What's new

[Chia sẻ] Thông tin du lịch Hội An cùng các bạn

Chùa Cầu là một địa điểm nên đến đầu tiên ở Hội An.

Cầu Chùa là chiếc cầu trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Cầu còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều.

Lịch sử
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản, tuy kiến trúc đậm nét Việt Nam. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.

chua-cau-hoi-an0.jpg


Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”.

Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này.
Chùa được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986.

Kiến trúc
Chiếc cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.

Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.

Có câu thơ về Chùa Cầu - Hội An:

“Ai đi Phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.”


Hình Cầu Chùa có trên tờ bạc 20.000 nghìn đồng bằng polyme của Việt Nam.

Theo tôi: Chùa Cầu là một địa điểm nên đến đầu tiên ở Hội An.

nguồn: http://www.nguoihoian.info/chua-cau/
 
Last edited:
Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng: 04 - Nguyễn Thị Minh Khai - TP. Hội An

1225342401.bmp

Nhà cổ Phùng Hưng: 04 Nguyễn Thị Minh Khai - TP. Hội An

Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Nó đã được xây dựng trên hai trăm năm qua và nó là một mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc kiểu này ở Hội An. Năm 1985, ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao.

Nó được coi là kiểu mẫu bởi vì nó giữ được nguyên vẹn những yếu tố kiến trúc xưa nhờ vào chất lượng tuyệt vời của vật liệu và sự chăm sóc của cả đại gia đình.

1225343088.jpg


Nhà cổ Phùng Hưng là kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc: Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Hệ thống ban công và cửa chớp là của người Trung Hoa, mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc của Nhật (giống mái của chùa Cầu). Còn lại là hệ thống sườn gỗ, hệ thống xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là kiến trúc Việt Nam. Nhà này rộng và cao nhất ở trong vùng. Với hệ thống 80 cột gỗ lim tất cả được đặt trên chân đá để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột và mặt đất. Khu vực này gần sông nên mỗi năm thường xảy ra lụt lội, nước lên tới 0.5m.

nhà cổ Phùng Hưng

Năm 1964, xảy ra trận lụt năm Thìn lớn nhất Việt Nam, nước dâng cao 2.5m, lên đến sàn gác gỗ. 160 dân đã đến đây cư trú trong 3 ngày, 3 đêm. Cuối năm 1999 vừa qua, hai cơn “đại hồng thủy” đã nhận chìm cả khu phố cổ làm thiệt hại cơ sở vật chất rất lớn. Có một cửa sập thông với tầng trên để khi lụt lội xảy ra người ta có thể chuyển hàng hóa lên tầng trên, vì đây là nhà buôn.

Hệ thống cửa trên song dưới bản để di chuyển để trong nhà có thể mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Các cánh cửa có thể tháo rời ra. Người ta cũng lợp mái âm dương, giữ cho ngôi nhà mát mẻ, thông thoáng quanh năm vì mái nhà có nhiều khe rãnh. Bộ phận đỡ mái hiện được chạm khắc hình cá chép vốn là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cá chép đối với người Hoa là sự may mắn, đối với người Nhật là quyền lực và đối với người Việt Nam là sự thịnh vượng.

1225343138.jpg


Gian giữa có trang thờ thờ những vị thần biểu phù hộ. Người xưa người ta thường dùng tàu để vận chuyển hàng buôn đi các nơi và thông thương với nước ngoài. Trước mỗi lần đi biển buôn bán người ta tụ họp lại làm lễ cúng thần. Thuyền trưởng thay mặt cho đoàn thả bảy con súc sắc trong tô để thử vận may cho đoàn. Họ được thả ba lần, nếu có một lần họ được bốn mặt đỏ trở lên có nghĩa là may mắn thì họ sẽ ra khơi còn không họ nhất định hoãn chuyến đi lại.

nhà cổ Phùng Hưng

Sông Thu Bồn đổi dòng ra phía sau làng bên kia bờ sông. Sông này là sông Nhớ. Mỗi năm có hiện tượng bồi đắp. Tại Hội An có các nghề cổ truyền: thêu tay, mộc trang trí, nuôi tằm ươm tơ dệt vải, dệt chiếu. Muốn xem các công việc này quý khách có thể đến tham quan nhà số 41 Lê Lợi. (Vào Thế kỷ XVII người ta dùng công cụ thô sơ này để dệt bằng tay loại vải thô sơ. Còn công việc dệt chiếu, một ngày hai người có thể làm ra hai chiếc chiếu. Nuôi tằm: vòng đời con tằm là 26-28 ngày. 20 ngày cho kén trong 3 ngày, không ăn. Sau đó từ kén nút ra ngài. Người ta chọn con ngài manh và cho giao phối để cho ra một thế hệ mới.

