What's new

[Chia sẻ] Tự hào được sinh ra là người Khmer!

Tự hào được sinh ra là người Khmer!




“Thiệt vậy hả anh Hai? Ông là… là… là người Miên hả”, nó trợn tráo mắt lên lắp ba lắp bắp, luống cuống hỏi. “Nào giờ huynh đệ mình chơi nhiêu lâu, có nghe ông nói chuyện này giờ đâu? Mà tui thấy ông cũng đâu có giồng Miên lắm đâu dù ông cũng đen thui thùi lùi, mũi tẹt lét, mắt trắng dã!”, đang cơn binh lửa vậy mà cũng không quên đá thêm một câu, thằng thiệt giỏi, mai mốt gửi mày tham gia V-League đá (độ) thử xem sao. “Mà vụ án này nhạy cảm lắm lắm đó nghen anh Hai. May là ông đang ở nước mình chứ ở bên Xiêm mà ông phát ngôn kiểu này là dễ bị tụi áo vàng áo đỏ nó oánh banh xác pháo đó! Mà dù đang ở nước nhà, ơn Đảng ơn nhà nước để đâu ông hổng nhớ mà tự nhiên tuyên bố sảng sảng vậy. Cũng dễ đụng chạm lắm đó! Người gốc gì, dân tộc gì trong năm mươi mấy dân tộc anh em giờ cũng là người Việt mà, ông chia bè rẽ phái làm gì cho nó om xòm lên!” nó thì thầm ra vẻ nghiêm trọng, rồi thẽ thọt tiếp “Thôi ông gỡ tên tựa bài xuống đi, chứ không anh em ở đây người ta cũng xóa bài đó. Ham hố gì, lợi lộc gì mà ông chơi lấy tiếng hổng đúng kiểu nào trong 36 chước ráo trọi hết, rồi mấy anh áo vàng ảnh mời lên mời xuống mất công lắm. Hổng biết chừng, tui chơi với ông lâu lâu rồi cũng dễ bị kêu lên kêu xuống nữa đó!”. Té ra là vậy hả ku, đúng là “người không vì mình trời tru đất diệt”!.



“Mầy nói xong chưa ku? Uống chút nước thấm giọng ngồi dựa cột nghe anh hai mày nói nè”. Cũng không lạ gì thằng bạn cắt khố chơi từ hồi nẵm tắm mưa cuổng trời, tôi cứ để nó nói cho đã đời đã điếu đã. “Số là ngày xuân hưỡn quá, tao lục lọi hình ảnh, ăn mày ký ức, ăn xin dĩ vãng… mới thấy tấm hình tao chụp bên Cambodia có câu slogan mà tao dịch (vật) thành tựa bài đó, tao thích quá trời đất luôn. Cũng nhân dịp mấy đại ca đại tỷ nước nhà đang hùng hồn phát minh ra Châu Mỹ một cái slogan cho du lịch Việt Nam 2011 thiệt là lộng lẫy cho nước Nam mình, tao cám cảnh, lại buồn chuyện gia đình (!?), mới ngồi gõ lóc cóc chơi cho dzui dzị đó mà.”.



P1110570.jpg

Cambodia – đất nước của những ngôi đền…?​



“Dzui thiệt hông đó cha nội? Thôi thì coi như cái câu tựa bài này hổng phải của anh Hai, anh mình hổng có tội tình gì. Cầu trời khẩn Phật là thiệt đi! Nhưng mà có nhiêu đó thì làm gì đủ một cái topic mà ông phang chè bè lên đây hao tổn tài nguyên, lãng phí đất đai… của người khác vậy?”. Cũng không chừa cái thói lanh chanh chen ngang mất lịch sự, nói mòn răng chưa giảm được tẹo nào.


