What's new

[Chia sẻ] [Dịch] Một dòng sông

Chào cả nhà,

Mình thích đọc sách và hay đọc các sách du lịch, thám hiểm. Mình muốn dịch và giới thiệu với mọi người một số sách "kinh điển" nhưng không quá nổi tiếng, nhất là ở VN. Cuốn Một dòng sông (One River - Wade Davis) là một trong những sách mình rất thích, dài tầm 550 trang nhưng mình chỉ ngồi đọc 2 lần là hết. Nếu được mọi người ủng hộ thì mình sẽ cố gắng dịch. Và mong mọi người góp ý chân thành với lời dịch của mình.


Giới thiệu [Amazon.com]: Năm 1974-1975, Wade Davis (tác giả) và Tim Plowman đi khắp Nam Mĩ, sống chung với nhiều bộ lạc da đỏ, thu thập cây thuốc, và tìm kiếm nguồn gốc coca, loại lá thiêng liêng vùng Andes và nguồn chiết xuất tai tiếng của cocaine. Hành trình này do người thầy và cố vấn của họ ở Harvard, Richard Evans Schultes, truyền cảm hứng và biến thành hiện thực. Schultes là nhà thám hiểm quan trọng nhất ở Nam Mĩ trong thế kỉ 20, và những kì công của ông ngang hàng với Darwin và những nhà thám hiểm tự nhiên học vĩ đại thời kì Victoria. Năm 1941, sau khi xác định danh tính của ololiuqui, loại cây gây ảo giác đã thất lạc từ lâu của người Aztec, và sưu tập được mẫu đầu tiên của teonanacatl, cây nấm thánh của Mexico, Schultes xin nghỉ phép ở Harvard và biến mất trong khu tây bắc Amazon ở Colombia. 12 năm sau, ông trở về từ Nam Mĩ. Ông đã đến những nơi mà chưa một người ngoại lai nào đặt chân đến, vẽ bản đồ những dòng sông chưa được thăm dò hay ghi tên, và sống cùng hai tá bộ lạc da đỏ. Ông thu thập được khoảng 20 nghìn mẫu thực vật, trong đó có 300 loài mới với khoa học, và ghi lại kiến thức quý giá của những shaman (tạm dịch là thầy cúng, pháp sư) bản địa. Chuyên gia hàng đầu thế giới về cây gây ảo giác, Schultes đối với các sinh viên là mắt xích sống tới một thời đã xa, khi những rừng mưa nhiệt đới còn mênh mông, bất khả xâm phạm, một chiếc áo khoác xanh trải khắp các lục địa. Đó là một thế giới đã có nhiều thay đổi lớn lao khi Davis và Plowman bắt đầu hành trình của họ, và từ đó đến nay lại biến chuyển nhiều hơn.


Một dòng sông
Thám hiểm và khám phá trong rừng già Amazon​

Lời nói đầu

Ý tưởng cho cuốn sách này hiện lên trong một phút giây buồn vô tận. Timothy Plowman là người đàn ông hào phóng, tốt bụng, khiêm tốn, và đầy danh dự; cái chết quá sớm ở tuổi 45 vì căn bệnh Aids ngày 7, tháng 1, năm 1989 đã cắt ngắn một sự nghiệp nhiều hứa hẹn. Một nhà thực vật dân tộc học xuất sắc, anh có khả năng khiến người da đỏ tin và tín nhiệm mình đến mức kì lạ. Anh còn là một học giả với năng lực khác thường, và một trong những nhà thám hiểm tinh tế nhất của thế hệ ấy. Ít ai nghi ngờ điểm này, vì anh là trò cưng của Richard Evans Schultes, nhà thực vật dân tộc học vĩ đại nhất mọi thời đại; những cuộc thám hiểm chỉ một thế hệ trước đó đã đặt ông vào đền thờ danh nhân cùng với Charles Darwin, Alfred Russel Wallace, Henry Bates, và người hùng của chính ông, nhà thực vật học và thám hiểm người Anh Richard Spruce.

12 ngày sau khi Tim qua đời, lễ tưởng niệm được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago. Lúc đó bản thân Schultes cũng đang lâm bệnh nặng, và dù ông coi Tim như con trai, vị giáo sư già đã không thể đến dự. Thay vào đó ông gửi một băng ghi âm, và tôi là người chịu trách nhiệm đưa bài điếu văn. Tôi cũng là học trò của Schultes, và Tim là một người bạn thân, dù anh hơn tôi mười tuổi. Còn hơn cả thân thiết. Hơn một năm trời chúng tôi đi cùng nhau, sống giữa một tá các bộ tộc, thu thập cây thuốc, và nghiên cứu cây coca, nguồn chiết xuất cocaine. Trong hành trình thám hiểm khắp chiều dài và bề rộng Nam Mĩ, Tim giới thiệu cho tôi kì quan của thế giới thực vật dân tộc học và cuộc đời thám hiểm phiêu lưu, giúp tôi thực hiện tất cả những giấc mơ trai trẻ.

Cái chết của Tim thực sự khó khăn với thầy Schultes, vì với sự từng trải ông hiểu rằng học trò cũng quan trọng như người thầy trong phả hệ kiến thức. Những người trong nhà thờ, các nhà thực vật học và những người bạn, ngồi im lặng khi giọng nói mệt mỏi của ông vang lên trong loa. Ông kết thúc với mấy câu nổi tiếng trong vở Hamlet: “Thế là một trái tim cao cả đã tan vỡ rồi, thái tử kính yêu ơi, xin vĩnh biệt người! Cầu xin các thiên thần cử khúc hoan tống để người yên giấc ngàn thu.” Chính lúc đó đứng trên bục diễn giả, tôi quyết định viết một cuốn sách kể câu chuyện của hai người đàn ông đặc biệt này.

Ngay từ đầu tôi đã biết sẽ không thể soạn được một tiểu sử chính xác. Tiểu sử gia đúng nghĩa, người ta nói, phải là một kẻ thù có lương tâm của nhân vật, và tôi thì lại quá gần gũi với hai người để đạt được tiêu chuẩn này. Trường hợp của thầy Schultes thì đặc biệt phức tạp. Ông không phải là người đánh dấu một thời đại; ông là một cá nhân lẩn trốn những hạn chế của thời thế để trải nghiệm một vùng đất kì lạ trên bờ thay đổi. Cuộc đời thám hiểm thực vật của ông, khu rừng che chở ông, những người bản địa và hiểu biết siêu nghiệm của họ về cây cối – đây là những chủ đề hấp dẫn. Tôi không mấy quan tâm đến những năm thành hình của ông, cũng như là trải nghiệm sau này với vai giáo sư Harvard, khi đã là chuyên gia hàng đầu thế giới về các loại cây gây ảo giác, ông khơi mào kỉ nguyên ảo giáo bằng những khám phá của mình. Tôi không muốn chỉ tập trung vào một người đàn ông đơn lẻ mà vào cả những người và những nơi đã làm ông trở nên vĩ đại, vào những thay đổi đồ sộ mà Amazon đã trải qua trong những thập kỉ từ khi ông bị nó mê hoặc đến nay.

