What's new

[Chia sẻ] Nhật ký phượt châu Âu - chuyến đi một lần trong đời

Chào các bạn, đợt tháng 4 vừa rồi mình đã có một chuyến đi đáng nhớ qua 4 nước châu Âu, gồm Pháp - Tây Ban Nha - Ý - Hy Lạp. Mình ít khi viết nhật ký hành trình lắm, nhưng đây là chuyến đi khá đặc biệt, lại đi một mình, nên thi thoảng ở nước bạn tối về mình lại ngồi viết vài dòng cảm nhận về những nơi trong ngày đã đi qua. Mình sẽ post dần dần, và đồng thời cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm với những bạn đang có niềm mơ ước bước sang trời Âu như mình, cả về việc chuẩn bị, lên kế hoạch và các kinh nghiệm thực tế của chuyến đi nữa.
 
Xin Visa du lịch Schengen


Đầu tiên mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm về việc xin visa của mình - du lịch tự túc một mình, thời gian khoảng 1 tháng.

Thị thực Schengen là gì?

Visa Schengen là visa cho phép bạn được nhập cảnh vào 26 quốc gia nằm trong khối Schengen. Những nước này bao gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh Châu Âu).

Lưu ý là nước Anh không nằm trong khối Schengen nên nếu bạn nào có ý định đi du lịch Anh thì phải xin Visa riêng nhé.

Điều kiện tiên quyết để xin được Visa Schengen

Xin Visa cũng giống như khi mình muốn sang thăm nhà một người nào đó vậy, họ sẽ chỉ cho mình vào nhà họ tin tưởng mình. Ở đây, hồ sơ xin visa của chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chí sau:

– Đảm bảo các thông tin trung thực, có mục đích rõ ràng, không có các yếu tố lập lờ thiếu minh bạch.

– Đảm bảo điều kiện về tài chính để có thể sống và chi tiêu trong khối trong suốt quá trình lưu trú.

– Chứng minh được mình đủ nhận thức và văn minh để không làm thiệt hại về lợi ích của đất nước và con người họ, đảm bảo không trốn ở lại sau khi hết hạn visa.

Hoàn thiện hồ sơ Visa

Đầu tiên bạn phải xác định Lãnh sự quán mà mình định xin Visa. Ở đây để xin visa 1 nước trong khối Schengen thì bạn phải thoả mãn 1 trong 2 tiêu chí sau:
  • phải là nước mà bạn đặt chân lên đầu tiên,
  • hoặc đó là nước mà bạn dự định ở lại lâu nhất trong hành trình của mình.
Ở đây, mình xin visa ở LSQ của Pháp, vì nơi mình dự định đặt chân lên đầu tiên là Paris. Mình cũng nhận thấy là nộp hồ sơ ở LSQ Pháp thì cơ hội nhận được visa là khá cao, mình nộp chỉ sau 3 ngày (thường thì ít nhất là 7 ngày) rồi lên trực tiếp hỏi thử thì họ đã đưa ngay cho mình rồi (họ không trả lời qua điện thoại nhé), cũng có thể là hồ sơ của mình nộp khá gấp (trước chuyến đi 15 ngày) nên họ xét nhanh để mình chuẩn bị cho chuyến đi chăng. Ngoài ra nộp ở LSQ Pháp thì họ không yêu cầu phỏng vấn, nhân viên thân thiện và nhận hồ sơ rất nhanh gọn, họ xem qua một lượt rồi cười đưa mình giấy hẹn lấy visa, tất nhiên là sau khi thu 60 euro tiền phí.

Trường hợp xin visa của mình là: Du lịch tự túc, đi một mình và không có người thân bên nước mình xin visa mời, thời gian chuyến đi tầm 1 tháng. Nguyên tắc của hồ sơ xin visa là ngôn ngữ đều phải bằng tiếng Anh, nếu giấy tờ nào tiếng Việt các bạn cần phải dịch sang tiếng Anh.

