What's new

[Tổng hợp] Ý - Italia tất tần tật: leo núi, tắm biển, dạo hồ, ngắm thành phố đê!

Chào các bạn yêu nước Ý giống mình!
Mình đã dạo qua một vòng diễn đàn và thấy topic Italia hơi bị ... outdate. mình lập topic này để chia sẻ với cả nhà những thông tin hữu ích nhất về Ý và du lịch Ý: các điểm đến thú vị, kinh nghiệm du lịch tiết kiệm, lên kế hoạch du lịch Ý, văn hóa Ý, v.v. Mình là ai mà lại ôm đồm thế? Mình chỉ là người yêu Ý và đã từng sống, học tập và làm việc tại Ý. Hiện tại, mình đang dạy tiếng Ý tại Sài Gòn, viết blog và đi du lịch Ý.

Để bắt đầu, mình xin giới thiệu 12 cung núi ở Ý mình cho là các phượt thủ không nên tha. Bài đã đợc đăng trên https://favellatrice.com/du-lich/12-chang-leo-nui-o-y-cho-dan-phuot.html. Nếu muốn xem chi tiết các cung các bạn có thể vào link trên hoặc đặt câu hỏi cho mình.

Mình sinh ra và lớn lên ở vùng núi thấp nhưng cứ mỗi dịp hè lại được bố mẹ đưa về quê nội ở vùng núi cao chơi. Tuổi thơ của mình gắn liền với những lần tắm suối, lội khe xanh, đi rừng rậm, trèo đồi sim, mót ruộng lạc và ăn cơm gạo đỏ giã với trứng…trâu. Rừng núi hiển nhiên với mình đến độ phải khi lớn lên và đi xa núi mình mới tường tận sở thích núi non của bản thân. Mình đã leo núi ở Thụy Sỹ, ở Pháp, ở Áo và ở Đức nhưng lần leo núi đầu tiên ở Ý vẫn là lần để lại cho mình ấn tượng nhất. Rồi cứ thế mình hết leo núi này lại đến trèo núi khác…


Núi ở Ý có gì mà leo?

Nước Ý có hình dáng và vị trí làm người ta liên tưởng đến một chiếc ủng thò ra giữa biển. Không phải loại ủng xoàng, secondhand lại càng không.

Chiếc ủng đặc biệt này được làm từ 35% núi và 40% đồi với chất lượng Made in Italy thực thụ. Mép cổ ủng (aka biên giới phía Bắc) được nẹp bởi sườn Nam dãy Alps dài độ 1200 km, bao trọn biên giới Ý với Pháp, Thụy Sỹ, Áo, Slovenia. Sườn ủng được gia cố bằng dãy Appennini kéo dài dọc theo lãnh thổ từ đầu thân ủng (aka Liguria) đến mũi ủng nối dài (aka Sicilia). Điểm xuyết lên bề mặt ủng có những đường viền núi Cinque Terre hay những lỗ thông hơi núi lửa Etna và Vesuvio.

Nhìn chung các cánh núi ở mép ủng phía Bắc xanh mượt và cao hơn hẳn so với mép trái và phần thân. Chính vì những chất liệu như thế mà không khí vùng núi rất rõ rệt: lạnh thấu hoặc nắng nung.

Quả xứng với chất lượng Made in Italy, các cung có thể leo núi ở Ý (cũng như ở châu Âu) đều được tổ chức cặn kẽ và bài bản. Phần lớn diện tích núi đồi được quy hoạch trong mô hình “parco naturale” vườn sinh quyển hay “parco nazionale” vườn quốc gia. Không giống như vườn quốc gia ở ta, ở Ý không có người canh gác hay tổ chức bán vé du lịch mà mở cho tất cả mọi người. Là vùng khí hậu ôn đới nên cây cao hay cây bụi ở đây mọc rất… nghiêm túc và ngăn nắp, hoa cỏ thì xanh rì vui nhộn, rất ít côn trùng. Như bao cung núi khác, có hai lựa chọn trải nghiệm: đường mòn (sentiero) và đường rừng tự do (bosco).

