What's new

[Hết hạn] Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

D&D Group là 1 nhóm DL có trên Box DL của trang ttvnol.com nay và cũng đã từng hoạt động trên phuot.com


Chương trình D&D Group++ ttvnol.com: Sa Pa, Y Tý tết Dương lịch 2013 – 2014

Đã có 6 người tham gia, nay tuyển thêm cho đông vui

Ngày 1: thứ Sáu 27/12/2013
- Tối lên xe giường nằm hoặc tàu hỏa
- Mang theo đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, hoa quả

Ngày 2: thứ bảy 28/12/2013
- Sáng: có mặt tại Lào Cai
- Ăn sang bánh cuốn nóng Lào Cai
- Chia thành 2 nhóm: 1 nhóm zà yếu lên Sapa nghỉ dưỡng, 1 nhóm trẻ khỏe lên xe 2 cầu 7 chỗ thuê tại Lào Cai đi Y Tý (~70km)
- Thăm cột mốc nơi song Hồng chảy vào đất Việt tại Lũng Pô
- Ăn trưa muộn tại Y Tý hoặc ăn trên đường với đồ mang theo
- Tới Y Tý, trình diện với đồn BP Y Tý, nhận nhà sàn, đặt ăn tối
- Chiều: đi vào bản, Hồng Ngài, cầu Yên Sinh, thăm quan nhà trình tường..
- Tối: tắm thuốc Dao đỏ, ăn tối, giao lưu văn nghệ văn gừng

Ngày 3: chủ nhật 29/12/2013
- Sáng: đi chợ Y Tý, ăn sáng tại chợ hoặc đặt ăn sang tại quán, nhà nghỉ với cháo gà Hà Nhì
- Trưa: lên xe về Sa Pa đi lối Dền Sáng - Mường Hum – Sa Pa (~80 km)
- Tối ngủ Mường Hum, ăn tối Mường Hum

Ngày 4: thứ hai 30/12/2013
- Sáng: đi chợ Mường Hum
- Lên xe đi Sa Pa
- Trưa: ăn trưa cá hồi tại Sa Pa cùng nhóm zà yếu đg nghỉ dưỡng tại Sa Pa, sau đó đi chơi quanh Sa Pa
- Chiều ăn sớm xog lên xe đi Lào Cai, nếu đi ô tô thì sẽ đi từ Sa Pa luôn
- Tối: lên tàu về HN
- Sáng hôm sau thứ ba 31/12/2013 có mặt tại HN

Phương tiện: tàu hỏa hoặc xe gig nằm chặng HN – LC – HN, thuê 2 xe 7 chỗ gầm cao chặng LC – Y Tý – Sa Pa
Kinh phí: dự trù 3,2 tr/ng, dự phòng 500k (chắc chắn sẽ thừa)

Chuẩn bị: Các cá nhân tự túc chuẩn bị:
- Áo ấm, quần mùa đông
- Không mang giày cao gót
- Ô dù, mũ, áo mưa mỏng mũ.. vì ở Y Tý mây mù gây mưa vào sáng sớm và chiều tối
- Túi ngủ mùa đông
- Khăn ướt, giấy khô, nước rửa tay khô, túi nilon đựng đồ
- Đồ dùng cá nhân
- Đồ ăn nhẹ
- Mì tôm mỗi ng 3 gói, thịt hộp
- Đồ nguội để ăn trên đg
- Đèn pin
- Dao du lịch
- Thuốc men, đồ y tế…
- Máy ảnh, sạc pin, sạc đt…
- Hoa quả, bánh kẹo bimbim để cho trẻ em..
- Nước uống cho ngày đầu tiên 2 chai/ng
- Không đc quên CMT

Bạn nào đăng ký xin PM và cho biết thông tin cá nhân như (non disclosed) để quản lý và lập danh sách đoàn:
1. Họ tên
2 Ngày tháng năm sinh
3. Số CMT
4. Địa chỉ NR
5. Nơi làm việc, địa chỉ
6. Email

Lịch off: sẽ off 1 buổi duy nhất và thông báo cho các cá nhân đăng ký, chỉ thu trước 500k đặt chỗ, tiền còn lại sẽ thu dần trong hành trình.
 
