What's new

[Chia sẻ] Vụn vặt Trường Sa

Nếu được đi Trường sa, ghé thăm trang này sẽ thu lượm được nhiều thông tin cực kỳ hữu ích:
http://phairzios.blogspot.com/search/label/Trường Sa
Mình viết vài dòng gom lại một số kinh nghiệm và ít ký ức vụn về chuyến đi Trường sa mà mình vô cùng may mắn được tham gia.

Cơ duyên
119770872.jpg

Đi Trường sa là niềm mơ ước của bao con dân đất Việt. Một năm trừ lính tráng, cánh báo chí, những người đi theo nhiệm vụ thì chắc chỉ có độ trên 2000 người được ra Trường sa theo dạng thăm hỏi, động viên quân dân quần đảo. Để được đi thăm Trường sa có mấy dạng như sau:
- Công chức: Các bộ, các tỉnh thành hầu như năm nào cũng có các đoàn ra Trường sa thăm hỏi, động viên.
- Hoạt động xã hội, đoàn thể: các kiểu tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ phụ lão… cũng đều có các đoàn đi TS hàng năm.
- Văn công: Tất cả các đoàn đi TS đều mang theo văn công biểu diễn phục vụ lính đảo. Mỗi năm có độ 15 đoàn đi, số đoàn văn công cũng tương ứng.
- Báo chí: Đây là đối tượng được ưu tiên để phục vụ công tác tuyên truyền. Tuy không phải ai cũng muốn đi nên cơ hội của đội này rất lớn.
- Đại gia: Làm gì cũng cần có kinh phí, đi TS cũng vậy. Bạn có thể kết hợp với các cơ quan, các tỉnh đóng góp cho chuyến đi, hoặc trực tiếp liên hệ tặng quà cho Hải quân và đăng ký 1 suất.
- Thân nhân cán bộ chiến sĩ TS.
Đại khái thế, nhưng mình chẳng thuộc loại nào trong các dạng trên, có vẻ nan giải thật. May mắn trong một bữa nhậu sau tết, biết "Tay to" sẽ đi Trường sa, mình lân la xin được bám càng. Mọi chuyện tưởng như đã chắc ăn, cũng đã úp úp mở mở khoe với mấy thằng bạn, nhưng chờ mãi đến cuối tháng 3 chả thấy động tĩnh gì. Sốt ruột gọi cho Tay to thì lĩnh gáo nước lạnh: “Không bố trí cho mày được đâu”. Cũng đành ngậm ngùi, nhưng biết làm thế nào, đi Trường sa còn khó hơn đi nước ngoài.
Một sớm giữa tháng 4, thấy có số gọi đến, tên tuổi đàng hoàng nhưng nghĩ mãi chả biết là thằng nào, không trả lời. Mãi sau mới nhớ, hóa ra là số của "Tay trong", đàn em Tay to. Gọi lại, hắn bảo cho xin thông tin cá nhân để lên danh sách đi Trường sa, mừng hú, nhưng vẫn thấp thỏm. Một tuần sau Tay trong gọi bảo đến lấy giấy triệu tập. Tay cầm giấy triệu tập mà lòng rưng rưng, chỉ muốn hét toáng lên khoe với bạn bè. Thế là chắc ăn 99% rồi. Còn hơn 1 tuần để chuẩn bị, lùng sục trên mạng xem thông tin, thật may là có chiến hữu vừa mới đi về phổ biến cho ít kinh nghiệm nên cũng đỡ bỡ ngỡ.
Rồi thì cũng xong, 1 tuần làm thủ tục xin nghỉ, bàn giao công việc, mua sắm quà cáp, đồ dùng. Trước mắt là 10 ngày lênh đênh ra khơi.

