What's new

[Chia sẻ] Vũng Tàu phiêu lưu ký

topic này mở ra để giới thiệu và chia sẻ cùng các bạn những góc nhìn về Vũng Tàu. nơi mà bao lượt khách du lịch mãi say đắm đi về cũng là nơi mà bao người con ra đi vẫn hoài mong nhớ. đêm nằm mơ nghe tiếng sóng biển, mỉm cười với hoài niệm, thầm mong một ngày quay trở lại để được lần nữa áp má vào nắng chiều và lắng nghe từng giọt hoàng hôn rơi...
 
Công viên Bãi Trước

Công viên Bãi Trước từ ngày hoàn thành đưa vào sử dụng đã trở thành nơi dạo mát, tập thể dục lý tưởng cho nhân dân. Ban ngày có các bạn học sinh, sinh viên đến học bài, đọc sách, các cụ ông sau giờ tập thể dục lại say sưa bên bàn cờ tướng. Chiều xuống thêm phần đông vui, hầu như những dãy ghế đá được bố trí trong công viên đều không còn chỗ. Những ngày lễ, công viên Bãi Trước trở thành nơi tụ hội không chỉ của người dân Vũng Tàu mà khách du lịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn cũng muốn ghé qua.

Đặt chân đến công viên Bãi Trước đồng nghĩa với việc bạn đã bước qua con đường có vỉa hè lát đá hoa cương dài nhất Việt Nam. địa điểm này cũng là nơi tập trung Skaters đủ mọi lứa tuổi luyện tập và trình diễn mỗi sáng chủ nhật và chiều tối hàng ngày.

Với lợi thế, mặt đá hoa cương lán mịn, bóng choang + công viên xanh mướt mắt+ gió biển không ngừng xoa dịu cái nóng oi ả, công viên Bãi Trước là lựa chọn số một để các bạn cùng bạn bè hay gia đình ngồi hóng gió, ngắm hoàng hôn và ăn những món snack vui vui, cá viên chiên, kem bảy màu, bánh tráng, đậu phộng ... bán dọc bờ biển.

Các cặp đôi không nên bỏ qua vòng xe đạp đôi trên con đường Quang Trung dọc bờ biển, vừa tâm tình, vừa thưởng ngoạn và tham quan các trung tâm văn hóa, hành chính của thành phố: nhà văn hóa Thanh Niên ở ngay góc công viên, nhà văn hóa Thiếu Nhi, nhà bảo tàng lịch sử cách mạng tỉnh BR-VT,OSC Việt Nam, Bạch Dinh,...

Tín đồ cà phê đừng quên một lần thưởng thức cảm giác "ngồi cà phê biển" với những quán thiết kế độc đáo, thức uống rẻ và gần gũi nhất với mùi nồng, mặn mòi của biển: Mũi Đá (sẽ post hình sau), Cát biển,...

Những cô nàng thích làm kiểu thì hãy chọn cho mình vài dáng dễ thương, ngộ nghĩnh để kỉ niệm cùng với rặng dừa nghiêng nghiêng, những tác phẩm điêu khắc đá trừu tượng (mà cũng dẽ tưởng tượng ) trong phạm vi công viên nhen.

Những bức tượng mượt mà
DSC00047.jpg


Không gian xanh mát
DSC00048.jpg


Con đường lát đá hoa cương
DSC00050.jpg


Đây là nơi người dân Vũng Tàu tập thể dục và dạo chơi cùng gia đình
DSC00055.jpg


DSC00057.jpg
 
Last edited:
Cà phê Ô Cấp

Đến thành phố biển Vũng Tàu bạn đừng nên bỏ qua cà phê Ocap. Bạn sẽ thốt lên: "Ôi, tuyệt thật!" và bạn sẽ thật sự bất ngờ về sự quyến rũ của toàn khung cảnh nơi đây.
Đến đây tâm hồn bạn sẽ thật sự được thư giãn, bạn sẽ được ngắm cảnh bình minh trên biển vào lúc sáng sớm, bạn sẽ nghe được tiếng sóng vỗ bờ.

Cà phê Ocap 1 nằm trên núi được thiết kế từng bục đá ghép lại làm lối đi, với hệ thống bánh xe quay nước theo cách của người dân tộc, với những ô dù xinh xắn, nhà rông cùng với cây cối xanh tươi sẽ làm cho bạn thích thú. Bạn hãy đến và cảm nhận nhé!

Ngoài các loại thức uống còn có các loại rượu ngoại nhập: XO, Golden, Martini,...

DSC00022-1.jpg


DSC00024.jpg
 
Last edited:
Tượng chúa Ki tô trên núi Tao Phùng

Tượng Chúa Ki-tô hay Tượng Đức Chúa giang tay là một bức tượng Chúa Giê-su đứng trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu, được xây từ năm 1974. Bức tượng này cao 32 m, sải tay dài 18,3 m đứng trên độ cao 170 m nhìn ra biển, bên trong có cầu thang 133 bậc lên tận 2 tay của tượng. Bức tượng có thể xem như một phiên bản tương tự tại thành phố Rio de JaneiroBrasil. So với tượng Chúa giang tay của Brasil, thì tượng này ở Vũng Tàu cao hơn 2 m. Tuy nhiên, tượng Chúa ở Brasil đứng trên núi cao hơn 700 m, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 100 m của núi Nhỏ; ngoài ra, bệ tượng ở Brasil cao tới 7 m, trong khi bệ tượng ở Vũng Tàu cao khoảng 4 m.

Sau khi cuốn Tự vị Annam-latinh (tức là cuốn sách đầu tiên có ghi địa danh Vũng Tàu) của Bá Đa Lộc xuất bản được hai năm, năm 1775, nhà hàng hải Manneviclette cho ấn hành sách địa lý á Đông Neptune Oriental. Theo sách này thì Vũng Tàu được các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha gọi là "Cinco Chagas". Cần lưu ý rằng; trong quá trình chinh phục thế giới, người Bồ Đào Nha hay dùng cụm từ Cinco Chagas để đặt tên cho tàu bè vượt biển hoặc tên núi đồi. Oporeto CIN CHAGAS VERDAREIRAS có nghĩa là “năm dấu thánh của Đức Giêsu” hay "năm vết thương của chúa cứu thế" (4 dấu vết thương bị đóng đinh chân tay vào thập giá và 1 dấu bị giáo đâm bên sườn có trái tim). Chính người Bồ đã dùng cụm từ này để đặt tên cho Vũng Tàu một vùng đất có thể nhìn thấy từ khơi xa qua 5 ngọn núi ở Vũng Tàu và Bà Rịa (Sở dĩ gọi như vậy bởi vì Vũng Tàu, nhìn từ ngoài khơi vào, người đi biển thấy có năm ngọn núi, biểu tượng của niềm vui, của sự cứu giúp đối với họ. Đó là năm ngọn núi có tên là Kỳ Vân, Núi Dinh, Núi Nứa, Núi Lớn, Núi Nhỏ.

Người Pháp gọi Vũng tàu là Cap Saint Jacques và khi muốn đi Vũng tàu thường nói " Aller au Cap ", từ đó người Việt gọi Vũng tàu là " Ô Cấp ".

Nằm chót vót trên đỉnh núi Nhỏ, Bãi Sau, tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng như một ngọn tháp canh thu vào tầm mắt du khách toàn bộ cảnh quan của thành phố Vũng Tàu.

Năm 1972, cha Phaolô Nguyễn Minh Tri cùng với bà con giáo dân Vũng Tàu khởi công xây dựng một tượng đài Chúa Kitô, theo dự kiến cao khoảng 10m, đặt trên bệ cao 5m ngay tại mũi Nghinh Phong dưới chân núi Nhỏ. Công việc xây dựng đang tiến hành thì bị gián đoạn vào năm 1973.

