What's new

Nhật ký một chuyến đi

Ngày...
Tôi ngồi gõ những dòng này trong một khách sạn vào loại sang trọng nhất Việt nam : Hilton Hanoi Opera. Những tưởng khi được nhận sự phục vụ chu đáo và cao cấp, người ta sẽ cảm thấy thoải mái, thanh thản; nhưng tâm trạng con người thực ra không hẳn chỉ do điều đó chi phối. Ngoài sức ép của tiến độ công việc khiến căng thẳng đầu óc, những nghịch cảnh xảy ra trước mắt cũng dễ dàng làm cho một kẻ như tôi buồn.

Hơn 10 giờ tối,tạm xong việc, vẩn vơ, tôi rời khách sạn Hilton dạo phố. Cánh taxi, xe máy đon đả chào mời, nhưng tôi đều mỉm cười từ chối. Tôi muốn một mình dạo bước trên những hè phố của tuổi thơ.
Đi dọc theo phố Lê Thánh Tông vắng vẻ, lúc ngang qua đại học quốc gia, tôi nhớ đến lần đầu nhìn thấy Bác Hồ trong lễ đón tiếp Tổng thống Indonesia; mới đó mà đã 40 năm trôi qua rồi.
Phố Hàn Thuyên vắng xe qua lại thường chỉ vang lên tiếng nô đùa với những trò trốn tìm, "sôvê" của lũ trẻ hồi nào giờ đã biến thành "phố ăn uống" tấp nập cả ngày đêm. Cái ngõ 25 rộng rãi, nơi chúng tôi thường đánh đáo, chơi khăng đã trở nên nhỏ hẹp vì nhiều nhà xây lấn ra ngõ. Khi ngang qua quán Karaoke nhấp nháy đèn mờ, dập dìu tiếng nhạc tôi nghe thấy những lời mời mọc dịu dàng, êm ái. Cám ơn, tôi đâu có nhu cầu.
Đường Phan Chu Trinh đã biến thành đường một chiều từ khi nào chẳng rõ. Gara ô tô mái lợp nhôm xập xệ ở nhà 57 đã thành toà nhà 7 tầng.
Xưởng cơ khí 1/5 đã không để lại dấu vết nào, thay vào đó là toà nhà đồ sộ của Bộ Tài chính, được xây theo kiến trúc Pháp, trông đẹp mắt nhưng chẳng hề hài hoà với phố xá. Xưởng cơ khí 25 cũng đã biến thành cao ốc văn phòng 8 tầng. Ngôi nhà góc phố gắn bó bao năm tháng với tôi cũng đã được một ngân hàng sửa sang lại, ốp kính cả mấy tầng trông thật sang trọng. Nhà trẻ Hoa Hồng, nơi TT đã từng được gửi gắm cũng khác hẳn trước với những "bập bênh" , "cầu trượt" sặc sỡ. Chợt nhớ chính tại ngôi nhà này, khi đó là địa điểm bầu cử, trong đội trống của Đội thiếu niên, tôi đã được đón Bác, đứng cách Bác chưa đầy 1 mét.(1964)
Quảng trường Nhà Hát Lớn đã hiện ra trước mắt, được thiết kế hệt như Opera House ở Paris, nhưng nhỏ hơn và không được chiếu sáng toàn khối nhà nên không rực rỡ bằng. Sẽ có mấy đêm nhạc Thanh Tùng, nhưng với giá 500 ngàn, người dân thường nào có thể mua vé?
Trở về khách sạn đã hơn 11h nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Trong căn phòng được trả với giá hơn 200UsD/ đêm, tôi gõ:" Hà nội, cũng như cả nước phát triển quá nhanh, song khoảng cách giầu nghèo cũng gia tăng đáng kể... Lạm phát đang ngày càng tạo thêm áp lực đến đời sống người dân nghèo... Cho dù như thế, Hà nội vẫn đáng yêu vô cùng và hạnh phúc nhất có lẽ là những ngày đang sống ở quê".