Hậu cần, kinh nghiệm vặt:
Đồ được phát trên tàu:
Mũ cối hoặc mũ tai bèo, dép rọ, túi nilon bảo quản (chống ướt đồ khi lên đảo), bàn chải, thuốc đánh răng, dầu gội đầu, xà phòng giặt, khăn mặt. Ngoài ra còn được phát “Sổ công tác Trường sa, DK”, trong đó có các nội dung tuyên truyền cơ bản, các quy định của chuyến công tác và ½ là để ghi chép, bút thì tự túc nhé.
Đồ dùng cá nhân mang theo:
Quần áo: Bạn chỉ cần 02 bộ dài để mặc khi lên đảo, 02 bộ cộc mặc khi ở trên tàu. Nói chung trên tàu ăn mặc thoải mái, nhưng lên đảo nhất thiết phải ăn mặc nghiêm túc trang trọng để đáp lại sự tiếp đón trang trọng của chủ nhà. Cũng nên mặc áo dài tay vì nắng rất rát, nhất là đoạn ca nô từ tàu vào đảo thì hoàn toàn không có bóng mát. Nên mang đồ nhẹ, nhanh khô để mặc cho mát giặt đỡ mệt. Trên biển không bụi mấy nên cũng không bẩn như thành phố măc 1 bộ 2 ngày cũng được. Buồng mình có cụ cứ mặc lên đảo xong về lại treo lên, hôm sau mặc tiếp, khỏi cần giặt :D. Đồ lót thì nên mua loại dùng 1 lần, xong rồi quăng.
Mũ: Mình cho mũ tai bèo là ổn nhất, vừa che nắng tốt, vừa gọn nhẹ, lúc không đội có thể đút túi. Bạn nên mang theo mũ của mình vì mũ trên tàu phát có thể không vừa, hoặc không có loại bạn cần (đoàn mình đi cả mũ cối và mũ tai bèo đều là loại rất bé, đội chỉ dính tí chỏm trên đầu :D)
Dép: Tàu phát cho dép rọ, dép này đi khá là bám. Tuy nhiên nếu bạn có đôi dép có độ bám tương tự và đế êm hơn thì nên mang. Nên đi dép để có thể lội xuống biển, hoặc sóng có đánh ướt 1 tí cũng đỡ khó chịu. Nếu đi dép của tàu thì cũng như mũ, các bạn có nguy cơ không kiếm được đôi vừa chân (nhất là bạn nào chân to), và vì là giống nhau hết nên có những lúc bạn sẽ không có mà đi, hoặc bên to bên nhỏ, hoặc hai chiếc cùng bên. Các bạn sẽ được phổ biến là rìa đảo chìm cực kỳ trơn, đi xuống đó phải hết sức cẩn thận dò chắc từng bước, đồng thời phải cảnh giác với sóng. Một chiến sĩ đoàn mình bị ướt ống kính máy ảnh vì lĩnh 1 con sóng, thế là mấy hôm cuối khỏi chụp choẹt.
Thuốc men: Bác nào có bệnh gì thì tự mang thuốc nhé, còn không thì mang các thứ thuốc cơ bản: trị tào tháo, cảm cúm, giảm đau hạ sốt, kháng sinh (nằm điều hòa chạy cả ngày cũng dễ viêm họng). Thuốc chống say cũng nên mang. Theo truyền bá của 1 sĩ quan hải quân thì 1-2 ngày đầu nên nạp thuốc chống say, các ngày sau thì cơ thể sẽ dần thích nghi. Còn nếu sóng to đến cấp 7-9 thì say toàn tàu, kể cả lái tàu.
Điện đóm: điện trên tàu đầy đủ nhưng hơi thiếu ổ cắm. Mỗi bác đi nên thủ sẵn 1 chạc 3, 1 pin dự phòng là yên tâm.

