What's new

Nhật ký chủ quán

Zeno

Phượt thủ
Phong vị tuyệt vời cho những ngày đầu thu

Ngày 02/8/2012

Cái khoảng thời gian thảnh thơi nhất là mở cửa quán buổi sớm.
Tôi thay nước ban thờ, thắp một nén hương, rồi lục tục bê bàn ghế ra xếp ngoài vỉa hè, quét nhà, lau nhà, rửa đống cốc chén bẩn còn trên bàn. Và đun một ấm nước sôi để pha mẻ cà phê mới cho ngày hôm đó.

Do cũng quen nếm thử cà phê nên giờ tôi mới có khái niệm thế nào là cà phê đậm đặc, thế nào là loãng, thế nào là thơm, thế nào là có vị, thế nào là có hương. Và giờ nếu mình có làm một cốc đen đá cũng không bị say cà phê như cách đây nửa tháng. Không tự dám nhận là biết uống, chỉ có điều tôi cần biết nếm cà phê, để pha cho chuẩn hơn mà thôi.

Mọi diễn biến trôi qua thật nhanh.
Nó cũng giống như việc say xe ô tô là nỗi ám ảnh suốt cả một đời đi học của tôi. Thế rồi tôi xin việc vào một công ty bất động sản có dự án trên Hòa Bình. Bình quân mỗi tuần tôi phải đi theo xe lên dự án 2,3 lần. Rồi bỗng một ngày chợt nhận ra rằng mình hết say xe ô tô tự lúc nào không biết.

Thời điểm quán xá chưa đông khách, tôi hay ngồi một bàn ngoài trời, trên bàn là một cuốn tiểu thuyết nào đó, một mặt để ngắm phố phường đang vận động náo nhiệt giữa cái tiết trời chớm thu, một mặt để làm quen với khách và mời khách vào quán cafe. Thực ra, tôi cũng không thuộc dạng si mê thể loại tiểu thuyết lắm, nhưng từ khi nghỉ làm ra trông quán, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội hiếm có để mình đọc được hết đống sách ở nhà mình, mà không hề cảm thấy tội lỗi và dằn vặt mình vì cái tội lỗi vô hình: "nghỉ việc chỉ để ngồi nhà đọc sách như một con mọt". Dẫu sao, tôi cũng thấy việc mình ngồi bàn cà phê này đọc tiểu thuyết, cũng là mình đang làm việc.

Hôm trước đón được một vài khách Tây rẽ vào quán và ngồi bàn bên cạnh. Nhưng hôm nay, đã gần 2 tiếng mà chưa đón được một khách nào. Bỗng cảm thấy nhức đầu bởi tiếng ồn ã của còi xe, tôi rút lui vào bên trong quán. Tôi nhức đầu, trong 2 tiếng, tôi chỉ chú tâm đọc được vỏn vẹn 3 trang của cuốn "Biên niên ký chim vặn dây cót" của Haruki Murakami.

Có lẽ công việc trông coi quán cà phê là mình sẽ tiếp nhận đủ mọi thứ tạp âm trong ngày, từ ngoài đường phố, vỉa hè, lẫn tiếng nhạc trong quán, những cuộc gặp nói chuyện với bạn bè đến quán hàng ngày ... nên đã tự lúc nào, tôi không còn muốn nghe những âm thanh chát chúa của Heavy Metal, hay sự tươi trẻ của Rock n' Roll, sự quằn quại của Blues, ngay cả đến những nốt nhạc bỏ ngỏ nhẹ như lông hồng của Trịnh Công Sơn, cùng với tiếng hát của Khánh Ly hay Hồng Nhung, cũng đủ làm tôi cảm thấy quá ồn ào và đau đầu, trong tôi có cảm giác như hàng triệu con muỗi đang vo ve, ong ong. Tôi chợt nhớ đến một cuốn tiểu thuyết khác của Haruki, trong đó nhân vật chính cũng có cuộc sống bình dị, anh ta không thích làm nghề gì, cũng không biết làm gì, nhưng vì áp lực cần có nghề ngỗng và chí ít phải tự kinh doanh để cho gia đình tài phiệt phía nhà vợ ko có cảm giác mình là thằng chồng chỉ biết ăn không ngồi rồi trên đống tiền của vợ; nên anh ta mở quán bar có phục vụ nhạc jazz, mang tiếng mục đích là để kinh doanh, nhưng thực ra chỉ là che mắt thiên hạ, và phục vụ cái sở thích nghe nhạc jazz của anh ta mà thôi. Trong truyện đó, anh ta là một con người quá đỗi trầm lặng so với cái cuộc sống náo nhiệt này, một kẻ không theo kịp tốc độ của xã hội, bị văng ra bên lề và cố gắng thỏa hiệp với xã hội đó. Vì vậy anh ta luôn phải đóng kịch, khoác bên ngoài mình một vẻ lịch lãm, hồ hởi, dễ mến, có tốc độ và thích đua tranh; nhưng trong thâm tâm sâu thẳm của mình, anh ta chẳng quan tâm cái mẹ gì ngoài kia, chỉ muốn cuộn tròn lại mà ngủ yên, đi tìm lại hình bóng một cô bạn gái tự thuở thiếu niên thanh bình, trên nền những bản nhạc của Bing Crosby, Nat King Cole hay Rossini.

