What's new

Những nẻo đường miền Tây

Reporter

Phượt thủ
1. Sa Đéc - Xứ sở Người tình

Thị xã Sa Đéc tuy không phải là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp, nhưng có lịch sử phát triển lâu đời hơn thành phố Cao Lãnh. Đây vốn thuộc vùng Tầm Phong Long thuộc nước Chân Lạp. Vào thế kỷ XVII-XVIII, Chân Lạp suy yếu và họ thường phải nhờ cậy đến Chúa Nguyễn trong các cuộc nội chiến cũng như chống người Xiêm. Đổi lại những lần "giúp đỡ" đó, Chân Lạp cắt những vùng đất mà họ để hoang hóa ở phía Đông Nam của Chân Lạp, mà theo họ đó không phải là đất tốt, nơi thì lũ lụt, nơi thì nhiễm mặn.
Năm 1757 vua Chân Lạp là Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận nhiếp chính xin cắt hai vùng Ba Thắc (nay là Bạc Liêu và Sóc Trăng) và Trà Vang (nay là Trà Vinh và Bến Tre) cho chúa Nguyễn để xin sắc phong là vua Chân Lạp. Ba Thắc và Trà Vang khi đó là vùng nhiễm mặn, lại nằm phía trong hai đất của Chúa Nguyễn là Định Tường (nay là Tiền Giang) và Long Hồ (nay là Vĩnh Long) nên từ lâu Chân Lạp không màng đến chủ quyền hai đất này.

Khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát còn chưa đồng ý thì Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết chết và cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn lại cầu xin Chúa Nguyễn giúp đỡ, lần này Chúa Nguyễn cho quân đánh dẹp Nặc Hinh và đưa Nặc Tôn về nước lên ngôi vua. Nặc Tôn không chỉ cắt hai đất Ba Thắc và Trà Vang mà còn cắt cả đất Tầm Phong Long, vùng đất trù phú nhất ở vùng này cho Chúa Nguyễn. Đất Tầm Phong Long được lập thành ba đạo: Châu Đốc, Tân Châu và Đông Khẩu (Sa Đéc ngày nay). Nhờ đó, đất của Chúa Nguyễn được nối liền một cõi, cơ bản hình thành diện mạo Nam bộ ngày nay.

Đông Khẩu Đạo vốn đã được người Việt và người Hoa vào khai phá từ trước, nhưng từ khi thuộc về Chúa Nguyễn mới phát triển mạnh mẽ. Trong vòng nửa sau thế kỷ XVIII, cộng đồng người Việt và người Hoa đã khai thác mọi tiềm năng và lợi thế vốn có biến vùng đất Tầm phong Long hoang vu, sình lầy, đầy những khó khăn trở ngại thành vùng đất trù phú.
Những năm cuối thế kỷ XVIII, một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành thương mại làm thay đổi Nam bộ nói chung và Đông Khẩu Đạo nói riêng, đó là việc các thương nhân châu Âu tạo nên tuyến đường thủy Sài Gòn - Nam Vang - Băng Cốc. Đông Khẩu Đạo trở thành một thương cảng trên tuyến đường thủy này. Sau khi người Pháp chiếm Nam bộ, Đông Khẩu Đạo được người Pháp đặt tên là Sa Đéc, theo tên gọi dân gian ở cảng sông này. Sa Đéc có tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều học giả cho là đây là tên gọi xuất phát từ tiếng Khmer là "chợ sắt", nhưng cố nhà văn Sơn Nam lại có quan điểm cho là Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer.