Sinh hoạt:
Đón tiếp trước và sau chuyến đi: Chúng tôi xuất phát từ Cam ranh và kết thúc tại Tp HCM, thực sự Hải quân đã tổ chức đón đưa cực kỳ chu đáo. Đón tiễn sân bay, bố trí ăn nghỉ tốt nhất trong khả năng của họ (nhiều phòng tập thể, không điều hòa). Trường hợp các bác không chịu được khổ thì có thể thuê khách sạn ngoài, miễn là tập trung đúng giờ theo lịch.
Cơm nước: Tiêu chuẩn ăn trên tàu năm nay là hơn 200k, nên không lo đói. Đánh chén ngày 4 bữa 6h, 11h, 18h và 22h. Sáng mì, phở ăn liền, hoặc cơm. Hôm nào ăn cơm thì hơi bị khó vào, nhưng hãy cố ăn để lấy sức lên đảo. Trưa chiều là bữa chính 4 món, thường không ăn hết thức ăn. Đêm thì có chè, cháo, ngô, khoai. Nhìn chung là không cần mang theo đồ ăn, trừ cà muối. Nước uống: có nước bình, nước chai phục vụ trong phòng (hoặc có bình đun nước), cây nước nóng lạnh phục vụ cả khoang. Trong phòng cũng có sẵn ấm pha trà và ly uống rượu.
Nhậu: Cơm 4 bữa thì nhậu cũng 4 bữa. Đi đoàn thì nên tính toán mang đủ cơ số rượu. Mình đi 1 mình nên chả mang được lọ nào. Tàu thường chở theo rất nhiều rượu, bia, chịu khó ngoại giao thì bạn có thể được tặng, hoặc có thể xin xỏ đổi chác lấy vài lọ dùng tạm. Trên các đảo cấm rượu bia 100%, không có ngoại lệ. Bạn nên tôn trọng quy định, không mang rượu bia lên đảo tặng lính, không nhậu trôm trên đảo. Nhậu trên tàu có thể đến rất tình cờ khi bạn sà vào 1 hội nào đó trên boong dạo, kiểu ông giơ chân giò bà thò chai rượu, cực kỳ vui vẻ thoải mái. Nhậu cũng có thể là đoàn này mời đoàn kia, đoàn này mời tàu, tàu mời đoàn khác. Nói chung là tiêu tốn khá nhiều cồn và thời gian cho các độ nhậu. Tuy nhiên bạn nên tính toán giữ sức cho các chuyến lên đảo vì mục đích của chuyến đi không phải là nhậu.
Tắm giặt: Nước nôi trên tàu khá thoải mái, đoàn mình 250 người (cả tổ lái và tổ phục vụ) đi 10 ngày không thấy hiện tượng thiếu nước. Tàu có 2 khoang bình dân sử dụng nhà vệ sinh, phòng tắm chung, 2 khoang sĩ quan phòng công trình phụ khép kín.
IMG_2013_zps8xvznmuq.jpg

Phòng vệ sinh chung
IMG_2014_zpszcfyboei.jpg

Phòng tắm

Ngủ nghỉ: Phòng bình dân giường tầng 8-10 người, phòng sĩ quan 1-2 người. Gường khá rộng, nằm thoải mái. Tàu chạy điều hòa suốt ngày đêm, các phòng cuối đường ống hơi nóng tí, nhưng lên đảo thưởng thức cái lán tôn của công binh mới thấy thế vẫn là thiên đường. Ngủ lúc nào tùy thích, nhưng 5h30 sáng là vang lên cái khẩu lệnh trứ danh: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức! Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu! Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Chẳng hiểu sao câu này có vẻ hằn rất sâu trong tâm trí những người theo tàu ra TS.
IMG_2607_zpsttgjnou5.jpg

Phòng ngủ

Quà cáp:
Đời sống lính đảo nhìn chung đã được đảm bảo rất tốt, đủ lượng, đủ chất, nhưng đương nhiên không thể phong phú đa dạng như trên đất liền, đồ ăn thức uống chủ yếu là đồ hộp. Vậy nên ngoài tình cảm, những món quà dù là nhỏ từ đất liền cũng cực kỳ có ý nghĩa với lính đảo. Quà của các đoàn được đóng hộp bọc xanh đỏ nên mình cũng không rõ là thứ gì, chỉ đồ rằng có chè, cà phê, thuốc lá… Mình đi cá nhân nên thủ theo ít thứ gọn nhẹ, tình cảm là chính: lạc rang húng lìu, giống rau, ít truyện, chè, thuốc, ít thẻ cào viettel.
Lạc rang húng lìu để nhậu trên tàu cũng rất phê, nhưng chỉ dám thử 1 gói, còn chính là để dúi cho lính đảo chút hương vị Hà nội. Rau trồng trên đảo thấy phổ biến là cải, rau muống, mùng tơi, dền, mướp, húng chó (có nơi mình còn thấy đủ bộ húng, sả, lá mơ để mần thịt chó). Mùa khô thì thiếu thật, nhưng mùa mưa thì thoải mái ăn. Mình mang ít hạt cải để nếu trồng được thì trồng, không thì làm rau mầm cũng tốt, cộng thêm các loại giống rau thơm để tô điểm thêm cho bữa ăn (nếu trồng được ). Sách mang thì vừa để đọc vừa tặng dần, nhưng không chắc là bọn nó được giữ lại đọc, vì thông tin trên đảo được kiểm soát khá chặt. Thẻ điện thoại cũng vậy, mỗi tuần chỉ 1 vài thằng được đơn vị biểu dương thì được gọi về nhà, bằng điện thoại của đơn vị, có kiểm soát của chỉ huy, nên có lẽ chúng nó găm lại mang về đất liền dùng sau thôi.
Hoa quả cũng là đồ xa xỉ trên đảo. Hôm lên Sinh tồn đông thấy chia dưa, nghe 2 thằng lính bảo nhau “Mày ra xin 1 quả đi, mấy tháng rồi tao chưa được miếng nào”, thật thương trào nước mắt. Mới thấy mình thật sáng suốt khi hôm trước đánh dậm được quả xoài, liền mang lên Đá Thị cho thằng lính gác đảo. Mình bóp mồm 1-2 tuần bõ bèn gì so với chúng nó nhịn mấy tháng. Vậy nên các bác đi đoàn đông mà thồ ít hoa quả ra tặng lính thì cực kỳ có giá trị đấy. Cùng đi với mình có đoàn tặng mỗi điểm 1 túi chanh, cũng rất hữu ích, trời nắng chang chang mà được cốc chanh đá thì kể cả ở đất liền cũng vẫn phê.
 
