What's new

'Miền tây mùa nước nổi - Tiếp sức đỉnh mồ côi'

Luanh quanh suy nghĩ Moon cũng không biết nên post vào đâu, thôi post vào đây vậy. Copy từ blog của bạn Tuands:

"Cho LA LÀNG cái nghen!

Bắt nguồn từ cái lần chát chít với anh Ba Khôi, thấy ổng nói cũng HAY sẳn cái tháng Mười này chim cò có một chuyến ngao du dzìa miền Tây mùa nước nổi, tui kết hợp la làng ACECB chim cò và những người bạn của tui VỤ này:

'MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI - TIẾP SỨC ĐỈNH MỒ CÔI'

Tình hình là tháng Mười này chim cò sẽ bay về An Giang, về ngay trong mùa nước nổi. Một trong những điểm đếm là ngọn núi Cấm (hình như là nóc nhà miền Tây thì phải). Ở trên đỉnh Mồ côi có một bà mẹ già và một người con trai đang nuôi dưỡng 12 đứa trẻ mồ côi.

Kết hợp với chuyến đi lần này chúng ta sẽ tranh thủ góp một phần nhỏ bé để coi như có một món quà nhỏ chia sẽ với những nhọc nhằn của hai mẹ con đang nuôi dưỡng 12 đứa trẻ mồ côi trên đỉnh núi.

Cụ thể là sẽ nhận đóng góp bằng tiền mặt và quần áo cũ trẻ em.

anhtuands tui lại mở hàng góp 200k

ACECB chim cò thương mến, cùng nhau mần vụ này hén! thương hết lời luôn nghen!

Danh sách "Miền Tây mùa nước nổi - tiếp sức đỉnh Mồ côi" tính tới thời điểm này

1/anhtuands 200k
2/kình ngư bành Đức Duy 200k
3/Lu Kai 100k
4/Sumisan 200k
5/chipcon 200k
6/một người bạn 500k
7/...

Hoan hô.......


Thương yêu quá những tấm lòng, bạn bè tui ơi! tui cũng la làng trong này luôn, sẳn tiện đó mà :))"
 
Cổ tích trên đỉnh mồ côi - bút ký võ đắc danh

http://vietbao.vn/Xa-hoi/Co-tich-tren-dinh-Mo-Coi/65117731/157/

Trên đỉnh Mồ Côi núi Cấm, An Giang, có hai mẹ con dì Võ Thị Ba, 70 tuổi và anh Nguyễn Tấn Bông, 42 tuổi, đang làm rẫy, nuôi 10 đứa trẻ mồ côi do mẹ vì lý do nào đó bỏ rơi tại bệnh viện Cần Thơ...

Người đàn bà mê núi

Dì Ba kể rằng, quê dì ở Bình Thuỷ, Cần Thơ. Ngày xưa dì từng là chủ xe đò. Năm 1980, có lần dì theo xe đưa người đi nghĩa vụ quân sự qua Thất Sơn, bỗng dưng mê núi. Từ đó, thỉnh thoảng là dì “đi núi”, không phải viếng chùa cúng miễu gì cả, dì không theo đạo nào.

Một hôm, dì nói với các con: “Tao bán nhà lên núi Cấm ở”. Bông, con trai út của dì lúc bấy giờ mới 26 tuổi, nói: “Má đi con đi theo má”. Cuối năm 1991, dì bán căn nhà được ba lượng vàng, dẫn anh Bông lên xe đò đi Núi Cấm. Anh Bông kể: “Đầu tiên khi đến đây, hai mẹ con tôi mua một căn nhà nhỏ dưới chân núi để mở quán cà phê. Nhưng ồn ào, má tôi thấy khó chịu. Biết tính má tôi muốn sống yên tĩnh một mình nên tôi tìm đường lên đỉnh Mồ Côi mua ba mẫu đất giá hai chỉ vàng.

“Từ chân núi lên tới đỉnh Mồ Côi, hồi ấy chỉ có con đường mòn len lỏi theo con suối Thanh Long, độ đường quanh co gần mười cây số, lên xuống nhiều con dốc, lởm chởm đất đá, đầy nguy hiểm, nhọc nhằn. Cách một hai cây số mới có một ngôi nhà. Rừng núi hoang vu buồn đứt ruột. Vậy mà má tôi kiên quyết ở đây”.