Last edited by a moderator:
Re: Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Xin thay đổi lại phuơng tiện 1 chút, từ Lào Cai, đoàn sẽ thuê 2 xe SUV gầm cao 2 cầu để có thể đi được lối Mường Hum - Sa Pa cho trọn 1 vòng tròn khép kín.

Chi phí trên là dự kiến xông xênh nếu đi tàu du lịch loại tốt. còn thực tế sẽ là thực thanh, thực chi và thanh quyết toán ngày trước khi về tới Hà Nội.

Nếu bạn nào k đi Y Tý, chỉ đi SaPa thì sẽ tính tách bóc riêng theo chặng.
 
Re: Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Một vài thông tin về Y Tý:

Y Tý là một trong những xã nghèo nhất của huyện vùng cao Bát Xát, Lào Cai. Ở đây mây mù phủ kín quanh năm và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Ấy vậy mà ngày càng nhiều du khách tìm đến với Y Tý. Bên cạnh những thung lũng trên mây và thửa ruộng bậc thang ở độ cao 1.500 m, người người tìm đến nơi đây còn để được ngắm những bản làng với những nếp nhà trình tường nằm san sát bên nhau, dựa vào lưng núi như trong chuyện cổ.

Chỉ cách Lào Cai khoảng 70 km, nhưng đường lên Y Tý quanh co khúc khuỷu. Theo những con đường mòn xoắn ốc ngược lên đỉnh Nhù Cồ San, bạn sẽ có cảm giác như “chạy thẳng lên trời”, rồi chìm ngỉm trong sương mù và mây trắng. Rồi bất chợt trong chốc lát, Y Tý đã hiện ra trước mắt với khung cảnh nên thơ khi những phụ nữ Hà Nhì gùi củi ra chợ giữa mênh mông rừng núi.

Là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống ở Y Tý bên cạnh đồng bào các dân tộc H' Mông, Dao, Giáy… người Hà Nhì, đặc biệt là người Hà Nhì đen, đã làm nên nét quyến rũ rất riêng cho mảnh đất khô cằn khắc nghiệt, bằng những ngôi nhà trình tường độc đáo của mình. Không giống những ngôi nhà sàn thường thấy của đồng bào dân tộc vùng cao, những ngôi nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì nằm ngay trên nền đất, tường được làm từ đất nện và mái trông xa như hình kim tự tháp.

Móng nhà trình tường không đào sâu xuống đất mà đặt ngay trên nền đá

Ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Hà Nhì là các bức trình tường dày 40 – 45 cm, cao 4 – 5 m, với hai vòng trong và ngoài. Cấu trúc này không chỉ xuất phát từ điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn của xã vùng cao biên giới, mà nó còn thể hiện sự thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở đây. Những căn nhà trình tường bằng đất rất dày này sẽ giúp người Hà Nhì giữ ấm vào đông mà vẫn mát mẻ vào mùa hè.
Nhìn vào kiến trúc giản đơn của những ngôi nhà trình tường, không ai nghĩ rằng để làm được khoảng 40 m2 nhà, bà con Hà Nhì có khi phải mất hàng tháng trời ròng rã. Thời điểm để tu sửa hoặc xây mới thường sau mỗi vụ mùa. Công đoạn đầu tiên sau khi chọn được mẫu đất ưng ý là đặt móng bằng các loại đá núi. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người dưới xuôi.
Tiếp đến là công đoạn trình tường nhà. Đất đã chọn được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, dùng chày gỗ giã để nén chặt với nhau, hết lớp nọ đến lớp kia, tạo nên bức tường vững chắc. Sau đó lắp ghép các xà và đòn tay gỗ để lợp mái. Nhà trình tường không có hiên và mái dốc ngắn, lúp xúp lợp từng lớp cỏ gianh.