Nhưng đời người đâu có ai trú ngụ trong cái tuổi thơ bình yên đó mãi được, phải không? Chúng ta vẫn phải lớn lên, chúng ta vẫn phải có công ăn việc làm, phải hòa vào chung với những chuẩn mực, định kiến xã hội đó, phải sống, phải lập gia đình, phải kiếm cái ăn hàng ngày, chăm chút cho hiện tại và toan tính cho tương lai. Nếu anh muốn hàng ngày nghe những bản nhạc yêu thích của mình bên chiếc đĩa vinyl, ngồi trên chiếc ghế đẩu bập bênh bên hiên cửa sổ hướng ra biển, bên tay trái là con mèo đang cố chọn tư thế gọn nhất trên tay vịn, nằm ngủ và cố tận hưởng nốt những tia nắng vàng vọt cuối cùng còn sót lại của một chiều hoàng hôn thu lạnh giá; anh nên để đến khi anh 60 tuổi, về hưu, và hãy làm những gì mình thích. Việc một anh chàng gần 30 tuổi đầu, cảm thấy vô nghĩa với những danh vọng, tiền đồ và mưu cầu sự nghiệp, hàng ngày chỉ muốn hoài niệm về thời thơ ấu, đó như một sự mơ mộng không hợp thời. Những anh chàng nghệ sĩ như vậy rồi cũng chìm đắm trong rượu, tuyệt vọng và ngỡ ngàng. Những anh chàng đó dường như chỉ lớn đến tuổi 15,18; và rồi mãi mãi về sau cũng chỉ dừng ở độ tuổi 15,18 đó. Nếu điều đó xảy ra với cá nhân chúng ta, thì đó là một bi kịch.

"Người không muốn lớn" - Đó cũng chính là bi kịch của Hajime, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" của Haruki Murakami - một tác phẩm mà được nhiều người đánh giá là gần gũi với "tiểu sử ngoài đời" thật của Haruki nhất. Chúng ta cũng có thể bắt gặp lại cái bi kịch không tên đó trong các tác phẩm khác của ông, như "Kafka bên bờ biển", và tác phẩm nổi tiếng cũng như rõ rệt nhất là "Rừng Nauy", trong vai nhân vật Toru Wantanabe - tâm hồn và thể xác đẹp như một con búp bê nhưng chỉ đi ngược đi xuôi trong câu chuyện, quá ít việc để làm và không hề tồn tại một mục đích nào để sống.

Nếu bạn nào từng đọc "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời", chắc các bạn sẽ nhớ được, là Hajime đã mở thành công quán bar đầu tiên của anh, và anh nhân rộng nó ra, mở một quán thứ 2, với tên đặt là "Ro****s Nest" (Tổ chim cúc cu) - bản jazz yêu thích nhất của anh, một tác phẩm nổi tiếng để đời của nghệ sĩ dương cầm Oscar Peterson.

Quán vắng khách, nên tôi có thể bật nhạc gì tôi thích. Tôi tìm bản "Ro****s Nest" trên Youtube, và bật nó nghe thử qua bộ loa nhỏ trong quán. Những tiết tấu ngẫu hứng, giai điệu dập dìu, lơ đễnh đặc trưng của jazz. Từng nốt nhạc rời khỏi phím đàn của Oscar, thoát ra và tạo thành những xoắn nhỏ li ti như xoắn của bào gỗ, lả tả rơi rụng quanh không gian. Tôi có cảm nhận rằng người chơi đàn hoàn toàn biến mất, hay toàn bộ thân thể, trí óc của anh ta đã vỡ tan như từng giọt nước và hòa vào bản nhạc, chỉ có những nhạc cụ nhảy múa và phát ra âm thanh sơ bản của chúng. Tôi cũng cảm thấy cái stress nặng chình chịch đè xuống lông mày và thái dương tôi, như đang được ai chọc ống tiêm vào và rút bớt chúng ra cho đầy một ống xi-lanh, và rồi người nghe cũng tan biến trong bản nhạc đó.

