What's new

[Chia sẻ] Bali & Lombok (Indonesia): Biển, Văn hóa, Núi lửa - Máu và tro tàn.

Đãi "Vàng trắng" từ bãi Cát đen

1000011219.jpg

Kusamba, Bali

Nếu so sánh với quy trình làm muối ở Việt Nam thì công đoạn tưới nước biển lên cát đen chính là điểm khác biệt quan trọng và đặc trưng nhất. Cát đen có khả năng truyền nhiệt và giữ muối tốt. Khi nước biển bay hơi sẽ để lại tinh thể muối li ti bám vào cát.

1000011238.jpg

Bước 1: tưới nước biển lên cát đen. Lưu ý ở bước này là phải rưới đều, vừa đi vừa lợi dụng lực quán tính của 2 bầu nước để hất nước biển ra chứ không phải đổ ngập một chỗ. Mục đích chính là để nước biển chỉ thấm vào mặt cát một lớp vừa đủ.
1000011212.jpg

Bước 2: sau khi cát khô lại do nước biển đã bay hơi. Diêm dân sẽ dùng bồ cào để cào bung lớp cát đen đó lên.

1000011223.jpg

Bước 3: lớp cát đen (hòa lẫn với tinh thể muối) đó sẽ được diêm dân đem cho vào máng trong căn chòi. Chiếc máng có công dụng như một khay lọc nhằm làm tăng độ tinh khiết của muối.

1000011231.jpg

Bước 4: Diêm dân sẽ đổ thêm nước biển vào máng để cho nước biển chảy qua lớp cát đen và từ đó đi theo ống dẫn chảy xuống các thùng chứa được làm từ gốc thân cây dừa. Bước này được xem là bước quan trọng nhất vì nó quyết định nên chất lượng muối. Cát muối ở bước số 3 sẽ được nén vào máng với lực nén sao cho phù hợp. Nếu nén quá lỏng hoặc không nén, nước biển sẽ chảy qua quá nhanh mà không được lọc kỹ, còn nếu nén quá chặt thì ảnh hưởng đến tốc độ chiết xuất của nước biển. Chỗ này bạn nào là Barista hoặc hay pha cà phê là sẽ hiểu được ngay.

1000011232.jpg

Bước 5: Nước biển sau khi chiết xuất và thu được trong thùng chứa sẽ mang ra cho vào những khay dài thế này và chờ cho bay hơi. Thành quả cuối cùng chính là những hạt muối biển trắng lấp lánh và cũng là kết tinh của một quy trình truyền thống tỉ mẫn.​
 
Đãi "Vàng trắng" từ bãi Cát đen

1000011201.jpg

Căn chòi chứa hệ thống lọc nước biển, cũng là nơi chứa muối, nơi nghỉ ngơi và trưng bày sản phẩm cho ai đến xem và mua trực tiếp.

Nếu so sánh thì quy trình làm muối tại Kusamba có phần công phu và muối tạo ra sẽ có hương vị tinh tế hơn so với ở Việt Nam. Ở Kusamba, nghề làm muối không chỉ là mưu sinh mà còn gắn với tín ngưỡng Hindu, với những nghi lễ tạ ơn biển cả. Việc giữ cách làm truyền thống cũng là cách họ gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

1000011320.jpg

Sân phơi nước biển, trong điều kiện trời nắng lý tưởng là không cần che phủ, do những ngày mình ở Bali trời có mưa nên mới che lại.

Cát đen núi lửa chính là tác nhân quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt. Muối sẽ dịu hơn, không mặn gắt và có hàm lượng khoáng chất cao hơn từ trong cát đen. Như bạn đọc có thể thấy trên ảnh, các máng phơi thật sự rất nhỏ do đó sản lượng muối thu được không nhiều. Rất khác so với sản lượng thu được từ các ruộng muối ở Việt Nam - ruộng muối quy mô lớn cho khả năng cung cấp sản lượng nhiều. Với quy trình làm hoàn toàn thủ công và sản lượng ít, nên giá cả muối Kusamba khá cao và thường được sử dụng để ăn trực tiếp cho các món ăn đòi hỏi chiều sâu vị giác (Gourmet salt). Cao ở đây ý mình là cao hơn so với muối Việt Nam thôi chứ không đến mức đắc đỏ, và ai cũng có khả năng mua được.