Ở giữa nhà có một cửa ra vào và một cửa phụ ở đầu hồi bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng ngựa phía sau. Nhìn xa những ô cửa nhỏ xíu như lỗ tò vò. So với nhà trình tường của người H' Mông, mặt tường bên trong và bên ngoài của nhà người Hà Nhì được giã, mài nhẵn và mịn trơn, khung dáng đa số là hình vuông thay vì hình chữ nhật.

Dù hiện nay những ngôi nhà trình tường theo nguyên mẫu của người Hà Nhì ở Y Tý không còn nhiều nhưng sức hấp dẫn của chúng dường như không hề thay đổi, nhất là với những tay săn ảnh vào những lúc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Bởi thế mà nhiều người, khi được chiêm ngưỡng những mái nhà trình tường xanh rêu trong sương trắng, đã phải thốt lên “thiên đường là đây!”.

Vùng đất Y Tý tứ bề là núi cao, quanh năm mây mù che phủ. Trên độ cao 2.000 m, lưng tựa vào dãy núi Nhù Cồ San có đỉnh cao tới 2.660 m, Y Tý hiếm khi thấy được ánh mặt trời soi đủ cả ngày.

Bởi thế nhiều người gọi Y Tý bằng cái tên "vùng đất mù sương".

Bắt đầu từ Lũng Pô vào A Mú Sung, con đường đất đỏ chạy vắt ngang qua toàn bộ những bản làng trong khu vực Bát Xát. Đường xuyên trong những cánh rừng già, chạy qua những cánh rừng thảo quả thưa vắng người, những bản làng nép mình bên sườn núi, những lớp học tuềnh toàng trống huếch trống hoác trong gió, biển trường lớp cắm trên những chiếc cọc xiêu vẹo.
Mảnh đất của những áng mây trời.

Chiều thứ sáu, lũ trẻ không đến lớp, không có tiếng ê a đọc bài như mọi khi. Rừng nối rừng. Lác đác có một vài bản nhỏ trên những con đường gập ghềnh. Lũ trẻ thấy tiếng xe máy chạy qua, tưởng là cô giáo mới về bản, tíu tít chào và chạy đuổi với theo “Chúng em chào cô ạ!”.
Thời tiết vùng núi ban ngày ấm áp với ánh nắng vàng ươm là thế mà khi trời tắt nắng đã lạnh thấu. Những đám mây sà thấp bủa vây khung cảnh phía trước. Bất chợt một cơn gió hiếm hoi quét qua thung lũng, quét sạch những đám mây để lộ một khoảng sáng tuyệt đẹp với ánh trăng vằng vặc.

Từ trên tầng cao của ngôi nhà nghỉ nhìn qua cánh cửa sổ vào buổi sáng hôm sau, chúng tôi tưởng mình đang ở chốn bồng lai. Những đám mây xốp trắng dưới bầu trời xanh ngăn ngắt bao bọc toàn bộ vùng thung lũng. Tia nắng mặt trời phản chiếu những ánh lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Cái tên thung lũng mây quả thật không sai với mảnh đất này.

Thị tứ nằm nép mình bên núi, trên những con đường đất ngoằn ngoèo. Vùng thung lũng yên bình, màu xanh của mây trời, màu xanh của cây cỏ, màu vàng của lúa chín và mây.

Thời tiết vùng núi chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm, nên mang đủ khăn, mũ len, găng tay, áo khoác ấm, túi ngủ, chăn mỏng.
Đến Y Tý, sẽ rất thú vị khi gặp chợ phiên ngày thứ bảy, nơi sặc sỡ sắc màu bởi các chị các mẹ người Hà Nhì với cặp ba lá trên mái tóc giả tết bằng len quanh đỉnh đầu, người H' Mông mang trang phục váy xòe và những chiếc khăn chim công sặc sỡ trên đầu các mẹ các chị dân tộc Dao. Các sản vật mang theo trên gùi xuống chợ là những nông sản của nhà trồng được cùng những mảnh thổ cẩm được làm bằng tay.
Đêm se lạnh, bên chén rượu ấm và nồi thắng cố sôi lục bục, câu chuyện rôm rả quanh bếp lửa. Hẹn gặp lại Y Tý vào một ngày khác, trong một mùa khác với thời gian dài hơn, để cảm nhận và hiểu rõ hơn về mảnh đất xa xôi vẫn còn nhiều khó khăn này.
 