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm (khá nhiều):

  1. Visa application form – Download từ trang chủ của LSQ Pháp tại Việt Nam và điền vào đó.
  2. 2 Ảnh (3.5×5.5)
  3. Passport (Original, Copy) còn thời hạn ít nhất 6 tháng, còn ít nhất 2 trang trắng. Nộp bản chính và bản photocopie tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).
  4. Chứng minh thư nhân dân (Copy)
  5. Sổ hộ khẩu (dịch thuật và công chứng tiếng Anh)
  6. Xác nhận ngân hàng về tiền gửi tiết kiệm. Bạn nên có một sổ tiết kiệm giá trị tầm 100-200tr, và đã gửi được từ 3 tháng trở lên.
  7. Sao kê thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng (xác nhận của ngân hàng, hoặc bạn có thể in các mail báo nợ hàng tháng cũng được).
  8. Sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng (đây là tài khoản trả lương để chứng minh thu nhập từ lương hàng tháng của bạn), có xác nhận từ ngân hàng.
  9. Chứng nhận bảo hiểm du lịch: hiện nay có rất nhiều công ty bảo hiểm cung cấp loại bảo hiểm này, bạn có thể mua ở đâu cũng được. Thường thì phí bảo hiểm cho 1 chuyến du lịch châu Âu trong vòng 1 tháng là khoảng 500.000đ, và bạn sẽ được hoàn khoảng 90% số tiền phí này nếu bạn trượt visa, bạn nên hỏi trước nhân viên tư vấn bảo hiểm.
  10. Hợp đồng lao động, giấy đăng ký kinh doanh (bản copy), đơn xin nghỉ phép được chấp nhận của công ty đang làm việc (nếu là sinh viên bạn cần có xác nhận của trường đang học) và phiếu lương 3 tháng gần nhất (có xác nhận của công ty). Nếu bạn có công ty riêng các bạn cần nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty mình, và các tờ kê khai thuế của công ty hàng tháng.
  11. Bản in vé máy bay điện tử, xác nhận đặt phòng cho toàn bộ nơi ở trong suốt cuộc hành trình. Để đảm bảo độ tin cậy, với vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Paris các bạn đặt ở chế độ thanh toán sau (của Vietnam Airlines), còn đặt phòng các bạn đặt chi tiết cho từng thành phố mà mình đến và nghỉ lại phù hợp với lịch trình gửi trong hồ sơ. Các booking này các bạn đặt những khách sạn cho phép huỷ free trước 1,2 hôm sử dụng dịch vụ, để khi có được visa mình sẽ huỷ đi và đặt lại cho chính xác và thực tế hơn. Đặc biệt với các khoản đặt phòng qua booking.com hay hostelworld thì các bạn cần đọc kỹ các quy định của từng khách sạn mà mình định ở, thời gian được phép huỷ đặt phòng mà không mất phí, vì khi bạn đã điền thông tin thẻ tín dụng của mình vào rồi thì họ có thể trừ tiền của mình bất cứ lúc nào đấy, kể cả khi bạn không điền 3 chữ số bảo mật. Mình đã từng mất trắng 90 euro vì họ có điều khoản phạt 100% tiền phòng khi mình không sử dụng dịch vụ, áp dụng ngay tại thời điểm đặt phòng, chỉ vì không đọc kỹ các điều khoản của họ.
  12. Kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi, làm thật chi tiết để tăng thêm độ tin cậy nhé. Đây là bảng liệt kê từng khoảng thời gian nào, ở đâu, làm gì, và di chuyển giữa các địa điểm bằng phương tiện gì, kế hoạch phân bổ chi phí ra sao.
  13. Thư bày tỏ (letter of expression) – đây là một bức thư bằng tiếng Anh để mình bày tỏ mong muốn của mình được đi du lịch châu Âu và cam kết sẽ tuân thủ mọi quy định của nước sở tại. Nếu bạn nào bí mình sẽ gửi cho tham khảo.
Khi nộp hồ sơ các bạn mang hết cả bản chính đi để nhân viên LSQ đối chiếu, sau đó họ sẽ trả lại bản chính cho mình luôn, chỉ giữ passport và sẽ trả lại khi cấp visa.