Tôi quyết định kể 2 câu chuyện. Lời tường thuật đi theo những chuyến rong ruổi của Tim và tôi trong 15 tháng năm 1974, 1975, một hành trình không chỉ do thầy Schultes truyền cảm hứng và biến thành hiện thực, mà lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết của thầy. Bao quanh câu chuyện này là những chương tiểu sử, đánh dấu theo năm, miêu tả quãng thời gian lạ thường nhất của cuộc đời thầy, một khoảng thời gian gần như liên tục với những chuyến công tác thực địa từ năm 1936 đến năm 1953, đưa ông từ giáo phái peyote của người Kiowa và cuộc tìm kiếm teonanacatl và ololiuqui, những cây thánh đã bị mất từ lâu của người Aztec, tới vùng tây bắc Amazon ở Colombia. Ở đó, trong lúc tìm nguồn gốc của curare, ông tham gia một trong những cuộc điều tra thực vật quan trọng nhất của thế kỉ 20: săn lùng nguồn cao su dại mới, cuộc khảo sát này càng mang tính cấp bách hơn khi thế chiến 2 nổ ra.

Cuối cùng những thành tựu vĩ đại nhất của cả Plowman và Schultes đều bị bác bỏ và thậm chí là phản bội bởi chính chính phủ đã tài trợ cho nghiên cứu của họ. Miêu tả tinh tế của Tim về lá coca, một chất kích thích nhẹ và lành tính, tâm điểm của văn hóa và tôn giáo của người da đỏ châu Mĩ, và phát hiện của anh về vai trò thiết yếu của lá trong chế độ ăn uống của nông dân vùng núi Andes, chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu” với những người tận tâm bài trừ cây coca bằng chất độc, làm ô nhiễm nhiều sông ngòi chảy vào Amazon. Trong trường hợp của Schultes, hậu quả của sự quan liêu xuẩn ngốc có thể còn nghiêm trọng hơn. Phá hủy công trình trong một thập kỉ của ông, và của rất nhiều nhà thám hiểm dũng cảm khác gắn bó với chương trình cao su, những công chức đã bị người ta quên đi từ lâu của Bộ Ngoại giao Mĩ để lại cho chúng ta một di sản đáng sợ. Theo lời một đồng nghiệp của Schultes, “Thanh kiếm của Damocles* đang treo lơ lửng trên đầu thế giới công nghiệp. Chúng ta đã tạo ra tình huống mà chỉ một hành động khủng bố sinh học chủ tâm, đơn giản đến mức ngay cả bà ngoại anh cũng làm được, sẽ xúc tác khủng hoảng kinh tế ở mức độ chưa từng thấy. Không ai biết đến điều này. Tệ hơn nữa, chúng ta đã có cơ hội tránh được tất cả.”
[*Damocles là một nịnh thần dưới triều vua Dionysius II, một độc tài ở Syracuse, Ý vào thế kỉ 4 trước CN. Một lần, Damocles nịnh rằng Dionysius thật là người may mắn vì là một vĩ nhân đầy quyền lực sống trong nhung lụa. Dionysius ngỏ ý nhường chỗ cho Damocles để Damocles được nếm mùi may mắn, và Damocles nhận lời ngay lập tức. Damocles ngồi trên ngai vua, nhưng Dionysius đã cho người treo một thanh kiếm to lo lửng ngay trên ngai, chỉ bằng một sợi lông đuôi ngựa. Dionysius cho Damocles thấy những người quyền lực thì phải luôn sống trong sợ hãi như thế nào, và Damocles cuối cùng cũng phải lạy lục xin trả lại ghế vì không muốn được may mắn đến mức như vậy.]

Sự sụp đổ của chương trình cao su là thất vọng lớn đối với Schultes và khẳng định niềm tin lâu năm của thầy là hầu hết các công chức là những tên ngốc, nhưng nó không làm ông cay đắng. Ông đơn giản là bước tiếp, trở về Harvard, và ngày tháng qua đi, ông dành ngày càng nhiều thời gian cho những người sẽ tiếp tục công việc của mình. Trải nghiệm thời sinh viên của tôi không quá khá biệt. Đầu năm 1974 tôi đi vào văn phòng ông và giải thích là tôi đã tiết kiệm được một ít tiền và muốn đi xuống Amazon để thu thập mẫu cây. Tại thời điểm đó, tôi hầu như không biết gì về Amazon và lại càng không biết về cây cối. Thầy thoáng nhìn lên từ đống mẫu vật và nói, “Khi nào em muốn đi?”

10 ngày sau, trang bị với hai lá thư giới thiệu, tôi hạ cánh xuống Bogota. Chỉ một tuần sau tôi được mời đi cùng một chuyến thám hiểm thực vật, dự tính vượt vịnh Uraba để đến rừng mưa nhiệt đới Darien. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ thật thanh bình còn chuyến đi thì êm đềm lặng gió cho đến khi ra đến ngoài khơi. Gió lạnh phía bắc thổi suốt đêm, chiếc thuyền đâm dữ dội qua nước. Rồi ngay trước khi bình minh lên, cơn bão đi qua. Trời quang, và dưới sự chở che của bầu trời phương nam kì lạ đan chéo sao băng, màn đêm nhường chỗ cho ban ngày. Các hình thù dần hiện lên từ bóng tối, những con sóng xanh tròn rộng và những hòn đảo dừa. Cứ như là bước vào một giấc mơ và bắt gặp mặt biển khơi rộng mở với bờ biển ban sơ của lục địa trải dài xuống phía nam chân trời.
 
Chào bạn !

Tôi đã đọc và mong đợi được đọc thêm. Nếu không thể gửi lên phuot thì bạn có thể gửi mail cho tôi có được không ? Tôi rất muốn biết cuộc hành trình của những nhà khoa học hơn thế nữa họ còn là những nhà thám hiểm.

Tôi rất biết ơn những cố gắng của bạn !
 
Chào bạn. Mình cũng thích sách và thể loại này. Nếu được bạn cho mình cả bản tiếng Anh được không. Mình sẽ "góp ý" tốt hơn nếu có bản gốc.
 
Last edited:
Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Đợt này gần tết nên hơi bận hơn thường lệ. Để tối nay hoặc mai mình sẽ post tiếp.
Rất tiếc mình ko có bản mềm t.anh gửi cho các bạn. Nhưng nếu quan tâm trên amazon bán bản kindle $11, giá vậy cũng hợp lí vì sách rất dày (+500 trang).
 
Chương 1: Giã từ Juan

Lúc mới đến Colombia, tôi ở trong một trang trại ngay ngoài thành phố Medellin. Chủ đất là một campesino [nông dân], Juan Evangelista Rojas, ông không biết và không thể tưởng tượng được mình giàu có đến mức nào. Juan và người chị sinh đôi, Rosa, đều độc thân, và cả hai đã sống ở trang trại gần hết cuộc đời; trong khoảng thời gian đó – sáu, bảy mươi năm, không ai biết rõ – thành phố mở về phía bắc theo đường cao tốc mới tới Bogota, và các khu dân cư bây giờ quấn quanh phía chân khu đất của họ. Cơ ngơi này đáng giá hàng triệu pesos, nhưng vì lí do riêng, cả Rosa và Juan đều tiếp tục làm việc như xưa, bà Rosa thu thập thảo mộc và dỗ ngọt được vài quả trứng từ một đàn gà mặt mày buồn bã, còn ông Juan thì làm than củi, rồi bán thành từng túi cho những người nông dân qua đường trên đường Guarne. Tôi nghĩ Juan và Rosa chưa bao giời nghĩ tới việc bán bớt đất. Họ sẽ không bao giờ đồng ý xem nên bán mảnh nào, và thêm vào đó, từ căn nhà chính ở rìa rừng thông trên đỉnh nông trại, rất dễ để bỏ qua sự xâm lấn của thành phố.