Last edited:
Tàu ngầm
Thấy đa phần các chuyến đi Trường sa xuất phất từ Sài gòn, nhưng đoàn mình may mắn được xuất phát từ quân cảng Cam ranh được chiêm ngưỡng phần nào sức mạnh của hải quân Việt nam.
Sáng ngày tập trung, hạ cánh xuống Cam ranh, đang lớ ngớ chưa biết đi kiểu gì thì thấy mấy sĩ quan hải quân ra đón các đoàn. Đợt này đi đông nên phải chia ra ở 2 nơi, họ hướng dẫn và đưa về nơi nghỉ rất chu đáo. Đăng ký phòng, xem danh sách thấy có Tay trong, thấy đỡ bơ vơ 1 tí. Nhưng thực ra khi đã lên tàu thì mọi người trở nên vô cùng cởi mở và dễ gần nhau hơn. Chiều xe chở lên hội trường nghe phổ biến đường lối chính sách, lịch trình, quy định nọ kia. Họp xong, Tay trong nháy mình: đi xem tàu ngầm. Thế là nán lại. Tay to nom thấy mình, bảo: Mày không về đi à? Mình ỡm ờ: Bám càng tí. Tay to quát: Đm, có cạc xe mà đi. Mình nhăn nhở cười trơ trẽn, lủi ra sau chờ. May là hải quân cũng rất chu đáo, thấy nhiều dạng bám càng quá nên họ điều thêm cho 1 xe 15 chỗ, thế là độ hơn 2 chục mạng được đi thăm tàu ngầm. Vào cầu cảng, ngắm cả 3 ông tàu ngầm đang neo, chụp choẹt 1 hồi rồi cả đội chui xuống tham quan ông Hà nội.
IMG_20150505_165339_zpsdvnlbksf.jpg


Ngó nghiêng lên xuống 1 vòng, làm 100ml vang đỏ theo tiêu chuẩn và truyền thống của lính tàu ngầm. Số mình đợt này thật quá may, khó mà tưởng tượng nổi có khi nào ngồi nhấm nháp ly vang dưới tàu ngầm, cảm giác thật bay bổng.

Đá Nam
8h ngày 1 xuất phát từ Cam ranh, được xem 1 mớ tàu chiến, tàu ngầm, tàu quân y, tàu kiểm ngư to và hiện đại nhất hiện nay. Hành trình từ Cam ranh đến Đá Nam là 310 hải lý (574 km), tàu chạy đến độ 10h30 hôm sau đã thả neo Đá Nam.

Ăn trưa xong mọi người háo hức đổ bộ lên đảo. Bệnh cố hữu của dân Vịt vẫn thể hiện rõ nét dù có ở đâu: chỉ cần 2 thằng trở lên là chen nhau. Bà con chen nhau dưới cái nắng nhễ nhại, thằng đằng trước chưa kịp tóm áo phao đã bị thằng sau cướp trên dàn mướp, mặc vào rồi chen lên. Nhưng ấy chỉ là hôm đầu, mấy hôm sau mất đi cái háo hức ban đầu, nhiều bác cứ nấn ná trên tàu cho mát, lên đảo chuyến cuối cũng chẳng sao.
119709571.jpg