P3030212.jpg

…của thốt nốt kiêu hãnh…?​



“Dĩ nhiên là tao cũng biết, nhưng mầy yên tâm. Tao phang cái câu đó lên, tao hiên ngang (!?) mở cái topic này là vì nhiều lẽ, chứ tao đâu có hưỡn, ở không (thiệt hông ta?) mà vẽ rắn thêm chân làm gì mậy. Tao tương cái câu slogan đó lên là vì tao thấy ở đây chưa ai đưa lên hết, đương nhiên “tiên phong ta cứ hàng đầu tiến lên mà”. Nhưng hơn cả việc đó là tao thật sự thích Cambodia, nhiều thứ, dù tao không phải là người Miên (mà ai nào biết ai nào hay?). Tao thấy, Cambodia đâu chỉ có Siemreap, Phnompenh, Sihanoukville… mà thiên hạ quanh đi quẩn lại cũng nhiêu đó. Thêm nữa là sau những chuyến đi, mỗi lần quay lại là tao thấy Cambodia thay đổi nhiều quá, nên tao buồn lắm. Do vậy tranh thủ gõ sớm sớm được lúc nào hay lúc đó chứ mai mốt biết bển còn gì không mà đi nữa, mà lóc cóc gõ!”



P1110433.jpg

…hay của những con người: “Tự hào được sinh ra là người Khmer.”?​



“Ông nói thiệt hả? Thôi để tui dzìa xin tiền má, cuối tuần này tui đi qua bển liền”, lại láu ta láu táu.


“Mầy định cuối tuần này đi hả, vậy mấy cái quán ở Sài Gòn nó thất thu nó chửi tao tắt bếp sập lò, còn mấy ẻm ngày đợi đêm chờ mầy xóa đói giảm nghèo ngồi vêu mỏ (đỏ) ra mong nhớ mầy, cũng chửi tao luôn… thì tội nghiệp lắm. Thôi, ở yên đó, để tao “dắt” mày đi”



....
 
Tự hào được sinh ra là người Khmer! – 2

Tự hào được sinh ra là người Khmer! – 2



Tôi lang thang trên miền đất khắc nghiệt này đã bao lần, dù vẫn còn ngỡ ngàng trước cái đẹp, sửng sốt trước sự hùng vĩ, vẫn chạnh lòng trước cái khổ, đớn lòng khi thấy những cánh rừng già đang bị tận diệt cho những dự án mới… nhưng mãi cho đến một xế trưa nắng cháy rừng rực ở Prasat Preah Vihear, khi hạnh phúc được quỳ xuống đất thiêng, choáng váng khi thấy bên đường tấm pano có dòng chữ “Tự hào được sinh ra là người Khmer”… lặng lẽ bên đền xưa hoang phế, dường như tôi mới ngộ ra.


Cambodia!



P3130274.jpg

Kep tinh khôi…



P3060452.jpg

Kratie… dòng Mekong sao xanh như biển biếc…



Thật sự, trước giờ, tôi vẫn chưa trọn lòng với đất nước một thời kiêu hùng này. Phần thì trước giờ vẫn ngu mụi cắm đầu cắm cổ vào Siemreap, Phnompenh,… cho rằng thế là xong, là đủ. Phần thì nghĩ Cambodia gần Việt Nam quá, dễ đi quá, đi hồi nào cũng được nên việc gì phải vội vã. Phần thì nghĩ Cambodia nhỏ nhắn, “đi loanh quanh đã về chốn cũ”… nên chỉ xem đây là điểm dừng cho những cung đường nhiều ham hố khác…



P1100310.jpg

Kim tự tháp, Ai Cập? Không, một ngôi đền ở Koh Ker



P1100414.jpg

Ta Prohm, Siemreap? Không, cuộc chiến giữa cây và đền ở Sambor Prei Kuk.