Một thời gian sau, vào năm 1974, tượng đài Chúa Kitô được xây dựng lại trên đỉnh núi Tao Phùng thuộc dãy núi Nhỏ với diện tích rộng lớn 10 hécta. Do thay đổi vị trí nên tượng đài Chúa Kitô Vua Tao Phùng được thiết kế lại để phù hợp với độ cao mới và sự khắc nghiệt của khí hậu gió mùa nhiệt đới. Việc thay đổi này đem lại sự khó khăn về tài chính cũng như những điều kiện khác trong việc xây dựng. Tuy nhiên, công việc vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của cha Phaolô Nguyễn Minh Tri và sự giúp đỡ về tài chính của ông bà Lê Quang Tuyến. Công việc điều hành thi công do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân và kỹ sư Nguyễn Quảng Đức cùng với 50 công nhân lành nghề thực hiện. Năm 1994, toàn bộ công trình thuộc khu vực tượng đài Chúa Kitô được hoàn thành. Tượng đài Chúa Kitô đặt trên ngọn núi Nhỏ đối diện mũi Nghinh Phong, ở độ cao 176m so với mặt nước biển. Tượng đài đứng giữa hướng đông nam và quay ra biển, bên phải là núi Ô Quắn, bên trái là Hòn Bà, phía sau là thành phố Vũng Tàu. Từ dưới bãi biển nhìn lên, tượng đài Chúa Kitô giang đôi tay sừng sững án ngữ trên đỉnh núi cao, bao quanh là những tán cây xanh mát tạo thành một điểm nhấn đầy ấn tượng. Từ trên cánh tay tượng đài nhìn xuống, du khách có thể nhìn thấy thành phố Vũng Tàu với nhà cửa san sát, công viên khu công nghiệp Đông Xuyên, hồ Thị Vải và dáng vẻ mập mờ của núi Hòn Bà được bao quanh bởi làn nước trong xanh của biển trời Vũng Tàu.
Tượng Chúa Giê-su, gọi theo cách dân dã là Tượng Chúa giang tay, là bức tượng chúa Giê-su Cristo đứng trên đỉnh Núi Nhỏ (còn gọi là núi Tương Kỳ hay núi Tao Phùng) của thành phố biển và dầu khí Vũng Tàu. Từ cách xa trên 50 kilômét, du khách đã có thể thấy bức tượng cao trắng xóa nổi lên giữa biển trời xanh thẳm. Muốn lên tượng, bạn hãy vòng theo đường Hạ Long, con đường ven biển được coi là đẹp nhất Việt nam, đến Mũi Nghinh Phong quanh năm lộng gió, nơi bãi tắm kín đáo nấp vào thiên nhiên, nước biển ngăn ngắt xanh tung bọt trắng trên những phiến đá...

Vị trí: Tượng chúa Kitô nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm: Tượng được dựng vào năm 1972, cao 32m, đứng giang hai tay, mặt hướng ra biển

Nét đẹp thiên nhiên ở Nghinh Phong – Vọng Nguyệt dường như được nhân lên nhờ bàn tay con người – cải tạo mạn cực nam Núi Nhỏ và xây dựng nơi đây một công trình kiến trúc điêu khắc đồ sộ. Tượng chúa kitô cao 32m là một sự nổi bật hài hòa trong không gian khoáng đạt của vùng núi non và biển cả nơi đây.

Một số hình ảnh về nơi này:

luuminhphuong_k28N5_1_43_ua.jpg


luuminhphuong_k28N5_1_29_de.jpg


IMG_1209.jpg


Phù điêu đế tượng
luuminhphuong_k28N4_30_33_11.jpg


luuminhphuong_k28N4_30_28_07.jpg
 
Last edited:
Bức tượng được xây dựng 1974 sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về ý đồ thiết kế và chọn mẫu. Tất cả các công việc đều do hội Thiên Chúa Giáo Vũng Tàu chủ trì và thực hiện.Các họa sĩ điêu khắc như Cao Uy, Văn Nhân và các vị có chức sắc trong giáo hội, được giao nhiệm vụ tham khảo hàng nghìn bức ảnh Chúa Kitô và thiết kế mẫu phác thảo, sau đó phác thảo được gửi tới cuộc triển lãm văn hóa – nghệ thuật tôn giáo để tranh thủ thêm nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghệ thuật.

luuminhphuong_k28N4_30_36_3.jpg

Việc thi công bức tượng được giao cho nhóm kỹ sư tài hoa Nguyễn Văn Đức, và những người thợ tài giỏi như ông Tám Luận, Nan, Quý, Hòa, Hoàng … Hằng ngày có 50 người lao động để thực hiện công trình này. Do điều kiện xây dựng khó khăn (núi cao, nền đá, hệ thống dàn giáo khó thực hiện)…công trình kéo dài. Đầu năm 1975 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đi vào giai đoạn kết. Vì vậy công trình tượng chúa kitô phải dừng lại trong dở dang từ 30/4/1975. Mãi đến 1993 một số công trình phụ khác như hệ thống tam cấp đường lên, những mảng chưa được tô láng ciment trước đây mới được giáo hội thiên chúa thực hiện tiếp. Và trong tương lai công trình sẽ được hoàn thiện như phác thảo ban đầu.

Kiến trúc – điêu khắc tượng chúa kitô là một tác phẩm nghệ thuật lớn, là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo. Về kích thước với chiều cao 32m, sải tay dài 18,4m được giới chuyên môn xem đây là bức tượng Kitô cao nhất thế giới, lớn hơn cả bức tượng Kitô ở Brasil vốn do hai quốc gia Arhentina và Brasil xây dựng (chỉ cao 26m và sải tay dài 10m).

Tượng chúa Kitô núi nhỏ quay mặt về hướng nam nhìn ra biển Đông, nét mặt nhân từ bao dung, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh. Dẫu là một bức tượng được xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa nhưng những chi tiết thuộc về nghệ thuật và thẩm mỹ như tư thế bức tượng, nét mặt, trang phục … đều được thễ hiện hết sức mềm mại, sinh động giàu sức sáng tạo.

Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh tượng. Ánh sáng bên ngoài chiếu rõ trong lòng tượng nhờ hệ thống “cửa sổ” hình chữ “Thọ” trang trí trên áo. Lên hết 133 bậc tam cấp trong lòng tượng du khách du khách có thể đi ra 2 bên vai và tay áo tượng – như hai chiếc ban công an toàn, chắc chắn để ngắm bờ biển Vũng Tàu và đón gió biển thổi vù vù, mát rượi. Hai bàn tay tượng chúa kitô dài tới 2,2m, ngón giữa dài 1,1m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.
Tượng chúa Kitô đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hìng cánh cung cao 10m, phía trước bệ được trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci “bữa tiệc biệt ly”. Mặt sau là một bức tranh lớn “ Đức chúa trao chìa khóa cho Phêrô”.
Trên đỉnh đầu tượng Chúa có 9 tia sáng hào quang chính là hệ thống thu lôi được nối liền từ tay tượng dẫn xuống hầm hợp chất than, cát, muối để chống sét.

Dưới chân tượng trong gian phòng rộng có trưng bày những bức tranh, ảnh nói lại quá trình xây dựng tượng đài khổng lồ này.
Để lên thăm Tượng Chúa Ki Tô bà con giáo dân đã xây dựng xong một con đường dốc bậc thang sạch đẹp, uốn lượn trông xa như Vạn Lý trường thành ở Trung Quốc.

Tượng Chúa Ki Tô được xây dựng bằng kiến thức khoa học, lối kiến trúc mang tính nghệ thuật văn hóa dân tộc. Được làm bằng bàn tay lao động của con người, không sử dụng cơ giới.
Cảnh đẹp nơi đây thật là sơn thủy hữu tình, hàng ngày đón hàng trăm du khách thập phuơng kể cả khách quốc tế đến thăm một công trình du lịch mang tính tôn giáo nổi tiếng này.

Ở vào vị trí phía nam của núi nhỏ, tọa lạc ở một không gian dễ thu hút vào tầm mắt của du khách đến tắm biển vũng tàu, và là một tác phẩm lớn về nghệ thuật kiến trúc tôn giáo mang dấu ấn bản sắc dân tộc, tượng Chúa Kitô núi nhỏ là điểm thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Phù điêu đế tượng

Tượng Chúa đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10m, dài 12m, thực chất là một gian phòng với bốn mặt bên ngoài trang trí phù điêu. Mặt trước là bức "Bữa tiệc ly" (hay "Buổi họp mặt cuối cùng") phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci; mặt sau là bức "Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô".

