What's new

Trải nghiệm Đài Loan trên xe đạp.

Kính chào toàn thể ACE Phượt,

Nhà khoa học Darwin đã tuyên bố hàng trăm năm trước rằng quá trình tiến hóa của loài người là bắt đầu từ loài vượn di chuyển bằng bốn chi, dần dần xuống dưới đất tìm kiếm thức ăn rồi đứng thẳng lưng thành con người di chuyển trên hai chân. Bên cạnh thuyết tiến hóa sinh vật của Darwin, có có một thuyết "tiến hóa" xã hội khác do nhà khoa học ABC nêu quan điểm rằng con người từ khi còn nhỏ ai cũng bắt đầu tập đi bằng xe đạp, dần dần tiến lên đi xe máy phân khối nhỏ, tiến lên nữa là đi xe máy phân khối lớn (từ 175cc đến nghìn phân khối), có xe máy rồi thì phấn đấu tiến lên đi lại bằng xe hơi, có xe hơi rồi thì ao ước có du thuyền, đi máy bay. Và cứ thế mà đi lên...

Liệu có quá trình "tiến hóa" ngược hay không???

Topic "Trải nghiệm Đài Loan trên xe đạp" đưa ra dẫn chứng chứng minh cụ thể rằng có người đã chấp nhận từ bỏ đam mê bấy lâu nay của mình là du lịch trên chiếc xe gắn máy vừa sung sướng, vừa tiện nghi để "đi thụt lùi xuống nấc thang tiến hóa" là ngồi trên xe đạp đạp xì khói. Từ xe hơi xuống du lịch bằng xe gắn máy còn chưa đủ, phải chấp nhận thử thách mới là xe đạp. Và cũng do là đi xe đạp, topic này sẽ không có tấm bức hình chụp thiên nhiên hùng vĩ hay thành phố lớn, những cung đường hoang sơ nguy hiểm hay đại loại vậy mà chỉ đơn giản là ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận của một người lần đầu tiên trải nghiệm du lịch trên xe đạp sao bao năm gắn bó với xe gắn máy, và một vài mẩu chuyện con con mà người đó gặp trên đường.

Xã hội hiện đại chạy theo xu hướng nhanh - nhiều - tốc độ - hiệu quả. Hãy lấy dẫn chứng chiếc máy tính để bàn, từ tốc độ xử lý của chip Celeron, tới Pentium I, II, III hàng chục năm trước tới các bộ xử lý Intel Duo Core i3, i5, i7. Về thức ăn thì con người hiện đại chuộng các loại thức ăn nhanh Mac Donald, mì ăn liền. Xu hướng này lan qua cả du lịch: Chinh phục Fansipang bằng cáp treo, Tour vòng quanh Châu Âu trong 7 ngày, Trung Quốc trong 5 ngày vv... và vv.... Các ví dụ tương tự như vậy có thể tìm thấy khắp nơi, trong mọi ngóc ngách của xã hội.

Du lịch chậm bằng xe đạp thì có gì hay ho? Mục đích chính của topic này không nằm ngoài hai điều:

1. Khuyến khích tất cả mọi người hãy lên đường khám phá theo cách riêng của mình.
2. Cách riêng đó là bằng... xe đạp! [*__*]

Topic xin được phép bắt đầu...
 