Đến khi, tôi ngỡ ngàng trước một Kep tinh ngôi xanh như ngọc, một Kampot chiều êm đềm hoàng hôn rơi như ru, một đêm đen Sen Monorom, Mondulkiri một mình một quán xập xệ ven lề trong mưa bay mờ mịt lòng thầm hỏi “hỡi người người có biết lòng ướt như mưa” *, một trưa nắng xanh biếc dòng Mekong nơi Kratie, một chiều miền Ratanakiri nắng lung linh vàng rực dòng Seropok cuồn cuộn chảy từ cao nguyên trung phần đất Việt đổ xuống dòng Mekong rồi lại theo sông mẹ xuôi về miền đất chín rồng… tôi mới mình ngây ngô ngốc dại làm sao… như vẫn nhiều lần si ngu khác.


P3050390.jpg

Rực rỡ giữa đại ngàn, Sen Monorom, Mondulkiri



P1110480.jpg

Hùng vĩ từ ngàn xưa, Prasat Preah Vihear.



Rồi một chiều nắng đỏ Kompong Cham bên chiếc cầu tre bắc ngang dòng Mekong mùa khô lờ lững trôi, một trưa vắng độc hành trên miền đất thiêng Koh Ker, một chiều muộn rong ruổi Sambor Prei Kuk, Kompong Thom, một ngày dài lang thang Killing Cave, Battambang trong bụi đỏ và nắng vàng hoang hoải mùa gió chướng, một đêm trắng nằm dài bên biển Sihanoukville nhìn những chiếc đèn cầy dập dềnh trên biển đêm, một ngày dài vật vã miền ngược Stungtreng, một sáng tinh khôi Koh Kong biển xanh như ngọc… tôi mới biết mình đã đem lòng si.




P3030203.jpg

Chiều tím trên dòng Mekong, Kompong Cham.​



_________________________

* Lời bài hát Bao giờ gặp lại em (Nhật Ngân? Trầm Tử Thiêng?).
 
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 1

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 1



Tôi đi Kompong Cham. Lần thứ 3. Một lần từ thuở xa xưa, tôi đi Siemreap bằng con đường ngang qua cửa khẩu Xamat, dừng lại đây nghỉ ngơi, ăn trưa. Một lần trên chuyến xe từ Siphandon (Laos PDR) về Phnompenh, dừng lại đây nghỉ ngơi, ăn tối. Còn bây giờ, tôi đến đây từ Phnompenh. Sẽ dừng ở đây, “chừng nào bén rễ xanh cây thì dzìa!”.



Ấn tượng của lần ghé đầu, Kompong Cham mát mẻ, xanh mướt mượt mà, dòng Mekong lấp lánh phả những luồng gió mát cho thị trấn xanh. Ấn tượng đêm ghé lần 2, Kompong Cham về đêm lung linh chiếc cầu đèn vàng soi bóng xuống dòng Mekong đêm huyền bí.



P3020004.jpg

Welcome to Kompong Cham! Những ngọn đèn vàng nho nhỏ phía sau là đèn trên chiếc cầu bắc qua sông Mekong.​



Lần viếng thăm chính thức, tất cả những cảm nhận qua đường của tôi về phố nhỏ này được giữ nguyên – điều rất hiếm thấy trong hành trình lang bạt của tôi. Hơn thế nữa, bên cạnh những di sản không thể không nói đến khi lang thang trên đất Camobodia, những di tích tiền Angkor và Angkor, Kompong Cham lại có một nét duyên rất duyên khác hẳn với những phố phường trên đất nước Chùa Tháp là những con đường nhựa láng và sạch – khác hẳn một Cambodia mờ trong bụi đỏ, trong ký ức của tôi – và chắc cũng của nhiều người.



P3030146.jpg

Phố sạch.



P3030012.jpg

Toà thị chính rất đặc trưng Camobodia.


P3030145.jpg

Lầu hồng (?) bên kia sông….​



Nằm bên dòng Mekong cuồn cuộn xuôi nam, Kompong Cham là một trong những thành phố lớn của K, nhưng phố lại tạo cho khách du cảm giác rất gọn gàng, ấm cúng. Con đường quốc lộ 7 chạy từ Phnompenh đến đây, dừng chân cuối phố, trước khi leo lên chiếc cầu bắc ngang dòng Mekong, tiếp tục lên Bắc, hướng về Kratie hay rẽ Tây, về Siemreap.


