What's new

[Chia sẻ] 60 NGÀY VÒNG QUANH NƯỚC ẤN

Như vậy là chuyến đi 60 ngày vòng quanh nước Ấn đã kết thúc với rất nhiều kỷ niệm. Hành trình đi qua các vùng đất:

Lo trinh 0.png



- Thủ phủ oto và Công nghệ thông tin Chennai
- Thung lũng hoa ở Govind Ghat.
- Học Yoga ở Rishikesh
- Dạo 1 vòng thủ đô Delhi
- Ghé đền Taj Mahal và pháo đài Fort ở Agra
- Xem đốt xác và lễ hội sông Hằng ở Varanasi. Đến thánh địa Sarnath của Phật giáo.
- Đến Gaya thăm Bồ Đề Đạo Trạng, nơi Đức Phật giác ngộ.
- Thưởng thức vị trà ở Darjeeling, đi tuyến xe lửa cổ Himalayan.
- Lên Gangtok, thủ phủ của bang Sikkim - Vùng thiên đường quên lãng.
- Cưỡi lạc đà vào trong sa mạc Thar ở Jaisalmer.
- Đón thu vàng Ladakh, ngắm tuyết rơi trên dãy Himalaya.

Đây là lộ trình chi tiết:

Lo trinh 1.png


Lo trinh 2.png


Lo trinh 3.png


Lo trinh 4.png


Lo trinh 5.png



Trong loạt bài này mình sẽ chia sẽ những kinh nghiệm du lịch bụi ở Ấn Độ: chuẩn bị gì trước chuyến đi, thông tin các điểm du lịch, cách book phòng, trả giá, một số phong tục tập quán. Phần cuối sẽ là chi phí chuyến đi để các bạn tham khảo. Lưu ý là cảm nhận mỗi người mỗi khác nên một số tình huống mình đánh giá theo cảm nhận cá nhân, vì vậy các bạn cần tham khảo nhiều nguồn để có cách nhìn khách quan nhất.

GOOD LUCK.

P.s: Nếu hình ảnh hoặc thông tin trong bài không hiển thị thì các bạn có thể pm cho mình qua facebook: https://www.facebook.com/tessuarai hoặc xem bản đầy đủ ở Blog của mình: http://tessuarai0.blogspot.com/
 

Attachments

  • Lo trinh 0.png
    Lo trinh 0.png
    416.6 KB · Views: 193
Last edited:
CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC CHUYẾN ĐI

Chuyến đi 2 tháng qua nhiều vùng miền nên phần chuẩn bị cũng hơi vất vả:

#) Visa:
Visa Ấn khá dễ xin, thông thường sẽ nộp online cho đơn giản. Để làm Visa Ấn các bạn xem hướng dẫn chi tiết tại đây: https://tessuarai0.blogspot.com/2018/10/huong-dan-xin-visa-o.html

#) Book vé máy bay:
Mình thường sử dụng trang http://www.skyscanner.com.vn/ để tìm vé máy bay. Ưu điểm của trang này là sau khi bạn nhập thông tin nơi đi, nơi đến, ngày đi thì trang Web sẽ liệt kê nhiều hãng hàng không để bạn so sánh giá cả, thời gian di chuyển,...

#) Bảo hiểm du lịch
Đi nước ngoài thì nên mua cái này, phòng trường hợp bị tai nạn hoặc sự cố trên đường. Mình mua bảo hiểm của hãng AIG.

#) Book vé tàu lửa
Mình chọn tàu hỏa để di chuyển giữa các thành phố lớn của Ấn, ưu tiên chọn các chuyến tàu đêm để vừa tận dụng thời gian, vừa tiết kiệm chi phí khách sạn. Để book vé tàu các bạn xem hướng dẫn chi tiết tại đây: https://tessuarai0.blogspot.com/2018/10/an-o-huong-dan-book-ve-tau-lua-online.html

#) Book phòng khách sạn
Vì lịch trình khá dài và khả năng bẻ cung lớn nên mình không book trước phòng khách sạn. Đi đến đâu book đến đó. Qua Ấn mình biết được app book phòng khá hay của Ấn là OYO, các khách sạn thuộc chuỗi OYO có những dịch vụ tối thiểu cho dân du lịch nên được rất nhiều người lựa chọn. Các bạn có thể cài ứng dụng này và dùng chức năng "Nearby" trên App để tìm khách sạn ở gần chỗ mình nhất. Câu chuyện khởi nghiệp của OYO cũng là 1 bài học động lực cho lớp trẻ (http://vneconomy.vn/the-gioi/doanh-...i-1000-khach-san-o-an-do-2015090706031669.htm)


#) Tiền
Ấn Độ dùng tiền Rupees. Mình đem theo USD và đổi tiền ở các thành phố lớn của Ấn.