Có một số Anh Chị đọc bài viết của HDD82 xong có ý kiến là "Sao mọi chuyện tôi viết ra cảm giác thấy... dễ dàng quá!". Đi nước ngoài mà như đi... trong nước! Thật ra cũng có người chạy xe máy về quê ăn Tết vài trăm cây số phải sắm cả thùng nhôm để đựng hành lý để lo khỏi bị ướt mưa, đồ nghề sửa xe thì vác theo hầm bà lằng đủ thứ, thức ăn thì dư ăn một tuần không hết, áo quần bảo hộ kín mít... Tất cả sự chuẩn bị bên ngoài theo tôi là đều cần thiết, đều tốt cả! Bản thân tôi trước khi đi cũng đều lên Internet tìm hiểu mua cho mình nhiều dụng cụ thiết yếu. Ngoài ra, tôi thấy rằng chỉ cần chịu khó tìm kiếm trên mạng một chút là ra cả trăm bài viết hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị hành lý cho một chuyến đi xa. Nào đèn pin, nào đồ sửa xe, nào áo mưa, nào giày, nào dép, nào tiền, nào bạc, nào nón, nào mũ, nào bản đồ, nào lương thực vv... và vv... Tùy thuộc vào khả năng tài chính mà bạn có thể sắm sửa các món đồ đó nhiều hay ít, loại tốt hay loại rẻ để mang theo mà thôi.

Nhưng theo HDD82, có một câu hỏi cần phải được trả lời rõ ràng trước khi lên đường: "Điều quan trọng nhất với bạn trong chuyến đi sẽ là sự tiện nghi thoải mái? Hay là rèn luyện và thử thách bản thân?"

Hay cũng có thể hỏi chính bản thân mình: "Sau chuyến đi này, bạn muốn người khác sẽ thay đổi suy nghĩ về bạn? Rằng họ phải thấy bạn là một người đi nhiều, hiểu nhiều biết rộng, dũng cảm tài ba, thông minh nhanh trí không kém ai? Hay là bạn muốn thay đổi suy nghĩ của chính bản thân mình về thế giới?"

Trong tất cả các chuyến đi của mình đã tường thuật lại trên diễn đàn này, có khi nào người xấu đầy rẫy dọc đường tính chuyện hãm hại bạn không? Còn nếu thế giới có rất nhiều người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn, thì việc gì bạn phải quá lo lắng cho chuyến đi đến thế?

Chẹp... chẹp... Nói thì nói vậy thôi chứ cũng phải đi sắm thêm cái balo nhỏ đựng đồ, mua thêm sợi dây cột hành lý, đôi dép cao su chuẩn bị cho ngày mai lên đường... hì hì....

IMG_20160119_121934_zpsi9iarxjn.jpg
 
Nói chuẩn bị kỹ lưỡng hơn là bởi vì chuyến hành trình tiếp theo này HDD82 tính chuyện cắm trại ngủ dọc đường. Chẳng là từ Luadong đi xuống phía Nam, tới Hualien, dài tới 120km đầy rẫy đèo núi mà ở giữa chẳng có nhà cửa thị trấn nào cả. Trước thời tiết xấu và mưa, tôi phải lên dây cót tinh thần cho bản thân từ tối hôm trước: Mỗi chuyến đi tôi đều cắm trại ít nhất là một lần. Nào lều, nào túi ngủ, nào bộ đồ nấu ăn, nào xoong chảo cất trong hành lý cồng kềnh như vậy cũng chỉ để phục vụ mục đích đó. Hơn nữa, trên chặng đường hôm qua tôi có lưu ý thấy nhiều điểm trên đèo có thể cắm trại được, không đến nổi nào...

Có điều ngoài thời tiết xấu, chặng đường đèo hôm nay nguy hiểm hơn với bên núi bên vực, và lời khuyên từ quyển sách du lịch "Đạp xe vòng quanh Đài Loan" là nên đi bằng tàu lửa thay vì đạp xe. Quyển sách cũng nhấn mạnh xe tải chạy tốc độ cao là yếu tố cần lưu ý tại vùng này. Xời... đối với tôi, tất cả những lời cảnh báo đó là quá sớm, phải nhìn thấy thực tế đã...

Bởi vậy tôi vẫn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cắm trại ngủ đêm trên đèo, mua đầy đủ lương thực dành cho 1.5 ngày và nước uống đầy đủ. Hành lý hôm nay coi bộ "bờ-rồ" hơn hôm trước một chút rồi nhỉ? hehe.