Hồi mới lên, anh Bông đi gánh mướn các loại đồ rẫy cho những gia đình trên núi. Nào su, nào chuối, nào xoài, nào mít, nào măng..., mỗi gánh bảy mươi ký, mỗi ký hai trăm đồng, mỗi ngày anh gánh hai chuyến từ đỉnh xuống chân núi, có khi chuyến lên gánh thêm gạo, cát, đá, xi măng, gạch ngói. Cái may mắn của anh Bông là, từ chiến trường Campuchia vừa xuất ngũ trở về, đôi chân và cả phần tâm linh còn quen với núi rừng bên ấy.

Ban đầu, anh Bông vừa gánh thuê, vừa học nghề làm rẫy. Mấy năm sau, ba mẫu đất của anh đã thành một khu vườn. Từ đó Bông không còn đi gánh hàng thuê nữa mà gánh thành quả của chính mình. Thấy anh làm giỏi, chi cục kiểm lâm giao cho anh quản lý thêm 12 mẫu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm mươi năm...

10 năm sau kể từ ngày lên núi Cấm, hai mẹ con anh Nguyễn Tấn Bông đã tích lũy được vài chục cây vàng. Mẹ anh giục anh đi cưới vợ. Tuổi đã sắp 40 rồi. Nhưng 10 năm sống ở đây, Bông chưa hề quen được một người bạn gái. Thế rồi bỗng dưng năm năm qua, ông trời cho Bông liên tục 12 đứa con, mười trai hai gái. Một đứa con trai bị bệnh nặng không cứu được, một đứa con gái bị đứa em xin về nuôi.

Nhận đứa con đầu

Số là, năm 2002, dì Ba với anh Bông về Cần Thơ thăm đứa cháu gái trong bệnh viện đa khoa. Tình cờ, dì nghe được câu chuyện một thai phụ nghèo không có tiền nhập viện, ôm bụng ngồi khóc quằn quại trên ghế đá trước sân khoa sản. Anh Bông đưa dì Ba vào thăm, cho tiền và làm thủ tục cho chị ta nhập viện. Sau khi thằng bé ra đời, người sản phụ kia quỳ lạy tạ ơn và nói ra sự thật: “Cháu ở trong quê, chồng chết, nhà nghèo phải đi làm phụ hồ để nuôi một đứa con. Nhưng vì nhẹ dạ nên cháu bị tay thợ hồ lường gạt. Giờ nếu ẵm con về thì không biết lấy gì nuôi...”

Hai mẹ con dì Ba cho người mẹ ít tiền và vàng làm vốn kiếm sống và xin đưa thằng bé về nuôi. Dì nói: “Sau này nếu có muốn nhận con thì cứ lên đó, tôi giao lại. Điện thoại của tôi là 0986544323”.

Trước khi ẵm thằng bé ra về, dì Ba để lại số điện thoại cho các bác sĩ và hộ lý của khoa sản cùng với lời căn dặn: “Từ nay về sau, nếu có trường hợp tương tự như vậy, các cô gọi điện cho mẹ con tôi. Trước hết là mình giúp người ta mẹ tròn con vuông, sau đó, nếu người ta vì lý do gì mà không nuôi được thì mình đem về nuôi giúp”.

Thêm 11 đứa khác

Cứ thế, sau mỗi cú điện thoại: “Em ở khoa sản, bệnh viện đa khoa Cần Thơ...” là trong nhà anh Bông thêm một tiếng khóc trẻ sơ sinh.

Anh Bông kéo đám trẻ vào lòng, vừa xoa đầu, vừa kể về hoàn cảnh ra đời của từng đứa một: “Đây là thằng Nguyễn Sơn Ngọc, đứa đầu tiên con của chị phụ hồ đây. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Thanh, đẻ được hai ngày thì mắc bệnh phổi. Tôi với má tôi lên giúp một triệu đồng, nhưng không ngờ mẹ nó cầm một triệu đồng rồi bỏ trốn. Thằng nhỏ mới hai ngày tuổi mà phải thở oxy, ngậm ống sữa và truyền nước biển. Tôi với má tôi phải ở lại bệnh viện nuôi nó 20 ngày. Giờ đây nó cứ sân sẩn. Còn đây là thằng Nguyễn Sơn Giàu, mẹ nó là một cô gái nghèo đi mót lúa ở Vị Thanh, phải lòng một thằng chăn vịt, mang thai lúc mới mười bảy tuổi, sợ bị phát hiện nên dùng dây thun nịt bụng rồi trốn sang ở nhà bà ngoại. Khi chúng tôi đến bệnh viện thì nghe nói nó bị đứt tim thai, phải mổ bỏ con để cứu mẹ. Nhưng không ngờ nó được cứu sống. Nó sống, nhưng mẹ nó không dám mang nó về nhà...