#) Hồ sơ
In vé máy bay, vé tàu lửa, Visa, passport bản gốc và bản photo, hình 5x5 làm visa,...

# Bản đồ
Mình dùng bản đồ offline Maps.me, kết hợp với GPS trên điện thoại Iphone

# Điện thoại
Chuyển vùng quốc tế, sang Ấn mua thêm 1 sim địa phương để xài 3G

#) Đồ đạc
+ Túi ngủ, áo mưa bộ, gối hơi, khăn đa năng, nón, bọc tay chống UV, khẩu trang, kính
+ Quần áo: di chuyển nhiều nên mình chỉ mang 4 bộ cho hành lý gọn nhẹ. Có cung Ladakh khá lạnh nên đồ ấm hơi rườm rà. Phần chuẩn bị cho Ladakh mình sẽ nói chi tiết ở bài sau.
+ Thuốc men: dầu gió, thuốc cảm, thuốc chống đau bụng,...
+ Đồ điện tử: máy hình, điện thoại, sạc, pin dự phòng,...

Mình mang 1 balo lớn để đựng quần áo và 1 balo nhỏ để bỏ đồ điện tử


# Đồ ăn
Đồ ăn ở Ấn khá khó nuốt nên mang theo ít đồ ăn Việt như mắm ruốc, nước mắm, phở gói, chà bông, sữa Ensure nước, bánh Choco-pie



#) Linh tinh:
+ Sách: Gọn nhẹ nhất là mang máy đọc sách Kindle, nhiều bạn có thói quen đọc sách trên điện thoại nhưng thói quen này khá hại mắt, mua máy Kindle tầm 3 triệu là có thể sử dụng thoải mái rồi.
+ Sticker: cái này thì tùy, thấy mấy bạn nước ngoài hay mang sang mình dán đầy nên mình cũng muốn mang hàng Việt Nam sang dán bên nước bạn ^^



Mấy Sticker siêu kute này đứa bạn bên Vietnam Outfiter tặng cho trước lúc lên đường​

Tạm thời là vậy, nhớ thêm gì mình sẽ tiếp tục cập nhật cho hoàn chỉnh.
 
Last edited:
# DAY 1: ĐƯỜNG ĐI ĐẾN ẤN

#) XUẤT CẢNH

Khi xuất cảnh cần trình Passport và Visa. Đợt mình đi có 2 sự cố liên quan đến Visa nên các bạn cần lưu ý:

1) Visa phải in cái ETA chứ không phải Application Form
Đứa bạn trong đoàn in nhầm cái Application Form nên khi làm thủ tục Check-in lên máy bay bị vịnh lại, phải chạy lên lầu trên mượn máy tính dịch vụ in lại cái ETA (sân bay Tân Sơn Nhất).

Đây là cái ETA (in ra giấy)


Đây là cái Application (không in cái này)


2) Họ tên trên Visa phải giống trong passport
Bà chị tên Nguyễn Thị Thanh B, khi nhập thông tin visa không xem kỹ nên thành ra Thanh B Nguyễn Thị, cũng bị vịnh lại ở chỗ Check-in, hãng bay đòi ký cam kết bồi thường 1500USD nếu qua bên Ấn bị trả về không cho nhập cảnh (nghe nói trước đó có trường hợp tương tự bị Ấn trả về và phạt hãng rồi). Cuối cùng nói quá nên nhân viên hãng bay mới gọi cho đại diện bên Ấn hỏi ý kiến thì được chấp nhận cho nhập cảnh. Khi làm Visa online nên xem kỹ lại thông tin trong Application Form, nếu thấy nhầm lẫn thì làm lại.


