What's new

Xúc cảm chuyến du xuân Tây Bắc 2015

Lễ Hội Xuống Đồng xã Tả Van

Tây Bắc vào xuân với ngập tràn hoa đào, hoa mơ hoa mận mận nở khắp rừng, tiếng chim, tiếng khèn sáo dập dìu đưa đẩy các điệu múa Xòe. Trong không khí tươi vui của mùa xuân cùng cả nước, Tây Bắc lại rộn ràng đón xuân với các lễ hội xuống đồng cùng với biết bao váy áo rực rỡ, với nụ cười và ánh mắt lúng liếng của các thiếu nữ vùng cao. Rồi cái không thể thiếu là những ly rượu nồng làm cho mùa xuân Tây Bắc thêm rộn ràng, rực rỡ, và nồng nhiệt.
Xúc cảm ngập tràn suốt chuyến đi, nay bình tĩnh ghi lại những hình ảnh và cảm xúc đáng nhớ trong chuyến du xuân Tây Bắc cùng đoàn Photo Trip đầu Xuân Ất Mùi 2015

1. Hội xuống đồng xã Tả Van, (hay còn gọi là Hội Roóng Poọc)

Ấn tượng đầu tiên là tôi lại được hòa mình vào không khí Lễ Hội Xuống Đồng tại xã Tả Van vào ngày Rằm tháng Giêng. Đây là một lễ hội cầu mùa độc đáo được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm của đồng bào dân tộc Giáy xã Tả Van. Hội Xuống Đồng xã Tả Van năm nay lại càng nhộn nhịp hơn bởi có sự tham dự của nhân dân hai xã Hầu Thào và Sử Pán và đặc biệt hơn lễ hội này đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dưới làn sương giăng mờ mịt, từng đoàn người các dân tộc Giáy, H’mông, Tày, Dao….trong các bộ quần áo dân tộc từ khắp nơi đổ về thung lũng Mường Hoa. Nhìn từ xa xuống nổi bật bên dòng suối là hình ảnh cây đu quen thuộc và cũng không thể thiếu ở các lễ hội.

DSC_0916 by quang_bhe, on Flickr


Đầu tiên là nói về phần Lễ. Các dòng họ từ các thôn bản chuẩn bị chu đáo các mâm lễ để cúng trời đất. Các mâm lễ được được sắp xếp vào một khu đất trống, sau đó nghi thức cúng dân gian sẽ được tiến hành một cách trang trọng trong tiếng kèn trống của ban nhạc dân tộc. Những mâm lễ đó được xem như lễ vật của người dân dâng lên cúng đất trời, nhằm cầu cho một năm mới mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, con người khỏe mạnh.

DSC_0857 by quang_bhe, on Flickr
 
Last edited:
Quan sát mâm cúng của các dòng tộc, tôi nhận thấy các mâm đều có quả trứng nhuộm đỏ. Họ quan niệm, màu đỏ tượng trưng cho hưng thịnh, sung túc, may mắn, phúc đức. Quả trứng tròn còn là biểu tượng của sự đầy đủ, vẹn toàn, sinh sôi phát triển và mong muốn cuộc sống no đủ. Do đó, nhuộm trứng là một trong những tục truyền lâu đời, không thể thiếu trong dịp Lễ Tết của người Giáy và các tộc người khác. Vào dịp này, bà con người già trẻ, gái trai và đặc biệt là các em bé ai ai cũng có riêng một quả trứng gà nhuộm đỏ, cầu mong may mắn, đủ đầy.
Trứng nhuộm đỏ được bày bán dọc đường đi cho khách tham quan, và người đi lễ hội.

DSC_1063 by quang_bhe, on Flickr

Trứng sau khi được nhuộm màu, sẽ được đựng trong các giỏ đựng trứng. Giỏ thường được đan bằng chỉ màu đỏ, xanh, vàng trắng, đen. Trong triết lý sâu xa của người Giáy: nếu quả trứng tượng trưng cho sự viên mãn, sung túc của trái đất thì màu chỉ của giỏ trứng tượng trưng cho: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa – các nguyên tố cơ bản hình thành trái đất.

DSC_1064 by quang_bhe, on Flickr

Các em nhỏ còn nô đùa với trứng nhuộm màu.

DSC_0795 by quang_bhe, on Flickr
 
Last edited:
Quay trở lại với phần Lễ. Cái không thể thiếu ở đây là đội kèn trống. Nó đóng vai trò làm người tấu thỉnh các thần linh về chứng kiến việc hành lễ. Bạn cũng nên lưu ý tới cả bát hương bên cạnh đội kèn trống, để thấy tính linh thiêng trong tiếng nhạc.

DSC_0875 by quang_bhe, on Flickr

Nền nông nghiệp lúa nước luôn gắn liền với con trâu. Một chú trâu nép mình ở một góc chờ tới lượt biểu diễn đường cày đầu tiên.