P3030235.jpg

Chiến tranh đã đi qua, ấn tượng còn để lại… Bốt canh gác trước khu quân sự có hình viên đạn – rất Cambodia.​



Chỉ cách Phnompenh 120km, mất chừng 3 giờ đi xe, khoảng 40.000VND tiền vé, Kompong Cham thương mến của tôi dường như rất ít được khách du lịch ghé đến. May làm sao. Phố vẫn còn tinh khôi.
 
Mình có thời gian ở Cam 10 tháng(2009-2010) nhưng chỉ công tác loanh quanh Phnom Penh, Siem Reap xa hơn là Sihanouk ville. Đọc bài của bạn mà cứ tưởng như vẫn còn ở bên ấy, nhớ quá. Chắc là phải quảy balo sang thôi.
 
Last edited by a moderator:
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 2

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 2



Như nhiều miền đất khác trên đất K, Kompong Cham cũng có những di tích từ thời Angkor. Dĩ nhiên về mức độ hoành tráng thì không thể so sánh với Angkor hay Prasat Preah Vihear,… nhưng lại có những nét riêng, như những người giàu trí tưởng tượng hay ví von cụm đền chùa Nokor nơi đây giống như búp bê Matrioska của đất nước bạch dương.



P3030020.jpg

Phía sau cổng chào gần ngàn năm tuổi là cụm chùa cũ mới Wat Nokor​



Nằm gần phố, chùa Nokor (Wat Nokor) được xây dựng vào thế kỷ XIX theo kiến trúc Tiểu thừa Theravada, trên nền một ngôi chùa theo kiến trúc Đại thừa Mahayana từ thế kỷ XI, mang những nét riêng của cả 2 trường phái. Ngôi chùa mới nằm gọn trong khuôn viên ngôi chùa cũ, nằm kề bên những đền tháp vẫn uy nghi qua gần thiên niên kỷ tạo nên sự độc đáo của cụm chùa Nokor.


P3030024.jpg



P3030052.jpg

Sự phối lạ giữa màu thời gian và tôn giáo…



Sự pha trộn giữa 2 kiến trúc khác phái, giữa cổ xưa và mới, giữa đá sa thạch, đá ong đã phai màu thời gian và mái chùa vàng đỏ... nổi bật với sự tô điểm của hàng thốt nốt cao vút giữa trời xanh làm quần thể chùa Nokor mang một nét vô cùng đặc trưng. Phù điêu chạm khắc theo phong cách Bayon tinh xảo trên đá xám của đền cũ, những mural tranh tường rực rỡ lung linh màu của chùa mới cứ đưa người đi qua những không gian tâm linh đẹp lạ đến ngỡ ngàng. Ngày giữa tuần, chùa rất vắng, chỉ có vài nhà sư già cùng ít cụ ông, cụ bà đang cần mẫn làm công quả thành kính nhẹ nhàng dọn dẹp trong chùa… chút khói hương nào lãng đãng bay trong không gian êm, ngày mới trong chùa mới thanh vắng thoát tục làm sao.


P3030033.jpg



P3030032.jpg



P3030025.jpg

Cũ và mới. Tiểu thừa và Đại thừa​



Xung quanh chùa, làng quê yên bình, những cánh đồng sen đã qua mùa vẫn còn thoang thoảng chút hương thanh, những cánh đồng lên đòng ngọt mùi lúa non thơm vương, những con đường nho nhỏ êm êm chạy tít tắp dưới bóng thốt nốt cao ngút trời, những nụ cười chân chất mộc mạc đậm đà của người quê nơi đây làm lòng khách nhẹ như tơ, như ngỡ đã tạm quên được cõi trần, tạm quên mình đang ở trên một đất nước, một miền đất còn quá nhiều những khốn khó…


P3030036.jpg

Theo con đường nhỏ này, tôi sẽ trôi về đâu?​



..........
 