Khu đất chạy theo vạt hẹp lên xuống một quebrada [hẻm núi] dốc đứng, và độ dốc lớn đến nỗi đường cao tốc mới, dù chỉ cách xa 1 dặm, nằm dưới tận 600m. Juan lúc nào cũng chạy láo nháo lên xuống sườn đồi nhặt củi hay chăm các cây trồng đa dạng và đủ loại đến ngạc nhiên: khoai tây và hành tây trong màn sương gần rừng thông, cà phê gần thác nước dưới đó 300m, nơi đại bàng biến thành bồ câu, rồi đến chuối, mã đề, và cacao ở dưới cùng, nơi mặt trời nhiệt đời nóng bỏng làm rộp cả đường cao tốc. Trí tưởng tượng của Juan thổi sinh khí và sự thần bí vào mỗi tảng đá, cành cây. Thiên thần thường xuất hiện trước mặt ông, và ông tin là những cây thánh giá được dựng lên để đánh dấu đường đưa tang mẹ ông thỉnh thoảng vẫn sáng đỏ giữa ban ngày và sáng xanh vào buổi tối. Tại một chỗ rẽ trên con đường mòn chính, nơi những người hộ tang vấp ngã và xác chết té nhào ra khỏi quan tài làm nát mấy cây mộc tặc to tướng, ông bao giờ cũng dừng lại để cầu nguyện, hoặc chí ít là làm dấu thánh. Đôi khi ông còn mang phân tới bón đất để những cái cây mảnh mai này sẽ không bao giờ phải chịu sức nặng của thần chết nữa.

Thế giới của Juan có một trật tự thật đẹp. Mọi thứ đều có chỗ của nó, và dù mảnh đất đủ rộng để ôm hết những giấc mộng của ông, nó vẫn là một không gian gần gũi. Ta có thể biết tất cả một cách tường tận. Trong một đất nước hoang dã và tả tơi, trang trại này vẫn bình yên. Mấy hôm chiều muộn khi đã xong việc, Juan và tôi lại lên đường tới một estadero [quán rượu] gần đó, ngồi trên hiên uống rượu nhìn ra những cánh đồng của ông. Phấn khích sau mấy li aguardiente [rượu mạnh làm từ mía đường] Juan nói về thế giới phía bên kia trang trại, về những năm trai tráng ông phải đi xa để tồn tại, giống như mọi người khác ở vùng nông thôn Colombia. Ông kể về việc đốn gỗ trên sông Rio Magdalena cái thời mà vẫn còn rừng để chặt, về những người bị cá sấu đen caiman ăn thịt trong đầm lầy Choco. Những câu chuyện khủng khiếp nhất là về La Violencia, cuộc nội chiến giữa phe tự do và phe bảo thủ đã hành hạ đất nước những năm 40 và đầu những năm 50, khi nhiều làng bị tàn diệt và không ai sống sót. Juan đánh cho phe tự do, hoặc ít nhất là ông đã bị quân bảo thủ bắn rồi bỏ cho chết trong một đống xác con trẻ trên quảng trường ở một thị trấn nhỏ ở Cauca. Từ đó, ông nói, mỗi khi suy nghĩ quá nhiều ông lại thấy đau. Nên ông cố không nghĩ, chỉ nhìn và thấy.

Với quá khứ nay đây mai đó của mình, Juan không thấy khó hiểu vì sao tôi ở Colombia. “Buscando trabajo,” ông giải thích với những người hàng xóm hoài nghi “Gringo [người da trắng, người Mĩ] đang tìm việc.” Thực ra, lúc đó mới 20 tuổi, tôi xuống Nam Mĩ để nghiên cứu về cây. Lá thư giới thiệu từ giáo sư của tôi, Richard Evans Schultes, khi đó là giám đốc Bảo tàng Thực vật ở Harvard, đã giúp tôi lấy được một phòng trọ ở vườn bách thảo Jardin Botanico Joaquin Antonio Uribe ở Medellin. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy thực sự thoải mái ở đó. Khu vườn, nằm phía bắc thành phố, là một tổ hợp xa hoa các tòa nhà kiến trúc tân thuộc địa, cô lập với khu dân cư xung quanh bằng những bức tường vữa xtu-cô to lớn màu trắng đội trên đầu đầy dây thép gai và mảnh kính vỡ. Bên ngoài bức tường là hàng mẫu các công trình khiêm tốn hơn xây bằng khối xỉ và bùn, mái kẽm treo dây điện thắp sáng đèn cho hàng trăm nhà thổ xung quanh khu vườn. Bên trong tường là ảo ảnh thiên đường, nhưng khu đất này ngày xưa từng là của người nghèo, và theo lời Juan, những chiếc ao tĩnh lặng với huệ tây và cói gió đã từng nhuốm đỏ máu nạn nhân La Violencia.

Vậy nên mặc dù vẫn giữ phòng ở thảo cầm viên, tôi thích sống với Juan hơn, và chính ở trang trại này tôi bắt đầu những cuộc xâm nhập đầu tiên vào thế giới thực vật. Lúc đầu những lần đi lang thang của tôi rất ngẫu nhiên. Colombia có ba nhánh của dãy Andes xòe ra phía bắc về phía đồng bằng Ca-ri-bê rộng mở, có thung lũng màu mỡ Cauca và Magdalena, có những đồng cỏ bao la vùng llanos [đồng bằng] phía bắc và những cánh rừng bất tận Choco và Amazonas, đó là đất nước đa dạng nhất về mặt sinh thái và địa lí trên trái đất. Một nhà tự nhiên học chỉ cần quay chiếc la bàn là đã tìm được cây cối và thậm chí là động vật chưa được khoa học biết đến. Những tháng vừa qua tôi đã vài dịp đi tới rừng mưa nhiệt đới ở bắc Antioquia, qua vịnh Uraba tới Acandi và Darien, và về phía nam tới vùng núi Huila. Tại trang trại Juan đã quen với chuyện đến rồi lại đi của tôi, và ông luôn hân hoan chờ đón những lần tôi trở về.

Cuộc sống trong trang trại vẫn diễn ra như thường. Đó là một thời kì vô tư ở Medellin, mùa xuân năm 1974. Các cartel bắt đầu nổi lên, nhưng không ai biết bằng cách nào, và không ai nhận ra chúng sẽ trở nên bẩn thỉu và khát máu đến mức nào. Phần lớn người Mĩ còn chưa nghe đến từ cocaine. Những người đã nghe đến thì coi đó là một cô em gái ngọt ngào, vô hại. Ngay phía bên kia rừng thông là một con đường nông thôn, đi vài giờ thì tới Rio Negro và nông trại nơi Carlos Lehder một ngày sẽ dựng lên đế chế của hắn, hoàn thiện với bức tượng John Lennon kì lạ, chìa ra trên sườn đồi của hacienda [trang trại lớn] như thứ đồ trang trí trùm đầu. Không ai có thể tưởng tượng được hắn sẽ trở nên giàu có đến mức nào, và cuối cùng thì bị tống giam trong nhà tù Miami, nhốt đến suốt đời. Việc buôn cocaine, thời đó, vẫn nằm trong tay của những kẻ phiêu dạt tự do, những người như cô bạn Nancy hàng xóm, một tay lướt sóng người California khó nắm bắt, sống một mình và làm dân địa phương choáng váng với vẻ đẹp và cầu vồng cô tô trên mắt mỗi sáng. Có mấy hôm chủ nhật, ngay khi Juan và tôi bắt tay vào một ngày mới trong vườn, những tay chơi nhạc xuất hiện với vali đầy cocaine và xin phép chơi đàn guitar tới đêm. Juan thường chào đón họ rồi lẩn vào rừng đến thác nước, nơi có dương xỉ và sương mờ, nơi cây cối quyết định tâm trạng và ông cảm thấy tự do.

