Mình lượm lặt được chút thông tin. Post lên cho các bạn nào trong forum cần thông tin về Miền Tây nè.
DANH LAM THẮNG CẢNH VÀ ẨM THỰC CỦA TỈNH LONG AN
I./ DANH LAM THẮNG CẢNH
1. Nhà Bảo tàng Long An
Nằm ngay trung tâm thị xã Tân An, phường 4, bảo tàng Long An trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm có ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhiều hiện vật được khai quật từ các di chỉ văn hóa tại địa phương, rất thú vị cho khách tham quan nghiên cứu.
2. Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (Remedica Centre)
+Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa - cách Thành phố Hồ Chí Minh 110 km, cách Thị xã Tân An 60 km đường bộ và 45 phút chạy tàu du lịch - có diện tích 1.041 ha trong đó có 800 ha rừng tràm nguyên sinh, hồ nước rộng 100 ha (vào mùa khô). Trung tâm nghiên cứu các dược liệu từ cây cỏ vùng Đồng Tháp Mười như dầu tràm, mật ong, v..v...
+ Sản phẩm du lịch chính tại đây là ngắm chim, cò với mật độ dày đặc nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 (cao điểm trong tháng 11), đi tắc ráng trong kênh, rạch tìm hiểu về thực vật (đặc biệt các cây thuốc) và địa lý Đồng Tháp Mười.
Hiện nay trung tâm đã xây dựng một nhà hàng rất khang trang (chứa được 50-70 khách) có máy lạnh, phòng nghỉ qua đêm (10 phòng, có máy lạnh nhưng phòng bé, không có cửa sổ

và một quầy bán thổ sản (mật ong, cá khô, các loại thuốc, tất cả đều được sản xuất tại trung tâm).
Muốn vào trung tâm xe hơi dừng lại tại cầu Quảng Dài (cách Mộc Hoá 8km), cách Tân An 60 km, cách Tp. HCM 107km), lấy tàu đi xuôi sông Vàm Cỏ Tây khoảng 45phút thì đến ngã 3 dược liệu, từ ngã ba theo rạch nhỏ vào trung tâm khoảng 10 phút. Dọc đường sông du khách có thể ngắm cảnh mênh mong Đồng Tháp Mười, đặc biệt trong mùa nước nổi. Công ty Du lịch sẽ tạo một điểm dừng dọc đường để cho du khách thăm một nhà dân để tìm hiểu cuộc sống cuả dân địa phương trong mùa nước nổi.
3. Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
Ngược dòng sông Vàm Cỏ Tây, thuyền du lịch sẽ đưa du khách đến trung tâm Đồng Tháp Mười một vùng du lịch sinh thái đặc trưng của vùng đất trũng Nam bộ, cách thị xã Tân An khoảng 50 km ở huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hoá và Tân Thạnh.
Đến khu du lịch sinh thái này, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những cánh rừng tràm bạt ngàn, thoang thoảng hương thơm với từng đàn ông mật lượn quanh, những đầm sen rộng lớn với muôn ngàn đóa sen khoe sắc dưới ánh nắng. Ngoài ra, còn có nhiều động vật quý hiếm đang được bảo vệ tại khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười như: cò, sếu đỏ, rùa, rắn, chim, thú
càng làm tăng vẻ đẹp của vùng sinh thái.
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch mang màu sắc phiêu lưu, hấp dẫn, kết hợp với sự khám phá hiểu biết thêm về thiên nhiên phong phú màu sắc, những quần thể động thực vật kỳ diệu. Du lịch đến Long An du khách sẽ được tham quan khu du lịch sinh thái vùng bưng trũng hết sức đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười ngập nước quanh năm.
Du thuyền dọc theo rừng tràm du khách có thể tận hưởng được toàn bộ khung cảnh hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười. Một cảnh thiên nhiên đặc thù không sao tả được, chỉ khi đến tận nơi du khách mới cảm nhận được hết vẽ đẹp của nó. Đặc biệt đến đây du khách có thể thưởng thức các món ăn Nam Bộ như canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt với vài ly rượu đế Gò Đen đặc sản của Long an đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ.
Đặc biệt, du khách đến tham quan vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, cả vùng sông nước mênh mông và tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt người dân trong mùa nước nổi.
Trong khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười có 2 dự án đang triển khai thực hiện là khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Lâm Viên Thanh Niên.
4. Nhà Trăm Cột (nhà ông Cả, nhà ông Hội Đồng)
Nhà trăm cột
Từ Thủ Thừa băng qua cánh đồng thơm lựng mùi lúa, qua Vàm Cỏ Tây đi loằng nhoằng tới thị trấn Cần Đước, một đường đi Cần Giuộc nơi Nguyễn Đình Chiểu sáng tác bài Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc, một đường đến sông Kinh, bên kia sông Kinh là một ngã ba đường đất đỏ rẽ vào ngôi nhà trăm cột.
Ngôi nhà tọa lạc tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, cách thị xã Tân An khoảng 50km. Ngôi nhà được xây dựng vào năm l903 do ông hội đồng Trần Văn Hoa là chủ nhân. Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà là ông Trần Văn Ngộ (cháu nội ông Hoa).