“Chèn đét ơi, ông giống như tui, đen thui lui như cá lóc nướng trui mà sao ông lãng mạn gì dị òm dzậy? Tui cũng mần guộng bao nhiêu năm, nghe ông tả cái cánh đồng làng quanh chùa Nokor mà tui cứ tưởng phía đông vườn địa đàng. Ông theo gánh Sơn Đông mãi võ nào mà giờ lên tay dữ dằn quá cỡ thợ mộc vậy. Hôm nào hưỡn hưỡn ông có đi nữa cho tui theo ké với!”. “Mày nói xong chưa?” :Dam



“Chưa!”. Pà mẹ Việt Nam anh hùng, bữa nay ăn trúng thứ gì dzị trời! “Có huynh đệ nào hỏi ông mấy cái chỗ gì đó, ông có biết hông, có đi chưa? Mà thấy huynh đệ đó hỏi cũng ác hén! Toàn là mấy cái chỗ hóc bà tó nào giờ tui có nghe tới đâu. Kỳ này là ông tiêu đời trai thiu rồi, mai mốt đừng cưa bom, quăng lựu đạn rồi bị người ta quăng lại xách dép chạy không kịp nghen!”. “He he he, có mầy mới sợ chứ tao là dân chơi cầu ba cẳng, đã chơi là một xanh cỏ hai đỏ ngực (!?) rồi tao còn sợ gì nữa. Mà chèn đét ơi, đúng là bà đỡ tao thiệt, may mà mấy cái chỗ đó tao đi rồi chứ bây giờ tao cũng ngọng luôn rồi”.



“Dzị ông chỉ cho người ta đi, mà có tỷ muội nào đó kêu thấy quen quen, là quen ông hay quen chai bia hay quen cả hai dzị? Tui tò mò quá! Mà tỷ đó kêu sẽ xóa cái entry đó, đâu cần phải không ông! Cứ để dzị, có người tám ra tám dzô, topic nó mới sinh động há, chứ nói thiệt lóng rày thấy ông đơn thân độc mã nó tội tội làm sao đó…”. Nó bắn liên thanh như sợ nói không kịp, tội thằng nhỏ, bữa nay ăn trúng gì hổng biết. “Ừa, tao trả lời mầy từ từ hén. a/ Thấy quen, là tỷ muội đó nói, nên mầy hỏi tỷ muội đó, tao hổng biết. Mà giang hồ tứ hải giai huynh đệ, cũng sao biết được. (beer) b/ Ừa, tao cũng tính nói tỷ muội đó đừng xóa entry đó, cũng như có tỷ muội huynh đệ nào muốn hỏi thăm thông tin về Cambodia, mà sợ chờ lâu khi hỏi trong topic thông tin thì cứ hỏi ở đây, có cái gì tao biết tao luôn sẵn lòng mà. c/ Bây giờ mầy im giùm cái để tao trả lời về cung đường đi cho vị huynh đệ kia!”


“3 địa danh đó huynh đệ gõ sai một cái làm tui cũng xất bất xang bang mới tìm được. Đó là Oudong, Ta Prohm - không phải ở SR (mà bạn gõ là Ta Phom làm tui kiếm hụt hơi) và Phnom Chisor, cả 3 đều quanh quanh Phnompenh. Ta Prohm nằm ở Tonle Bati, nằm trên quốc lộ 2, cách Phnompenh 31 km. Từ cây số 31 này bạn phải rẽ vào 2,5km mới đến ngôi đền từ TK XII này. Còn Phnom Chisor, cũng trên con đường quốc lộ 2 đi Takeo này, cây số 31 là vào Tonle Bati, Ta Prohm, đi tiếp đến cây số 52 sẽ đến đường rẽ vào chân núi để từ đó bạn leo lên Phnom Chisor. Nếu bạn không muốn đi bằng xe Honda, bạn leo lên bus đi Takeo (gần chợ Psa Thmei) dặn với bác tài, họ sẽ dừng lại các nơi này. À, mà nói thêm cho bạn, Takeo là tỉnh giáp với An Giang (Châu Đốc), do đó bạn có thể làm một vòng Sài Gòn – PP – Takeo – Châu Đốc – Sài Gòn xuôi hoặc ngược thì tùy.