Mười hai đứa trẻ trong căn nhà này là mười hai câu chuyện khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ, chúng là sản phẩm của những cuộc tình vụng trộm từ trong nhà trọ đến màn trời chiếu đất ngoài đồng. Anh Bông kết thúc câu chuyện thứ mười hai bằng một nỗi buồn: “Nó là Nguyễn Sơn Thành, đang nằm trên núi. Khi tôi với má tôi đến thì mẹ nó đã bỏ đi, nó nằm trong phòng cấp cứu suốt hai mươi ngày với chứng bệnh não úng thuỷ, một chứng bệnh ngặt nghèo. Tôi với má tôi rất đắn đo, cuối cùng thì không thể quay lưng trước một hài nhi vô tội. Nhưng suốt ba tháng, thằng bé cứ khóc ngày khóc đêm, đầu to dần, mắt đờ đẫn. Tôi ẳm nó trở lại bệnh viện, nơi nó cất tiếng khóc chào đời, bác sĩ nói ở đây không có khả năng điều trị, tôi đưa nó lên bệnh viện nhi Đồng 2, người ta nói phải phẫu thuật để đặt ống dẫn, sẽ rất tốn tiền nhưng không khả thi. Và đúng là như vậy, tôi đã bán miếng đất lấy mấy chục triệu đồng để mong nó sống, nhưng hơn hai năm sau thì nó ra đi”.

Qua câu chuyện buồn ấy, Bông lại ôm mấy đứa nhỏ vào lòng: “Tôi còn mười một đứa, chín trai, hai gái. Nhưng năm rồi, nhỏ em ở Cần Thơ lên chơi, thấy bé Cẩm Như đẹp quá, nó nói cho mượn về chơi mấy tháng, nói vậy rồi nó giựt luôn không trả...”

Nhắc đến chuyện cưới vợ, Bông lại cười: “Tụi nó đã khổ từ trong bào thai rồi, tôi không muốn tụi nó phải khổ vì mẹ ghẻ”.

Bông trầm ngâm cho biết thêm về chuyện có thêm con: “Má tôi năm nay bệnh nhiều quá, sắp gần đất xa trời rồi. Tôi muốn dành thời gian cho má”. Còn chuyện học hành của mấy đứa nhỏ, Bông cũng lại trầm ngâm: “Thằng Sơn Ngọc năm nay lẽ ra phải lên lớp lá, thằng Sơn Thanh phải là lớp chồi, thằng Sơn Giàu phải là lớp mầm. Tôi đã tâm nguyện phải cho chúng nó học tới cùng. Tiền bạc thì tôi không lo, trước mắt, nguồn lợi từ mười lăm mẫu đất cũng đủ trang trải, sau này, khi chúng nó học lên cao thì mình bán đất. Nhưng, cái khó là chỗ ở. Thằng Sơn Ngọc năm tới sẽ tạm thời gởi cho nhỏ em ở Cần Thơ. Nhưng không thể gởi hết cả mười đứa. Còn mua nhà ở dưới đó thì ai chăm sóc, mà tôi đi thì ai ở đây lo vườn tược, cây trái cho mình. Càng nghĩ càng thấy rối...”

...Câu chuyện cổ tích trên đỉnh Mồ Côi xin tạm dừng ở đây, bởi người kể chuyện chưa trả lời được câu hỏi sau cùng rằng: khi bà Tiên qua đời, anh tiều phu có lo cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không. Những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng dân gian thường hay lý giải sự bế tắc bằng những phép mầu. Và tôi hy vọng trong câu chuyện này, sẽ có một phép mầu nào đó đến với anh Bông.

Phép mầu ấy chính là cái tâm đang ẩn chứa đâu đây, trên cõi đời này.