Juan có một người anh trai, Roberto, làm nghề mộc, người duy nhất mà tôi biết tính đến sức gió trước khi đóng đinh. Một chiều nọ, Roberto đang giải thích cho tôi nghe khi Juan mang điện tín mà tôi đã đợi từ lâu đến. Ông bắt gặp chúng tôi nện búa vào mái chuồng lợn mới. Điện tín do Tim Plowman gửi, một nghiên cứu sinh mới tốt nghiệp của giáo sư Schultes. Tim vừa mất cả tháng mòn mỏi ở Barranquilla, một thành phố công nghiệp cực nóng và buồn thảm, cãi nhau với hải quan vì bằng thủ thuật lạ lùng họ quả quyết rằng họ là chủ của chiếc xe tải pickup mà Tim chuyển từ Miami xuống phía nam. Dĩ nhiên, Tim cuối cùng cũng thuyết phục được họ anh mới là chủ xe và anh đã sẵn sàng bắt đầu những chuyến thám hiểm thực vật. Tôi sẽ phải gặp anh trong 3 ngày nữa tại phòng trọ Residencia Medellin ở Santa Marta, một cảng biển đầy nắng trên bờ Ca-ri-bê 60 dặm về phía đông Barranquilla.

Juan chớp ngay lấy cơ hội. Để đến được bờ biển tôi sẽ phải đi qua cái làng mà ông biết trên sông Rio Magdalena; ông muốn tôi mua hoặc bắt một con gấm để ông huấn luyện thành tiêu điểm của rạp xiếc. Đó là ý tưởng đã có từ lâu. 40 năm trở lại đây chưa từng có một con gấm nào ở vùng đó trong thung lũng Magdalena. Juan chắc chắn là có biết, nhưng ông vẫn giữ chặt lấy giấc mộng ấy như một con sao sao. Như mọi campesino, Juan có hàng tá kế hoạch làm giàu, những kế hoạch phức tạp đến mức không tưởng và chẳng liên quan gì đến hiện thực đời sống thường ngày của ông.

Khi tôi chuẩn bị cho chuyến đi thì cũng Juan chuẩn bị để tôi lên đường. Người Colombia không bao giờ có chuyện ra đi tùy tiện, và Juan không thể tưởng tượng được là tôi sẽ đi xa mà không dành cả buổi chiều ở estadero. Các anh chị em của ông – và đó chính là lúc ta phát hiện rõ ràng nhất có bao nhiêu người tất cả – ai cũng hùng biện chắc như đinh đóng cột về viễn cảnh của chuyến đi, những triển vọng và mối nguy hiểm; sau mỗi lời dự đoán là một lần cạn ly làm ban trưa trở nên mềm mại với sắc màu hoàng hôn. Trời trở chiều cùng những cơn động đất đáng sợ, những ghềnh thác hiểm trở, những chuyến tàu gặp nạn, các phép phù thủy, núi lửa, mưa lụt, những căn bệnh quái dị không rõ căn cơ, và những tên lính lừa đảo quỷ quyệt hành xử như chó hoang. Trộm cắp rình rập ở mỗi ngả đường chỉ trừ trên phía bắc. Ở đó, tất cả đều là trộm cắp.

“Cuộc đời là một li nước trống rỗng.” Juan nói. “Ta là người quyết định đổ đầy nó nhanh đến mức nào.” Bao giờ cũng vậy, Rosa bắt đầu khóc. Đó là hiệu lệnh. Phải đi nhanh hoặc lên kế hoạch khác cho đêm đó. Lần này, bất chấp tất cả, tôi kéo được cái thân mình và Juan ra khỏi estadero, lên chiếc flota [xe khách] rung lên bật xuống ầm ầm trên con đường đất tiến về thành phố, để lại Rosa và hai người chị gái khác mắt đỏ hoe gào khóc trong bụi.
 
[tiếp] Ở Colombia, không có lịch tàu, chỉ có tin đồn. Sách hướng dẫn du lịch nói không có tàu chạy từ Medellin ra phía bờ Ca-ri-bê. Nhưng tôi thì khá chắc là có tàu và cố hết sức để đến ga vào một giờ có lí đối với Juan. Ước đoán của ông chỉ cho tôi đủ thời gian để chạy qua thảo cầm viên, lấy thư và một số dụng cụ khác, rồi đánh vật với giao thông và đám đông thành phố. Chia tay nhau ở nhà ga, tôi hứa với Juan không được thật lòng lắm là tôi sẽ cố hết sức để tìm con mèo rừng cho ông. Tôi nói tính sẽ về trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Ông rất vui và nói gì đó về chuyện xây chuồng. Tôi nói đó là một ý tốt. Không ai trong chúng tôi hay là tôi sẽ đi xa trong nhiều tháng và đường đến bờ biển chỉ là chặng đầu của một hành trình gián đoạn kéo dài 8 năm, đưa tôi đến những dải đất xa xôi và khó tới nhất của lục địa.

Tàu chạy về phía bắc qua những vùng ngoại ô trải dài lộn xộn của Medellin rồi vào vùng đất trồng trọt màu mỡ ở Antioquia. Trong ánh sáng mờ dần và qua chiếc cửa sổ rạn nứt phủ đầy bụi và dấu vân tay, tôi chỉ nhận ra được sườn trang trại của Juan phía trên Copacabana, và phía bên kia, dãy núi Cordillera Central hiện bóng đen tuyền phía chân trời. Trong tàu hành khách dần ổn định cho chuyến đi 30 tiếng đến bờ biển – trong đó có khoảng một tá lính nghĩa vụ, những campesino vẫn còn tươi mùi đất và khói. Được ru bằng tiếng lách cách nhịp nhàng của bánh tàu và tiếng mưa độp độp đều đặn trên mái kim loại, nhiều người ngủ ngay sau khi tàu rời ga. Có người bật radio, và một bài hát ngốc nghếch chào mừng việc xây cầu cao tốc nhấn chìm một tá giọng nói Tây Ban Nha nho nhỏ. Tôi thấy một tấm biển đóng phía sau chiếc ghế ngồi trước mặt. Biển yêu cầu hành khách văn minh và ném rác ra ngoài cửa sổ.