Tôi tiếp tục tìm và nghe những bài khác của Tam tấu Oscar Peterson như "Hey, Raymond", "Stardust", "I confessin' that I love", "Rent party" ... kết thúc bằng Corcovado trong tiếng hát trong trẻo của Astrud Gilberto, cũng là lúc phía bên ngoài có một đôi khách ngoại quốc đến quán.

Một phong vị tuyệt vời cho những ngày đầu thu tháng 8.
 
Ông già 80, nâu đá không bọt và sữa đặc xâm xấp 3 li.

04/8/2012

Những người trẻ tuổi,
Họ rũ mình lên chiếc ghế gỗ nhỏ
Như một chiếc tất cũ kỹ,
Tựa tường, nhìn những dòng xe mải miết đi lại
Từng giọt cà phê mệt mỏi rơi ...

Việc làm chủ một shop cafe nhỏ trên phố cổ, là dịp hiếm có cho tôi có thể ngồi bên hiên cửa, ngắm hàng giờ những dòng chảy của cuộc sống, sự chuyển mùa của thời tiết, và cái mặt hồ phẳng lặng trong cõi lòng mình.

Đối với tôi, chủ gặp khách cũng như một nhân duyên. Tại sao chủ lại chọn nơi này để mở quán cà phê? Tại sao khách lại chọn quán này để ngồi, giữa hàng vạn quán cà phê lớn nhỏ khác trong lòng Hà Nội? Để rồi cứ mỗi sáng sáng ấy, vẫn con người ấy, vẫn cái góc riêng của mình ấy, chiếc bàn nhỏ ấy, một suất đồ uống ấy ... Nếu không hợp duyên, khách sẽ đi lướt qua quán, hoặc chỉ uống một lần duy nhất rồi ra đi mãi mãi. Nếu hợp duyên, tôi sẽ có những người khách trung thành cho đến khi quán đóng cửa. Và rồi khách cũng sẽ trở thành tri kỷ. Việc bạn mở một quán cà phê, không phải là để bán đi những giọt đắng đen ngòm đó để đổi lấy tiền bạc vào túi mình. Việc mở quán cà phê, là bạn đang đi tìm và cóp nhặt những mối thâm giao tri kỷ.

Hồi còn học đại học, tôi thường lái xe ngang qua con đường rợp bóng 2 hàng cây trên phố Thuốc Bắc. Thật khó khăn khi phát hiện ra một quán cà phê nhỏ nhà hình ống, tấm biển sắt sơn xanh đỏ 4 chữ: "Cafe Giải khát" như những năm 94 trở về trước. Nó chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng tôi luôn nhìn vào quán đó mỗi khi đi xe qua phố. 5 năm sau, lần đầu tiên tôi bước chân vào quán và gọi một cốc nâu đá. Kế bước theo tôi có một cụ già, ước đoán cũng phải trên 80 tuổi đang lập cập bước vào. Cụ vừa đi, tay phải vừa nâng và xoa xoa vào mu bàn tay trái bị liệt của mình, cụ ngồi chậm rãi vào chiếc bàn thứ 3 tính từ ngoài cửa vào. Chiếc bàn đó như đã đợi người bạn già của mình suốt buổi sáng, nó "cót két" nhẹ vài tiếng hoan hỉ đón chào.

"Cho một nâu đá !"

Em gái nhỏ khẽ gật đầu rồi tất bật làm suất đồ uống cho ông. Bà chủ quán, đã ngồi đó tự hồi lâu hút thuốc lá, để mặc cho em gái quán xuyến hết cả những khách hàng ra vào quán và đảm nhận công việc pha chế, lúc này mới đứng dậy đi vào sau quầy. Tôi ngồi gần quầy, có nghe bà ý nói:

"Đừng. Ông này không thích đánh bọt, và cháu đổ sữa nhiều lên một tý, xâm xấp đáy cốc chừng 3 li là vừa."

