What's new

Tây Tạng - Vừa đi vừa viết

Bạn có bình chọn cho bài viết dự thi của Naloan không?

  • Votes: 94 94.9%
  • Không

    Votes: 5 5.1%

  • Total voters
    99
Status
Not open for further replies.

naloan

mây
Nick thành viên: naloan
Email: [email protected]
Điện thoại: 0909095626


TÂY TẠNG VỪA ĐI VỪA VIẾT

Cao nguyên tiếp theo, cao nguyên Thanh Tạng, nóc nhà của thế giới.
Nơi đỉnh tuyết sơn bốn mùa sương giá, nơi mọi giá trị cúi đầu trước niềm sùng kính tâm linh.
Ghét cay đắng cái tư tưởng diều hâu, nhưng vùng sơn thanh thuỷ tú, vừa như thần tiên, vừa như ma mị này có một sức hút khó cưỡng. Phải đi tìm, gặp những dòng sông ngọc đã nhiều đêm chảy vào giấc mơ mình.

20130523

3h20 sáng, sân bay Tân Sơn Nhất, vẫn còn lờ đờ vì phải thức sớm sau một ngày dài mệt mỏi. Hậu quả để lại của sự cố mất điện toàn miền nam ô hay làm sao lại ảnh hưởng một cách ...tế nhị lên chuyến đi của mình. Vấn đề là kế hoạch đổi tiền lủng củng quá nên trong túi chưa có một đồng tệ nào. Đang lang thang tìm điểm tập trung thì một cô nhân viên mặt đất vẫy vẫy mình vào hỏi thăm, và tại đây mình đổi được nhân dân tệ với giá 100 đồng mỹ 600 đồng tệ, với mình và trong hoàn cảnh này thì đây là mức giá chấp nhận quá được.

Có lẽ đây là lần đầu tiên mình đến sớm, chưa một chuyến đi nào lại khiến mình có nhiều quan tâm thế này. Một cô gái Trung Quốc người ... dài tán chuyện, hơi hơi bất ngờ vì nàng đang đến Việt Nam theo học đại học kinh tế quốc gia, ghi theo nguyên văn của nàng, chính xác thì là đại học kinh tế TPHCM.

BẮC KINH RẤT ĐÁNG ..."KINH"

Đất nước Trung Quốc, sau hơn nửa ngày lang thang ở Bắc Kinh, từ Vạn Lý Trường Thành đến lầu phong thuỷ, cũng coi như là có chút phong vị. Thế nhưng, đọng lại với mình lại chính là những con đường nở đầy hoa hồng, và nền văn hoá mang đậm dấu ấn phong thuỷ. Cũng bổ sung được vào vốn phong thuỷ kiến trúc của mình một số điều hay hay nho nhỏ.

Còn lại là đồ ăn trưa quá tồi, đồ ăn tối đầy dầu mỡ, tràn lan quảng cáo vật phẩm tỳ hươu và những giấc ngủ ngắn vật vựa trên máy bay, trên xe vì khá mệt mỏi cho một ngày khởi hành từ sáng sớm chưa tới 3 giờ.

attachment.php
Bên ngoài Lầu phong thủy, bên trong có rất nhiều Tỳ hươu trưng bày, và bán.

Ở đây xe ô tô made in China đầy rẫy, tình trạng kẹt đường ko thua gì ở Việt Nam. Chính quyền Bắc Kinh phải áp dụng biện pháp hạn chế số đuôi xe ab chạy vào thứ chẵn, cd chạy vào thứ lẻ... Nhà cửa nội ô đắt đỏ ko dưới 6000$/ m2 mà sở hữu đất chỉ trong vòng 70 năm, dịch vụ thông tin di động đắt đỏ và không tiện lợi, wifi hạn chế ko có trên phòng khách sạn khách muốn check mail phải chịu khó xuống ngồi bàn khách lễ tân.

Trong số các khó chịu, cơ bản là, chàng hướng dẫn địa phương chưa bao giờ đến Sài Gòn nên trong các trình bày của mình, không ít lời ca mức sống ở Bắc Kinh rất cao, mua cái gì đừng đổi ra tiền Việt Nam vì đổi ra con số lớn nhức đầu. Dù sao thì, cũng phải cảm ơn quý ...nền kinh tế nước nhà đã "chủ ý" tạo ra một đồng tiền còn ...rẻ hơn cả đồng Riel để ...hạn chế nhập khẩu và để cơ hội cho ... những người như mình lắng nghe những điều như thế này.

Tản mác cho hết cơn ... rảnh, còn cơn buồn ngù thì đã ập đến nặng trĩu đôi mắt. Ngủ vậy, và mơ về xứ Thanh Tạng còn xa xôi trước chuyến bay ngày mai...
 
Last edited by a moderator:
Re: Tây tạng - vừa đi vừa viết

20130524

Ở nơi xa xôi và không có mấy thiện cảm này, lại có nhiều người nhận thấy mình là đồng hương của họ. Sáng nay, tại sân bay Beijing (Bắc Kinh), câu cửa miệng của mình là "Sorry, i can't speak Chinese". Mình không hiểu, nhưng trông thái độ có thể đoán biết là đa số họ hỏi đường, giờ bay,...Mình thấy lạ lạ, có lẽ bây giờ mình đã hiểu các món hàng fake 1, fake 2 made in China chúng nó có cảm giác như thế nào!

Cũng tại sân bay Beijing, mình thấy một gã đàn ông "hảo Hán" vô lễ quát lớn tiếng với một đoàn các cụ già!

7h30 giờ địa phương, lại lên một chiếc Air China đáng ghét khác, mình phát hiện thêm rằng Trung Quốc rất bá đạo, các tập tài liệu trên máy bay này chỉ được viết bằng một thứ tiếng Trung Quốc và trong bản đồ Trung Quốc luôn bonus một cái lưỡi bò!

8h20 máy bay mới cất cánh, ngồi sốt ruột chờ thời gian trôi qua để sớm có thể trông thấy Tibet từ trên cao, sớm được đặt chân lên mảnh đất thần phật này. Cũng hồi hộp lắm, không biết đối với riêng mình, biến chứng độ cao nó như thế nào, Tây Tạng có chọn mình như một linh hồn có duyên trong cõi tạm này hay sẽ lạnh lẽo khướt từ như một trong nhiều nhục thể chỉ mang đến sự hoen uế!