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Sa Đéc là vùng sung túc nhất của phía Nam Sài Gòn. Vì thế, dấu ấn của Sa Đéc là những khu phố cổ, những ngôi nhà xưa được xây cất trong giai đoạn thịnh vượng nhất này. Căn nhà được cho là xưa nhất là nhà ông hương chủ Dược ở làng Tân Phú Đông, xây từ năm 1860, kiểu ba gian hai chái, ngoài ra còn những căn nhà cổ khác như nhà ông Dương Văn Nương, hiện là nhà thiếu nhi thị xã, nhà tiến sĩ Nguyễn Thành Giung, từng là phó viện trưởng viện Đại học Đông Dương trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hiện nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Phường 4, hay nhà ông đốc phủ Đảnh và nhà ông Cả Tánh ở khu phố cổ đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Các căn nhà cổ Sa Đéc là những kiệt tác kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt - Hoa và kiến trúc Pháp.

Nổi tiếng nhất trong những căn nhà cổ là nhà ông Huỳnh Thủy Lê, một Hoa kiều, là người tình của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Tiểu thuyết "L’amant" là cuốn tự truyện của bà Marguerite Duras về mối tình với ông Huỳnh Thủy Lê khi gia đình bà sinh sống tại Sa Đéc. Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn và được dựng thành phim cùng tên, và từ đó, Sa Đéc có thêm một tên gọi trong giới văn hóa là "Xứ sở Người tình".

Sa Đéc cũng là nơi có trường dạy tiếng Quốc Ngữ khá sớm ở Nam bộ, đó là trường Sơ Học Pháp – Việt sau gọi là trường Nam tiểu học và trường Nữ Học đường do bà Maria Donnadieu làm Hiệu trưởng. Bà Donnadieu chính là mẹ của nữ văn sĩ Duras.
Sa Đéc còn là nơi phát sinh sân khấu cải lương Nam bộ. Năm 1915, ông Cả Tam ở làng Tân Khánh Đông đã lập gánh hát bội đầu tiên ở Sa Đéc. Đây là gánh hát ra đời khá sớm ở Nam bộ với tên “Thiền Tiện bang”, có cô đào Năm Sa Đéc. Sau đó, ông Đặng Thúc Liêng và ông Tư Thận đã sửa đổi kiểu hát bội thành "ca ra bộ", tiền thân của cải lương miền Nam.

Cảng Sa Đéc xưa
attachment.php

Nguồn: ST.​

Bờ sông Sa Đéc năm 1900
attachment.php

Nguồn: ST.​

Chợ Sa Đéc năm 1900
attachment.php

Nguồn: ST.​

Bệnh viện Sa Đéc năm 1900
attachment.php

Nguồn: ST.​

(còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

Ảnh: st
2. Vạn thọ Sa Đéc


(Phuot.vn) Nói đến Sa Đéc, không thể không nhắc đến hoa vạn thọ. Nằm bên bờ sông Tiền quanh năm bồi đắp phù sa, Sa Đéc có những những làng hoa lớn nhất Việt Nam, và đây cũng là nơi xuất phát của một loài hoa nổi tiếng: vạn thọ Sa Đéc.

Với người phương nam, mỗi khi tết đến trong nhà bên cạnh sắc vàng của hoa mai còn có sắc vàng cam mượt mà của hoa vạn thọ. Hoa vạn thọ tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Vạn chỉ số nhiều, thọ chỉ sự trường thọ. Nhà quê thì trồng hai hàng vạn thọ chạy dọc từ cửa đến sân. Nhà vườn thì làm những hàng kệ tầm vông dài, đặt từng hàng hoa lên phía trên để phòng con nước lớn. Nhà phố thì mua hai, ba chậu chưng trước hiên nhà. Với những gia đình truyền thống, đình, chùa… vạn thọ là một loài hoa không thể thiếu dùng để cúng Phật, tổ tiên và các bậc tiền nhân.

Ở Việt Nam có hai loại cúc vạn thọ phổ biến: vạn thọ Sa Đéc và vạn thọ “lai Pháp”. Vạn thọ Sa Đéc thân hình mỏng manh, thấp, bông nhỏ nhưng có sắc vàng cam đặc trưng và hương thơm ngào ngạt. Vạn thọ lai có màu vàng rực, lá xanh và bông lớn hơn. Mỗi loài hoa đều có một nét đẹp riêng, nhưng với người Việt, cái dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh của vạn thọ Sa Đéc vẫn mang những nét đặc trưng riêng.