(Theo Võ Đắc Danh - Sài Gòn tiếp thị)
 
Kỳ tích Thất Sơn – Kỳ 1: Chuyện ghi trên đỉnh Thiên Cấm Sơn

http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail.php?nid=6268

Từ lâu, dãy Thất Sơn, An Giang bao gồm bảy ngọn núi: Thiên Cấm Sơn, Ngọa Long Sơn, Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn, Phụng Hoàng Sơn, Thủy Đài Sơn và Liên Hoa Sơn thuộc địa bàn 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã có nhiều kỳ tích về đất và người được thêu dệt. Đầu năm Mậu Tý, chúng tôi dọc quanh Thất Sơn và ghi nhận: Ở đây còn có bao con người gắn chặt cuộc đời mình với nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng có đức tính sáng ngời tiếp nối những kỳ tích...



BÀI 1: CHUYỆN GHI TRÊN ĐỈNH THIÊN CẤM SƠN

“Từ đây lên đến đỉnh núi Cấm khoảng 10 km. Xe Honda chỉ chạy được 6km, còn lại phải băng đường rừng mới lên tới đỉnh” - anh Út, công an xã An Hảo, huyện Tịnh Biên tỏ ra lo lắng khi nghe tôi có ý định lên đỉnh Mồ Côi của núi Cấm. Tôi quyết định cuốc bộ vượt dốc lên đỉnh. Mặt trời đứng bóng. Gió bấc mang hơi lạnh thổi thốc vào mặt. Tôi thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm trên má, cố men theo con đường mòn lên đỉnh. Hơn 30 phút theo con đường mòn của con suối Thanh Long, chợt có tiếng trẻ khóc vang lên trong khu rừng vắng, tĩnh mịch. Anh Út chỉ về phía căn nhà: “Tới nhà Út Bông rồi đó. Nghe tiếng trẻ con thì đúng là căn nhà của ổng. Mấy năm nay, ổng và mẹ tình nguyện nuôi hơn 10 đứa trẻ mồ côi”.



Bỏ thành lên núi

Nghe khách lạ ghé thăm, chủ nhà phía dưới nhà không kịp ra chào, bởi bận tắm mấy đứa nhỏ. Bà Võ Thị Ba (70 tuổi), tóc trắng cước, tay bồng thằng bé trai kháu khỉnh, tay cầm hộp bánh nhắc cháu nội chào khách. Thằng bé làm theo. Hai tay hầu “ạ”, miệng cười làm quen với khách. Đã sáu năm nay, căn nhà của bà Ba đầy ắp tiếng cười. Con trai út của bà là anh Nguyễn Tấn Bông (42 tuổi) hầu như tất bật công việc tắm rửa, thay tả rồi gánh khoai, măng xuống chân núi bán. Ngồi nghe câu chuyện lên núi của gia đình bà , đến khi lập trại nuôi trẻ mồ côi như một kỳ tích trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Bà quê ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, làm chủ xe đò. Anh con trai út Nguyễn Tấn Bông, sau mấy năm gian khổ ở chiến trường Campuchia về quê tham gia công tác ở phường Bình Thủy. Năm 1991, anh Bông giữ chức phường đội phó phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ thì đột ngột bỏ việc theo mẹ lên núi sống. Nhớ lại những ngày đầu chân ướt chân ráo lên núi Cấm, bà Ba cười buồn: “Ai cũng cản, cho rằng mẹ con tui quyết định kỳ cục. Tôi trả lời tại tui thích. Tội nghiệp thằng Bông, nghe tui đề nghị liền bỏ việc lên theo. Hồi đó, ở đây còn âm u lắm. Đất rẻ rề hà, cho người ta còn không nhận. Vậy mà, mẹ con tui thích mới lạ”. Anh Bông thừa nhận: Những ngày đầu đặt chân lên núi Cấm, anh cũng buồn lắm. Suốt ngày chỉ nghe tiếng chim kêu và tiếng gió vi vu. Tối đến lạnh kinh khủng. Tờ mờ sáng, những đám mây trôi lờ đờ trên mái nhà, làm cho khung cảnh càng trở nên buồn tẻ. Mùa mưa buồn thúi ruột... Nhưng nhờ khoảng thời gian tham gia chiến trường Campuchia, kinh nghiệm của người lính giúp anh quen với cảnh âm u, cô tịch trên đỉnh núi Cấm. Ngay như việc cất căn nhà cũng là kỳ tích. Để có đủ xi-măng, gạch... anh phải gánh từ chân núi lên đỉnh hơn một năm. Quanh năm, anh đầu tắt mặt tối trên nương, trên rẫy; hết mùa măng đến mùa su. Anh khai hoang trồng thêm chuối, mít để nuôi mẹ. Đến lúc thu hoạch, anh gánh 60kg xuống chân núi để bán. Chi Cục kiểm lâm huyện Tịnh Biên thấy anh giỏi giang, giao 12 mẫu đất rừng để anh quản lý. Có lên đến núi Cấm mới biết nghị lực phi thường của anh Bông. Những con dốc đá lởm chởm, quanh co... thế mà, hơn chục năm anh vẫn miệt mài với công việc gánh sản phẩm thu hoạch xuống chợ bán, rồi gánh gạo lên núi. Thương con, bà Ba dành dụm được gần chục cây vàng chuẩn bị cưới vợ cho con. Nghe mẹ tính ngày rước “nàng về dinh”, anh Bông không giấu được xúc động, hứa với mẹ: “Cất xong căn nhà, rước dâu về để mẹ có cháu bồng”. Nghe lời của con, bà Ba nghĩ đến những ngày đầy ắp tiếng trẻ thơ trên đỉnh núi Cấm.

