What's new

Ấn Độ - yêu ghét lao xao

Vẫn còn như đang hít hà mùi cà ri và bánh roti...

Vẫn còn như phải thu mình lại để khỏi ai thấy và hỏi han mình từ đâu tới. Cảm giác phải hít thở một cách e dè để giảm thiểu lượng bụi, khói xe và phân bò nhập vào phổi vẫn còn đâu đó.

Namaste India! Cuối cùng thì tiểu lục địa ấy cũng đã in dấu vài bước chân tôi, nhỏ nhoi nhưng không lẻ loi. 15 ngày qua nhanh trong vài lần chớp mắt, lần lượt từng địa danh lướt qua, vùng Tây Bắc – Trung Bắc Ấn trải dài qua nhiều bang đã khai phá chúng tôi bằng quá nhiều ngỡ ngàng, để rồi giờ đây Ấn Độ đã trở thành một phần của miền ký ức, cứ mãi lao xao trong đa tầng thanh âm hữu sắc, không lẫn không tan.

Chuẩn bị trong 6 tháng thì chúng tôi lên đường, hành trang chỉ là tham khảo từ những bài viết của các bạn trên phuot, lận lưng đầy đủ vé tàu, booking khách sạn, các điểm cần tham quan… cùng với tâm niệm thử xem Ấn Độ sẽ thay đổi chúng tôi như thế nào như lời cảnh báo vẫn thường có, “one thing is certained: no one leave India unchanged”. Cũng là lần đầu tiên tôi tham gia đi bụi đoàn thể vì tính chất điểm đến không phù hợp với xu hướng dễ va phải rủi ro của tôi.

Trốn Tết, ngày 26 tháng Chạp, tạm biệt mẹ già con thơ, tôi đặt chân lên tiểu lục địa miền Nam Á bao la đó…

Delhi – như bao thủ đô khác

Nhập cảnh tại sân bay Netaji Subhas Chandra Bose của Kolkata nhưng do tiếp tục bay đến Delhi nên mãi khi đến sân bay Indira Gandhi thì tôi mới tự cho rằng mình đã đến Ấn Độ. Mudras, ngôn từ của bàn tay, thay lời muốn nói cho mọi tôn giáo, mọi sắc tộc của đất nước có bề dày văn hóa lịch sử tôn giáo bắt nguồn từ thời cổ đại, chào mừng bạn đến để thỏa nguyện giấc mơ được trải nghiệm...



Đến nơi đâu thì chúng tôi đều thốt lên câu “Không thể tin được rằng mình đã đến nơi đây”. Thủ đô Delhi cũng không là ngoại lệ. Cú shock đầu tiên khi bắt gặp hàng dài đàn ông đứng tè ngay đầu ngõ vào guesthouse làm tôi thoáng bần thần. Biết thừa họ ăn ở mất vệ sinh bừa bãi, nhưng đi vệ sinh ngoài đường mà còn được xây từng ô cho tiện lợi thế kia thì quả là “văn hóa tè” cũng có bản sắc, chưa kể cách đó chỉ vài tấc là một hàng bán thức ăn. Để rồi những ngày sau đó, khi hình ảnh này lặp đi lặp lại quá nhiều trên phố, tôi luôn nhắc lại cụm từ “tè có tổ chức” cùng các bạn của tôi.

Guesthouse Smyle Inn nằm sâu trong lòng phố cổ Paharganj, cho tôi cơ hội được khám phá miền xưa cũ Old Delhi từ những gì căn bản nhất. Lặn lội qua từng con ngõ hẹp xuyên qua khu chợ tràn ngập sắc màu rau dưa hoa quả, cuộc sống của tầng lớp người nghèo trong xã hội phải mưu sinh qua những gánh hàng rong, lao động chân tay… lọt hết vào nhãn quan tò mò của tôi. Thôi thì người nghèo ở đâu cũng khổ, nhưng cái khổ của lớp người bần cùng trong xã hội ở Ấn làm tôi tặc lưỡi nhiều hơn, dường như họ sống vậy đã quá lâu rồi nên chỉ việc mải miết trầm mình trong sự nghèo đói lạc hậu đó mà không ý thức được rằng có một thế giới giàu có hơn văn minh hơn vẫn đang vần chuyển song hành cùng họ. Ai sống phận nấy, đôi khi tôi thấy sự tồn tại của bò và dê còn hiển hiện hơn bao kẻ vô gia cư vẫn hằng đêm rúc mình trong chăn co ro ít oi trên phố, để rồi tôi, khách viếng thăm, khẽ đến rồi đi và giữ lại trong lòng chút gợn, hơn bao giờ hết thấy cuộc đời mình vẫn huy hoàng sáng tươi lắm.