Còn Oudong, kinh đô của vương triều Cambodia từ 1618 đến 1866 lại nằm theo một hướng khác, bạn phải ngược lên bắc theo hướng quốc lộ 5. Nằm cách Phnompenh 41km, đến gần đó bạn hỏi đường và rẽ trái khoảng 3,5km. Bạn cũng có thể đi bus, bus sẽ dừng lại ở ngã 3 đường, từ đó bạn đi xe ôm vào”.


“Chà, đại ca cũng rành rẽ há, mà có đi thiệt hay lật sách ra chép dzậy? Ack ack ack”. “Cái thằng! Đa nghi hơn Tào Tháo, để tao quăng vô mặt mầy mấy tấm hình này là mầy biết có đi thiết không chứ gì! Ở đây còn mấy huynh đệ tỷ muội sống, mần ở Cambodia nhiêu năm, tao làm sao dám giỡn như mầy được!” :T


P4040193.jpg

Oudong đồi nắng



P4050291.jpg

Ta Prohm, trưa xanh



P4050290.jpg

Chiều Tonle Bati​



“Ừa há, dzị thiệt rồi, thôi đại ca bớt nóng, bớt nóng… Mình quay lại Kompong Cham thương mến của đại ca đi hén.”
 
Last edited:
P4050290.jpg

Tonle Bati chiều xám



“Ừa há, dzị thiệt rồi, thôi đại ca bớt nóng, bớt nóng… Mình quay lại Kompong Cham thương mến của đại ca đi hén.”

Đúng rồi! Đại ca bớt nóng, bớt nóng... mình đã hứa xóa rồi nên sẽ xóa. Còn đại ca thích có người ra vào tám ra tám vô ....thì có người sẽ chải chiếu hóng, rồi cũng có người sẽ ra ra vào vào.

Mình kêu cái chai bia quen quen...rõ là chỉ dám nhận quen với chai bia rồi (beer). Còn đã nói giang hồ tứ hải giai huynh đệ, thì đúng là chả ai biết được .... Biết đâu hôm đó muội đang dập dềnh uống bia Ăngkor ngắm hoàng hôn trên sông ở Tonle Bati thì đại ca lại đang bì bõm bơi gần đó như vầy thì sao ;)
tonlebati.jpg



Mà cái hình chiều kia phải đổi là "chiều tím, chiều nhớ thương ai"*....chứ sao lại kêu là chiều xám ta?

------------------------
* Lời bài hát Chiều tím - Nhạc: Đan Thọ, Thơ: Đinh Hùng
 
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 3

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 3




“He he he, chết ông chưa? Thấy vị sư tỷ sư muội đó xuất chiêu chưa? Từ giờ ăn nói cẩn thận bớt, đừng cưa bom, quăng lựu đạn, buôn thuốc súng nữa nghen. Có gì chưa biết thì hỏi han “gõ gàng” rồi mới nói chứ đừng láu ta láu táu nữa nghen. He he he, đã quá, đã quá!!!”. Mèn đét ơi, nó mừng như cha chết sống lại dzị đó. Đúng thiệt là cái thằng ôn dịch, thây kệ, lâu lâu em nó vui được một bữa, đời ngắn tày gang làm mất hứng em nó làm gì tội nghiệp. Nên tôi lặng lẽ bỏ đi, tôi về lại Kompong Cham!


