What's new

Vùng Cao Hà Giang và mặt trận Vị Xuyên

Tôi sẽ nhanh chóng trở lại bởi vì gặp sự cố.Format máy kiểu khỉ thế nào bay hết cả, sau khi recover lại đang phải sắp xếp ảnh lòi cả mắt.Trân trọng cảm ơn bạn đã quan tâm, tôi đang....cố gắng đây.Còn lời hứa với bằng hữu Giamaham nữa...hụ hụ.
 
Tranh thủ lúc đang sắp xếp lại ảnh ọt tôi xin" chuyển cảnh" tí, cũng mong mang tới cho các bạn một chút thông tin bên lề về Hà Giang.
Hơn nữa tôi cũng muốn thông tin tới sau đây về các Cụ nhà ta chống Phỉ và mặt trận Vị Xuyên phải được đối chứng, kiểm tra một chút.Tính tôi cũng khá cẩn thận nhưng nhiều khi cứ tự tin quá không khéo là "mất uy tín".:D

Vượt qua Mèo Vạc chúng tôi lại quay về Yên Minh để trở lại thành phố Hà Giang.Lúc này chúng tôi đi dọc theo một con sông rất đẹp.Bấy giờ không phải mùa mưa nên con sông trông thật hiền hòa.Chính trên con sông này có rất nhiều công ty tư nhân ở Hà Nội về làm thủy điện.Nghe nói mỗi cái thủy điện này có công suất khoảng 25 đến 100MW, chúng đang góp phần làm cho Hà Giang có cuộc sống và kinh tế ngày càng tốt hơn.Nước sông trong xanh có những đoạn nhìn thấy cả đáy.Trên sông trẻ con tắm, bơi phụ nữ thì giặt giũ.Thi thoảng có những chú trâu tha thẩn gặm cỏ bên những khúc sông cạn, bờ trơ ra những hòn cội lớn như cái mũ cối.Đây đó khói bếp bắt đầu vấn vít tỏa ra từ những mái tranh màu nâu xám.Dòng sông xinh đẹp mà một bên tựa núi, một bên là con đường nhỏ bé chạy song song này có tên là sông Gâm.Bà chị đi cùng đoàn là dân làm vận tải, có tài đọc vanh vách số km ở bất cứ địa điểm nào trên vùng Tây bắc xác định như vậy.Nếu điều đó là sự thực thì chúng tôi đang chạy trên đất Cao Bằng.Lần sau đi tôi dùng định vị bằng Iphone thì đúng là như vậy.Thằng cu Hưng lái xe nó nói là”em chạy đường này xa hơn nhưng đẹp hơn cho anh ngắm cảnh”.Đúng là đẹp thật.
Về tới Hà Giang vào khoảng 5 giờ chiều.Trước khi vào thành phố ông em họ bảo Hưng chở thẳng vào hàng nhậu.Một con cá lăng hơn 5kg được chủ quán dùng rìu hóa kiếp.Tôi hỏi ông em họ”làm sao mà ăn hết chỗ cá này”, nó cười “bác cứ yên tâm”.Lát sau khi đang ngồi chén tạm xôi ngũ sắc thì một lô một lốc khoảng 5 đồng chí nữa "xông tới”.Xôi ngũ sắc ở Hà Giang nghe nói có màu tím, màu trắng, màu vàng, màu đỏ và màu xanh.Các màu xôi này toàn được nhuộm bằng lá, củ, quả nông sản địa phương nên ăn rất an toàn.Màu trắng thì khỏi nói, màu đỏ từ gấc, màu tím từ lá cây cơm đen( không phải lá thuốc phiện đâu nhé, ông em hứa lần sau lên mời anh ăn lẩu có trái thuốc phiện, chứ rượu ngâm quả thuốc phiện thì tôi đã làm thử một phát liên tu bất tận rồi ), màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá gừng.Vậy là yên tâm nhé.Dĩ nhiên là xôi thì chấm muối vừng đen ăn với măng đắng.Thằng em họ nói khi nào có sấm thì măng mới đắng tợn, chẳng hiểu có phải không nữa. Thi thoảng để có màu xôi đỏ, phải ngâm gạo nếp với nước lá cơm đỏ.Công phu nhất là màu xôi xanh. Người ta không dùng lá gừng hay lá cơm xôi xanh, mà dùng tro của rơm nếp trộn lẫn lá cơm đen giã nhỏ.Nhuộm gạo đã công phu, khâu đồ xôi cũng phải thật khéo léo. Những mâm xôi ngũ sắc của các gia đình trong mỗi dịp lễ, tết thường nhỏ và được đồ chung các màu trong một chõ. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng.Tuy nhiên ở Hà Giang hôm đó chỉ có xôi ba màu là trắng, vàng và tím.Xôi được gói trong đùm lá chuối cho nóng và dẻo, khi nào ăn mới bóc ra.Xôi dẻo, thơm và cực kỳ bắt mắt quyện hương lá chuối thấm đẫm chất “quê”.