Nộp hồ sơ

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ toàn bộ hồ sơ như trên, bạn cần gọi điện trước cho LSQ để đặt lịch hẹn. Bạn vào website LSQ của nước mà muốn nộp visa để tìm số điện thoại, sau đó yêu cầu đặt lịch hẹn với nhân viên tư vấn. Bạn nào cần visa gấp thì nên lưu ý vì số lượng lịch hẹn khá đông, nên thường họ sẽ hẹn mình lên nộp hồ sơ phải sau 3-4 ngày mình gọi lên.

Đến ngày hẹn bạn lên LSQ để nộp hồ sơ, bảo vệ sẽ giữ lại CMND và đưa số thứ tự cho bạn. Bạn vào trong ngồi chờ đến lượt, sẽ có 2 ô tiếp hồ sơ, một bên là nhân viên người Việt, một bên là người Pháp. Mình nhận thấy là nộp hồ sơ bên ô nhân viên người Pháp có vẻ ‘dễ chịu’ hơn. Các bạn nhớ chuẩn bị trang phục và đầu tóc gọn gàng vì lúc này LSQ sẽ yêu cầu chụp ảnh, và ảnh này sẽ được dán lên tờ visa được cấp cho bạn sau đó. Sau khi nhận hồ sơ, họ sẽ đưa cho bạn một cái giấy hẹn và đến ngày đó lên lấy visa (nếu pass) và passport. Thường trên giấy hẹn sẽ là sau 15 ngày, nhưng sau từ 3-7 ngày, bạn nên chủ động đến LSQ hỏi kết quả visa của mình, vì họ có thể cấp rất nhanh mà mình không biết.

Kinh nghiệm rút ra:

Thực ra thì khi các bạn chuẩn bị được đầy đủ các loại hồ sơ như trên, các bạn sẽ đảm bảo được 99% là pass visa rồi, kể cả khi các bạn không cần phải nộp đầy đủ như trên vẫn qua. Tuy vậy mình vẫn thấy có một số trường hợp cá biệt hồ sơ còn đẹp hơn mình, vẫn không qua visa, lý do ở đây là gì? Câu trả lời vẫn là việc quay lại 3 điều kiện tiên quyết mình đã đề cập ở trên thôi.

Hồ sơ minh bạch: Một số trường hợp các bạn thiếu giấy tờ, các bạn chế hồ sơ, khi nhân viên LSQ xác minh thấy gian dối tất nhiên họ sẽ loại hồ sơ. Chế hồ sơ có thể như việc khai gian nghề nghiệp, làm hợp đồng lao động giả hoặc giấy nghỉ phép giả. Việc xác minh là hãn hữu, tuy nhiên nghiệp vụ của LSQ là rất tốt, họ sẽ thực hiện nếu thấy có nghi vấn.
Điều kiện tài chính: có lẽ ai có ý định đi châu Âu đều đã có kế hoạch tài chính rõ ràng, tuy vậy việc các bạn trình bày trong hồ sơ không tốt hoặc không rõ ràng có thể sẽ cản trở bạn việc pass visa.
Đảm bảo không trốn ở lại: Đây có lẽ là vấn đề quan trọng nhất, vì hiện nay tình trạng nhập cư trái phép ở các nước châu Âu đang rất nóng, rất nhiều trường hợp người Việt Nam qua bên đó rồi trốn ở lại luôn. Vì vậy các bạn phải làm thế nào chứng minh được mình chỉ có ý định sang châu Âu đi du lịch thôi, tuyệt đối không ở lại. Việc này có thể được thể hiện qua việc các bạn chứng minh tình hình tài chính là khá giả, không phải là người thiếu thốn mà phải sang bên đó trốn lại. Hoặc các bạn đang có công ăn việc làm rất tốt, gia đình bạn bè đều ở Việt Nam và có nhiều ràng buộc ở Việt Nam mà không thể ở lại nước ngoài như có vợ/chồng, con cái đều ở Việt Nam, tài sản như nhà cửa đất đai đứng tên bạn, bạn chứng minh bằng các loại như giấy tờ tài sản đứng tên mình (ô tô, sổ đỏ), giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con cái, v.v.. Ví dụ như trường hợp tầm có tuổi mà chưa lập gia đình, không có gì ràng buộc ở Việt Nam thì họ sẽ rất hay để ý đấy. Trong trường hợp đó các bạn hãy chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, thư bày tỏ hãy viết như một bức tâm thư, hay khi phỏng vấn trả lời thành thật, làm thế nào để cho họ thấy khát khao đi du lịch của mình là như thế nào, tạo cho họ niềm tin rằng mình sẽ quay trở lại ngay khi kết thúc cuộc hành trình là được thôi.

