What's new

[Chia sẻ] Thâm Quyến - Quảng Châu: Đâu chỉ có đánh hàng

Cách đây dễ đến hơn 10 năm, PeterPan đã được biết tới Quảng Châu và Thâm Quyến qua các bộ phim đình đám thời bấy giờ là "Vòng đời" và "Tình Châu Giang" - những bộ phim từng khiến phố xá vắng tanh vào mỗi giờ phát sóng.

Ngần ấy thời gian trôi qua, cũng nhiều lần muốn đi Quảng Châu - Thâm Quyến cho biết mà đều bất thành. Lần này, sau khi đã kéo được 1 dải từ Nam Ninh tới Côn Minh rồi lên tới Thành Đô với điểm nhấn Cửu Trại Câu, PeterPan lại khăn gói lên đường làm chuyến chốt cho 1 năm khám phá các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.

Một chuyến đi khá ngẫu hứng nên thời gian chuẩn bị chưa tới 1 tuần chứ không được tới hơn nửa năm như chuyến khám phá Cửu Trại Câu. Trong đoàn 4 người đi lần này, chỉ mình PeterPan lên đường với mục đích du lịch, 3 người còn lại đều qua Quảng Châu lần đầu để đánh hàng.

Một chuyến đi 6 ngày với phần nhiều thời gian là lọ mọ 1 mình giữa Quảng Châu và Thâm Quyến, khá thú vị và đáng nhớ, cũng đủ để thấy đó không phải là nơi chỉ có đánh hàng.

Lịch trình chi tiết
03/12: khởi hành từ Hà Nội lúc 12 giờ trưa, tới Hữu Nghị Quan lúc 15 giờ, 19 giờ 30 lên xe giường nằm từ Bằng Tường tới Quảng Châu.
04/12: đi xem các chợ nổi tiếng ở Quảng Châu, dạo sông Châu Giang, tối đi chơi phố đi bộ Bắc Kinh nổi tiếng.
05/12: thăm nhà số 250A phố Văn Minh - nơi bác Hồ từng sống và làm việc, thăm công viên Việt Tú Nam với biểu tượng Ngũ Dương, ghé bảo tàng Quảng Châu, tới thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại công viên Hoàng Hoa Cương, tối về dạo phố đi bộ Thượng Hạ Cửu.
06/12: bắt tàu cao tốc từ ga Quảng Châu Đông đi Thâm Quyến, ngó qua Cửa Sổ Thế Giới, Trung Hoa Cẩm Tú và Thung Lũng Hạnh Phúc bằng tàu trên không, trèo lên tầng 69 của tháp Địa Vương để ngắm toàn cảnh Thâm Quyến.
07/12: phá sản kế hoạch đi vườn Bảo Mặc - nơi thờ Bao Công - vì bị sốt, tối lên xe giường nằm trở lại Bằng Tường.
08/12: về tới Hà Nội lúc 12 giờ trưa, kết thúc một chuyến lọ mọ.

nguduong.jpg

Tượng Ngũ Dương tại công viên Việt Tú - biểu tượng của thành phố Quảng Châu
 
Last edited:
Kekeke, các bác ợ, món cháo bò hình như ở Quy Nhơn có bán vỉa hè đấy ợ (nghe bác Pan miêu tả, giông giống như món cháo bò em đã ăn qua).
 
Cái món cháo bò nó ngon đã đành, PeterPan lại được ăn đúng vào lúc đang sốt cao và bụng thì đói meo. Trên đường lọ mọ, những lúc được ăn bát cháo nóng hổi như vậy bỗng thấy trong lòng rưng rưng, chỉ mong được về nhà ngay trong chốc lát...

Hy vọng sẽ sớm có dịp được thử món cháo bò ở Quy Nhơn mà dalyhuong đã nhắc tới.
 
Nhà số 250 phố Văn Minh

Trước khi tới Quảng Châu, PeterPan có gần 1 tuần để lên một danh sách những điểm cần đến và nhà số 250 phố Văn Minh là gạch đầu dòng đầu tiên. Đây là ngôi nhà mà Bác Hồ đã sống và làm việc từ ngày 11/11/1924 tới năm 1925 với tên gọi là Lý Thụy cùng vai trò là thư ký và phiên dịch cho Cố vấn chính trị Quốc tế Cộng sản Bolodin hoạt động bên cạnh Tôn Trung Sơn.

