Schtroumpf
Phượt thủ

Công bằng mà nói, với tôi, Nha Trang không có gì xa lạ! Sau gần 10 năm quay trở lại, thành phố biển vẫn nhỏ nhắn, đáng yêu, hiền hòa ôm tôi vào lòng. Những giấc mơ khi xưa lại có dịp trỗi dậy, những thời khắc đã xa lại có dịp quay về! Biển vẫn thế, trong lành và xanh biếc, vỗ về tôi nhè nhẹ như muốn xóa đi những khúc mắc đau thương, phiền muộn ở trong lòng.

Nha Trang bây giờ không còn cái vẻ đẹp nên thơ như ngày trước! Sớm tinh mơ, dân tình đổ xô ra biển, người theo nhau chạy bộ, người rủ rê chơi bóng chuyền, người lại í ới kéo nhau đi tắm! Sau khi để từng con sóng lặng lẽ vuốt ve, để ánh nắng ban mai vỗ vai chào buổi sáng, người ta lại lục tục quay về nhà, ghé một góc vỉa hè, mời nhau một ly sữa đậu nành nóng hổi thơm mùi lá dứa. Ngày tôi quay trở lại, vẫn cái bàn nho nhỏ, vẫn cái nồi sữa đậu nành thơm lựng, vẫn bãi biển Trần Phú dịu dàng, nhưng đông người hơn, tấp nập hơn, và xô bồ hơn. Thành phố mất đi cái trong lành của buổi sớm, cái e ấp se lạnh của gió biển lúc chiều về, cái không khí của một thành phố biển.

Loay hoay tìm chỗ ăn, tôi chịu không thể nhớ nổi địa chỉ của quán phở Nha Trang, hay quán bún sứa Nguyên Loan nổi tiếng. May có cô bé đồng nghiệp nhắn tin chỉ đường. Bún sứa bây giờ cũng không còn ngon nữa, vị ngọt nhạt, không đậm đà, bánh canh chả cá cũng chỉ còn ngon trong tiềm thức. Chỉ có một điều không thay đổi, quán quá chật trong khi khách đến ăn lại quá đông, và thực khách thì hồn nhiên xả rác ngay dưới sàn nhà cho dù quán có đặt những cái sọt ngay bên dưới chân khách!
May mắn thay, phở - cái món được xem là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt - vẫn đậm đà hương vị như ngày nào! Tôi chỉ thích thưởng thức phở Nam - nghĩa là phở nấu theo kiểu của người miền Nam, với sợi bánh nhỏ, dai chứ không thích loại bánh phở sợi to, mềm như phở Bắc. Bước chân vào quán, cô bé phục vụ hỏi ngay rằng anh/chị dùng loại phở nào! Đây là điểm khác biệt với ngày xưa, có lẽ vì số lượng du khách từ ngoài Bắc vào chơi đông hơn nên họ cũng đòi hỏi quán phục vụ đa dạng hơn. Vừa thưởng thức vừa quan sát, tôi thấy người dân Nha Trang ăn phở theo một cách rất đặc biệt! Họ cho nước mắm sống, ớt hiểm bằm, tương đen, tương đỏ, tiêu xay và tương ớt ra dĩa, trộn đều rồi chấm với thịt bò chứ không ăn ngay trong tô hoặc chỉ chấm tương ớt đơn thuần như người miền Nam hay người miền Bắc.

Sau khi no nê với phở, không còn gì thú vị hơn là được lòng vòng dạo phố. Đầu óc thảnh thơi, không nghĩ ngợi, không lấn cấn, không bị làm phiền vì những cú điện thoại không mong muốn! Nắng sớm vừa lên, biển mát lạnh, phố xá vắng tanh, chỉ có du khách là có dư dả thời gian để ung dung, tự tại, để được thỏa sức làm những gì mình thích! Vi vu phố xá rồi mua sắm ở chợ Đầm, lang thang ngắm cầu Trần Phú, ngắm cảnh Tháp Bà Ponagar là những lựa chọn mà đa phần mọi người đều liệt kê trong danh sách những-nơi-phải-đến của mình. Tôi không quay lại Tháp Bà và chợ, chỉ đi dạo quanh Nhà Thờ Đá (hay còn gọi là Nhà Thờ Núi - Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang) bởi tôi bị mê hoặc bởi lối kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XIX.

Nhà thờ được xây trên đỉnh núi Bông cao 8m, trên đỉnh tháp chuông có chiều cao 28m thẳng tận trời xanh là thánh giá. Sừng sững giữa trời, một dãy hành lang nhỏ của nhà thờ đang được tu sửa và xây mới lại, lấp ló sau nhành phượng vĩ.

Dọc theo lối đi lên, phía bên phải là những hộc nhỏ đựng di cốt của người quá cố được ghép vào tường đá.