1000011202.jpg

Bãi biển này tuy là nơi làm muối, không ai lướt sóng, dạo chơi như lại là một trong những bãi biển mình thấy đẹp và thích nhất. Nếu phóng to mảng cát đen lên bạn đọc sẽ thấy những đốm trắng li ti chính là muối đấy.

1000011208.jpg

Ở thành phố ta gọi đây là view triệu đô.

1000011242.jpg


Là diêm dân thì nơi đâu cũng vất vả cả. Nyoman Warta - người vẫn ngày đêm gìn giữ nguồn năng lượng cổ xưa.
7 tháng 5 2025
 
1000014238.jpg


Trưa nay sau khi đi siêu thị về đến khách sạn ở Ubud thì trời kéo mây đen. Lúc đang ngồi viết những dòng này thì mưa đã được một lúc rồi. Mưa cũng to đấy, kiểu như Bali cũng muốn hưởng ứng cùng cơn mưa lịch sử ở Sài Gòn - quê hương của người khách lạ này.

1000014242.jpg


Mặc dù thời điểm này không phải mùa mưa ở Bali, nhưng thời tiết cứ thất thường kiểu gì. Mà thôi kệ, mưa cũng là dịp để bước chân của mình có cơ hội bước chậm lại. Không mải chạy theo các địa điểm tham quan hay "những điều must-try" ở Bali nữa. Nếu lỡ đang ở ngoài đường hãy ghé vào một quán nước hoặc nếu đang ở nhà thì hãy thả mình trên chiếc giường và cho phép bản thân được không làm gì. Ngắm nhìn ra bên ngoài nếu có thể.

1000014241.jpg


Chỗ mình ở tại Ubud khá hay vì mình có thể nhìn ra bên ngoài trong lúc đang chill trên giường. Chi tiết về chỗ lưu trú này mình sẽ review chi tiết trong phần Nơi lưu trú ở trang 1.

1000014240.jpg


Ubud, Bali, ngày 11 tháng 5 năm 2025
 
1000013666.jpg


Chiếc vòng ba màu bạn đọc đang nhìn thấy là "Tridatu", một vật phẩm tâm linh rất đặc trưng trong đạo Hindu ở Bali. Ba màu tượng trưng cho Tam thần (Trimurti):
Đỏ: Thần Brahma – đấng sáng tạo.
Trắng: Thần Shiva – đấng hủy diệt và tái sinh.
Đen: Thần Vishnu – đấng bảo hộ vũ trụ.

Chiếc vòng tay Tridatu là biểu tượng bảo vệ khỏi vận xui và tà khí, đồng thời nhắc nhở người đeo sống cân bằng và đạo đức. Ai cũng có thể đeo, kể cả người ngoại đạo. Tuy nhiên, đúng nhất là sau khi thực hiện nghi lễ cúng hoặc ban phước tại đền. Còn nếu bạn không quá cầu kỳ hoặc kiêng cử thì thôi cứ mua rồi đeo như một món đồ kỷ niệm cũng được (giống mình). Chiếc vòng này mình mua ủng hộ mấy cô bán đồ lưu niệm ở chỗ làm muối của ông Nyoman Warta với giá 20.000 rupiad.

1000011229.jpg

20k là đã trả giá từ mức hét 50k rồi đó nha, chắc vẫn bị hố nhưng thôi tinh thần là mình ủng hộ mấy cô.

Tuy nhiên dù chiếc vòng bạn đeo là tự mua hay nhận được tại đền. Có một điều mà mình và mong rằng nếu bạn đọc nào có đeo thì hãy không nên tự tháo vòng ra. Người Balinese để vòng Tridatu rơi ra tự nhiên, tượng trưng cho chu kỳ đã trọn vẹn. Chủ động tháo bỏ bị xem là thiếu tôn kính với thần linh. Nên lần này mình sẽ chờ thử xem chiếc vòng này sẽ theo mình được bao lâu. Ngày nó đứt hoặc mục tự rơi ra thì mình sẽ cập nhật cho các bạn biết.​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
37,487
Bài viết
1,147,924
Members
193,551
Latest member
quynhnhu25netgroup
Back
Top