Đổ bộ Đá Nam

IMG_20150507_123115_zpsqvxxthx9.jpg

Tàu cá của ngư dân tại Đá Nam

Đá Nam có lẽ thuộc loại đảo hiếm nước nhất. Nước ăn uống thì đầy đủ, nhưng mỗi ngày mỗi người chỉ được 4-5l nước sinh hoạt. Rau ở đây cũng khát nước, nhìn mấy khay rau cải nhú mầm mà không vươn lên được. Hầu hết các đảo chìm có thiết kế giống nhau, nhưng là điểm đầu tiên nên Đá nam được lùng sục kĩ nhất.
Bạn hãy tưởng tượng trên mặt bằng khoảng 100m2, xây 3 tầng, trên dưới 10 chiến sĩ chui ra chui vào, mùa khô các đoàn ra đông khoảng 3-4 tuần có 1 đoàn ghé, mùa mưa thì chỉ có các đoàn kiểm tra, tiếp tế hoặc thay quân. Lính đảo thực sự phải rèn luyện cực vững về cả sức khỏe lẫn tinh thần.
119709576.jpg

Canh giữ biển trời

IMG_20150507_140041_zps9a2lnsjb.jpg

Xuồng cập bến đón khách. 200 mạng ào lên đảo lùng sục độ 2 tiếng rồi lại ào ào rút lui.

IMG_20150507_134902_zps1kfjt5ie.jpg

Đạo diễn già cứ nấn ná mãi chẳng lên xuồng. Là cựu chiến binh, ông thương lính lắm, dù lính bây giờ sướng hơn ông ngày xưa nhiều.
 
Last edited:
“Đồng chí”
Hành trình của chúng tôi qua các bãi đá TQ chiếm giữ trái phép của ta: Đá Subi (Subi Rf), Đá Gaven (Gaven Rf), Đá Tư Nghĩa (Đá Huy gơ, Hughes Rf), Đá Gạc Ma (Jonhson Rf).
Qua Subi tàu chạy hơi xa nên không chụp được. Các ảnh dưới đây đều chụp bằng điện thoại và máy ảnh du lịch, đủ thấy quy mô các công trình xây dựng trái phép của TQ lớn thế nào.

IMG_2351_zpsslvdd3ta.jpg

Đá Gaven

IMG_2404_zps9abn8h0y.jpg

Huy gơ nhìn từ Sinh Tồn Đông

IMG_2468_zpstybm2z5g.jpg

Gạc ma nhìn từ phía Cô lin

Các điểm kể trên, bằng mắt thường có thể thấy chúng đều xây đảo nhân tạo rất quy mô, sơn trắng xóa. Từ các bãi đá ngầm quân cướp TQ đã hút san hô bồi đắp thành các đảo nhân tạo dài hàng km, xây những khối nhà 7 tầng, cầu cảng, trạm ra đa, ụ pháo…
Mỗi đảo như một con tàu, như một nhát dao đâm vào tim mỗi người chúng tôi.
Qua Huy gơ, tàu chạy sát đảo với khoảng cách trên dưới 1km, bọn tàu khựa bắn 3 phát pháo hiệu cảnh cáo không cho đến gần. Cảm giác căm hận quân cướp sục sôi toàn tàu.
IMG_2457_zpsdzutjptl.jpg

Huy gơ, pháo hiệu

Trong không khí sôi sục đó, Tay to hô: Đả đảo quân Trung quốc xâm lược!
Anh em hưởng ứng: Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Tay to tiếp: Đm quân Trung quốc xâm lược!
Anh em theo: Đm! Đm! Đm!


Thật chỉ muốn chửi. Chúng ông đi trên biển trời của ông, mày cánh cáo cái mẹ mày à lũ cướp?!
Chúng nó cứ cảnh cáo, cứ đe dọa, chúng tôi càng thêm cảm phục nhưng ngư dân dũng cảm vẫn bám biển, khẳng định chủ quyền bất chấp hiểm nguy bất chấp quân cướp ngày đêm rình rập.
119805895.jpg

Tàu cá ở Đá lát
 
Bác viết hay quá và em cũng ước mơ có "Tay to" như bác để có được dịp ra ngoài đó :)
Tiếp tục hóng bài của bác.
 