Lát sau cá được mang lên.Đầu tiên là món cá nướng cuốn bánh đa hoặc....lá Nhội.Gia giảm có chuối chát, khế, ớt như dưới xuôi nhưng đặc biệt hơn cả là vả, nước chấm và lá Nhội.Vả rừng chát sít sìn sịt, răng miết vào nhau còn không trượt đi được, nhưng một lát sau vị chát chuyển sang liu líu ngọt.Khế, cứ tưởng giống đồng bằng ai ngờ nó chua ghê chua gớm tuy nhiên khi bị vị chát của vả át đi chúng chuyển thành thứ rau nhai vào nghe sồn sột. Thế rồi mắt nhìn,tay cuốn(anh nào khéo thì cuốn giống cái nem, anh nào Lỗ Trí Thâm thì gói thành một cục như quả trứng), tai nghe, mũi ngửi, dịch vị xối xả tuôn ra để đưa mớ hỗn độn được cổ vũ bằng chất nước cay sực chạy thẳng xuống dạ dày;)
Nước chấm thì được gọi là mắm thịt.Nó được pha chế kiểu dân tộc gồm thịt sống thái nhỏ, rễ cây rừng và một số loại gia vị tôi chịu không nhớ nổi.Rau cuốn cùng thì có loại rất lạ trông giống rau chân vịt, vị đăng đắng.Cuối cùng là lá Nhội để cuốn cá, nó có vị chát và đại khái có khả năng trị khuẩn khi ăn gỏi hay ăn đồ nướng.Còn chất cay thì aloe....kinh người.Ông em bảo đi xuống cùng để lấy thêm rượu.Nó nói anh đi cho biết.Xuống một cái gọi là hầm rượu, trên mình có lẽ gọi là cái bể, nó lấy một cái gáo vục xuống đổ đầy vào cái chai mang theo.Rút cái đèn pin đúng điệu Phượt nhà mình nó chiếu xuống bể thì ....tời ơi dưới đó là nguyên một...con gấu.Phù.....các cụ bảo”ăn tục” chẳng nhẽ nó lại đang vận vào mình.Thôi đành “nói phét” là “ba cùng” với anh em đồng chí cho đủ bộ:D
Kể từ lúc xuống hầm xong quay lên, tôi ăn uống sa sút hẳn.Tuy vậy ở Hà Giang khách lạ”bị quí” là được mời liên tục.Mời xong, cạn chén là bắt tay.Cái bắt tay này nó có lý riêng của nó chứ không thuần túy là xã giao đâu nhé.Khi bắt tay nếu người này thấy người kia tay còn ấm thì mời nhau uống tiếp, còn nếu thấy tay ra mồ hôi thì thôi không ép, đặc biệt mồ hôi tay mà dính thì tốt nhất là để đối tác uống Lavie. Món tiếp là lẩu cá thì tôi chịu vì ăn tiếp đồng nghĩa với việc phải uống.Nghĩ lại cũng thấy hơi tiêng tiếc.
Tiệc tan cu Hưng nói để ấm bụng trước khi về nhà nó chiêu đãi thêm món cháo Ấu tẩu.
Về món này tôi để người khác tả thay nhé.
Một trong những cái lạ của món cháo ăn “chết mà không chết” này là chỉ bán vào ban đêm, chứ ban ngày thì tuyệt nhiên không có. Tuy nổi tiếng là đặc sản ở Hà Giang nhưng không có nhiều nơi bán mà chỉ lác đác một vài chỗ, nếu không phải phải là "thổ địa" của vùng đất này thì cũng khó tìm.Đoạn này tôi thông tin luôn.Quán nằm đối diện trụ sở Điện lực tỉnh.