Dưới đây mình sẽ điểm lại những cung đường hay ho nhất mà phần lớn mình đã từng có dịp hike/trek. Ở cuối bài mình chia sẻ thêm những lưu ý cho các bạn lần đầu leo núi ở Ý.


Dãy An-pơ vùng Tây Bắc (Alps/Alpi Nord-Ovest)

Tuy cùng thuộc dãy Alps nhưng Alps ở phía Tây gần như khác hẳn so với Alps ở phía Đông về đặc điểm địa hình và thảm thực vật. Dãy Alps phía Tây như một sơn nữ thô ráp và dân dã nhưng hồn hậu, do đó dễ tiếp cận. Dãy Alps phía Đông là cô nàng thành thị kiêu sa, lộng lẫy và đỏng đảnh, do đó khó nắm bắt. Tùy vào sức mạnh tài chính và gu mà các chàng có thể quyết định nên chinh phục cô nào. Nhà chính của sơn nữ dân dã gồm: Torino, Biella, Aosta, Varese, Domodossola. Biệt phủ của cô nàng thành thị gồm: Bergamo, Verona, Trento, Bolzano, Merano, Brescianone, Brennero, Venezia, Belluno. Từ đây du khách sẽ sửa soạn tay nải và vào thăm các vườn địa đàng.

1. Vườn sinh quyển Veglia e Alpe Devero
1_alpedevero_favellatrice-e1561881225445.jpg



2. Alagna Valsesia và vườn sinh quyển Alta Valsesia
2-carcoforo_favellatrice.jpg



3. Alpi Pennine: đỉnh Cervino (Mattehorn) và quần thể Monte Rosa
3_cervino_matterhorn_favellatrice.jpg


4. Vườn quốc gia lâu đời nhất nước Ý: Gran Paradiso
4_gran-paradiso-aosta_favellatrice.jpg


Dãy Al-pơ vùng Đông Bắc/Nam (Apls Alpi Nord/Sud-Est)

Phía Đông Bắc nước Ý được đặc trưng bởi dãy PreAlps (thềm Alps) và dãy Alps với những cung đường thơ mộng ở những độ cao vào bậc nhất nước Ý. Một trong những quần thể đẹp nhất và huyền thoại nhất đó là Dolomiti. Nếu lười không muốn trek thì chỉ cần ở những thành phố và thị trấn như Trento, Bolzano, Merano, Vipiteno đô thị nghỉ dưỡng rực rỡ vùng núi cao. Hay bạn chỉ cần nghỉ tại thung lũng Val di Funes để ngắm Santa Maddalena, ở thung lũng Val Gardena là tha hồ ngắm Sassolungo và Sassopiatto từ xa. Còn nếu bạn nhất định phải trek thì đây là 06 điểm không thể tha ở mạn này.
5. Dãy thềm Prealpi Orobiche
5_Vista_San_Pellegrino_Terme_favellatrice.jpg


6. Vườn sinh quyển lớn nhất: Adamello Brenta
6_Rifugio-Brente_favellatrice.jpg


7. Vườn sinh quyển Parco Naturale Puez-Odle

8. Vòng cung Sassopiatto từ Campitello di Fassa


7_Val-di-Funes_favellatrice.jpg


9. Vòng cung Tre Cime di lavaredo từ Lago di Misurina
9_tre-cime-di-Lavaredo-in-camper._favellatricejpg.jpg



10. Vườn sinh quyển Fanes, Sennes, Braies
10_braies_favellatrice.jpg



Những điểm thú vị trên dãy Appennini
Ngoài dãy Alps kéo dài 1200km, địa hình nước Ý còn được đặc trưng bởi dãy Appennini kéo dài từ Liguria đến Sicilia. Dưới đây là 02 điểm đến mà mình ưng nhất, trong đó mình thích hơn cả là vườn quốc gia Parco Nazionale di Abruzzo, Lazio e Molise.

