mình vẫn nằm yên vị trí đấy, không lo mất cũng chẳng lo bị ‘‘cầm nhầm’’, bởi người Myanmar quan niệm Đức Phật biết hết, nhìn thấy hết những gì họ làm, và họ sẽ bị quả báo cho những hành động xấu của mình. Đó có lẽ cũng là một quan niệm tốt để ngăn con người khỏi những điều sai trái.

Take off your shoes nhưng lại open your mind.
 
Và ta lại mất

Những bước chân vội vàng của chúng tôi cũng không ngăn nổi bước chân của thần mặt trời. Cuống quýt, vội vã; nhàn tản, thong dong; hào hứng, chán nản; lạnh cóng gió buốt, bỏng rẫy nắng chói; đủ cả mọi cung bậc rồi cũng sắp qua. Mặt trời đã ngả hẳn về Tây. Chẳng mấy chốc lại trôi qua một ngày.

Chúng tôi đã đón bình minh thành cổ, và giờ đây những chú ngựa lại lóc cóc đưa chúng tôi đi tiễn hoàng hôn. Vậy là đã có trọn ngày đi từ bình minh đến hoàng hôn. Những chú ngựa vẫn bước đi trong chiều. Còn tôi, “Tôi đi giữa hoàng hôn/Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương” (Văn Phụng).

5531863906_905e5368fa_z.jpg

Trước khi đến với Myanamr, tôi đã đọc được những dòng “Bagan tráng lệ, rực rỡ trong ánh bình minh và mơ màng trong ráng chiều đỏ ửng”. Tôi đã đến Bagan để được chứng kiến những giây phút ấy. Quả là không sai. Tôi đã được tận mắt ngắm nhìn những ngôi tháp cổ thức dậy cùng bình minh, đốt cháy mình trong nắng chói và thiếp ngủ khi hoàng hôn buông xuống.

5531864022_a8ed4f7ba3_z.jpg

Mặt trời đã khuất hẳn. Những lữ khách cuối cùng cũng đã rời khỏi tháp.

5531864512_9008e92679.jpg

Lô xô dưới kia là những cỗ xe đang đợi những vị khách đi tiễn hoàng hôn trở về.

5531280685_43141a5d1e.jpg

Đâu đó có ai đang chờ đợi ta?

Khi ta lại mất đi thêm một ngày của cuộc đời này.

Mất đi.

Vĩnh viễn.

Không bao giờ lấy lại được…
 
Nỗi buồn Bagan

Có đi giữa rừng đền tháp câm lặng này mới thấm thía được nỗi buồn Bagan, mới thấy “Lòng ta là những thành quách cũ” (Vũ Đình Liên). Hẳn cái vẻ quạnh quẽ của Bagan đã truyền cho ta nỗi cô liêu, nhưng ta cũng không khỏi không chạnh lòng đau buồn thay cho Bagan. Bagan có đẹp không? Rất đẹp. Bagan có kỳ vĩ không? Rất kì vĩ. Bagan mang nhiều giá trị lịch sử không? Rất nhiều. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng xét trên những tiêu chí nhất định, có thể thấy, cái đẹp, cái kỳ vĩ cũng như giá trị lịch sử của Bagan đều ít nhiều sánh ngang với Angkor của Cambodia, Borobudur của Indonesia, nhưng cả Angkor, cả Borobudur đều đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến, và nhất là được các tổ chức quốc hỗ trợ rất nhiều chuyên gia và tiền bạc để bảo tồn những giá trị ấy, Bagan thì không. Nguyên nhân là do vấn đề chính trị chứ không phải vấn đề giá trị.