* *
*​



Những ngày này, dù mùa đông đã qua nhưng buổi sớm vẫn còn nhiều mây. Dù vậy, Kompong Cham vẫn trong trẻo lạ. Những khu rừng xanh mướt bao quanh, dòng Mekong sau mùa lũ xanh ngắt ôm ấp, những cánh đồng mơn mởn tơ non,… nên dù nắng chưa lên, Kompong Cham cũng rất trong trẻo.




Nhưng khi nắng lên, oi ả, hầm hập vì mây xám vẫn chưa chịu đi,… Kompong Cham lại chuyển sang sắc màu xám lạ đôi lúc chen nắng vàng. Lũ mây xám bị cái nắng rừng rực hâm lên, lũ sương đêm vội chia tay đất mẹ tan vào gió nóng… trả lại cho làng quê Kompong Cham những đám bụi đỏ đặc trưng Cambodia. Tôi lon ton đến Phnom Pros & Phnom Srei một trưa nham nháp nắng oi nồng như vậy – dù biết tôi sẽ phải vác xác phàm leo lên 308 bậc thang, lên núi!




P3030091.jpg

Từ Phnom Srei nhìn sang Phnom Pros (?)



P3030070.jpg




P3030067.jpg

Phía sau đá trắng mới là đá xám ngày xưa​



Núi Ông và Núi Bà (Phnom Pros &; Phnom Srei) là một điểm du lịch thu hút khác của Kompong Cham. Có nhiều truyền thuyết về 2 ngọn núi này, nhưng truyền thuyết được kể nhiều nhất là 1 câu chuyện rất gần với miệt Trà Vinh nước Nam mình. Đại khái là có 1 cậu bé bị bắt cóc khỏi gia đình từ rất nhỏ, khi lớn lên, trở thành người có thế lực, chàng ta muốn cưới 1 thiếu phụ xinh đẹp nhưng không biết đó chính là mẹ của mình. Thiếu phụ bèn tính kế và ra điều kiện thi đấu là sẽ thi xây núi. Bên nào xây cao hơn thì có quyền quyết định. Dĩ nhiên là đội quân của chàng trai làm rất nhanh và xây núi rất cao. Nhưng khi đêm về, thiếu phụ cho người đốt đèn treo giữa trời, thế là đội quân của chàng trai tưởng bình minh đến nên ngừng tay đi nghỉ, trong khi nhóm phụ nữ tiếp tục xây. Do vậy nhóm đàn ông đã thua cuộc và cuộc hôn nhân không thành.


P3030078.jpg




P3030073.jpg

Ánh đạo vàng.​


Dị bản trên tôi lấy được từ một brochure du lịch địa phương, khác với câu chuyện được kể trong LP, khác với nhiều dị bản khác nữa, nhưng tất cả đều có chung một điểm là đám đàn ông luôn bị thua cuộc dưới sự khôn ngoan của phụ nữ. Và các dị bản này cũng giống truyền thuyết về Ao Bà Om ở Trà Vinh, có điều 1 bên đào ao, một bên xây là xây núi. Đào hay xây gì cũng vậy, thường là đàn ông thì phải thua mưu đàn bà (truyền thuyết, thần thoại thường là để thể hiện mơ ước... hix)!


P3030072.jpg

Duyên và lạ! Một ngôi đền, một ngôi chùa? Không, chỉ là 1 thư viện. Đó mới là Cambodia!​



Nằm trên đồi cao, là vị trí lý tưởng nhìn về Kompong Cham phố 7km xa xa, nếu như bạn có tầm nhìn xa trên 10km. Còn đối với kẻ lữ hành cô đơn, leo lên 308 bậc thang giữa trưa nắng Cambodia thì hạnh phúc nào hơn những chai Angkor lạnh ngắt. Có một thời, slogan quảng cáo của Angkor rất độc đáo, “My country, my beer!”. Tôi yêu Angkor, nên tôi yêu Cambodia.



Đơn giản vậy thôi.
 