11. Vườn quốc gia vùng Abruzzo, Lazio và Molise
11-Scanno_cuore_favellatrice.jpg


12. Cung đường Gran Sasso


Lưu ý cho hiker/trekker lần đầu leo núi ở Ý

– Công viên quốc gia mở cho tất cả mọi người (có chỗ tùy mùa)
– Có thể bắt được sóng và 3G hay 4G ở một số vùng núi
– Bảng chỉ đường (segnavia): Ở mỗi trục đường mòn (sentiero) hay đường rừng (bosco) đều có bảng ghi địa điểm, độ cao và ước lượng thời gian. Một lần mình đã trượt từ đỉnh 3.000m xuống làng mà không cần biết trước lối đi.
– Những hòn đá (segnavia con rosso e bianco): Nếu không có đường mòn thì cứ đường rừng mà đi. Trên đường hãy để ý những tảng đá hoặc thân cây xem có dấu sơn sọc trắng đỏ hay không. Dấu hiệu này cho thấy bạn đang đi đúng hướng. Chỉ cần đi men theo là nhất định sẽ tìm được điểm đến.
– Có nhiều điểm đến có hơn một lối đi: lối ngắn/dài, lối khó/dễ, bạn nên tìm hiểu trước để chọn theo sức mình.
– Những con suối trong veo hoàn toàn có thể uống được. Mẹo: hễ thấy bò uống ở đâu thì chỗ đó nước ngọt và sạch nhất.
– Nếu gặp những hiker/trekker khác kể cả không quen biết vẫn nên chào rồi mới đi tiếp. Đây là thói quen của hiker/trekker ở những cung núi phía Tây, nơi ít khách du lịch và ít xô bồ hơn.
– Ngôi sao An-pơ Stella alpina – Edelweiss: mọc trên những dãy núi có độ cao từ 1500m – 2500m. Tương truyền cây này giữ cho bầu không khí Alps luôn trong sạch do đó người dân thường bảo vệ chúng. Bạn tránh dẫm đạp hay hái.
– Rifugio: nơi trú nghỉ phục vụ ẩm thực của vùng núi. Bạn nên ghé để thưởng thức các món ngon và giao lưu với những hiker/trekker khác. Nên thử các món như khoai tây bỏ lò, phô mai, xúc xích, thịt thú rừng và yogurt trái cây. Ăn yogurt nhớ xin thêm đường vì vùng núi họ ăn món này nguyên chất: lạt và chua. Một số nơi có phục vụ món soup như gulasch, bạn có thể thử cho biết nhưng đừng nên trông đợi nhiều ở món này. Luôn nhớ ăn nhiều loại hạt và quả khô để có năng lượng.
– Về làng bạn có thể xem trên các bảng tin lịch trình tổng thể cho các chặng tiếp theo. Ở một số làng còn có fontanella bằng gỗ dẫn nước uống trực tiếp từ những con suối trên thượng nguồn về làng.
– Rất nhiều cung đường có đường thích hợp để đi xe đạp.
– Không phải cung nào cũng cho dẫn theo
chó.
– Bạn phải tuân thủ một số luật nhất định: không đốt lửa trại dưới bất kì hình thức nào trong khu vườn quốc gia/vườn sinh quyển. Nếu đốt và bị bắt bạn sẽ phải nộp phạt khoảng 5000euro (~13 triệu VND). Không xả rác hay xâm hại cây cối (kể cả dùng để đánh dấu) hay động vật hoặc các tài nguyên khác.
– Concert trên núi: Thường vào cuối tháng 6 đến hết tháng 9 và tùy địa điểm bạn có thể tham gia buổi hòa nhạc bên những dãy núi hùng vĩ.

Hết rồi. Post sau mình sẽ đăng bài về cắm trại ngủ lều ở Ý nhé.
 
CẮM TRẠI Ở Ý

Trước khi đi cắm trại ở Ý, Thảo không hề có khái niệm về quy định cắm trại, cứ bạ đâu cắm đấy, miễn tiện cho sinh hoạt. Mọi thứ đều suôn sẻ. Khi sang Ý, bị đôi phen “sờ gáy nhắc nhở” mình mới ngộ ra mấy điều. Nhân có bạn hỏi về quy định cắm trại ở Ý nên mình ngồi biên thành bí kíp 5 lưu ý khi đi cắm trại ở Ý cho bạn nào cần. Cũng không có gì căng thẳng, nhưng biết sẽ tốt và chuyến đi của bạn sẽ suôn sẻ hơn đấy.