4 bức phù điêu che kín 4 mặt của đế tượng mà bên trong là phòng trưng bày phiên bản của các bức danh họa liên quan đến kinh thánh được lưu trữ tại bảo tàng viện nổi tiếng như Louvre , St Petersbourg , Vatican .. Trong 4 bức phù điêu, có hai bức đã được hoàn tất trước ngày 30/04/1975.

Trận địa pháo cổ

Trên đỉnh núi ở hai bên tượng Chúa có hai cỗ pháo lớn - là một trong số 11 đại pháo của trận địa pháo cổ Núi Nhỏ. Đây là một trong ba trận địa tạo thành tuyến phòng thủ Vũng Tàu do người Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19, hoàn thành năm 1905. Trận địa pháo Núi Nhỏ được bố trí thành ba cụm theo thế vòng cung bao quát cả vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Cụm dưới chân tượng Chúa gồm 3 khẩu ở độ cao trung bình 136m so với mực nước biển, có cùng kiểu dáng, cấu tạo, cỡ đạn là 240mm, nòng dài 12.33mm. Trên thân pháo có ghi kí hiệu, kích cỡ nòng súng, kiểu dáng,năm sản xuất, trọng lượng pháo và phân hiệu của đội. Các cỗ pháo được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất, có đường kính 10.5m, có thể quay tròn và nâng hạ nòng nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định. Người ta cho rằng đây là một trận địa pháo thường trực vì giữa các cỗ pháo liên hệ có hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn liên kết với nhau.

Đường lên tượng
luuminhphuong_k28N5_1_26_ar.jpg


luuminhphuong_k28N5_1_23_ng.jpg

Vũng tàu có một đường ven biển chạy vòng tròn ôm lấy thành phố nên du khách xuất phát từ Bãi Trước hay Bãi Sau cũng đều đến được Mũi Nghinh Phong theo đường Hạ Long
Đến Mũi Nghinh Phong, trước khi leo lên Tượng Chúa, du khách thường đứng lặng ngắm bãi Vọng Nguyệt, đảo Hòn Bà, khu vực của Phật Giáo. Hòn Bà còn có tên gọi khác là Archinard, chỉ cách bờ hơn trăm mét. Khi triều xuống, ta có thể đi bộ ra tận đảo. Bãi tắm ở đây có vách núi bao bọc nên kín đáo, nước khu này cũng trong xanh hơn, trên bãi lại có nhiều đá thiên nhiên rất đẹp. Vẻ đẹp thơ mộng ấy làm tần ngần du khách

luuminhphuong_k28N5_1_44_82.jpg


luuminhphuong_k28N5_1_23_30.jpg


luuminhphuong_k28N4_30_5_97.jpg


luuminhphuong_k28N5_1_19_1.jpg
 
Last edited:
Bạch Dinh

Bạch Dinh nằm ở độ cao 27,7m mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi, dưới chân là biển. Khách du lịch có thể tắm ở Bãi Trước, Bãi Dâu, thả bộ trên đường Trần Phú vừa ngắm Bạch Dinh. Sau lưng là Núi Lớn, bao quanh một màu xanh của rừng Sứ và rừng Gia Tỵ giữa thiên nhiên tươi đẹp.

Vị trí: Bạch Dinh tọa lạc tại số 10 đường Trần Phú, thành phố Vũng Tàu.

Đặc điểm:Bạch Dinh được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 dùng làm nơi nghỉ mát cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Bạch Dinh được gọi là Villa Blanche theo tên con gái yêu của Paul Doumer. Nghĩa tiếng Việt của từ này lại trùng với dáng sắc bên ngoài của nó nên dân địa phương quen gọi là Bạch Dinh, tức là Biệt thự trắng. Sau đó nhiều đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi giải trí nên được gọi là Dinh toàn quyền. Dưới thời Mỹ, Bạch Dinh cũng là nơi an nghỉ và hội họp của tổng thống và các tướng lĩnh Sài Gòn. đây cũng chính là nơi giam lỏng vua Thành Thái (từ 1909-1910), một vị vua có tư tưởng yêu nước, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1916, đây là nơi nghỉ mát thường xuyên của vua Bảo Đại, trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, đây là nơi nghỉ mát của các Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà.

Dinh có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nhìn ra Bãi Trước, xung quanh là một khu rừng nhỏ với nhiều loại cây, đặc biệt là cây sứ. Để xây dinh, 800 tù nhân phải làm việc cật lực trong 10 năm. Ngày nay, đây là một địa điểm thăm quan của du khách khi đến Vũng Tàu.

Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, trên pháo đài Phước Thắng cổ xưa, cao gần 30m so với mực nước biển. Từ tiền sảnh Bạch Dinh nhìn xuống, du khách sẽ có cảm giác như đang ở tầng lầu của một cao ốc xây dựng trên mặt nước biển, có thể dõi tầm mắt bao quát cả trung tâm thành phố Vũng Tàu.

Có hai lối lên Bạch Dinh. Một đường uốn quanh chạy dưới rừng cây giá tỵ, dành cho xe hơi lên tới tiền sảnh. Một đường đi bộ qua 146 bậc tam cấp cổ xưa, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên.

Bạch Dinh cao 19m, có ba tầng, mang đậm sắc thái kiến trúc của Pháp thời cuối thế kỷ 19. Tầng hầm dùng cho việc nấu nướng. Tầng trệt dùng làm khánh tiết. Tại đây còn bài trí những hiện vật cổ xưa dùng để trang trí nội thất như: Song bình Bách điểu chầu phụng, bộ tràng kỷ Hoàng Gia ghi niên đại Khải định năm 1921, cặp ngà voi Châu Phi dài 170cm, bộ tam đa ngũ thái Phúc - Lộc - Thọ. Tầng lầu thoáng đạt dành cho việc nghỉ ngơi. Dạo quanh Bạch Dinh, du khách không khỏi ngạc nhiên về tám bức tượng đá bán thân gắn trên một đường thẳng bao quanh ba mặt tường chính của toà nhà. Hầu hết tượng đều mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Lúc bình minh hay khi chiều xế bóng, những bức tượng ký hoạ chân dung đối xứng trên nền chim công lấp lánh, trông thật tráng lệ và kỳ diệu. Với tất cả sự quyến rũ đó, Bạch Dinh không chỉ thoả mãn cho Paul Doumer mà các đời toàn quyền Đông Dương vẫn thích dùng Bạch Dinh làm nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Rừng Giá Tỵ bao quanh có một thế quan trọng trong việc tôn vinh vẻ đẹp của Bạch Dinh. Chính rừng cây đã tạo nên vẻ đẹp cho khu di tích này. Khuôn viên Bạch Dinh rộng chừng 6 ha, một nửa là rừng giá tỵ (còn gọi là cây Báng súng). Thân cây cao, thẳng lá to như nửa tán dù. Nửa kia trồng bông sứ. Một loại cây ưa khí hậu nóng khô hạn và rất nhiều hoa. Rừng Bạch Dinh là một góc thanh bình và nên thơ của một thành phố du lịch ồn ào, xao động.
Cứ mỗi lần đặt chân đến đây, trong ta lại thấy trào lên những cảm xúc mới lạ. Mùa mưa rừng Bạch Dinh xanh thẳm Những cành lá giá tỵ như ô dù che kín cả cây rừng. Mùa lá rụng Bạch Dinh tràn ngập hoa sứ. Hoa trải trên lối đi, hoa từng chùm trắng trên cây, trắng cả khu rừng. Hoa thơm ngát làm dịu lòng người. Rừng sứ Bạch Dinh là rừng có chủng loại sứ phong phú. Có thứ màu đỏ (hoa sứ Thái Lan), có loại màu hồng, màu trắng, vàng nhạt (giống như hoa Cham pa), có loại trắng pha vàng ở giữa, sứ ngũ sắc... Đi giữa mùa lá rụng, ta thấy lòng lâng lâng bay bổng mọi ưu phiền trong cuộc sống đời thường như tan biến. Bạch Dinh còn hấp dẫn bởi lịch sử của nó.