Lúc đó tôi mới nhận ra ông cụ đó với quán là tri kỷ. Tôi không rõ quán cà phê này đã tồn tại ở đây bao nhiêu lâu, với cái biển sắt tróc gỉ này, hai cái quạt trần cũ kỹ và cái quầy bar trát bằng xi - măng và ốp gạch men này, và tôi cũng không rõ ông đã ngồi đây được bao nhiêu năm? 30 năm thì sao? Từ thời người ta vẫn còn 50 tuổi, cho đến lúc 80 gần đất xa trời thế này rồi ? Nhiều năm hơn cả số tuổi của tôi. Tất cả mọi chuyện đều có lý. Thế rồi cái quán ấy có luân chuyển người quản lý, người pha chế. Những người pha chế xưa cũ sẽ ngồi bên chiếc bàn riêng của mình hút thuốc, đứng trong quầy là một lớp người lao động đến tuổi mới, đang loay hoay với những phin cà phê, ấm nước sôi, đường, sữa, thuốc lá và những chiếc gạt tàn. Những mùa đến rồi đi, những người pha chế già rồi lại trẻ, thế nhưng cái suất nâu đá không bọt, 3 li sữa đó vẫn phải giữ nguyên phong cách của mình cho người khách 80 tuổi, sẽ mãi mãi trung thành như vậy cho đến khi ông ta ra đi mãi mãi.

...
Mấy anh bạn trẻ làm công sở, ngồi rũ như một chiếc tất cũ kỹ trong góc tủ, nhả lên chao đèn từng làn khói thuốc Marlboro. Tôi không biết ai mệt mỏi và vất vả hơn, người trông quán hay khách trốn cái nắng trưa hè trong văn phòng ngột ngạt, ra quán cà phê ngồi ngả ngốn thư giãn. Họ làm một hớp cà phê, bặm bặm đầu lưỡi rồi nói:

" Em cho anh xin thêm ít sữa. Cà phê quán em đặc quá."

Tôi nâng cốc cà phê của khách lên cao tầm mắt mình, tay phải nâng cao ly rót sữa, khẽ nghiêng một góc 75 độ, sữa bắt đầu chảy xuống tạo thành cột thẳng đứng. Cốc cà phê nuốt những giọt sữa vàng rớt xuống. Trong tâm trí tôi lại nhớ về câu chuyện "Ông già 80, nâu đá không bọt và sữa đặc xâm xấp 3 li".
 
Bà lão bên ga Hàng Cỏ

11/8/2012

Khi bài hát "Trở về" của Bức Tường kết thúc, anh bạn đặt cây đàn xuống góc quán và những người khách cuối cùng trong ngày lục tục ra về, tôi dọn rửa cốc chén, lau quét quán một chút và cũng đóng cửa ra về. Đồng hồ chỉ đúng
23:00.

images735720_KL_110_ba_lao_an_may__1_1.jpg


Con phố Nguyễn Hữu Huân này, có lẽ nó không bao giờ ngủ. Phía bên kia đường là quán Ốc gái Sài Gòn, người ta vẫn ăn ăn uống uống, mùi sò huyết nướng ngầy ngậy thơm phức đầu mũi tôi. Góc phố đó vẫn xập xình tiếng nhạc của hai chàng trai hát dạo, vừa đẩy loa đi dọc phố, vừa hát những bài hát của Đàm Vĩnh Hưng, vừa ... bán kẹo cao su. Đôi bố - con ăn xin ngồi trên xe lăn lại đi ngang qua cửa quán tôi, lần này là lần thứ 4 tính từ tối đến giờ. Ông bố tưng tửng một bài hát chế nào đó liên quan đến tiền bạc, chắc hôm nay họ kiếm được kha khá, nên vui lắm. Vỉa hè đối diện bên kia đường là 2 tốp cảnh sát cơ động, chọn chỗ đứng ngay dưới cây cột điện không sáng đèn và bắt những xe không đội mũ bảo hiểm. Cảnh cuối cùng tôi nhìn thấy là người bị xử phạt được đưa ra góc gặp anh đội trưởng, rút ví ra và gập ví vào.

Phóng xe quá một đoạn lên đầu con phố là khu vực "Trà chanh Thượng đế" ngoài vỉa hè. Quán đó khá đông các bạn trẻ xì-tin, mỗi người một phong cách. Tôi bắt gặp bóng dáng chiếc váy trắng quen mắt vẫn đi qua đi lại từng tốp khách đang uống trà chanh, mời chào mua thuốc lá. Hàng ngày, tôi thấy chị gái váy trắng đó đi dọc con phố Nguyễn Hữu Huân, lang thang bên ngoài các quán cà phê và mời chào thuốc lá. Họ làm việc từ 9h sáng, vậy tại sao đã 11h đêm, họ vẫn còn lang thang ngoài này? Tôi tự hỏi, liệu một ngày chị ta bán được bao nhiêu bao thuốc? Có ai trả lương chị hay không? Quán cafe nào cũng có thuốc lá, liệu khách nào sẽ mua thuốc từ một người bán dạo như chị ta? Chị ta đi dọc con phố trong đêm tối như vậy, đã bao giờ gặp kẻ gian hay chưa? Chị ăn tối lúc nào? Chị trở về nhà lúc nào ? ...