#) QUÁ CẢNH

Tùy theo hãng bay mà quá cảnh ở Kuala Lumpua hay Bangkok. Mình bay hãng Malindo và quá cảnh ở Kuala Lumpua. Mua vé trực tiếp Hồ Chí Minh - Chennai nên hãng tự sắp xếp chuyển hành lý ký gửi và nối chuyến cho phù hợp. 1 số bạn mua 2 vé riêng biệt HCM - Kuala Lumpua và Kuala Lumpua - Chennai thì chi phí có thể rẻ hơn nhưng sẽ cực công hơn vụ hành lý ký gửi và canh giờ giữa 2 chuyến cho phù hợp (máy bay delay, lệch múi giờ,...)

Dịch vụ ở sân bay KLIA ở Kuala Lumpua thì khỏi nói rồi: wifi miễn phí, nước uống tại vòi miễn phí (có thể mang theo vỏ chai nước và lấy nước uống tại đây để tiết kiệm chi phí). Sân bay KLIA hơi lạnh nên nếu quá cảnh ban đêm thì nên chuẩn bị áo ấm hoặc túi ngủ.


Sân bay KLIA​


#) ĐƯỜNG ĐI ĐẾN ẤN

Dường như ko nhiều du khách tìm đường đến Chennai, trèo lên máy bay mà tưởng đâu lạc vô xứ Ấn, thấy lẻ loi dễ sợ. May mà ngồi gần bác Ấn dễ thương nên trò chuyện cũng đỡ buồn. Bác cũng thiệt tình ghê, nghe mình nói đi vòng quanh Ấn Độ 2 tháng thì giãi nãy lên "Tụi mày hành xác chi vậy, tao trốn Ấn gần chết. Mỗi ngày được ra nước ngoài đối với tao là 1 ngày hạnh phúc. Ở Ấn bò chen oto, oto chen xe máy, xe máy chen người đi bộ... Một mớ hỗn độn ồn ào. Tụi bây đang sướng mà chui vô đó chi???" Chỉ biết nhe răng cười.

Khuya, cái lạnh thấm dần vào da thịt. Lại nghe bác kể chuyện gia đình: "Đạo tao cho phép cưới nhiều vợ, mà tao sợ nhiều vợ lắm, chúng nó quánh nhau tao ko biết binh ai, mà có khi bay vô tụi nó nổi điên quýnh tao luôn thì chết. Thôi thôi, one wife one bed, no problem". Trước giờ cứ tưởng đàn ông Ấn ghê gớm lắm. Ai dè cũng sợ cọp như mình ^^


Một bác người Ấn đạo Sikh. Đạo này coi trọng quy luật phát triển tự nhiên, vạn vật có sinh có diệt. Nên họ không cắt tóc mà khi dài thì quấn lại thành 1 chùm trên đầu.




#) NHẬP CẢNH

Mình nhập cảnh vào Ấn lúc nửa đêm nên khá vắng. Xuống sân bay Ấn điền cái form thông tin, dán hình rồi kẹp vào Passport, làm thủ tục khoảng 5 phút là xong. Dấu Visa đóng trực tiếp lên Passport luôn.


Dấu nhập cảnh và Visa vào Ấn​
 
Last edited:
BỊ LỪA Ở SÂN BAY CHENNAI

Đứa bạn nói: "Qua Ấn cỡ méo nào mày cũng bị lừa cho vài vố". Mà ai có ngờ vừa bước xuống sân bay đã bị dính, mà lại dính 1 vố thật đau.

Số là làm thủ tục nhập cảnh xong thì kiếm quầy đổi ít tiền USD sang tiền Ấn. Nhìn thấy cái quầy ngân hàng nên cũng mon men vào hỏi thử. Tỉ giá tham khảo trước khi đi là khoảng 68Rp/1USD, ngân hàng ở đây đổi tỉ giá 70 nếu dùng thẻ, chặt phí 10%. Nghe vụ phí thấy lạ lạ mà các cậu ngân hàng tư vấn ma mị thế nào lại quyết định đổi. Bị các cậu hù chỉ đổi tiền được ở đây thôi, ra ngoài không đổi được đâu, bla bla bla,... Ngu ngơ thế nào lại quyết định đổi luôn 1000$, chặt phí 10% là 100$.