1225343109.jpg


* Mái ngói âm dương:
Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ chỉ Hội An mới còn có nhiều ngôi nhà lợp bằng ngói âm dương. Trên mái nhà, các miếng ngói được xếp chồng lên nhau so le khoảng 3 –4 cm và ta chỉ nhìn thấy các hàng ngói dương gồ lên chạy song song theo chiều đốc xuống. Các viên ngói vốn đã thẫm mầu lại thô nháp vì vậy cùng năm tháng chúng bị phủ một lớp rêu đen xỉn làm cho ngôi nhà có một dáng vẻ cũ kỹ, cổ lỗ và cam chịu. Trong rất nhiều các bức ảnh nghệ thuật chụp ảnh Hội An, ta thường thấy các dãy mái ngói âm dương cao thấp xô lệch đè bên trên những căn nhà thấp trong dãy phố hẹp. Đến nay hễ cứ nói đến ảnh đẹp về Hội An thì người ta thường nghĩ tới các bức ảnh này.

Hiện nay, ở các dãy phố bên ngoài khu phố cổ dân chúng vẫn thích hợp loại ngói âm dương này và các lò ngói ở làng Thanh Hà bên bờ sông Hội, người ta vẫn còn sản xuất loại ngói này.

Đây có lẽ là kiểu ngói du nhập từ Trung Quốc và Nhật từ các thế kỷ XVI, XVII khi mà người Hoa và người Nhật đến buôn bán, mở cửa hàng và định cư ở Hội An. Ở vùng Hoa Nam Trung Quốc và ở Nhật, vẫn còn rất nhiều khu phố cổ cũng lớp ngói âm dương kiểu này. Tại các cung điện, đền miếu thì các viên ngói này được tráng men màu và các viên ngói dương thì hẹp hơn và cong nhiều hơn, để lộ cả lớp ngói âm bên dưới gọi là ngói ống. Ở Hội An, kiểu ngói ống này thường thấy ở các ngôi chùa hoặc hội quán của người Hoa.

Ngói âm dương là một loại ngói cong mặt trụ. Khi xếp lên các thanh đỡ trên mái nhà thì một hàng ngói được xếp ngửa gọi là hàng âm và một hàng ngói được xếp úp gọi là ngói dương, hai hàng ngoạm vào nhau làm cho nước mưa trôi dọc xuống mà khống rớt vào nhà. Ở Hội An, ngói được làm bằng đất nung, có độ dày khoảng 4 – 5mm, rất rắn và nháp vì có pha cát. Mỗi miếng ngói là một hình vuông có cạnh khoảng 19 – 20cm bị uốn cong như một khúc ống bương to bị chẻ làm tư. Tại một số thị trấn biên giới Bắc Việt Nam, đôi khi ta cũng thấy còn một vài ngôi nhà lợp ngói âm dương. Ở thị trấn Bắc Hà, một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lào Cai, du khách có thể thấy các lớp ngói này trên nóc của dinh thự cũ của vua H’mông do người Pháp xây vào năm 1921 và ở đền Bắc Hà nơi thờ Đức Thánh Trần. Trong kinh thành Huế và các làng xung quanh, ở các điện phủ, lăng tẩm… vẫn còn nhiều loại ngói này.

nhà cổ Phùng Hưng

Nếu bạn đến Hà Nội cách đây nửa thế kỷ, trong các dãy phố mà bây giờ gọi là khu phố cổ vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà hẹp, thấp với lớp mái ngói dốc, khấp khểnh xám màu rêu cũ. Những góc phố cũ nát xiêu vẹo với lớp ngói dốc khấp khểnh xám màu rêu cũ nát xiêu vẹo với lớp ngói dốc này đã tạo nguồn cảm hứng vô tận của Bùi Xuân Phái, một họa sĩ tài danh bậc nhất của đất Hà Thành. Ông đã vẽ hàng mấy trăm bức vẽ lớn nhỏ, bằng nhiều chất liệu trên mọi giấy có trong tay về các mái ngói này. Qua tranh của ông, người ta bỗng nhận ra vẻ đẹp u uất nhẫn nại của các ngôi nhà cũ kỹ, của các ngõ hẹp rêu phong. Người ta gọi những dãy phố cổ này là Phố Phái và gọi người họa sĩ trầm mặc là ông Phái Phố.