Thấy tiếc vì những giá trị ấy không được tôn vinh, không được nhiều người biết đến, nhưng thực sự tôi cũng không biết nghĩ thế nào hơn. Thực tế ở Bagan, tôi thấy các công trình được bảo tồn rất tốt, những phần phục chế cũng được làm rất khéo và hòa hợp với kiến trúc chung. Có thể ở Bagan, khí hậu khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm, nhưng đó là yếu tố thiên nhiên, còn về yếu tố con người, yếu tố kỹ thuật, như Angkor, được các chuyên gia nước ngoài với kỹ thuật tiên tiến giúp đỡ phục chế các công trình bị hủy hoại, nhưng tôi thấy những phần phục chế ấy khá lộ, còn ở Bagan, các đền tháp được bảo tồn, phục chế bằng kỹ thuật lạc hậu của Myanmar, do chính bàn tay những người dân Myanmar làm, tôi lại thấy hài lòng với những phần phục chế ấy. Ý nghĩ này hơi chủ quan, nhưng phải chăng không ai hiểu Myanmar, văn hóa Myanmar bằng chính con người Myanamar? Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một ngôi chùa do chính tổ tiên họ đã xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo có thừa trong mỗi con người Myanmar. Họ như đã gửi gắm cả tâm hồn và đức tin của mình vào đó. Và cũng dường như là khá ích kỷ khi tôi tự hỏi, nếu như được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, được nhiều người biết đến hơn, đông du khách đến với Bagan hơn, thì những đền tháp này liệu có còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc vốn có, những người dân nơi này có còn nguyên sự thật thà chất phác như vốn có hay không?

Và nếu không có sự xâm lăng của quân Mông Cổ, nếu không có sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn và đội quân hùng mạnh của mình nơi đây năm 1283, nếu không có cái chết của vua Narathihapate năm 1287, và nếu cái tên Pagan không có trong danh sách những nước bị đế chế Mông Cổ thôn tính, thì liệu số lượng đền tháp nơi kinh đô cổ Bagan có còn gia tăng, và vai trò của quần thể kiến trúc ấy thế nào với nền văn minh nhân loại?

Lặng nghe tiếng vó ngựa thành Bagan để thấy giờ đây chỉ còn ‘‘Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương’’. Những thành quách của kinh thành xưa chỉ còn là những hàng gạch đổ nát, nhưng hàng ngàn đền đài lớn nhỏ qua những thăng trầm thời gian cả nghìn năm có lẻ vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn vượt lên những đám cây khô gầy, những cát bụi nhọc nhằn, vẫn vươn lên trời cao, đầy kiêu hãnh. Dù cuộc sống ngoài kia có sôi động đến đâu, có nhộn nhịp đến thế nào thì Bagan vẫn lặng lẽ ngủ yên chốn đó, quạnh quẽ và cô liêu như đã trôi vào quá khứ cả ngàn năm trước.

Và thực lòng, tôi vẫn muốn Bagan không bị đánh thức, Bagan hãy cứ ngủ yên thế, dù tôi đã tự hỏi, cả ngàn đền tháp còn đó, nhưng liệu chư thiên có còn ngự trị nơi đây? Dù đến giờ phút này, nghĩ đến Bagan, tôi không chỉ nghĩ đến những lạnh lẽo trong buổi sáng sớm, những cô quạnh kéo dài cả ngàn năm, mà cả những giây phút thế này, khi đêm đã tàn và nắng đã lên, len qua hàng cây, chứa chan ngập lối?

5534499594_c779f19697.jpg
 
Bác tài Mandalay

Tôi cứ lải nhải một mình mãi topic này mà chưa kết thúc. Tôi đã viết vì chính cảm xúc của mình. Cảm xúc thì nhiều, những điều muốn viết, muốn nói cũng rất nhiều, nhưng những điều vùi dập cảm xúc trong cuộc sống này lại còn nhiều hơn nữa. Cái khiến tôi cố gắng duy trì đó là vì một lời hứa, một lời hứa mà thực tế cuộc sống nhiều lúc làm tôi quên đi, nhưng khi nhớ thì lại tiếp tục viết.

Và rồi lại lải nhải.

Kết thúc một ngày lang thang qua những ngôi đền Bagan, chúng tôi rời Nyaung Oo trên chuyến xe bus 8h30 tối. Một đêm ở Yangon, một đêm ở Bagan, tuy chăn ấm đệm êm nhưng thực sự là tôi không ngon giấc, lạ là tôi lại dựa lưng vào ghế ngủ ngon lành trên chiếc xe lắc lư từ từ tiến về Mandalay mặc cho đôi lần xe dừng lại giữa đường đón khách, đôi lần dừng lại nơi hàng quán ven đường cho khách ăn đêm và đi vệ sinh, có lẽ do thấm mệt sau ba ngày di chuyển, đi lại liên tục với 3 chuyến bay, 3 quốc gia, 4 thành phố. Đôi lúc tôi hé mắt thấy lướt qua khung cửa hình ảnh những ngôi chùa dát vàng sáng rực trong đêm, những hàng cây xao xác, những ngôi nhà lặng im, những ánh đèn đường vàng vọt hay những khoảng trống tối đen.