Do diễn đàn không cho phép viết quá 10.000 chữ nên các bạn có thể vào bài viết gốc của mình ở link này để xem đầy đủ nhé: https://travelpx.net/travel/europe/eurotrip-cong-cuoc-chuan-bi.html
 
Last edited:
20864730668_070bb4e418_b_d.jpg


Lịch trình cho chuyến đi này của mình:

Thời gian: 30/3-20/4 (tính cả thời gian bay).

Các thành phố sẽ đi qua: Paris – Barcelona – Venice – Florence – Rome – Athens – Santorini

Những việc cần chuẩn bị trước khi đi:

1. Xin visa Schengen
2. Công cuộc tìm hiểu thông tin:

Đi lại ở châu Âu: Do châu Âu là một cộng đồng khá gắn kết, nên việc di chuyển giữa các quốc gia khá dễ dàng. Di chuyển giữa các quốc gia có xe bus, tàu cao tốc, và máy bay. Cũng như việc book vé máy bay, đặt chỗ cho xe bus và tàu cao tốc càng sớm, thì giá càng rẻ. Do mình lên kế hoạch khá gần với ngày đi (2 tuần) nên không có vé rẻ nữa, đặc biệt là giá tàu điện cao tốc cao không tưởng, vì thế mình quyết định đặt toàn bộ vé máy bay cho các chặng di chuyển giữa các quốc gia với nhau, giá cực tốt khi dùng các hãng hàng không giá rẻ.

Khứ hồi Hanoi – Paris: Qatar Airways (980€) (Hiện tại vé HN-CDG của Air France có 350-700€, quá tiếc!!!)
Chặng Paris – Barcelona: Transavia Airlines (55€)
Chặng Barcelona – Venice: Vueling Airlines (75€)
Chặng Rome – Athens: Ryanair (một trong những hãng giá rẻ nổi tiếng nhất châu Âu, chặng này mình đặt chỉ mất 20 euro, thật kinh ngạc!)
Chặng Santorini – Paris: Aegean Airlines (Hãng hàng không của Hy Lạp – 146€)
Mình đặt toàn bộ vé máy bay trước khi khởi hành hành trình.

Nếu bạn nào có thời gian dài để chuẩn bị, bạn có thể cân nhắc việc đi xe bus với giá tốt và tiết kiệm được tiền phòng nghỉ nếu di chuyển trong đêm (nói là xe bus thôi chứ bus ở châu Âu hoành tráng lắm, như khách sạn 5 sao). Bạn có thể đặt vé ở đây: http://www.eurolines.com/en/. Đặc biệt với những ai di chuyển nhiều có thể mua cái Europass, giống như mua trọn gói trong vòng 15 hoặc 30 ngày với giá cố định và đi thoải mái không giới hạn số lần đi. Hoặc nếu bạn đi bằng tàu cao tốc có thể vào đây, và cũng có eurorail pass như với xe bus luôn: http://www.eurail.com/. Tuy nhiên cũng phải nói trước rằng đi bằng ô tô hay tàu thì khá là chậm, nhiều chặng mất đến nửa ngày đi, mà có khi lại không vào buổi đêm để mình có thể tiết kiệm được thời gian.

Đó là việc đi lại giữa các quốc gia châu Âu, còn việc đi lại trong thành phố hoặc trong nội bộ một nước thì đơn giản hơn, mình đi chủ yếu bằng tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ở Pháp là kinh khủng nhất, chằng chịt và các toạ độ đan chéo nhau rất nhiều. Sau đó là Barcelona, Rome, còn lại thì tàu ở Athens lại cực kỳ đơn giản. Ngoài ra việc di chuyển giữa các thành phố của Ý thì mình đi tàu cao tốc, gồm chặng Venice – Florence – Pisa – Florence – Rome, được ngắm khung cảnh xung quanh khá thú vị, mình cũng book trước ở nhà luôn ở trang Trenitalia, rất trực quan và dễ đặt.