P6-7-385-3.jpg
 
Last edited:
Những đứa trẻ trên đỉnh Mồ Côi

Công việc trên nương trên rẫy làm anh quên bẵng chuyện lập gia đình. Đầu năm 2002, anh cùng mẹ đến Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ thăm đứa cháu đang chờ sinh ở khoa sản. Vừa đặt chân đến khoa sản, bà Ba không giấu được những giọt nước mắt, khi nghe hoàn cảnh đáng thương của một phụ nữ ngoài 30 tuổi bụng mang bầu chờ sinh nở nằm ngoài băng ghế đá. Gần đến ngày sinh nhưng chị không có tiền để làm thủ tục nhập viện. Mấy ngày đến khoa sản, bụng chị đói lả vì thiếu cơm. Nghĩ phận mình, cơ cực nhưng cũng có cái ăn, thôi thì giúp người nghèo khó “lấy phước”. Bà Ba phân công anh Bông mua cơm còn bà vào khoa sản lo làm giấy tờ nhập viện cho người phụ nữ vượt cạn. Khi thằng bé cất tiếng khóc vào đời, người mẹ giàn giụa giọt nước mắt thú thật với bà Ba. Chị góa chồng làm phụ hồ nuôi 2 đứa con. Do nhẹ dạ, cả tin, chị bị tay thợ hồ gạt bụng mang dạ chửa rồi bặt tăm. “Con lạy dì, lạy anh... nhận nuôi dùm đứa con. Nếu ẵm nó về, con không biết sẽ nuôi nó ra sao...”. Chẳng chút phân vân, bà Ba đưa cho cô ta 5 chỉ vàng và 800.000 đồng để về quê kiếm nghề khác sống. Khi nào kinh tế ổn định lên núi Cấm nhận con. Thế là, bà Ba và anh Bông bồng đứa trẻ về nhà, không quên dặn mấy cô y tá ở khoa sản: “Khi nào có trường hợp trẻ bị bỏ rơi, điện thoại cho bà hay, để bà xuống nhận”.