Ngôi nhà được làm bằng gỗ quý (cẩm lai, gỗ đỏ

, nhà có tất cả 120 cột, kiểu chứ đinh dựng trên nền đá xanh cao 90cm. Mái nhà lợp ngói âm dương, hệ thống vì kèo được chạm hoa lá, ở mỗi đầu kèo đều chạm kính, kiến trúc độc đáo. Nội thất ngôi nhà đều được chạm khắc tinh vi từ những bàn tay khéo léo điêu luyện của l5 người thợ tài hoa ở miền Bắc vào và làm việc cực lực trong 3 năm trời. Hoa văn ở đầu kèo, đầu cột làm cho bạn cảm giác như mình đang đứng giữa một khu rừng hoa lá, cỏ cây, chim muôn... Bạn sẽ hết sức thú vị với những đường nét pha trộn sự tính tế của điêu khắc mang tính bản chất, đặc điểm của 3 miền.
Năm 1997 ngôi nhà 100 cột được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử Văn Hóa. Ngôi nhà đã thu hút nhiều nghệ nhân các vùng lân cận đến nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng, cũng như nhiều khách du lịch đến tham quan.
5. Đồn Rạch Cát ( xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước)
Đồn rạch cát
Đây là một pháo đài quân sự vào loại lớn nhất, nhì Việt Nam do thực dân Pháp xây dựng ở nước ta vào năm 1903, chiều dài 300m, chiều ngang 100m; Có 5 tầng (3 tầng chìm, 2 tầng nổi); Tường dày 60 l00cm làm cho các gian hầm lúc nào cũng mát lạnh. Trên nóc tầng cao nhất có đặt khẩu trọng pháo 105mm. Đây là công trình quân sự kiên cố có vị trí chiến lược trong phòng thủ cũng như trong tiến công. Nơi đây còn ghi dấu ấn những sự kiện lịch sử quan trọng ở Cần Đước từ đầu thế kỷ và là chứng tích của sự thất bại của thực dân Pháp trước quân dân Long An nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đứng bên cạnh những khẩu pháo 105mm trên nắp hầm, ta có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của vùng sông nước Gò Công, xa xa là một phần đất xanh thẳm giống như một hòn đảo nhỏ trang điểm cho những dựng sông xa mờ....
6. Cụm vườn thanh long.
Xuôi về phía Nam thị xã Tân An khoảng 5 km là đến huyện Châu Thành một huyện nổi tiếng về trái thanh long và dưa hấu. Thanh long là loại trái cây đặc sản được trồng phổ biến ở vùng này và có giá trị kinh tế, dinh dưỡng cao. Cành cây thanh long được thả leo trên cây dông, uốn mình như những con rồng xanh ngậm quả chín mọng đỏ rất hấp dẫn du khách đến tham quan và thưởng ngoạn vẻ đẹp của vườn cây, vị ngọt mát của loại trái cây quý này.
7. Vườn hoa kiểng Thanh Tâm
Vườn Thanh Tâm
Vườn hoa nằm trong trung tâm thị xã Tân An. Là vườn hoa cây kiểng bonsai nhiều loại, có loại trên 100 tuổi và nhiều loại cây đạt huy chương vàng tại hội chợ hoa xuân ở các tỉnh phía Nam. Với tài nghệ của các nghệ nhân, các kỳ quan thế giới được thu nhỏ trong vườn như: núi Phú Sĩ, đền Ăngco, Kim Tự Tháp, thành nội Huế
8. Núi Đất
Từ thị xã Tân An (Long An) đi theo quốc lộ 62 khoảng 65km đến thị trấn Mộc Hóa, gặp ngã tư giao nhau giữa đường 30/4 và quốc lộ 62, rẽ trái chừng 500m là đến Núi Đất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì nó không phải là núi tự nhiên mà chính là do bàn tay con người đắp nên.
Nhìn từ xa Núi Đất trông như hòn non bộ khổng lồ nổi lên giữa một hồ nước trong xanh, khá đẹp và thơ mộng. Nối liền với Núi Đất là chiếc cầu bằng xi măng cách điệu uốn cong, mềm mại. Khu Núi Đất chia làm 3 tiểu đảo. Tiểu đảo 1 có núi lớn cao khoảng 10m, núi nhỏ cao 5m với nhiều tảng đá ong rêu phong, xen lẫn trong những cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, có đường lên xuống bằng các bậc đá. Xung quanh núi là những lối đi bằng đất được kè đá men theo mép nước đảm bảo độ an toàn cho khách đi du ngoạn. Tiểu đảo 2 là một ngọn núi nhỏ cũng được đắp bằng đất nối liền với tiểu đảo 1 bằng cây cầu dài nhỏ. Tiểu đảo 3 nằm phía bên trái hồ sen được tạo dáng như hòn non bộ bằng đá trồng 2 cây bồ đề phủ lên..... Trong lòng hồ còn có 2 nhà thủy tạ để du khách ngồi hóng mát, trò chuyện.... Trên bờ là hệ thống nhà làm việc, nhà tiếp khách, nhà hàng ăn uống, khu trồng hoa kiểng, nuôi chim thú...