TÂY TẠNG

Hơn 11 giờ địa phương, cảm giác tai báo hiệu rằng độ cao đang giảm, không lâu sau đó tiếp viên thông báo điều này, cảm xúc khi ý thức được rằng mình đang bay trên bầu trời Tây Tạng thật khó tả. Có thêm trải nghiệm để bổ sung phạm trù của 2 chữ mênh mông, trên chân nền mây trắng là biển trời xanh bao la, màu xanh diễm ảo lạ kỳ, tưởng như đúng đây là nơi ở của chư vị thần tiên trong truyền thuyết. Vài ống kính giơ lên chụp, không ngớt vui mừng vì trong một số bức ảnh trong máy của mình xuất hiện hình tượng mà theo kinh nghiệm người đi trước là biểu trưng mạn đà la, có thể xem như dấu hiệu may mắn cho chuyến hành trình.

Cao nguyên Thanh Tạng chào đón đoàn người ngưỡng mộ bằng núi non hùng vĩ, tuyết sương điểm trắng mái đầu dù đang độ hè cuối tháng 05. Sân bay Lhasa như một chiếc mâm đồng đặt giữa những chén gốm nung úp ngược, núi non bao kính nơi này khiến nó trở thành một công trình nhân tạo có một không hai.

attachment.php

Chuẩn bị đáp xuống sân bay Lhasa, bao quanh là những "chén gốm nung nâu" thế này, hình chụp nhòe nhoẹt qua ô cửa máy bay

Bước xuống sân bay, lấy hành lý, gặp hướng dẫn người địa phương và di chuyển qua một đoạn đường với cảnh sắc khó quên, có lẽ sẽ nhiều thời gian để mình mô tả kỹ lại sau. Điều mình muốn nói đầu tiên khi đến đây là, người dân Tây tạng rất niềm nở hiếu khách, từ sự thân thiện của các anh các chú nhân viên cảng vụ đến hướng dẫn địa phương rồi đến bữa ăn đầu tiên, tất cả đều cho mình thấy rằng Tây Tạng dành cho khách đến nhà những điều tốt đẹp mà họ có. Bữa ăn đầu tiên trong một không gian ấm cúng và mình cảm thấy đồ ăn thức uống đều ngon chứ không khó thưởng thức như đã được cảnh báo ban đầu. So với bữa ăn trong "nhà ăn công nhân" và không kiểm soát được mình đang bỏ thứ gì vào miệng tại Bắc Kinh thì đúng là cách nhau một trời một vực.

Xong bữa cơm trưa đã 14h15, trời man mát mây và mọi người còn rất khoẻ, trái với lời khuyên ngày đầu ở Tây Tạng nên nghỉ ngơi làm quen thổ nhưỡng, ăn uống vừa phải, đi nhẹ, nói khẽ, cười ...mỉm chi, hướng dẫn viên người Tạng đưa mọi người đi thăm chùm Cung điện mùa hè (Norbulingka).

Buổi thăm thú chụp ảnh diễn ra vui vẻ, cung điện đẹp tỉ mỉ đến từng chi tiết thủ công, giờ chỉ còn là những căn phòng bỏ lại của một vị Lạt ma vương lưu vong. Sao mà chua xót đến từng gương mặt phật. Một cơn mưa lớn ập xuống khi đoàn người thăm các gian điện cuối cùng, đường quay lại xe trở nên dài lê thê, gió thốc buốt từng tấm áo phông phanh, mưa bất ngờ, và hãy tin mình đi, mỗi giọt nước mưa Tây Tạng đều lạnh như băng đá, cảm giác như xuống dưới 10 độ C, ướt mưa ở đây là một trải nghiệm không dễ chịu chút nào. Trong lúc cần hạn chế hoạt động, vì cơn mưa khiến mọi người đi vội và nhanh hơn. Cũng may là, khi sắp ra đến xe thì mưa tạnh hẳn, và ấm nắng chiều lên.

attachment.php

Cổng vào một trong các phần cung điện Norbulingka

Lại nói, trên đường từ sân bay về thủ phủ Lhasa, hai bên là núi non trùng điệp, thỉnh thoảng ẩn hiện những gò mani treo dọc ngang cờ lụa cầu may mắn tốt lành với những màu xanh tượng trưng cho bầu trời, màu vàng cho đất, màu trắng cho mây, màu đỏ cho lửa và màu lá cho cây cối. Mình còn trông thấy một phần của dòng Nhã Lỗ Tạng Bố (Yarlung Tsangpo), chợt nhìn quanh quất kiếm tìm một phần khởi nguồn của các dòng sông thiên châu Á: Hằng Hà, Ấn Hà, Hoàng Hà, Mê Kong, Dương Tử, ... Có lẽ sẽ thêm hoàn mỹ nếu bước vào thủ phủ không thấy quân đội, một trong ba thứ người dẫn đường không cho chụp ảnh, 2 thứ còn lại là công an và người địa phương nếu chưa xin phép họ. Thêm nữa, trên rất nhiều cột đèn chiếu sáng bên đường, bảng vẫy trang trí là hình ảnh 2 lá cờ đỏ và nhiều sao vàng. Xin không bình luận về hình ảnh này nhưng nó lại khiến mình nhớ lại một bài báo mạng đã đọc, khi phóng viên hỏi người dân Tạng chính quyền Tây Tạng ở đâu, họ nói chính quyền mà không ai công nhận là ở Bắc Kinh, còn chính quyền của họ thì đang nằm ở Ấn Độ.

attachment.php

Một phần dòng Yarlung

Kết thúc ngày hôm nay có lẽ là chuyện say độ cao và ăn uống. Như kể ở trên, đáng lẽ sẽ nghỉ ngơi tuyệt đối ngày đầu tiên nhưng mọi người lại không phải vậy. Kết quả (dự đoán theo ý kiến đám đông, chứ thực tế không biết liên quan kiểu gì :D) là hết 4 người trong đoàn bao gồm cả người già, phụ nữ và thanh niên không dùng tiếp được buổi cơm tối, một số phải sử dụng bình ôxy và uống, tiêm thuốc để giảm các triệu chứng đau đầu, buồn nôn,... hướng dẫn viên trong đêm thứ 2 trở thành chăm sóc viên, có vẻ là được lòng nhiều thành viên trong đoàn vì sự quan tâm nhiệt tình và có trách nhiệm của chàng. Riêng mình thì chỉ bị chút đau đầu và lạnh cái mũi, còn lại ăn uống hết sức ngon lành mặc dù thường ngày cũng thuộc loại siêu kén ăn. Xem ra Tây Tạng đang đón đoàn mình như những người có duyên, rất mừng vì điều này.
 