Theo bà chủ quán tên Tâm thì nếu ăn củ Ẩu tẩu lúc còn chưa chế biến có thể khiến người dùng toàn thân co rúm lại và có thể mất mạng. Tuy nhiên khi loại củ này được nấu chín thì lại hoàn toàn vô hại, thậm chí lại có thêm những công dụng cực kỳ hữu ích cho sức khoẻ. Trước đây món cháo này được đồng bào dân tộc Mông dùng làm thuốc giải cảm nhưng sau này người ta thêm một số gia vị khác để nấu thành món cháo "đặc sản"...
Bà Tâm cho biết thêm, để chế biến củ Ẩu tẩu rất công phu. Đầu tiên phải ngâm trong nước gạo đặc, sau đó ninh nhừ khoảng 4 - 5 tiếng cho hết chất độc tiết ra hết, khi đó củ Ẩu tẩu tơi ra thành bột đặc sền sệt. Thứ bột này đem đổ vào nồi cháo chân giò lợn, gạo tẻ, có khi thêm tí nếp cho sánh thơm. Lửa liu riu trên bếp, nồi cháo lúc nào cũng bốc hơi lục sục. Khi ăn người ta múc ra bát, cho thêm quả trứng gà, thịt nạc băm, cùng gia vị như ớt, tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô.
Trông bát cháo có màu nâu xám tựa như bát cháo lòng dưới xuôi, song mùi vị thì khác hẳn. Tôi đánh liều thử một miếng thì cảm nhận được mùi béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ Ẩu tẩu. Món cháo này có một vị chung rất khác là khi mới ăn dễ cảm nhận một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều sinh nghiện.
Củ Ẩu tẩu sau khi được chế biến đúng cách và nấu thành cháo thì từ "độc dược" mà hóa ra "thần dược". Theo bà chủ quán và một thực khách thường xuyên ở đây thì ăn món cháo này giúp giãn gân cốt, giảm đau nhức các cơ, xương, thậm chí là cả u nhọt. Khi ăn loại cháo này, người đi xa về sẽ có một giấc ngủ say. Một số người bị mất ngủ, thường dùng cháo Ẩu tẩu trước giấc ngủ khoảng vài tiếng đồng hồ, để đi vào giấc ngủ sâu hơn và không bị thức giấc lúc nửa đêm.Nguồn internet.
Riêng tôi sau khi ăn độ nửa bát thấy đúng như tác giả bài viết trên miêu tả nhưng còn có cảm giác hơi tê tê lưỡi.Thông báo với ông em, nó làm câu”thế thì thôi đi anh ạ” trong khi vừa chén xì xụp vừa cười.Tôi đoán nó dọa nên tiếp tục chén”đến giọt cuối cùng”.Quả thật món cháo này giải rượu rất tốt nên, tối ngủ tít và sáng hôm sau dậy đầu óc nhẹ tênh.
Sáng mai tụi mình đi ăn bún chó ở dốc Mã Tim và thịt vịt ở chợ trên đường đi cửa khẩu Thanh Thủy nhé.(BB)
 
Sớm hôm sau đúng như đã hẹn ông em họ lôi dậy đi ăn sáng.Nó cũng học ở Hà Nội mấy năm liền nên “cái ăn cái uống” ở dưới này cũng đã biết cả.”Thôi sáng nay đi ăn bún chó anh nhé”, tôi nghĩ bụng cái xứ này ăn sáng lạ nhỉ, tinh mơ đã rượu chè nhậu nhẹt rồi.Đi vòng vèo qua cầu sang nửa bên kia thành phố, ủy ban tỉnh mới đang xây dựng, sở nông nghiệp, ngân hàng BIDV lướt qua bên cửa xe, rẽ phải lên một con dốc thoai thoải, chắc dốc Mã Tim đây rồi.Tôi sơ xuất không hỏi tại sao con dốc ấy lại có cái tên như vậy, phải chăng là dốc tim ngựa, thế thì có vẻ đơn giản quá nhỉ, thôi còn thứ khác cần tìm hiểu trước, nói gì thì nói tìm hiểu ẩm thực ở mỗi nơi ta đến luôn luôn là sở thích chắc không chỉ có mình tôi.