Tôi không hề chụp bất cứ ảnh nào của những người vô gia cư, chỉ vì những hình ảnh mắt tôi lưu được cũng đã đủ nặng lòng. Đây chỉ là những người nằm trong ga đợi chuyến tàu đêm, cám cảnh đời tôi đêm đó cũng phải vạ vật như thế này vì tàu đến trễ hơn 5 tiếng nên mới giơ máy lên chụp.



Một góc Delhi hoa lệ rực rỡ đèn xe tại Connaught Place, trái tim của New Delhi. Cũng có rất nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng được bày bán tại đây, shop san sát shop, bar pub rất nhiều nhưng tôi không dám vào thử.



Trong lòng phố cổ Paharganj, cũng là khu backpacker ở Delhi.



Ấn Độ trong ký ức trẻ thơ của tôi qua phim ảnh, cho dù có cách đây mấy mươi năm, thì vẫn là một vùng trời đầy sắc màu, và đúng thế, nơi đây mọi hình ảnh trình chiếu trước mắt bạn đều sử dụng hệ PAL, SECAM hay NTSC 443/558 gì đó tôi không rõ, nhưng tất cả đều rất sống và động, chắc khó lòng mà tìm được phim trắng đen tại đây.











 
Nếu không có Saree, nếu không có khăn trùm đầu Hindu, chắc em nghĩ chị đang chụp ảnh ở Jakarta.
Xem ảnh xong mà cứ ngỡ mình đã đến nơi đó, chị Pink có công nhận nó cũng nhộn nhạo giống Jakarta không nhỉ? (Mà có khi còn nhộn nhạo hơn?!)
Người cần lao ở đâu cũng khổ, người nằm đợi tàu thì ở đâu cũng giống nhau. Hình ảnh người nằm chờ tàu đêm chị chụp, cũng giống hệt hình ảnh em chụp tại ga Hua Lamphong 1 đêm tháng 2 vừa rồi. Nằm ngủ, ngồi ngủ đủ cả. Chung quy rằng, khổ thì ở đâu cũng giống nhau. Nhưng chắc thôi không đăng lên đây, ngõ hầu thể hiện sự tôn trọng với họ, chị nhỉ? Và biết đâu, tháng 4 tới, khi em cũng vạ vật 1 đêm ngủ sân bay KLIA2, bà con nhà phượt mà chụp được thì cũng đừng đăng cái mặt em lên diễn đàn, coi như tôn trọng em, vậy nhá.
Chờ bài chị viết.
 
Trước khi tiếp tục câu chuyện về hành trình của tôi trên đất nước này thì cho phép tôi được xúc tích kể xấu con người cái đã nha, để lâu sợ tôi nguôi giận, lại không nói xấu họ một cách hào hứng được nữa.

Trên dọc đường đi, tôi tiếp xúc với nhiều người lắm, nhưng chủ yếu chỉ là đàn ông vì phụ nữ tầng lớp thấp ở Ấn Độ hoàn toàn chỉ ở nhà. Đàn ông ra đường buôn bán lao động làm tất cả mọi việc, kể cả việc tụm năm tụm ba trên phố ăn hàng nhiều chuyện họ cũng làm thay cho phụ nữ. Vì đi du lịch nên chắc tôi chỉ có cơ hội va chạm với những người chạy kiếm cơm ngoài đường, còn các tầng lớp khác thì chỉ thi thoảng nên những gì tôi kết luận dưới đây hoàn toàn chỉ mang tính chất cục bộ, đừng nghĩ tôi đánh đồng toàn bộ dân tộc họ như thế thì oan cho tôi lắm.

