Sáng sớm ra biển, gió lành lành của không khí buổi sáng mang lại một cảm giác rất sảng khoái. Một cảm giác yên bình, không còi xe huyên náo, không có tiếng rao bán hàng của hàng rong. Xung quanh chỉ là tiếng rì rào của sóng biển, nhẹ nhàng mà thư thái. Tôi đi ra cầu cảng ngắm bình minh và quan sát lại khu vực dân cư bãi Trệt đang bắt đầu nhộn nhịp dần lên. Hàng quán đã mở cửa, người người bắt đầu đi lại và sắp xếp thùng to, thùng nhỏ đồ khô ra phía đường ven biển.
Ngay góc bên phải cầu cảng là khu tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão số 5 hồi 1997 (Cơn bão lịch sử Linda). Nghe kể là có rất nhiều thiệt hại về người và của sau cơn bão này. Số thuyền bị đắm và hư hỏng lên tới hàng ngàn và số người chết & mất tích rất nhiều (hơn 4000 người chết và mất tích trên toàn vùng mà cơn bão đi qua). Tại vùng biển phía Nam, hầu hết các nạn nhân được đưa bằng thuyền vào đất liền (Kiên Giang) để chôn cất. Một số còn lại hoặc không nhận diện, xác minh được thì chôn cất ngay tại đảo, ngư dân trên đảo lập một cái miếu thờ ngay sát khu cầu cảng để hương khói thờ cũng những ngày tuần, ngày rằm cho đỡ lạnh lẽo. Tôi vào bên trong khu tưởng niệm quan sát, và cũng thành kính chắp tay vái các hương hồn của những ngư dân xấu số đã mất trong cơn bão dữ, cầu xin sự phù hộ cho những bà con, ngư dân còn lại của biển khơi sẽ có được những mùa sóng yên biển lặng, cho những chuyến đi biển của mọi người được thuận lợi, nhiều may mắn.
Ngay sáng sớm đã có tàu hàng giao nhận hàng hóa tại cầu cảng
Hình ảnh người ngư dân nhỏ bé trước thiên nhiên.
Vẻ tươi tắn bên chuyến xe hàng trái cây sáng sớm.
Chuyến hàng rau, một thứ thiết yếu trên đảo mà đa phần là phải chở từ đất liền ra.
Rau muống biển
Tôi lang thang đi ngược vào trong xóm theo con đường gần như là độc đạo xuyên qua khu dân cư. Phía sâu bên trong gần chân dốc có một ngôi trường tiểu học khá khang trang. Cả đảo Lớn này (tính là xã An Sơn) thì cũng chỉ có 2 trường tiểu học, một trường ở đây (có 6 lớp học) và một trường ở Bãi Ngự (có 5 lớp học)
Trường tiểu học An Sơn
Quay trở ra, khi đó mặt trời cũng đã lên cao. Chúng tôi tập trung ở quán Hoa Hoàng để ăn sáng. Mỗi người làm một dĩa cơm sườn bì do chính em chuẩn bị, để lấy sức lên đường cho một ngày mới tham quan vòng quanh đảo.
Xe thì được bà chủ Kim Yến chuẩn bị sẵn 3 chiếc Honda đã đổ xăng đầy đủ. Chồng bà Kim Yến mang xe ra tận quán giao cho chúng tôi. Ông vốn là người Bắc (Vũ Thư - Thái Bình) và sau nhiều lưu lạc, sóng gió cuối cùng lại định cư ở mảnh đất này. Trước đây vốn công tác ở UBND xã, hiện nay, ông đang phụ trách các đường dây viễn thông cũng như là phát triển thêm kinh doanh viễn thông của nhà mạng Viettel trên đảo. Ông là người nhiệt tình và hồn hậu nên khi giao xe, chúng tôi có mời ông ăn sáng cùng nhưng ông nói hiện đang vội phải đi canh đài. Biết trong đoàn có anh Tiến là người gốc ở Thái Bình nên ông vui lắm. Chúng tôi hẹn nhau buổi tối rảnh thì mời ông ngồi uống chén rượu tâm sự cho vui rồi ông đứng dậy đi ngay.
Giờ đến lúc phân công công việc, chú em Ngọc chở bác Trưởng lão, anh Hải và anh Tiến trên một xe, một mình tôi với cái xe Repsol cà tàng. Sau khi cafe thuốc lá xong xuôi, cả đoàn lên đường. Mục đích là đi vòng quanh đảo rong chơi, ngắm cảnh và chụp choẹt cho vui. Chúng tôi có nguyên một ngày này trên đảo nên cứ túc tắc vừa đi vừa chơi, cũng không có gì cần phải vội vàng lắm.

)