Trước khi có Bạch Dinh, nơi đây làm pháo đài thành Phước Thắng (năm Minh Mạng thứ 20 nhà Nguyễn). Pháo đài này là nơi đã nổ phát súng đầu tiên (10.2.1859) vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định (bằng đường biển) và đã cản trở được bước tiến của quân Pháp trong 1 ngày đêm. Đó là một chiến tích oanh liệt của quân và dân Vũng Tàu trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi bình định xong xứ Nam Kỳ, viên toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã lệnh san bằng pháo đài thành Phước Thắng (1898) để xây biệt thự cho mình và đặt tên là Villa Blanche (nghĩa chữ Hán Việt của từ này là Bạch Dinh). Để xây dựng Bạch Dinh, 800/người tù lao động khổ sai trong suốt gần 10 năm trời. Từng tấc đất, viên đá, ngọn cây ở đây đều thấm bao mồ hôi, nước mắt và máu của những người tù. Sau này Bạch Dinh thuộc sự cai quản của Công sứ Nam Kỳ người Pháp. Đặc biệt từ ngày 12.9.1907 tới năm 1916, Bạch Dinh là nơi người Pháp dùng để giam lỏng vua Thành Thái, một vị vua yêu nước có tư tưởng chống Pháp. Từ năm 1926 Bạch Dinh là nơi vua Bảo Đại thường ghé nghỉ mát cùng với gia quyến của mình. Thời trước 1975 Bạch Dinh là nơi nghỉ mát của tổng thống của chế độ củ.

Phía trước Bạch Dinh là một bao lơn hướng ra biển. từ đây có thể nhìn bao quát cảnh bãi trước lượn vòng từ núi nhỏ đến núi lớn. Nếu nhìn thẳng xuống sẽ thấy Hòn Hải Ngưu. Đó là một mũi đá nhô ra biển có hình dáng như một con trâu đang đắm mình dưới nước là nơi câu cá của các chủ nhân Bạch Dinh trước kia và khách du lịch ngày nay.

Ngày nay đến tham quan Bạch Dinh, bạn không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, của kiến trúc "Roma cận đại”, biết thêm về lịch sử Bạch Dinh, lịch sử dân tộc mà bạn còn có cơ hội ngắm nhìn bộ sưu tập gốm sứ thời nhà Thanh được vớt lên từ Hòn Cau rất có giá trị và nổi tiếng đang được bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng bày và giới thiệu tại đây.

Bạch Dinh là một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Khách du lịch trong và ngoài nước đều rất thích đến đây để tham quan và hít thở bầu không khí trong lành của biển và chiêm ngưỡng nơi lịch sử đã đi qua... Du khách có thể tận hưởng không khí trong lành của biển, vẻ đẹp kiều diễm của Bạch Dinh hòa lẫn trong thiên nhiên cây cỏ, và được tận mắt thưởng ngoạn những cổ vật tiêu biểu, quý hiếm.

22.jpg


BachDinh.jpg


image004(59).jpg


2042613673_27ecad07bd.jpg


2042614923_4bdbf5b61f.jpg

__________________
 
Last edited:
Những nốt trầm xao xuyến

Cải tạo những ngôi nhà cổ thành những quán cà phê theo kiểu kiến trúc biệt thự sang trọng với những nốt trầm xao xuyến của nhạc, của tranh, của ánh đèn, bình gốm... Loại hình “cà phê biệt thự” này đã góp phần làm phong phú thêm cho “thế giới cà phê” Vũng Tàu.
Sau ngày giải phóng, TP. Vũng Tàu vốn còn lưu lại rất nhiều ngôi biệt thự theo kiến trúc của Pháp trên đường Trương Công Định, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu Trần Hưng Đạo… Những ngôi biệt thự cổ xưa này từng được sử dụng làm thư viện, làm phòng trưng bày có khi để mở quán ăn và ngày nay chúng lại được decorate thành những quán cà phê đặc trưng, độc đáo. Blue Note, Garden, Classic, Trầm, Thí Dụ, Đồng Dao, Ca Dao... là những quán cà phê được thiết kế trên cơ sở những ngôi biệt thự cổ. Và những cái tên ấy đã trở nên quen thuộc với giới trẻ ngày nay, đặc biệt là giới công chức khi họ muốn tìm một không gian trò chuyện yên tĩnh hay kết nối Internet không dây để truy cập thông tin.
"Cà phê biệt thự" thường mang phong cách nhẹ nhàng, không gian trầm lắng nhưng sang trọng và mát mẻ. Hầu hết các quán cà phê này đều được thiết kế theo phong cách cổ điển kết hợp với hiện đại. Qua những chất liệu như gốm, sứ, mây, tranh sơn dầu và sử dụng những gam màu nhạt... làm cho không gian cà phê biệt thự càng thêm cổ kính mà sang trọng, mát mẻ mà ấm cúng. Một không gian trầm mặc, lành lạnh được điểm xuyết bởi những gam màu lạ như nâu đất, nâu cam, nâu vàng... làm nổi bật những nốt trầm xao xuyến. Nếu như ở Classic người ta thích ánh đèn vàng và màu đỏ nhạt dịu nhẹ, thì ở Blue Note lại "trầm - bổng" với ánh đèn xanh nhạt, với lớp sương từ đèn rơi xuống... Chính vì tông màu nhẹ nên việc lựa chọn âm nhạc cũng phải là dòng nhạc Country, nhạc cổ điển hay những bản giao hưởng của Mozart, Beethoven... vừa dìu dặt, vừa bâng khuâng tha thiết. Và câu chuyện của những người đến với không gian cà phê này cũng thường là những cuộc trao đổi, những lời tâm sự vừa đủ nghe.
Khi thời gian nghỉ trưa của giới công chức không nhiều, thì loại hình cà phê biệt thự là sự lựa chọn hợp lý nhất. Bởi ở đó họ có thể thưởng thức một ly cà phê cho tỉnh táo, kết nối Internet và nghe nhạc thư giãn cho một buổi làm việc sắp sửa bắt đầu. Buổi tối, thay cho những lần dạo chơi ven biển thì cà phê Ca Dao, Đồng Dao, Thí Dụ… cũng là một địa chỉ được nhiều bạn trẻ dừng chân. Ngoài không gian phòng lạnh, nhiều người đến đây vì ghiền thú vui ngồi chuyện trò ở ban công biệt thự nhìn ra phố, hoặc ngắm khung cảnh thiên nhiên tươi mát ngay chính trong khuôn viên của quán... Nằm trên đường Trần Nguyên Hãn, cà phê Thí Dụ vẫn giữ được những nốt trầm xao xuyến. Đó là không gian yên tĩnh với những bụi trúc nghiêng mình dưới ao súng, là những bãi cỏ mươn mướt màu xanh và giàn hoa tường vi lãng mạn.
Nếu như đã có dịp đến cà phê Trầm, du khách dễ dàng cảm nhận được ngay những nốt trầm xao xuyến như đúng tên gọi của nó. Ngồi từ phía trong cửa kính nhấp một ly cà phê đậm đà, ngắm tranh sơn dầu và thưởng thức những bài ca bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... hoặc thả tầm mắt qua cửa kính ngắm bóng cây sa-kê đang được ánh trăng dát bạc... Bằng lối kiến trúc giả cổ nhưng Đồng Dao (trên đường Lý Thường Kiệt) cũng mang dáng dấp của cà phê biệt thự, cũng bắt đầu bằng những nét chấm phá, những nốt trầm và những bức tranh trừu tượng, những ánh đèn dầu hiu hiu... Đồng Dao như một khúc ca tình tự để bạn tìm về một chốn bình yên hay ngược dòng cảm xúc. Đến “Riêng một góc trời” trên đường Trương Công Định, thực khách sẽ cảm nhận được kiểu thiết kế đơn giản nhưng rất tinh tế với những chiếc bình gốm lạ mắt và độc đáo. Ngoài sân vườn là những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, để thực khách trút hết những lo âu thường ngày bên tiếng nước chảy róc rách, bên những bản nhạc cổ điển từ những thập niên 60, 70.
 