Người Ấn Độ xấu xí trong mắt tôi như thế này đây:

- Ranh ma lươn lẹo xảo trá: Tôi đi ngang qua tiệm đổi tiền tại Agra, hỏi tỷ giá bao nhiêu, ông chủ bảo 6200, tôi trở về khách sạn cách đó đúng 10 bước chân lấy tiền đem ra đổi. Đưa cho tôi 6100, hỏi tại sao, trả lời rằng tỷ giá vừa xuống, tại sao mày không đưa tiền cho tao đổi ngay lúc tao báo tỷ giá 6200. Lửa giận bốc cao, tôi có hét lên rằng "tao không bao giờ tin người Ấn nữa". Mà thật, thà giết lầm còn hơn bỏ sót!

- Lề mề rà rề: Mỗi lần check in vào khách sạn là phải làm hàng đống thủ tục như ghi sổ đăng ký từng chi tiết nhỏ như họ tên, ngày sinh, số hộ chiếu, số visa, ngày đến Ấn Độ, ngày ra khỏi Ấn Độ, thành phố trước đó, thành phố tiếp theo, tên bố, ký tên... Rồi phải đưa hộ chiếu cho copy, rồi lại bắt ký tên vào cái bản copy đó nữa. Bực ở chỗ họ không làm một lèo cho xong, mà cứ làm xong phần này thì xọ qua chuyện khác hỏi han hồi lâu sau mới đưa phần giấy tờ khác ra bắt làm tiếp. Mất gần cả tiếng đồng hồ cho việc check in cũng không xong. Đa phần khi đến được khách sạn là người đã nhũn vì mệt, khuyến mãi cho cái công đoạn lằng nhằng này làm chỉ muốn đốt *beep* nó cái khách sạn cho rồi.

- Tò mò nhiều chuyện: Cứ đi trên phố mà thấy người nước ngoài là nhất định phải hỏi mày là người nước nào, nếu được trả lời thì sẽ lấn sang hỏi tiếp chuyện khác, nếu không có câu trả lời thì họ sẽ đoán dài dài "China hả, Thailand hả, Japan hả, Korea hả...?". Lúc đầu tôi còn lịch sự trả lời, riết rồi mắc chán nên cứ phán "as you like", mấy bạn muốn tui tới từ đâu cũng được ha. Đỉnh điểm là có một thằng bé cứ lẽo đẽo theo tôi ở Fatehpur Sikri tại Agra, nó hỏi gì tôi cũng chẳng buồn trả lời, hỏi một hồi không được gì nó buông một câu "mày có bị gì không, câm hả?". Trời ơi là trời. Mà đặc biệt người Ấn Độ đa số không biết, không nghe đến Việt Nam bao giờ. Anh bạn chung đoàn khi được hỏi "người TQ hả", ảnh liền trả lời "không phải TQ, kẻ địch của TQ thôi" :))

- Thô lỗ: Bạn tôi nhờ guesthouse mua giùm simcard đt, ông chủ guesthouse Smyle Inn ở Delhi trả lời rằng sau 1 ngày mới kích hoạt được sim nha. Tôi hỏi tại sao tôi mua ở sân bay thì chỉ 5 tiếng là được, ông chủ bảo "vậy mày đi ra sân bay mà mua đi cho nhanh". Chỉ biết câm nín.

- Gian manh côn đồ: Bọn mình bị đi nhầm ga tàu nên gấp gáp di chuyển sang ga tàu khác. Một đám tài xế taxi chụp hết hành lý của bọn mình bỏ lên xe của họ, bọn mình đứa này cứ tưởng đứa kia đã trả giá rồi, đến khi leo lên xe thì bọn họ nói tụi bây trễ rồi, có muốn bắt kịp tàu không. Ra một cái giá gấp 5 lần giá bình thường, đồng ý luôn thì giang hồ Ấn Độ mới trở mặt, đưa tiền đi rồi xe mới chạy, không tiền thì khỏi đi đâu hết. Hận.