DSC_0863 by quang_bhe, on Flickr

Ngay sau phần Lễ là tới nghi lễ Dựng Cây Nêu. Đó là một cây tre rừng được lựa chọn kỹ lưỡng được dựng giữa trung tâm khu vực lễ hội.
Trên ngọn cột Nêu người ta treo vòng Nhật Nguyệt. Vòng mặt trời (nhật) biểu tượng cho mặt trời mang ánh sáng sinh - thực - khí cho con người và vạn vật trên trái đất. Còn mặt trăng (nguyệt) thì mang đến ánh sáng vàng vào ban đêm cho con người. Dưới vòng nhật nguyệt là các tua hoa được cắt vuông thẳng góc, lấy ống vuốt nén thành bông hoa.
Hình ảnh các chàng trai dân tộc thành kính bên vòng nhật nguyệt:

DSC_0944 by quang_bhe, on Flickr

DSC_0943 by quang_bhe, on Flickr

Đây là lỗ chôn cây nêu, có bài khấn và thắp hương cẩn thận. Tôi chưa kịp tìm hiểu ý nghĩa của hai hòn đá kia có ý nghĩa gì?

DSC_0940 by quang_bhe, on Flickr

Mải mê lượn lờ chụp ảnh, tôi đã bỏ lỡ cơ hội được xem cảnh dựng Cây Nêu, và sau đó là cảnh ném còn, một nghi lễ vô cùng hấp dẫn của lễ hội. Quả thực là đáng tiếc.

DSC_1013 by quang_bhe, on Flickr
 
Nhìn mầu mè đẹp thiệt đó hii. Mai mốt có điều kiện phải du lên đó 1 chuyến mới được hii nghe tây bắc nhiều mà chưa được nhìn tận mắt :(
 
Sau phần Lễ (cúng tế) là đến phần Hội. Ở trung tâm là sân khấu biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc mang đậm đà bản sắc dân tộc, do các diễn viên quần chúng từ các xã thực hiện.

. by quang_bhe, on Flickr

Nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui, như là ném còn, bịt mắt đập trống, trèo cột mỡ, kéo co, đi cà kheo, đi cầu treo trên nước, leo núi cướp cờ, bịt mắt đập trống,….Tiếng người gieo hò cổ vũ cho các cuộc thi, chơi khiến không khí lễ hội vô cùng nhộn nhịp, phấn kích.
Đây trò bịt mắt đập trống:

DSC_0925 by quang_bhe, on Flickr

Cũng không thể thiếu trò đánh đu:

DSC_0764 by quang_bhe, on Flickr

Đi cầu treo lắc lư trên mặt nước. Trò này rất đông người xem, và người tham gia thì đa phần là các thanh niên. Tiếng cười vang lên rộn rã mỗi khi có người trượt chân ngã xuống suối.

DSC_1007 by quang_bhe, on Flickr
 
Trong khi các trò chơi còn đang tiếp diễn, thì có những đôi nam nữ lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi tìm góc vắng tâm tình.

DSC_1039 by quang_bhe, on Flickr

Làn sóng công nghệ smart phone tràn xuống các bản làng, giúp các chàng trai cô gái dễ dàng ghi lại hình ảnh của mình trong những bộ trang phục truyền thống, điều mà ngày xưa các cụ không thể làm được.

DSC_1056 by quang_bhe, on Flickr

Đặc biệt, bên dòng suối Mường Hoa, hình ảnh các bà mẹ chăm con mới thực đáng yêu làm sao

DSC_1034 by quang_bhe, on Flickr

Tôi rất thích thú theo dõi cách họ giúp nhau địu con

DSC_0989 by quang_bhe, on Flickr

DSC_0985 by quang_bhe, on Flickr
 
Thời gian không cho phép tham quan lễ hội đến hết, trên đường trở về điểm tập trung, tôi cũng tranh thủ ghi lại hình ảnh các cô gái dân tộc trong bộ trang phục truyền thống

DSC_0935 by quang_bhe, on Flickr

DSC_0753_R by quang_bhe, on Flickr

DSC_0742 by quang_bhe, on Flickr

Một điều tôi để ý thấy trên tay các cô gái đi dự lễ hội vẫn còn nhuốm màu xanh tràm. Hẳn là trước Tết họ còn phải bận nhuộm vải, và tự may thêu cho mình bộ trang phục đẹp nhất để dự lễ hội mà mỗi năm mới có một lần.
Trong phong trào “Lễ Hội như nấm mọc sau cơn mưa”, với nhiều biến tấu, tôi nhận thấy ở Lễ Hội Xuống Đồng của đồng bào dân tộc các xã Tả Van, Hầu Thào và Sử Pán vẫn còn giữ được nguyên bản sắc dân tộc truyền thống lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ.. Lễ Hội này có ý nghĩa sâu sắc trong lòng mỗi người dân tộc Giáy, đó còn là niềm tự hào về văn hóa, bản sắc dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày Thìn tháng Giêng là toàn thể nhân dân quanh vùng từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức được đi dự hội, Ai đến đây cũng đều cầu ước một mong muốn riêng nhưng tựu chung lại là cầu mong sức khỏe, làng bản bình yên, mùa màng tươi tốt, và để cho tinh thần sảng khoái rồi lại bước vào một vụ mùa mới. Công tác tổ chức lễ hội được thực hiện khá tốt. Không có nhiều cảnh chướng tai gai mắt như ở nhiều Lễ Hội mà các báo đài thường nói.
Chính vì lẽ đó, lễ hội Xuống Đồng sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian, với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng, và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,125
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top