Riêng chặng từ Athens ra đảo Santorini làm mình cực kỳ đau đầu và phân vân, vì muốn được tận dụng thời gian tối đa đi chơi nên mình muốn đi phà để tận dụng thời gian ngủ đêm trên đó. Tuy vậy mình tìm đỏ mắt mà không thấy bất cứ một chuyến phà nào hợp với ý mình, mà vé máy bay rẻ đi Athens tìm cũng đỏ mắt không có luôn, cuối cùng đành quyết định chiều đi Athens – Santorini mình di chuyển bằng phà, chiều về sẽ bay từ đảo về Athens. Phà thì các bạn có thể vào trực tiếp trang web như http://www.ferries.gr/, http://www.anek.gr/, http://greeka.com. Mình thì đặt ở Greeka.com, mất thêm 5 euro tiền phí nhưng được cái dịch vụ trang này khá tốt, mình đặt nhầm 1 lần mà họ còn hoàn lại tiền cho mình. Các bạn cần chú ý về điều kiện đặt vé nhé, thường thì các nhà thuyền vẫn cho đổi vé hoặc hoàn tiền nếu không sử dụng dịch vụ, nhưng phải đến đổi trước chuyến đi, và tuỳ vào từng mùa, mùa cao điểm du lịch điều kiện đổi sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt là vé phà phải được in ra trước khi lên phà, nên khi bạn bay đến Athens cần đi bus đến ngay cảng Piraues để yêu cầu hãng phà in cho mình nhé.

Nghỉ ngơi ở châu Âu: Việc nghỉ đêm đối với dân phượt thì có lẽ ai cũng từng có nhiều trải nghiệm thú vị . Trước khi đi mình cân nhắc khá nhiều phương án ngủ nghỉ (chủ yếu dành cho dân phượt chứ bình thường thì cứ vào khách sạn cho nhanh):
Ở hostel: Mình tìm phòng ở khá nhiều trang như booking.com, hostelworld.com. Nhưng mình chủ yếu đặt ở hostelworld vì trang này có điều kiện huỷ phòng tốt hơn, còn booking.com thì trước 2-3 hôm mà huỷ phòng là họ trừ tiền của mình rồi. Các nơi mình đã ở và thấy rất ok:

1. Paris: Lúc đi: Aloha Hostel, 1 Rue Borromee, 75015 Paris, France (20€ – 1 đêm + 90€ tiền phạt đặt nhầm phòng). Do khu trung tâm Paris khá rộng nên việc đặt được hostel gần những điểm tham quan như Eiffel, Khải hoàn môn mà giá rẻ là không tưởng. Dù sao thì khách sạn này cũng là một lựa chọn tốt rồi, mất khoảng 30′ đi bộ đến tháp Eiffel.​
2. Barcelona: Urbany Hostel BCN GO!, Gran Via de les Corts Catalanes, 563, Eixample, Barcelona, 08007, Spain (21€ – 2 đêm). Một hostel mình cực kỳ ưng ý, nhân viên thân thiện, tầng 1 tối nào cũng có party sôi động và cách âm với phòng ngủ, khách đều là các nhóm bạn nước ngoài vô cùng vui tính, tán gẫu cả ngày cũng được. Phòng sạch sẽ tiện nghi, tầng hầm có bếp và tủ lạnh cho dân phượt, giá lại siêu tốt.​
3. Venice: Nuova Locanda Belvedere, Via Mezzacapo 1, Marghera, Venice, Italy (61€ – 2 đêm). Venice là một thành phố đắt đỏ, trung tâm thành phố là những ngôi nhà nổi trên những con kênh nổi tiếng, và sẽ không có giá phòng rẻ khi ở đây. Vì vậy mình quyết định chọn ở ngoại ô (tức là đất liền), chỉ mất 10 phút đi bộ đến ga tàu để bắt train vào trung tâm thành phố (khoảng 2€/lượt và mất 10′ tàu chạy).​
4. Florence: Hostel Santa Monaca, Via Santa Monaca 6, Florence, Italy (20€ – 1 đêm). Khách sạn này được đánh giá khá tốt, cách ga trung tâm 10 phút đi bộ, giá cũng ổn, có đầy đủ bếp để nấu ăn, khu ăn uống và tán gẫu nói chuyện cũng rộng rãi thoải mái.​
5. Rome: Discovery Hostel 247. Add: Via Cernaia 32, Stazione Termini, Rome, 00185, Italy (69€ – 3 đêm). Ông chủ vui tính, có vẻ khá thích người Việt Nam, cách ga trung tâm 10 phút đi bộ, khi đến ông chủ sẽ dẫn đến nơi mình ở cách đó vài trăm mét. Phòng ở là một toà nhà cổ, nhưng bên trong rất sạch đẹp, phải nói là rất thú vị.​
6. Athens: Zorbas Hotel, 10 Gkyilfordou St.Victoria Square Athens 10434, Athens (8€ – 1 đêm). Nhà nghỉ bình thường, đủ để ngủ, được cái lợi thế là nằm ngay trung tâm sát ga tàu điện ngầm, giá quá rẻ.​
7. Santorini: Fira backpackers place, Fira downtown (30€ – 2 đêm). Trên đảo có 2 làng sầm uất nhất là Oia và Thira (Fira). Nhà nghỉ này nằm ở làng Thira, đông dân cư và giá cả rẻ hơn, có xe bus đưa đến làng Oia. Mình thấy có cả bể bơi nhưng đã cạn nước, có lẽ mùa hè họ sẽ bơm nước ra chăng!​
8. Paris (lúc về): Perfect Hostel, 39 rue Rodier, 75009, Paris, France (20€ – 1 đêm). Cũng tương tự như nhà nghỉ trước mình ở Paris.​

Ở nhờ: Thực ra thì mình rất muốn du lịch kiểu khám phá văn hoá, nên trước khi đi mình cũng cân nhắc đến việc sử dụng dịch vụ cho ở nhờ, tức là xin ở miễn phí nhà của người bản địa. Có 2 trang về dịch vụ ở nhờ là couchsurfing và airbnb, cái đầu thì là dạng đăng ký xin ở nhờ miễn phí, cái thứ 2 là dạng cho ở nhưng phải trả tiền (giá thấp hơn ở khách sạn). Tuy nhiên sau khi xin ở một số địa điểm mà chẳng ai cho thì mình bỏ cuộc luôn! (có lẽ là vì mình mới đăng ký và lại là con trai nên chưa đủ tin tưởng để họ cho mình ở nhờ).

Ngủ ở sân bay: Mình có một vài hôm phải ngủ ở sân bay vì sân bay ở cách khá xa thành phố, mà giờ bay buổi sáng thì lại quá sớm, hoặc có lúc thì lại có chuyến bay hạ cánh lúc nửa đêm ở sân bay, nên mình cũng đành ngủ lại ở sân bay luôn để sáng hôm sau vào thành phố.

Ăn uống: Mình dễ tính chuyện ăn uống, đi đến đâu tính đến đó.

Một số phần mềm về du lịch cần phải có trong chiếc iphone của mình: Maps.me, GoEuro, Evernote, Bản đồ tàu điện của các thành phố

3. Chi phí:

Chi phí đi lại:
– Tổng các chặng bay: 1.276€
– Tàu Venice – Florence – Rome: 48€
– Phà Athens – Santorni: 43€ (gồm 37,5€ tiền vé và tiền linh tinh)
– Bus/train trong thành phố: chi phí này thường tốn khi mà di chuyển nhiều từ sân bay vào trung tâm (thường 10€/lượt), còn train thì cũng khá rẻ, tầm 2-3€/lượt.