- Háo sắc từ thằng nhỏ 10 tuổi trở đi: Vào tiệm mua khăn, mua xong một đống khăn ông chủ đưa cho thằng bán hàng 10t bảo gấp cho các chị đi, nó ôm đống khăn ra góc ngồi ngoắc tay mặt tình tứ bảo tôi "ngồi xuống cạnh tao đi rồi tao gấp khăn cho mày". Sôi cả ruột.

- Tham lam, khoác lác vô độ: Đi taxi giá 600, phải bốc lên bốc xuống vài cái valy lên nóc xe, đến nơi bảo tao phục vụ tụi bây cực quá, trả tao thêm 100 đi. Tụi mình nói hết tiền rồi, có lấy 600 không thì bảo, rồi cũng phải chấp nhận thôi. Đi rickshaw giá 500, lúc mới lên xe bạn tài xế ríu ra ríu rít kể chuyện tui là cử nhân, tui đi du lịch đủ các nước châu Âu rồi giờ mới về nước thất nghiệp tạm lái rickshaw, tụi mình hẹn 1 tiếng trở ra, ra trễ 20p cũng định bụng là tip thêm 50 nữa, bạn ấy dằn dỗi bảo tụi bây như thế không phải người tốt, trả thêm 100 nữa đi.

Riêng 2 cậu bé này lại là điểm sáng trong nhận thức của tôi về người Ấn Độ. Hai cậu chặn đường tôi tại Qutub Minar ở Delhi, tự giới thiệu là học sinh được tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển di tích này bằng cách hướng dẫn miễn phí cho du khách. Hai cậu thông thuộc mọi chi tiết về nơi này và liến thoắng giành nhau mà nói. Thân thiện, nhiệt tình, đáng yêu, cảm ơn thật nhiều nhé hai chàng trai nhỏ!

 
Ha ha không cần phải đi Ấn mới biết là phải dè chừng với dân Ấn đâu bạn. Dân làm ăn đều biết thuật ngữ "Indian bargain": trả giá "mua 100 cái mày bớt hết mức nghe, xong rồi hả giá thấp nhất rồi hả, tao mua một cái làm mẫu với giá này. nếu tốt mai tao sang mua 100 cái :D "
Khôn quá ăn hết của người khác
 
Ấn Độ sẽ thử thách sự kiên nhẫn của bạn một cách tột cùng, lúc nào cũng làm mình căng như dây đàn. Ở Ấn không thể nhanh được, mọi thứ đều chậm rãi mặc dù bề ngoài có vẽ vội vả như thế nào đi chăng nữa.
 
Trở lại với Delhi, là thủ đô của đất nước tỷ dân này từ năm 1947, là đô thị đông dân thứ hai và là thành phố ô nhiễm bậc nhất trong nước. Không ô nhiễm sao được khi mà có quá nhiều phương tiện cơ giới cùng các loài động vật như bò, dê, chim, chó... cùng tham gia lưu thông trên đường. Ở Delhi chúng tôi chủ yếu di chuyển bằng metro vì hệ thống tàu điện ngầm ở đây phát triển tốt, có nhiều line tỏa đi khắp hướng và có trạm gần tất cả các điểm tham quan. Vào giờ cao điểm, tốt nhất là nhảy lên toa dành riêng cho phụ nữ để khỏi chịu cảnh cá mòi ướp cà ri, các bạn trai thì chịu khó chen lấn vậy. Điểm đặc biệt của metro Delhi là màn kiểm soát an ninh, từ người cho đến giỏ xách. Nam nữ xếp hàng riêng để rồi được sờ nắn sau khi mua vé xong và cảnh này sẽ tái hiện mỗi khi bạn vào tham quan bất kỳ điểm du lịch nào ở Ấn Độ. Căng thẳng đến nỗi chúng tôi không khi nào dám hé miệng nói từ “bomb” nhạy cảm ở chốn đông người. Chắc không cần phải nói thêm về nỗi đau của những biến cố xảy ra trên đất nước này được xưng danh vì những bất hòa tôn giáo chính trị sắc tộc chi chi đó, nhưng nó thật sự rõ rệt và ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp sống nơi đây.