Thò tay vào túi bạt cũ kĩ kéo ra đống thư, tôi nhanh chóng lật qua cho tới khi thấy thư thầy Schultes gửi nằm chờ tôi ở Thảo cầm viên. Như mọi thứ khác về thầy, nó ngấm đầy tông nâu đỏ, từ câu từ, chữ viết tao nhã, đến giọng điệu của lá thư, vừa gần gũi vừa trang trọng như thư của một quý ông thời Victoria. Thầy Schultes hi vọng rằng trong tương lai Tim Plowman sẽ thay thầy làm giám đốc Bảo tàng Thực vật, giống như thầy đã kế thừa vị trí đó người thầy hướng dẫn, chuyên gia phong lan nổi tiếng Oakes Ames. Vì thế, khi Tim nhận bằng, thầy Schultes liền bổ nhiệm anh làm phụ tá nghiên cứu, và họ cùng nhận được khoản tiền 250.000 đô la từ Bộ Nông nghiệp Mĩ – một khoản tiền khổng lồ lúc bấy giờ - để nghiên cứu coca, loại lá thiêng liêng của vùng Andes và nguồn chiết xuất tai tiếng của cocaine. Đối với một nhà thực vật dân tộc học, đó là một nhiệm vụ trong mơ.

Trong ba trang thầy Schultes phác thảo chi tiết của chuyến thám hiểm dự kiến. Dù lâu nay là tâm điểm của quan ngại cũng như sự cuồng loạn trong công chúng, thầy viết, thật đáng ngạc nhiên là người ta biết rất ít về coca. Ngồn gốc thực vật của những loài thuần hóa, thành phần hóa học của lá, dược lý học của việc nhai coca, vai trò của cây này trong dinh dưỡng, phạm vi địa lí của các loại được cấy trồng, mối quan hệ giữa cây trồng và cây dại – tất cả đều vẫn là ẩn số. Thầy nói thêm rằng chưa có một nỗ lực tổng thể nào để ghi chép lại vai trò của coca trong tín ngưỡng và văn hóa người da đỏ vùng Andes và Amazon từ thời W. Golden Mortimer xuất bản tác phẩm kinh điển Lịch sử Coca năm 1901. Bức thư tiếp tục theo phong cách không thể lẫn vào đâu được của thầy Schultes – thầy nhắc đến những chính trị gia và chính sách xuẩn ngốc, kể về một trong những cây phụ gia với coca mà thầy phát hiện năm 1943, chiêm nghiệm về chuyện thầy thích nhai lá coca như thế nào trong những năm ở Amazon – nhưng điểm cốt yếu thì đã rõ. Chỉ thị của chính phủ Mĩ cho Plowman, và thầy Schultes đã cố tình giữ nó mập mờ, là đi khắp dải Andean Cordillera, băng qua núi bất cứ khi nào có thể, đến sườn montaña [núi] để định vị nguồn cây người da đỏ coi là lá thánh của sự bất tử.

Chuyến thám hiểm sẽ bắt đầu ở Santa Marta. Chặn bởi đầm lầy hôi hám vùng đồng bằng Magdalena về phía tây và sa mạc khắc nghiệt của bán đảo La Guajira về phía đông, thành phố này vẫn luôn là thiên đường của bọn buôn lâu, đường dẫn này có lẽ đã từng trung chuyển một phần ba số ma túy buôn lậu của Colombia. Nơi đây nổi tiếng là nhếch nháng, ầm ĩ về tối, gà gật về sáng, và đậm mùi thối nát tất cả các giờ trong ngày. Nhưng ngay ngoài thành phố về phía đông nam là một thế giới khác: dãy Sierra Nevada de Santa Marta, dãnh núi ven biển cao nhất thế giới. Cắt rời khỏi phần cực bắc của dãy Andean Cordillera - tạo thành biên giới với Venezuela về phía đông, dãy Sierra Nevada là một khối núi lửa cô lập, hình dạng tam giác, mỗi cạnh dài khoảng một trăm dặm và cạnh đáy chạy dọc bờ biển Caribe. Mặt bắc của dãy núi dựng thẳng từ biển lên đến độ cao 5790m chỉ trong vòng 30 dặm, độ dốc chỉ kém dãy Himalayas.

Thổ dân trên dãy Sierra là người Kogi và Ika, hậu duệ của nền văn minh Tairona cổ đại từng phát triển rực rỡ ở đồng bằng ven biển Colombia 500 năm trước khi người châu Âu đặt chân tới đây. Columbus gặp họ trong chuyến du hành thứ ba và từ đó, người da đỏ chống lại những kẻ xâm lược bằng cách rút từ đồng bằng ven biển phì nhiêu lên cao đến những dải đất bất khả xâm phạm của dãy Sierra Nevada. Trong một lục địa nhuốm máu họ là những người duy nhất chưa từng bị chinh phục.

Là dân tộc mộ giáo sâu sắc, người Kogi và Ika lấy sức mạnh từ Mẹ Vĩ đại, một nữ thần trông coi việc sinh nở. Các con bà cả trai lẫn gái tạo nên một tập thể các vị thần ở cấp thấp hơn, và từ đó sản sinh ra nòi giống cổ xưa của người da đỏ. Đến tận ngày nay Mẹ Vĩ đại vẫn ngụ trong lòng thế giới, trong những bãi băng tuyết trên núi cao Sierra, đích đến của người chết, và trong nguồn sông suối mang lại sự sống cho cánh đồng của người sống. Nước là máu của Mẹ Vĩ đại, cũng như đá là nước mắt của tổ tiên. Trong phong cảnh thiêng liêng nơi mỗi cành cây ngọn cỏ là hóa thân của thánh thần, nhai hayo, một loại coca chỉ có ở vùng núi Colombia, là tượng trưng sâu đậm nhất của văn hóa. Khoảng cách trên núi không được đo theo dặm mà theo lần nhai coca. Khi hai người đàn ông gặp nhau, họ không bắt tay, họ đổi lá coca. Lý tưởng xã hội là chay tịnh không ăn, ngủ, hay quan hệ tình dục để thức suốt đêm nhai lá hayo và ca tên tổ tiên. Mỗi tuần đàn ông nhai khoảng 450 gram lá khô, như vậy suốt quãng đời trưởng thành mỗi ngày họ hấp thụ đến 1/3 gram cocaine. Vào vùng Sierra nghiên cứu coca, Tim đang tìm đường vào chính tâm điểm sự tồn tại của người da đỏ.

Bức thư này của thầy Schultes, tôi đọc trong ánh đèn vàng heo hắt khi con tàu gào rú, đâm vào rồi lại lao khỏi đường hầm suốt dãy Cordillera Andean. Nó như một bản đồ giấc mơ, một bản vẽ phác họa về hành trình mà chính thầy sẽ thực hiện nếu vẫn còn trẻ và có khả năng. Nhưng đã gần 60, cơ thể mòn mỏi từ nhiều năm trong rừng nhiệt đới, đã lâu rồi thầy không còn sức làm công tác thực địa. Có một sự căng thẳng nhất định trong lời thầy viết, một cảm giác giục giã đến từ nhận thức về những hạn chế của thầy cũng như về tốc độ biến mất và bị tàn phá của rừng. Theo ý này, lá thư của thầy vừa là quà tặng vừa là lời thách thức. Không thể đọc thư mà không nghe thấy giọng nói vang vang của thầy, không cảm thấy trào lên sự tự tin và có mục đích, thường đối lập lạ lùng với với đặc tính mật truyền của nhiệm vụ trước mắt. Đây có lẽ là chìa khóa sức lôi cuốn của thầy Schultes đối với sinh viên. Thầy có cách làm những cuộc săn đuổi thực vật lạ lùng nhất trở nên có ý nghĩa. Bất kì lúc nào thầy cũng có sinh viên tỏa ra trên khắp Mĩ Latinh tìm những loại quả mới trong rừng, những cây cọ dầu vô danh từ vùng đầm lầy Orinoco, các loại cây thân củ hiếm có vùng thượng Andes. Dưới sự dẫn dắt của thầy, không hiểu sao người ta thấy hoàn toàn có lí cho dù có đi lạc trong các hẻm núi tây Mexico truy lùng những loại peyote mới, khổ sở vì lạnh và ướt vùng nam Andes tìm những dạng đột biến của cây evil eagle, hay dấu mình dưới tầng hầm của Bảo tàng Thực vật tìm cách tốt nhất để uống nọc độc cóc người ta đồn là chất men say trong lễ nghi của người Olmec cổ đại.