Last edited by a moderator:
Re: Tây tạng - vừa đi vừa viết

20130525

Sáng nay phòng mình thật là nhộn nhịp, hết chú phòng kế bên đến em trai phòng kế kế bên nữa. Mỗi người ít lượt hỏi thăm cô đi cùng mình khoẻ chưa, và lấy kinh nghiệm cộng động lực để đi ... tiêm thuốc. Chẳng là khuya hôm qua lúc 5h15, bạn ... chăm sóc viên sang đưa cô đi khám, tiêm thuốc chữa say độ cao, thế là sau nửa ngày nằm dài không ăn uống cô đã tỉnh táo hẳn. Mọi người còn lại sau một đêm vật vã với chứng đau đầu vì thiếu ôxy cũng muốn tìm một giải pháp sức khoẻ nhanh chóng để hôm nay đi thăm Potala được vui vẻ.

Nói tới đây, phải dừng lại khen chăm sóc viên lần nữa, 5h15 bên mình gọi đã thấy ngại, chàng còn tiết lộ rằng lúc 3h đã có người gọi chàng nhờ đưa đi bác sĩ rồi!

attachment.php

Potala (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

Potala, cung điện - tu viện cổ nổi tiếng vào bậc nhất Tây Tạng, giờ đây đã đặt dưới sự quản lý và khai thác gắt gao của chính phủ Trung Quốc, mỗi lượt người đến thăm phải đăng ký trước và có 1 giờ để đi một vòng rộng lớn các gian phòng. Đoàn mình đăng ký lịch vào lúc 11h nên có nửa buổi sáng để lười biếng và dưỡng thương.

10h đúng, xe đưa đoàn đến Potala, vì còn làm các thủ tục khoảng hơn 30ph nữa. Hôm nay nhằm 16 âm lịch, đoàn người Tạng đổ về hành hương đông đúc, không khó để bắt gặp hình ảnh các tín đồ Tạng phật thực hiện nghi thức tam bộ nhất bái Ngũ thể nhập địa vòng quanh thánh điện Potala. Tôn giáo duy nhất thoả mãn khoa học này (Einstein) phải có một sự thu hút lòng người lạ kỳ thì mới có thể khiến các tín đồ của mình tình nguyện thực hiện một nghi thức tôn nghiêm và khổ khó như thế! Hoà vào dòng người để đi chụp ảnh một vòng bên ngoài thánh điện, đoàn mình mới theo 300 bậc thang xây dựng bằng sức người xưa lên phía trên và vào bên trong.

attachment.php

Dòng người hành hương thực hiện nghi thức tam bộ nhất bái (Ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

Cung điện Potala, có thể nói là một kho tàng vô giá. Dòng người đến thăm quá đông, chen chúc trong từng không gian nhỏ và nồng mùi khói hương, lời hướng dẫn nghe được giữa những ồn ào lúc nhớ lúc không, muốn nằm lòng có lẽ phải tìm đọc lại lịch sử các vị Lạt ma. Điều ấn tượng nhất đối với riêng mình chính là lối kiến trúc và trang trí đặc trưng phật giáo Tây Tạng, tai nghe đã lâu, mắt thấy mới chỉ lần này. Sắc màu là nét nổi bật, có lẽ vì đặc thù khí hậu quanh năm băng lạnh nên các gam màu dùng trang trí, vẽ các bức thangka, sơn phết lầu các đều là các gam màu chính đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá. Chất liệu làm nên màu vẽ cũng hết sức đặc biệt, có thể từ gỗ rừng, đá quý, bột vàng, bột bạc, những thứ lấy từ tự nhiên để giữ một khối kiến trúc hoà vào tự nhiên tồn tại lâu nhất đến mong muốn bất diệt. Đặc trưng kiến trúc lầu các Tạng phật dễ nhận thấy nữa là không gian bé nhỏ (cũng là để thêm ấm cúng chăng?), vuông vắn, chi tiết thủ công sặc sỡ.

attachment.php

Một góc thánh điện Potala (Ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

Chiếc vé thông hành cùng anh hướng dẫn đưa đoàn đi khắp các gian điện màu đỏ rồi sang các gian điện màu trắng. Nơi thiết triều, nơi toạ thiền, nơi gặp gỡ mẫu thân, nơi tiếp khách,.. của các Đạt Lai Lạt Ma giờ chỉ còn là một di tích khi người sở hữu cuối cùng đã mang theo vương vị lưu vong.

attachment.php

Một góc hình vẽ trang trí bên trong Potala

Anh hướng dẫn người Tạng tiếp tục đưa đoàn người sang viếng lăng mộ các đời Lạt ma, nhiều lăng được làm từ đồng, nhiều lăng được làm từ vàng và các hợp kim quý khác mà số lượng số ký mình không tài nào nhớ xuể. Ngoài ra trong khu vực lăng còn vô số các tượng phật vàng bạc cổ xưa khác, to nhỏ đủ loại. Một số tượng tướng mạo dữ tợn, có thể là các vị phật đúc theo nguyên bản Tạng truyền phật giáo mà nhánh mang tính kế thừa lớn nhất là Mật tông.

Trong các gian điện, có lẽ lặng lẽ nhất là các quyển kinh xếp tầng trên kệ, mình không nhìn rõ được bằng vải hay bằng giấy. Thật tiếc lắm thay một pho kiến thức phật giáo quý giá thế này có lẽ chỉ còn để cho thời gian lãng quên, và thất truyền.

Sau khi rời khỏi Potala với sự canh cánh khó tả, đoàn mình tiếp tục đến thăm Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple). Tương truyền ngoài Đại Chiêu Tự, còn có Tiểu Chiêu Tự là 2 ngôi chùa được Tạng vương Tùng Tán Can Bố xây dựng để đặt các tượng phật là của hồi môn của công chúa Văn Thành nhà Đường và công chúa Xích Tôn Nepal. Cũng từ cuộc hôn nhân này, Tạng phật ảnh hưởng nhiều bởi phật giáo Trung nguyên.