Sau này tìm hiểu mới biết bên ngoài đổi tỉ giá 70 mà không mất phí. Xem như đã đi tong mất 100$ tiền ngu khi vừa đến Ấn. Ai ngờ ngân hàng trong sân bay, có hóa đơn đầy đủ mà cũng lừa mình được 1 vố ngon lành như thế. Đứa bạn phỏng đoán đổi ngân hàng tỉ giá khoảng 63, chắc sợ tỉ giá thấp mình không chịu đổi nên đẩy lên 70 rồi tìm cách chặt phí để bù lại. Haiza


Cậu nhân viên tư vấn rất nhiệt tình làm cả nhóm bị cuốn theo luôn​
 
# DAY 2: NGÀY ĐẦU Ở CHENNAI

Đến Chennai vào lúc nửa đêm nên tối qua ngủ ở sân bay luôn. Sáng bắt MRT về trung tâm Chennai. Đi lang thang tìm phòng khách sạn mà đa số chỉ dành cho người Ấn. May có 1 cái cho người nước ngoài nhưng phòng khá bẩn, thôi kệ, nghỉ ngơi chút rồi tính sau.


Trên MRT từ sân bay về trung tâm Chennai. Trạm MRT nằm bên ngoài cổng Check-out, ra đến cổng nhìn xéo bên tay trái sẽ thấy tòa nhà to ghi chữ MRT. Lưu ý phớt lờ mấy tay tài xế taxi, họ sẽ nói đủ thông tin làm mình hoang mang: MRT không chạy, hành lý cồng kềnh không cho lên tàu,... Ra cổng cứ đi thẳng đến quầy mua vé bên kia tòa nhà, giá vé là 70Rp / 1 người.




Cái nắng của Chennai gay gắt đến khó chịu, vậy mà không thấy ai đội nón, hèn chi ai nhìn cũng đen thui ^^




Bữa cơm đầu tiên trên đất Ấn. Nếm thử các loại đồ ăn thì không nuốt vô được loại nào, đành lấy chà bông ra ăn với cơm trắng.




Đặc sản của Chennai là những chiếc xe 3 bánh màu vàng gọi là Auto Rickshaw mà người ta hay gọi tắt là Auto




Ở Chennai người vô gia cư khá nhiều, vì vậy mà đi trên đường sẽ có thoang thoảng qua mùi Amoniac do những người này và cánh tài xế hay phóng bừa ra vệ đường




Một trò chơi của người dân bản địa. Mọi người lần lượt búng cái thẻ của mình đá vào cái thẻ khác sao cho chúng lọt xuống cái lỗ ở góc bàn, giống như chơi trò bida lỗ




Nghe nói Ngày trẻ em ở Ấn Độ là ngày 14/11, đúng 9 tháng sau ngày lễ tình nhân 14/2. Có lẽ chỉ là ngẫu nhiên ^^




Chiều rảnh nên đi dạo 1 vòng phố chợ South Mint Street. Một khu chợ địa phương khá nhộn nhịp




Ra chợ toàn thấy đàn ông buôn bán, đặc biệt là các hàng quán ăn. Chắc phụ nữ đang bận rộn với hậu quả ông đàn ông để lại sau ngày 14/2




Anh chàng này đang ngắm trời ngắm đất, khi thấy mình đi ngang qua thì gọi to "Hello my friend", "take picture for me"

 
Người Ấn nhìn bặm trợn vậy thôi chứ nụ cười của họ khá hiền hòa. Nhìn vào mắt họ chẳng thể nào có cảm giác lo âu



Quan niệm ở Ấn là phụ nữ đẫy đà mới đẹp. Chỉ tội cho con xe



Dạo 1 vòng quanh khu chợ địa phương mới cảm nhận được văn hóa bóp còi nó vi diệu thế nào. Người ta bóp kể cả khi không cần thiết. Kẹt xe 1 nùi mà mọi người vẫn thi nhau bóp, sợ không bóp thì mình mất phần. Thế là tiếng còi xe trở thành âm thanh cuộc sống nơi đây.



Người Ấn khá sùng đạo. Hầu như hiếm có ai không theo một tôn giáo nào. Ai cũng tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần để có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đi đâu cũng thấy màu sắc tâm linh



Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn



- Ai dẫn tui qua đường coi ???