IMG_20160120_093715_zpsngvhjsnl.jpg
 
Thời tiết buổi sáng hôm đó rất đẹp, quá hoàn hảo cho một ngày đạp xe ngoài trời: Trời mây đen không một bóng xanh, gió vần vũ trên đầu mát lạnh 12 độ C, còn mưa thì lắc rắc hạt to như hạt đậu... Thật tuyệt vời !!! Ôi...

IMG_20160119_113650_zpsuy7gwcpg.jpg


Làm một phát "tự sướng" cho ấm lòng chiến sỹ, không mất công người ta lại biểu HDD82 không biết tự sướng... Cũng phải đứng giữa đường, giữa phố đông đúc xe cộ chụp ảnh cho nó giống với mấy phóng viên VTV đưa tin từ nước ngoài: phóng viên không đứng giữa làn đường cao tốc để quay phim, thì cũng trưng dụng hết lối đi bộ vỉa hè, "sang chảnh" hơn nữa thì đứng trước ga tàu điện ngầm vv... và vv... "Kính thưa quý vị các bạn! Đây là HDD82, đưa tin từ Đài Loan - Trung Quốc"!

IMG_20160120_121331_zpstbgcbxdl.jpg
 
Đông Bắc của Đài Loan là khu vực công nghiệp nặng như khai thác than, đá, khoáng sản... Các nhà máy công nghiệp lớn, biểu tượng là những ống khói to, cao phun chất thải lên thẳng bầu khí quyển. Đi kèm với nó là xe tải chạy hàng đoàn phóng vèo vèo trên đường với tốc độ chóng mặt. Cũng như Việt Nam, xe tải Đài Loan cũng bạt mạng. Các bánh xe cuốn lên bắn tung tóe ra xung quanh những thứ chất lỏng nhầy nhụi dưới đường mưa lầy lội, "đối tượng hưởng thụ" ở đây không ai khác là người đi xe đạp. Mặt đường có cái gì là "mặt bàn" của người đi xe đạp có cái nấy... Đúng là Đài Loan văn minh tiên tiến thiết kế đường riêng cho xe đạp sát cạnh vỉa hè, vấn đề là khi có một chiếc xe hơi đậu cạnh đường sẽ choáng gần hết lối xe đạp, người xe đạp buộc phải liều mình lách vào phần đường xe hơi để vượt lên. Như vậy là rất nguy hiểm vì tốc độ xe hơi trên đường xa lộ số 9 này rất cao, xe đạp lại không có kính chiếu hậu như kiểu xe máy, dừng lại để ngoái đầu ra sau xem có xe hơi không trước khi vượt lên thì khó chịu (vì mỗi lần dừng xe lại đề-pa rất nặng). Thật sự tôi đã bị 02 phen chao đảo tay lái như vậy rồi... Móa, không đùa với xe tải!!!

Tấp vào thị trấn Sue-ao tìm nơi ăn uống nghỉ ngơi sau khoảng hơn 20km khởi hành từ Luadong. Cái chân chống đã bị gãy hồi sáng nên từ bây giờ dựng xe là phải tìm gốc cây, bậc thang để dựng:

IMG_20160120_121610_zpsekyz6mu7.jpg


Chặng đường tiếp theo là một chuỗi của lạc đường... Đi xe đạp mà lạc đường? Vâng, mọi chuyện vẫn có thể xảy ra! Dù có xem kỹ bản đồ, dù chỉ theo 01 đường số 9, dù tốc độ xe đạp rất chậm, dù Đài Loan có nhiều biển báo thì vẫn bị lạc đường. Rứa mới đau! Đau lắm vì xe máy lạc đường chỉ tốn xăng, xe đạp lạc đường tốn sức khỏe quý báu, còn sắp sửa vượt con đèo phía trước... Phản ứng đầu tiên của hắn là trách móc bản thân! Nhưng trách móc làm gì khi bản thân đã cố gắng hết sức? Nghĩ vậy nên hắn lấy lại bình tĩnh, xuống xe đi lòng vòng tìm chỗ "xả nỗi bực bội", uống ngụm nước, ăn miếng bánh và... đạp xe quay lại thị trấn Sue-ao từ đầu.
 