Chi phí khách sạn: 339€

Chi phí tham quan: Mình có tham quan một số bảo tàng hay thắng cảnh như leo lên Arc de Triomphe (9€), xem tượng David (21€), đấu trường Colosseum (14€), thăm sân Camp Nou ở Barcelona (23€), v.v..

Chi phí ăn uống, tiêu linh tinh: Cái này thì mình cũng không thống kê lại hehe.

Như vậy là tổng chi phí cố định tầm 1900 euro, chi phí còn lại như ăn uống (tầm 15-20euro/ngày), tiêu linh tinh, mua quà về thì mỗi người một khác, qua đó mọi người có thể tự lên kế hoạch chi phí cho mình.

4. Những thứ cần thiết trong balo trước khi lên đường:
- Thẻ credit card, tiền mặt tầm 2000 Euro.
– Đồ ăn cho chuyến bay đầu tiên đến Paris (tránh bị chém ở sân bay)
– Giấy tờ tuỳ thân: Ví, Thẻ tín dụng, hộ chiếu, bằng lái xe.
– Máy ảnh: 1 body vs 2 lens 16-35, 135. Nhớ mang tripod, dây bấm mềm, filter, 2 pin, đồ vệ sinh máy.
– Vật dụng cá nhân: Quần áo, bàn chải, khăn, ổ điện đa năng, USB dự phòng, kính râm.
– In toàn bộ booking máy bay, ferry, khách sạn, bảo hiểm du lịch.

Hiện tại an ninh ở các sân bay quốc tế đang được thắt chặt, vì thế các bạn đi qua cửa hải quan nhớ tránh mang các vật dụng bằng kim loại như dao kéo, các loại chất lỏng kể cả nước uống hay sữa tắm, kem chống nắng. Ngoài ra theo kinh nghiệm thì mặc dù các hãng hàng không giá rẻ có quy định về cân nặng hành lý xách tay (thường 7kg) và kích cỡ hành lý, nhưng khi mình đi qua khu soát vé giữ ý không để hành lý quá cồng kềnh, thì việc có quá cân một chút cũng không làm sao.
Vậy là đã xong phần chuẩn bị, giờ chỉ chờ đến ngày và lên đường thôi!!!!!

Bài viết đầy đủ các bạn đọc ở đây nhé.
 
Last edited:
mình đã đọc, thanks thông tin share của bạn, rất detail

Rất mong nhận được hình ảnh và bài viết về chuyến đi của bạn
 
mình đã đọc, thanks thông tin share của bạn, rất detail

Rất mong nhận được hình ảnh và bài viết về chuyến đi của bạn

Rất cám ơn bạn đã ủng hộ, chuyến này mình chụp rất nhiều ảnh hehe!
 
Hành trình 20 tiếng đầu tiên trên máy bay


Hành trình HN - Doha - Paris by An Le, on Flickr


Vé mình đặt Noi Bai – Charles de Gaulle (Paris) cả hai chiều đều transit hai lần qua Bangkok và Doha, tổng thời gian cho chiều đi là 20 tiếng, chiều về là 36 tiếng (transit ở Bangkok là 18 tiếng), thật khủng khiếp. Nhưng điều đáng tiếc nhất là mình không biết thông tin về có thể được một chuyến tham quan miễn phí quanh thành phố Doha nếu mình có thời gian transit ở đây nhiều hơn 24 tiếng, nếu không thì mình đã chọn chuyến bay như vậy rồi.

Vì là dân nhiếp ảnh nên đi đâu mình cũng lệ khệ với cái đống đồ nghề, tổng cân nặng cho cái của nợ máy móc và tripod đã tầm 6-7kg rồi. Mặc dù Qatar Airways cho phép ký gửi tối đa là 30kg, nhưng mình vẫn muốn xách tay mọi thứ, vì vậy mà mình đã rất lo lắng khi hành lý xách cồng kềnh với cả quần áo khoác các kiểu (châu Âu tầm tháng 3 vẫn khá lạnh, nhiệt độ ngoài trời luôn là xung quanh 10 độ C), cân nặng thì đã quá 10 kg. Nhưng bất ngờ là Qatar Airways rất dễ tính cho việc check-in hành lý xách tay, nhân viên mặt đất không có ý kiến gì cả, nhiều người còn tay xách nách mang rất nhiều balo, vali lủng củng hãng vẫn cho qua như thường. Đúng là hãng hàng không 5 sao, dịch vụ khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.