Đến gần vườn hoa Lý Thái Tổ, tôi lại gặp một đám đông lình xình bên vệ đường. Một người đàn ông cầm ống tuýp sắt, vừa chửi bới om sòm vừa định đánh hai người phụ nữ. Một anh lái xe ôm đứng đằng sau xốc lấy nách người đàn ông kia, ra vẻ can ngăn. Hỏi ra mới biết người đàn ông cầm tuýp sắt là thằng ăn cắp, khi ăn cắp của hai người phụ nữ kia không thành, bị nạn nhân la lớn lên báo động, thì thằng ăn cắp chầy bửa rút ống tuýp định dằn mặt nạn nhân. Kiểu ăn cắp không thành, định quay ra đánh nạn nhân vì can tội dám la lớn, đúng là tôi mới gặp lần đầu ở cái Hà Nội này.

Kétttttttttttttt....

Một chiếc xe Wave lao tới và phanh gấp, hai thanh niên đội mũ lưỡi trai lao xuống, họ còn không kịp rút chìa khóa và dựng chân chống cho ngay ngắn, chiếc xe đổ kềnh ra đường. Hai thanh niên này thuộc đối tượng trẻ trâu, đi uống trà đá bên kia đường, thấy chuyện bất bình nên nhảy vào can thiệp. Một người tước ống tuýp, một người thì lao vào đạp thằng ăn trộm túi bụi. Thằng ăn trộm dằng mình ra khỏi ông xe ôm, chạy vội ra chiếc wave đang nằm dưới lề đường, định dựng lên và nổ máy thoát thân. Cậu thanh niên kia đuổi kịp và vật thằng này ra, đoạn dùng chân giẫm vào đầu thằng ăn trộm để giữ. Thằng ăn trộm nằm dưới đất, chửi bới om sòm. Thấy cảnh tượng hơi hãi hùng, hai người phụ nữ và một số người khác vội can:

"Thôi em ơi, thằng này nó bị nghiện ý mà, đừng đánh nó kẻo tội. Mình gô cổ nó lên công an phường là được rồi em ạ."

Thằng ăn trộm vẫn chửi lớn. Thanh niên thứ hai đang sẵn ống tuýp trong tay, phang thẳng một phát vào xương ức thằng ăn trộm, nghe cái "Bập", như thể vừa nện vào một bao tải đựng đầy cát. Thằng ăn trộm rống lên thảm thiết, nó đổi giọng:

"Ối đau quá mẹ ơi - Nó đau thật - Em xin các anh, em lạy các anh. Các anh đừng giết em, em chết mất. Huhuhu ..."

Không thể chịu được cảnh hỗn độn này, tôi phóng xe đi tiếp.

23:23

Tôi ngưng lại để nghe điện thoại. Mẹ gọi, hỏi về đến đâu rồi. Giữa con phố, một quán nướng Trung Hoa đang dọn hàng. 5,6 người nhân viên vừa cười đùa với nhau, vừa lau dọn, rửa bát đĩa. Họ trẻ lắm, trông họ như chỉ mới 18, đôi mươi, những nét mặt không giống người Hà Nội.

23: 35

Một bà cụ lưng còng, đội nón và lập cập xách cái mẹt bên hông, đi ngang qua Ga Hàng Cỏ. Đít quần cụ bạc phếch do ngồi lê la nhiều. Tôi không rõ cụ bán cái gì trong chiếc mẹt đó. Ánh vàng vọt đèn đường trên con đường Lê Duẩn vắng lặng, một bà cụ cứ đi mãi, đi mãi trên con đương đó. Nhà cụ ở đâu? Vì con đường Lê Duẩn này dài những gần 500m nữa. Đi hết Lê Duẩn, rồi sẽ đến con đường Giải Phóng, một bên là dải chắn tàu, một bên là công viên Thống Nhất, còn con đường Giải Phóng cứ dài mãi. Nhà cụ ở đâu? Và cụ đi về đâu trong đêm vậy ?