Đại Chiêu nổi tiếng linh thiêng, trước gian chánh điện đèn nến thắp sáng, nhiều người Tạng mình không hiểu đang làm nghi lễ gì, la liệt ngồi lầm rầm khấn nguyện, tay xáo trộn các loại hạt đá và ngũ cốc. Dòng người hành hương thì chen lấn xô đẩy nhau để đến trước tượng phật vàng Thích Ca Mâu Ni năm ngài 12 tuổi chiêm ngưỡng vẻ uy nghiêm và chiêm bái trước ngài. Mình thì nghĩ ngài có nghe tất cả khẩn cầu của chúng sanh đang chen chúc nơi đây không? Phật ở trong lòng, hãy biểu thị lòng thành kính nhã nhặn đúng nơi đúng chỗ.
attachment.php


Trước chánh điện Đại Chiêu Tự, đèn ở các chùa chiền Tây Tạng được thắp bằng dầu làm từ mỡ bò Yak, lâu tàn và không có khói

attachment.php

Trước Đại Chiêu Tự, các tín đồ đang lầm rầm khấn nguyện, chụp một ảnh thế này là bất lịch sự ở đây.

Đi qua 2 nơi thờ tự linh thiêng, không hiểu sao mình thấy chạnh lòng quá khi nhìn những bức tượng phật tôn nghiêm phải đang cách biệt với chúng sanh đằng sau những lồng kiếng, màn xích, song sắt...Ôi phật tổ từ bi ngài đang ngự nơi đâu!

Buổi chiều tối nay, mọi người có một chút thời gian tự do khám phá chợ đêm địa phương, mua sắm các quà lưu niệm. Mình đi vòng vòng không biết trả giá thế nào cho phải, cuối buổi cũng mua được gần chục cái chuyển kinh luân nhỏ bằng đồng thau. Biết tiếng Trung Quốc ở chợ này là một lợi thế, điển hình là khi bạn hướng dẫn người Việt hỏi giá bằng tiếng Trung Quốc thì người bán ít nói thách còn mình hỏi bằng tiếng Anh thì bị hét giá trên trời.

Bữa cơm chiều tối ở một nhà hàng kiểu quân đội lại mang đến cảm giác hơi khó chịu. Hai cô chú thành viên lớn tuổi trong đoàn hôm qua không bị say thì hôm nay phải bỏ bữa và phải tiêm thuốc, bỏ luôn cặp vé xem biểu diễn nghệ thuật. Nhưng, có lẽ như hai cô chú là may mắn...

Chương trình biễu diễn nghệ thuật tối nay, trái với kỳ vọng của mình, là một nỗ lực "dìm hàng" đối với Tây Tạng huyền bí, lịch sử của vùng đất này chẳng lẽ chỉ tầm thường vụn vặt đến vậy thôi sao! TNM ơi TNM, tài năng của ông trong Nụ cười Angkor ở đâu, mà lại khiến khán giả phải bỏ tiền triệu VND chỉ để xem một buổi biễu diễn tạp kỷ! Đến màn thứ 2 mình đã chán ngán chỉ mong hết giờ để về, đến những màn cuối cùng thì bản thân không muốn cũng phải nhiều lần bật lên tiếng cười khẩy. Ở đâu ra vòng xoáy âm dương nơi Tạng phật, ở đâu trên sân khấu lại xuất hiện phông nền màu đỏ có nhiều hình sao vàng làm nên bức màn ngăn cách khán giả với hình ảnh các vị Lạt ma, và những thứ khác nữa mà có lẽ nếu bạn từng quan tâm đến văn hoá cảnh quan Tây Tạng, chỉ cần nhìn qua những bức ảnh mình bonus đây là đủ hiểu vấn đề!

attachment.php

Chương trình biểu diễn nghệ thuật - nhìn thứ mờ mờ trên phông nền nhé


attachment.php

Chương trình biểu diễn nghệ thuật - Lạt ma đã lùi vào quá khứ

Cuối cùng, một sản phẩm kiểu này mang danh TNM chỉ có thể khiến người xem nhớ rằng, kinh tế quyết định chính trị, còn chính trị quyết định nghệ thuật, tại sao người Tây Tạng phải phản đối Bắc Kinh!

Không phủ nhận cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc mang đến Tây Tạng, nhưng có lẽ nhiều người như mình sẽ thật sự không thoả mãn, vì mong muốn viếng thăm Cao nguyên Thanh Tạng, chứ không phải chỉ là đi du lịch đến một tỉnh thành mông muội Trung Quốc và bị động nhồi sọ.
 
Last edited by a moderator:
20130526

Xe đoàn mình khởi hành từ lúc 8h sáng hướng ra khỏi Lhasa về Shigatse. Mỗi một đoạn đường trong thung lũng giữa các ngọn núi đá ngủ quên ở đây đều là không thể lập lại.

9h, xe rời Lhasa hướng về các ngọn núi cao nhất trong hành trình, hướng về một trong những ngọn núi tuyết vĩnh cửu.

Tại khu vực ranh giới Lhasa, anh hướng dẫn người Tạng phải xuống xe trình giấy thông hành. Cảnh tượng này từ đây bắt gặp thường xuyên trên đường đi. Đường từ Lhasa đến Shigatse mất khoảng 250-280km tuỳ cung đường lựa chọn.

Lượt đi được lựa chọn theo đường núi, xa hơn một chút so với lượt về. Ở nơi đây mùa hạ, núi tuyết ngủ quên, những vạt cỏ dại tím núi đồi, những ngọn kỳ sơn thẩn tha bò Yak, mây trời lồng lộng xanh trong như chưa từng thấy ở nơi nào. Xe di chuyển đều trên con đường núi gần như độc đạo. Ở chốn dường như không dành cho người trần này thi thoảng xuất hiện vài chiếc ô tô, nhà lác đác thưa, người trông thấy cảnh tượng này không thể chợp mắt dù cơn buồn ngủ kéo đến, cũng bất đắc dĩ mới giơ ống kính lên bấm vì ống kính cũng không giữ được một phần ngàn, cho nên điều nhất thời mong muốn là được đắm chìm và tan chảy vào không gian choáng ngợp trước mắt.

attachment.php

Đường núi (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng qua kính xe)

Điểm dừng chân đầu tiên để mọi người quen dần với vùng cao nguyên xinh đẹp mà hiểm trở. Yamdrok thoả cơn mơ sông ngọc trong lòng mình bởi dòng nước xanh ngăn ngắt. Ở độ cao 4800m, ngồi trên lưng con Yak trắng giữa bao la trời và nước xanh một màu, tin mình đi, đã trải qua rồi bạn không thể nào quên.

attachment.php

Hồ Yamdrok (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

attachment.php

Thuê một chú Yak thế này 20 tệ, leo lên lưng chú là mình lại ở cao thêm 1 m so với mực nước biển rồi

Mình không bị say độ cao, nhưng mới xuống xe chạy nhảy một lúc hơn 20 phút thôi, đã thấy lưng tưng khó thở và đau cái đầu. Đường còn xa nên không dừng lại được lâu, phải tiếp tục cuộc hành trình vừa đi vừa ngắm qua cửa kính. Được cái, đường núi do Trung Quốc xây liền lạc, bác tài lái xe cẩn thận và không quá nhanh.