Ngỡ rằng sẽ được một giấc ngủ ngon đến tận 5, 6 giờ sáng bù lại hai đêm trước nhưng ai dè 2h30 xe đã tới Mandalay. Lại ngỡ rằng xe sẽ đến bến đỗ và mình sẽ tiếp tục ở yên trên xe ngủ đến sáng mới rời khỏi xe đi tìm nhà nghỉ nhưng hóa ra không phải vậy, hình như xe không vào bến mà trả khách tận nơi khách muốn đến. Lái xe hỏi muốn đến khách sạn nào, cả đám ngớ ra vì chưa đặt trước khách sạn nào cả. Chợt nhớ ra tên “Nylon Hotel” các bạn đi trước đã từng ở. Ngạc nhiên là chẳng cần hỏi địa chỉ, bác tài đưa thẳng đến khách sạn đó luôn. Ngỡ rằng cả đám sẽ bị quăng xuống đó nhưng lại ngạc nhiên nữa là bác tài xuống xe, đi cùng, đích thân gõ cửa khách sạn hỏi có còn phòng hay không. Hết phòng. Ngỡ rằng bác tài sẽ bỏ cả đám lại lên xe đi tiếp nhưng lại ngạc nhiên hơn khi bác hỏi xung quanh đây có khách sạn nào không và lại dẫn cả đám đến khách sạn đó. Lại tiếp tục gõ cửa, hỏi han. Lễ tân cho biết hiện tại không còn phòng trống, 8h30 mới có khách check-out. Gần 3h sáng giữa một thành phố xa lạ nơi đất nước xa lạ trong tiết trời lạnh giá, chúng tôi quyết định vào khách sạn chờ lấy phòng. Khi đó bác tài mới lên xe tiếp tục hành trình. Thật quá cảm kích trước sự nhiệt tình của bác tài cũng như sự kiên nhẫn của các vị khách trên xe. Trời rét mà thấy lòng ấm lạ.
 
Gặp “cướp” ở Mandalay

Mandalay không phải là thành phố tôi thích, nhưng lại có quá nhiều điều đáng nhớ ở đây. Đầu tiên là bác tài xế xe bus Bagan - Mandalay mà tôi không nhớ nổi khuôn mặt, tiếp theo là chuyện “gặp cướp ở Mandalay” và “bữa tối ở Mandalay”.

Xe bus express Bagan - Mandalay, chuyến xe bus đầu tiên chúng tôi đi trên đất Miến, đương nhiên không thể tiện nghi như những chiếc xe tôi đã từng đi nhưng cũng không đến nỗi kinh khủng như chúng tôi đã từng lo ngại. Lấy đồ khỏi xe, bước vào khách sạn ấm áp, bỏ lại sau lưng những rét mướt giá lạnh. Người lễ tân từ bỏ giấc ngủ êm đềm và chỗ ngủ ấm áp của mình để tiếp chúng tôi. La liệt hành lý quẳng xuống sàn nhà, chúng tôi kiếm cho mỗi người một chỗ để ngồi. Trong khi một số bạn chạy quanh mấy khách sạn khác theo list của Lonely Planet để hỏi phòng, một số bạn hỏi han người lễ tân, mặc cả giá xe cho một ngày rong ruổi Mandalay.

Tôi vốn con nhà nông dân, tính tình cũng nông dân, nhưng ăn uống hơi tiểu thư (không ăn được thức ăn có quá nhiều muối, nhiều đường) và ngủ thì đặc biệt tiểu thư (nhất thiết phải có đệm và phải là đệm mềm). Nghiêng phải, nghiêng trái một hồi, dù rất buồn ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được trên chiếc quầy gỗ trang trí ở phòng lễ tân, tôi trở dậy. Lặng lẽ trong bóng tối nhìn các bạn đồng hành mỗi người đã kiếm cho mình một chiếc ghế nằm ngủ tạm, tôi rón rén ra chân cầu thang, nơi sáng nhất trong căn phòng lúc này, lặng yên ngồi đọc sách. Nhưng tôi cũng chẳng “đóng giả trí thức” được bao lâu, bởi cuốn sách tôi mang theo đọc quá dở, trong khi bóng đèn không đủ sáng khiến đôi mắt khá cay và nhức mỏi, tôi lại quay về ghế ngồi. Cứ lặng yên một mình như vậy cho đến 5h sáng.