Ngày...
Cứ nghĩ với thời gian gấp gáp như thế, công việc tất sẽ khó đạt kết quả theo mong muốn. Vậy mà mọi việc suôn sẻ đến không ngờ, kể cả những việc không có trong dự kiến. Đóng góp của những người chủ trì thật quan trọng, nếu không mưốn nói rằng chính họ đóng vai trò quyết định. Anh Hà là một trong số đó. Người cựu chủ tịch hội du học sinh tại Melbourne năm nào giờ đã trở thành Giám đốc một trung tâm lớn của ĐH Đà nẵng. Làm việc với anh thật yên tâm. Anh vừa có cái uy của người lãnh đạo, vừa có sự chân tình của người bạn. Linh lợi, tinh ý, quyết đoán, giỏi xã giao, có trí nhớ tuyệt vời... phải chăng những phẩm chất đó đã giúp anh thành công: thăng tiến trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong gia đình và ...giàu?

Sau bao ngày khá bận rộn, chiều nay mới tạm "thư giãn" chút ít. Bãi biển của Furama khá đẹp; thoai thoải bờ cát trắng mịn, sóng dạt dào ào ạt trào dâng. Dù hơn 5 giờ vẫn cố "gỡ gạc" tắm biển. Đúng lúc leo lên bờ thì nhận được tin nhắn của anh " 6Pm đến đón anh đi chơi và ăn tối". Tiếc biển đẹp vẫn đành về tắm. Lúc xuống sảnh đã thấy vợ chồng anh đợi từ bao giờ. Chiếc Fiat của anh đưa tôi dạo Đà nẵng. Nhớ hơn 3 năm trước tôi nhận xét "thành phố này như bị bom" bởi có rất nhiều ngôi nhà đổ nát do giải phóng mặt bằng . Nay thì cảnh tượng khác hẳn. Đường phố rộng rãi, nhà cửa khang trang. Bộ mặt của một thành phố hiện đại đã thành hình.
Bữa cơm tối trên bán đảo Sơn Trà khá thân tình. Tin rằng trong tương lai sẽ còn nhiều dịp cùng làm việc với nhau.
...
Ngày...
Trái ngược hẳn với Đà nẵng, tại Thành phố Hồ Chí Minh việc triển khai công việc quá "ì ạch". Cũng là dân du học Melbourne về, cũng đã leo lên chức phó giám đốc của một trung tâm lớn tại ĐH QG, vậy mà tại sao vị tiến sĩ này lại thiếu hẳn năng lực cần thiết để tổ chức công việc và sự nhiệt tình cần phải có? Lại càng khẳng định yếu tố con người. Không phải cứ có bằng cấp và chức danh là con người ta đã có thể thực hiện được mọi thứ " trong tầm tay". Cũng may là đã rèn được tính nhẫn nại nên không nổi cáu khi phải đưa ra những đề nghị, những yêu cầu mà đáng ra họ phải nghĩ ra và làm từ trước.

Ngày...
Cảm nhận ban đầu về người khác có thể khá đúng mà cũng có thể rất... sai. Gương mặt khó đăm đăm của phó G Đ sở GD& ĐT Bến tre khiến tôi nghĩ anh la người khó gần, khó trao đổi công việc. Thế nhưng khi làm việc mới thấy đằng sau nét mặt "càu nhàu" đó là một con người từng trải, chân tình và khá cởi mở. Khi tôi ngỏ ý muốn đến thăm 1 trường ở vùng sâu vùng xa, an đã ngay lập tức nêu tên một loạt trường. Vì thời gian eo hẹp, tôi quyết định đến An Hiệp, một trường sát biển thuộc huyện Ba Tri, quê hương của những danh nhân : cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, nhà nho Phan Thanh Giản, vị nữ tướng Nguyễn Thi Định... Đường xa, không thể đi về trong ngày, tôi sẽ nghỉ một đêm tại mảnh đất đồng khởi kiên cường này. Như vậy là tôi sẽ phải đổi một đêm "tiêu chuẩn" khách sạn 5 sao tại Sài gòn để lấy một nhà nghỉ nào đó tại huyện lỵ hẻo lánh; nào có sao đâu khi thực ra tôi còn mong muốn được ngả lưng trong một ngôi nhà dân dã ở xứ sở " ai đứng dưới bóng dừa" này.