Những đoạn hồ Yamdrok như suối tóc tiên liên tục ẩn hiện trên đường tốn không biết bao nhiêu % pin trong các máy ảnh, đặc biệt từ một người ngưỡng mộ dòng ngọc như mình. Đây chính sắc màu này đã nhiều đêm chảy vào trong mơ, những dòng bích thuỷ đổ xuống từ trời.

attachment.php


attachment.php


Hồ Yamdrok, ở độ cao 4800m, hình mình chụp rất nhiều nhưng bị hỏng nhiều do kính xe

13h30, sau bữa trưa sơ sài tại một nhà hàng hiếm hoi ở nơi hẻo lánh, hành trình hướng về núi tuyết tiếp tục. Xe vẫn lao đi giữa những ngọn núi, có đoạn tưởng chừng đi vào ngõ cụt đến nơi, nhưng, mềm mại như nước, con đường nhỏ vẫn khéo léo len mình qua những triền quanh co.

Không lâu sau, các bạn trẻ lại có cơ hội thử thách khả năng chịu độ cao ở mức 5000m. Giữa trưa hè "dòng sông" băng Karola hiện ra đầy kiêu hãnh. Từ độ cao hơn 7000m của mình, so vai cùng các anh em trên dãy Hymalaya, ngọn băng tuyết vĩnh cửu này chính là nguồn nước ngọt dồi dào cung cấp cho các dòng sông lớn châu Á không cạn kiệt. Leo đến đây để ngắm nhìn Karola từ xa, ở độ cao tưởng chừng khiêm tốn thôi, lại lấy đi sức lực không ít của đám người trẻ. Các triệu chứng khó thở, đau đầu lại ập về chỉ sau vài phút chui khỏi xe và cố leo lên một ngọn đồi bé để có vài bức ảnh đẹp.

attachment.php

Nhìn từ xa sông băng Karola

Cũng giống như điểm dừng chân đầu tiên, xe không ngừng ở đây lâu vì gió thốc lạnh và hội chứng độ cao tức thời. Mọi người nhanh chóng quay về chỗ ngồi và ...ngủ. Riêng mình thì hai mắt cứ thau láu, thậm chí còn giành chỗ của anh hướng dẫn địa phương để tham lam ngắm nhìn, muốn ôm trọn vào lòng những hồ lục bảo, những dòng nước đầu nguồn, những loại cây bụi mọc trên đất đá khô, và một thị trấn nhỏ nhiều cây xanh mướt...

15h15 giờ địa phương, chùa Bạch Cư (Palkhor) hiện ra trong tầm mắt, nhưng đang vào dịp vía phật (?) nên trước điện thờ tín đồ làm lễ rất đông không vào bên trong được để xem các bức vẽ đẹp, cả đoàn chỉ đi một vòng chùa theo chiều kim đồng hồ để thăm thú chụp ảnh và xoay chuyển kinh luân.

attachment.php

Phía sau chùa Palkhor

Hành trình tiếp theo, đoàn người về trung tâm Shigatse, xuyên qua một thung lũng rộng lớn, bao quanh vẫn là trùng trùng núi...

Chiều tà, trên đường đi, đoàn tranh thủ thời gian ghé thăm tu viện Tashihunpo Monastery, nơi được xem là bản sao của Potala. Trong tu viện, nổi tiếng là bức tượng phật di lạc cao lớn, đứng trước và phải ngẩn cao đầu nhìn ngài, mới thấy chúng sanh nhỏ bé! Ở đây cũng có nhiều gian điện, bước vào mỗi nơi bạn cần gõ chuông báo viếng treo giữa lối vào. Bức vách trong các gian điện được điêu khắc bằng kim loại, vẽ các hình tượng phật màu sắc đẹp đẽ. Không gian ở đây ấm cúng thờ tự hơn Potala.

attachment.php

Tashihunpo Monastery, bình yên trong chiều

attachment.php

Tashihunpo Monastery, bình yên trong chiều (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng

Một ngày hành trình vất vả, mọi người ăn tối xong tranh thủ nghỉ ngơi, đêm Shigatse cao hơn Lhasa chỉ vài trăm mét nên không khó chịu gì lắm. Ngặt nỗi, trong phòng không có chai nước uống nào, gọi điện không được mình phải quá bộ sang gõ cửa phòng hướng dẫn viên, thì một sự cố vui vui xảy ra, đây không phải là lần đầu tiên mình chứng kiến một sự cố liên quan đến cái khoá cửa toilet ở khách sạn, nên cũng nhắc các bạn, lưu trú ở phòng khách sạn nào nhớ để ý cái khoá cửa toilet nếu không muốn một ngày nào đó bị nhốt vào đấy. Hihi
 
Last edited by a moderator:
20130527

Tạm biệt thành phố Shigatse, thành phố trong lòng núi. Nắng sớm hắt lên những dãy tường tự nhiên xa xa, mảng sáng tối đan nhau trông như những bức tranh thuỷ mặc. Ngắm nhìn chân núi mờ ảo chợt nhớ câu hát trong Cô gái Mông xuống chợ "Sương giăng giăng, che mờ lưng núi..."

attachment.php

Những vách tường núi tự nhiên buổi sáng

Người trên xe vừa ngắm núi non, vừa nghe anh hướng dẫn kể chuyện văn hoá Tây Tạng. Các thành phố ở Tây Tạng chọn ngày lễ tết khác nhau trong năm, Shigatse 1/12, nơi khác là 1/10 ....vì mỗi nơi có một độ cao khác nhau nên khí hậu khác nhau, người Tạng ở từng khu vực đón ngày tết dựa vào thời điểm một số loài hoa vào mùa nở rộ đặc trưng.