Tôi vẫn phóng xe đi, với tốc độ thậm chí dưới 30km/h trên đường Giải Phóng, trong đầu vẫn luẩn quẩn hình ảnh về cụ già đó. Tôi đã từng gặp những cụ già đi ngang qua cửa quán cà phê của tôi. Có cụ thì chìa bàn tay gân guốc của mình ra, trong lòng bàn tay nhỏ xíu xương xẩu đó là những quả ổi vàng cáu bẩn, mà cụ bảo là nhặt ở sân nhà mình. Rẻ lắm, có vài nghìn bạc mà cả túi nylon đầy ổi, ăn không hết, để rồi tôi buộc phải bỏ vào thùng rác vì mùi của ổi chín dậy lên khắp quán. Có một cụ khác thì bán rau muống dạo. Nhưng quán cafe thì có nấu ăn gì đâu? Mà chúng cháu là thanh niên, bữa cơm mẹ nấu tràn trề ở nhà có khi còn ăn không hết, chúng cháu có mua rau bao giờ đâu? Nhưng nhìn thấy cụ già bán rau, anh bạn tôi lại rút tiền ra 5 nghìn để mua một mớ. Để rồi khi anh bạn ra về, mớ rau đó vẫn còn để nguyên trước cửa quán của tôi.

Tôi lại nhớ đến số phận của hai người già khác ở góc phố nhà bà nội tôi, 19 phố Thuốc Bắc. Một bà thì có nhà ngay phía đối diện nhà bà tôi. Hồi nhỏ, tôi vẫn thường thấy bà sang chơi với bà tôi, cười nói, nhặt rau, uống trà. Nhưng khi tôi học đại học, thi thoảng lên chơi nhà bà nội, tôi chỉ nhìn thấy bà già kia qua chấn song cửa sổ trên gác 2, nhà đối diện, buồn bã nhìn xuống con phố. Bà nội tôi bảo, bà già kia bắt đầu mất trí nhớ, xểnh ra là hay đi linh tinh, mà con cái ban ngày cũng phải đi làm ăn cả, chẳng còn cách nào khác đành nhốt mẹ trong nhà. Bà già ấy quên cả bà nội tôi. Hàng ngày chỉ ngồi đó, nhìn xuống con phố Thuốc Bắc qua song sắt. Đến một ngày, tôi không trông thấy bà trên ô cửa đó nữa.

Lại có hai bà cháu khác, một ngày đi ăn xin ngang qua cửa nhà bà nội tôi. Bà nội tôi khóc, khi nhận ra bà già kia ngày trước ngồi bán nước chè ở đầu con hẻm, phố Hàng Hòm. Bà nội hỏi:

"Cụ ơi, con cái cụ đâu, mà sao hơn tám chục tuổi đầu này mà phải đi xin ăn thế này?"

Tôi không nhớ câu trả lời cụ già kia ra sao, vì lúc đó tôi còn quá bé, để nghĩ rằng đó là một chuyện đau xót. Ấn tượng trong tôi, là bà nội đã lấy trong hòm của bà, một chiếc áo len tím mới nguyên, còn thơm mùi băng phiến , cộng thêm một chiếc bánh chưng, một chồng bát và đũa mới trong chạn, để cho cụ già kia. Và đó cũng là lần duy nhất cụ già cùng đứa cháu nhỏ của mình, xuất hiện trước cửa nhà bà nội tôi.

Ôi, Hà Nội ...
Cái mảnh đất màu mỡ, mà hàng ngày người ta kèn cựa nhau từng cm một để mưu sinh, là miền đất hứa của bao lớp người ngoại tỉnh lên đây kiếm sống, cho dù phải làm bất kỳ nghề nào. Sâu trong thâm tâm tôi, tôi chỉ cảm nhận thấy một sự quá tải. Quá tải về dân số, quá tải về sức chịu đựng cho mỗi kiếp người, quá tải cả về lòng thương. Hàng ngày, tôi vẫn bắt gặp những mảnh đời như vậy, le lói dưới ánh đèn đường, đến đêm vẫn chưa được về nhà ngủ. Con tim ta thì nhỏ bé lắm, thương xót làm sao cho hết những kiếp người? Giới hạn chịu đựng của những người mưu sinh liệu được đến bao nhiêu? Từ những đứa bé con đi ăn xin, sẵn sàng quỳ mọp xuống chân khách để người ta chửi, đạp, chỉ để chày bửa kiếm được vài nghìn đồng; đến những cô gái điếm rẻ tiền bước đi ngang dọc những con phố bẩn thỉu, những người nhặt ve chai ngủ quên đời bên chiếc xe đạp chở đầy đống sắt vụn của mình; những bà già lủi thủi với chiếc mẹt của mình, với giá trị món hàng hầu như rất thấp.