Swaminarayan Akshardham Temple, điểm tham quan đầu tiên làm chúng tôi nản lòng ngao ngán vì chính sách an ninh và bảo toàn công trình được thắt chặt bằng cách phải gửi tất cả vật dụng cá nhân bên ngoài đồng thời không được chụp ảnh. Công trình này mới được xây dựng chỉ trong 5 năm và hoàn thành vào năm 2005. Miễn phí vé vào cửa. Tòa nhà trung tâm lộng lẫy tráng lệ không hề có cốt thép, bên ngoài là đá sa thạch hồng, bên trong là đá cẩm thạch trắng được điêu khắc với rất nhiều hình tượng trong tôn giáo, văn hóa và kiến trúc Hindu do phân nhánh Swaminarayan làm chủ. Ngôi đền này được xem là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Ấn Độ qua mấy ngàn năm nay, giới thiệu nét tinh túy trong kiến trúc cổ của Ấn Độ cũng như thể hiện các truyền thống và những thông điệp tâm linh vô hạn. Tôi ngẩn ngơ đắm chìm trong cuộc hành trình khám phá xuyên qua những nét vinh quang trong nghệ thuật, những giá trị và những đóng góp của Ấn Độ cho sự tiến bộ, cho hạnh phúc và sự hài hòa của nhân loại. Vì không hiểu được hết tinh thần của đạo giáo, cũng như không có kiến thức về các đấng tối cao được thờ tụng nơi đây, tôi chỉ thầm ngưỡng mộ người Ấn trên tinh thần đức tin cao độ, niềm xác tín, tinh thần phó thác trong sự tin tưởng vững vàng vào các đấng tối cao và những chân giá trị mà từng đạo giáo mang lại cho họ.

Hình ảnh sưu tầm cho đủ tính chất trực quan sinh động vì họ không cho chụp ảnh ở đây



Jama Masjid lại là nơi đem lại một sự xấu hổ không hề nhỏ cho chính chúng tôi. Vì nơi đây không bán vé vào cửa nhưng lại thu phí máy ảnh, ban đầu chúng tôi chỉ mua có 2 vé vì phí cũng không rẻ (300INR/máy), để rồi sau đó mải vui lại quên nên vận dụng hết điện thoại máy ảnh trong người đem ra chụp choẹt. Các anh Islamic xuất hiện ngay khi chúng tôi bước chân vào tòa nhà thánh đường, đòi lục soát tất cả túi xách hòng chứng minh chúng tôi gian lận vé. Chúng tôi sai nhưng thái độ hằn học hung hăng với du khách của các bạn cũng làm chúng tôi thấy các bạn xấu xí đi ít nhiều. Là thánh đường lớn nhất Ấn Độ vì có thể chứa đến 25000 người, là công trình cuối cùng của quốc vương Shah Jahan xây từ năm 1650-1656 (1644-1658?) bằng đá sa thạch đỏ và đá cẩm thạch trắng. Phải tiêu tốn 1 triệu rupiee vào thời đó, và sự lao động khổ sai của 5000 nhân công, ngày nay Jama Masjid vẫn sừng sững giữa lòng Old Delhi như một minh chứng hùng hồn về Triều đại Hoàng Kim của vị đại đế Mughal thứ 5 lừng danh này, là một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất của nền văn minh Ấn Độ khi ông đã để lại cho đời bao tuyệt tác kiến trúc.

Cổng vào phía Đông thì phải, tôi quên rồi. Jama Masjid có thể nhìn thấy được từ xa trong phạm vi bán kính 5km vì cao độ lớn hơn hẳn các công trình khác trong khu vực.



Tường thành bao quanh, nổi bật với màu đỏ



Công trình phụ, chỉ có đá sa thạch đỏ



Thánh đường chính, tất cả các chi tiết đều đặc thù kiến trúc Mughal, dễ dàng bắt gặp tại rất nhiều công trình khác cùng thời.