Kì tích trong ngành thực vật học của chính thầy đã đi vào truyền thuyết. Năm 1941, sau khi nhận diện ololiuqui, loài gây ảo giác đã mất từ lâu của người Aztec, và thu được những mẫu đầu tiên của teonanacatl, loại nấm thánh của Mexico, thầy xin nghỉ phép một kì ở Harvard và biến mất vào vùng rừng Amazon tây nam ở Colombia. 12 năm sau thầy trở về từ Nam Mĩ sau khi đã đặt chân lên những vùng đất chưa một người ngoại lai nào đến, vẽ bản đồ những dòng sông chưa được thám hiểm và đặt tên, và sống giữa hai tá bộ lạc da đỏ trong khi sưu tầm khoảng 20 nghìn mẫu thực vật, trong đó có 300 loài mới với khoa học. Chuyên gia hàng đầu thế giới về cây gây ảo giác và cây thuốc từ Amazon, đối với các sinh viên thầy là mắt xích sống tới các nhà lịch sử tự nhiên học vĩ đại thế kỉ 19 và tới một thời đã xa, khi những rừng mưa nhiệt đới còn mênh mông, bất khả xâm phạm, một chiếc áo khoác xanh trải khắp các lục địa.
 
Tại thời điểm đó khi công chúng vẫn còn ít quan tâm tới rừng Amazon và gần như không có sự thừa nhận nào về tầm quan trọng của thám hiểm thực vật dân tộc học, thầy Schultes kéo tới tới Harvard một nhóm sinh viên cực kì hỗn độn. Thầy thiết triều trên tầng bốn Bảo tàng Thực vật trong phòng giảng Nash Lectural Hall, một phòng thí nghiệm bằng gỗ phủ bằng vải vỏ cây và lộn xộn đầy ống xì đồng, giáo mác, mặt nạ nhảy múa, và hàng tá các lọ thủy tinh lấp lánh các loại hoa quả không còn có trong hoang dã. Các tủ bằng gỗ sồi tao nhã bày tất cả những loại cây gây ảo giác hay ma túy đã được biết đến và các đồ dùng cá nhân kì lạ - tẩu hút thuốc phiện từ Thái Lan, vòng cổ bằng đậu mescal thiêng liêng của người Kiowa, một thanh hashish nặng 1 cân được bày sau chuyến đi của thầy Schultes tới Afghanistan. Giữa đống dược tễ ảnh hưởng đến não bộ đủ để Cơ quan bài trừ ma túy DEA bận rộn cả năm, thầy Schultes xuất hiện, cao to chắc nịch, ăn mặc dè dặt quần áo vải flanen xám, chân đi giày buộc dây kiểu oxford đế dày, chiếc caravat Harvard màu đỏ luôn dưới áo thí nghiệm màu trắng. Mặt thầy tròn và phúc hậu; tóc cắt ngắn, kính hai tròng không gọng ấn chặt. Thầy giảng bài từ những trang rách nát, vàng theo tháng năm, thỉnh thoảng lại nói lẫn ngộ nghĩnh, sinh viên vẫn đùa là tác dụng phụ từ việc đã ăn quá nhiều cây lạ. Mới mùa thu năm trước thầy đang luận trong lớp về một loại thuốc mới được chiết tách lần đầu năm 1943. “Đó là 14 năm về trước,” thầy nói thêm, “và chúng ta đã đi một chặng đường dài.” Những trường hợp sơ suất như vậy rất dễ được bỏ qua, khi được thốt ra từ một vị giáo sư đáng kính hiền hậu thổi ống xì đồng trong lớp và đã từng giữ trong văn phòng một xô núm peyote cho sinh viên dưới dạng bài tập thí nghiệm tự chọn.

Trong những năm 60, khi nước Mĩ phát hiện ra loại ma túy mà thầy Schultes đã bị mê hoặc trong 30 năm, danh tiếng của thầy nổi như cồn. Bỗng chốc những bài báo khoa học phủ đầy bụi sau hàng thập kỉ trong thư viện được yêu cầu tới tấp. Sách của thầy năm 1941 về cây bìm bìm hoa tím tác động thần kinh, “Đóng góp cho hiểu biết về Rivea Corymbosa, cây ma túy Ololiuqui của người Aztecs” đã được xuất bản bằng máy in xếp chữ tay trong tầng hầm của Bảo tàng Thực vật. Mùa xuân và thu năm 1967, yêu cầu xin bản sao đổ về bảo tàng, và người bán hoa trên cả nước bị cháy hàng hạt cây bìm bìm hoa tím, đặc biệt là loại có tên Ngọc môn và Xanh thiên đường. Những người lạ bắt đầu tìm đến bảo tàng. Một cựu nghiên cứu sinh kể chuyện gặp thầy Schultes lần đầu và thấy hai vị khách khác chờ ngoài văn phòng thầy, một trong số họ giết thời gian bằng cách đứng trên đầu như một yogi.

Thầy Schultes là lựa chọn kì cục để trở thành biểu tượng những năm 60. Quan điểm chính trị của thầy cực kì bảo thủ. Không theo đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thầy tự nhận theo dòng bảo hoàng và tuyên bố không tin vào cuộc cách mạng Mĩ. Khi kết quả bầu cử tổng thống được in trên báo địa phương của thầy, tờ Melrose Gazette, luôn có một phiếu cho nữ hoàng Elizabeth II. Tự hào là người Boston nhưng thầy không muốn dây dưa gì với một gia đình vùng New England. Thầy không sử dụng tem hình Kennedy, khăng khăng gọi tên sân bay Kennedy thành phố New York bằng tên gọi nguyên gốc là Idlewild, và không đi trên Đại lộ Boylston ở Cambridge khi giờ tên nó đã chính thức đổi thành Đại lộ John F. Kennedy. Khi Jackie Kenedy đến thăm Bảo tàng Thực vật, thầy Schultes biến mất. Người ta đồn rằng thầy giấu mình trong chiếc tủ đựng đồ trong văn phòng để không phải dẫn bà đi thăm khu trưng bày.

Thầy Schultes kế thừa quan điểm chính trị từ gia đình bảo thủ của mình và từ Oakes Ames, người đứng đầu Bảo tàng Thực vật khi thầy còn là sinh viên. Một nhà quý tộc Boston, gia đình Amess phát tài nhờ bán xẻng sắt trên miền Tây hoang dã. Ames là một học giả kiểu cũ, có địa vị xã hội vững chắc, tự đại theo bản năng, luôn khinh thị làn gió thay đổi dân chủ quét qua nước Mĩ trong những năm đầu của thế kỉ này. Thầy Schultes, cha thầy có một tiệm hàn chì gia đình cỡ nhỏ, thần tượng Ames và hấp thụ những ý tưởng và ý kiến của ông.