Vạn thọ là một loài hoa dễ trồng, ở đâu cũng sống được. Có lẽ đây cũng là một lý do mà loài hoa này có tên là “vạn thọ”. Hoa vạn thọ có thể trồng quanh năm, nhưng vì nhu cầu đặc biệt tăng cao vào dịp tết nên cứ mỗi tháng 10 âm lịch là các nhà vườn bắt đầu gieo hạt cho vụ hoa tết. Hạt giống được lấy từ những cánh hoa của vụ hoa trước, đem phơi khô treo trên gác bếp. Khi trồng chỉ cần đào từng rãnh nhỏ gieo trước nhà, hoặc lấy một ít đất thịt, một ít phân chuồng, một ít rơm khô đóng thành từng giỏ là có thể trồng ở quy mô lớn. Để mỗi khi xuân về, lang thang khắp các nhà vườn, bạn sẽ thấy từng luống hoa xếp hàng thẳng tắp. Lòng rộn ràng sắc xuân.

Có những buổi chiều cuối năm, tôi lang thang trên con đường nhỏ ở bến Bình Đông và ngắm những chiếc ghe chở đầy hoa vạn thọ từ miền Tây chở lên cho những ngày tết Sài Gòn. Cả năm đi lang thang không sao, nhưng thấy cánh hoa lại nhớ quê nhà. Cánh hoa chở cả mùa xuân!

(còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:
11119_621809924499648_1585802784_n.jpg


3. Giấc mơ Mekong

Đã lâu lắm rồi, tôi đọc Người tình. Cuốn sách gấp lại, trong tôi chỉ còn cô gái với mái tóc dài, cái mũ phớt và váy áo tung bay trên chuyến phà vượt dòng Mekong. Có những hình ảnh gây ấn tượng mạnh, và lâu lâu nó lại tái hiện một cách rõ ràng, đầy cảm xúc trong tâm trí.

Từ trong sâu thẳm, tôi cảm giác rằng đó là những hình ảnh thật. Giống như những trường ký ức tiềm tàng, có thể của quá khứ, hoặc của tương lai. Có cảm giác rằng đây là điều tôi đã từng trải qua, hoặc có thể sẽ bắt gặp. Nó ẩn sâu trong một góc khuất nào đó của không gian, và trong những phút giây tình cờ, bằng một mối liên hệ nào đó, tôi cảm nhận được.

Tôi đã từng có những giấc mơ như thế!

Đó là giấc mơ về ga Mương Mán, một ga nhỏ ở Bình Thuận. Một đêm, tôi thấy mình đứng đợi tàu ở nhà ga Mương Mán. Một cái tên mà lúc đó đối với tôi là rất xa lạ. Tôi nhớ chi tiết con tàu, mái nhà ga, và nhất là dòng chữ Ga Mương Mán. Rồi một ngày, tôi quyết định đến Ga Mương Mán. Nhưng trái với những gì đã thấy trong giấc mơ, nơi tôi đến thật là xa lạ. Chẳng có mối liên hệ nào!

Cho tới một ngày, tôi biết bố mình cũng đã từng đứng ở nơi đây, trong nhà ga Mương Mán. Đó cũng là một phút giây khó khăn, bố quyết định cho cả một quảng đời còn lại, mà nó còn ảnh hưởng tới tôi sau này.

Tôi nhận ra những mối liên hệ huyết thống của mình!

Có những giấc mơ là sự thật. Và hôm nay, một chiều mưa tháng tư, tôi nhận ra em, cô gái của tôi, cô gái với chiếc mũ phớt, với nụ cười trên dòng Mekong.

Tôi sẽ đến với em, người tình!
(còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,606
Bài viết
1,170,213
Members
192,227
Latest member
j88top1comvn
Back
Top