ĐẾN VŨNG TÀU KHÔNG THỂ BỎ QUA Ô CẤP I

Ô Cấp I là quán cà phê nằm cheo leo trên triền núi Nhỏ, gần khúc cua từ đường Hạ Long ra Bãi Dứa, nhìn thẳng ra biển xanh ngút tầm mắt. Quán thiết kế khá đẹp với những tán dù nho nhỏ xinh xinh nằm dọc theo lối đi là những bậc thang xếp bằng đá chen trong cỏ, hoa. Ghế nhựa cao cấp khá êm làm nhiều vị khách trẻ khoái chí vừa ngồi vừa nhún theo điệu nhạc. Ngồi ở bàn cà phê đặt trên bãi cỏ, bên cạnh chậu kiểng, dưới vòm lá phượng rợp bóng như ngồi ở trong một khu vườn kể cũng thích. Một góc quán còn thiết kế mảng tường đá với nước chảy róc rách từ ống tre gắn dọc vách tường đổ xuống, uốn lượn qua chiếc cầu bê tông giả gỗ làm cho không gian thêm thi vị. Nơi đây thường được khách bình bầu là “phông hình đẹp nhất” cho các bức ảnh lưu niệm cà phê Vũng Tàu.
Nhưng “giá trị” của các quán cà phê như Ô Cấp, Ô Cấp I, Biển Nhớ, Phố Đông… nằm dọc theo triền núi Nhỏ là ở chỗ: dành cho khách sự lựa chọn độc đáo “lên cao, cao hơn nữa” để hưởng thụ cái cảm giác uống cà phê trên không trong không khí lành lạnh thật lãng mạn. Càng lên cao, khách càng phóng được tầm mắt rộng ra phía trước: biển Bãi Dứa, bãi Trước xanh mát, cảng cầu Đá tấp nập tàu thuyền ra vào và doi núi Lớn nhô ra biển về phía Bến Đá như một mũi tàu đang rẽ sóng.

CÀ PHÊ BẠCH DINH

Khí trời đầu năm lạnh, sương giăng mờ một góc núi nhưng nhờ vậy mà ngôi nhà trắng trong khuôn viên Bạch Dinh nằm ở mạn sườn núi Lớn càng lôi cuốn hướng nhìn của các vị khách ngồi ở các quán cà phê phía bên triền núi Nhỏ. Đó là một ngôi nhà cổ thời Pháp với mái ngói đỏ, tường vôi trắng và những cánh cửa bằng gỗ xếp hẹp và cao. Nơi đây từng là nơi cư ngụ của vị vua yêu nước Thành Thái trong những năm 1907 -1916, khi ông bị Pháp giam lỏng tại Cap Saint Jacque (Vũng Tàu ngày nay).
Nét chung ở cà phê Vũng Tàu là việc tận dụng không gian thoáng đãng và tươi mát của thiên nhiên để thu hút khách. Quán dọc biển khai thác thế mạnh của cảnh quan biển, gió biển, tầm nhìn rộng thoáng. Còn các quán trong các con đường trung tâm thành phố như Garden 1 (đường Hoàng Diệu), Garden 2 (đường Lê Hồng Phong), Sao biển (đường Lê Quý Đôn), Đồng Dao (đường Lý Thường Kiệt), Ruby (đường Trần Hưng Đạo), T & T (đường Trương Công Định)… cũng dành không gian thiết kế những góc ngồi ở sân vườn khá mát mẻ. Chính vì vậy mà du khách cũng như người dân bản địa đều “ghiền” cái thú ngồi quán cà phê.

CÀ PHÊ VÒNG XOAY

Cà phê Vòng Xoay, đơn giản chỉ vì nó nằm ngay vòng xoay. Chỗ này cũng gần công ty của anh bạn, ngồi thư giãn tí, chờ bạn nghỉ trưa đi ăn trưa luôn tiện vậy mà.
Quán khá rộng, nhưng chỉ là không gian sân vườn, không máy lạnh, không phòng VIP, nhưng được cái lịch sự và thoáng mát. Cà phê khá ngon và đặc biệt là Wifi cực kỳ nhanh (chấm điểm 9 cho đặc điểm này).
Nhưng hình như quán không có phục vụ cơm trưa. Vũng Tàu tuy là thành phố du lịch, nhưng cà phê cực kỳ hấp dẫn và giá cả dễ chấp nhận được. Chỉ cần từ 10 -25k trong túi, ta có thể ung dung ngồi quán cả buổi không sợ bị làm phiền.

Cà phê phục vụ mỗi nơi, mỗi khác. Thay vì, cà phê được pha trong cái ly nhỏ kèm theo 1 tẩy đá (Giải pháp phổ biến ở các quán Sài thành), cà phê pha trong ly tròn, lùn kèm theo 3 viên đá bằng 2 ngón tay (Thường gặp trong các quán cà phê ở thành phố Đà Nẵng), thì đa phần các quán ở VT với ca phê pha trong ly lớn kèm theo (không biết nên gọi là chậu hay xô đá đây nữa), sau khi cà phê nhỏ hết xuống ly, khách tự chọn bỏ đá vào ly (tùy theo nhu cầu khác nhau của mỗi người).
So sánh vui một tí theo suy nghĩ của tác giả:
- Cà phê Sài Thành -> Uống no.
- Cà phê Đà Nẵng -> Thưởng thức hương vị (Cà phê cực đặc và chỉ có tí xíu ván dưới đáy ly).
- Cà phê Vũng Tàu -> Sữa nhiều hơn cà phê (Đủ dinh dưỡng cho khách ).

BA TRONG MỘT

Nếu như Pleiku trong nhạc của Phạm Duy (Còn chút gì để nhớ – thơ Vũ Hữu Định) được tả như một phố núi cao “Đi dăm phút đã về chốn cũ” thì Vũng Tàu bây giờ được nhắc tới bằng ca từ “Đi dăm bước đã vào quán nhỏ, một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng”… để chỉ các quán cà phê không đến thì nhớ!
Chị Trang, Việt kiều Mỹ cho nhận xét: “Là người dân chính gốc Vũng Tàu, chỉ sau vài năm đi xa, tôi thấy Vũng Tàu thay đổi nhiều quá. Nhất là các quán cà phê dường như ngày càng nhiều và càng đẹp, đầu tư lớn, thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp. Tôi thật sự thích không gian vừa thoáng đãng, sạch đẹp, nhiều cây xanh, vừa yên tĩnh của các quán cà phê. Nó có vẻ như khá phù hợp với những cuộc họp mặt chuyện trò cùng bạn bè, gia đình, nhất là vào dịp lễ, ngày tết”. Suốt từ hôm mùng 3 tết đến nay, sáng nào bạn bè chị cũng họp mặt ở quán cà phê từ 30 phút đến… 3 tiếng tại cà phê Phố Biển (đường Thống Nhất). Quán đông nhưng không ồn ào, phục vụ nhanh, chiều khách, lại lì xì một đĩa hạt dưa cho các bàn để… giữ hương vị ngày Tết.
Không chỉ có cà phê và các món giải khát nước ngọt, sinh tố, nước ép trái cây mà cả các món ăn điểm tâm, ăn nhẹ buổi trưa và các món nhâm nhi với bia như thịt xông khói, xúc xích Đức, mực một nắng nướng muối ớt… luôn sẵn sàng khi khách gọi. Người sành điệu vẫn chọn Cà phê Lan Rừng, Cà phê Garden để vừa uống cà phê vừa dùng bữa điểm tâm với các món: bún bò Huế, hủ tiếu bò kho, bánh mì ốp la, bánh mì cá hộp… Thích miến lươn thì ghé Cà phê Đồng Dao; chọn bún mộc, bánh ướt thì ghé Cà phê Ruby; ghiền bún nước lèo Sóc Trăng thì tới Cà phê Hải Đăng; ưa mì xào Singapore thì chạy lên Ô Cấp…
Như vậy là ngoài việc nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng sớm tinh mơ trong giai điệu du dương, bạn còn có thể dùng điểm tâm ngay tại bàn, với tay lấy thêm tờ báo, đọc cho biết tin tức thời sự, giá vàng giá đô, tình hình thị trường chứng khoán, kể cả xu thế thời trang của Việt Nam và của cả thế giới đều có. Nhiều quán cà phê đặt những chiếc giỏ mây xinh xinh đựng báo, tạp chí. Có quán còn đặt cả chiếc kệ gỗ với những quyển sách hay đang bán chạy. Có quán còn thiết kế cả một nhà banh, cầu tuột cho trẻ em tự vui chơi, đỡ làm phiền ba mẹ trong lúc uống cà phê, đọc báo hay ngắm cảnh. Chưa hết đâu. Bạn muốn làm việc hay liên lạc với bạn bè tại quán cà phê không? Vô tư đi, vì Internet không dây đường truyền cực nhạy đã kết nối ở hầu hết các quán cà phê.
3 trong 1 hay 4 trong 1 với một quán cà phê ở Vũng Tàu để chiều lòng khách là chuyện không lạ. Nhưng văn hoá phục vụ cũng như văn hoá hưởng thụ của khách đến quán cà phê ở Vũng Tàu giờ đã nhiều đổi khác: từng đôi, từng nhóm bạn – ăn mặc đẹp như đi hội, đông đúc, nhưng không ồn ào, vừa thưởng thức cà phê, vừa chuyện trò, đọc vài tờ báo hoặc cũng có thể thả hồn về “Riêng một góc trời” nào đó vừa gợi nhớ theo tiếng nhạc du dương và giọng ca trầm ấm của Tuấn Ngọc: “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối”…