Lần lạc đường thứ hai này thì gọi là Kỳ lạ! Không thể tin từ sáng đến trưa đạp xe miết mà gần như quay trở lại vạch xuất phát: Thị trấn Sue-ao, nhà ga xe lửa Sue-ao! Giống như đạp thành một vòng tròn vậy, quay một chiều kim đồng hồ lại đứng trước chỗ cũ. Tốn sức dễ sợ trong khi con đèo cao và nguy hiểm cần sự tập trung kia vẫn đang sừng sững đó...

Hay đây là một "điềm báo"?

Hắn hơi khựng người lại một chút xâu chuỗi các sự kiện trong ngày: Sáng nay chân chống xe bị gãy khi đang cột hành lý, xe tải trên đường chạy nhanh và nguy hiểm, các cảnh báo từ sách du lịch, thời tiết xấu, kèm theo đó là hai lần lạc đường không hiểu nổi.

"Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành". Những chuyến đi như vầy phần lớn cần may mắn hơn thực lực, hắn biết rõ điều đó và luôn tuân thủ một số nguyên tắc do bản thân tự đặt ra!

Thỉnh thoảng vài bài viết trên diễn đàn moto "thuơng tiếc" một anh bạn xấu số nào đó không may nhắc đến "điềm báo". Chẳng hạn dắt xe ra thì xe đề không nổ, bị trục trặc, chạy quá tốc độ bị công an dừng xe thổi hai lần, và một vài dấu hiệu nhỏ khác thường bị bỏ qua. Điều không may xảy tới một phần cũng do họ ngoan cố, khăng khăng vượt lên các "điềm báo", khẳng định "tai nạn chỉ chừa mình ra". Đi du lịch một mình, hơn ai hết, cần có sự nhạy cảm trước các "dấu hiệu" xuất hiện trên đường... Quyết định nhanh: Lên ga tàu Sue-ao - nhà ga cuối cùng trước khi vượt đèo tới Hualien - kèm theo một vé cho chú chiến mã... Phù... Cảm giác thoải mái chi lạ !

Trước nhà ga Sue-ao:

IMG_20160120_121109_zpswhphh9x6.jpg


Chờ tàu tới Hualien:

IMG_20160120_142949_zps3r6j8y9j.jpg
 
Cung đường này, theo tôi, chúng ta nên tuân thủ theo hướng dẫn an toàn từ sách du lịch. Chỉ vượt đèo nếu có sự chuẩn bị cực tốt và kinh nghiệm chinh chiến xe đạp đầy mình:

Untitled_zps9ua9bula.png


Untitled%202_zpsnlubd9zu.png
 
Đối với tay thanh niên Châu Á này thì mẫu số chung của các thành phố lớn là "Càng lớn càng ít hứng thú ở lại lâu, hoặc chụp ảnh!". Trừ một số đặc biệt như Berlin, Prague, Venice... hoặc New York có điểm nhấn khác biệt riêng, Hualien khác chăng so với Taipei ở chỗ ... ít người hơn, không khí trong lành hơn, yên tĩnh hơn. À không, các cô gái ở vùng quê này có khuôn mặt đặc trưng hơn, dễ phân biệt hơn, và ra dáng "Đài Loan" hơn. Nghĩa là cũng có cô mặt hình tròn như cái bánh chưng, cô răng hô, cô mũi tẹt, cô mắt hí, cô da tàn nhang, cô xấu, cô đẹp vv... và vv... Còn ở Taipei ư? Đôi khi tôi tự hỏi "Làm sao để phân biệt người yêu của anh A với người yêu của anh B?", bởi vì gương mặt các cô nhìn thoáng cứ na ná nhau: mũi chữ S, cằm chữ V, mặt thon thon nho nhỏ, mắt to như hai đồng xu... Học sinh đi học trên đường đã thấy kẹp mũi thẩm mỹ để nâng cao sống mũi, niềng răng, mắt một mí Hàn Quốc. Nhìn giống nhau chán chán!!! Công nghệ thẩm mỹ Hàn Quốc nên khuyến mãi cho mỗi khách hàng một mã vạch, mã số để dễ dàng phân biệt hơn chăng?