P6-7-385-2.jpg



Vậy là nhiều cuộc điện thoại từ Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ liên tục gọi đến anh Bông. Nhận được điện thoại, anh bỏ cuốc cùng mẹ đến bệnh viện làm thủ tục nhận đứa trẻ. Bà Ba nhớ lại: Đem thằng Ngọc về nuôi vài tháng, anh Bông nhận được điện thoại từ khoa sản Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ. Một bé trai sơ sinh mắc bệnh phổi. Lọt lòng mẹ vừa được hai ngày, đứa bé phải thở ôxy, truyền dịch. Mẹ đứa bé mặc tấm áo còn không lành lặn, khóc sướt mướt nhờ anh nhận con để điều trị. Chị ta không còn khả năng cứu cháu. Bà Ba móc túi đưa cho mẹ cháu 1 triệu đồng. Nhận tiền xong, mẹ thằng bé bỏ trốn. Anh Bông pha sữa, thay tả cho bé. Hai mươi ngày điều trị, cháu khỏe. Hai mẹ con mừng như được vàng, đưa cháu về đỉnh Mồ Côi trên núi Cấm, đặt tên Nguyễn Sơn Thanh. Trường hợp Nguyễn Sơn Giàu cũng không khác. Mẹ Giàu là cô gái nghèo mót lúa ở Vị Thanh, Hậu Giang, phải lòng thằng chăn vịt, năm 17 tuổi mang thai. Sợ gia đình phát hiện, cô trốn nhà lên Bệnh Đa khoa TP.Cần Thơ chờ ngày sinh nở. Khi đến bệnh viện, bác sĩ cho hay đứt tim thai nên tiến hành mổ bỏ con cứu mẹ. Y tá khoa sản lại gọi cho bà Ba để giúp đỡ cô bé mót lúa. Hai mẹ con bà Ba lại tất tả làm thủ tục, chi tiền điều trị cho sản phụ. Nào ngờ, thằng bé sống sót hết sức thần kỳ. Mẹ nó thú thật với bà Ba là không dám đem về quê, sợ gia đình biết được. Anh Bông lại bồng đứa trẻ về đỉnh Mồ Côi. Còn thằng Nguyễn Sơn Hương là con của ông chủ tàu giàu có, thương ngư phủ đã lén lút quan hệ có thai. Gia đình phát hiện thì thai nhi được 6 tháng. Gia đình bí mật đưa cô ta lên bệnh viện chờ ngày sinh. Sinh nở xong, bà Ba lại làm thủ tục nhận con. Cứ thế mà hiện nay, bà và anh Bông nhận được 10 cháu trai, 2 gái. Đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa nhỏ bốn tháng tuổi. Đứa nào cũng trắng trẻo, mặt sáng sủa. Mỗi đứa chào đời là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung đặc điểm: là kết quả của những cuộc tình vụng trộm, hay một hoàn cảnh đáng thương cần được giúp đỡ. Anh Bông đặt tên cho chúng họ Nguyễn, lót chữ Sơn. Con gái lót chữ Cẩm. Hôm tôi đến, con trai của chị phụ hồ ngày nào giờ là thằng bé khôi ngô, có tên là Nguyễn Sơn Ngọc, đã được 6 tuổi. Bà Ba nói vui: “Năm 2005, mẹ con tui nhận 5 đứa. Trời thương, đứa nào đứa nấy trắng trẻo dễ thương. Ai cũng bảo tui lựa. Mèn ơi, nhận nó còn ở trong bụng chứ có biết mặt mũi gì đâu mà lựa. Nghe hoàn cảnh tui thương, chứ có lựa gì. Tụi nhỏ có tội tình gì phải không chú”.



Bán đất cứu con

Từ ngày nhận con về nuôi, anh Bông làm lụng gấp bội. Bán được trái mít, trái xoài... anh mua tả, mua sữa cho những đứa con bất đắc dĩ. Hết công việc ngoài nương về nhà, anh cùng mẹ chăm sóc mấy đứa trẻ. “Vậy mà vui, vừa đi làm về nghe tụi nó chạy ra mừng ba về, muốn rơi nước mắt. Nghĩ cũng tội cho chúng, thiếu tình thương từ lúc lọt lòng, nên tui quyết tâm nuôi chúng tới nơi tới chốn...” - anh Bông tâm sự. Có lẽ nhờ cái tâm của bà Ba, tấm lòng anh Bông, những đứa trẻ không hề bệnh hoạn, lớn nhanh như thổi. Đứa nào cũng lanh lẹ, dễ thương, bù đắp cho mẹ con anh những ngày tháng cơ cực. Hiện nay, anh còn 9 đứa con trai, 2 gái. Anh Bông ứa nước mắt kể về cái chết của thằng Nguyễn Sơn Thành, cách đây đã gần 2 tháng: “Trong mười mấy đứa con, mẹ con tui cực nhất với thằng Thành. Khi mẹ con tui đến bệnh viện thì mẹ nó trốn viện. Nó bị bệnh não úng thủy. Bác sĩ lắc đầu. Chẳng lẽ hài nhi vô tội bị chết oan? Còn nước còn tát, mẹ con tui làm thủ tục nhận”- anh Bông nhớ lại. Đem Thành về nhà, nó khóc suốt. Ba tháng trời, anh Bông như ngồi trên đống lửa. Mắt nó đờ dần, đầu mỗi ngày một lớn. Anh bồng con đến Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ. Bác sĩ không có khả năng điều trị, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Để đủ chi phí điều trị kéo dài sự sống cho nó hơn 24 tháng, anh bán đi công đất mấy chục triệu đồng để phẫu thuật, đặt ống để đầu cháu không phình to. Thành sống thực vật được hai năm thì chết.