Re: Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Sắc màu chợ phiên Y Tý

Cứ đến thứ 7 hằng tuần, đồng bào ở khắp các bản làng trong vùng lại nô nức đến chợ phiên Ý Tý. Khi ra chợ, mọi người thường mang theo những mặt hàng nông sản bán cho khách. Anh bạn người Bát Xát giới thiệu với tôi ăn món đặc sản: “Bánh dầy chấm mật ong rừng”. Tôi đi nhiều nơi và biết nhiều chợ ở các địa phương khác cũng có bán bánh dầy, nhưng phải vào chợ Ý Tý mới cảm nhận được món ngon dân dã đặc trưng này. Bánh dầy được đồng bào làm từ gạo nếp mới, đãi sạch gạo rồi đồ thành xôi, sau đó đưa vào cối giã mịn, nặn thành bánh, trong có nhân đậu đỏ. Những ngày trời se lạnh, được thưởng thức vị thơm ngọt và bùi của bánh, vị ngọt sâu của mật ong rừng, tôi thấy ngon miệng và ấm lòng lạ thường. Chưa hết, anh bạn tiếp tục giới thiệu với tôi món đặc sản khác: “Ngó cây thảo quả xào mỡ lợn”. Nghe thì bình thường, nhưng khi ăn, tôi mới cảm nhận được sự tuyệt vời của nó. Đồng bào chọn những ngó cây thảo quả mập, rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng ngang thớ, sau đó cho mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi bỏ ngó thảo quả vào, cho thêm gia vị, xào đến khi chín tới thì bày ra đĩa, ăn khi còn nóng. Món ngó thảo quả xào mỡ lợn có vị đặc trưng của thảo quả, giòn và có vị ngọt sâu, rất thơm.

Tìm mua hàng, bất chợt thấy gương mặt bẽn lẽn của các thôn nữ, tôi bỗng áy náy vì không biết tiếng địa phương để trao đổi. May sao, các cô cũng nói được tiếng phổ thông. Hỏi mua hàng của một cô gái người Mông, tôi được biết cô ở thôn Ngải Thầu, xã Ý Tý, cách chợ 15 km. Ngó cây thảo quả cô bán ai cũng tranh mua vì rẻ và ngon. Ở hàng bên cạnh, cô gái Dao bán ngô luộc đon đả: “Bắp ngô luộc 2.000 đồng/bắp, anh mua đi!”. Bắp ngô còn nóng, khói bốc nghi ngút, tôi mua liền chục bắp chia cho bạn bè. Mọi người xuýt xoa vì ngô nóng bỏng tay, hạt ngô non mềm và ngọt bởi được trồng ở non cao khí hậu bốn mùa dịu mát. Anh bạn người Bát Xát nói với tôi: Ăn một lại muốn ăn hai…

Ngoài những mặt hàng nông sản truyền thống, chợ phiên Ý Tý còn có rất nhiều hàng tiêu dùng, như hàng may mặc, điện tử… do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. Nhìn vào chợ, thấy đây không chỉ là bức tranh với những nét văn hoá đặc trưng, quyến rũ của vùng cao, mà còn phản ánh rõ nét về kinh tế của người dân nơi đây, bởi thế mà anh bạn người Bát Xát gọi chợ là “Túi tiền của người dân”. Những sắc màu thổ cẩm các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì, lúc ẩn lúc hiện trong chợ; phiên chợ đông vui như hội, đồng bào xuống chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá, mà còn để trao duyên. Đó là nét rất riêng của chợ phiên vùng cao Ý Tý.