LANG THANG VỚI... CÀ PHÊ VŨNG TÀU

Cách đây mấy năm, sự ra đời của cà phê Ca Dao đã trở thành một hiện tượng lạ, độc đáo đối với giới thưởng ngoạn cà phê ở Vũng Tàu. Một không gian riêng, yên tĩnh để rủ rỉ tâm sự, một dòng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng để thư giãn... đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày của mỗi con người. Tiếp sau đó là sự có mặt của hàng loạt các quán cà phê nhạc với những cái tên là lạ như Trầm, Thí dụ, Dòng thời gian, Ôma, Hải Đăng..., làm nên một nét riêng trong "văn hóa’’ cà phê biển của Vũng Tàu nay.

"LÀNG"… TRONG QUÁN!

Một không gian xanh, cổ kính của những rêu phong phố cũ, êm đềm làng xưa là nét đặc trưng riêng của "không gian văn hóa" cà phê Vũng Tàu. Thành phố vốn ồn ào chật hẹp, nên tạo được một khoảng không gian thoáng mát, trong lành để thư giãn tinh thần và thưởng thức âm nhạc không phải là chuyện dễ làm. Điều này đòi hỏi người thiết kế, xây dựng phải có một ý tưởng mới, am hiểu được "cái gu" của khách và "bắt đúng mạch" giới thưởng ngoạn cà phê ở Vũng Tàu. Anh Thân Ngọc Hà, chủ nhân của quán cà phê Dòng thời gian, đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết: "Cái chính là mình phải thiết kế làm sao cho khách ngồi ở góc độ nào cũng ngắm được cây cảnh, và có cảm giác như đang ngồi ở giữa một khu vườn xanh mát cây cảnh, hoa lá...".

Dòng thời gian ra đời từ tháng 8-2003 trên cơ sở cũ là cà phê Thanh Lịch. Theo anh Hà thì sau một thời gian được đi tham quan ở Malaixia, Singapore và các nơi ở trong nước, ý tưởng mở một quán cà phê theo phong cách cổ kính, hướng đến những gì xưa cũ, tao nhã, thanh lịch… được hình thành trong anh. Và thế là Hà đi lùng mua các loại vật liệu như sành, sứ, các lại đá về thiết kế, lắp ghép, tạo nên một không gian kiến trúc vừa mang nét cổ xưa, gần gũi vừa có sự gắn kết giữa thiên nhiên với con người. Để không khí được mát mẻ, Dòng thời gian còn thiết kế các dòng nước chảy như tiếng mưa rơi, hòn non bộ và các vòi phun hơi nước xung quanh là nét bảng lảng như sương, như khói của mùa xuân… Trong khuôn viên "cà phê phòng lạnh", mỗi bàn còn được thắp một ngọn nến, không gian lung linh huyền ảo mang lại sự ấm áp, dễ chịu. Và quan trọng là những người cùng bàn sẽ cảm thấy gần nhau hơn.

"Thí Dụ" cũng là một… thí dụ! Ra đời cách đây một năm rưỡi, quán được thiết kế theo phong cách cổ kính của gạch cũ, của những gam màu nâu sẫm giữa một không gian cỏ cây, tre trúc. Với một diện tích khá hẹp (chỉ có 240m2), nhưng quán vẫn không làm cho mỗi người cảm thấy sự chật hẹp khi đến đây thưởng ngoạn. Trong phòng, mọi sự sắp xếp, bài trí khá tinh tế và đẹp mắt bởi những bức tranh, bởi ánh sáng dịu nhẹ. Trên mỗi bàn luôn luôn có một lọ hoa tươi. Ngồi ở trong phòng luôn có một cảm giác như đang ngồi một căn phòng ấm cúng của một mùa đông xứ Bắc. Cảm giác này cũng dễ đến với dân ghiền "không gian cà phê" khi vào phòng trà Ôma. Đây còn là phòng trà duy nhất ở Vũng Tàu có sự kết hợp giữa biểu diễn âm nhạc theo chủ đề và tặng quà cho khách vào các ngày lễ.
 
MỘT CÕI ĐI VỀ…

"Điều mà tôi thích nhất khi vào Dòng thời gian, Thí Dụ, Trầm… là phong cách phục vụ của nhân viên. Lịch sự và chu đáo. Điều đó thể hiện sự tôn trọng khách của chủ quán. Thêm vào đó là không gian và dòng nhạc êm dịu, nhẹ nhàng thư thái đem lại cho khách một cảm giác riêng tư, yên bình" - anh Nguyễn Văn Minh, một cán bộ công chức thành phố Vũng Tàu cho biết: "Giữa một không gian kiến trúc như thế, không gì phù hợp hơn là sử dụng những dòng nhạc trữ tình, sâu lắng", anh Nguyễn Văn Tài, chủ nhân quán Thí Dụ góp ý. Chính sự chọn lựa những bản nhạc tiền chiến và những âm hưởng du dương của giai điệu hòa tấu đã tạo nên sắc thái riêng cho quán cà phê này. Quán Thí Dụ có hàng trăm đĩa nhạc, chủ yếu là nhạc tiền chiến. Có rất nhiều đĩa nhạc từ trước năm 1975 như những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Buổi sáng, ở Thí Dụ mở nhạc ngoại, gồm những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng, buổi chiều và tối là những giai điệu trữ tình, êm ái của nhạc tiền chiến… Mỗi quán lại có một hương vị riêng. Và ở đó còn là cả một bí quyết của nghệ thuật pha chế nước uống mà ngay cả giới sành điệu nhất, khó tính nhất cũng khó lòng không ưng ý.

Khách của Thí Dụ, Dòng thời gian, Trầm… chủ yếu là những cán bộ công chức nhà nước từ thanh niên đến trung niên, thậm chí có cả những bậc cao niên. Họ vào quán để được thanh thản, bình yên lan tỏa đến thẳm sâu tâm hồn trong những phút giây với âm nhạc, với thiên nhiên, với những âm vọng của quá khứ được tinh lọc qua bề dày của thời gian. "Tôi thường xuyên đến thành phố Vũng Tàu công tác cũng như nghỉ ngơi. Ngoài những lúc đi tham quan, tắm biển thì tôi thấy sự ra đời của những quán cà phê này đã tạo nên một nét duyên riêng, hấp dẫn không chỉ với những người dân phố biển mà là nét đặc trưng "văn hóa cà phê" mà bất cứ du khách nào khi đến Vũng Tàu cũng khó lòng đi qua mà không dừng chân ghé lại…", chị Trần Thanh Nhã, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét.



