Thông tin về Núi Bà Đen chia sẻ cùng các bạn.
“ Núi Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn còn rơi rớt ở miền Đông Nam bộ. Theo “Gia Định thành thông chí”, trên đỉnh núi Bà Đen mây phủ có điện Bà, thờ 2 thần tích Bà Đinh / Bà Đênh, gọi quen thành Bà Đen.
Theo truyền thuyết trên đỉnh núi thường thấy chuông vàng và thuyền rồng trong hồ vào những đêm trời trong trăng sáng (mang tín điều tiên giới).
Nhưng khi Nho giáo được đề cao, có truyền thuyết ca ngợi nàng Lý Thiên Hương đẹp người đẹp nết, vò võ mong đợi người yêu tòng quân trở về đoàn tụ. Một hôm đi lễ Phật ở điện Bà, bị bọn gia nô của con quan huyện địa phương vây bắt, nàng đã nhảy xuống hồ trên núi tử tiết về sau nàng hiển linh biến thành người con gái mặt đen, thường cứu giúp người nghèo hoạn nạn. Cảm thương người con gái tiết hạnh, được vua phong “Linh Sơn thánh mẫu”.
Đến lúc đạo Phật thịnh hành, có truyền thuyết về nàng Đênh là con quan trấn người Khơ-me, với chí nguyện xuất gia đầu Phật, đắc quả, được dân chúng tôn thờ (gần với sự tích Quan Âm). Còn sách “Đại Nam liệt truyện tiền biên” (1852) ghi nhận. Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh đưa 5.000 dân Chăm, Khơ-me đến sinh sống dưới chân núi Bà Đinh Sơn. Hiện nay, trên núi còn có Hang Chàm và Cổng Chàm (gần chợ Tây Ninh).
Nhưng theo dân gian, có thể người dân tộc bản địa sinh sống bằng khai thác lâm thổ sản ở đây sớm hơn. Chuyện xưa kể rằng: Hồi ấy, trai gái thi nhau đắp núi trong một đêm, bên nào cao hơn là giành phần thắng. Bên nữ do Mê Đênh / Đinh chỉ huy, chăm chỉ đắp núi Bà (Tây Ninh).
Bên nam đắp núi Cậu (Bình Dương). Nhưng bên nam ỷ lại vào sức trai và mãi chơi. Sáng ra, núi Bà cao hơn - Nam giới thua cuộc. Họ liền sai voi đến phá, nhưng bị Mê Đênh làm phép, biến voi hóa đá. Họ lại xui bầy heo rừng đến ủi cũng bị hóa thành núi nhỏ (núi Heo). Họ tiếp tục xui bầy gà đến bới núi, chúng cũng hóa thành đồi gà. Cuối cùng các chàng trai đích thân đến hốt đất, đá ném tứ tung. Ngày nay, bên cạnh núi Bà Đen còn có 3 ngọn núi: Núi Tượng, núi Heo, núi Gà và nhiều đồi thấp rải rác.
Trong các truyền thuyết kể trên thì có truyền thuyết dân gian này có tính thuyết phục hơn. Vì truyền thuyết này đã tích hợp nhiều tín lý thờ nữ thần Pô-inư-nagar (thờ Bà - Cậu) của người Chăm, thờ Muk Juk (mụ Đen) của người Khơ-me và thờ Bà Chúa Xứ của người Việt.
Truyền thuyết này có lẽ đã xuất hiện sớm, vào thời mẫu hệ và cách giải thích về hiện tượng thiên nhiên còn sơ khai nhưng chắt lọc có nhiều yếu tố lịch sử văn hóa đã Việt hóa.
Đến năm 1935 (Bảo Đại thứ 10) vua lại có sắc phong thần thờ ở Điện Bà là “Đức Bảo trung hưng linh phù chi thần” (vị thần Linh Sơn thánh mẫu có đủ uy linh và thế lực).
VŨ HÙNG. “
(
http://www.baobinhduong.org.vn/detail.aspx?Item=4627 )