Bài viết gốc gồm có các phần sau đây:

Mình sẽ bàn: Ẩn
1. Có được cắm trại ở Ý không?
2. Cắm trại ở Ý có mấy loại?
3. Luật vùng về cắm trại tự do ở Ý
4. Cần chú ý thêm
5. Các nước châu Âu cấm/cho cắm trại tự do

Nếu muốn đọc chi tiết mời các bạn ghé: [I]https://favellatrice.com/du-lich/cam-trai-o-y-can-luu-y-5-dieu.html[/I]. Còn dưới đây, mình xin điểm lại những mục mấu chốt nhé!

Có được cắm trại ở Ý không?

Giày đã mang, áo đã khoác, ba lô trên lưng, bạn đầy đủ dụng cụ sẵn sàng cho chuyến cắm trại ở Ý: từ lều, túi ngủ, cho đến tất/vớ, thậm chí cả tăm xỉa răng. Trời trong gió mát mà chẳng gợn chút mây. Bạn hăng hái lên đường đi cắm trại, lên các đỉnh hùng vĩ của dãy Alps phía Bắc.

Một viễn cảnh mở ra trước mắt: núi non hùng vĩ, cỏ mọc xanh um, bầu trời chiều vẫn còn xanh, từng tốp trekker bắt đầu xuống núi. Bạn mở ba lô ra và dựng lều trên thảm cỏ xanh mướt. Một bên là núi, một bên là dải nước lam ngọc … Chẳng mấy chốc đã sụp tối. Trời chuyển lạnh. Bạn nhóm lửa nướng xúc xích, vùi khoai để ăn xế. Đoạn lại pha trà ngồi nhâm nhi bên đống lửa tí tách kế căn lều đang tỏa ánh đèn leo led. Từ xa, tiếng vo ve muỗi, tiếng dế râm ran… Chỉ có mình bạn với thiên nhiên đất trời …

Bộp!

Một con muỗi đã làm bạn trở về thực tại. Cũng may có con muỗi chứ không Thảo lại phải khều để bạn tỉnh. Vì sao phải tỉnh? Là vì…
Hầu hết các dãy núi ở Ý đều nằm trong khu bảo tồn, trong vườn quốc gia hoặc vườn sinh quyển. Chỗ nào chỗ nấy đẹp hoa thua thắm liễu hờn kém xanh. Điều đó có nghĩa là gì? Là bạn đến đây thưởng ngoạn ngắm cảnh thì được, nhưng để đốt lửa và cắm trại trên núi ở Ý lại là chuyện khác! Khác thế nào thì hẵng cứ xem mấy ông bạn của Ý bảo sao trước đã.

Ở nhiều nước Bắc Âu và Bắc Anh, cắm trại là hợp pháp. Ở Tây Âu và Nam Âu, đa số cho cắm trại tự do là bất hợp pháp; thêm nữa các nước này rất nghiêm khắc khi xử phạt.
Cắm trại tự do à? Cắm trại nào mà chẳng tự do? Cái này Thảo sẽ nói ở bên dưới.

Quay về với luật cắm trại ở Ý. Hiện nay, Ý chưa có điều luật quốc gia quy định việc cắm trại, nhất là cắm trại tự do. Việc quản lý được giao về cho từng vùng (nước Ý có 20 vùng). Tam sao đã thất bản rồi, đằng này những nhị thập sao. Hệ quả là mỗi vùng mỗi quy định cắm trại, từ nay gọi là luật … rừng. Tuy khác về tiểu tiết, nhưng về đại thể đa số các luật rừng đều bảo CẤM dựng lều hạ trại. Việc cấm đoán hay cho phép đều phải do chính quyền vùng giăng biển báo.
Đến đây hẳn có bạn sẽ cự:
– Không dựng lều thì ngủ đâu? Không thả lều thì gọi gì là cắm trại?
Chỗ này Thảo sẽ giải thích thêm. Ngày trước mới học tiếng Ý Thảo chỉ biết mỗi “cắm trại” là campeggio. Thực tế thì cần phân biệt mấy loại campeggio ở Ý (có lẽ ở nhiều nước cũng vậy). Nào!