Quán nằm bên trái đường, nhà gỗ cũ mèn, ám khói bếp và xộc xệch, nhưng trông gần gũi và thân thương lắm.Chẳng hiểu sao mỗi khi vào một quán ăn nào có bề ngoài như vậy tôi lại liên tưởng tới cái bếp của bà ngoại.Nơi ấy ám khói rơm, tối om và góc bếp đầy rơm rạ. Tôi thường làm một cái ổ bằng rơm lăn ra đó nằm nhìn bà xay lúa, giã gạo.Củ khoai, bắp ngô, bát cơm gạo mới thơm dẻo mà bà ngoại “đắp” kín những thứ ngon lành nhất lên trên với tôi luôn là những “món ngon nhớ đời”.
Vào bên trong, ba dãy bàn thấp xếp ngay ngắn và khách cũng đã ngồi kha khá.Hai anh em tôi chọn một bàn ngay gần bếp, tôi ngó vào trong thì thấy ngay sau bếp đã là sông.Ông chủ quán đang làm túi bụi, còn “tửu bảo” chính là bà vợ, cô con gái và người giúp việc.Ông em gọi đủ các món nhưng thật kỳ lạ là mỗi đĩa, bát chỉ dăm ba miếng cứ như kiểu người Huế ăn vậy.Tôi thắc mắc thì ông em giải thích, em gọi nhiều món, nói lấy ít vả lại họ nhìn thấy có hai anh em nên làm như vậy.Dịch vụ thật tuyệt vời, kiểu này Hà Nội chỉ có sách dép.La liệt trên bàn cũng đủ các món, dồi có, chả có, hấp có, chút “dựa mận”, thiếu mỗi bát sáo măng.Thơm ngào ngạt, nóng hôi hổi tôi thử qua mỗi thứ một miếng cứ như là thưởng thức “ngự thiện” ấy.Mùi vị, gia giảm, đồ chấm, rau thơm vẫn vậy, đẳng cấp ngang với Hà Nội.Bây giờ mới là món chính đây.Hai bát bún được mang lên, khá to và cũng thơm nức.
Bún chó ở Hà Giang được ăn kiểu hoàn toàn khác với Hà Nội.Bún chó ở Hà Nội ăn với sáo chó gồm măng, xương chó hầm kỹ.Ở Hà Giang, bún được trần nóng rồi thả vào hỗn hợp đã được ninh gần nhừ của thịt chó thui đã được tẩm ướp gia vị kiểu làm chả và các “gia giảm” địa phương nên rất thơm và cực kỳ giàu đạm.Chẳng thế mà có người chỉ ăn bát bún chó là xong.Nước bún đặc sánh thơm của mùi chả, phảng phất mùi đậu xanh, vị thuốc Bắc, nên nó có màu gụ sẫm và vẩn lên bởi tiết chó.Miếng thịt chó thui rơm nếp để lớp da ngoài không cháy nhưng cũng phải có màu nâu đậm như màu cánh nấm hương.Sau khi tẩm ướp và hầm kỹ nó đạt tới độ hoàn hảo là phần thịt thì mềm tan nhưng lớp da khi nhai vẫn sần sật.Một tiêu chuẩn nữa là nước bún không được váng mỡ vì với bát bún như vậy thì chắc có ngon mấy cũng không vào được quá nửa phần.
Hết bát bún và chén rượu Thanh Vân, đặc sản rượu ngô Hà Giang, tôi và thằng em họ khật khưỡng ra về sau khi thanh toán tiền.Giá không rẻ chút nào, nhưng xứng với chất lượng và dịch vụ.Sau này nhận thấy giá cả ở Hà Giang khá đắt đỏ.
 
Tin giờ chót:
Ông iem tôi có nhời mời:Ngày 20-8 này thành phố Hà Giang kỉ niệm 120 năm ngày khai sinh hai chữ " Hà Giang".Tôi đành nhịn cho tới ngày đó thì đi một thể.Có bạn nào có mặt trong dịp thì rất hay.Nếu có thể liên lạc thì báo nhau sau nhé.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,430
Bài viết
1,147,115
Members
193,495
Latest member
68gamebaibroker
Back
Top