Đến ngày nay khi tất cả mọi người có văn hóa đều thấy yêu quý vẻ đẹp hoài cảm của những dãy phố cổ Hà Nội thì cũng là lúc hầu như chẳng còn ngôi nhà cổ nào nữa. Tất cả đã biến mất, đã bị phá đi để xây lại, để cơi nới do nhu cầu bức xúc của những người sống ở đó. Các dãy phố này bây giờ vẫn được gọi là phố cổ nhưng những ngôi nhà cổ với mái ngói cổ thì hầu như không còn nữa. Còn những bức tranh phố quý giá của ông Phái thì cũng đã âm thầm ra đi và nằm chết trong các bộ sưu tập ở nước ngoài. Đa số các bức tranh Phái Phố ở các gallery hiện nay đều là các tranh chép lại hoặc là tranh giả, mạo nhận tên ông Phái.

Mái ngói cổ Hội An không được nổi danh, không được đi vào nghệ thuật như mái ngói cổ Hà Nội nhưng mái cổ Hội An thì vẫn còn trong khi mái cổ ở Hà Nội đã trở thành dĩ vãng. Ngói cổ Hội An là loại ngói âm dương còn ngói cổ Hà Nội là loại ngói lá đề, ngói mũi hài. Mái ngói cổ Hội An thì được nâng đỡ bằng bộ khung xà cột gỗ còn mái cổ Hà Nội thì đè vào hai hàng tường gạch chạy dọc thân nhà. Tất cả các sự khác nhau là như vậy và liệu rằng người ta có rút ra được kinh nghiệm gì không về sự mất còn của các di sản văn hóa.

* Đôi mắt cửa – Linh Hồn của mỗi căn nhà Cổ
Ở bên trên mỗi chiếc cửa ra vào ở ngay mặt đường của mỗi căn nhà cổ thường có hai khoanh gỗ tròn trông như hai con mắt của ngôi nhà đang nhìn ra đường, gọi là mắt cửa. Các mắt cửa có đường kính khoảng hơn 20cm, bề dày khoảng 10cm được chạm khắc, thường là hình tròn lưỡng cực âm dương và các vạch bát quái xung quanh là các họa tiết mềm như 8 cánh hoa cúa. Có chiếc có hình 5 con dơi tượng trưng cho “ngũ phúc”, có mắt cửa chỉ gồm có một chữ “thọ”, cá biệt có chiếc hình vuông hoặc bát giác.

Ở miếu Quan Công, mắt cửa có hình mặt hổ gọi là “hổ phù”. Trong hội quán Phúc Kiến, mắt cửa hậu cung lại có hình đôi rồng chầu mặt trời và đôi giao long chầu mặt trăng.

Người Hội An quan niệm con người, con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình thì các đồ vật gắn với vận mạng con người cũng phải có mắt. Các chiếc thuyền ghe ở Hội An cũng được vẽ vào hai bên mũi thuyền hai con mắt rất to và rõ, để nhìn thấy mọi tai ương trên biển khơi. Cái nhà, nơi mà con người sống cả đời trong đó cũng phải có đôi mắt để bảo vệ mình và cũng để mở cửa tâm hồn mình với xã hội.

Trong các đình chùa ở miền Bắc, người ta cũng dùng các đinh gỗ lớn làm lỗ quay cho trục cánh cửa đầu kia nhô ra phía trước mặt và được gọt mỏng hoặc có hình nửa khối cầu gọi là trái găng, hay mắt rồng.

Người ta đếm được tới 14 loại mắt cửa khác nhau ở Hội An. Trước kia, vào các ngày lễ tết, gia chủ buộc lên mỗi mắt cửa một dải lụa điều nhưng từ vài năm lại đây, du khách đến nhiều cho nên người ta không hạ xuống nữa mà treo dải lụa đỏ suốt năm.

Nếu đi lướt qua, có người không nhận ra đôi mắt cửa trên thanh xà gỗ lớn bắc ngang bên trên cửa ra vào, nhưng nếu nhìn thấy thì ai cũng công nhận rằng đó đúng là “đôi mắt” của ngôi nhà.

hoian
Nguồn: http://www.nguoihoian.info/nha-co-phung-hung/
 
Last edited:
Hj!
Mình là nhân vật mới toe, cũng mún tham gia du lịch cùng mọi người chút. Mình cũng đi Hội An chơi mấy lần, ở đó thì mình vẫn khoái nhất là các nhà "truyền thống", chùa, đền, các đồ mỹ nghệ - "lung linh" khỏi phải nói. Nhưng có lẽ tới Hội An tham quan đẹp nhất là vào buổi tối, nhất là vào ngày rằm. Đấy mới chính là nét riêng mà chỉ có thể thấy được tại Hội An mà thôi. Phố đèn lồng về đêm, cái gì thấy cũng huyền bí, hì.
 
chính xác là đến Hội An các bạn nên đến vào đêm cận Rằm (14 âm lịch) chứ ko phải rằm :p Rằm là 15 Âm lịch chứ nhỉ?