Nhân đi qua một ngọn núi nhỏ, nơi tiến hành các nghi thức thiên táng (điểu táng) của người Tạng ở khu vực Shigatse, câu chuyện chuyển hướng sang các tập tục an táng trên cao nguyên này. Người chưa am hiểu nhiều về văn hoá Tạng có cảm giác hơi ghê rợn, cũng giống như thuỷ táng, thiên táng cần phải chia nhỏ di thể của người qua đời. Khác nhau ở chỗ, thuỷ tán dành cho người chưa lập thất, trẻ nhỏ và di thể được thả xuống sông, thiên tán dành cho người qua đời vì lẽ tự nhiên, có thân phận, di thể được mang lên núi cao với quan niệm tiệm cận trời mây giúp linh hồn được lên thiên đàng. Ngoài ra còn có nhiều hình thức khác, hỏa táng dành cho Lạt ma, ướp di thể dành cho Lạt ma vương, thổ táng dành cho người kém đức độ vì sẽ khiến linh hồn người đi xuống địa ngục.

attachment.php

Ngọn núi thiên táng tại khu vực Shigatse

attachment.php

Còn đây là đoạn sông Yarlung thủy táng khu vực Lhasa, bạn thấy chỗ dãy cờ ngũ sắc không? (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

Đường quay về thành phố Lhasa không đi qua núi cao như ngày hôm qua, mà men theo ven bờ sông Nhã Lỗ Tạng Bố. So về cao độ và sự hiểm trở thì thấp hơn, nhưng đi được nhanh hơn khoảng 2 giờ đồng hồ. Con sông nổi tiếng Tây Tạng này có dòng chảy màu xanh lá cây nên còn được gọi là sông Áp Lục. Dòng chảy luyến lưu đoàn người, lúc xuất hiện bên trái, lúc xuất hiện bên phải, lúc hoà vào núi non vẽ nên bức tranh diễm tuyệt, lúc bị bàn tay con người khai phá loang lỗ ven bờ.

attachment.php

Yarlung xanh lúc hiền hòa

attachment.php

Yarlung xanh lúc ma mị

attachment.php

Yarlung xanh lúc xấu xí vì bàn tay con người

13h, cả đoàn ghé thăm trại nuôi chó ngao Tây Tạng, đã đến đây mà không chiêm ngưỡng loài Tạng ngao này là một thiếu sót đáng tiếc. Loài mãnh thú thắng sói trong tự nhiên được thuần hoá, và có lòng trung thành cao nên được đánh giá cao. Gây chú ý ở đây là một bé vương đen ánh tím đang được định giá 20 triệu tệ và một bé trắng bạch mã hoàng tử, nghe ông chủ quảng cáo bé trắng này "đẹp trai" nhất Tây Tạng và số bạn gái xếp hàng dài từ Lhasa đến Shigatse (no comment). Mình thì thấy 2 bé này giống Tử Kỳ Lân và Hải Lam Thú trong Mật mã Tây Tạng.

attachment.php

Ngao Tạng cao lớn

15h30, cũng trên đường quay về Lhasa, mọi người ghé siêu thị mua một ít sản vật từ bò Yak, chỉ một loại bò Yak mà người địa phương ở đây chế biến thành rất nhiều món ăn từ khô bò đến kẹo đến các loại túi da xinh xắn. Ngoài ra ở đây còn bán một loại sản vật quý của Tây Tạng đông trùng hạ thảo, đương nhiên đồ hiệu phải có giá trên trời rồi. Mình thì sau khi đi một vòng măm thử kết nhất món kẹo nên mang về một số cũng kha khá.

Cùng trong một khu công nghiệp ngoại thành thành phố Lhasa, thời gian còn sớm đoàn mình lại ghé thăm một hiệu thuốc truyền thống Tạng, theo những gì ghi chép trên các bức thangka và người bán hàng giới thiệu, y học Tạng đã phát triển hàng nghìn năm trước, trước cả các khoa học phương Tây. Tuy nhiên khi một vị bác sĩ nơi đây bắt bệnh cho mình qua bàn tay thì chỉ nói đúng được 50%, về cái chứng liên quan đến dạ dày của mình. Các bác trai trong đoàn tỏ ra quan tâm nhiều và bỏ ra khá nhiều nghìn USD tậu về món đông trùng hạ thảo.

Tối nay về lại Lhasa, mọi người ăn cơm ngon, sau hết các cô các chú về nghỉ, chỉ 2 cô chú Việt Tây là tháp tùng cùng hội người trẻ chúng mình đi thăm thú chợ đêm, đêm nay mua bán có vẻ sôi nổi và vui hơn, ai nấy đều mua được món mình thích, 21h30, còn lại 4 người ham vui nhất không đón được taxi phải đi xe đạp lôi trở về khách sạn, cảm giác cũng thú vị lắm!

426629_10200691836471776_710586441_n.jpg

Chợ đêm ...sáng trưng như vầy đây (ảnh của bạn Nicky Peng do ..bạn nào đó bấm máy)
 
Last edited by a moderator:
20130528

Gần 8h sáng, mặt trăng lơ lửng như một vệt mây tròn.

Hôm nay có vài thành viên không khoẻ, nhưng tất cả đều quyết tâm chinh phục vùng hồ trên núi đẹp nhất hành trình này, hồ Namsto. Hồ nước mặn trên núi ở độ cao 5000m cách Lhasa 250km đường bộ về phía Bắc.

Người Tạng quan niệm hồ Namsto thuộc tuổi con dê, nên vào các năm tuổi này, rất nhiều người Tạng mang theo hành lý đi hành hương quanh hồ theo chiều từ trái qua phải. Mỗi một vòng hồ mất từ 20 đến 25 ngày, người trẻ có thể đi nhanh hơn, và có người cũng kiên nhẫn đi được 2-3 vòng.

Trên cung đường chính hướng từ Bắc Kinh đến bắc Tây Tạng nối dài, xe chạy êm đềm hơn hành trình ngày hôm qua (tuyến đường quốc lộ nối từ Thượng Hải đến cầu hữu nghị sang Nepal). Từ cung đường này có thể ngắm nhìn tuyến đường và đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt hiện đại đắt nhất Trung Quốc đi từ Thanh Hải đến Tây Tạng vì có những đoạn xây dựng trên khu vực đất đóng băng, nghe đâu tổng giá trị đầu tư lên đến 500 triệu nhân dân tệ.

attachment.php

Gặp ngay lúc tàu hỏa đi qua, trên con đường sắt đắt đỏ đi từ Thanh Hải lên Tây Tạng (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

Người nông dân du mục phía bắc Tạng này cũng đang dần thay đổi điều kiện sống của chính họ. Với nguồn thu nhập từ bò Yak và đông trùng hạ thảo, thứ thuộc loại thượng hảo hạng trong các đông trùng hạ thảo, nông dân bắc Tạng được xem là những người nông dân giàu nhất xứ tự trị này. Cũng vì có nhiều của cải và quan niệm hôn nhân đặc trưng, nếu con trai lấy vợ phải chia tài sản là 50 con bò Yak, nên người nơi đây hạn chế số lượng cưới dâu, hiện nay vẫn còn tồn tại phong tục một vợ nhiều chồng của các cô dâu bắc Tạng.