Đang lang thang tìm đường sang Chennai Fort thì trời đổ mưa lớn. Tấp vội vào cái High court xin trú mưa, rảnh rỗi nên tám chuyện cùng các bạn cảnh vệ luôn. Những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng rộn rã tiếng cười. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở Ấn Độ bên cạnh tiếng bản địa ở từng vùng. Người Ấn vẫn thường nói "Tiếng Anh ba rọi", nghĩa là xen vài từ địa phương vào trong câu tiếng Anh, vì thế mà đôi khi câu nói rất khó hiểu. Nhớ hồi đăng ký thông tin ở khách sạn gần ga tàu, ông chủ chỉ vô dòng địa chỉ nói " You O Dau", nghe hoài không hiểu. Cuối cùng mới vỡ lẽ " You ở đâu", thì ra ổng bập bẹ được vài từ Tiếng Việt.



Chị bán trái cây xài cái cân đối trọng từ những thời xa xưa lắm, lụm cục sắt bỏ lên 1 bên để ước tính trọng lượng hàng hóa bên kia.



Nếu như Tiếng còi là Âm thanh cuộc sống thì có lẽ màu vàng là màu của cuộc sống nơi đây. Từ chiếc xe Auto cho đến những chiếc xe tải, rồi xe buýt cũng màu vàng chóe. Chennai là thủ phủ oto của Ấn Độ với hàng loạt nhà máy của các hãng xe nổi tiếng thế giới. Trước khi tới đây cứ ngỡ thành phố công nghiệp sẽ nhàm chán lắm. Ai ngờ họ vẫn còn giữ lại được nhiều nét truyền thống nơi đây.



Chennai những ngày mưa

 
#DAY 3: MỘT VÒNG CHENNAI

Kế hoạch hôm nay là thuê xe máy chạy xuống Mahabalipuram cách Chennai khoảng 60km để ghé thăm Khu quần thể kiến trúc được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vậy mà cuối cùng kế hoạch bị bể tè le hột me nên đành dạo chơi thêm 1 ngày ở Chennai.


1 cửa hàng ăn nhanh phong cách Ấn. Mọi người mua vài cái bánh và 1 ít nước sốt rồi thế cứ ngồi vỉa hè mà chấm ăn, xong lại vội vã lên đường. Có 2 việc người Ấn làm trước và sau khi ăn, đó là Rửa tay và... rửa tay. Vì người Ấn ăn bốc nên họ cần làm sạch tay trước và sau khi ăn. Nhiều người nói ăn bốc nhìn bẩn nhưng nếu so với văn hoá ăn chung nồi lẩu mà ai cũng nhúng đũa vô quậy như ở Việt Nam thì chưa biết ai bẩn hơn ai ^^




Nuốt không vô món Ấn nên đành nghĩ cách chế món Việt ăn với cơm trắng




Đã nghe nhiều về "Lời hứa Ấn" nhưng có đi mới hiểu được cảm giác nó như thế nào: nhờ anh lễ tân thuê giúp chiếc xe máy để hôm sau đi xa, anh "ok , no problem", hẹn sáng mai sẽ có. Sáng dậy hỏi thì nhận được câu trả lời "xe đang tới, chờ tao 2 phút". Thế là chờ mút mùa thiên thu Lệ Thuỷ luôn. Chờ từ lúc chưa ăn sáng đến lúc nổi điên đi ăn sáng về mà xe vẫn chưa có. Ờ thì 2 phút ở Ấn.




Hỏi thăm 1 vòng không thấy chỗ nào cho thuê xe máy nên dạo bộ một chút rồi book xe Auto đi bảo tàng. Ban đầu định đi bảo tàng Fort và thăm lâu đài mà bác tài xế hiểu nhầm nên chạy thẳng đến Bảo tàng Chennai luôn.




Vé vào bảo tàng là 250Rp / 1 người. Muốn chụp hình thì mua vé Camera mất 200Rp. Tiếc tiền nên không mua vé Camera, vì vậy chỉ chụp được mấy thứ linh tinh bên ngoài thôi. Chennai là thủ phủ của bang Tamil Nadu, một trong những bang chính ở miền Nam Ấn với văn hóa đậm chất Hindu giáo. Vì vậy bảo tàng Chennai lưu trữ rất nhiều cổ vật có giá trị văn hóa tinh thần rất cao. Đây là bảo tàng mình thích nhất trong chuyến đi Ấn, lớn hơn cả bảo tàng quốc gia ở thủ đô Delhi.