Ngày...
Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Long An đã tạo cho tôi ấn tượng sâu đậm bởi thái độ lịch duyệt, giọng nói dịu dàng và đặc biệt nhất, kiến thức uyên bác và tầm nhìn xa của chị. Hỏi kỹ mới hay chị từng là dân du học tại Pháp những 2 lần và đã có bằng tiến sĩ. Thảo nào! Chắc chắn trong tương lai sẽ còn có dịp trò chuyện và làm việc với chị.

Ngày...
Các cụ có câu "đi một ngày đàng , học một sàng khôn" quả không sai. Có dịp đến các vùng khác nhau của đất nước thật hữu ích. Học hỏi được rất nhiều điều. Biết bao con người mới lạ mà quen tưởng chừng như đã biết nhau từ lâu lắm rồi. Thế nhưng cũng cảm thấy sợ. Sợ thực sự cho một nếp văn hóa mới. Suốt từ Hà nội, Đà Nẵng, TP HCM đến Bến Tre, Long An rồi Vĩnh Phú, cứ xong việc là... nhậu, là trăm phần trăm. Không uống không "chân tình" mà uống thì ... xỉn. Chắc TT sẽ không thể tưởng tượng nổi những pha dô dô mà tôi được làm... nạn nhân.

Mấy năm trước tôi đã có dịp đến Sở GD & ĐT Bắc giang và được GĐ sở khi đó là bác Sơn tạo điều kiện làm việc với cơ sở rất thuận tiện. Lần này đến bác đã nghỉ hưu, tiếp tôi là anh Thọ, trông khá trẻ so với chức vụ này. Thế nhưng khi anh "tự bạch" mới hay anh đã ngoài 50.
Đưa tôi xuống Phòng GD huyện Lục Nam là anh Hưng, trưởng phòng ĐT. Tôi ngờ ngợ đã từng gặp anh mà không dám bộc bạch ý nghĩ đó. Công việc ở đây triển khai khá tốt và khi xong việc, lại nhậu. Lần này tôi chỉ uống "cầm chừng" mà không trăm phần trăm như các vị ở địa phương vì buổi chiều tôi có kế hoạch riêng...

Tôi bảo lái xe đưa tôi về Phương Sơn, một địa danh chìm khuất với mọi người nhưng lại là nơi tôi từng gắn bó mấy năm trời trong cương vị lãnh đaọ. Thật may ở đó tôi còn gặp được 3 người quen cũ trong số hơn trăm người cùng làm việc trước đây và những người sau này về nhận những cương vị chủ chốt đều đã nghe nhiều chuyện kể về những đóng góp của tôi ở đây. Ôn cố tri tân thật vui; tôi kể về những khó khăn mà tôi phải đương đầu khi ở Lục Nam. Không phải chỉ có thành công to lớn mà có cả thất bại nặng nề. Thông điệp mà tôi gửi qua những câu chuyện kể chính là Ý CHÍ CỦA CON NGƯỜI TẠO NÊN SỐ PHẬN. Không sờn lòng khi vấp ngã, không tự kiêu khi thắng lợi, cần luôn đặt cho mình những mục tiêu cụ thể rồi quyết tâm thực hiện bằng được và điều chính yếu nữa là phải luôn sống có tình, có lý.

Xin mượn ý của một 'điệp khúc' quen thuộc để cải biên (Chính phủ của dân, do dân và vì dân): Cuộc sống của mình, do mình và (đương nhiên) vì mình. Bạn đồng ý với tôi không?
 
Uống hay không uống rượu là do mình mà bác, em cũng phải đi tiếp khách nhưng chưa được trăm phần trăm như bác :D. Có lẽ do em là con gái và cũng không biết uống nên họ không mời em %.

Nhưng cái % của người mình đó chính là thể hiện tấm lòng nhiệt tình, chân thành với khách, mỗi khi trăm % xong, ta lại được bắt tay nhau, hình như tục lệ là thế, bác ạ.