MỚI LẠ NHỮNG KIẾN TRÚC CÀ PHÊ BIỂN

Ấp ủ có một mô hình cà phê mới lạ, tạo không gian riêng cho người dân phố biển cũng như du khách đến Vũng Tàu, chủ nhân của cà phê Classic đã mất khá nhiều vốn và thời gian để rồi tạo cho mình một phong cách khác lạ, cổ điển như chính tên gọi "Classic". Anh Nguyễn Hữu Vinh, Kiến trúc sư thiết kế Classic cho biết: "Chúng tôi muốn tạo một nét mới, riêng biệt, không hoà lẫn vào những không gian cà phê sẵn có. Thậm chí còn mang lại một tiếng nói, một ngôn ngữ riêng tạo nhiều thú vị và bất ngờ cho người tìm đến". Mà thế thật, khách thưởng ngoạn cà phê khi đến với Classic số 24 Trương Công Định, phường 3, TP.Vũng Tàu như bước vào một ngôi biệt thự vườn có dáng vẻ thanh thoát, phảng phất nét cổ xưa của Pháp. Hàng rào chắn là những thanh gỗ sơn trắng làm tôn lên vẻ rực rỡ của những bụi hoa. Những chiếc cối đá được cách điệu như những ao nước tí hon thả đầy hoa cúc vàng trông thật nên thơ, lãng mạn. Phía sau hàng rào mặt tiền, với cách sắp xếp và sử dụng hợp lý loại gạch gốm cát vàng, sân của khu này trở nên sinh động, lịch lãm. Mãng tường trang trí bằng những ô vuông lồi lõm đan thành hình ca rô vuông vức. Hoa văn bề mặt tường được tạo nét khác biệt từ bột trét mastic. Việc kết hợp những gam màu ấm áp và hiệu quả thiên nhiên từ bề mặt đá ong cùng với điểm nhấn là nhiều bình gốm nung đỏ là một bức tranh sinh động về ánh sáng vào ban đêm.

Không gian mở bên ngoài thoáng đãng, lãng mạn là thế, không gian bên trong quầy bar không kém phần sang trọng lịch lãm. Từ những khung cửa sổ sơn trắng điểm xuyết hoa văn mềm mại, được trang trí khung bao quanh bằng gạch thẻ, kết hợp ô vuông gỗ mộc mạc, đến những mảng tranh khắc trên tường với những hình thù ngộ nghĩnh, dễ thương là những hình ảnh của biển, của những câu chuyện dân gian. Hàng cột ốp gỗ đậm chắc được xử lý bề mặt cũ kỹ đã trở nên duyên dáng bởi những vòng quấn của dây thừng. Rồi một mạch nước trong vắt chạy dọc chia đôi căn phòng được thả bồng bềnh những đóa hoa tạo một phong cách đặc biệt, mới lạ. Tất cả những tác phẩm tranh, những cụm cây khô trắng xoá, những bình gốm lạ lẫm, những cối đá thô sơ… đều hoà hợp tôn vinh vẻ đẹp cho nhau tạo một không gian nội thất lẫn ngoại thất đặc biệt thi vị, ấn tượng.

Đối lập với nét cổ điển đằm thắm của Classic là phong cách hiện đại, mạnh mẽ của cà phê Vũng Tàu, số 207 Nguyễn Văn Trỗi. Kiến trúc sư Trần Tiến Khoa cho biết: "Chúng tôi lấy cảm hứng từ những công trình nhà nghỉ của vùng núi Bắc Mỹ, kết hợp hài hoà trên nền tảng kiến trúc Việt Nam để tạo một phong cách thật hiện đại cho Cà phê Vũng Tàu". Đó là một ngôi biệt thự hai tầng với các chóp mái nhấp nhô cao thấp hiện đại được bao bọc bởi mảng cây xanh thuộc loại "hàng độc" như: Thốt nốt của Thái Lan, sứ hồng nhung, dừa bẻ quạt của Nhật . Không gian được phân chia cao thấp rõ ràng giữa khu vườn và nội thất ngôi nhà để tạo hiệu quả sinh động cho kiểu sân vườn vùng đồi núi. Để tạo phong cách mạnh mẽ, tự nhiên cho khu vườn, nhà thiết kế đã mạnh dạn sử dụng các loại đá làm vật liệu trang trí chủ đạo. Nào đá chẻ, đá rửa, đá tổ ong, đá hoa cương, những hòn cuội… được bố trí khéo léo, phù hợp cho từng khu, tạo hiệu quả mỹ thuật cao. Ví như dãy hàng rào mặt tiền của Cà phê Vũng Tàu được xây "thô" bằng đá chẻ trắng tự nhiên. Bề mặt được cách điệu lồi lõm, các cột hàng rào được tạo dáng bằng cách xếp chồng so le các tấm đá vuông… Dãy tường được ốp các loại đá màu nóng, đá tổ ong để tạo hình đồi núi, ở giữa bức tranh đá được tạo hình hai dòng thác đổ nước từ trên cao xuống từ hiệu quả của đá hoa cương màu trắng, xanh lam. Trên tường đính rải rác từng chiếc kệ đá nâng những hòn cuội nhẵn đủ các hình thù. Để khu vườn đá không bị "khô", thì việc sắp xếp các chậu hoa, bình gốm, bố trí cổng gỗ, bàn ghế hợp lý đã làm cho khu vườn trở nên mềm mại hơn. Rồi từng lối đi, từng cụm non bộ ở mỗi góc vườn đều tạo cảm giác mạnh mẽ, "gai góc" nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Phần tường cuối khu vườn cũng được ốp những cột đá vuông khác màu, lồi, cao thấp nhấp nhô tạo cho khách đến thưởng thức cà phê có cảm giác như ngồi trên sân thượng một ngôi nhà cao tầng nhìn xuống một khu phố hiện đại.

LUNG LINH SẮC MÀU

Một quán cà phê sang trọng đến đâu, thức uống dù ngon như thế nào nhưng nếu thiếu những gam màu và nghệ thuật chiếu sáng thì xem như quán đó mất đi "linh hồn". Không gian của phòng trà ÔMa lung linh huyền ảo nhờ những ánh nến nhỏ được thắp trên những chân đế bằng gốm hình hoa sen. Không gian của Ca dao trở nên ấm cúng nhờ ánh sáng vàng nâu toả ra từ cây đèn bão treo trên cao và thời gian như ngừng lại bởi chiếc đồng hồ treo tường quay ngược thật độc đáo. Hệ thống đèn nê- ông đủ các gam màu nóng toả ra từ phía sau trần nhà, tường đã tạo một không gian rực rỡ, sống động, khoẻ khoắn cho Bar Vũng Tàu. Việc bố trí đèn trong những chậu gốm đỏ có nhiều kích cỡ khác nhau tạo cảm giác ấm áp. Sắc vàng chanh hắt ra từ những hộp đèn có hoa văn cây cỏ thật thanh thoát. Những đốm sáng nhỏ hắt ra từ những cây đèn dầu cho mọi người một cảm xúc hoài niệm về quá khứ… tất cả đã đem lại cho Classic một phong cách đặc biệt ấn tượng.

Một không gian riêng, yên tĩnh để cùng người thương hàn huyên tâm sự. Một dòng nhạc trữ tình êm dịu để cùng người tri âm lắng nghe, chia sẻ. Vài ngụm cà phê đắng cho tình bằng hữu… Tất cả đã trở thành nhu cầu thiết yếu cho con người thư giãn sau những chuỗi ngày làm việc…
 
Bãi tắm Vũng Tàu

Bãi Trước
Là mặt tiền của Vũng Tàu, nằm về hướng tây-nam, còn gọi là bãi “Tầm Dương” - Tìm ánh mặt trời. Vào buổi bình minh và hoàng hôn, mặt trời đỏ rực như tan vào nước biển mênh mông. Bãi Trước như một nửa vành trăng tựa lưng vào đất liền, hai đầu là hai ngọn núi Tương Kỳ và Tao Phùng. Thiên nhiên sơn thuỷ hửu tình đã tạo cho Bãi Trước cảnh thơ mộng là bến đậu của những con tàu trở về sau những chuyến hải trình

Dọc Bãi Trước trồng nhiều dừa vì vậy trước đây còn có tên là vịnh Hàng Dừa. Giờ đây vẫn rợp bóng dừa và được điểm tô thêm màu xanh của những cây bàng, cây sứ. Bên dưới những bóng cây xanh rợp mát là một khu công viên đầy hoa dành cho khách bộ hành hóng mát... bên tiếng sóng biển du dương.