Hanoi - Bangkok - Doha - Paris by An Le, on Flickr

Hanoi - Bangkok - Doha - Paris by An Le, on Flickr

Hanoi - Bangkok - Doha - Paris by An Le, on Flickr

Bước lên con Boeing 777, hơi choáng vì lần đầu tiên đi máy bay to vầy, dịch vụ thì khá ổn, cho ăn suốt thôi, và có thể gọi thêm thoải mái. Một tháng mà ngồi máy bay 1 tuần như thế này chắc kiểu gì mình cũng tăng cân mạnh, chỉ có ngồi, ngủ và ăn. Chặng đầu tiên transit ở Bangkok, chặng này nhân viên không cho hành khách xuống ngồi lì trên máy bay chờ đợi 3 tiếng sau bay tiếp. Trên máy bay thì đầy đủ tiện nghi, hệ thống media đầy đủ, mình thì cũng chẳng có việc gì đành xem phim suốt cả chặng đường. Ngoài ra còn có cả hệ thống ảo giống như mình đang ngồi trong buồng lái và quan sát được đường bay và mọi thứ trên 9 tầng mây vậy. Dừng chân tiếp theo ở sân bay quốc tế Hamad lúc 12h đêm, xuống sân bay di chuyển trong khu vực transit để chờ chuyến bay đến Paris lúc 1h40 sáng.

Sân bay Hamad by An Le, on Flickr


Di chuyển ra khu vực Transit by An Le, on Flickr


Khu vực Trung Đông này gồm Qatar và Dubai được xây dựng như trạm trung chuyển hàng không, vận tải của toàn thế giới, vì vậy bước trong sân bay Hamad như bước vào một thế giới thu nhỏ vậy, hàng hoá hay dịch vụ gì cũng có hết.

Hanoi - Bangkok - Doha - Paris by An Le, on Flickr

Hanoi - Bangkok - Doha - Paris by An Le, on Flickr

Sân bay có khu vực transit riêng, tuy nhiên ở mỗi cổng ra sân bay chỉ có vài cái ghế nên mọi người ngồi vật vờ hết ra sàn. Lúc này đã là gần 2h sáng, sau khi transit 2 tiếng đồng hồ lại chuẩn bị tiếp cho chuyến bay 6 tiếng tiếp theo tới CDG
 
Hành trình 4 nước châu Âu:



Hành trình 4 nước châu Âu by An Le, on Flickr


Điểm dừng chân đầu tiên của mình trên đất châu Âu là Paris (hầu như ai phượt châu Âu cũng qua đây đầu tiên sao ý), sau đó sẽ qua Barcelona (thích Barca mà) - Venice - Florence - Pisa - Rome - Athens - Santorini. Cuối cùng sẽ bay từ Santorini về Paris kết thúc hành trình.
 
Bài viết thiệt chi tiết và ảnh cũng thiệt đẹp. Hóng tiếp bài viết của Anh nha!
Mình cũng đã xem qua blog của Anh rồi.
Cảm ơn Anh nhiều nha.
 
bạn ơi, cho mình hỏi mấy HOTEL bạn ở:
3. Venice: Nuova Locanda Belvedere, Via Mezzacapo 1, Marghera, Venice, Italy (61€ – 2 đêm)
=> gần Train Venice S. L đúng ko?

4. Florence: Hostel Santa Monaca, Via Santa Monaca 6, Florence, Italy (20€ – 1 đêm).
=> gần Train nào?

5. Rome: Discovery Hostel 247. Add: Via Cernaia 32, Stazione Termini, Rome, 00185, Italy (69€ – 3 đêm)
=> gần Train Termini (Roma TE)

Mình ko hiểu ý nghĩa của các Train nên khi quyết định Hotel ko biết nên ở đâu cho tiện?
Thanks all
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,391
Members
189,942
Latest member
Nhocdecor
Back
Top