Bát Xát mở tour du lịch vùng Ý Tý-chợ phiên Tây Bắc

Theo bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát (Lào Cai), huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch dọc theo tuyến biên giới và nội địa nối với khu Thác Bạc-Bản Khoang (huyện Sa Pa), tạo nên tour du lịch mới, kết nối với thành phố Lào Cai thành một vòng cung khép kín, đủ thời gian đi trong một tuần.

Thực tế, những tháng qua, sau khi tuyến đường từ Bản Vược qua Bản Xèo, Mường Hum lên Ý Tý được nâng cấp nhựa hóa thì khách du lịch đến với Bát Xát ngày càng nhiều. Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch huyện, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.000 du khách du lịch theo tour Lào Cai-thị trấn Bát Xát-Mường Hum, Ý Tý-Sa Pa và ngược lại; hoặc thành phố Lào Cai-Sa Pa-Thác Bạc-Ý Tý-A Mú Sung-Trịnh Tường và kết thúc ở thị trấn Bát Xát.
 
Re: Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Ý Tý thơ mộng và huyền ảo

Một du khách đến từ Nhật Bản thừa nhận, ông từng đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng đến Ý Tý, Bát Xát (Lào Cai) ông vẫn ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín tháng Chín, tháng 10 cũng như mùa làm đất gieo cấy tháng Tư, tháng Năm. Vào sâu hơn nữa, qua những đoạn rừng già rợp bóng mát lại thấy bạt ngàn những cây thân thảo mọc kín dưới tán rừng mà người dân địa phương vẫn thường gọi là cây thảo quả - loại cây có giá trị kinh tế rất lớn đối với người vùng cao.

Bất ngờ và thú vị nhất là khi đến bản của người Hà Nhì được ngắm những nếp nhà tường trình nằm san sát bên nhau, trải dài trên triền núi lãng đãng mưa bay, tạo khung cảnh thật thơ mộng và huyền ảo như bức tranh của núi. Ngày nay nhiều gia đình đã dần thay những mái nhà gianh bằng chất liệu Prôximăng, hay tôn đỏ, nhưng nét độc đáo trình tường đất vẫn hấp dẫn những tay săn ảnh khi buổi bình minh lên hoặc hoàng hôn xuống.

Theo các nhà địa lý, xã Ý Tý nằm ở độ cao từ 1.200-1.800m so với mặt nước biển, tổng diện tích gần 22.000ha, chủ yếu là rừng tự nhiên. Những đặc trưng về vị trí địa lý, địa hình, địa chất tạo cho Ý Tý phong phú về thảm thực vật, đa dạng các loại động vật quý hiếm. Theo các nhà nghiên cứu, “kho báu” Ý Tý có nhiều sinh vật cảnh đặc hữu, với hệ thực vật có 452 loài thuộc các nhóm như lấy gỗ, làm thuốc, làm cảnh, cho dầu, cho sợi và 157 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như gấu ngựa, sơn dương, mèo rừng mà nơi khác không có được.

Ở đây, riêng cây thảo quả có hơn 1.000ha trồng dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cho người dân vùng cao Bát Xát mỗi năm trên 50 tỷ đồng. Do vậy, người dân các xã Ý Tý, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ… luôn nâng cao ý thức chăm sóc thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Thêm vào đó, “kho báu” nằm ở đầu suối Lũng Pô và sông “Mẹ” (sông Hồng), luôn có ý nghĩa đặc biệt là duy trì và điều tiết nguồn nước cho hệ thống công trình thủy điện Nậm Pung, Mường Hum, Bản Xèo… đồng thời cung cấp lượng nước lớn cho các công trình thủy lợi quan trọng ở vùng hạ lưu của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao, Giáy thâm canh hàng nghìn hécta ngô, lúa ahi vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm quản lý tốt “kho báu”, Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát đã tổ chức ký kết với các hộ dân trong vùng tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ những hộ dân tự nguyện ra khỏi vùng lõi của rừng và tham gia tu bổ bảo vệ, phát triển vốn rừng; xây dựng “Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát” để bảo vệ bền vững Ý Tý nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái-khám phá rừng nguyên sinh Ý Tý.
 