Trung tâm thành phố Vũng Tàu tọa lạc ở khu vực Bãi Trước với nhiều toà nhà, khách sạn mới, hiện đại được mọc lên càng tô điểm cho Bãi Trước một nét đẹp vừa xa xưa vừa hiện đại. Đêm về, dọc đại lộ Trần Phú, Quang Trung rực sáng với hệ thống đèn cao áp, trên các tòa nhà cao lộng gió, những quán cà phê rực rỡ muôn ánh đèn đủ sắc màu tỏa sáng lung linh cùng xa xa những chiếc tàu neo đậu với những vầng ánh sáng xanh đỏ tỏa lan trên mặt biển tạo cho bãi trước một vẻ đẹp thật quyến rũ về đêm.
Bãi sau
Nằm ở phía đông nam và còn có tên gọi “Bãi Thùy Vân". Bãi Sau dài 8 km, là bãi biển dài và thơ mộng nhất của Vũng Tàu. Nếu như biển ở Bãi Trước có nét đẹp lộng lẫy và rực rỡ thì Bãi Sau có nét đẹp dịu dàng của một vùng biển quanh năm đầy nắng ấm. Đại lộ Thùy Vân con đường đầy hoa chạy dọc theo Bãi Sau, một bên là những dãy phố sầm uất, nhà cao tầng,
Click the image to open in full size.khách sạn dáng vóc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, một bên là bãi cát vàng và nhiều khu du lịch đủ các loại hình dịch vụ giải trí vui chơi trên biển… dành cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt có một sân golf rộng hơn 100ha đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bãi Sau còn có khu rừng dương - một cánh rừng rộng với những cây phi lao cổ thụ xanh rợp trên nền cát trắng. Dưới rừng dương thấp thoáng những căn nhà nghỉ bằng gỗ, thiết kế theo kiểu nhà rông vừa tao nhã, vừa thanh lịch, đậm nét văn hóa của núi rừng Tây Nguyên, nhà được trang bị đủ tiện nghi, vừa hiện đại, vừa dân dã là chỗ dừng chân lý tưởng cho mọi du khách.

Bãi sau là nơi thu hút nhiều du khách lui tới vui chơi tắm biển nghỉ mát ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào những các ngày tết, lễ, đón mừng năm mới… Bãi Sau tràn ngập người ghé đến, trên bờ cũng như dưới nước như không còn chỗ trống tạo nên một sức sống của một trung tâm du lịch nổi tiếng khắp nơi.

Bãi Dứa
Từ Bãi Trước, dọc theo đường Hạ Long là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam uốn lượn trên một đoạn triền núi lấn ra bờ biển sẽ đưa ta tới Bãi Dứa. Người xưa kể lại rằng sở dĩ có tên bãi Dứa, vì trước đây triền núi nhô ra biển rất nhiều những cây dứa dại (một loại cây có hương thơm như gạo nếp hoặc nàng hương) tỏa thơm ngát một vùng nên bãi này còn có tên gọi là Bãi Lãng Du là một bãi biển đẹp của Vũng Tàu.
Click the image to open in full size.
Cái đẹp ở đây không ồn ào tấp nập mà là một vẽ đẹp mộng mơ, tĩnh lặng. Biển len lỏi trong các hẽm núi, ghềnh đá, tạo nên các vũng nhỏ ôm ấp những mạch nước ngầm trong suốt đang rí rách. Khung cảnh này rất hợp với những đôi tình nhân hay tuần trăng mật của những lứa đôi còn đang nồng nàn hương hoa ngày cưới. Phía trên triền núi dọc theo đại lộ Hạ Long là các nhà nghỉ, khách sạn theo kiểu biệt thự đầy đủ tiện nghi. Xen kẽ những ngôi chùa miếu khá nổi tiếng ở Vũng Tàu như Niết Bàn Tịnh Xá, miếu Ông Nam Hải... là những nơi dành cho khách mộ điệu hành hương về dâng hoa cầu phước, cầu lộc…

Ai đó đã đến Vũng Tàu cách đây dăm bảy năm bây giờ mới có dịp trở lại Bãi Dứa sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu. Đó là thành quả lao động sáng tạo, hòa quyện cùng thiên nhiên để tạo ra những cảnh quan tuyệt vời của Bãi Dứa.

Bãi Dâu
Nằm ở phía tây Núi Lớn, dọc theo đường Trần Phú, từ Bạch Dinh (Bãi Trước) đến Bãi Dâu xa chừng 3km. Bãi này trước đây gọi là bãi Vũng Mây, vì trên triền hòn Núi Lớn đoạn này có nhiều cây mây mọc. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, một thương nhân người Pháp đến đây lập cơ sở nuôi tằm và trồng rất nhiều dâu trên triền núi và dọc theo bờ biển nên dần theo thời gian tên Vũng Mây được thay thế bằng Bãi Dâu.

Ngày nay Bãi Dâu được mở rộng hơn, bao gồm những vịnh nhỏ khoảng giữa Núi Lớn. Do nằm bên triền núi ăn sát ra biển, Bãi Dâu được kiến tạo bởi nhiều vịnh nhỏ xinh xắn, những gộp đá nhỏ xen giữa triền cát vàng cát trắng mịn màng. Các bãi tắm ở đây kín gió, nhiều đoạn biển sát chân núi với những vách đá dựng đứng hoặc thoai thoải đón từng đợt sóng biển vỗ về bọt tung trắng xóa, tạo nên cảnh sắc sơn hải hữu tình. Đường Trần Phú uốn lượn cheo leo trên vách núi, một bên là biển cả mênh mông, một bên là núi rừng, cỏ cây xanh thẳm. Giữa khung cảnh núi rừng xanh ngắt nổi bật lên tượng Đức Mẹ Maria, Phật Bà Quan Âm hoà quyện bên tiếng sóng biển dạt dào, tiếng gió ngàn vi vút tạo nên một âm thanh vừa huyên náo, vừa tịch liêu làm thư thái tâm hồn du khách thập phương dù lần đầu ghé đến.

Dọc đường Trần Phú với cảnh sơn thuỷ hữu tình, bãi tắm nên thơ, những quán ăn với món ngon miền biển… thu hút được nhiều người tới du lịch thưởng ngoạn.
Nghinh Phong
Từ Niết Bàn Tịnh Xá, theo đại lộ Hạ Long qua hết Bãi Dứa là tới Nghinh Phong có nghĩa là "đón gió" thổi suốt bốn mùa. Như một cánh tay vươn dài ra biển, Nghinh Phong tạo thành hai bãi biển ở hướng tây và hướng đông. Đó là bãi Vọng Nguyệt (hay Ô Quắn) và bãi Hương Phong, xa xa là Hòn Bà - Bồng đảo nơi du khách có thể ghé đến vào những khi thuỷ triều hạ thấp.
Những đêm vào mùa trăng mọc, hay lúc hoàng hôn, biển ở đây sáng rực như được dát một lớp bạc óng ánh. Bên tiếng sóng rì rào, trước mặt biển sáng bạc mênh mông bao la của trời mây sóng nước làm người ta dễ lâng lâng bay bổng tâm hồn.

Click the image to open in full size.Ba mặt tiếp giáp với biển của Nghinh Phong là vách núi dựng đứng khá cao, đứng trên đường nhìn xuống ta cảm thấy biển ở đây như xanh hơn nơi khác, lộng gió và mát mẻ lạ thường. Bãi tắm ở đây trong và sâu là nơi dành cho người hiếu động, thích cảm giác mạnh từ những ngọn sóng dập dồn và rất thích hợp cho những người ưa thích bộ môn câu cá
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,175
Bài viết
1,150,345
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top