250vanminh.jpg

Nhà số 250 phố Văn Minh của những năm 20 thế kỷ trước. Nguồn: Internet

Vào thời đó, nhà số 250 phố Văn Minh mang số cũ là 13/1. Đây là trụ sở của Tâm Tâm xã (Tân Việt Thanh niên Đoàn) với các thành viên ưu tú như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu... và đặc biệt là Phạm Hồng Thái - người đã hy sinh trên sông Châu Giang sau khi ám sát hụt toàn quyền Đông Dương Merlin tại khách sạn Victoria vào ngày 19/06/1924. Hiện tại, mộ của ông được đặt tại Công viên Hoàng Hoa Cương (PeterPan sẽ cung cấp thông tin và hình ảnh trong phần sau của topic).

Trở lại với căn nhà số 250 phố Văn Minh, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và giảng dạy cho các thanh niên yêu nước. Ngay tại căn nhà này, Bác và những cộng sự đã cùng cho ra đời báo Thanh Niên - cơ quan tuyên tuyền của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và đồng thời là tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam - vào ngày 21/06/1925. Sau này, đây được lấy là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tờ báo Thanh Niên kể trên không phải là tiền thân của báo Thanh Niên ngày nay.

Với rất nhiều ý nghĩa lịch sử như vậy, nhà số 250 phố Văn Minh là một điểm đến không thể bỏ qua của PeterPan khi tới Quảng Châu. Tuy nhiên, nó còn trở thành điểm đến đầu tiên cho ngày lọ mọ đi chơi đầu tiên (sau khi đã đi hết các chợ nổi tiếng) vì quá... gần. Trong một thoáng lơ đãng và đi quá một đoạn khỏi khách sạn Đức Chính ở ngày đầu tiên, Peter bất ngờ phát hiện ra phố Văn Minh ở rất gần phố Đức Chính, chính xác là chỉ cần khoảng hơn 15 phút tản bộ.

Văn Minh là một phố cũ nằm trong một khu mang nhiều đường nét cổ của Quảng Châu. Sáng sớm ngày thứ hai của hành trình nhưng là ngày đầu tiên tự lọ mọ đi chơi, PeterPan đã đi bộ từ khách sạn tới số 250 phố Văn Minh với cảm giác vô cùng thư thái. Hàng quán ở Quảng Châu nói riêng và Trung Quốc nói chung đều mở khá muộn nên khoảng thời gian đầu buổi sáng khá yên tĩnh, đặc biệt là ở những khu phố cũ.

pho1.jpg

Phố Đức Chính hun hút dài trong buổi sớm

pho2.jpg

Khu nhà cổ (hoặc cũ?) rợp bóng cây

pho3.jpg

Vào tới phố Văn Minh

pho4.jpg

Ngõ nhỏ thức giấc

pho5.jpg

Kiểu kiến trúc đặc trưng của một Quảng Châu chưa xa (nhà xây đua tầng 2 ra hết vỉa hè)

pho6.jpg

Khu nhà này đã rất gần số 250 phố Văn Minh

P/s: Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin cộng với hiểu biết còn ít ỏi của PeterPan. Nếu còn thiếu hoặc sai sót về thông tin, rất mong nhận được góp ý của mọi người.

(còn nữa)
 
Nhà số 250 phố Văn Minh (tiếp)

Sự háo hức và hồi hộp của PeterPan cuối cùng cũng được giải tỏa khi đến được nhà số 250 phố Văn Minh. Ngôi nhà này vẫn còn giữ được nguyên vẹn những nét kiến trúc như thời Bác Hồ từng sống và huấn luyện cho các thanh niên yêu nước tại đây.