Chỉ cần bước ra con phố thôi, bạn sẽ gặp những cảnh tượng đó hàng ngày. Chúng ta cố lờ đi, không nhìn vào đó, không muốn lòng thêm đau, để mà sống. Chúng ta chỉ nói rằng:

"Xã hội này là thế, biết làm sao được !"

Để rồi cố quên đi.

Tôi cố cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của mình, cố trở về nhà, cố tắm rửa, cố quên đi mọi chuyện, trong giấc ngủ của mình.

2:25 sáng 11/8/2012.

Vẫn chưa ngủ được ...
 
(06/11/2012)

Đốt thì bị giết
Không đốt thì đói
Đập muỗi xong thấy đời phù du.
 
Last edited:
Một cái truyện được viết trong chăn

378573_373806906021008_1866465578_n.jpg

Ảnh sưu tầm, chỉ mang tính chất mình họa

Mới chớm đông, đôi khi tôi giật mình vì không ngờ nó lại lạnh đến thế.

Và tôi thấy thật sáng suốt khi mình mua ipad trước mùa đông. Tôi sẽ nằm lì trong chăn để đọc ebook, nếu cái "tiếng gọi của lương tâm" không vọng ra từ đầu mình rằng:

" Này, ra khỏi chăn và làm gì đi chứ?"

Thời điểm này tôi chẳng còn mấy hứng thú nằm nhàn đọc sách, vì cứ mỗi lúc giở trang sách ra là trong thâm tâm mình lại nóng như lửa đốt, không lĩnh hội được điều gì cả. Thời điểm này tôi lại hay la cà quán xá, ngồi gọi cốc cafe ra rồi nâng lên đặt xuống, dò xét những đôi khách bước vào quán, trong đầu tự hỏi liệu tôi có thể làm ăn được một cái quán ngon nghẻ hơn thế không?

Rồi cứ mỗi khi uống cafe vào, tôi thường ngồi viết rất nhiều (dĩ nhiên, trên blog của một nền ứng dụng khác chứ ko phải note trên facebook). Cả một đống những điều mình muốn nói nó cứ tháo chảy ra khỏi đầu ngón tay khi gõ lên bàn phím. Dẫu không phải là một tín đồ của cafein, nhưng tôi phải công nhận cái anh chàng này có sự lợi hại. Lợi vì nó kích thích trí não mình, hại vì mình bơ phờ và mệt lả ngay sau đó. Những gì tôi muốn viết tiếp thì lại đến sau khi cái anh chàng cafein tan đi, thế là bao nhiêu cảm hứng, suy tư, tâm sự nó lại rủ nhau cũng tan biến hết cả, để lại khổ chủ với một đầu óc mệt lả đang đi tìm chiếc gối để ngủ vùi.

Viết, dù chẳng để làm gì, chẳng kiếm nổi một cent nào và có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ phù hợp với việc viết lách nói chung. Đến dạo gần đây tôi mới nhận ra chân lý này. Nó chỉ thi thoảng hiện ra như cơn đói bất chợt, ăn một tý vào rồi no. Chứ tôi không phải là loại người cần viết để mà sống, và sống chỉ để viết. Tôi sẽ vẫn đọc sách, vẫn viết những thứ vớ vẩn này, lưu trong sổ, lưu trong máy tính, ipad,v.v... Cho đến một ngày nào đó cảm thấy mình đã đọc đủ, viết đủ, thì dừng. Có lẽ sau cái ngày đó, tôi sẽ không đọc bất cứ cuốn sách nào nữa, và cũng không viết một cái note hay blog nào nữa.

Trời vẫn mưa như đái dắt. Cái khó chịu của thời tiết là ở chỗ nó thường rất ẩm ương, không dứt khoát. Những tưởng mưa cho xong một trận đi rồi rét thì rét đi, mà nắng ấm lên thì lên đi. Nhưng không, mỗi ngày mưa một tý, lại dừng, giữ lại một đống mây bao phủ trên đầu, để ngày mai mưa tiếp. Rồi những lúc tưởng nó tạnh, thì lại mưa. Tưởng trời vẫn mưa, thế nhưng nó lại ấm lên và ngoài đường hửng nắng tuyệt đẹp, còn ta thì nằm ngủ quên trong nhà và bỏ lỡ một buổi chiều dạo phố.