Lượn bảo tàng xong thì tìm đường ra biển chơi. Trong suốt hành trình 2 tháng ở Ấn thì chỉ mỗi Chennai là có biển. Ban đầu dự định đi 1 vòng miền Nam Ấn, đi ngược lên sa mạc Thar rồi tìm đường lên Ladakh, vì vậy mới book vé bay tới Chennai. Cuối cùng đứa bạn đòi bẻ cung lên phía Bắc đi Thung lũng hoa, vậy là chỉ dạo chơi nhẹ nhàng 2 ngày ở Chennai để biết miền Nam. Đây là bức tượng vị cha già của dân tộc Ấn.




Người dân Chennai nô đùa bên sóng biển




Một số thuyền đánh cá nhỏ




Bồ câu bay rợp trời luôn

 
Qua Ấn đừng thấy 2 chàng trai nắm tay đi tình tứ mà nói họ pede nha, coi chừng bị táng cho méo mỏ á. Văn hoá họ vậy thôi, giống như bên mình 2 em gái ôm nhau xà nẹo trên đường vậy




Dạo chơi khu chợ cá. Ban đầu cứ nghĩ bên Ấn toàn đàn ông bán hàng, đến khi ra chợ này mới có cách nhìn khác. Toàn đàn bà bán hải sản, có lẽ đàn ông họ ra khơi hết rồi.




Xoài đội vương miện




Một sạp bán rau củ trên bãi biển. Chiều về tắt nắng là hoạt động nơi này tấp nập. Từ các hàng quán bán đồ ăn cho đến các sạp rau củ quả. Có luôn các quầy trò chơi giống như hội chợ ở bên mình. Chỉ cần 1 tấm bạt lót ngồi và vài chai nước là đã có thể tha hồ 8 chuyện, hoặc cùng rủ nhau chơi những trò chơi dân dã nơi đây.






Những kẻ cướp ở Chennai. Ở Chennai gặp bò thì ít mà gặp quạ thì nhiều. Quạ bay đầy trời, xâm chiếm từng ngọn cây, cột điện, chiếm luôn thùng rác và thỉnh thoảng đi cướp đồ ăn của những người bất cẩn. Đi đường mà nghe "quạ quạ" trên đầu thì nhớ cẩn thận.




Ngồi 1 buổi chiều bên bờ biển thấy có cách nhìn khác về người Ấn. Họ đủng đỉnh một cách từ từ và đều toát lên vẽ hài lòng trong cuộc sống. Từ những cặp tình nhân ăn mặc xuề xoà đến những gia đình trung lưu khá giả, hay những người già lang thang xin từng đồng bạc lẻ. Tất cả đều có chung 1 vẻ, mãn nguyện. Chợt có suy nghĩ những người nơi đây là những người hạnh phúc nhất.




1 người vô gia cư đang chia sẻ đồ ăn cùng bầy quạ. Hết lại tiếp tục đi xin. Ai nói những người nghèo là xấu?




Vậy túm lại người Ấn có tốt không? Tôi sẽ kể cho bạn 1 vài mẫu chuyện nhỏ để bạn tự đưa ra câu trả lời.
- Khi vừa xuống sân bay thì những tài xế taxi chèo kéo chúng tôi và đưa ra thông tin sai lệch rằng tàu điện ngầm không cho chúng tôi đi đâu vì hành lý quá cồng kềnh.
- Anh chủ khách sạn nơi tôi ở tư vấn nên thuê phòng 1 ngày thôi, ngày 2 cứ gửi hành lý ở lễ tân rồi tha hồ đi chơi, tối về còn cho chúng tôi tắm miễn phí trước khi ra sân bay.
- Những người ăn xin chúng tôi gặp dọc đường chỉ lặng lẽ bước đi khi chúng tôi lắc đầu từ chối, không chèo kéo làm chúng tôi khó chịu
- Những người dân gặp trên đường có thể dễ dàng chào bạn "hello my friend" dù chưa gặp bạn bao giờ.
- Cậu nhân viên phục vụ quán nước sẵn sàng tính sai giá và còn chủ động xin thêm tiền như một điều rất đỗi bình thường
- Cô gái bất chợt gặp ở bãi biển tiến lại sát tôi và làm vài cử chỉ tôn giáo với mục đích xin ít tiền, rồi lại ngúng nguẩy bỏ đi khi chúng tôi từ chối, không quên bỏ lại vài thao tác kỳ lạ, chắc là đang trù ếm tôi
- Anh lái Auto cần mẫn đưa chúng tôi trở về nhà dù chúng tôi trả sát giá và thối lại đúng tiền thừa, không đòi hỏi gì thêm.