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 4

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 4



Thời tiết những ngày này ở Kompong Cham thật lạ, dường như 4 mùa đang đi qua một ngày nơi đây. Rời Phnom Pros & Phnom Srei lúc nắng dù nung người nhưng vẫn chưa qua nổi những đám mây xám màu, dù trưa đã trưa trờ trưa trật, nhưng khi tôi ngược xe về phố, sau khi miên man chạy ngược xuôi trên con đường vắng tênh, thì nắng vàng đã đổ xuống làm dòng Mekong dậy lên màu xanh mênh mang. Sông Mekong những ngày này êm ru, biêng biếc như tấm gương duyên cho lũ mây non thập thò soi bóng.



P3030099.jpg

Phnom Pros &; Phnom Srei vẫn còn xám mây



P3030141.jpg



P3030173.jpg

Về phố, Mekong đã xanh ngắt​




Triền sông xanh, dòng sông xanh lờ lững điểm tô những con đò lờ lững lười nhác trôi trên dòng sông vắng ngắt. Bên bờ sông, những hang cây râm mát là chốn nghỉ ngơi lý tưởng cho khách giang hồ.


P3030167.jpg

Đò ơi….!!!!!!!!!​



Trốn con nắng trưa hừng hực bên bờ sông, tôi dự định sẽ chia tay Kompong Cham sớm để ra đi, nhưng khi chạy xe lơn tơn ngược xuôi hang cùng ngõ hẻm trước khi ra đi, tôi sững sờ trước một chiếc cầu tre chông chênh nơi hạ nguồn dòng Mekong xa xa… Tôi dừng xe lại.


P3030108.jpg

Chiếc cầu tre lắc lẻo qua dòng Mekong​



Và tôi ở lại Kompong Cham. Tôi sẽ chờ ngày đi đêm tới, chờ đêm vắng nắng lên, bên chiếc cầu này, với Kompong Cham….
 
Kompong Cham, những sớm mai trong. – 5

Kompong Cham, những sớm mai trong. – 5




P3030187.jpg

Cầu tre bé mọn bên chiếc cầu bê-tông vững chắc xa xa.​



Tôi lang thang không nhiều, nhưng cũng đã không ít lần ngang Lancang, xuôi Nam Mae Khong, qua Tonle Mekong, về Cửu Long Giang… nhưng chưa bao giờ tôi gặp một chiếc cầu tre dằng dặc lắc lẻo bắt qua dòng Mekong, cho đến khi tôi về Kompong Cham. Mà tôi cũng rất may mắn, vì chiếc cầu tre này chỉ tồn tại trong mùa khô, còn khi những con lũ về, mọi người phải đi phà hoặc đi vòng qua chiếc cầu bê-tông vững chắc trên kia.



P3030114.jpg




P3030111.jpg

Mong manh trên sông chiều​



Chiếc cầu tre mong manh để em thong dong những vòng xe đến trường, để mẹ kĩu kẹt những gánh khẳm vui ngày chợ đông, để những bầy trẻ thơ vui dùng làm cầu nhảy, lao xuống dòng Mekong xanh thẳm ngày mùa lũ còn xa, để những chiếc thổ mộ khi ung dung leng keng bước nhỏ thong dong, lúc hùng dũng khua nước kiệu ầm ầm băng nhanh… và khi hoàng hôn xuống lặng lẽ soi bóng êm đềm, rồi tan dần vào đêm khi mặt trời chìm sâu xuống những lũy tre và đám khói lam chiều bên kia cồn xanh xanh giữa dòng sông mẹ.



P3030109.jpg

Mong manh những gióng tre…



P3030176.jpg

…đơn sơ con đường tre​



Và, tôi yêu làm sao con đường tre hun hút chạy mải miết từ ven sông, qua những nương rẫy đậm đà mùa phù sa nặng đầy, chạy sâu vào xóm làng, cho những vòng xe em nhẹ, đỡ những bước chân mẹ bớt nhọc nhằn... Bạn có bao giờ thấy con đường tre? Ôi quê nghèo những lũy tre ôm những con đường tre… Kompong Cham!!!



...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,821
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top