Công binh
Công binh thời nào cũng vất vả. Khi so sự vất vả của công binh với lính trực chiến, có người nói công binh bán sức so thế làm sao được với lính chiến bán mạng. So như thế không hẳn đã đúng, như trong trận Gạc ma, gần nửa số người ngã xuống là lính công binh.
Trên 1 số đảo, cả nổi, cả chìm, lực lượng công binh hải quân đang ngày đêm gấp rút thực hiện nhiệm vụ. Công việc của họ là xây dựng, củng cố các công trình trên đảo, nạo vét, mở luồng cho tàu bè cập đảo hoặc vào vũng trú ẩn được thuận tiện hơn. Việc của họ chủ yếu theo con nước, bất kể giờ giấc. Dù là gì thì công việc của họ cũng rất vất vả: hoặc phơi nắng cháy bốc vác xây dựng, hoặc dầm mình dưới nước nạo vét thông luồng. Điều kiện ăn ở cũng kém lính trực chiến, họ chỉ ở lán tôn: mái tôi, vách tôn, anh em gọi là chảo rang. Một cậu bảo: Lính công binh cứ xây nhà cho người khác ở, xây xong lại đi. Cái vụ xui đi xin dưa, vì mấy tháng rồi chẳng được miếng hoa quả nào cũng là 2 thằng công binh nói chuyện với nhau khi thấy chia quà cho lính chiến.
Lân la đến khu lán công binh, chúng tôi thấy trên dây phơi tấm áo toạc lưng. Chắc là lính ta chế thế mặc cho mát lưng, chỉ cần bảo vệ vai và tay thôi..
CB1_zpshaihmztq.jpg

Tấm áo chiến sĩ Sinh Tồn Đông (mẹ cũng bó tay, khỏi vá)

Không phải ai lên đảo cũng biết, cũng quan tâm đến mấy thằng lầm lũi làm, như thợ xây, như cửu vạn, như ngư dân. Bọn nó cũng có chút tủi thân. Nhưng trên hết, từ những người lính công binh tôi vẫn thấy toát lên vẻ cương nghị, rắn rỏi, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
IMG_2487_zpsmmhmzskr.jpg

Sửa máy ở Cô lin

Đến Đá lát đúng lúc công binh được nghỉ sau ca làm việc, chúng tôi có dịp giao lưu với lính nhiều hơn, những người lính rất trẻ.
cb2.0_zpsoobi20sc.jpg

Toạc chym

Cu chiến sĩ rách đũng quần khi biết bị chộp bảo mình: anh đưa lên mạng thì chết em. Mình bảo: có sao đâu, vui mà. Cười khành khạch, rồi hắn cũng vui vẻ đồng ý, ngồi ôm chym chém gió tiếp :)
IMG_2661_zps3xdi4xh1.jpg

Ôm chym chém gió

Trước khi chia tay, mình bảo: mày ra anh chụp mấy kiểu gửi về nhà. Cu cậu lật đật thay bộ “tác phong” cho đàng hoàng, ra tạo dáng cùng hải đăng, cùng biển đảo để gửi về cho mẹ. Trông cũng “người lớn” ra phết.
IMG_2671_zpsskpaoh9o.jpg

Tạo dáng
Bọn mày khiến anh phải cảm phục. Vượt qua bao khó khăn vất vả, chúng mày vẫn vui vẻ, vẫn lạc quan yêu đời, yêu người. Ở lại mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ các em nhé!
 
Trồng cây gì, nuôi con gì (chén cái gì)
Chế độ ăn uống trên đảo nhìn chung là đảm bảo đủ chất, đủ lượng. Nhưng như trao đổi với mấy đồng chí trên đảo thì ra độ 1 tháng là ngán. Hầu như chỉ có đồ hộp: cá hộp, thị hộp, gà hộp, pa tê hộp, ruốc, măng hộp, dưa chuột hộp, dứa hộp…
IMG_20150511_065651_zpssikczwbz.jpg

Thực đơn STĐ

Nhìn thực đơn thấy bữa nào cũng có canh rau cải, nhưng thực ra mùa này mỗi nồi chưa chắc đã được được 2 tàu lá. Mùa mưa thì đảo nổi hay đảo chìm cũng đều thoải mái rau, nhưng mùa khô thì đảo chìm rất thiếu rau. Diện tích ít, đất ít, nước ít, nắng rát, nhưng khốn nhất là sóng đánh hơi nước biển lên khiến đất nhiễm mặn, rau đảo chìm dù được che chắn kĩ càng cũng lên rất chậm.
IMG_20150510_075148_zpsv2q2jvax.jpg