Phần lớn những quan niệm chính trị này đã lỗi thời khi được Ames rèn ra từ cả thế kỉ trước. Dù thầy Schultes thành thật tin như vậy nhưng chúng thực chất chẳng có gì giống với bản năng dân chủ sâu sắc của thầy trong cuộc sống. Như một cậu bé loạng choạng trong chiếc áo khoác của người cha, thầy Schultes nhại lại một cách vụng về, có khi ngốc nghếch, và luôn buồn cười những giá trị phản động của một tầng lớp thống trị đã biến mất từ lâu.

Những niềm tin bướng bỉnh này, thầy nắm chặt một cách cứng nhắc, làm người ta hiểu lầm sự đúng đắn và tốt bụng trong tâm căn của người đàn ông ấy. Thầy Schultes khinh thị cho các đảng viên Dân chủ tự do và việc thầy coi thường chính phủ - thầy vẫn gọi Franklin Delano Roosevelt là tên xã hội chủ nghĩa – có gốc rễ từ sự tận tụy hết mình tới tự do cá nhân. Về những vấn đề trực tiếp liên quan đến lựa chọn cá nhân – định hướng tình dục, nạo thai, sử dụng ma túy, tự do tín ngưỡng – thầy hoàn toàn theo tự do chủ nghĩa. Sự tận tụy của thầy đối với những học trò đang chật vật đã thành huyền thoại. Nhiều năm thầy đi quanh nước Mĩ sử dụng những lí luận ít ai biết tới về phân loại học để trả lại tự do cho hàng tá những người trẻ tuổi bị buộc tội tàng trữ cần sa.

Lí luận của thầy đại loại như sau: Theo luật thì cần sa là bất hợp pháp, nhưng cho tới mới đây, khi người ta phải đổi luật để đánh bại cuộc viễn chinh của thầy Schultes, đạo luật theo tên gọi chỉ cấm Cannabis sativa. Thầy Schultes nói rằng có ba loại cần sa, trong đó có Cannabis indica và Cannabis ruderalis. Là người làm chứng chuyên môn, thầy sẽ làm chứng rằng không có cách nào để phân biệt các loài chỉ với mẫu pháp lí. Điều đó đặt trách nhiệm lên bên khởi tố phải chứng minh một cách hợp lí chắc chắn rằng một túi nhụ hoa nghiền nát là Cannabis sativa chứ không phải họ hàng thực vật của nó. Vì ngay cả các nhà thực vật học cũng không thể đồng ý xem có bao nhiêu loài, theo định nghĩa đây là nhiệm vụ bất khả thi. Dĩ nhiên nó là một màn kịch tuyệt vời, với thầy Schultes và đoàn tùy tùng một bên và dàn hàng chống lại thầy là một nhóm các nhà thực vật học đầy căm phẫn, thường là những người ghen tị với danh tiếng của thầy, điên tiết với lập trường về ma túy, và công khai khinh thường quan điểm phân loại của thầy.

Trong thực tế, chứng cứ cho lập trường của thầy Schultes không được rõ ràng. Marijuana là loài cây đa năng đã được sử dụng hơn 5 nghìn năm làm dầu, thức ăn, ma túy, thuốc, và chất sợi. Biến đổi hình thái dẫn đến việc thầy công nhận 3 loài khác nhau rất có thể là kết quả của lựa chọn phi tự nhiên. Tuy nhiên trong thời điểm đó khi cảm xúc lên cao vì các sinh viên trẻ bị tống giam vì tội hút một loại thảo mộc vô thưởng vô phạt, tất cả những chi tiết hàn lâm đó đều không quan trọng. Quan trọng là khả năng kì lạ của thầy Schultes mở toang phòng xử án và thả tự do cho các sinh viên. Điều này, cũng như tất cả những điều khác mà thầy làm, góp phần tạo nên danh tiếng thần thoại của thầy trong trường Harvard.
 
Last edited:
Mình có vài cuốn sách mua bên Mỹ khi đi bên đó hồi 2006, nếu bạn thích mình có thể tặng bạn để đọc và dịch. Để khi nào mình về nhà lấy sách giới thiệu sau nha.
 
sách tên gì vậy bạn? nếu bạn cho thì mình rất cảm ơn, vì rất thích sách. Còn dịch giờ chỉ là dịch chơi thôi, vì thấy rất nhiều sách hay nhưng lại không được dịch và xuất bản ra tiếng Việt.

[tiếp, hết chương 1] Những thái cực tính cách, những mâu thuẫn lớn bề ngoài trong tính nết thầy tạo ra khoảng không gian có đủ chỗ cho tất cả phát triển. Sinh viên của thầy có từ những người bảo thủ ít nói, các học giả nghiêm chỉnh tới một nhóm lạ kì hơn bị cuốn vào nghiên cứu cây gây ảo giác của thầy. Theo danh tiếng sinh viên giỏi nhất và không nghi ngờ gì cũng là học trò cưng của thầy là Tim Plowman. Tôi đã gặp Tim một lần, rất ngắn gọn, khi tôi vào phòng làm việc của anh dưới tầng hầm Bảo tàng Thực vật và thấy anh giấu mình trong một rừng cây sống. Anh cao gầy, đẹp trai một cách ấn tượng, tóc nâu sẫm, ria mép rộng, và nụ cười ấm áp. Văn phòng của anh có không khí một phòng trà gypsy, những tấm thảm đông phương trên sàn, khăn lụa tô màu các tán đèn, mốc mốc mùi nhang và dầu patchouli. Tôi không nhớ vì sao lại đến gặp anh. Tôi nhớ trong góc phòng có một phụ nữ xinh đẹp ở trần tới thắt lưng đang đánh máy bản thảo. Tên cô ấy là Teza. Cô là một nghệ sĩ sống cùng Tim. Sau này anh xuất bản tranh cô vẽ minh họa cho những loài thực vật mới mà anh phát hiện được. Đó là những bản vẽ duy nhất làm tôi cảm được gió trên giấy vẽ.

Tim đến bảo tàng làm sinh viên cao học năm 1966, và ngay cả trước khi anh chính thức nhập học, thầy Schultes gửi anh xuống Amazon. 2 năm sau ở Iquitos, một thị trấn miền trũng vùng thượng Amazon ở Peru, anh gặp và thấy rất hợp gu với Dick Martin, một học trò khác của thầy Schultes, và cùng nhau họ thỏa thuận với một hãng mờ ám gọi là Công ty Thuốc tự nhiên Amazon, công ty cấp cho họ một con thuyền và quyền tự do tìm cây thuốc dọc sông Rio Napo. Hai người cùng sưu tầm cây vài tháng, cho đến khi giám đốc nghiên cứu của công ty dược đến và ít quan tâm đến cây cối hơn là đến nơi ẩn giấu của Che Guevara. Khi đã rõ là ông ta thậm chí còn không phân biệt được hoa cúc và cây cọ, Martin và Plowman bỏ việc ngay và rời Iquitos.