Ngôi nhà được giữ gìn rất cẩn thận và có phần còn khá... mới (ít nhất là ở nước sơn của các cánh cửa) so với những ngôi nhà cổ (và cũ) khác trong phố Văn Minh. Khi PeterPan tới đây vào khoảng gần 8 giờ sáng (giờ Bắc Kinh), cả con phố Văn Minh vẫn còn chưa thực sự... tỉnh ngủ. Nhà số 250 cũng vậy, cửa khóa then cài im lìm. PeterPan thử bấm chuông với hy vọng sẽ có người mở cửa để có thể vào thăm các căn phòng trưng bày hình ảnh và vật dụng liên quan tới quãng thời gian Bác ở đây nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào đáp lại.

Chút thất vọng thoáng qua nhanh chóng được thay bằng cảm giác hào hứng khi ánh nắng chiếu qua các vòm lá tạo nên một khung cảnh đẹp hiếm có. Không vào được bên trong ngôi nhà nên PeterPan đành chụp lại hình ảnh bên ngoài.

nhaso250-1.jpg

Nhà số 250 phố Văn Minh. Tấm biển gỗ có dòng chữ Trung Quốc mang nội dung "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam"

nhaso250-2.jpg

Khóa xích to đùng

nhaso250-3.jpg

Căn nhà được giữ gìn tốt nên vẫn có được dáng vẻ khá bề thế

nhaso250-4.jpg

Trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã sống và huấn luyện rất nhiều thanh niên yêu nước

nhaso250-5.jpg

Tại đây, Thanh Niên - tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam - đã ra đời ngày 21/06/1925. Lọ mọ hơn 3 năm với nghề báo mà tới chuyến đi Quảng Châu thì PeterPan mới biết được thông tin này, âu cũng là một "phát hiện" nho nhỏ

nhaso250-6.jpg

Nhà số 250 phố Văn Minh trong ánh nắng buổi sớm

nhaso250-7.jpg

Nhà số 250 có thể được coi là số nhà cuối cùng bên dãy chẵn của phố Văn Minh bởi ngay sau nó là một tòa cao ốc hiện đại
 
Nhà số 250 phố Văn Minh (tiếp)

nhaso250-8.jpg

Gần 1 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi người thanh niên mang tên Lý Thụy tới đây

nhaso250-9.jpg

Ngôi nhà nép mình dưới tán cây và bóng của tòa cao ốc phía sau

nhaso250-10.jpg

Mé trái của ngôi nhà

nhaso250-11.jpg

Tán cây xòe rộng tới tận cửa sổ bên mé trái của ngôi nhà

nhaso250-12.jpg

Hai tấm biển này có 4 dòng đầu giống nhau với nội dung như sau:
Cơ quan bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Quảng Đông
Địa điểm cũ lớp huấn luyện chính trị thanh niên Việt Nam
Địa điểm cũ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Đông
Hai dòng cuối:
Tấm biển trắng:
Công bố ngày 18/11/2008
Thành lập ngày 22/12/2008
Tấm biển đen:
Công bố ngày 27/07/1999
Thành lập ngày 01/10/1999
(Năm 1998, nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền thành phố Quảng Châu đã ra quyết định tu bổ khu di tích. Tấm biển đen có thể liên quan tới sự kiện này.)
Những chữ màu đỏ ở bên trái phía dưới của ảnh có nội dung không liên quan gì tới nhà 250 phố Văn Minh, đại ý là về việc phòng cháy chữa cháy và cấm vứt rác bừa bãi


nhaso250-13.jpg

Nước sơn cửa đỏ au, dường như mới được sơn lại chưa lâu

nhaso250-14.jpg

Cửa đóng then cài
 
Last edited:
Loay hoay ngồi tìm kiếm thêm thông tin về ngôi nhà số 250 phố Văn Minh, PeterPan biết thêm được một số chi tiết thú vị. Ngoài những Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu hay Phạm Hồng Thái, ngôi nhà lịch sử này còn là nơi tụ hội của khá nhiều nhân vật nổi tiếng khác.

bacho.jpg

Bác Hồ dưới bí danh là Lý Thụy đang giảng dạy cho các thanh niên yêu nước tại nhà số 250 phố Văn Minh (tranh vẽ lại). Nguồn: cand.com.vn

Lớp huấn luyện đầu tiên do Bác mở gồm 5 người, lớp thứ 2 tăng thêm 15 người trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh Lý Tống) - người sau này trở thành Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vào năm 1971, nhân chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã về thăm nhà số 250 phố Văn Minh và quyết định coi đây là một khu di tích lịch sử.