Luật vùng về cắm trại tự do ở Ý
Cắm trại tự do theo pack:
  • Các tổ chức phi lợi nhuận, chương trình thể thao, văn hóa, sáng tạo nếu cắm trại cần phải xin phép chính quyền và phải cắm trại ở nơi có nguồn nước đảm bảo nhu yếu tối thiểu và vệ sinh – an toàn.
  • Số ngày tối đa mỗi vùng cấp cho đoàn là khác nhau: Piemonte – 60 ngày; Abruzzo và Campania – 30 ngày; Lazio và Emilia Romagna – 15 ngày; Puglia – 20 ngày.
Cắm trại tự do kiểu Con sói đơn côi:
  • Vùng Veneto, Friuli Venezia Giulia, Sardegna và Emilia Romagna CẤM cắm trại tự do (nghĩa là buộc phải vào bãi).
  • Vùng Piemonte, Marche, Campana và Basilicata: cắm trại không quá 48 giờ ở tại một chỗ và chỉ khi nơi đó chưa có khu vực cắm trại được ủy quyền. Nhớ báo cho Thị trưởng nơi bạn đến cắm trại 24 giờ trước khi hạ trại, trong đó nêu rõ: thời điểm, số người, khu vực, trang bị (ví dụ: lều, camper). Cái này mình thấy cũng hay vì nó giúp bạn yên tâm hơn khi gặp bất trắc, cũng như giúp bạn có trách nhiệm hơn với môi trường, một khi tên bạn đã ghi trong sổ.
  • Vùng Sicilia và Umbria: camper, caravan phải vào bãi đậu tạm thời và chỉ được đậu trong vòng 24 giờ. Nếu ngủ lại ở khu bảo tồn thuộc vùng Umbria, cần báo trực tiếp cho kiểm lâm vườn, không báo qua vùng.
    • Lazio và Puglia sẽ xét cho từng cá nhân cắm trại tự do trong vùng được bảo tồn với yêu cầu về sức khỏe và vệ sinh.
    • Vùng Abruzzo: chỉ có thể cắm trại ở các khu đã chỉ định, có khu vực đỗ xe. Không được vượt quá 25 chiếc cũng như bạn không thể ở đó quá 5 ngày.
    • Vùng Valle d’Aosta[2] (núi thường có độ cao trung bình >2.100m): cắm trại tự do chỉ được phép từ 2.500m trở lên, từ lúc hoàng hôn đến khi bình minh; cấm dựng lều gần các rifugio hay trong toàn bộ khu vực được bảo vệ của Công viên Quốc gia Gran Paradiso.
    • Vùng Trentino: CẤM thả lều dựng trại hoặc đậu camper, caravan, roulotte gần các khu du lịch sinh thái, các khách sạn và các chỗ lưu trú nơi đón khách du lịch. Cắm trại tự do chỉ được phép trong hai trường hợp:
      • cắm trại không quá 24 giờ (chỉ ở những khu vực không có bảng cấm);
      • tới nhà bạn là chủ sở hữu khách sạn và khu kế cận, chỉ khi không phải trả phí để dựng lều và phải dựng gần nhà bạn.
    • Liguria, Lombardia, Toscana và Calabria không có quy định gì về vụ cắm trại tự do. Điều này có thể hiểu là: không cấm cũng không cho phép, ai hiểu sao xử vậy.
    • Như mọi lần Molise bị lãng quên, không ai đả động gì đến ẻm.

Để đọc chi tiết các mẹo khác, mời các bạn vào: [I]https://favellatrice.com/du-lich/cam-trai-o-y-can-luu-y-5-dieu.html[/I].
Hy vọng các thông tin trên có ích với các bạn.
 
Có ai lập team đi châu âu pháp thuỵ sĩ vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 ko ? Mình mới chia tay bạn trai châu ÂU GIỜ có visa mà ko muốn đi 1 mình
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,491
Bài viết
1,153,204
Members
190,104
Latest member
tranvouu12
Back
Top