Tôi hỏi anh bao giờ mới lấy vợ. Anh cười: “Con đùm đề như vầy, ai chịu lấy mới lạ. Lỡ nhận nó phải nuôi tới nơi tới chốn, chứ biết sao. Hy sinh đời bố cưng cố đời con mà”. Trong lúc trò chuyện với tôi, bà Ba đứng ở hiên nhà lớn tiếng kêu anh rầy thằng Ngọc đùa nghịch. Anh ôm con cười xòa. Bà Ba nói: “Cha mà bênh con, nó hư”. Anh rơi nước mắt: “Vậy con không bênh, ai bênh nó”. Hai mẹ con nhìn nhau tủm tỉm cười. Theo lời anh Bông, sang năm thằng Ngọc đủ tuổi vào học lớp 1. Thằng Thanh, thằng Giàu... đủ tuổi đi mẫu giáo. Anh định cho nó xuống Cần Thơ để học tới nơi tới chốn. “Ngày đưa nó lên núi thì dễ, xuống núi khó khăn lắm anh à. Tui quyết tâm nuôi nó đến nơi đến chốn. Khi nó trưởng thành, tui đưa giấy tờ mẹ nó mà tui đã photo cất trong tủ. Nó đi ở tùy thích. Nhưng hầu hết đứa nào cũng quý mẹ con tui lắm. Đi xa vài ngày là nhớ ba, nhớ bà nội” - anh Bông nói. Bà Ba ngồi kế bên chen vào: “Tui chết thì thôi, chứ còn sống phải thấy mấy đứa trẻ ăn học đàng hoàng. Nó thiệt thòi về hoàn cảnh thì nhất quyết không thiệt thòi học vấn”.


Tôi không dám nghĩ đến, chỉ mấy mẫu nương rẫy... anh Bông và bà mẹ tuổi thất thập cổ lai hy có đủ sức lo cho 11 đứa trẻ ăn học đến nơi đến chốn ? Mong rằng sẽ có những tấm lòng nhân ái cùng mẹ con anh Bông dệt tiếp kỳ tích ở Thiên Cấm Sơn, để kết thúc có hậu.

BÀI, ẢNH: ĐÀO VĂN
 
Anh nữa nha Lai cờ Mun, số 5 đầu thui . Đi công tác về sẽ nộp xiền nhá .:help

Thanks bác (wait), khoảng giữa tháng 10 các bạn Chim Cò mới đi, em sẽ hỏi số TK Vietcombank của các bạn ấy để chuyển qua ATM cho tiện.

Anh chị em nhà Phượt có ai chia sẻ với Đỉnh Mồ Côi nữa không ạ, em xin cảm ơn trước :L.
 
Thông tin tài khoản chuyển tiền

Em cảm ơn bạn Movadoklx, Bác Cvn, Bạn Jinxia đã ủng hộ đỉnh Mồ Côi, em và các bác chuyển tiền qua ATM cho bạn Chuotchitxu nhóm Chim Cò - Box Du Lịch TTVNOL nhé:

chủ khoản : ĐÀO THÀNH NGHĨA
Số tài khoản : 007 1001 37 37 86
Ngân hàng VCB HCM

Sau khi chuyển khoản: nhắn tin 0908 341 114 thông báo người chuyển (ghi nickname đăng ký trên ttvnol) và số tiền chuyển.

List ủng hộ đỉnh Mồ Côi update ở đây:

http://www9.ttvnol.com/forum/f_233/1040266/trang-93.ttvn
 
Last edited:
-
likemoon cho anh gửi 1 triệu VND. Sẽ PM cho likemoon để chuyển tiền. Khi trước gửi vào tài khoản hơi bị rắc rối, gửi qua Western Union còn bị khấu trừ mất 10% . Chuyển ngân thì trong 1, 2 ngày là nhận được. Khi trước anh cũng chuyển cho anh Long ở Photo.com theo cách này.
-
 
Last edited:
-
likemoon cho anh gửi 1 triệu VND. Sẽ PM cho likemoon để chuyển tiền. Khi trước gửi vào tài khoản hơi rắc rối, gửi qua Western Union còn bị khấu trừ 10% . Chuyển ngân chỉ trong 1, 2 ngày là nhận được. Khi trước anh cũng chuyển cho anh Long ở Photo.com theo cách này.

-

Em cảm ơn bác ạ, em vừa PM cho bác tên và địa chỉ của em để bác chuyển tiền về :L
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,431
Bài viết
1,152,761
Members
190,079
Latest member
Quynh258
Back
Top