Re: Tuyển thêm người đi Sapa, Y Tý tết DL bằng ô tô, thời gian 27 - 31/12/2013

Độc đáo chợ Mường Hum

Chợ phiên Mường Hum được coi là một trong những chợ phiên lớn nhất vùng Tây Bắc. Chợ cách trị trấn Bát Xát khoảng 50km, nằm bên dòng suối trong xanh bắt nguồn từ sâu trong thung lũng rừng già Ý Tý thuộc dãy Hoàng Liên. Chỉ là một quãng ngắn chưa đầy 5km, nhưng đoạn suối chảy qua xã Mường Hum có hàng chục thác ghềnh với những phiến đá to, bằng phẳng nổi giữa dòng nước trong xanh.

Mường Hum là trung tâm của cả một vùng tám xã phía Tây Nam của huyện Bát Xát. Cảnh đẹp, nước suối trong, khí hậu quanh năm mát mẻ là lý do mà trước đây Mường Hum được người Pháp chọn làm điểm đóng quân trấn giữ các xã phía Tây huyện Bát Xát và sử dụng rừng già để trồng cây thuốc phiện đầu độc con người. Nay loại cây "chết người" này đã được nhân dân thay thế bằng cây thảo quả.

Sau ngày Lào Cai giải phóng, Mường Hum được xây dựng thành trung tâm cụm xã. Hơn 60 năm đã qua, nhưng nay ở Mường Hum vẫn còn dấu tích của những ngôi nhà Pháp cổ, những căn biệt thự, bể bơi mang dáng dấp kiến trúc phương Tây. Đây cũng là điểm ghi lại chứng tích lịch sử rất đáng tham quan đối với khách du lịch.

Chợ Mường Hum tuy chưa được tôn tạo nâng cấp nhiều như chợ Sa Pa hay chợ phiên Bắc Hà, nhưng lại được xem như một trong những chợ phiên hiếm hoi còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của một phiên chợ vùng cao với những quán hàng đặc trưng như thắng cố, bánh mật, bánh tẻ, rượu thóc, một khu bày bán hàng thổ cẩm, đồ chạm bạc và các sản vật dùng cho cuộc sống hàng ngày.

Chợ phiên Mường Hum thể hiện tất thảy những sắc thái của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất này. Chỉ riêng màu sắc trang phục cũng đã đủ làm mê hoặc lòng người. Không ít khách quốc tế đến đây đã được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa để rồi đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, đến thích thú và ấn tượng.

Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, trai gái đến chợ Mường Hum không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, tự tình của những nam thanh, nữ tú. Nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Trước đây đi lại khó khăn, nhưng phiên chợ nào của Mường Hum cũng sầm uất, đông vui. Nay đường đã mở liên thông tám xã, nối liền với cả huyện bạn Sa Pa thông ra thành phố Lào Cai, nên tiềm năng du lịch vùng cao Bát Xát bước đầu đã được đánh thức với con số ấn tượng, khách du lịch trong nước và quốc tế tháng sau luôn tăng cao hơn tháng trước. Theo ông Bùi Đức Lợi, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, dự kiến năm 2015, Bát Xát sẽ đón lượng khách gấp 10 lần hiện tại.

Để giữ chân du khách lưu lại lâu trên địa bàn, Bát Xát đã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với các điểm du lịch, giải quyết tốt vấn đề môi trường nông thôn, đầu tư xây dựng và phát triển dịch vụ ăn, nghỉ, đồ lưu niệm, khơi dậy nét đẹp thuần phong mỹ tục trong đồng bào, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của du khách./.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,616
Bài viết
1,153,958
Members
190,146
Latest member
sportifiles
Back
Top