Bên cạnh Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn (bí danh Lý Anh Tự) cũng là một cái tên không thể không nhắc đến. Bỏ lại quê nhà người vợ trẻ và đứa con thơ, ông lặn lội sang Quảng Châu để diện kiến Bác và theo khóa huấn luyện. Sau này, Nguyễn Sơn đã có rất nhiều đóng góp cho cả quân đội Trung Quốc (là người Việt duy nhất đi hết cuộc "Vạn lý trường chinh") và quân đội Việt Nam nên vẫn được gọi là "Lưỡng quốc tướng quân".

Có thể nói, cùng với sự xuất hiện của Lý Thụy, nhà số 250 phố Văn Minh đã trở thành nơi ươm mầm cho rất nhiều nhân vật có chỗ đứng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam sau này.

(Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn)
 
Last edited:
Càng tìm hiểu về quãng thời gian Bác Hồ sống và làm việc tại Quảng Châu, càng có thêm nhiều thông tin thú vị.

Tại Quảng Châu, Bác sử dụng bí danh Lý Thụy để hoạt động. Thật thú vị khi biết rằng họ Lý mà Bác lấy để làm tên bắt nguồn từ Lý Ninh - tên phiên âm tiếng Trung của Lênin.

Rất nhiều các thanh niên yêu nước đã được lấy theo họ Lý của Bác khi tới Quảng Châu học tập và hoạt động. Ngoài Lý Tống (Phạm Văn Đồng) và Lý Anh Tự (Nguyễn Sơn) đã nói ở trên, còn có Lý Thúc Thông, Lý Phương Thuận, Lý Tự Trọng, Lý Thúc Tự, Lý Thúc Chắt, Lý Phương Đức (Nguyễn Thị Đức), Lý Quý (Trần Phú), Lý Trí Phương (Nguyễn Thị Minh Khai)...

Trong chuyến đi Quảng Châu vừa qua, PeterPan không tới được trường quân sự Hoàng Phố vì ngôi trường này ở quá xa mà thời gian lại eo hẹp. Trường quân sự Hoàng Phố là nơi mà Bác Hồ đã gửi nhiều thanh niên yêu nước tới đây để học tập và rèn luyện với hy vọng họ trở thành nòng cốt của quân đội Việt Nam sau này. Bên cạnh tướng Nguyễn Sơn đã quá nổi tiếng, còn có tướng Hoàng Sâm (Trần Văn Kỳ), Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng...

(Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn)
 
Công viên Việt Tú và tượng Ngũ Dương

Rời ngôi nhà số 250 phố Văn Minh, PeterPan bắt taxi tới công viên Việt Tú với mục đích xem bằng được tượng Ngũ Dương - biểu tượng nổi tiếng của thành phố Quảng Châu.

Sau khoảng 15 phút đi taxi, PeterPan đã tới được công viên Việt Tú. Điều thú vị đầu tiên đó là ở đây vào cửa miễn phí hoàn toàn. Trước khi tới Quảng Châu, PeterPan chỉ biết rằng công viên Việt Tú là nơi đặt tượng Ngũ Dương mà không biết rằng đây là công viên lớn nhất của thành phố hơn 9,5 triệu dân này.

Thật bất ngờ khi công viên lớn nhất của thành phố có GDP xếp thứ 6 trên toàn cõi Trung Quốc (2008) lại mở cửa miễn phí hoàn toàn cho người dân. Thấy mọi người bình thản tiến qua cổng chính mà không phải qua khâu soát vé, PeterPan nhìn quanh chẳng thấy phòng bán vé nào nên cũng tự tin... vào luôn. Trước khi đi, PeterPan biết được giá vào cửa là 5 tệ/người. Ngày PeterPan đến công viên Việt Tú là thứ Bảy nên không loại trừ việc miễn phí vé vì rơi vào dịp cuối tuần.