Về tự nhiên, các ngọn núi ở phía bắc có cấu tạo thoai thoải không có hình chóp nhọn như các ngọn núi tại phía Nam - Lhasa. Giải thích cho điều này phải xem lại lịch sử vận động của vỏ trái đất, vào thời kỳ khủng long diệt vong cách đây 60-70 triệu năm, từng ngọn gió lạnh thổi tan băng tuyết và bào mòn các đỉnh núi xuất thân từ lòng đại dương này.

Hồ Namsto, nhìn từ bản đồ địa cầu, có thể thấy như một bồn chứa nước lớn của thế giới. Riêng mình thì thấy, cả đỉnh nóc nhà thế giới bao gồm cả các ngọn núi băng vĩnh cửu chính là nguồn nước nuôi sống lục địa Á Âu. Nhưng tại sao nơi đây, các ngọn núi tuyết vào mùa ngủ quên lại khô cằn không cây cỏ, mà tương truyền rằng muốn núi Tây Tạng xanh như đồng bằng phải phá tan dãy núi ở Ấn Độ Dương để nước ngọt từ đây có thể theo mây quay về lại nơi khởi nguồn. Cho đi, không nhận lại, tư tưởng phật giáo thấm nhuần cả con sông ngọn núi nơi đây.

Nói đến đây, chợt nhớ thêm một ảnh hưởng của phật giáo lên đời sống người Tạng. Hầu hết các ngôi nhà hoặc công trình kiến trúc đều có ngoại thất sơn 2 màu trắng đỏ, màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch đại diện Quán Thế Âm bồ tát, màu đỏ tượng trưng cho trí tuệ vô lượng đại diện Văn Thù bồ tát.

Hai bên đường núi trùng điệp, những ngọn bạc đầu xa xa, làm thành một vành đai mây tuyết, thỉnh thoảng xuất hiện những dải cờ phật nhiều màu điểm xuyết không gian. Có đoạn qua sông đá, có đoạn qua thảo nguyên với dê cừu bò Yak.., ở đây, nơi tiệm cận thiên đàn, mỗi một bức hình đều thấy trời xanh lồng lộng trên đầu, nghĩ đến ngày mai phải chia tay trở lại cuộc sống xô bồ thường nhật mà không khỏi bồi hồi.

attachment.php

Dừng chân trên đường đi Namsto, mây trắng và đỉnh núi tuyết xa xa như hòa vào nhau

11h xe đi vào vùng thảo nguyên mênh mông, bò Yak và dê cừu từng đàn tha thẩn gặm cỏ bên những dòng suối bạc lấp lánh. 11h30 mọi người ghé nhà hàng ăn trưa, gió lạnh thốc xuống từ các ngọn núi băng bỏng rát môi mặt, lạnh tê tái.

Tiếp tục cuộc hành trình đến khoảng 12h30, mọi người có dịp trải nghiệm độ cao nhất trong chuyến đi, 5190m, tại điểm dừng chân này, có thể trông thấy một phần hồ Namsto xanh như ngọc nằm vắt vẻo giữa các triền núi tuyết. Thật khó mà tưởng tượng được, ở trên núi tuyết kia có địa hình kiểu gì mà chứa đựng và bảo tồn được theo chừng đó năm tháng trong lòng mình một hồ nước mặn rộng 2000km2.

attachment.php

Ở độ cao 5190m, trời sắp chuyển mây mù, nhắm mắt nghe gió băng lạnh, Namsto thấp thoáng sau lưng

Mất thêm một thời gian gần 30ph nữa để xe hạ độ cao theo đoạn đường núi đến cổng chào vào khu vực Công viên quốc gia Namsto. Sau khi lấy vé tại đây, đoàn người háo hức vì đã chờ đợi hết đoạn đường dài từ 8h sáng nay để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp nổi tiếng này giờ mới tiếp cận được mục tiêu.

attachment.php

Thảo nguyên trên đường đi Namsto, mọi người nhìn ra các chấm nhỏ không?


Di chuyển xuống độ cao 4700m, có thể thấy ngay hồ Namsto trải rộng trên bình nguyên, không thể có một bức ảnh nào tả hết vẻ đẹp tráng lệ của nó. Trên bình nguyên rộng bao la đi xe ô tô cả 30 phút đồng hồ chưa thấy tới này, cùng một mặt phẳng, tín đồ cao nguyên nhìn về Namsto chỉ thấy một sợi chỉ xanh dài. Hồ trên núi rộng như biển, giữa hồ lại nhô lên một ngọn núi, người Tạng yêu quý đặt tên Đảo Như Ý.

attachment.php

Bạn nhìn thấy sợi chỉ xanh sáng vắt ngang ảnh? Mình đã chụp rất nhiều nhưng rất khó thấy Namsto qua ống kính dỏm của mình


attachment.php

Ngọn nhô lên kia chính là đảo Như Ý nhìn từ xa, rất xa

Bởi vì bình nguyên bằng phẳng và rộng bao la, nên có thể thấy hồ ngay nhưng để chạm được vào nước hồ lại phải di chuyển thêm một đoạn đường không ngắn. Vẫn là các đàn bò Yak trắng đen thung dung gặm cỏ, núi tuyết bao phủ bốn bề, nhưng, đặt trong tương quan mặt phẳng mênh mông này, các ngọn núi chỉ còn trông như những bức rào nhà, không còn hùng vĩ tráng lệ.