Chủ lực – dưa chuột hộp

Rau trồng ngoài đảo chủ yếu là cải, muống, mùng tơi, thấy loáng thoáng dền, mướp đắng, rau thơm. Đảo nổi nhiều đất, nhiều nước hơn nên cũng nhiều vườn tươi tốt lắm.
IMG_20150510_073618_zps686fekmv.jpg

Rau Nam Yết

Giá cũng là món tươi bổ sung cho lính đảo. Quân ta có chiến thuật ủ giá bằng bao tải. Cứ lớp bao tải, lớp đỗ xen kẽ, ủ trong thùng, lên đủ tầm, lôi ra cắt rễ là được mẻ giá tươi ngon.
IMG_20150511_143530_zpsqcgop1y6.jpg

Giá Cô lin

Vật nuôi trên đảo đặc sắc nhất có lẽ là bò Song Tử Tây. Bọn này nổi tiếng vì những thứ nó chén: 1 là sách vở và 2 là phụ kiện của chị em :D.
IMG_2105_zpsdxroscy4.jpg

Mẹ cái bọn con bò, dám chổng mông vào đại biểu à

Sách vở thì dễ giải thích, đó cũng là nguồn cellulose như rơm rạ. Còn về cái món thứ 2, chị em văn công lên đảo hở ra là mất underwear, lính tráng đổ tiệt cho lũ con bò. Bọn con bò, ngu vừa thôi, chúng mày chén mấy thứ đó toàn pha polyester tiêu hóa sao nổi, tắc ruột hoặc ngộ độc chết mẹ chúng mày. Còn nếu không chén, sao chúng mày chẳng biết đường rống lên mà kêu oan?!

Lợn, gà, vịt, ngan: bọn này chủ yếu là tàu tiếp tế chở ra, nuôi chờ thịt dần. Nhưng ở trạm khí tượng Trường Sa mình thấy 1 đàn vịt con chắc là nuôi để bản địa hóa chăng.
vit_zpsx28gxhbb.jpg

Vịt con Trường Sa

Ở Đá Lát cũng vậy, nghe nói hồi sau tết đoàn công an ra tặng 1 đàn vịt nước mặn, nuôi lớn khá nhanh. Hy vọng là rồi sẽ có giống vịt Trường Sa để anh em nuôi, vừa vui đảo, vừa để thay thế những đồ hộp.
IMG_20150512_095621_zpssmbo3w0j.jpg

Đá Lát - Chung sống hòa bình

Đa phần lợn cũng thuộc dạng nuôi nhốt chờ thịt, nhưng cũng có nơi mình thấy được nuôi như thú cưng, đi lại tự do, nằm ngồi tự nhiên như bố tướng.
pet_zpsheer7jzx.jpg

Thú cưng Cô Lin

Chó: ở Trường Sa chó được nuôi rất nhiều. Chó quấn quít với chiến sĩ, theo chân chiến sĩ tuần tra, và cũng góp phần làm ấm lòng chiến sĩ. Gia vị trên đảo có vẻ cũng khá là đầy đủ. Hôm ở Song Tử Tây ngồi tán chuyện với hội gác đèn, thấy bên quân y sang xin mẻ. Mình hỏi: Thịt chó hả? Bọn nó lảng: Giả cầy thôi anh ạ.
IMG_2521_zpslbt9843o.jpg

Đạo diễn già yêu chó như yêu lính (không phải yêu lính như chó đâu nhé)

Cá: Các đảo đều ở những vùng rất phong phú về hải sản nhưng không phải lúc nào cũng có hải sản tươi sống. Vùng biển quanh đảo thường là đá san hô, nhiều dòng nước xiết, rất nguy hiểm. Thiếu nước ngọt, phải tắm biển thì lính tráng cũng phải tập trung ra cầu tàu là nơi nước sâu, không có dòng nước xiết để tắm, chứ không được tùy tiện nhảy xuống biển. Ngư dân trên đảo đi đánh bắt cũng chỉ loanh quanh gần đảo, và cũng không đánh bắt được nhiều. Các đảo chìm bắt được con cá thì mỗi thằng còn được miếng, chứ đảo nổi 1 con chẳng bõ bèn gì. Thực sự thì đảo nổi giữa vùng biển đầy cá vẫn cứ thèm cá tươi.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,642
Bài viết
1,154,310
Members
190,155
Latest member
danhtuliem
Back
Top