Vào rồi mới biết công viên Việt Tú rộng lớn vô cùng và tượng Ngũ Dương chỉ là một điểm tham quan trong cả một quần thể. Bởi vậy, quá nửa thời gian tại công viên Việt Tú, PeterPan ở trong tình trạng vừa đi vừa dò đường vì ý nghĩ vào một chút để ngắm tượng Ngũ Dương rồi ra ngay đã hoàn toàn phá sản.

Bao trọn một diện tích lên tới 860.000m2, công viên Việt Tú được hình thành bởi 3 hồ nước nhân tạo và 7 quả đồi trong quần thể núi Việt Tú. Không phải là một nơi có cảnh sắc quá đỗi diễm lệ nhưng công viên này vẫn là một điểm hẹn lý tưởng vì có sự kết hợp hài hòa của các yếu tố văn hóa và du lịch sinh thái.

Chỉ ở đây khoảng hơn 4 tiếng nhưng PeterPan cũng kịp có được những khám phá thú vị cho riêng mình.

viettu1.jpg

Con đường len lỏi giữa các hàng cây

viettu2.jpg

Một thác nước nhân tạo

viettu3.jpg

Một trong 3 hồ nước nhân tạo tại công viên Việt Tú

viettu4.jpg

Giống như nhiều công viên ở Trung Quốc, công viên Việt Tú là nơi để các cụ vào vui chơi và giao lưu cho khuây khỏa tuổi già. Trong ảnh: Các cụ bà đang tâp múa với quạt và bóng nhựa

viettu5.jpg

Các cụ ông thì chơi bowling trên cỏ

viettu7.jpg

Hình cách điệu của trò chơi ngay cạnh sân bowling

viettu6.jpg

Các cụ ông cụ bà đang cùng tập nhảy
 
Công viên Việt Tú và tượng Ngũ Dương (tiếp)

Công viên Việt Tú có đầy đủ các đặc điểm thường thấy ở nhiều công viên tại các thành phố lớn của Trung Quốc: sạch, ngăn ngắp và là nơi tập trung nhiều hoạt động dành cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, nó cũng có những điểm chưa thật sự hợp lý. Rộng tới 860.000m2 nhưng công viên Việt Tú lại có rất ít các bản đồ chỉ dẫn chi tiết, ngay cả hệ thống các biển chỉ dẫn cũng không nhiều.

Để tìm được khu tượng Ngũ Dương, PeterPan phải đi vừa đi lòng vòng, vừa cố gắng vận dụng vốn tiếng Trung ít ỏi để hỏi người dân ở đây. Phải tới khi khá mỏi chân thì PeterPan mới kiếm được một tấm bảng có bản đồ chi tiết các điểm tham quan tại công viên Việt Tú. Tuy nhiên, bản đồ này không thật sự chính xác và bạn sẽ phải mất thêm thời gian để boăn khoăn xem mình đang ở đâu và phải làm thế nào để đi tới điểm cần đến.

Kinh nghiệm là thấy bản đồ ở đâu thì nên chụp lại ngay để khi cần có thể mở ra xem trên màn LCD của máy ảnh. Bạn cũng có thể mở hình ra để chỉ cho người dân bản địa điểm bạn cần đến và nhờ họ chỉ đường. Đây là những lưu ý cần thiết cho việc đi lại trong công viên Việt Tú (trong hơn 4 tiếng ở đây, PeterPan chỉ thấy 2 tấm bảng có bản đồ ở cách khá xa nhau).

viettu8.jpg

Một tấm bảng có bản đồ chi tiết các điểm tham quan trong công viên Việt Tú
 
Last edited:
Công viên Việt Tú và tượng Ngũ Dương (tiếp)

Nền đất của một pháo đài cổ (?)

Do vốn tiếng Trung ít ỏi nên PeterPan không dịch được những chữ trên tấm bia đá này, chỉ đoán rằng đây là một nền đất còn sót lại của một pháo đài cổ. Cao nhân tiếng Trung nào ghé qua thì góp ý thêm cho PeterPan nhé. Cảm ơn nhiều :).

phaodai1.jpg



phaodai2.jpg



phaodai3.jpg



phaodai4.jpg



phaodai5.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,592
Bài viết
1,153,876
Members
190,141
Latest member
bongdatvme
Back
Top