Martin là nhà thực vật học duy nhất mà tôi biết còn mang cả saxophone đi thực địa. Ban ngày anh và Tim thu lượm không biết mệt, rồi đến tối Dick biến mất vào các quán bar và nhà thổ ở các khu định cư trong rừng và thổi đàn sax tới sáng. Có lúc ở thượng lưu sông, Martin bỏ đi lang thang và gần như suốt đêm Tim nghe tiếng nhạc ai oán mềm mại lẫn với những tiếng ám ảnh của rừng nhiệt đới. Thầy Schultes luôn nhắc tới Martin như một thiên tài. Thầy thường kể về cú điện thoại từ đồng nghiệp phàn nàn về một sinh viên cao học vẽ nghí ngoáy suốt các tiết giảng của lớp phân loại cao cấp. Thầy Schultes xem xét vấn đề và phát hiện thực ra Martin đang ghi chú bằng tiếng nhật.

Câu chuyện yêu thích của thầy Schultes về Tim là một lần ngộ độc suýt chết xảy ra ít lâu sau khi Plowman và Martin chia tay sau đợt ở Iquitos. Lúc đó Tim đang lần theo dấu vết tìm chiric sanango, Brunfelsia grandiflora, một loại cây thuốc quan trọng trong họ nhà khoai tây được dùng khắp vùng tây bắc Amazon để trị sốt. Anh đã đi lên phía bắc đến Colombia và ở thung lũng Sibundoy liên hệ được với Pedro Juajibioy, một thầy chữa bệnh da đỏ người Kamsa. Hồi còn nhỏ, ông đã dắt thầy Schultes lên vùng thượng Putumayo. Tim và Pedro lần lại chuyến đi đó, tới gặp một nhóm da đỏ Kofan trên sông Rio Guamues mà thầy Schultes đã đến thăm năm 1942. Người Kofan gọi cây ấy là tsontiba”k”á. Một học trò khác của thầy Schultes, Homer Pinkley đã dành cả năm sống cùng bộ lạc này năm 1965 và viết rằng shaman vẫn có lúc ăn cây để chẩn đoán bệnh. Quan sát của ông xác nhận những lời tường thuật khác từ thế kỉ thứ 19 cho rằng cây này có thể gây ảo giác. Plowman muốn biết. Ở Santa Rosa trên sông Rio Guamues anh tìm thấy chiric sanago thường được trồng trong vườn nhà, nhưng anh cũng gặp một shaman già khác, ông ta mang cho anh từ rừng một loại hiếm nhưng có liên quan gọi là heo vòi vì sức mạnh bất thường của cây thuốc. Plowman ngay lập tức nhận ra đây là một loài mới, sau này anh đặt tên cho nó là Brunfelsia chiricaspi, theo một từ Quechua nghĩa là cây lạnh. Anh nhờ ông già chuẩn bị thuốc. Người shaman từ chối. Ông coi cây ấy là một sứ giả nguy hiểm của rừng và chối về việc biết dùng cây để đạt ảo mộng. Tim kiên quyết. Cuối cùng người shaman miễn cưỡng đồng ý và với điều kiện Pedro cũng uống thuốc do ông chuẩn bị.

Thuốc này, chiết từ vỏ cây, có màu nâu đục và đắng khó nuốt. Tim cảm nhận được hiệu ứng chỉ trong vòng 10 phút: một cảm giác đau nhói như kim châm như khi máu dồn xuống các chi đã tê đi. Chỉ có điều trong trường hợp này cảm giác ngày càng tăng mạnh đến độ muốn điên loạn, lan từ môi và ngón tay xuống đến tâm người, rồi đi lên xương sống tới phần chân hộp sọ theo từng đợt lạnh làm ngộp tất cả các giác quan ý thức. Hơi thở anh quỵ dần. Hoa mày chóng mặt, anh mất hết khả năng kiểm soát cơ và ngã xuống nền đất bùn trong túp lều của người shaman. Hoảng sợ anh nhận ra mình đang sùi bọt mép. Một tiếng trôi qua. Tê liệt và khổ sở vì đau bụng quằn quoại, anh chỉ lờ mờ biết là mình ở đâu - trên mặt đất, đối mặt với ba con chó gầm gừ đánh nhau trên đống anh nôn mửa đã lan thành vũng quanh đầu.
Người shaman, nhận thấy tình cảnh của anh, làm đúng điều mà các shaman thường làm trong hoàn cảnh tương tự: Ông đi ngủ. Tuyệt vọng muốn thoát khỏi cảm giác ấy, nửa mù vì thuốc và không thể đi được, Tim và Pedro loạng choạng bò qua rừng trong hai tiếng và cuối cùng, lúc bình minh gần lên, họ đến được làng San Antonio và ở lại trong một nhà tù bỏ hoang. Khi ánh nắng xuống đến khu rừng, họ trườn vào võng và nằm bất động 2 ngày. Pedro Juajibioy, đã có cả nghìn chuyến bay tâm linh trong những năm tháng làm thầy lang chữa bệnh, kết luận về lần ấy một cách ngắn gọn: “Thế giới quay quanh tôi như một bánh xe to màu xanh. Tôi tưởng mình sắp chết.”

Con tàu xóc lên xóc xuống, chốc chốc dừng lại ở các vùng quê trông thật trống trải. Nhưng luôn có tiếng nói trong bóng tối và thỉnh thoảng lại có ánh sáng le lói từ miếu thờ. Ở mỗi nhà ga những người bán hàng rong nhảy lên và đẩy mình qua các toa tàu đông đúc, bật lên tiếng lầm bầm phản đối từ những hình thù nép mình trên lối đi. Trong một ngày một đêm tôi sống bằng arepas [một loại bánh] ngô, bằng pho-mát sữa quấn trong lá chuối, và những li tinto nhỏ, một loại cà phê đặc như si-rô mà đáng ra cần bán bằng kim tiêm. Trông có vẻ là một vùng đất giàu có, sườn phía bắc này của dãy Cordillera. Những ngôi nhà quét vôi trắng hiện ra trong bóng tối có mái ngói phủ hoa giấy, và trên hiên nhỏ các campesino trông giống hệt Juan tụ tập bất kể giờ giấc để uống rượu và chơi bài. Hình như lúc nào cũng có một người đứng đơn độc, bất động như xác chết, đôi mắt trống rỗng được chiếc fedora cũ và chiếc chăn le che khuất khỏi bóng đêm.

Phải đổi tàu ở Barrancabermeja, một cảng nhỏ trên sông Rio Magdalena. Giữa đêm, trời nóng và ẩm. Hương đầu tiên của vùng đất trũng, hơi ẩm, và dòng chảy chậm chạp của dòng sông tìm đường quanh giá đỡ đường tàu, mang theo những mảnh rừng ra biển. Trên sân ga hành khách đi lại bất định lộn xộn những gói với thùng. Mưa rơi ấm áp, và dưới mái treo, ba thằng bé chân trần ngủ dưới tấm bìa các-tông. Trông coi chúng là một thằng bé khác, cũng chân trần, nhưng nó đứng trong một đôi giày da to quá vài cỡ. Trông như là đôi giày là của tất cả bọn trẻ. 10 tiếng nữa mới đến bờ biển, và chưa gì những tia chớp nổ lặng lẽ đã để lộ ra những vòm cây bông gòn khổng lồ.
 
Chắc là mệt rồi hay sao?
Mấy cuốn luôn. Giới thiệu hai cuốn trước.
1. An untold story by Elliott Roosevelt and James Brough.
2. Journey to Forever by Carol Steward.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top