Bác cũng đừng buồn, xã hội nào mà chẳng có tiến lên và có mâu thuẫn, theo triết học thì xã hội có mâu thuẫn thì mới có sự phát triển.
 
Lạc vào đây em thấy bác đang trăn trở, em cứ thấy có cái gì đó buồn buồn toát lên trong từng câu chữ. Hy vọng bác giúp được nhiều cho đất nước cho cái khoảng cách giàu nghèo không bị đẩy xa ra mãi
 
Lạc vào đây em thấy bác đang trăn trở, em cứ thấy có cái gì đó buồn buồn toát lên trong từng câu chữ. Hy vọng bác giúp được nhiều cho đất nước cho cái khoảng cách giàu nghèo không bị đẩy xa ra mãi

Cám ơn em. Nhật ký viết cho bản thân là chính nên giọng điệu... nó thế.
Thời gian trôi nhanh thật. Không ngờ 1 năm đã trôi qua từ những dòng gõ trên.
Chuyến đi 'xuyên Việt' lần đó thực ra còn có những kỷ niệm hết sức thú vị.

Trên chiếc xe 7 chỗ từ Mỹ tho đi đại họcTrà vinh hôm đó có hai 'hành khách' đặc biệt, đó là vợ chồng Professor Richard James (nay là hiệu phó Đại học Melbourne).
Đến Trà vinh trời đã tối, tôi bảo lái xe tìm một quán ăn "kha khá một chút". Lái xe quê miền bắc, lần đầu đến thị xã xa xôi này nên không 'đưa đường chỉ lối' được. Sau mươi phút lòng vòng mơi` thấy một quán treo biển "Gà nướng đặc biệt" khá vắng khách, chúng tôi dừng xe bước vào. Hai vợ chồng chủ quán đều quãng trên năm mươi đon đả, quán sắp đóng cửa nhưng thức ăn đồ uống vẫn đủ phục vụ đoàn. Quán bình dân nên không có thưc đơn, hỏi có những món gì, người vợ nhanh nhảu đáp, có gà nướng và mướp khổ qua nhồi thịt, canh chua. Được, dọn cả ra đây.
Chỉ một loáng, mâm cao cỗ đầy đã được dọn ra, nóng và thơm. Tôi gọi thêm bia cho mọi người và kín đáo quan sát hai vợ chồng Tây ăn món Ta. Họ dùng đũa chưa thành thạo cho lắm, nhưng gắp chả rơi bao giờ, ăn uống ngon lành mãn nguyện, kể cả món mướp đắng lần đầu được thưởng thức.
Nhiều tháng sau đó, khi được giaó sư mời ăn BBQ tại nhà riêng ở Melbourne, giáo sư còn nhắc lại: hôm đó ăn ngon quá, mà sao rẻ thế không biết, cả ăn cả uống mỗi người hết có 3 $.

Rời Trà vinh, xe đi tới Đại học Đồng tháp. Tôi đã có dịp ghé qua đây nên gợi ý với gs một điều mà tôi biết ông sẽ có những ngạc nhiên thú vị: sau khi làm việc với BGH, gs đề nghị được thăm ký túc xá nhé.
Đúng là ông không thể tưởng tượng nổi, trong một gian phòng không tới 10m2 có tới 8 sinh viên ở trên 4 giường tầng, khoảng 2m2 phía sau là khu phụ với bếp và toilet. Thấy vợ chồng gs kinh ngạc, tiến sĩ Kim bảo, chỗ ở cho sinh viên như thế này là 'nhảy vọt' so với thời tôi học ở Hà nội, 22 sinh viên chen chúc trong một phòng và phải đi hứng nước ở xa...