Bên trong thánh đường chính, là một sự hợp nhất của đá đỏ và đá trắng, hai nhân tố chính của kiến trúc Mughal. Đá nhưng không hề cứng nhắc vì lớp viền mềm mại như đăng ten cổ tích kia.



Các ký tự khắc trên cao được trích từ kinh Koran. Che dấu dưới lớp thảm sàn kia là các ô đá trắng được viền trang trí bằng đá đen, mô phỏng như một tấm thảm dành cho các giáo dân dùng khi cầu nguyện. Có tổng cộng 899 tấm thảm đá như thế tại đây.



Hơn 400 năm, vẫn nguyên như mới



Toàn cảnh Old Delhi trên cao nhìn từ tháp cao 40m. Minaret cũng là một công trình phụ đặc trưng của những công trình kiến trúc Mughal, ở Jama Majid có 2 minaret đối xứng. Bên trong là cầu thang xoắn ốc 130 bậc cầu thang, leo lên leo xuống cũng tốn không ít năng lượng.

 
Trước khi tiếp tục câu chuyện về hành trình của tôi trên đất nước này thì cho phép tôi được xúc tích kể xấu con người cái đã nha, để lâu sợ tôi nguôi giận, lại không nói xấu họ một cách hào hứng được nữa.

Người Ấn Độ xấu xí trong mắt tôi như thế này đây:
- Tò mò nhiều chuyện: Cứ đi trên phố mà thấy người nước ngoài là nhất định phải hỏi mày là người nước nào, nếu được trả lời thì sẽ lấn sang hỏi tiếp chuyện khác, nếu không có câu trả lời thì họ sẽ đoán dài dài "China hả, Thailand hả, Japan hả, Korea hả...?". Lúc đầu tôi còn lịch sự trả lời, riết rồi mắc chán nên cứ phán "as you like", mấy bạn muốn tui tới từ đâu cũng được ha. Đỉnh điểm là có một thằng bé cứ lẽo đẽo theo tôi ở Fatehpur Sikri tại Agra, nó hỏi gì tôi cũng chẳng buồn trả lời, hỏi một hồi không được gì nó buông một câu "mày có bị gì không, câm hả?". Trời ơi là trời. Mà đặc biệt người Ấn Độ đa số không biết, không nghe đến Việt Nam bao giờ. Anh bạn chung đoàn khi được hỏi "người TQ hả", ảnh liền trả lời "không phải TQ, kẻ địch của TQ thôi" :))

Đọc đến đoạn này lại nhớ chuyện mình xin visa On arrival.
Số là một lần đi Ấn, vì chán cảnh cứ phải bò từ HP lên HN xin visa, rồi phải nhờ bạn lấy visa dùm gửi về HP nên mình quyết định xin visa On arival, chấp nhận thiệt hại so với xin từ VN là 17USD (Visa on arrival: 60USD, visa tại VN - thông báo của ĐSQ là 40USD mà lần nào mình cũng phải nộp 43USD). Đến sân bay Mumbai lúc 6h tối, chỉ có duy nhất 1 mình mình là xin visa On arrival, quầy thủ tục trống không, mình phải hỏi han bao nhiêu người thì mới có 1 bạn xuất hiện.
Bạn 1: nhân viên hải quan - hỏi mình 1 lô 1 lốc câu hỏi như kiểu điều tra lý lịch, sau đó là sao mày đi chơi nhiều thế, chắc thu nhập cao lắm, bla bla...
Bạn 2: sếp bạn 1, sau khi bạn 1 hỏi xong thì chạy vào gọi bạn 2, bạn 2 ra hỏi mình các câu hỏi tương tự bạn 1, sau đó 2 bạn đưa mình form xin Visa on Arival để mình điền.
Bạn 3: cảnh sát sân bay, sau khi điền xong form, bạn 3 đi ra hỏi mình các câu hỏi tương tự bạn 1+2
Bạn 4: Sau khi các bạn không còn gì để hỏi thì bạn 1 hay 2 (mình không nhớ nữa) dẫn mình vào văn phòng, để cho sếp lớn hỏi, ông này hỏi ít hơn rồi mình phải điền vào sổ, một bác khác dẫn mình đi nộp tiền ở bank của sân bay, sau đó quay lại thì các bạn cho visa. Mình dự đinh ở 9 ngày các bạn cho mình 10 ngày, lý do là sợ mình bị trục trặc chuyến bay về nên cho thêm 1 ngày. Tổng thời gian để xong cái visa là khoảng 3hrs.
Chắc thời điểm đó rất ít người VN xin Visa on arrival Ấn Độ, lại còn là nữ đi 1 mình nữa. Nhưng mình công nhận các bạn Ấn vô cùng nhiều chuyện.
 