Điểm thu hút của Hualien là nó nằm không xa, khoảng 30km về phía Tây Bắc, công viên quốc gia Tarako nổi tiếng bậc nhất xứ Đài với các hẻm núi sâu, các con đường dốc đứng nguy hiểm dẫn du khách lên tới độ cao hơn 3.000m. Được quảng bá là công viên quốc gia tương đối còn "hoang sơ", còn "thiên nhiên hoang dã" giữa đảo quốc hiện đại và đông đúc 23 triệu dân, Tarako có lẽ là nơi hiếm hoi ở Đài để người ta tới hòa vào thiên nhiên "hoang sơ", để cho tâm trí tạm thời thoát ra khỏi lo toan thường ngày trong chốc lát.

Quăng bỏ bớt hành lý ở nhà trọ, với tư trang gọn gàng nhất có thể, tay Châu Á lên đường với quyết tâm đạp xe tới Hẻm núi Tarako. "Dù cho thịt nát xương tan, dù cho pê-đan có gãy" để... tìm ra giới hạn đạp xe của bản thân! Chưa bao giờ đi xe máy mà hắn chú ý tới con số lẻ 16km, 25km, 33km hay đại loại vậy. Nhưng xe đạp mà leo dốc thì từng km đều "đắm đuối" xì khói vì đạp xe. Xuất phát từ khoảng 10h sáng, đến quá trưa thì đạp tới được... chân đèo Công viên quốc gia Tarako. Qua bên kia cây cầu dưới ảnh là bắt đầu vào các địa điểm tham quan du lịch của Tarako:

IMG_20160121_111321_zpsjpiimq3s.jpg


Hàng chục chiếc xe hơi dừng lại tại đây, hàng đoàn khách thơm tho sạch sẽ bước xuống làm dáng chụp ảnh cạnh con sông khô nước cạn đáy vì hạn hán xứ Đài, dưới bầu trời u ám lạnh tê tái. Cách đó không xa, không ai để ý một tay xe đạp đang đứng đọc các thông tin du lịch in trên các tấm bảng cạnh bờ sông, bàn tay hắn xoay vòng vòng trái bắp luộc cạp lấy cạp để tới hạt bắp cuối cùng như kiểu chết đói lâu ngày. Công nhận đạp xe ăn nhiều và ăn ngon hơn hẳn đi xe máy thật!!! Ăn xong không tìm thấy giỏ rác để vứt trái bắp? Đành cột "em nó" vào yên xe phía sau, để "em nó" tham gia luôn vào chặng leo đèo sắp tới...

IMG_20160121_111453_zps1qiqxqxj.jpg
 
Không quá lâu để "ngựa non háu đá" biết được giới hạn bản thân khi đạp xe. Ngay ở con dốc đầu tiên bên kia cầu hắn đã ... dắt bộ. Con dốc này dưới góc nhìn quen thuộc của người đi xe máy thì hoàn toàn bình thường, còn với xe đạp thì đạp hoài không lên nổi. Quyết định xuống xe dắt bộ còn nhanh hơn đạp xe! Mà dắt bộ cũng mệt kinh khủng! Quăng xe với hành lý ra mà ngồi thở dốc...

Đạp xe leo đèo có lẽ cần hơn những chiếc xe dạng đua với kiểu lốp nhỏ, loại lốp cực mỏng và bé, để giảm thiểu ma sát với mặt đường, hơn là lốp xe hỗn hợp như vầy. Loại xe đua thiết kế kiểu khung sườn nhẹ không mang vác theo hành lý, khác với khung sườn thép chắc chắn của chiếc touring hắn đang chạy. Đừng có khinh thường vài kg khác biệt trong trọng lượng xe, khi leo dốc thì vài kg cộng thêm là một vấn đề lớn! Chưa kể yếu tố quyết định đến thất bại là đôi chân teo cơ chảy nhão mềm xèo của tay toàn du lịch ngồi xe máy như hắn... Hic... Trái bắp luộc dưới chân đèo sau 30p là "mất tích", như chưa hề được ăn...