Lúc đấy những người phục vụ trong khách sạn bắt đầu trở dậy. Người lễ tân rất nhiệt tình bảo chúng tôi lên phòng của họ trên gác xép ngủ tạm một lúc, hoặc lên tầng 5 có 2 cái phòng tắm có nước nóng để tắm.

Tôi lựa chọn đi tắm cho thoải mái, và khi quay xuống dưới tầng 1, mọi sự bắt đầu.

Đó là một buổi sáng kỳ lạ, mà tôi vẫn chưa thể quên.

Đó là khi tôi phát hiện ra mình đã đánh đổ mất một lọ nước hoa Miracle. Đổ hết sạch sành sanh, không còn chút nào. Mùi nước hoa đậm đặc tràn ngập căn phòng kín.

Đó là khi một cô gái vào đợi lấy phòng sau chúng tôi, cũng đang nằm ngủ tạm nơi chiếc ghế gần cửa ra vào, tỉnh dậy và nhìn quanh tìm đôi dép của mình.

Đó là một đôi tông mầu trắng. Một bác già trong nhóm chúng tôi đang tắm, do tất cả đều đi giầy và không mang theo dép, không lẽ đi tắm bằng giầy hoặc bằng chân đất, trong khi thấy có đôi tông của cô gái đó đang để không, không lẽ lại dựng cô ấy dậy chỉ để hỏi mượn đôi dép, nên đã lấy đi, định bụng sẽ nói sau khi cô ấy tỉnh dậy.

Không may là anh bạn của chúng tôi chưa kịp tắm xong để trả lại đôi dép thì cô ấy đã ngủ dậy.

Thấy cô ấy dậy, tôi phải xin lỗi ngay và nói rằng bạn tôi đang đi dép của cô ấy, không thể gọi cô ấy dậy khi đang ngủ để hỏi mượn, nên phiền cô ấy một chút xíu đợi bạn tôi quay ra sẽ nói chuyện với cô ấy. Vậy mà nàng gào lên như một con thú bị thương, bảo chúng tôi là “lũ ăn cướp”. Tất cả chúng tôi ngồi đó đều đã lên tiếng xin lỗi nhưng nàng vẫn lu loa gào thét lên. Thấy vậy, một bác già khác trong chúng tôi đã phải vào tận phòng tắm, lấy đôi dép ra, tôi đã phải đích thân lau khô đôi dép, trả lại cho nàng, tiếp tục kèm theo lời xin lỗi mà nàng vẫn như lên cơn động kinh, tặng cho “lũ rác rưởi” chúng tôi đủ “mỹ từ”. Chúng tôi chán ngán chẳng ai thèm nói thêm lời nào trước sự quá đáng của nàng mà nàng vẫn tiếp tục độc diễn.

Tôi đã đọc được đâu đó rằng nước hoa cũng là một chất có tác động đến hệ thần kinh, khiến con người ta có những hành động không bình thường. Tôi cũng không chắc chắn lắm về điều ấy, nhưng đến tận lúc này, tôi vẫn không dám nói ra suy nghĩ này với các bạn đồng hành của tôi, liệu có phải tại lọ nước hoa tôi đánh đổ quá nhiều và mùi quá đậm đặc đã tác động lên não nàng khiến nàng phát rồ lên như vậy? Với nàng, tôi không biết, nhưng chỉ biết rằng, một bạn trong chúng tôi đã chực trào nước mắt khi nghe nàng gào lên về đôi dép của nàng “It’s my memory”. Trong không gian toàn mùi nước hoa ấy, có lẽ cái từ “memory” khiến bạn nhớ đến mùi nước hoa gắn với kỷ niệm sâu sắc nào đó của mình, và đã ngơ ngẩn ít nhất là suốt cả ngày hôm ấy, thậm chí đến tận hôm sau. Giây phút đó, tôi chợt hoảng hốt, không phải bởi người đàn bà đang xỉa xói kia, mà bởi cảm giác có lẽ mình đã vô tình chạm đến nỗi buồn đau của bạn mình.

Còn nàng, không hiểu sao nàng lại quá đà như vậy?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,641
Bài viết
1,154,301
Members
190,154
Latest member
tranquochuy86
Back
Top