Vào đêm 14 âm lịch thường có các trò chơi, lễ hội, hát bài chòi, kết hợp phố đi bộ, thả hoa đăng v..v tất cả đèn được tắt chỉ để lại ánh sáng đèn lồng hoặc đèn tối màu kết hợp.
 
Nhà cổ Tấn Ký -

Vị trí: Tại 101 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.

small_1227632275-300x200.jpg


Được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây, ngôi nhà cổ Tấn Ký tại trung tâm thành phố Hội An (Quảng Nam) mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ðặc điểm: Nhà cổ Tấn Ký không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An mà là ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An, được xây dựng cách đây gần 200 năm.

Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa – Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hoá” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.

+ Một số hình ảnh thu được về nhà cổ Tấn Ký:

small_1227632275.jpg

bên trong nhà cổ Tấn Ký

DSC_0651.jpg

Gian thờ uy nghi và cổ kính

DSC_0668.jpg

Cầu thang cổ lên gác xép

DSC_0670.jpg

Lối vào nhà cổ sâu hun hút

DSC_0673.jpg

Biển hiệu, giờ tham quan nhà cổ phải được tuân thủ

DSC_0674.jpg

Nhà cổ Tấn Ký nhìn từ bên ngoài

hoian
Nguồn: http://www.nguoihoian.info/nha-co-tan-ky/
 
Ẩm thực phố cổ Hội An

Về Hội An, gọi là du lịch Hội An mà không ăn 1 chén chè bắp, không thưởng thức bánh tráng đập, hến trộn (Cẩm Nam), không thử một chén (Xí Mà Phù), không ăn miếng Hoành Thánh Chiên hay bánh Bông Hồng Trắng ... thì chưa gọi là đi Hội An.

Ở đây tôi giới thiệu với các bạn về các món ăn ở Hội An, chỉ có ở Hội An hoặc Same Same but Different với các nơi khác nhá:
 
Bánh bao – bánh vạc và Hoành Thánh Chiên Hội An

Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.

Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm..

banhbao-banhvac.jpg


Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải “bòng” với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo … đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.

Hiện nay tại Hội An thì chỉ có gia đình trên đường Nhị Trưng (Nhà hàng Bông Hồng Trắng) sản xuất loại bánh này để cung cấp cho các nhà hàng khác và các quán ăn phục vụ thực khách. Ngoài Bánh bao – Bánh Vạc, còn có cả món Hoành Thánh Chiên cũng ngon đáo để!

banhvac-hoanhthanhchien-300x225.jpg

Bánh bao bánh vạc và Hoành thánh chiên – Hội An

hoian
Nguồn: http://www.nguoihoian.info/banh-bao-banh-vac/
 
Hay lắm bạn. Cho dù mục đích của bạn là gì thì tớ cũng rất thích các bài viết với nội dung và thông tin cực kỳ hữu ích này. Nếu có thông tin về nơi ăn chốn nghỉ, giá cả nữa thì perfect.
 
Hội quán Phước Kiến - thờ quan thế âm, bà mụ, thần tài, tiền hiền ...

Tọa lạc ở số 45 đường Trần Phú – Hội An, Hội quán Phước Kiến do nhóm người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng vào năm 1759.

11-phuoc-kien-assembly-hall-with-chairs-590x382-300x194.jpg


Hội Quán Phước Kiến – Hội An

Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.

Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.

Một số hình ảnh về Hội quán Phước Kiến:

11-phuoc-kien-assembly-hall-with-chairs-590x382.jpg

Gian thờ

01-cong-phuoc-kien-gate.jpg

Cổng vào chùa Phước Kiến

02-phuoc-kien-jinshang-golden-mountain-temple.jpg

mặt trước hội quán

04-phuoc-kien-roof-detail.jpg

Mái đình hội quán phước kiến

05-phuoc-kien-inner-court-and-temple.jpg

bên trong hội quán

08-phuoc-kien-chua-pagoda-hoi-an-altar-and-incense-spirals.jpg

gian thờ uy nghi.

theo travel2hoian.com
nguồn bài viết: http://www.nguoihoian.info/hoi-quan-phuoc-kien/
 
Mình đến hội An một lần và chắc chắn sẽ quay trở lại hơn một lần nữa. Đọc và xem ảnh lại thấy nhớ Hội An... Mình thích bánh đậu xanh nhân mặn và ớt sa tế Hội An, thích cả những con người nơi đất Quảng nữa. Cảm ơn đã chia sẻ!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top