Vậy, người Ấn tốt hay xấu?

 
# DAY 4: TỪ CHENNAI ĐẾN HARIDWAR

Một ngày mệt mỏi khi toàn di chuyển. Sáng bay từ Chennai về Delhi rồi lại bắt Train đi tiếp lên Haridwar. Đến nơi thì đã hơn 8 giờ tối, cả thành phố như chìm trong lễ hội. Người đánh trống, người thổi kèn, rồi rước kiệu hoa đi vòng quanh các phố. Tiếng còi xe, tiếng la hét như góp phần làm mọi thứ thêm náo nhiệt. Một sự hỗn loạn khác hẳn Chennai.




Lần đầu đến sân bay Delhi. Không phải làm thủ tục nhập cảnh nên khá thoải mái. Có điều thấy mọi người ung dung vác hành lý check-out mà không ai kiểm, chẳng biết nếu "cầm nhầm" hành lý thì sao?




Từ sân bay có đường dẫn trực tiếp sang trạm MRT luôn. Giá vé về trung tâm Delhi là 60Rp / 1 người.




Xuống trạm MRT thì đi bộ sang ga tàu đối diện để bắt tàu đi Haridwar. Xe Auto ở Delhi đã đổi màu đôi chút và nhiều người đã gọi nó bằng cái tên Tuk Tuk.




Ga tàu ở Delhi. Không như nhiều người vẫn hay nói "ga tàu bên Ấn chen chúc kinh khủng lắm, tàu chạy trễ giờ tùm lum,...". Có lẽ nhờ may mắn mà ngày đầu tuần ga khá vắng, tàu chạy đúng giờ, ước gì chuyến nào cũng như thế.




Tàu hơi cũ và dơ nhưng nhìn chung cũng tạm ổn




Bên trong toa. Người Ấn đông nhưng nói chuyện khá từ tốn, không tạo nên cái chợ như mình vẫn nghĩ. Ban đầu lơ ngơ không biết, cứ đến quầy vé đưa cái booking number để nhờ đổi sang vé tàu, anh nhân viên chỉ mỉm cười "Không cần đâu, lên tàu soát vé hỏi thì cứ đưa điện thoại cho người ta dòm cái booking number là được". Khỏe ghê.

 
Về miền quê Ấn không khác Việt Nam là mấy, cảm giác như đang đi qua những đồng ruộng quê nhà. Một đường ống cấp nước đã xuống cấp. Những tia nước bắn lên vô tình thành vòi tắm công cộng cho trẻ em nơi đây




Tàu Sleeper. Nghe nói con tàu này huyền thoại lắm vì nó chạy siêu chậm nên lắm lúc lái tàu ngủ quên không kịp dừng lại ở ga. Mà bà con cũng chẳng cần đợi tàu dừng, cứ thế mà trèo lên trèo xuống thôi. Đùa đấy ^^




Người Ấn rất thích uống trà sữa, họ gọi nó là "Chai". Ngồi trên tàu mà cứ thấy các anh bán trà chạy loanh quanh: "Chai đê, chai đê". Ờ thì uống thử 1 chai




Tàu đến Haridwar lúc trời đã khá tối. Vội tìm chỗ nghĩ và nơi bán vé xe để sáng sớm mai đi Thung lũng hoa, điểm chính của hành trình trên đây.




Haridwar đang mùa lễ hội, sắc cam tràn ngập thành phố. Màu con người, hay màu của thần linh???



 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,434
Bài viết
1,152,801
Members
190,081
Latest member
anpham123
Back
Top