Đến nơi, 13h20, vì độ cao và gió lạnh, nhiều thành viên lớn tuổi phải ở lại trên ô tô, các thành viên còn lại cũng chỉ có khoảng 45ph để thăm thú và chụp ảnh kỷ niệm bên hồ. Trái với chuẩn bị ban đầu, khi đi bộ gần 15ph đến ngay mặt hồ, không khí ở đây lại không băng lạnh mà ấm áp dễ chịu. Mình thì bỏ cả ô dù áo khoác để lao ra ... chiến đấu cùng 2 người bạn. Thật ra chỉ có 6 thành viên còn đủ ôxy trên não để đi bộ xuống đây, mà lại chia thành 2 nhóm, chụp ảnh cho nhau hết sức chật vật vì thời gian không dài mà người nào cũng thuộc dạng nghiện "pose và tự pose".


attachment.php

Mình rất thích bầu trời Tây Tạng, bầu trời thường xuyên xanh ngắt thế này! Đường đi bộ xuống Namsto

attachment.php
Namsto đỏng đảnh, lúc xanh ngăn ngắn, lúc xám mây mù (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

attachment.php

Namsto đỏng đảnh, lúc xanh ngăn ngắn, lúc xám mây mù


14h30, hành trình quay trở lại như đoạn đường đã qua sáng nay, trời không còn trong xanh chuyển sang mưa lất phất, vì là ngồi trên xe có máy sưởi nên không thấy khó chịu, chứ mình đã có dịp thử qua từ ngày đầu tiên rồi, ướt mưa ở Tây Tạng là cảm giác tệ hại.

attachment.php

Không chạy kịp cơn mưa này ...

18h, xế chiều, không gian hiu hắt buồn, nhìn những ngọn núi đá sừng sững cao lớn hai bên đường, lòng bất giác tự hỏi, đây là sự vận động của mẹ trái đất nhiều tỷ năm trước đấy ư, thật khủng khiếp!

Lan man ngoài lề một chút, vì sao có khái niệm 18h xế chiều? Các bạn học vật lý vào hồi phổ thông chắc đã giải thích được rồi. Tây Tạng nằm về phía bắc bán cầu nên ngày dài đêm ngắn vào mùa hè. Khi ngày đầu đến đây, mình cũng mất kha khá thời gian để thích nghi với múi giờ có khái niệm 20h chiều này.

Tối đêm nay, đêm cuối cùng trên cao nguyên Thanh Tạng, lưu luyến không muốn rời. Mình lại cùng các anh chị còn trẻ trong đoàn đi chợ đêm thêm lần nữa, và chọn được một cái chuyển kinh luân bằng đá tùng xanh (một trong 3 loại đá quý ở Tây Tạng gồm đá Tùng xanh, đá San hô đỏ và đá Thiên Châu đen).

05 ngày ở Tây Tạng chỉ có thể nói là cưỡi ngựa xem hoa, và mình nung nấu một ý định quay trở lại theo một con đường khác, con đường từ Nepal để có thể đi qua 2 hồ thiên: Hồ Mặt Nhật, Hồ Mặt Nguyệt và ngọn Ngân Sơn - Kailash.
 
Last edited by a moderator:
20130529

VỀ NHÀ


Sáng sớm 6h mờ sương, cả nhà chất hành lý lên xe, đường ra lại sân bay có vẻ buồn hơn lúc đầu, thức sớm nên ai nấy mệt mỏi gục gật ngủ.

7h, trong khi chàng hướng dẫn người Việt làm các thủ tục check in, các cô chú lớn tuổi ngồi chờ, đám người trẻ lại lang thang các cửa hàng trong sân bay, ngắm nghía đá, tượng phật, chuyển kinh luân,....và so sánh giá. Buổi sáng ngồi cùng nhau chờ chuyến bay, không khí rôm rả hẳn, đương nhiên so với ngày đi.

9h, hành trình về lại Bắc Kinh, vẫy tay chào những ngọn núi tuyết, ôi sao mà ghét Bắc Kinh đến thế, cứ như thể vì nó mà mình phải xa nơi này. Có lẽ vì ghét nên sau 3h30ph bay, sân bay Beijing đón mình bằng một thôi một hồi khó chịu khó thở. Ôi trời ơi lại có cả hội chứng say ...độ thấp ở đây.

Dù chỉ muốn phắn khỏi đây càng sớm càng tốt, nhưng cả đoàn phải chờ vài tiếng mới đến giờ bay tiếp theo. Lại cùng nhau lang thang các cửa hàng miễn thuế, cafe, thức ăn nhanh. Trung Quốc bá đạo đến nỗi, cửa hàng Mc Donald chỉ được treo đúng nhãn hiệu là chữ cái Latinh, còn lại thì....(xem thêm ảnh nha)

attachment.php

Toàn tiếng Trung Quốc

attachment.php

Ráng chiều, cũng lại qua cửa kính ố máy bay

19h30, sau bữa ăn chớp nhoáng mọi người lại gật gà ngủ, mình thì tranh thủ bắt ngay vài hình ảnh ráng chiều, rồi cũng ngủ quên lúc nào không hay, nhưng lại đột nhiên thức giấc khi máy bay vào lại Việt Nam (cái này mình theo giờ bay tính ra, nhưng có vẻ đúng), mình nghĩ rằng ngọn đèn thành phố dưới kia chính là Hà Nội, nhà mình cũng sắp đến nơi rồi.

Từ đây choàng tỉnh nhìn ô kính máy bay, nhìn không gian mông lung ngoài kia, bên tai như còn văng vẳng Lục tự đại minh chú "Om mani padme hum..." :)

attachment.php

Chuyển kinh luân trong các tu viện Tạng, một mô hình bé bé đã theo mình về nhà, được đặt ngay ngắn trên bàn và xoay theo chiều kim đồng hồ khi mình thức dậy mỗi buổi sáng (ảnh chụp bởi bạn đồng hành Nicky Peng)

P/s:
1. Chuyện còn nhiều, chỉ viết được bấy nhiêu.
2. Vệ sinh ở Tây Tạng là một vấn đề, nhưng mình nghĩ cũng không nên quá khắt khe mà mình là khách thì cố nhập gia tuỳ tục.
3. Bài viết nói lên quan điểm cá nhân, không chủ ý đề cập đến các vấn đề chính trị. Các thông tin trong bài được ghi lại theo trí nhớ và lời hướng dẫn, rất mong được góp ý để hoàn thiện.
 
Last edited by a moderator:
Re: Tây tạng - vừa đi vừa viết

Nói thật là hok muốn vote tý nào, nhưng vì là công sức của bạn nên mình vote thui :))
 
Re: Tây tạng - vừa đi vừa viết

Cám ơn Bee25, naloan chưa biết post hình chắc nhìn chữ nhiều hơi nản nhỉ, sẽ cố gắng post hình :)
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,556
Bài viết
1,169,584
Members
192,159
Latest member
king88combz1
Back
Top