@ Mấy bữa đi công tác thấy bài đầu tiên _ giờ mở ra vẫn chưa nhìu nhìu thông tin! Chủ thớt viết nhanh nhanh đi ah,,,
 
Từ Jama Masjid nhìn thẳng ra là trục đường chính của khu chợ Chandni Chowk, có Red Fort chia sẻ phía bên kia, mỗi bên hùng cứ một đầu con đường. Chandni Chowk nghĩa là “quảng trường ánh trăng”, là một trong những ngôi chợ lâu đời và nhộn nhịp nhất Delhi. Được quốc vương Shah Jahan (lại là Ông) xây dựng vào thế kỷ 17 khi ông dời đô từ Agra về Delhi dựng nên kinh đô của đế chế Mughal, khởi thủy Old Delhi được gọi là Shahjahanabad, do con gái yêu của ông là công chúa Jahan Ara thiết kế, bây giờ vẫn là chợ bán sỉ lớn nhất Ấn Độ. Ngày nay Chandni Chowk mịt mờ trong khói bụi, còn đâu dáng hình trăng khuyết bên bờ sông Yamuna của các dãy cửa hàng được dựng lên trong thời kỳ vàng son ngày ấy. Vẫn còn mang trong lòng sứ mạng chính là nơi giao thương sầm uất bậc nhất xứ kinh kỳ, khu chợ còn thực thi trọng trách dấu ấn thời gian, nét xưa cũ tỏa lan trong từng con ngõ hẹp, khiến người đi vào cứ mãi ngẩn ngơ lạc lối trước những gian hàng ngập tràn hàng hóa địa phương đượm đầy sắc màu và hương vị.

Đường phố nhếch nhác bụi bay mịt mù, nhà cửa cũ kỹ nhộn nhạo



Những sắc màu hoa góp nên hồn chợ



Tôi như muốn chết chìm trong các hàng gia vị, các loại hạt và hoa quả khô. Quá đẹp, quá rẻ và quá ngon.



Hương vị này theo tôi mải miết trong mười mấy ngày. Chen chúc đứng trong metro vài chặng trong ngày thôi mà buổi tối về áo vẫn vấn vương hương cà ri đậm đặc





Đây là loại trà được dùng để pha trà chai, món trà sữa gặp ở hang cùng ngõ hẻm, họ cứ đun sôi bột trà này lên cùng với sữa tươi, đường và gừng.



Chúng tôi không có nhiều thì giờ để thử các loại đồ ngọt nổi tiếng tại đây, trải nghiệm bằng mắt chưa đủ để thỏa mãn trí tò mò cho lắm.



Ngõ ngách mang hồn xưa cũ



Cấm đậu xe à, cứ đậu đấy thì đã làm sao



Phương tiện chính dạo chợ, rickshaw đạp. Các bác đạp rickshaw này cũng rắc rối ghê gớm, báo giá theo đầu người nhé, cho chắc ăn chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại giá đấy là cho cả xe 4 người hay sao, cứ yes yes ok come nhưng đi xong rồi lại cãi giá đấy từng người, chúng mày làm sao coi cho được thì làm

 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,598
Bài viết
1,153,936
Members
190,146
Latest member
sportifiles
Back
Top