Trên đường đi Đại học Cần thơ, xe đi qua nhưng làng mạc ven đường, gs nẩy ra ý định: có thể thăm môt gia đình nông dân không nhỉ? Tôi trả lời ông, việc đó quá đơn giản rồi quay sang bảo lái xe, em rẽ vào một con đường nhỏ bất kỳ rồi đi vài km sau đó lại rẽ tiếp, đi đến kịch đường thì mình dừng lại, anh muốn dẫn ông bà Tây này vào một nhà thuần nông.
Lái xe rẽ theo một con đường ven mương gập ghềnh đi như tôi dặn rồi dừng khi không thể đi được nữa. Tất cả xuống xe đi bô ven theo lối mòn nhỏ. Tôi bắt chuyện ngay với một phụ nữ đang đi ngược lại, gia đình mình có ở gần đây không? Dạ (tiếng miền nam nghe sao ngọt thế), nhà em ngay kia. Theo tay chị chỉ, chúng tôi thấy một ngôi nhà là nhỏ xinh ven bờ mương cách chừng trăm mét.
"Ông bà tây này muốn ghé thăm nhà em, được không?"
"Dạ, được ạ" (tôi mà ở đây lâu dám chết vì tiếng dạ này quá).
Chị đỏ bừng mặt rồi cười ngặt ngoẽo khi nghe ông Tây chào bằng tiếng Viết sai dấu "cha`o bu(ô`)i sang".
Vợ chồng chị cùng 2 con ở trong ngôi nhà có 4 phòng nhưng tất cả các phòng đều thông thống, không có bất cứ cánh cửa nào, kể cả cửa sổ. Hiên trước để một số chum nước đục, gánh từ mương về, để lắng dùng cho tắm rửa. Hiên sau có mấy chum hứng nước mưa để ăn uống. tranh thủ lúc đứng sat giáo sư, chị đưa tay nắm cổ tay ông rồi mộc mạc khoe: từ trước đến giờ em chỉ thấy ông Tây trên TV, hôm nay vừa được gặp lại còn được sờ vào người ông Tây nữa. Mọi người cười ồ. Tôi quay sang trêu vơ ông, lần sau đi Việt nam, có dám cho Richard đi một mình không? Bà cười, vô tư đi...
Tôi chụp ảnh kỷ niệm, bảo cháu gái con chị ghi địa chỉ để gửi ảnh.
Tờ giấy đó tôi giữ không cẩn thận, chắc ở đâu đó giờ đâygia đình ấy vẫn chờ mong những tấm ảnh tôi gửi về. Xin thứ lỗi, thứ lỗi nghìn lần.
 
Tôi chụp ảnh kỷ niệm, bảo cháu gái con chị ghi địa chỉ để gửi ảnh.
Tờ giấy đó tôi giữ không cẩn thận, chắc ở đâu đó giờ đâygia đình ấy vẫn chờ mong những tấm ảnh tôi gửi về. Xin thứ lỗi, thứ lỗi nghìn lần.

Tiếc thật. Hạnh phúc đơn sơ của những người dân quê mộc mạc vẫn khó thành hiện thực.(NO)
 
Tôi chụp ảnh kỷ niệm, bảo cháu gái con chị ghi địa chỉ để gửi ảnh.
Tờ giấy đó tôi giữ không cẩn thận, chắc ở đâu đó giờ đâygia đình ấy vẫn chờ mong những tấm ảnh tôi gửi về. Xin thứ lỗi, thứ lỗi nghìn lần.

Tiếc thật. Hạnh phúc đơn sơ của những người dân quê mộc mạc vẫn khó thành hiện thực.(NO)
Đúng thế. Với những nông dân cả đời chưa một lần ra thành thị, việc có những tấm ảnh chụp chung với những người "từ trên trời rơi xuống" sẽ là những kỷ vật vô giá. Mỗi khi nhớ lại gương mặt tươi roi rói của người phụ nữ ấy, tôi lại thầm lên án mình đã thất hẹn.
sau mỗi chuyến đi trong/ ngoài nước, tôi luôn xếp tất cả giấy tờ (cuống vé máy bay, thẻ từ ra vào khách sạn, bản đồ các thành phố mình đến...) vào một ngăn tủ; vậy mà sao mảnh giấy ghi địa chỉ ngôi nhà ở Đồng tháp đã "không cánh mà bay"?
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,683
Bài viết
1,154,759
Members
190,157
Latest member
ngoisaotravel
Back
Top