IMG_0499_zpsweidlqdn.jpg


IMG_0508_zpsvwfx0cog.jpg


Quăng xe! Đuối như trái banana (chuối):

IMG_0502_zpstnf4gxhj.jpg
 
Chiếc Toyota bảy chỗ màu trắng đổ xịch lại gần hắn, hắn ngước lên nhìn: Cầm lái là một ông già đầu bạc người gầy còm nhưng còn nhanh nhẹn. Hắn thấy ông già hấp tấp mở cửa xuống xe ra sau mở cửa cho... thằng con trai ! Hắn đoán chắc đó là con trai của ông già vì cử chỉ điệu bộ thân thiện giữa hai người, khuôn mặt hao hao giống nhau. Chàng ta cao ráo, thânn thể mập mạp béo tốt phủ dưới bộ quần áo ấm và đôi giày cũng ấm nốt. Đang ngạc nhiên hắn lại thấy ông già vòng ra phía bên kia xe mở cửa cho... đứa con dâu. Chị ta mặc áo choàng lông cực ấm, thân hình đẹp cao ráo, gương mặt đúng chuẩn V-line Hàn Quốc, kèm theo mớ trang điểm. Ngồi trong xe hắn thấy chị ta bung dù che mưa trước khi cẩn thận cho giày xuống đất. Cặp vợ chồng son này bước xuống xe rồi ngơ ngẩn không biết làm gì. Ông già lại chui tiếp vào hàng ghế sau lúi cúi ôm ôm, nựng nựng chiếc nôi em bé (trong đó chắc chắn là có em bé) hồi lâu. Hình như ông đang mặc áo ấm cho cháu, mang tả lót, chuẩn bị dây đeo trẻ em, sữa bú... trong khi hai vợ chồng đi qua đi lại phía ngoài.

Bà vợ của ông già cũng mở cửa xe phía trước xuống vuốt lại quần áo đứa quý tử (chắc vậy) cho thẳng thớm... Hồi lâu sau, chừng 15p, ông già cũng xong. Ông cẩn thận ôm đứa bé trong xe ra trao cho đứa con dâu đứng chờ sẵn. Nàng ta cho đứa bé vào túi đeo trước ngực rồi cất bước tới chỗ ngắm cảnh trời mây non nước. Gương mặt nàng buồn buồn như kiểu thương cho số phận mình hẩm hiu "hồng nhan bạc triệu"... ấy nhầm... "hồng nhan bạc phận".

Cảm thấy thể lực bị suy giảm đáng kể, hắn quyết định xuống đèo, tiết kiệm chút sức lực còn lại cho chặng đạp về Hualien:

IMG_0507_zps5prlebv7.jpg


"Người vui tước phận lý hương,
Người vui mũ áo xênh xang trị vì.

Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,
Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.

Còn ta khinh khoát vô cùng,
Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu.

Quên mình quên hết mọi điều,
Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.

Sống đời sống thần linh sảng khoái,
Như Hứa Do chẳng đoái công hầu.

Uống, ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng cho rầu lòng ai."

IMG_20160121_130024_zpssodvoepy.jpg


IMG_20160121_111019_zpsstfdi6rv.jpg
 
"Uống, ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng cho rầu lòng ai."

Nói thì nói vậy thôi, chứ ăn uống quan trọng lắm!!! Nhất là sau chặng đạp xe phải "quất" tô này mới sướng bụng. 100 Đài tệ, chừng 60k VNĐ thôi.

IMG_20160121_075937_zpsrcdzsral.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,641
Bài viết
1,154,345
Members
190,155
Latest member
ncvinh123
Back
Top