Nhà tôi ở khi tập thể, cứ mỗi độ 10h sáng là nghe chừng thanh niên đã đi làm hết, trẻ con đã được đem đi gửi, các bà cô sồn sồn thì đã khoá trái cửa nhà và đi chợ. Ấy thế nhưng vẫn có cái thằng tôi vẫn đang nằm trùm chăn ngủ, và bác hàng xóm nhà bên cạnh không hay biết điều đó. Nhà bác này hiện nay đang phải nuôi báo cô nột bà cụ gần 100 tuổi, họ hàng thế nào đó với gia đình nhà chồng. Bà cụ này thì bị tâm thần, giờ lại không tự chủ được trong cái khoản đi vệ sinh và ăn uống. Vậy nên ngày nào cũng chính xác như đồng hồ báo thức, 10 sáng là tôi được đánh thức bởi tiếng chửi bới, quát nạt và những "âm thanh của đánh đập" được phát ra từ ngôi nhà bên. Đúng là tai vách mạch rừng, nằm bên này mà nghe rõ như đang xem tivi. Tôi hợt chột dạ, vì không rõ những lần mình ngồi trên phòng xem phim xxx, bật tiếng có hơi to thì nhà bên có nghe thấy gì không. Cuộc đối thoại mà hàng sáng tôi thường nghe như sau:

_ Ai cho mày ỉa? Hả? Mày ỉa một lần nữa là tao bắt mày ăn hết đống cứt này đấy, rõ chưa? (Bốp) Ôi dời ơi, sao cái thân tôi khổ thế này? Tại sao mày già rồi mà không chết đi hả đồ sống dai, hả, hả? (Hình như là thêm mấy cú đạp, bà cụ 100 tuổi ú ớ gì đó trong mồm). Đm mày nhé, mày mà gặp người ngoài rồi nói chuyện linh tinh thì tao đập nát đầu mày ra. Rõ chưa, rõ chưa hả con chó (tiếng nghiến răng nghiến lợi như thể vừa rít vừa véo tai)

Tôi thường thấy một nghịch lý, là những cụ già nào bị ngược đãi nhiều thì lại sống rất dai. Dai đến mức như họ sống có khi còn khổ hơn là chết quách cho xong, ấy nên là cứ cái gì khiến con người khổ hơn, tạo hoá sẽ lại nghiêng về vế đó. Mỗi lần ra ngoài ngõ, tôi gặp bà cụ này thất thểu đi về, thân hình dị dạng mà đúng là từ bà phát ra một cái mùi khắm không thể ngửi được. Và cũng mỗi lần, khi tôi gặp bác gái kia ở ngoài ngõ, bác vẫn đon đả chào tôi, hỏi chuyện tôi ngọt xớt, đến mức độ không ai nghĩ rằng giọng nói tôi nghe qua bức vách kia và giọng đang nói trước mặt tôi, lại là từ một người:

_ à thế à? Ôi dổ ôi, sao con bé người yêu cháu nó giỏi thế? Thế bao giờ 2 đứa cưới nhau? Cưới đi chứ còn chờ đợi cái gì nữa? Bác thấy thời điểm này 2 đứa cưới nhau là hợp lý quá còn gì.

Vâng dạ vài câu rồi mỗi người đi một nẻo. Cũng thật là may mắn là dạo này bà cụ kia đã được chuyển đi đâu đó, có thể sang nhà một người quen khác, có thể là đã được bí mật thuyên chuyển đến một trung tâm bảo trợ xã hội nào đó. Không ai biết được, nhưng tôi không còn nghe những tiếng mắng chửi độc địa vào lúc 10h sáng nữa, và bác gái kia lại có cơ hội để diễn đúng vai "người tốt" với bà con lối xóm của mình.

Kể từ đó trở đi, tôi lên gác và dọn lại đống phim trong máy của mình, xoá đi phải quá nửa số lượng phim, chỉ những cái nào chất lượng HD, có nội dung phải làm người ta rớt nước mắt vì đê mê thì mới lưỡng lự mà để lại. Thi thoảng tôi cũng có xem phim, nhưng không còn vặn tiếng to như trước nữa. Rồi đến một ngày, tôi quyết định làm điều gì đó để refresh lại mình, tôi thò đầu ra khỏi chăn, xách giầy đi chạy và trở về dọn dẹp lại căn phòng của mình. Những gì tôi lưu luyến giữ lại, những đĩa hát mình đã nhịn ăn sáng để mua, những bức thư trao tay thời cấp 3, những bưu thiếp giữ từ hồi cấp 1, tôi gói gọn lại và vứt hết.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,616
Bài viết
1,153,958
Members
190,146
Latest member
sportifiles
Back
Top